Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 528/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2017

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TẠI HỘI NGHỊ SƠ KẾT CÔNG TÁC SẮP XẾP, ĐỔI MỚI CÔNG TY NÔNG, LÂM NGHIỆP NĂM 2015-2017, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP ĐẾN NĂM 2020.

Ngày 28 tháng 10 năm 2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì Hội nghị Sơ kết công tác sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp năm 2015-2017. Tham dự có Lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Nội vụ, Lao động -Thương binh và Xã hội, Công Thương, Quốc phòng, Công an, Ủy ban dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Ủy ban kinh tế của Quốc hội, Ban kinh tế Trung ương, Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, và đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước có công ty nông, lâm nghiệp và các công ty nông, lâm nghiệp.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả thực hiện năm 2015-2017, những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai, nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2020, ý kiến của lãnh đạo các Bộ, tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương, Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước có công ty nông, lâm nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ kết luận như sau:

1. Thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12 tháng 3 năm 2014 của Bộ Chính trị, Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã quan tâm, tích cực triển khai, thực hiện, đặc biệt là từ sau hội nghị sơ kết tháng 7 năm 2016 và đã đạt được một số kết quả bước đầu. Các văn bản pháp luật hướng dẫn liên quan được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ đã tạo khuôn khổ pháp lý cho tổ chức, kiểm tra và giám sát thực hiện.

Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt hầu hết các Phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp của các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước. Công tác sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp đã được triển khai khá tích cực, thông qua nhiều hình thức khác nhau, hiệu quả hoạt động, doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp sau sắp xếp được nâng lên; sử dụng đất hiệu quả hơn, chuyển giao các diện tích đất ngoài quy hoạch của doanh nghiệp về cho địa phương tạo quỹ đất để giải quyết cho đồng bào dân tộc ít người, đồng bào sống tại các địa bàn khó khăn. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Phương án tổng thể sắp xếp đã được Thủ tướng phê duyệt còn rất chậm. Nhiều địa phương chưa rà soát, bàn giao đất về địa phương theo quy định. Việc chuyển đổi mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên còn lúng túng. Cổ phần hóa, giải thể doanh nghiệp còn chậm. Nhiều tồn tại về tài chính, đất đai chưa được xử lý dứt điểm.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên có nguyên nhân khách quan, như lĩnh vực nông lâm trường có nhiều vấn đề phức tạp do lịch sử để lại, tồn tại trong thời gian dài, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, trong đó đáng chú ý là: Nhận thức của một số cán bộ địa phương, doanh nghiệp chưa đầy đủ nên chưa dành đủ thời gian và nguồn lực để chỉ đạo và thực hiện quyết liệt hơn; sự phối kết hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa tốt; phương án tổng thể của một số địa phương xây dựng chưa sát thực tế còn phải điều chỉnh; lúng túng trong tổ chức thực hiện.

2. Một số mục tiêu chính trong thời gian tới.

- Năm 2017: Hoàn thành việc điều chỉnh phương án tổng thể và kế hoạch về sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp.

- Năm 2018: Hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp trên phạm vi cả nước.

- Năm 2019: Thực hiện kiểm toán trên phạm vi cả nước về công tác sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp.

3. Tổ chức thực hiện.

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp theo quy định, kịp thời đề xuất tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện theo chuyên đề: Đất đai, cổ phần hóa, chuyển thành công ty TNHH hai thành viên trở lên, xử lý tồn tại về tài chính.

- Thẩm định điều chỉnh phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp của các địa phương (nếu có), hoàn thành trong quý IV năm 2017.

- Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan xây dựng và hoàn thiện báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị quyết 30/NQ-TW ngày 14 tháng 3 năm 2014, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Bí thư Trung ương Đảng.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan và Tổng công ty Cà phê Việt Nam rà soát, đánh giá kỹ lại Phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới Tổng công ty Cà phê Việt Nam, bảo đảm quá trình thực hiện không gây mất ổn định về an ninh, trật tự trên địa bàn; nghiên cứu có biện pháp, bước đi phù hợp với tình hình thực tế để thực hiện thành công việc sắp xếp, đổi mới Tổng công ty Cà phê Việt Nam; trường hợp cần điều chỉnh Phương án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

- Tổng hợp, định kỳ hàng tháng, quý, năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

b) Bộ Tài Nguyên và Môi trường:

- Tổng hợp và xử lý các vướng mắc về đất đai trong việc sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp.

- Kiểm tra, hướng dẫn và chỉ đạo tổ chức thực hiện việc rà soát, đo đạc, phê duyệt phương án sử dụng đất, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ký hợp đồng thuê đất cho các doanh nghiệp; xử lý các trường hợp cho thuê, cho mượn, lấn chiếm, tranh chấp, liên doanh liên kết, hợp tác đầu tư và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai; lập phương án quy hoạch, kế hoạch quản lý, sử dụng đất của các công ty nông lâm nghiệp khi trả về địa phương.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan đánh giá những xung đột pháp lý trong quản lý và sử dụng đất đai tại các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên; đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai phù hợp với tình hình thực tế của các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên.

- Kịp thời nắm bắt, cập nhật, thống kê đầy đủ và xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai và tình hình quản lý, sử dụng đất đai của các công ty nông, lâm nghiệp.

c) Bộ Tài chính:

Xem xét, hướng dẫn các địa phương về cơ chế chính sách khi sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp:

- Xử lý các kiến nghị liên quan đến việc bổ sung vốn điều lệ đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước giữ tỷ lệ chi phối.

- Phương pháp tính giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp khi góp vốn để thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên, bảo đảm minh bạch, hiệu quả.

- Ngân sách bảo vệ, chăm sóc phát triển rừng phòng hộ, rừng tự nhiên chưa có phương án quản lý rừng bền vững (chưa được khai thác).

- Hướng dẫn về xử lý tồn tại về tài chính, tài sản trên đất khi chuyển giao đất về cho địa phương quản lý.

- Đảm bảo kinh phí cho việc rà soát, đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các công ty nông lâm nghiệp theo kế hoạch đã phê duyệt. Trường hợp địa phương quá khó khăn về ngân sách, cần hỗ trợ thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

d) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, hướng dẫn việc thực hiện chế độ cho người lao động dôi dư đối với trường hợp công ty nông, lâm nghiệp sắp xếp theo hình thức tiếp tục duy trì 100% vốn nhà nước.

đ) Ngân hàng Nhà nước:

- Chỉ đạo các ngân hàng thương mại quan tâm tiếp tục xử lý các khoản nợ vay cho các công ty nông, lâm nghiệp.

- Nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc cho vay đối với các công ty nông, lâm nghiệp.

e) Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc sửa đổi bổ sung Nghị định 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

g) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ (có công ty nông, lâm nghiệp), Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước:

- Hoàn thành việc phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp của địa phương, điều chỉnh lại phương án tổng thể (nếu cần thiết) trong Quý IV năm 2017; cơ bản hoàn thành việc sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp trong năm 2018 để tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ vào năm 2019.

- Thành phố Hà Nội khẩn trương hoàn thiện phương án tổng thể về sắp xếp, đổi mới và phát triển các công ty nông, lâm nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.

- Đẩy mạnh việc thực hiện rà soát, đo đạc, phê duyệt phương án sử dụng đất, thực hiện giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty nông, lâm nghiệp theo quy định.

- Chỉ đạo tiếp nhận, thực hiện rà soát, đo đạc, có kế hoạch sử dụng đối với diện tích đất các doanh nghiệp bàn giao về địa phương, rà soát lại các đối tượng sử dụng đất, diện tích đất của từng đối tượng để giải quyết cho hộ gia đình, cá nhân được tiếp tục giao đất hoặc thuê đất. Ưu tiên giải quyết đất cho đồng bào dân tộc ít người, đồng bào sống tại những vùng khó khăn.

- Chỉ đạo các công ty nông, lâm nghiệp tiếp tục xử lý dứt điểm các trường hợp đất cho thuê, cho mượn, đất bị lấn chiếm, tranh chấp, sử dụng không đúng quy định của pháp luật.

h) Ủy ban nhân dân các tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an và Tổng công ty Cà phê Việt Nam rà soát, đánh giá các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp về đất đai, có biện pháp giải quyết dứt điểm theo quy định của pháp luật, không để tạo thành điểm nóng về an ninh trật tự trên địa bàn.

i) Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập kế hoạch, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện.

k) Đề nghị Kiểm toán Nhà nước xem xét có kế hoạch kiểm toán chuyên đề về sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp trong năm 2019.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các đơn vị liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các PTTg;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Ban Chỉ đạo ĐM&PTDN;
- Đảng ủy khối các DN Trung ương;
- Tập đoàn,Tổng công ty nhà nước;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, các Vụ: TH, NN, KTTH, QHĐP, TKBT; TGĐ Cổng TTĐT
- Lưu: Văn thư, ĐMDN (2b).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Sỹ Hiệp

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 528/TB-VPCP năm 2017 về kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Hội nghị Sơ kết công tác sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp năm 2015-2017, nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 528/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 13/11/2017
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Sỹ Hiệp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản