Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 505/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 05 tháng 12 năm 2023

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ TẠI CUỘC HỌP VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 11, 11 THÁNG NĂM 2023, TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG, CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA, DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2024

Ngày 04 tháng 12 năm 2023, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp tình hình kinh tế - xã hội tháng 11, 11 tháng năm 2023, tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công, các Chương trình mục tiêu quốc gia, dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang, Lãnh đạo, đại diện Lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến của các đại biểu dự họp, phát biểu của các Phó Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ kết luận như sau:

1. Đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan để chuẩn bị kịp thời tài liệu phục vụ cuộc họp Thường trực Chính phủ.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp đầy đủ, tiếp thu các ý kiến xác đáng tại cuộc họp để hoàn thiện các dự thảo Tờ trình, Báo cáo phục vụ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2023, bảo đảm sâu sắc, ngắn gọn, rõ ý, mạch lạc, dễ làm, dễ hiểu, dễ kiểm tra, giám sát; trong đó lưu ý:

a) Nêu rõ bối cảnh tình hình tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2023 so với tháng 10 năm 2023 và cùng kỳ năm 2022, các vấn đề mới, vấn đề nổi lên tác động đến kinh tế - xã hội nước ta; những kết quả đạt được; khó khăn, hạn chế và nguyên nhân (chủ quan, khách quan); bài học kinh nghiệm. Phần đánh giá chung cần khẳng định rõ kết quả đạt được là cơ bản và hợp lý cân đối giữa những việc làm được và hạn chế, bất cập.

b) Dự báo bối cảnh tình hình tháng 12 năm 2023 cần làm rõ các yếu tố ảnh hưởng, tác động từ bên ngoài, nhất là các dự báo, đánh giá mới nhất của các tổ chức quốc tế về tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu, các đối tác lớn; các vấn đề khó khăn hạn chế nội tại của nền kinh tế, nhất là việc giải ngân vốn đầu tư công, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, các thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp còn tiềm ẩn rủi ro...

c) Hoàn thiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện trong tháng 12 năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, trong đó:

(1) Khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp đầu năm 2024 về dự án Luật tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật đất đai (sửa đổi), dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng và trình các cấp Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam...

(2) Tập trung thúc đẩy, hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, nhất là các chỉ tiêu dự kiến khó hoàn thành (tăng trưởng GDP, GDP bình quân đầu người, tăng năng suất lao động, kinh tế số, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo).

(3) Khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm trước ngày 10 tháng 12 năm 2023.

(4) Chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung phục vụ Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm 2023 của Chính phủ với các địa phương vào những ngày đầu tháng 01 năm 2024 (dự kiến vào ngày 05 tháng 01 năm 2024), trong đó lưu ý rà soát, nêu bật những kết quả đạt được, các hạn chế, bất cập trong năm 2023, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và cả nhiệm kỳ 2021 - 2025. Các Bộ, cơ quan, địa phương tổ chức tổng kết năm 2023 của Bộ, cơ quan, địa phương mình cũng cần bám sát tinh thần nêu trên, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm.

(5) Tập trung xử lý có kết quả các vấn đề tồn đọng kéo dài, nhất là các ngân hàng yếu kém, 04/12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả còn lại, các Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, phương án chuyển nhượng Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhiên liệu hàng không (SKYPEC); các vấn đề này phải hoàn thành được phương án xử lý rõ ràng, khả thi trước ngày 25 tháng 12 năm 2023, không được để chậm trễ hơn nữa.

(6) Tiếp tục khắc phục các tồn tại, bất cập trong điều hành chính sách tiền tệ, quản lý, phát triển các thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; có định hướng, giải pháp cụ thể trong tháng 12 năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 để các thị trường phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững, hiệu quả.

(7) Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thu thuế, phí, lệ phí, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu, chống thất thu thuế, phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2023 vượt dự toán; tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, nhất là phải quyết liệt hơn nữa đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.

(8) Khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ xem xét, ban hành các Nghị định sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực tài nguyên môi trường về giá đất, lấn biển, khoáng sản...

(9) Tiếp tục đẩy mạnh quyết liệt hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; các Bộ, cơ quan, địa phương còn kế hoạch vốn chưa phân bổ chi tiết phải hoàn thành phân bổ chi tiết trước ngày 10 tháng 12 năm 2023.

(10) Tập trung cao độ, quyết liệt triển khai sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện.

(11) Có giải pháp mở rộng, đa dạng hóa các thị trường, sản phẩm của Việt Nam, nhất là các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh, các thị trường tiềm năng như thị trường Halal.

(12) Khẩn trương hoàn thành Quy hoạch không gian biển quốc gia, 5 quy hoạch vùng còn lại, các quy hoạch tỉnh của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai...

(13) Khẩn trương hoàn thiện phương án sử dụng nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 trước ngày 15 tháng 12 năm 2023. Xử lý sớm kinh phí hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai.

(14) Bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của Nhân dân các tháng cuối năm 2023 và năm 2024. Tập trung triển khai, hoàn thành các dự án truyền tải điện trong thời gian sớm nhất.

(15) Tập trung nguồn nhân lực cho công tác rà soát, sửa đổi, ban hành mới các văn bản pháp luật để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu thực tiễn. Yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế của cơ quan mình.

(16) Phát huy hơn nữa vai trò kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn của các đoàn công tác do thành viên Chính phủ làm trưởng đoàn theo Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ.

(17) Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là truyền thông chính sách; phát huy vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí lớn của Đảng, Nhà nước.

(18) Bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, phân bổ nguồn lực và nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới.

(19) Khẩn trương triển khai các công việc liên quan đến cải cách chính sách tiền lương theo Kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội; đẩy nhanh tiến độ xây dựng vị trí việc làm.

(20) Tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, chuẩn bị kỹ lưỡng Hội nghị Quân chính toàn quân và Hội nghị công an toàn quốc.

(21) Khẩn trương rà soát, đề xuất các nhiệm vụ, đề án cụ thể cần báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong năm 2024.

d) Xác định các nhiệm vụ cụ thể của từng Bộ, cơ quan cần tập trung thực hiện trong tháng 12 năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 đưa vào phụ lục Nghị quyết phiên họp, trong đó:

(1) Bộ Y tế khẩn trương giải quyết thủ tục mua vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Thông báo Kết luận số 218/TB-VPCP ngày 10 tháng 6 năm 2023; thực hiện theo thẩm quyền việc mua, thanh toán. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính lựa chọn phương án phù hợp, báo cáo các vấn đề vượt thẩm quyền trong ngày 06 tháng 12 năm 2023, đảm bảo không để thiếu vắc xin, để xảy ra dịch bệnh.

(2) Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương xây dựng và triển khai Đề án tổ chức thi tốt nghiệp năm 2024 theo đúng kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tại phiên họp năm 2023 của Hội đồng (Thông báo số 483/TB-VPCP ngày 24 tháng 11 năm 2023); xây dựng kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 ngày 18 tháng 9 năm 2023 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 6572/VPCP-KGVX ngày 24 tháng 8 năm 2023 về xây dựng và phát hành sách giáo khoa tiếng dân tộc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền.

đ) Tổng hợp, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 11 năm 2023.

3. Phân công:

a) Các Phó Thủ tướng theo lĩnh vực được phân công trực tiếp chỉ đạo các Bộ, cơ quan tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên.

b) Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan xử lý dứt điểm khó khăn, vướng mắc trong việc cung ứng, mua sắm, bảo đảm đủ vắc-xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng theo quy định; trường hợp vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- TTgCP, các PTTg;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp;
- VPCP: BTCN, PCN Mai Thị Thu Vân,
các Vụ, Cục: TH, TKBT, ĐMDN, NN, CN,
KGVX, QHĐP, NC, PL, KSTT;
- Lưu: VT, KTTH (3).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Mai Thị Thu Vân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 505/TB-VPCP kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11, 11 tháng năm 2023, tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công, các Chương trình mục tiêu quốc gia, dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 505/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 05/12/2023
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Mai Thị Thu Vân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/12/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản