Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ NGOẠI GIAO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 36/2013/TB-LPQT | Hà Nội, ngày 11 tháng 07 năm 2013 |
THÔNG BÁO
VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC
Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:
Hiệp định về hợp tác lao động giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, ký tại Huế ngày 01 tháng 7 năm 2013, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2013.
Bộ Ngoại giao trân trọng gửi bản sao Hiệp định theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.
| TL. BỘ TRƯỞNG |
HIỆP ĐỊNH
VỀ HỢP TÁC LAO ĐỘNG GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, sau đây gọi là "hai Bên";
Trên tinh thần quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, vì lợi ích của mỗi nước, theo nguyên tắc bình đẳng, hai bên cùng có lợi và tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau;
Trên cơ sở kết quả thực hiện Hiệp định về hợp tác lao động giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ký năm 1995, Nghị định thư sửa đổi bổ sung Hiệp định về hợp tác lao động giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ký năm 1999;
Để phù hợp với tình hình phát triển quan hệ hợp tác về kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào theo từng giai đoạn;
Để đáp ứng nhu cầu lao động phục vụ cho việc phát triển kinh tế, xã hội của mỗi nước; khuyến khích việc cử và tiếp nhận lao động có tay nghề, kinh nghiệm của nước Bên này đi làm việc ở nước Bên kia phù hợp với quy định pháp luật của mỗi nước;
Đã thỏa thuận như sau:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng áp dụng
Hiệp định này áp dụng đối với người lao động Việt Nam làm việc tại nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và người lao động Lào làm việc tại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan, doanh nghiệp và tổ chức có liên quan trong mọi lĩnh vực kinh tế trên cơ sở nhu cầu lao động phục vụ cho việc phát triển kinh tế, xã hội của mỗi nước.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong khuôn khổ Hiệp định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. “Cơ quan được ủy quyền” là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Lao động và phúc lợi xã hội nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
2. “Người lao động” là người lao động của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào được phép làm việc trong các doanh nghiệp, hoặc cho các dự án nhận thầu, dự án đầu tư và dự án viện trợ không hoàn lại tại nước bên kia.
3. “Người sử dụng lao động'' là pháp nhân hoặc cá nhân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tiếp nhận và sử dụng người lao động theo Hiệp định này, phù hợp với quy định pháp luật của mỗi nước.
4. ‘‘Doanh nghiệp dịch vụ lao động’’ là doanh nghiệp được phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, được mỗi Bên chỉ định để thực hiện việc cung ứng lao động cho đối tác của mình tại nước Bên kia.
5. "Doanh nghiệp có dự án" là pháp nhân của nước Bên này đầu tư, trúng thầu, nhận thầu công trình hoặc thực hiện dự án viện trợ không hoàn lại tại nước Bên kia được phép đưa lao động của nước mình sang làm việc cho các công trình, dự án của pháp nhân đó thực hiện tại nước Bên kia theo quy định của pháp luật hai nước.
6. ‘‘Hợp đồng cung ứng lao động” là hợp đồng giữa doanh nghiệp dịch vụ lao động của nước Bên này và đối tác của nước Bên kia để đưa người lao động nước Bên này sang làm việc tại nước Bên kia.
Điều 3. Cơ quan được ủy quyền
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ủy quyền cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ủy quyền cho Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào cùng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện đầy đủ Hiệp định hợp tác lao động này.
Chương 2.
DOANH NGHIỆP DỊCH VỤ LAO ĐỘNG
Điều 4. Doanh nghiệp dịch vụ lao đông
1. Các Cơ quan được ủy quyền của mỗi Bên thông báo cho nhau về danh sách các doanh nghiệp dịch vụ lao động đã được lựa chọn.
2. Doanh nghiệp dịch vụ lao động có trách nhiệm cung ứng lao động có tay nghề, kinh nghiệm của nước Bên này sang làm việc tại nước Bên kia theo thời hạn trên cơ sở nhu cầu lao động cho việc phát triển kinh tế xã hội của hai nước và hợp đồng cung ứng lao động phù hợp với pháp luật, các quy định của mỗi nước và Hiệp định này.
Điều 5. Hợp đồng cung ứng lao động
1. Hợp đồng cung ứng lao động ký giữa hai đối tác phải phù hợp với quy định của pháp luật hai nước và chỉ được thực hiện khi có ý kiến cho phép của cơ quan có thẩm quyền hai nước.
2. Hợp đồng cung ứng lao động phải quy định những nội dung cụ thể sau:
- Số lượng lao động, ngành, nghề, công việc phải làm;
- Thời hạn hợp đồng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
- Địa điểm làm việc, điều kiện, môi trường làm việc;
- Giấy chứng nhận về trình độ đào tạo hoặc kinh nghiệm làm việc và giấy khám sức khỏe;
- Tiền lương, tiền công, các chế độ khác, tiền thưởng (nếu có), tiền làm thêm giờ;
- Chế độ ăn, ở, sinh hoạt;
- Chi phí giao thông của người lao động từ nước cử đến nơi làm việc ở nước tiếp nhận và ngược lại;
- Chế độ khám, chữa bệnh;
- Điều kiện an toàn và bảo hộ lao động;
- Chi phí người lao động phải chi trả để làm việc tại nước Bên kia;
- Điều kiện chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và trách nhiệm bồi thường thiệt hại;
- Chế độ đối với người lao động về nước trước thời hạn;
- Trách nhiệm của các bên trong trường hợp người lao động bị tai nạn, tử vong trong thời gian làm việc tại nước Bên kia;
- Quy định về giải quyết tranh chấp lao động.
3. Người sử dụng lao động phải ký hợp đồng lao động với từng người lao động. Nội dung của hợp đồng lao động phải phù hợp với nội dung của hợp đồng cung ứng lao động.
Điều 6. Việc tiếp nhận lao động làm việc trong các công trình, dự án của các doanh nghiệp có dự án
1. Đối với các dự án viện trợ không hoàn lại của Chính phủ, dự án đầu tư và dự án do pháp nhân nước Bên này nhận thầu tại nước Bên kia, cơ quan được ủy quyền của hai Bên sẽ xem xét và cho phép doanh nghiệp có dự án tiếp nhận và sử dụng lao động có tay nghề, kinh nghiệm và chuyên môn kỹ thuật trên cơ sở nhu cầu lao động thực tế phù hợp với quy định của pháp luật nước tiếp nhận và các thỏa thuận viện trợ của Chính phủ (đối với các dự án viện trợ không hoàn lại).
2. Doanh nghiệp có dự án của Việt Nam đưa lao động sang làm việc tại các công trình, dự án tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào làm thủ tục cấp và gia hạn giấy phép lao động cho người lao động tại Sở Lao động và Phúc lợi xã hội cấp tỉnh, thành phố của Lào trên cơ sở hạn ngạch lao động mà Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào cho phép.
Trong trường hợp có nhu cầu lao động vượt quá hạn ngạch, doanh nghiệp có dự án phải xin bổ sung hạn ngạch tại Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào.
3. Doanh nghiệp có dự án của Lào đưa lao động sang làm việc tại công trình, dự án tại Việt Nam làm thủ tục cấp và gia hạn giấy phép lao động cho người lao động tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Chương 3.
NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG
Điều 7. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động
1. Người sử dụng lao động phải thực hiện đầy đủ hợp đồng lao động đã ký với người lao động;
2. Người sử dụng lao động phải làm các thủ tục cần thiết với các cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận để người lao động được làm việc và cư trú hợp pháp tại nước tiếp nhận;
3. Người sử dụng lao động phải quản lý người lao động trong thời gian người lao động làm việc và không được phép chuyển người lao động cho đơn vị khác sử dụng khi chưa được sự đồng ý của người lao động và cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận lao động;
4. Sau khi hợp đồng lao động hết thời hạn, người sử dụng lao động có trách nhiệm đưa người lao động trở về nước trong khoảng thời gian không quá 15 ngày, nếu quá ngày quy định sẽ thực hiện theo pháp luật của nước tiếp nhận.
Điều 8. Quyền và trách nhiệm của người lao động
1. Người lao động phải thực hiện đầy đủ hợp đồng lao động đã ký với người sử dụng lao động;
2. Người lao động phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng phong tục tập quán của nước tiếp nhận;
3. Trong thời hạn của hợp đồng lao động, người lao động không được phép chuyển đi làm việc cho người sử dụng lao động khác hoặc nơi khác hoặc địa phương khác khi chưa được phép của người sử dụng lao động và cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận lao động;
4. Trong trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật nước tiếp nhận, người lao động phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những vi phạm của mình;
5. Trong trường hợp bị xâm hại về thân thể hoặc lợi ích hợp pháp trong thời gian làm việc tại nước tiếp nhận, người lao động có quyền khiếu nại theo quy định pháp luật của nước tiếp nhận;
6. Người lao động có quyền chuyển tiền và tài sản cá nhân về nước theo quy định của pháp luật của nước tiếp nhận.
Điều 9. Bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn lao động
1. Trong thời gian người lao động làm việc theo hợp đồng, người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định của nước tiếp nhận lao động.
2. Trường hợp người lao động bị tử vong do tai nạn lao động, người sử dụng lao động hoặc cơ quan bảo hiểm có trách nhiệm chi trả các chế độ bảo hiểm cho thân nhân của người lao động tử vong theo quy định của nước tiếp nhận.
Người sử dụng lao động tổ chức việc đưa thi hài hoặc tro cốt của người lao động và tài sản của họ về nước và chịu các chi phí liên quan.
3. Trong trường hợp người lao động bị ốm đau hoặc tai nạn lao động không thể chữa khỏi ở nước tiếp nhận theo kết luận của Hội đồng y tế có thẩm quyền, người sử dụng lao động cho phép người lao động trở về nước. Người sử dụng lao động có trách nhiệm trả chi phí về nước cho người lao động. Nếu người lao động phải tiếp tục điều trị tại nước mình thì doanh nghiệp đưa lao động đi và người lao động tự chịu chi phí.
Chương 4.
TIỀN LƯƠNG VÀ THUẾ THU NHẬP
Điều 10. Tiền lương của người lao động
Tiền lương của người lao động được quy định cụ thể trong hợp đồng lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động trên cơ sở khả năng của người lao động và yêu cầu của công việc nhưng không được thấp hơn mức tiền lương tối thiểu theo quy định của nước tiếp nhận lao động tại từng thời điểm.
Điều 11. Thuế thu nhập cá nhân và lệ phí
Người lao động phải đóng thuế thu nhập cá nhân và chi trả lệ phí cư trú và làm việc theo quy định pháp luật của nước tiếp nhận lao động, trừ trường hợp Chính phủ hai nước có quy định riêng.
Chương 5.
QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ LAO ĐỘNG
Điều 12. Giấy phép lao động
Cơ quan quản lý lao động của nước tiếp nhận có trách nhiệm cấp giấy phép lao động cho người lao động Việt Nam làm việc tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và người lao động Lào làm việc tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phù hợp với quy định về pháp luật lao động và các quy định khác có liên quan của nước tiếp nhận lao động.
Điều 13. Xuất, nhập cảnh, cư trú và làm việc của người lao động
Việc xuất, nhập cảnh, cư trú và làm việc của người lao động tại mỗi nước theo Hiệp định này được thực hiện theo quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh, cư trú và lao động của mỗi nước.
Điều 14. Phát triển kỹ năng cho người lao động
Hai Bên thúc đẩy việc hợp tác phát triển kỹ năng nghề thông qua việc khuyến khích người sử dụng lao động và các doanh nghiệp có dự án tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng, truyền đạt kinh nghiệm cho người lao động của nước tiếp nhận.
Chương 6.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15. Giải quyết tranh chấp
1. Việc giải quyết tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động được tiến hành theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận.
2. Các vấn đề phát sinh liên quan đến việc thực hiện Hiệp định này sẽ được các Cơ quan được ủy quyền giải quyết thông qua trao đổi và thương lượng trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi.
Điều 16. Hợp tác giữa các cơ quan được ủy quyền
1. Khi cần thiết, các cơ quan được ủy quyền cử đại diện thường trú sang cơ quan đại diện của nước mình tại nước tiếp nhận để phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận về những vấn đề liên quan đến việc tổ chức thực hiện Hiệp định này.
2. Hai năm một lần, các cơ quan được ủy quyền của hai Bên tổ chức hội nghị luân phiên tại mỗi nước để đánh giá việc tổ chức thực hiện Hiệp định và trao đổi, thống nhất kế hoạch triển khai Hiệp định trong giai đoạn tiếp theo. Trong trường hợp cần thiết, hai Bên có thể tổ chức các cuộc họp bất thường để giải quyết các vấn đề liên quan đến thực hiện Hiệp định này.
Điều 17. Việc hủy bỏ hợp đồng cung ứng lao động
Các đối tác phải báo cáo bằng văn bản nguyên nhân của việc hủy bỏ hợp đồng cung ứng lao động trước thời hạn cho cơ quan có thẩm quyền của hai Bên.
Điều 18. Chi phí về nước trước thời hạn của người lao động
Trường hợp người lao động phải về nước trước thời hạn do lỗi của doanh nghiệp dịch vụ lao động thì doanh nghiệp dịch vụ lao động chịu trách nhiệm chi phí đưa người lao động trở về nước; nếu do lỗi của người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động chịu trách nhiệm chi phí đưa người lao động trở về nước; nếu do lỗi của người lao động thì người lao động phải tự chịu chi phí về nước.
Điều 19. Sửa đổi, bổ sung Hiệp định
Hiệp định này có thể được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở sự đồng ý bằng văn bản của hai Bên.
Chương 7.
ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
Điều 20. Thời hạn Hiệp định
Hiệp định này có giá trị trong thời hạn năm (05) năm. Hiệp định này sẽ được mặc nhiên gia hạn mỗi lần hai (02) năm, trừ khi một trong hai Bên thông báo bằng văn bản cho Bên kia về ý định chấm dứt hiệu lực của Hiệp định chậm nhất là sáu (06) tháng trước khi Hiệp định chấm dứt hiệu lực.
Điều 21. Hiệu lực của Hiệp định
1. Hiệp định này có hiệu lực kể từ ngày hai Bên ký kết và thay thế Hiệp định về hợp tác lao động giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ký ngày 29 tháng 6 năm 1995 và Nghị định thư sửa đổi và bổ sung Hiệp định về hợp tác lao động giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ký ngày 08 tháng 4 năm 1999.
2. Hiệp định này có thể chấm dứt hiệu lực trên cơ sở sự đồng ý bằng văn bản giữa hai Bên thông qua đường ngoại giao.
3. Trong trường hợp Hiệp định này chấm dứt hiệu lực, các Hợp đồng được ký kết trên cơ sở Hiệp định này sẽ tiếp tục có giá trị đến khi hết thời hạn.
Hiệp định này được làm và ký tại Huế ngày 01 tháng 7 năm 2013 thành hai bản chính, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Lào; cả hai bản đều có giá trị như nhau.
THAY MẶT CHÍNH PHỦ NƯỚC | THAY MẶT CHÍNH PHỦ NƯỚC |
- 1Công văn số 6908/VPCP-QHQT ngày 13/12/2002 của Văn phòng Chính phủ về việc Hiệp định và Nghị định thư về hợp tác lao động với Liên Bang Nga
- 2Công văn số 1799/TTg-QHQT về việc Hiệp định hợp tác lao động Việt Nam-Liên bang Nga do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 934/QĐ-TTg năm 2013 ký Hiệp định về Hợp tác lao động giữa Việt Nam - Lào do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Thông báo 35/2013/TB-LPQT về hiệu lực của Hiệp định về thiết kế, xây dựng và vận hành Ngôi nhà Đức tại thành phố Hồ Chí Minh giữa Việt Nam - Đức
- 5Thông báo hiệu lực của Hiệp định khung về việc Trung Quốc cung cấp cho Việt Nam khoản tín dụng ưu đãi
- 6Thông báo 32/2015/TB-LPQT về hiệu lực của Bản ghi nhớ giữa Việt Nam - Thái Lan về hợp tác lao động do Bộ Ngoại giao ban hành
- 7Thông báo 61/2015/TB-LPQT hiệu lực của Hiệp định thương mại biên giới giữa Việt Nam - Lào
- 8Thông báo 28/2016/TB-LPQT hiệu lực của Biên bản kỳ họp lần thứ 38 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương giữa Việt Nam - Lào
- 9Thông báo 17/2019/TB-LPQT hiệu lực Hiệp định về lao động có thu nhập của thân nhân thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và phái đoàn thường trực tại các tổ chức quốc tế giữa Việt Nam và Chi-lê
- 1Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế 2005
- 2Công văn số 6908/VPCP-QHQT ngày 13/12/2002 của Văn phòng Chính phủ về việc Hiệp định và Nghị định thư về hợp tác lao động với Liên Bang Nga
- 3Công văn số 1799/TTg-QHQT về việc Hiệp định hợp tác lao động Việt Nam-Liên bang Nga do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 934/QĐ-TTg năm 2013 ký Hiệp định về Hợp tác lao động giữa Việt Nam - Lào do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Thông báo 35/2013/TB-LPQT về hiệu lực của Hiệp định về thiết kế, xây dựng và vận hành Ngôi nhà Đức tại thành phố Hồ Chí Minh giữa Việt Nam - Đức
- 6Thông báo hiệu lực của Hiệp định khung về việc Trung Quốc cung cấp cho Việt Nam khoản tín dụng ưu đãi
- 7Thông báo 32/2015/TB-LPQT về hiệu lực của Bản ghi nhớ giữa Việt Nam - Thái Lan về hợp tác lao động do Bộ Ngoại giao ban hành
- 8Thông báo 61/2015/TB-LPQT hiệu lực của Hiệp định thương mại biên giới giữa Việt Nam - Lào
- 9Thông báo 28/2016/TB-LPQT hiệu lực của Biên bản kỳ họp lần thứ 38 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương giữa Việt Nam - Lào
- 10Thông báo 17/2019/TB-LPQT hiệu lực Hiệp định về lao động có thu nhập của thân nhân thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và phái đoàn thường trực tại các tổ chức quốc tế giữa Việt Nam và Chi-lê
Thông báo 36/2013/TB-VPCP hiệu lực của Hiệp định về hợp tác lao động giữa Việt Nam - Lào
- Số hiệu: 36/2013/TB-VPCP
- Loại văn bản: Điều ước quốc tế
- Ngày ban hành: 01/07/2013
- Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào
- Người ký: Phạm Thị Hải Chuyền, Onechanh Thammavong
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 437 đến số 438
- Ngày hiệu lực: 01/07/2013
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra