Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 307/TB-BCT | Hà Nội, ngày 22 tháng 09 năm 2011 |
Ngày 16 tháng 9 năm 2011, tại thị xã Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn, đồng chí Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã chủ trì Hội nghị ngành công thương 14 tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ lần thứ XIII - năm 2011; đồng chủ trì Hội nghị, có đồng chí Hoàng Ngọc Đường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn. Tham dự Hội nghị có đồng chí Dương Đình Hân, Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc; lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh trong vùng có: đồng chí Nguyễn Chương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu; đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang; đồng chí Phạm Minh Huấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang, đồng chí Bùi Đức Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La. Đại diện các đơn vị thuộc Bộ có: Tổng cục Năng lượng; các Vụ: Công nghiệp nặng, Công nghiệp nhẹ, Thị trường trong nước, Xuất nhập khẩu, Thương mại miền núi; các Cục: Công nghiệp địa phương, Xúc tiến thương mại, Quản lý thị trường, Điều tiết điện lực; Lãnh đạo Sở Công Thương 14 tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ; đại diện một số Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp trong ngành.
Sau khi nghe Báo cáo tổng hợp tình hình hoạt của ngành công thương các tỉnh trong khu vực năm 2010 và 9 tháng đầu năm 2011, định hướng hoạt động các tháng cuối năm 2011; ý kiến của các đơn vị tham dự Hội nghị, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đã kết luận như sau:
Bộ Công Thương biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu của ngành công thương 14 tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ và những kết quả đạt được khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực trong năm 2010 và 9 tháng đầu năm 2011. Một số thành tựu nổi bật là:
- Năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá cố định năm 1994) đạt: 44.827 tỷ đồng, tăng 24,07% so với năm 2009.
- Trong 9 tháng đầu năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 37.563 tỷ đồng, tăng 19,42% so với cùng kỳ năm 2010 và bằng 69,59% kế hoạch năm 2011. Trong đó, có một số tỉnh có mức tăng trưởng khá như: Yên Bái (44,7%); Bắc Giang (tăng 44,4%); Lào Cai (41,9%); Hà Giang (tăng 38,4%).
Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Vùng đều đạt được tốc độ tăng trưởng cao. Một số ngành sản xuất công nghiệp chủ lực của vùng tiếp tục đóng vai trò quan trọng có tác động thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp toàn vùng và cả nước như: Quặng các loại đạt 3.408 ngàn tấn; tinh quặng đồng 20% Cu đạt 38 ngàn tấn; quặng barit 19 ngàn tấn; đá xây dựng 386 triệu m3; gang đúc đạt 19 ngàn tấn; thiếc thỏi đạt 255 tấn; thép cán đạt 5.038 tấn; chì thỏi đạt 2.939 tấn; một số các sản phẩm khác có nhiều đóng góp cho GTSXCN của vùng như: gạch nung; xi măng; gỗ chế biến; phân bón hóa học; sữa tươi thanh trùng ...
- Hoạt động đầu tư cho phát triển công nghiệp trên địa bàn toàn Vùng đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, luyện kim, sản xuất phân bón hóa chất, thủy điện, chế biến nông lâm sản...Trong đó, công nghiệp chế biến sâu các loại khoáng sản được quan tâm.
- Hoạt động khuyến công của các tỉnh đã có nhiều chuyển biển tích cực; nội dung, chương trình phong phú, thiết thực hơn. Trong 9 tháng đầu năm 2011 toàn Vùng triển khai được 192 dự án với tổng kinh phí tăng 54,74% so với cùng kỳ năm 2010.
Hoạt động thương mại diễn ra sôi động, sức mua tăng cao, các mặt hàng phong phú và đa dạng, thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa được quan tâm.
- Năm 2010, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trên toàn Vùng đạt 77.929 tỷ đồng, tăng 19,20% so kế hoạch năm, tăng 23,22% so cùng kỳ năm 2009.
- Trong 9 tháng đầu năm 2011, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội toàn Vùng đạt 70.140 tỷ đồng bằng 78,15% so với kế hoạch năm và tăng 22,56% so với cùng kỳ năm 2010.
- Công tác phát triển thị trường được các tỉnh quan tâm, chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai mở rộng thị trường nội địa nhất là thị trường nông thôn, các doanh nghiệp đã có sự đầu tư xây dựng các cửa hàng bán lẻ, mở hệ thống đại lý bán hàng và tổ chức đưa hàng hóa thiết yếu bán lưu động tại vùng sâu vùng xa.
- Về hoạt động xuất khẩu, năm 2010 kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt 1.916 triệu USD, tăng 14% kế hoạch năm, tăng 20,7% so cùng kỳ 2009.
Trong 9 tháng đầu năm 2011, công tác xuất khẩu hàng hóa của hầu hết các tỉnh đạt kết quả tốt, một số tỉnh có mức tăng cao so với cùng kỳ năm 2010 và so với kế hoạch năm 2011 như: Yên Bái, Bắc Giang, Hòa Bình, Thái Nguyên...Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn vùng đạt 2.142 triệu USD, tăng 79,96% so với cùng kỳ năm 2010.
Các mặt hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực công thương đã được triển khai tích cực và đồng bộ. Các Sở Công Thương trong khu vực đã chủ động phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp kích cầu, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xuất khẩu... để nâng cao năng lực sản xuất của ngành. Các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, khuyến công, quản lý thị trường, quản lý điện năng, quản lý kỹ thuật, an toàn môi trường, quản lý khai thác, chế biến khoáng sản, công tác thanh tra, kiểm tra... đã được quan tâm và đạt được nhiều kết quả cụ thể như báo cáo tại Hội nghị đã nêu.
Một số các chỉ tiêu của ngành nhằm đảm bảo đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa đã được cải tiến như: về cấp điện trong năm qua đã tăng 4%, nâng tỷ lệ bình quân số Hộ sử dụng điện lên 86,86%, từng bước rút ngắn khoảng cách so với bình quân cả nước; hoạt động thương mại đã đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng chính sách xã hội đến nhân dân vùng sâu, vùng xa.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công là cơ bản nêu trên, ngành công thương các tỉnh 14 tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ hiện nay còn đứng trước những hạn chế, khó khăn như:
- Thời gian qua số lượng các dự án sản xuất lớn nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh trong khu vực đi vào hoạt động chưa nhiều, chưa tạo nên sự chuyển biến rõ cho toàn vùng trung du miền núi Bắc Bộ.
Các tiềm năng về khoáng sản, thủy điện, thương mại khu vực biên giới, công nghiệp chế biến nông lâm sản gắn với các vùng nguyên liệu chưa đóng góp nhiều cho phát triển của ngành và cho phát triển kinh tế xã hội trong Vùng;
- Quy mô sản xuất công nghiệp còn nhỏ, trình độ kỹ thuật còn hạn chế, năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả kinh doanh chưa cao. Hầu hết các sản phẩm công nghiệp chế biến vẫn ở dạng chế biến thô và gia công. Có rất ít các sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng lớn.
Năm 2010 và 9 tháng đầu năm 2011 sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại đều được duy trì ở mức tăng trưởng khá, song tính bình quân về giá trị sản xuất công nghiệp và tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ, thì các tỉnh trong vùng còn khoảng cách khá xa so với bình quân cả nước;
- Hoạt động của các cửa khẩu chưa sôi động, cơ sở vật chất hạ tầng của một số khu kinh tế cửa khẩu còn thiếu, chưa rõ cơ chế quản lý vận hành, chưa thu hút được các doanh nghiệp vào kinh doanh tại khu kinh tế cửa khẩu;
- Hoạt động khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tuy có nhiều đổi mới, song số lượng và quy mô các đề án, dự án của các tỉnh trong Vùng năm nay không lớn. Một số tỉnh chưa thực sự coi trọng hoạt động khuyến công trong quá trình hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn;
- Hoạt động đầu tư phát triển khu, cụm công nghiệp có nhiều hạn chế, số khu, cụm công nghiệp được thành lập và hoàn chỉnh hạ tầng không nhiều, tỷ lệ lấp đầy thấp.
II. Nhiệm vụ trong thời gian tới
Thống nhất với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong báo cáo tổng kết của Vùng cho thời gian tới và để khắc phục những khó khăn, tồn tại của ngành, đẩy mạnh các hoạt động nhằm hoàn thành kế hoạch của từng địa phương và toàn vùng, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu chung của toàn ngành công thương trong năm 2011; tạo đà phát triển cho những năm tiếp theo của giai đoạn 2011-2015, đề nghị các địa phương triển khai tốt và tập trung vào một số nội dung sau:
1. Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 09 tháng 1 năm 2011 và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 2 năm 2011 của Chính phủ nhằm tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
2. Các Sở, Ngành tăng cường công tác tham mưu cho Ủy ban nhân dân Tỉnh và phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, Ngành liên quan kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về vốn, tín dụng, giá nguyên vật liệu, giải phóng mặt bằng, cấp điện, xuất nhập khẩu, thị trường tiêu thụ sản phẩm..., nhất là các dự án trọng điểm.
3. Tập trung sản xuất, kinh doanh các ngành nghề có tiềm năng thế mạnh của các tỉnh trong Vùng như: Khai thác chế biến khoáng sản; chế biến nông lâm sản; sản xuất vật liệu xây dựng.
4. Tiếp tục triển khai chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu vùng xa, từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với hàng Việt và thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động.
5. Tập trung nguồn lực khai thác những mặt hàng tiềm năng có lợi thế của các tỉnh để xuất khẩu; nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm xuất khẩu, hạn chế xuất khẩu thô, sản phẩm sơ chế.
Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, dịch vụ và đầu tư tìm kiếm bạn hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu, khai thác tối đa thị trường các nước láng giềng và các nước trong khu vực; tích cực tổ chức, tham gia các hội chợ, triển lãm chuyên ngành trong và ngoài nước để tìm kiếm thị trường mới. Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và đăng ký thương hiệu hàng hóa, đặc biệt các sản phẩm chế biến từ nông lâm sản.
6. Bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu; đảm bảo các mặt hàng, đặc biệt các mặt hàng chính sách như muối iốt, xăng dầu, phân bón, giống cây trồng... đến được các vùng sâu, vùng xa; chú trọng công tác quản lý thị trường, dự báo nhằm phát hiện nhanh các tình huống phát sinh để kịp thời xử lý.
7. Về liên kết vùng: Đề nghị các tỉnh trong Vùng phối hợp chặt chẽ, tận dụng tối đa lợi thế về liên kết vùng, liên kết tuyến để đẩy nhanh sự phát triển của các tỉnh tạo động lực thúc đẩy sự phát triển chung của Vùng và cả nước, cụ thể:
- Hợp tác phát triển công nghiệp của các địa phương với các địa bàn khác trong Vùng theo các phương thức: Liên doanh, liên kết cùng triển khai dự án phát triển các mặt hàng công nghiệp đáp ứng nhu cầu thay thế nhập khẩu hoặc hướng về xuất khẩu; phân công sản xuất chuyên môn hóa hoặc cung cấp công nghệ thích hợp cho nhau; xây dựng và triển khai các dự án phát triển công nghiệp quy mô Vùng, nhất là các dự án lớn liên quan đến các tỉnh lân cận nhau, ưu tiên các dự án chế biến nông, lâm sản, thực phẩm và các dự án công nghiệp chế biến sâu khoáng sản có hàm lượng vốn và khoa học công nghệ cao...;
- Hợp tác về thương mại giữa các địa phương trong Vùng theo hướng: Trao đổi hàng hóa hai chiều, liên kết các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ triển lãm... Chủ động tạo điều kiện và khuyến khích các địa phương trong Vùng tăng cường quan hệ hợp tác giữa phát triển, xây dựng quan hệ chặt chẽ các địa phương trong Vùng và tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng, tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
8. Thống nhất với đề nghị của Hội nghị về việc giao Sở Công Thương tỉnh Lai Châu đăng cai, phối hợp với Cục Công nghiệp địa phương tổ chức Hội nghị ngành công thương 14 tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ lần thứ XIV - năm 2012 tại tỉnh Lai Châu.
Trên đây là ý kiến kết luận của Thứ trưởng Trần Tuấn Anh tại Hội nghị ngành công thương 14 tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ lần thứ XIII - năm 2011. Văn phòng Bộ xin thông báo để các cơ quan, đơn vị có liên quan biết và triển khai thực hiện./.
| TL. BỘ TRƯỞNG |
- 1Thông báo 44/TB-VPCP ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2013 của ngành công thương do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Thông báo 263/TB-BCT năm 2013 ý kiến kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú tại Hội nghị ngành công thương vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ lần thứ XV, năm 2013 do Bộ Công thương ban hành
- 3Thông báo 61/TB-VPCP năm 2014 về ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014 của ngành Công Thương do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Thông báo 309/TB-BCT kết luận của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tại Hội nghị ngành công thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ III, năm 2016 do Bộ Công thương ban hành
- 1Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2011 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước do Chính phủ ban hành
- 2Nghị quyết 11/NQ-CP năm 2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội do Chính phủ ban hành
- 3Thông báo 44/TB-VPCP ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2013 của ngành công thương do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Thông báo 263/TB-BCT năm 2013 ý kiến kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú tại Hội nghị ngành công thương vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ lần thứ XV, năm 2013 do Bộ Công thương ban hành
- 5Thông báo 61/TB-VPCP năm 2014 về ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014 của ngành Công Thương do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 6Thông báo 309/TB-BCT kết luận của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tại Hội nghị ngành công thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ III, năm 2016 do Bộ Công thương ban hành
Thông báo 307/TB-BCT năm 2011 kết luận của Thứ trưởng Trần Tuấn Anh tại Hội nghị ngành công thương 14 tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ lần thứ XIII do Bộ Công thương ban hành
- Số hiệu: 307/TB-BCT
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 22/09/2011
- Nơi ban hành: Bộ Công thương
- Người ký: Vũ Văn Cường
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 22/09/2011
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra