Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 263/TB-BCT

Hà Nội, ngày 24 tháng 07 năm 2013

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG NGUYỄN CẨM TÚ TẠI HỘI NGHỊ NGÀNH CÔNG THƯƠNG VÙNG TRUNG DU VÀ MIỀN NÚI BẮC BỘ LẦN THỨ XV, NĂM 2013

Ngày 12 tháng 7 năm 2013, tại tỉnh Hòa Bình, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú và đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hòa Bình đã đồng chủ trì Hội nghị ngành công thương các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ lần thứ XV. Đồng chí Bùi Văn Cửu đã có bài phát biểu chào mừng Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo UBND các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai; Lãnh đạo Sở Công Thương 14 tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; đại diện Lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, các cơ quan thông tin, báo chí của tỉnh Hòa Bình, về phía Bộ Công Thương, tham dự Hội nghị có đại diện Tổng cục Năng lượng; các cục, vụ, viện; đại diện Lãnh đạo một số Tập đoàn, Tổng Công ty, Công ty và các cơ quan báo chí thuộc Bộ Công Thương,

Sau khi nghe báo cáo tổng hợp tình hình thực hiện của ngành công thương các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ năm 2012, 6 tháng đầu năm 2013 và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện 6 tháng cuối năm 2013 do đồng chí Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình trình bày; báo cáo tham luận của các Sở Công Thương; ý kiến phát biểu của Lãnh đạo UBND các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, các cục, vụ, viện thuộc Bộ; đồng chí Thứ trưởng đã kết luận như sau:

1. Bộ Công Thương biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu của ngành công thương các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ về những kết quả đạt được khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực trong năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013. Một số thành tựu nổi bật đã đạt được là:

- Giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng năm 2012 (theo giá cố định năm 1994) đạt 56.511 tỷ đồng, tăng 13,9% so với năm 2011; 6 tháng đầu năm 2013, giá trị sản xuất ước đạt 31.676 tỷ đồng, tăng 17,17% so với cùng kỳ năm 2012 và đạt 48,11% kế hoạch năm.

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2012 toàn vùng đạt 120.056 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2011; 6 tháng đầu năm 2013 ước đạt 65.203 tỷ đồng, tăng 16,67% so với cùng kỳ năm 2012, đạt 46,28% kế hoạch năm.

- Kim ngạch xuất khẩu của vùng năm 2012 đạt 4.134 triệu USD, tăng 16,5% so với năm 2011; kim ngạch nhập khẩu đạt 4.192 triệu USD, tăng 8,2% so với năm 2011; 6 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu toàn vùng ước đạt 2.570 triệu USD, tăng 41,9% so với cùng kỳ năm 2012; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 2.316 triệu USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2012.

- Hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực công thương ngày càng được nâng cao. Hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại có nhiều chuyển biến tích cực (năm 2013, tổng kinh phí khuyến công của vùng là 30,172 tỷ đồng, tăng 11,38% so với năm 2012; kinh phí xúc tiến thương mại là 8,850 tỷ đồng).

2. Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của ngành công thương vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ còn có một số hạn chế cần sớm được khắc phục, cụ thể là:

- Vùng chưa tận dụng và phát huy tốt được lợi thế là cửa ngõ chính trong phát triển kinh tế Việt Nam với Trung Quốc; chưa khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, đặc biệt là về công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, thương mại biên giới, phát triển du lịch gắn với kinh tế cửa khẩu và thủy điện.

- Công tác kiểm soát thị trường tuy đã được tăng cường song vẫn chưa phát hiện, ngăn chặn và xử lý một cách cơ bản các hoạt động gian lận thương mại trên thị trường cũng như các yếu tố tiêu cực tiềm ẩn để có biện pháp phòng ngừa, số vụ vi phạm và mức độ vi phạm có xu hướng tăng.

- Công tác triển khai các đề án khuyến công chậm so với kế hoạch. Công tác đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp tại nhiều địa phương đang có dấu hiệu chững lại. Các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển liên kết vùng chưa hiệu quả.

3. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, kế hoạch năm 2013 và năm sau, đề nghị các địa phương, đơn vị một số điểm sau:

3.1. Khẩn trương thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 và Nghị quyết các phiên họp thường kỳ của Chính phủ. Tập trung mọi nỗ lực để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu.

3.2. Các Sở Công Thương cần chủ động hơn trong thực hiện công tác quản lý nhà nước ngành công thương tại địa phương, đặc biệt về công tác quản lý thị trường, quản lý hoạt động kinh doanh xăng, dầu; quản lý thương nhân thu mua nông sản,...Tích cực phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương thực hiện ý kiến kết luận của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương làm việc với địa phương về lĩnh vực công thương.

3.3. Về lĩnh vực công nghiệp:

- Tập trung thực hiện tốt các Quy hoạch đã được phê duyệt, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng kế hoạch, đề án phát triển ngành công thương, đề xuất cơ chế đặc thù cho các tỉnh có lợi thế về khoáng sản, hàng nông sản.

- Đẩy nhanh tiến độ và giám sát chặt chẽ các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm có khả năng hoàn thành trong năm 2013; tăng cường kiểm tra, đôn đốc nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn và lưới điện, đảm bảo nguồn điện phục vụ cho ổn định sản xuất, đưa điện về miền núi, vùng sâu, vùng xa; triển khai biện pháp phòng chống mưa lốc, lũ quét sạt lở đất có thể xảy ra trong mùa mưa bão; quản lý chặt chẽ việc khai thác và xuất khẩu khoáng sản nhằm sử dụng có hiệu quả, tăng nguồn thu cho ngân sách.

- Rà soát, đánh giá việc triển khai các cụm công nghiệp theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19 tháng 8 năm 2009 và Chỉ thị 07/CT-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2012; đẩy nhanh tiến độ xử lý các cụm công nghiệp hình thành trước khi Quy chế có hiệu lực theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 31/2012/TTLT-BCT-BKHĐT ngày 10 tháng 10 năm 2012 của Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Đảm bảo hoàn thành các đề án khuyến công được giao năm 2013 đúng tiến độ, sử dụng kinh phí hiệu quả và đúng các quy định; xây dựng kế hoạch khuyến công năm 2014 đảm bảo chất lượng, tiến độ; tập trung xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về khuyến công và các văn bản pháp quy về khuyến công tại địa phương.

3.4. Về thương mại

- Tích cực và chủ động phối hợp với các Bộ, ngành triển khai các giải pháp, các đề án trong Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030.

- Đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại dịch vụ theo Quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng thương mại dịch vụ và cửa khẩu. Đầu tư xây dựng các trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa, các kho thương mại chuyên ngành tại các cửa khẩu biên giới. Tạo môi trường thông thoáng trong lưu thông hàng hóa xuất khẩu. Hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các thủ tục liên quan trong xuất khẩu và hưởng các ưu đãi thuế quan.

- Nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại. Hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu của địa phương thông qua các hội chợ triển lãm, sàn giao dịch thương mại điện tử. Tuyên truyền sâu rộng và thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tích cực triển khai chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

- Thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt tập trung chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, vận chuyển gia súc, gia cầm nhập lậu.

3.5. Công tác liên kết vùng

- Phát huy liên kết vùng trên cơ sở nghiên cứu xây dựng đề xuất các nội dung, cơ chế và phương thức thực hiện các liên kết hợp tác gữa các địa phương trong vùng, trong các lĩnh vực chủ yếu như: khai thác lợi thế Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, lợi thế về kinh tế cửa khẩu quốc tế để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, quảng bá sản phẩm thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến nông, lâm sản; công nghiệp chế biến khoáng sản; Hội chợ triển lãm cấp vùng từ nguồn kinh phí khuyến công và xúc tiến thương mại,...

- Giao Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách công nghiệp xây dựng Đề án liên kết vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ; giúp địa phương trong công tác đổi mới xây dựng quy hoạch theo hướng bền vững, xứng tầm với tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương và định hướng phát triển phù hợp với yêu cầu phát triển vùng.

4. Thống nhất về việc giao Sở Công Thương Lào Cai đăng cai và phối hợp với Cục Công nghiệp địa phương để tổ chức Hội nghị ngành công thương các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ lần thứ XVI, năm 2014 tại tỉnh Lào Cai.

Giao Cục Công nghiệp địa phương phối hợp với các địa phương, đơn vị thuộc Bộ nghiên cứu đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng các hội nghị công thương vùng; phát huy vai trò làm cầu nối giữa Bộ Công Thương và địa phương.

Trên đây là ý kiến kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú tại Hội nghị ngành công thương vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ lần thứ XV năm 2013. Văn phòng Bộ xin thông báo để các cơ quan, đơn vị có liên quan biết và triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- UBND, SCT các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biện, Hà Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái;
- Lãnh đạo Bộ Công Thương;
- Tổng cục Năng lượng;
- Các Cục: HC, ĐTĐL, QLTT, XTTM, KTATMTCN, TMĐT-CNTT,
- Các Vụ: KH; KHCN, CNNg, CNN, XNK, TMBGMN, TTTN;
- Viện NCCL&CSCN;
- Các tập đoàn: Xăng dầu, Than-Khoáng sản;
- Tổng Công ty Điện lực miền Bắc;
- Lưu: VT, CNĐP (2).

TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG




Đào Minh Hải

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 263/TB-BCT năm 2013 ý kiến kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú tại Hội nghị ngành công thương vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ lần thứ XV, năm 2013 do Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: 263/TB-BCT
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 24/07/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Đào Minh Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/07/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản