Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 292/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 15 tháng 9 năm 2016

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRƯƠNG HÒA BÌNH TẠI PHIÊN HỌP LẦN THỨ 5 CỦA BAN CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP” Ở CẤP TRUNG ƯƠNG

Ngày 24 tháng 8 năm 2016, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chủ trì Phiên họp lần thứ 5 của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” ở cấp Trung ương (sau đây gọi tắt là Đề án 258). Tham dự phiên họp có các Thành viên Ban Chỉ đạo là lãnh đạo các Bộ, cơ quan ở Trung ương, đại diện một số tổ chức giám định tư pháp, thành viên Tổ thư ký giúp việc Ban chỉ đạo Đề án.

Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Tư pháp báo cáo về kết quả hoạt động của Ban chỉ đạo ở cấp Trung ương trong năm 2015, dự thảo báo cáo tổng kết Đề án, kế hoạch tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án và ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình kết luận như sau:

1. Về đánh giá tình hình thực hiện Đề án 258

Nhất trí với những đánh giá về tình hình và kết quả thực hiện Đề án nêu trong dự thảo báo cáo về những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, vướng mắc và kế hoạch tổ chức tổng kết đánh giá 5 năm thực hiện Đề án.

Qua 05 năm thực hiện Đề án 258, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng nổi bật là: nhận thức của các cơ quan chức năng đã có chuyển biến tích cực, đã thành lập 01 Ban chỉ đạo ở Trung ương và 49 Ban chỉ đạo thực hiện Đề án cấp tỉnh ở địa phương, ban hành 36 văn bản hướng dẫn Luật giám định tư pháp (có hiệu lực từ ngày 01/01/2013), trong đó quy định cụ thể về tiêu chuẩn, quy trình, quy chuẩn, phí, tiền bồi dưỡng cho công tác giám định; củng cố kiện toàn hệ thống tổ chức giám định công lập chuyên trách ở 3 lĩnh vực (pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự); đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định; từng bước xã hội hóa, đáp ứng nhu cầu về giám định tư pháp; xây dựng và phát triển đội ngũ người thực hiện giám định tư pháp; tăng cường hoạt động trưng cầu, yêu cầu giám định của các cơ quan tiến hành tố tụng,...

Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án còn có những khó khăn, vướng mắc như chậm ban hành các văn bản hướng dẫn, một số quy định chưa phù hợp với thực tế, các quy định pháp luật tố tụng về trưng cầu giám định, đánh giá, sử dụng kết luận giám định chưa cụ thể, thực hiện chưa thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Công tác giám định tư pháp trong một số lĩnh vực như pháp y tâm thần, tài chính, ngân hàng, xây dựng, đất đai,... còn nhiều hạn chế.

Ở địa phương, hai tổ chức giám định pháp y của Sở y tế và Công an tỉnh chưa phối hợp chặt chẽ; nhân lực làm giám định còn thiếu nhất là các lĩnh vực pháp y tâm thần, chưa bổ nhiệm đủ và bồi dưỡng thường xuyên đối với giám định viên tư pháp; cơ sở vật chất ở nhiều nơi còn thiếu thốn, nhất là ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa... Lãnh đạo của một số Bộ, ngành và cơ quan tiến hành tố tụng chưa quan tâm đúng mức và chỉ đạo giải quyết các vướng mắc, bất cập còn để tình trạng đó kéo dài. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chưa chặt chẽ.

Nguyên nhân chủ yếu của các hạn chế nêu trên là do các cơ quan liên quan ở Trung ương và địa phương chưa tập trung các nguồn lực cần thiết để triển khai hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Đề án; chưa chủ động chia sẻ thông tin và phối hợp trong tổ chức thực hiện Đề án; một số địa phương chậm triển khai Đề án; chưa kiện toàn tổ chức giám định ở một số địa phương; khó khăn về kinh phí trong xây dựng trụ sở của Viện Pháp y quốc gia và một số cơ sở giám định tư pháp công lập; chậm thanh toán tiền bồi dưỡng, chi phí giám định tư pháp và định giá tài sản trong tố tụng hình sự; cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý giám định tư pháp chưa phát huy hiệu quả...

Đánh giá khái quát quá trình thực hiện Đề án cho thấy, mặc dù việc triển khai Đề án gặp nhiều khó khăn, phức tạp, nhưng đã thu được nhiều kết quả rõ rệt, đặc biệt là tạo được chuyển biến về nhận thức và định hướng tổ chức thực hiện công tác giám định tư pháp ở các cơ quan chức năng và các địa phương, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giám định tư pháp.

2. Về đánh giá hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 258

Ban chỉ đạo gồm các thành viên là lãnh đạo nhiều Bộ, ngành khác nhau, đã hoạt động tích cực, thúc đẩy sự phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan tiến hành tố tụng, xây dựng và triển khai Kế hoạch hoạt động và kiểm tra hàng năm của Ban chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giám định tư pháp trong một số lĩnh vực cụ thể như tăng cường giám định tư pháp phục vụ đấu tranh phòng chống tham nhũng và các vụ án kinh tế,... Tuy nhiên, hoạt động của Ban chỉ đạo còn một số tồn tại như: thực hiện nhiệm vụ của các Thành viên chưa bảo đảm đầy đủ, kịp thời; phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chưa nhịp nhàng, hiệu quả; đánh giá, kiểm điểm chưa đầy đủ trách nhiệm của từng Thành viên Ban chỉ đạo đối với từng nhiệm vụ được giao.

Ban chỉ đạo cần khắc phục ngay những tồn tại nêu trên, cần kiểm điểm trách nhiệm cụ thể việc thực hiện các nhiệm vụ theo kết luận các cuộc họp của Ban chỉ đạo. Đặc biệt là công tác giám định phục vụ giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế, Cơ quan thường trực Đề án cần chủ động phối hợp với Bộ Công an, Ban Nội chính Trung ương và các cơ quan liên quan triển khai kết luận của Trưởng ban Chỉ đạo và báo cáo kết quả thực hiện để tháo gỡ các vướng mắc.

3. Các công việc của Ban chỉ đạo trong thời gian tới:

Để bảo đảm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, phát huy kết quả, kinh nghiệm trong thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động tập trung triển khai tốt một số nhiệm vụ sau:

- Các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, công chức, viên chức nhận thức rõ về vị trí, vai trò của công tác giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng cũng như trách nhiệm của cá nhân, đơn vị đối với tổ chức hoạt động giám định tư pháp; tăng cường tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp lý và nghiệp vụ cho đội ngũ giám định viên, người tiến hành tố tụng thuộc thẩm quyền quản lý của bộ, ngành và địa phương mình.

- Các Bộ, ngành được giao nhiệm vụ tại Đề án 258 cần khẩn trương ban hành đầy đủ các quy trình giám định chuẩn, bảo đảm đáp ứng yêu cầu của hoạt động giám định ở các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, bảo đảm nguồn nhân lực về giám định tư pháp; có cơ chế, phương án về tổ chức thực hiện giám định bảo đảm đáp ứng tốt yêu cầu của hoạt động tố tụng.

- Đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp Trung ương (cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao) chỉ đạo thực hiện việc thống kê, đánh giá tình hình trưng cầu, yêu cầu giám định; đánh giá, sử dụng kết luận giám định; tăng cường thông tin, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan quản lý giám định tư pháp.

- Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể hơn về kinh phí chi trả chi phí giám định tư pháp; cần có cơ chế, khoản kinh phí dự phòng nguồn kinh phí chi trả chi phí giám định, định giá tài sản, tiền bồi dưỡng giám định để bảo đảm đáp ứng kịp thời, không để ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động trưng cầu và thực hiện giám định, cản trở hoạt động tố tụng.

- Đối với một số ngành như: ngân hàng, tài chính, tài nguyên và môi trường, xây dựng, cần nghiên cứu thành lập tổ chức giám định tư pháp độc lập.

- Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp, đề nghị Bộ Tư pháp cùng các cơ quan tiến hành tố tụng nghiên cứu, đề xuất cách thức, cơ chế trưng cầu, yêu cầu giám định và công nhận kết quả giám định của các tổ chức giám định ngoài công lập.

- Giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan giải quyết khó khăn về thiếu nguồn vốn để phục vụ việc giải phóng mặt bằng, xây dựng trụ sở Viện pháp y quốc gia ngay trong năm 2016, nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

- Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ, ngành có liên quan tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án 258 trong tháng 9 năm 2016 theo hướng tổ chức trực tuyến với tất cả các Bộ, ngành liên quan và các Ban chỉ đạo ở địa phương. Để chuẩn bị tổng kết, cơ quan Thường trực cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương tập trung thời gian, nguồn lực hoàn thành việc đánh giá toàn diện kết quả đạt được và những vướng mắc, đề xuất với Ban chỉ đạo các giải pháp cụ thể liên quan đến công tác giám định tư pháp thuộc phạm vi quản lý.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện./

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTgCP, các Vụ: TH, KGVX, NC, V.I;
- Lưu: Văn thư, PL (3b).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM





Nguyễn Văn Tùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 292/TB-VPCP năm 2016 về kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại Phiên họp Đề án Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp ở cấp Trung ương do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 292/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 15/09/2016
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Văn Tùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/09/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản