Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 27/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 17 tháng 01 năm 2018 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRƯƠNG HÒA BÌNH - CHỦ TỊCH ỦY BAN AN TOÀN GIAO THÔNG QUỐC GIA TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TỔNG KẾT CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG NĂM 2017; PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NĂM 2018
Ngày 03 tháng 01 năm 2018, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2017; phương hướng, nhiệm vụ năm 2018. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, các đồng chí là thành viên Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, lãnh đạo và thành viên Ban An toàn giao thông 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau khi nghe lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia báo cáo kết quả công tác năm 2017; phương hướng, nhiệm vụ năm 2018; ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị cùng với các Bộ, ngành, địa phương và đoàn thể trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp từ công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật; nâng cấp, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, tái cơ cấu vận tải; tuyên truyền giáo dục, xây dựng văn hóa giao thông; tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT)... nên tình hình TTATGT trong cả nước năm 2017 tiếp tục có chuyển biến tích cực, giao thông trong các đô thị lớn và trên các quốc lộ trọng điểm tiếp tục được duy trì ổn định; tai nạn giao thông (TNGT) được kiềm chế, giảm 1.509 vụ (giảm 6,99%), giảm 406 số người chết (giảm 4,67%), giảm 2.240 số người bị thương (giảm 11,62%) so với năm 2016; ùn tắc giao thông được khắc phục từng bước; vận tải trong các dịp cao điểm Lễ, Tết cơ bản được đảm bảo an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân.
Biểu dương các Bộ, ngành đã làm tốt công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, bao gồm: Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và 16 địa phương giảm trên 10% số người chết do tai nạn giao thông đường bộ là: Bình Định, Bắc Kạn, Bạc Liêu, Cà Mau, Cao Bằng, Đà Nẵng, Đồng Nai, Hà Giang, Hà Tĩnh, Kiên Giang, Lào Cai, Ninh Thuận, Quảng Ninh, Sơn La, Trà Vinh và Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 01/2018/TT-BTC ngày 01 tháng 01 năm 2018 để thay thế Thông tư số 137/2013/TT-BTC hướng dẫn quản lý, sử dụng và thanh toán, quyết toán kinh phí bảo đảm trật tự, an toàn giao thông do ngân sách nhà nước cấp; ngành Y tế cả nước đã thực hiện tốt việc cứu chữa cho nạn nhân các vụ tai nạn giao thông, góp phần giảm thương vong. Các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là ngành Giao thông vận tải, lực lượng quân đội, Công an đã nỗ lực, nhanh chóng khắc phục sạt lở nghiêm trọng nhiều tuyến đường do mưa lũ tại các tỉnh Tây Bắc và Trung Bộ để bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt.
Tuy nhiên tình hình TNGT vẫn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông hàng hải tăng cao; còn xảy ra 70 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm 224 người chết, bị thương 207 người; còn 04 địa phương tăng cả 03 tiêu chí TNGT đường bộ là: Cần Thơ, Hậu Giang, Lai Châu, Tuyên Quang; 15 địa phương tăng số người chết: An Giang, Bến Tre, Đắk Lắk, Hải Phòng, Hưng Yên, Khánh Hòa, Nam Định, Quảng Trị, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang; ùn tắc giao thông tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng; tỷ lệ đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy ở khu vực nông thôn, miền núi và đội mũ bảo hiểm cho trẻ em còn thấp, đạt khoảng 40-50%; tỷ lệ thương vong do tai nạn giao thông ở trẻ em còn cao, nhất là tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; các giải pháp quản lý sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân gắn với phát triển vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn còn triển khai chậm, chưa có giải pháp căn cơ và duy trì hiệu quả lập lại trật tự đô thị.
Việc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trong thời gian qua đã có những kết quả nhất định. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, đặc biệt là việc gắn và xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị chức năng trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ở một số địa phương còn chưa nghiêm; chưa phát huy tốt vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội trong tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và vận động nhân dân xây dựng văn hóa giao thông. Bên cạnh đó, các điểm đen về tai nạn giao thông, nhất là điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, lối đi dân sinh qua đường sắt chưa được giải quyết triệt để; còn tái diễn hiện tượng xe chở hàng quá tải trên đường bộ; tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông diễn ra phổ biến; khai thác cát, sỏi trái phép vẫn còn phức tạp; những hạn chế trong công tác tập huấn, phổ biến và thực thi pháp luật; ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông vận tải cũng như giám sát, xử lý vi phạm chưa tốt; chất lượng đào tạo, sát hạch đối với lái xe ô tô khách, ô tô tải và lái xe container còn nhiều bất cập... tác động tiêu cực đến hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM 2018
Năm 2018, với mục tiêu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng GDP trên 6,5%; đặc biệt là từ 01 tháng 01 năm 2018 thuế nhập khẩu ô tô từ các quốc gia ASEAN giảm xuống 0%, nhu cầu vận tải và số lượng phương tiện sẽ tăng nhanh, tạo áp lực lớn về trật tự, an toàn giao thông, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia sớm tổ chức triển khai thực hiện Năm an toàn giao thông 2018 với chủ đề "An toàn giao thông cho trẻ em" nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật an toàn giao thông trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên; tiếp tục giảm tai nạn giao thông từ 5 - 10% cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương; giảm tỷ lệ thương vong do TNGT đối với trẻ em 10% so với năm 2017; cơ bản hoàn thành việc xóa bỏ các điểm đen về tai nạn giao thông; xóa bỏ đường ngang dân sinh tự mở giao cắt với đường sắt; tiếp tục kéo giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút.
Để thực hiện được mục tiêu trên, các cơ quan thành viên Ủy ban ATGT Quốc gia và Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tập trung thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và các Công điện, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời tập trung thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Hoàn thiện thể chế về an toàn giao thông; tổng kết và xây dựng dự án Luật giao thông đường bộ (sửa đổi); nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật thống kê, Nghị định quy định bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với chủ xe cơ giới; xây dựng và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật hiện hành liên quan đến đảm bảo an toàn về kết cấu hạ tầng, phương tiện, kỹ năng, đạo đức, trách nhiệm của người tham gia giao thông; các chế tài xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông, chú trọng đến sửa đổi các quy định nhằm nâng cao khả năng tạo lập môi trường giao thông an toàn cho trẻ em.
2. Tiếp tục xây dựng văn hóa giao thông cho toàn xã hội; trọng tâm là bảo vệ an toàn giao thông cho trẻ em và người lớn cần nêu gương về văn hóa giao thông. Đổi mới phương thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông phù hợp với chủ đề năm ATGT, xây dựng các sản phẩm truyền thông hiện đại gắn với phát huy các bộ môn văn hóa, nghệ thuật dân tộc; tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và những môi trường thanh thiếu nhi; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, tổ chức tôn giáo, hiệp hội nghề nghiệp trong công tác bảo đảm TTATGT. Đặc biệt là cần đổi mới chương trình đào tạo để nâng cao kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ lái xe khách, xe tải, xe chở container. Trường hợp lái xe vi phạm nhiều lần mà nguyên nhân xuất phát từ kỹ năng, nghiệp vụ lái xe thì phải xem xét trách nhiệm của cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe.
3. Nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, tăng cường đầu tư để hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị nghiệp vụ cho lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông vận tải và các lực lượng cùng tham gia tuần tra, kiểm soát để xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT, nhất là các vi phạm về đội mũ bảo hiểm đối với người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, quy định về thắt dây an toàn đối với người ngồi trên xe ô tô; tăng cường hoạt động tuần tra lưu động, giảm tình trạng lập chốt cố định trong tuần tra của lực lượng Cảnh sát giao thông; cần phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị (Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông vận tải) trong công tác tác bảo đảm TTATG; đồng thời phát huy hiệu quả mô hình tuần tra phối hợp giữa Cảnh sát giao thông với các lực lượng cảnh sát khác, kết hợp giữa xử lý vi phạm về TTATGT và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên các tuyến đường giao thông, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.
4. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và chất lượng bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm với hoàn thiện quy hoạch không gian và sử dụng đất, nhằm nâng cao năng lực kết nối, tạo sức hấp dẫn đầu tư, gia tăng việc làm cho các đô thị trung bình, nhằm làm giảm mức độ di dân cơ học về Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, kéo giảm áp lực về giao thông; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng bảo trì và hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng hiện hữu; chú trọng tổ chức giao thông, bảo đảm điều kiện tham gia giao thông an toàn cho trẻ em, đặc biệt là giao thông kết nối đến trường học và trung tâm vui chơi của trẻ em.
5. Tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tải theo hướng giảm áp lực cho vận tải đường bộ; đẩy mạnh thực hiện Quyết định 318/QĐ-TTg ngày 04 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trong đó chú trọng nâng cao năng lực, chất lượng và giảm giá thành vận tải hành khách bằng đường hàng không; nâng cao năng lực và chất lượng đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt; đặc biệt cần có cơ chế thuận lợi để phát huy thế mạnh về vận tải thủy nội địa khu vực đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, vận tải ven biển, tăng cường phát triển dịch vụ logistics và kết nối đa phương thức, giảm mức độ phụ thuộc vào vận tải đường bộ.
6. Phát triển hệ thống vận tải công cộng khối lượng lớn trong đô thị và kết nối vùng, gắn với hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh kết nối thuận tiện và gắn với tiến độ đầu tư phát triển các khu đô thị, các trung tâm thương mại và dân cư lớn; kết nối liên thông giữa vận tải đô thị với vận tải công cộng đường dài quốc gia (hàng không, đường sắt quốc gia, xe khách liên tỉnh); nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ xe buýt trong các đô thị, xe khách liên tỉnh, xe đưa đón học sinh để thu hút hành khách, đặc biệt là trẻ em đi lại bằng dịch vụ công cộng; kiểm soát và hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân gắn với lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường, hành lang an toàn giao thông, bảo đảm điều kiện đi bộ và sang đường an toàn đối với trẻ em.
7. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông vận tải và tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông. Đầu tư xây dựng trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị thông minh và các thiết bị ngoại vi với năng lực giám sát, điều hành trực tuyến hoạt động giao thông, điều khiển hệ thống tín hiệu, phát hiện hành vi vi phạm hỗ trợ xử lý vi phạm, trước hết tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tiến tới áp dụng cho các đô thị khác; cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ thông minh để hướng dẫn người dân, đặc biệt là học sinh đi lại thuận tiện; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa trung tâm điều hành giao thông đô thị với các trung tâm điều hành đường cao tốc; kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa quản lý giao thông vận tải với các lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT.
Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khẩn trương ban hành Kế hoạch năm An toàn giao thông 2018, phân công các nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan là thành viên Ủy ban và định hướng nhiệm vụ cho các địa phương. Các đồng chí Ủy viên Ủy ban ATGT Quốc gia tập trung kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tập trung tháo gỡ những khó khăn, những nút thắt trong quá trình tổ chức thực hiện ở cả các bộ ngành trung ương và địa phương. Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng Ban ATGT các tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch năm An toàn giao thông 2018 của địa phương và trực tiếp chỉ đạo các Sở, ngành, các Ủy ban nhân dân các cấp triển khai nhiệm vụ phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; ban hành quy định về xác định và xử lý trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu các tổ chức cá nhân có liên quan đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tiếp tục vận động người dân và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tại địa phương thực hiện các mô hình tự quản đảm bảo TTATGT; tuyên truyền trong cộng đồng, tham gia cảnh giới tại các giao cắt đường bộ với đường sắt, quyết liệt xử lý triệt để các lối đi tự mở trái phép qua đường sắt, các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; vận động nhân dân hiến đất tạo điều kiện giải tỏa hành lang an toàn giao thông.
III. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM QUÝ I NĂM 2018
1. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện công điện số 1882/CĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Lễ hội xuân 2018. Thực hiện nghiêm chế độ trực và báo cáo tình hình TTATGT trong dịp cao điểm trước và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất.
2. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo và tổ chức kiểm tra công tác vận tải Tết Nguyên đán; phối hợp với Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các địa phương chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện tổ chức giao thông, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn trên các tuyến giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm, đặc biệt là tại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án BOT trên toàn quốc; phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận có phương án tổ chức điều tiết giao thông, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến kết nối tới Cảng hàng không Tân Sơn Nhất và khu vực cảng Cát Lái.
3. Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường tối đa lực lượng tuần tra, kiểm soát, điều tiết giao thông trên đường bộ, đường thủy nội địa và các đầu mối đường sắt; chú trọng bố trí lực lượng ứng trực trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, kịp thời xử lý các sự cố phát sinh do TNGT, hư hỏng phương tiện, kết cấu hạ tầng cũng như các hành vi cố tình gây cản trở giao thông, mất trật tự an toàn giao thông tại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức BOT.
4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2017, triển khai Kế hoạch bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2018.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Thông báo 253/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại buổi họp Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tháng 5 và nhiệm vụ tháng 6 năm 2017 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Thông báo 324/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông Quý II, phương hướng, nhiệm vụ Quý III năm 2017 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Công văn 8925/VPCP-CN năm 2017 xây dựng Đề án Các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Công văn 3050/VPCP-TTĐT năm 2018 về kiểm tra xử lý thông tin báo phản ánh một số xe ô tô tải chở cây xanh quá khổ, quá tải, không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông lưu thông qua một số tỉnh miền Trung do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 5Thông báo 139/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông quý I và triển khai nhiệm vụ công tác quý II năm 2018 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 6Thông báo 9/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2021 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 1Luật giao thông đường bộ 2008
- 2Nghị quyết 88/NQ-CP năm 2011 về tăng cường thực hiện giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông do Chính phủ ban hành
- 3Luật xử lý vi phạm hành chính 2012
- 4Chỉ thị 18-CT/TW năm 2012 tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông do Ban Bí thư ban hành
- 5Thông tư 137/2013/TT-BTC Hướng dẫn quản lý, sử dụng và thanh toán, quyết toán kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông do ngân sách nhà nước cấp do Bộ Tài chính ban hành
- 6Quyết định 318/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Luật thống kê 2015
- 8Thông báo 253/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại buổi họp Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tháng 5 và nhiệm vụ tháng 6 năm 2017 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 9Thông báo 324/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông Quý II, phương hướng, nhiệm vụ Quý III năm 2017 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 10Công văn 8925/VPCP-CN năm 2017 xây dựng Đề án Các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 11Công điện 1882/CĐ-TTg năm 2017 về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Lễ hội xuân năm 2018 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 12Công văn 3050/VPCP-TTĐT năm 2018 về kiểm tra xử lý thông tin báo phản ánh một số xe ô tô tải chở cây xanh quá khổ, quá tải, không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông lưu thông qua một số tỉnh miền Trung do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 13Thông báo 139/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông quý I và triển khai nhiệm vụ công tác quý II năm 2018 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 14Thông báo 9/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2021 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 do Văn phòng Chính phủ ban hành
Thông báo 27/TB-VPCP năm 2018 về kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2017; phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 27/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 17/01/2018
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Cao Lục
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 17/01/2018
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra