Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 265/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 12 tháng 10 năm 2021

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TẠI CUỘC LÀM VIỆC GIỮA THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ VÀ BAN THƯỜNG TRỰC ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM VỀ KẾT QUẢ PHỐI HỢP CÔNG TÁC GIAI ĐOẠN 2016 – 2020, 8 THÁNG ĐẦU NĂM 2021 VÀ TRỌNG TÂM CÔNG TÁC PHỐI HỢP TRONG THỜI GIAN TỚI

Ngày 29 tháng 9 năm 2021 tại Trụ sở Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thường trực Chính phủ và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam làm việc về kết quả phối hợp công tác giai đoạn 2016 – 2020, 8 tháng đầu năm 2021 và trọng tâm công tác phối hợp trong thời gian tới. Tham dự buổi làm việc, về phía Chính phủ có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Ngoại giao, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; về phía MTTQ Việt Nam có Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu, các đồng chí Phó Chủ tịch, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng các tổ chức chính trị - xã hội tại Trung ương; Chủ nhiệm các Hội đồng tư vấn, các Ban, đơn vị của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Sau khi nghe Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam báo cáo kết quả phối hợp công tác giai đoạn 2016 - 2020, 8 tháng đầu năm 2021 và các trọng tâm phối hợp công tác thời gian tới giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ báo cáo kết quả phối hợp thực hiện các kết luận của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2016 – 2021 và tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành về các kiến nghị, đề xuất của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ý kiến của các đại biểu dự họp, phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau:

I. TÌNH HÌNH CHUNG

Buổi làm việc hôm nay giữa Thường trực Chính phủ với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, diễn ra trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực, tập trung triển khai, đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào thực tiễn đời sống xã hội; tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề tới nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, khu vực và Việt Nam; đặc biệt chủng vi-rút Delta khó dự báo, có tốc độ lây lan nhanh với chu kỳ ngắn và thời gian ủ bệnh kéo dài, các biểu hiện lâm sàng không rõ ràng và khi chuyển nặng rất nhanh, nguy hiểm, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch của nước ta, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, đời sống Nhân dân và tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội.

Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sát sao của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chính phủ cùng với MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên chung sức, đồng lòng, tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, toàn dân đồng lòng, quyết liệt triển khai nhiệm vụ linh hoạt, sáng tạo, phù hợp tình hình để vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và đã đạt một số kết quả: Về tổng thể, GDP 9 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng 1,42%; kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; lạm phát cơ bản được kiểm soát; thu ngân sách nhà nước đảm bảo cho các nhiệm vụ chi; dịch bệnh đến nay cơ bản đã được kiểm soát; đã tổ chức thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh xã hội, đời sống Nhân dân được bảo đảm. Ngoại giao vắc – xin được thúc đẩy mạnh mẽ.

Vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc ngày càng được nâng cao. MTTQ Việt Nam tiếp tục khẳng định vị trí là cơ sở chính trị của chính quyền Nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động để tuyên truyền, vận động, tập hợp và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại Nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

II. VỀ CÔNG TÁC PHỐI HỢP GIỮA CHÍNH PHỦ VÀ ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

Chính phủ thống nhất với Báo cáo của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và ý kiến của các đại biểu dự họp về kết quả phối hợp công tác giữa Chính phủ và MTTQ Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 và 8 tháng đầu năm 2021. Sự phối hợp hai bên là đòi hỏi khách quan, phù hợp với thực tiễn đất nước; quá trình phối hợp bảo đảm chặt chẽ, thực chất, đáp ứng được nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân. Chính phủ và MTTQ Việt Nam đã thực hiện tốt, có hiệu quả các nhiệm vụ theo Quy chế phối hợp công tác; các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và yêu cầu của thực tiễn cuộc sống. Khi kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đồng chí Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tham gia và là Trưởng Tiểu ban vận động và huy động xã hội. Các nội dung phối hợp được triển khai toàn diện, thiết thực, hiệu quả và hướng vào giải quyết những vấn đề cấp thiết trong đời sống Nhân dân, góp phần quan trọng tạo nên những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thường xuyên tham dự và tham gia ý kiến tại các phiên họp thường kỳ của Chính phủ và các hội nghị chuyên đề, góp phần cùng Chính phủ nhận diện các khó khăn, thách thức và đề ra giải pháp phù hợp, thiết thực. Chính phủ và các thành viên Chính phủ luôn coi trọng, lắng nghe ý kiến phản ánh từ MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đáp ứng kịp thời nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.

Đặc biệt, trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Chính phủ và MTTQ Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện chiến lược “vắc- xin”, tổ chức phát động nhiều hoạt động, phong trào quan trọng, thiết thực để vận động mọi tầng lớp Nhân dân, doanh nghiệp đồng hành, ủng hộ, đóng góp cho công tác phòng, chống dịch và Quỹ vắc-xin phòng COVID-19. MTTQ Việt Nam đã chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành các quy định về phòng, chống dịch; tham gia hiệu quả trong các Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp và các Tổ Covid cộng đồng, Tổ phản ứng nhanh, Tổ an sinh xã hội, Tổ thiện nguyện, mô hình “Vùng xanh tự quản”, tích cực thực hiện chủ trương “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” và bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ Nhân dân khắc phục khó khăn do dịch bệnh. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trân trọng và cảm ơn sự đóng góp của MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên đã cùng Chính phủ quyết tâm từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành mục tiêu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra là: “Phấn đấu đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.

III. MỘT SỐ TRỌNG TÂM CÔNG TÁC PHỐI HỢP TRONG THỜI GIAN TỚI

Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, Chính phủ xác định phương châm hành động cho nhiệm kỳ 2021 - 2026 là: Xây dựng Chính phủ “đổi mới, liêm chính, kỷ cương, hành động, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ”. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ trân trọng đề nghị Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đồng hành cùng với Chính phủ, chung sức, đồng lòng trong triển khai các nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, trong đó tập trung vào một số trọng tâm công tác sau:

1. Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thống nhất phương châm hành động trong phòng, chống dịch COVID-19 là thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội theo nguyên tắc “5K” kết hợp “ý thức Nhân dân”, “vắc-xin”, “thuốc chữa bệnh”“khoa học công nghệ” với quan điểm xuyên suốt là “người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể, tham gia cùng Đảng, Nhà nước xây dựng thể chế, chủ trương, chính sách, tổ chức triển khai và giám sát việc thực hiện”.

2. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hai Bên tiếp tục phối hợp thực hiện, phân công, phân nhiệm rõ ràng, xây dựng thế trận lòng dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, sức mạnh đoàn kết, tạo sự đồng thuận của xã hội trong công cuộc xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế sâu rộng. Như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Bài nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa 2 Trường Đại học Nhân dân Việt Nam ngày 08 tháng 12 năm 1956: “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”.

3. Chính phủ đề nghị MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Chính phủ trong nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo mọi điều kiện để Nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia có hiệu quả vào công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước kết hợp với phương thức vận động, tập hợp Nhân dân; nhất quán với tư tưởng “đầu tư cho thể chế là đầu tư cho phát triển”.

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành các cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế - xã hội và để những chính sách này thực sự phát huy hiệu quả cần phải có sự tham gia tích cực của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, làm sao cho “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm”.

4. MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục làm tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội; phát huy tối đa trí tuệ của các nhà khoa học, những chuyên gia giàu kinh nghiệm. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên hơn nữa với Chính phủ trong việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về giám sát và phản biện xã hội để phát huy vai trò giám sát của Nhân dân.

5. MTTQ Việt Nam phát huy hơn nữa vai trò tích cực của mình tham gia kiểm soát quyền lực; phối hợp với Chính phủ đề xuất, xây dựng các cơ chế, phương thức phù hợp trong đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí ngay tại mỗi địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị; giải quyết hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

6. MTTQ Việt Nam tiếp tục tăng cường phối hợp với Chính phủ trong công tác tuyên truyền với tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”; kịp thời cập nhật thông tin từ các nguồn chính thống, đồng thời phản bác các tin giả, tin xấu độc, nhất là những tin ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, tình hình an ninh, trật tự và công tác phòng, chống dịch COVID-19; chú trọng tuyên truyền, cổ vũ những gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến, vượt khó vươn lên. Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp tổ chức Hội nghị vinh danh những tấm gương tiêu biểu, có công lao, thành tích, đóng góp tích cực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong Quý IV năm 2021.

7. Chính phủ và MTTQ Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong triển khai hiệu quả Quy chế phối hợp công tác; trong đó tập trung thực hiện tốt các hoạt động đối ngoại, vận động, tăng cường đoàn kết đồng bào các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài; phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy vai trò các tôn giáo trong xã hội hóa y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, dạy nghề, bảo vệ môi trường,...

8. Đề nghị Ban Dân vận Trung ương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan hành chính nhà nước các cấp tiếp tục nâng cao chất lượng các nội dung của công tác dân vận chính quyền, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, quan tâm đến lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân và tiếp tục phát huy những mô hình, cách làm hay như mô hình “Dân vận khéo”, tạo sức lan tỏa, nhất là trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 hiện nay.

IV. VỀ CÁC KIẾN NGHỊ CỦA BAN THƯỜNG TRỰC ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

1. Cơ bản đồng ý với các kiến nghị của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Giao các Bộ, cơ quan: Tài chính, Nội vụ, Công an, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tư pháp theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp tục giải quyết các kiến nghị, đề xuất của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đang được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2016 – 2021 và nghiên cứu, xử lý hiệu quả các kiến nghị mới theo quy định hiện hành, có văn bản trả lời Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trước ngày 30 tháng 10 năm 2021; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những nội dung vượt thẩm quyền (chi tiết tại Phụ lục kèm theo).

2. Thống nhất với kiến nghị của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về việc không tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm Nghị quyết liên tịch số 88/NQLT/CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 07 tháng 10 năm 2016 giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; giao các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Xây dựng phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thực hiện tổng kết bằng văn bản, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý các kiến nghị (nếu có).

3. Đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp và giao Ủy ban Dân tộc là cơ quan đầu mối của Chính phủ tổ chức Hội nghị định kỳ 5 năm gặp mặt biểu dương, khen thưởng, động viên người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng các dân tộc có nhiều đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

4. Đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp và giao Bộ Nội vụ là cơ quan đầu mối của Chính phủ tổ chức Hội nghị gặp mặt lãnh đạo các tổ chức tôn giáo và biểu dương chức sắc, chức việc các tôn giáo có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong năm 2022.

5. Về đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Quốc tịch: Đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Chính phủ đề xuất cụ thể bảo đảm phù hợp tình hình đất nước và nguyện vọng chính đáng của kiều bào; giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới tại Kết luận số 12-KL/TW ngày 12 tháng 8 năm 2021.

6. Về đề nghị sửa đổi Quyết định số 33/2014/QĐ-TTg ngày 28 tháng 5 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ hỗ trợ sinh hoạt phí đối với Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy viên Ủy ban MTTQ cấp tỉnh, cấp huyện: Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu kiến nghị của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

7. Về Trụ sở mới của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: Ban cán sự đảng Chính phủ đã có Văn bản số 319-CV/BCSĐCP ngày 28 tháng 9 năm 2021 thống nhất với kiến nghị của Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Báo cáo số 221-BC/MTTW-ĐĐ ngày 18 tháng 8 năm 2021 gửi Văn phòng Trung ương Đảng để báo cáo Bộ Chính trị theo quy định.

8. Về phương án xử lý 02 cơ sở nhà, đất của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tại địa chỉ số 176 và 188 đường Võ Thị Sáu, phường 7, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh: Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành sớm bố trí cuộc họp và chỉ đạo Bộ Tài chính xử lý kiến nghị, vướng mắc của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật và đáp ứng yêu cầu hoạt động của công tác Mặt trận.

9. Về việc bổ sung vốn đầu tư công trung hạn cho Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan nghiên cứu, hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thực hiện theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật có liên quan.

10. Về đề nghị tiếp tục triển khai một số nội dung của phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”: Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến đồng ý với các kiến nghị của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tại Văn bản số 7191/VPCP-TCCV ngày 05 tháng 10 năm 2021.

Văn phòng Chính phủ trân trọng thông báo đến Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các cơ quan liên quan để phối hợp, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Ban Dân vận Trung ương;
- Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội
- Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- VPCP: BTCN, các PCN; Trợ lý TTgCP; Trợ lý, Thư ký các PTTgCP, các Vụ, Cục; TGĐ Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, QHĐP (3b) S.Tùng.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Cao Lục

 

PHỤ LỤC

CÁC KIẾN NGHỊ ĐANG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN VÀ KIẾN NGHỊ MỚI CỦA BAN THƯỜNG TRỰC ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM THUỘC THẨM QUYỀN, TRÁCH NHIỆM XỬ LÝ CỦA CÁC BỘ, NGÀNH

1. Về đề nghị xây dựng Nghị định về chính sách đối với cốt cán phong trào trong tôn giáo: Hiện nay Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ, ngành để hoàn thiện Nghị định gửi Bộ Tư pháp thẩm định theo quy định, dự kiến trình Chính phủ trong Quý IV năm 2021.

2. Về đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, trong đó, nghiên cứu mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố (trong đó có Trưởng ban công tác Mặt trận) để đảm bảo tương xứng với khối lượng công việc ở thôn, tổ dân phố và điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương: Hiện nay Bộ Nội vụ đang đôn đốc các địa phương gửi báo cáo đánh giá những vấn đề bất cập để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

3. Về đề xuất về sinh hoạt phí của cán bộ Mặt trận không chuyên trách ở các cấp: Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính triển khai thực hiện tại Thông báo số 138/TB-VPCP ngày 15 tháng 3 năm 2017.

4. Về đề nghị sửa đổi, bổ sung Quyết định số 76/2013/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ chi đón tiếp, thăm hỏi, chúc mừng đối với một số đối tượng do MTTQ Việt Nam các cấp thực hiện: Tại Thông báo số 52-TB/VPCP ngày 22 tháng 3 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận: “Đồng ý về chủ trương; giao Bộ Tài chính phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các bộ, cơ quan liên quan đánh giá việc thực hiện Quyết định số 76/2013/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ; trên cơ sở đó đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp tình hình thực tiễn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định”.

5. Về đề nghị sửa đổi Thông tư số 337/TT-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ hiện nay, đồng thời đảm bảo thống nhất, đồng bộ với cơ chế, điều kiện hoạt động giám sát của các cơ quan khác trong hệ thống chính trị: Thuộc trách nhiệm xử lý của Bộ Tài chính.

6. Về đề nghị sửa đổi Thông tư số 35/2018/TTLT-BTC ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, quản lý bảo đảm hoạt động của Hội đồng tư vấn thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh và Ban Tư vấn thuộc Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, trong đó nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù để Mặt trận phát huy trí tuệ của các trí thức, nhà khoa học, chuyên gia tham gia các hội đồng tư vấn: Thuộc trách nhiệm xử lý của Bộ Tài chính.

7. Về đề xuất hỗ trợ sinh hoạt phí cho các cá nhân tiêu biểu là Ủy viên Ủy ban MTTQ cấp xã theo hướng dẫn tại Thông tư 104/2015/TT-BTC ngày 03 tháng 7 năm 2015 của Bộ Tài chính: Thuộc trách nhiệm xử lý của Bộ Tài chính.

8. Về đề nghị có văn bản mới thay thế Công văn bản số 286/BTC-HCSN ngày 13/6/2012 của Bộ Tài chính về việc hỗ trợ kinh phí và ngân sách Nhà nước đối với hoạt động của tổ chức Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam các cấp: Thuộc trách nhiệm xử lý của Bộ Tài chính.

9. Về đề nghị sáp nhập các Ban Chỉ đạo có liên quan đến lĩnh vực văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phòng chống tội phạm, toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Văn bản số 4257/BVHTTDL-VHCS ngày 16 tháng

11 năm 2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc không sáp nhập các Ban Chỉ đạo có liên quan đến lĩnh vực văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Riêng về việc kiện toàn, sáp nhập các Ban Chỉ đạo về phòng, chống tội phạm và bảo vệ an ninh Tổ quốc, Bộ Công an đang triển khai thực hiện.

10. Về việc ban hành tiêu chí đô thị văn minh: Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiếp tục triển khai lấy ý kiến của Mặt trận và các bộ, ngành liên quan để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

11. Về đề nghị thay thế danh hiệu “Gia đình văn hóa” bằng danh hiệu “Gia đình ấm no, hạnh phúc”; danh hiệu “Khu dân cư văn hóa” bằng danh hiệu “Khu dân cư tiên tiến” trong Luật Thi đua, khen thưởng: Chính phủ đã có Tờ trình số 256/TTr-CP ngày 22 tháng 7 năm 2021 trình Quốc hội về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) trong đó đã tiếp thu các ý kiến của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu trên, các cơ quan của Quốc hội đang thẩm định và dự kiến đưa ra xem xét tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội XV./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 265/TB-VPCP về ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc làm việc giữa Thường trực Chính phủ và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về kết quả phối hợp công tác giai đoạn 2016-2020, 8 tháng đầu năm 2021 và trọng tâm công tác phối hợp trong thời gian tới do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 265/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 12/10/2021
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Cao Lục
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản