Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 159/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 11 tháng 04 năm 2013

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ HOÀNG TRUNG HẢI TẠI HỘI NGHỊ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG CÁC TỈNH TÂY NGUYÊN

Ngày 14 tháng 3 năm 2013, tại Thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 đã chủ trì Hội nghị "Bảo vệ và phát triển rừng các tỉnh Tây Nguyên". Tham dự có lãnh đạo và đại diện các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Công an, Văn phòng Chính phủ, Ban chỉ đạo Tây nguyên, lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Tập đoàn Cao su Việt Nam, đại diện một số Công ty lâm nghiệp, Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng thuộc các tỉnh Tây Nguyên.

Sau khi nghe Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tình hình bảo vệ và phát triển rừng khu vực Tây Nguyên; ý kiến các Bộ, ngành, các tỉnh khu vực Tây Nguyên và các đại biểu, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kết luận như sau:

1. Về tình hình quản lý bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian qua:

Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền của các tỉnh Tây Nguyên luôn xác định công tác bảo vệ và phát triển rừng tại khu vực Tây Nguyên có ý nghĩa vô cùng quan trọng để đảm bảo lợi ích tổng hợp, kết hợp hài hòa các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng và an ninh, góp phần vào phát triển bền vững khu vực Tây Nguyên. Vì vậy, đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục vận động người dân quan tâm đến công tác quản lý bảo vệ rừng, tạo sự chuyển biến về nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp cơ sở và thu hút sự tham gia tích cực của người dân đối với việc bảo vệ rừng và phát triển rừng.

a) Một số kết quả cụ thể:

- Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được quan tâm chỉ đạo, hoàn thiện các phương án quản lý lửa rừng ở những vùng trọng điểm; duy trì hoạt động thông tin cảnh báo cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng (TV, đài, báo) để các chủ rừng biết và có biện pháp chủ động phòng ngừa.

- Về sắp xếp lại tổ chức lực lượng kiểm lâm: cơ bản đã bỏ các trạm kiểm soát trên các trục giao thông, tăng cường đưa một bộ phận lực lượng kiểm lâm về địa bàn xã, tham mưu cho Ủy ban nhân dân xã tổ chức công tác bảo vệ rừng.

- Về quản lý rừng bền vững: Khu vực Tây Nguyên có 7 mô hình quản lý rừng bền vững, trong đó các dự án quốc tế hỗ trợ 03 mô hình, còn lại là các địa phương chủ động triển khai. Kết quả nổi bật trong việc triển khai các mô hình quản lý rừng bền vững là Công ty Lâm nghiệp Đắc Tô đã được cấp Chứng chỉ gỗ có kiểm soát và đang hoàn thiện để cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững quốc tế FSC cho 16.100 ha rừng tự nhiên là rừng sản xuất cho giai đoạn 2011-2016.

- Về phát triển trồng cao su: Thực tế cho thấy chủ trương phát triển thêm 100 nghìn ha cao su trên địa bàn Tây Nguyên là phù hợp, được các địa phương, doanh nghiệp đồng tình và quyết tâm triển khai, sau 5 năm thực hiện các tỉnh đã trồng được hơn 72 nghìn ha, tuy chưa đạt kế hoạch, nhưng là kết quả đáng ghi nhận.

Gắn liền với việc phát triển cao su, các dự án đã chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, như đường giao thông, đường điện, trạm y tế, trường học giếng nước sinh hoạt, khu dân cư..., với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng, đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc, góp phần ổn định xã hội, đảm bảo an ninh chính trị vùng Tây Nguyên.

b) Một số tồn tại:

Công tác quản lý, bảo vệ rừng Tây Nguyên nhìn chung vẫn còn một số yếu kém, nhược điểm, thể hiện trên một số mặt công tác sau:

- Tây Nguyên vẫn là vùng trọng điểm về vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, bình quân hàng năm đã phát hiện được hàng chục nghìn vụ vi phạm; ở một số trọng điểm, tụ điểm phá rừng nghiêm trọng đã hình thành đường dây phá rừng có hệ thống; tình trạng suy giảm diện tích rừng còn diễn ra ở mức độ cao, bình quân giảm là 25.737 ha/năm, chất lượng rừng cũng suy giảm rõ rệt: rừng có trữ lượng có diện tích rất thấp (1.772.744 ha), đạt độ che phủ là 32,4%, diện tích còn lại là chủ yếu là rừng chưa có trữ lượng hoặc trữ lượng thấp;

- Ở nhiều nơi chính quyền địa phương các cấp chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, thiếu kiên quyết chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng. Ủy ban nhân dân xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng nhưng không đủ điều kiện (con người và tài chính) để tổ chức bảo vệ rừng. Một số trường hợp khi cơ quan chức năng phát hiện vi phạm thì xử lý thiếu kiên quyết, phối hợp thiếu chặt chẽ, một bộ phận thiếu trách nhiệm, thậm chí có biểu hiện tiêu cực, tiếp tay cho những người phá rừng.

- Nhiều xưởng chế biến gỗ gần rừng không theo quy hoạch, không gắn với quy hoạch nguồn nguyên liệu ổn định, công tác quản lý kiểm tra chưa thường xuyên, do đó nhiều xưởng chế biến gỗ trở thành nơi tiêu thụ gỗ khai thác bất hợp pháp.

- Tình trạng chống người thi hành công vụ diễn ra khá thường xuyên, gay gắt, một số trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến việc chấp hành kỷ cương pháp luật, gây mất ổn định trên địa bàn, gây bức xúc trong xã hội.

- Về hoạt động của các công ty lâm nghiệp: Tây Nguyên có 56 Công ty lâm nghiệp nhà nước với tổng diện tích đất lâm nghiệp được giao quản lý là 998.523 ha, nhưng trong tổ chức quản lý sản xuất, kinh doanh còn nhiều hạn chế: quản lý đất đai lỏng lẻo, sử dụng kém hiệu quả, việc giao khoán đất và rừng không hợp lý để lại nhiều hậu quả đến nay rất khó giải quyết; có những biểu hiện vi phạm về chính sách và pháp luật về đất đai. Một số cán bộ có biểu hiện vi phạm về chính sách và pháp luật về đất đai.

- Hoạt động của các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng: Tây Nguyên có 53 Ban quản lý rừng phòng hộ, 6 vườn quốc gia và 5 khu bảo tồn, quản lý 1,5 triệu ha rừng và đất rừng. Phần lớn diện tích đất lâm nghiệp và rừng được giao quản lý chưa được rà soát, đo đạc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định; đa số Ban quản lý rừng phòng hộ và một số Ban quản lý rừng đặc dụng không đủ năng lực bảo vệ rừng được giao, thiếu kinh phí cho hoạt động bảo vệ rừng; rừng và đất lâm nghiệp vẫn bị xâm lấn, phá hoại nhưng chưa có giải pháp quản lý hiệu quả; tình trạng khai thác trái phép các loại gỗ quý hiếm ở rừng đặc dụng, phòng hộ, đặc dụng diễn ra gay gắt, có xu hướng ngày càng gia tăng làm cho chất lượng rừng bị suy giảm đáng kể.

- Việc triển khai, thực hiện trồng cao su trên đất lâm nghiệp: Chưa chú ý khai thác các loại quỹ đất không có rừng, đất nông nghiệp và loại đất kém hiệu quả mà chủ yếu chuyển từ đất lâm nghiệp có rừng (chiếm 79%); một số chủ dự án chưa thực hiện tốt công tác đền bù đã gây tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, một số dự án đã vi phạm quy định về quản lý đất đai phải xử lý thu hồi hoặc đình chỉ thực hiện, tạo ra dư luận không tốt trong cộng đồng; một số chủ đầu tư lợi dụng việc trồng cao su để xâm lấn đất rừng, khai thác gỗ trái phép gây ra tình trạng lộn xộn phức tạp phải xử lý; Nhiều dự án chủ đầu tư chưa thực hiện đúng cam kết tuyển dụng lao động là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ năm 2008 đến cuối năm 2011, các dự án trên địa bàn mới tuyển dụng được khoảng 1.500 lao động người đồng bào dân tộc thiểu số là chưa đáp ứng với mục tiêu đề ra.

2. Một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới

Để khắc phục tồn tại nêu trên, tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng khu vực Tây Nguyên, trong thời gian tới các Bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:

a) Đối với các Bộ, ngành Trung ương:

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

+ Chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan: tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và của ngành, cụ thể: Chỉ thị số 12/2003/CT-TTg ngày 16 tháng 5 năm 2003, Chỉ thị số 08/2006/CT-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2006 và Chỉ thị số 1685/CT-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ; khẩn trương tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 1685/CT-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đó, báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai các dự án phát triển nông lâm nghiệp đang tạm dừng, trước ngày 30 tháng 4 năm 2013;

+ Chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành, địa phương khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc, trên cơ sở dự án được duyệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét ưu tiên bố trí nguồn kinh phí ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các tỉnh Tây Nguyên để thực hiện điều tra và kiểm kê rừng, phấn đấu hoàn thành trong năm 2013;

+ Khẩn trương hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ về Đề án quản lý khai thác rừng sản xuất là rừng tự nhiên, chuẩn bị tốt các điều kiện để dừng khai thác rừng tự nhiên một thời gian từ năm 2014;

+ Tổng hợp báo cáo giải trình về tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành, địa phương đối với Đề án nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm lâm báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đồng thời chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công an, Nội vụ nghiên cứu đề xuất tổ chức lực lượng cảnh sát lâm nghiệp để tăng cường thực thi pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5 năm 2013;

+ Rà soát, đôn đốc các Bộ, ngành và có kế hoạch tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại văn bản số 363/TB-VPCP ngày 31 tháng 10 năm 2012 của Văn phòng Chính phủ về Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 để báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo dự kiến vào tháng 6 năm 2013.

+ Chủ trì phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính xây dựng đề án "Nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng" bằng việc tăng cường lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng ở các cấp: tỉnh, huyện, xã và phối hợp với lực lượng Quân đội và Công an tham gia chữa cháy rừng; tăng đầu tư phương tiện, trang thiết bị và công cụ phòng cháy, chữa cháy rừng.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp nhu cầu hỗ trợ vốn các dự án nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô hạn năm 2013, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

- Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên rà soát lại toàn bộ quy hoạch phát triển cao su và tình hình thực hiện các dự án trồng cao su theo Quyết định số 750/QĐ-TTg ngày 03/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31 tháng 5 năm 2013.

b) Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh Tây Nguyên:

- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan: tăng cường quản lý Nhà nước đối với rừng và đất lâm nghiệp; tập trung rà soát diện tích rừng hiện có để xác định rõ lâm phận ổn định của từng tỉnh và địa phương làm cơ sở xây dựng chính sách phù hợp trong bảo vệ và phát triển rừng, đảm bảo phát triển bền vững; kiểm tra, rà soát, thống kê diện tích rừng bị phá, lấn chiếm trái phép; cương quyết tổ chức cưỡng chế, giải tỏa, thu hồi để có kế hoạch phục hồi và trồng lại rừng. Giải quyết tình trạng tranh chấp đất đai, điểm nóng khiếu kiện đông người.

- Phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Công Thương, Tài chính: tăng cường quản lý chặt chẽ, kiểm tra thường xuyên, đột xuất các cơ sở chế biến gỗ; xử lý nghiêm, đúng quy định pháp luật, kiên quyết đình chỉ hoạt động cơ sở chế biến gỗ vi phạm các quy định của Nhà nước. Thu hồi, không cấp mới, giấy phép kinh doanh đối với cơ sở chế biến gỗ không đảm bảo nguồn nguyên liệu hợp pháp hoặc không phù hợp với quy hoạch các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Tăng cường tổ chức quản lý bảo vệ diện tích rừng hiện đang thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý.

- Kiên quyết xử lý, giải quyết dứt điểm các trường hợp tranh chấp và vi phạm pháp luật về đất đai, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng đối với từng trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Các thành viên BCĐ Nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng;
- Ban chỉ đạo Tây Nguyên;
- UBND các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắt Nông, Lâm Đồng;
- Tập đoàn cao su VN;
- VPCP: BTCN, các Phó Chủ nhiệm, Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, V.III, TKBT, NC,TH,
- Lưu: VT, KTN (3).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Hữu Vũ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 159/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại Hội nghị bảo vệ và phát triển rừng các tỉnh Tây Nguyên do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 159/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 11/04/2013
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Hữu Vũ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/04/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản