Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 12/2003/CT-TTg

Hà Nội ngày 16 tháng 5 năm 2003

CHỈ THỊ

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PH VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH ĐỂ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG [1]

Trong các năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chủ trương và biện pháp về phát triển kinh tế xã hội miền núi, bảo vệ và phát triển rừng. Hàng năm, Chính phủ đã tập trung triển khai nhiều chương trình quan trọng nhằm phát triển kinh tế xã hội miền núi, thu hút mọi người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng, tăng độ che phủ của rừng, từng bước tạo lập sự cân bằng về môi trường sinh thái, tạo nhiều việc làm, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa,

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng chặt phá rừng và săn bắt động vật hoang dã ở nước ta ngày càng lan rộng, đặc biệt nghiêm trọng là các vùng rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn. Bọn lâm tặc đã ngang nhiên tổ chức chặt phá rừng, săn bắn giết hại các loài động vật hoang dã, quý hiếm, phá hoại tài nguyên rừng của quốc gia; nhiều cửa hàng kinh doanh lâm sản, đặc sản rừng bất hợp pháp, tiếp tay cho bọn lâm tặc và thu lợi bất chính.

Nguyên nhân của tình trạng trên là:

- Các ngành, các cấp chính quyền từ xã, huyện, tỉnh chưa thực hiện nghiêm túc Quyết định số 245/1998/QĐ-TTg ngày 21 tháng 12 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp; chưa tổ chức tốt công tác kiểm tra, ngăn chặn; khi lâm tặc phá rừng thì cấp chính quyền tại chỗ không kịp thời huy động các lực lượng trấn áp, có nơi còn làm ngơ, phó mặc cho các chủ rừng và lực lượng kiểm lâm đối mặt với lâm tặc.

- Các Lâm trường quốc doanh được giao làm chủ rừng nhưng chưa làm tròn trách nhiệm, thậm chí có nơi còn thông đồng với những phần tử xấu để khai thác bất hợp pháp các loại gỗ và các lâm sản quý hiếm. Một số trường hợp vì lợi ích cục bộ đã khai thác gỗ không theo kế hoạch. Việc tổ chức quản lý dân đi, dân đến ở một số địa phương thiếu chặt chẽ, không theo quy hoạch và kế hoạch, dẫn đến việc dân di cư tự do phá rừng nghiêm trọng.

- Lực lượng kiểm lâm chưa được kiện toàn, chưa làm đầy đủ chức năng được giao, chưa thường xuyên kiểm tra, tham mưu giúp các cấp chính quyền chỉ đạo, tuyên truyền, tổ chức phối hợp các lực lượng bảo vệ các khu rừng; trang bị phương tiện cho lực lượng kiểm lâm để thực thi nhiệm vụ còn thiếu, không đủ sức trấn áp bọn phá rừng; do đó chưa tạo được lực lượng đủ mạnh để bảo vệ có hiệu quả tài nguyên rừng, có nơi lùi bước, làm ngơ trước những kẻ hung hãn phá rừng, thậm chí một bộ phận cán bộ kiểm lâm thoái hóa biến chất, dung túng và đồng lõa với kẻ xấu khai thác gỗ và các lâm sản quý hiếm trái phép.

Để chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót, yếu kém và lập lại trật tự kỷ cương trong công tác tổ chức quản lý bảo vệ rừng, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo hiệp đồng các đơn vị thuộc lực lượng Quân đội, Công an, Bộ đội biên phòng, Kiểm lâm trên địa bàn tỉnh; lực lượng dân quân, bảo vệ lâm trường, các chủ rừng tiến hành ngay các công việc sau:

a) Tổ chức truy quét bọn lâm tặc tại những khu rừng tự nhiên, rừng già, rừng giáp ranh nhiều tỉnh, phát hiện và xử lý những phần tử cố ý không tuân thủ pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, tiếp tay cho bọn lâm tặc phá rừng, hủy hoại môi trường sống của cộng đồng và xã hội.

Phải huy động lực lượng đủ mạnh, kết hợp đồng bộ, kiên quyết các biện pháp: tuyên truyền, vận động, tiến hành truy quét, triệt phá những ổ, nhóm lâm tặc hung hãn chống đối người thi hành công vụ.

Xử lý nghiêm khắc những tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, những người bao che cho lâm tặc, những người cho phép khai thác rừng và cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp không đúng thẩm quyền, sai pháp luật; xử lý trách nhiệm hành chính và bắt bồi thường những thiệt hại về rừng do họ gây ra, nếu nghiêm trọng phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

b) Tiến hành kiểm tra và cưỡng chế tất cả những người di cư tự do ra khỏi các vùng rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn; tập trung, chuyển số dân này vào định cư trong các khu đã được quy hoạch, bố trí đất đai cho họ để làm ăn sinh sống. Những trường hợp không đồng ý vào định cư trong các khu quy hoạch trên thì phối hợp với tỉnh có dân đi, tổ chức đưa họ về tái định cư ở quê cũ .

c) Chỉ đạo thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp theo quy định tại Quyết định số 245/1998/QĐ-TTg ngày 21 tháng 12 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ; trực tiếp quản lý rừng và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tài nguyên rừng của quốc gia thuộc địa phương quản lý.

Hỗ trợ chính quyền cấp huyện, xã kiểm tra phát hiện và ngăn chặn kịp thời các trường hợp xâm hại rừng để khai thác gỗ và lâm sản quý hiếm trái phép, ngăn chặn hiện tượng đốt, phá rừng.

Các cấp chính quyền cơ sở phải chịu trách nhiệm trước cấp trên trực tiếp của mình về tài nguyên rừng của quốc gia thuộc địa bàn mình quản lý. Địa phương nào còn để xảy ra tình trạng lâm tặc phá rừng trên địa bàn, thì Chủ tịch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và những người lãnh đạo trực tiếp của địa phương phải bị xử lý kỷ luật.

d) Chỉ đạo đẩy nhanh việc thực hiện giao đất, giao và khoán rừng cho hộ gia đình nông dân; thực hiện cơ chế hưởng lợi, quy định tại Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg ngày 12 tháng 11 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về quyền lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp và Quyết định số 187/1999/QĐ-TTg ngày 16 tháng 9 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới tổ chức và cơ chế quản lý lâm trường quốc doanh.

đ) Các tỉnh có đường Hồ Chí Minh và các tuyến đường đi qua các khu rừng tự nhiên phải tổ chức ngay các trạm kiểm lâm chốt giữ và các đội Kiểm lâm cơ động để bảo vệ chặt chẽ tài nguyên rừng ở các khu vực này.

e) Chỉ đạo thu gom hết số gỗ rừng bị chặt phá khai thác trái phép và xử lý kịp thời theo các quy định của pháp luật, không để tồn đọng kéo dài gây hư hỏng, tổn thất tài sản nhà nước. Kiểm tra, xử lý, thu hồi giấy phép kinh doanh của các cửa hàng kinh doanh, chế biến gỗ trái phép và các cửa hàng ăn uống đặc sản chế biến từ thịt các loại động vật hoang dã, quý hiếm.

f) Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập Ban chỉ đạo, do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban để tổ chức các lực lượng Kiểm lâm, Quân đội, Công An phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ thị này.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai những công việc sau đây.

a) Xây dựng phương án, tổ chức phối hợp các lực lượng kiểm tra, truy quét bọn lâm tặc trên địa bàn trọng điểm ở các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh Miền Trung, đồng thời hướng dẫn Uỷ ban nhân dân các tỉnh còn lại phải xác định rõ địa bàn trọng điểm ở mỗi tỉnh, tự tổ chức tiến hành truy quét và ngăn chặn bằng được nạn lâm tặc phá rừng trong năm 2003.

b) Phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan nghiên cứu phương án đổi mới, kiện toàn hệ thống kiểm lâm từ Trung ương đến cơ sở, tăng cường cán bộ kiểm lâm về cơ sở, để bảo đảm cho lực lượng kiểm lâm thật sự là lực lượng nòng cốt của các cấp chính quyền cơ sở về công tác bảo vệ và phát triển rừng. Trang bị các phương tiện, công cụ hỗ trợ và có quy chế hướng dẫn, quản lý sử dụng vũ khí cho lực lượng kiểm lâm để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nội dung quy định tại Mục 1 của Chỉ thị này. Hàng năm, sơ kết, báo cáo kết quả thực hiện lên Thủ tướng Chính phủ.

d) Từ năm 2003, hạn chế tối đa chỉ tiêu khai thác gỗ rừng tự nhiên, chủ yếu khai thác phục vụ các nhu cầu sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu và cho việc phòng chống thiên tai. Khuyến khích nhập khẩu gỗ, sử dụng các nguyên liệu thay thế gỗ, nhằm tiết kiệm gỗ trong sản xuất và tiêu dùng.

3. Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng công an các tỉnh, thành phố phối hợp và hỗ trợ lực lượng Kiểm lâm địa phương tham gia công tác bảo vệ rừng và truy quét bọn lâm tặc.

4. Bộ Quốc phòng chỉ đạo các quân khu, quân đoàn, ban chỉ huy quân sự địa phương, bộ đội biên phòng, kết hợp tổ chức các đợt hành quân dã ngoại để phối hợp với các lực lượng Kiểm lâm, Công an của địa phương hỗ trợ và tham gia truy quét bọn lâm tặc; chỉ đạo các đơn vị quân đội tổ chức tốt công tác quản lý bảo vệ diện tích rừng được giao, đặc biệt ở các khu vực kinh tế quốc phòng, các khu rừng dọc tuyến biên giới.

5. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính bảo đảm kinh phí cho các ngành và các địa phương tổ chức thực hiện Chỉ thị này.

6. Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Quốc phòng, Công an, Nội vụ, Lao động-Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường theo chức năng của mình có kế hoạch triển khai, chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các nội dung Chỉ thị này./.

 

Nơi nhận :
- Thủ tướng, các PTT Chính phủ.
- Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
 Công an, Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư.
 Tài chính, Tài nguyên và Môi trường.
 Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ.
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW.
- Văn phòng Trung ương Đảng.
- Văn phòng Quốc hội.
- Văn phòng Chủ tịch nước.
- Toà án nhân dân tối cao.  
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
- Công báo.
- VPCP : BTCN, các PCN, các Vụ, Cục.
- Lưu : NN (5b), VT.
Chi Thi 286

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phan Văn Khải

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 12/2003/CT-TTg về tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 12/2003/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 16/05/2003
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 46
  • Ngày hiệu lực: 17/06/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản