Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 102/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 23 tháng 02 năm 2017

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI HỘI NGHỊ “KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI” TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2016 VÀ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH NĂM 2017 CỦA BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Ngày 04 tháng 01 năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” tổng kết công tác năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017 của ngành khoa học và công nghệ. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan liên quan tại đầu cầu Hà Nội và đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các sở khoa học và công nghệ tại các đầu cầu trong toàn quốc.

Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo tổng hợp kết quả công tác năm 2016 và kế hoạch năm 2017 của Bộ, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo như sau:

1. Thời gian qua lĩnh vực khoa học và công nghệ nước ta tiếp tục phát triển và đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước, xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu đứng thứ 59 trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, cao hơn xếp hạng về kinh tế; riêng các chỉ tiêu đầu ra liên quan trực tiếp đến khoa học và công nghệ nằm trong nhóm 50. Số lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ tăng nhanh, ứng dụng khoa học và công nghệ trong nhiều lĩnh vực đạt kết quả đáng ghi nhận, nhất là trong y tế, nông nghiệp. Khoa học xã hội có đóng góp tích cực trong xây dựng chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước

Tuy nhiên, chỉ số sẵn sàng công nghệ của Việt Nam chỉ đứng thứ 92; mối quan hệ giữa nghiên cứu và ứng dụng còn bất hợp lý, hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ còn hạn chế; nhiều đề tài chưa sát thực tế; quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ còn bất cập, nhất là về sở hữu trí tuệ, đo lường tiêu chuẩn chất lượng; cơ chế chính sách còn chưa phù hợp, chưa phát huy được nhiều nguồn lực xã hội vào phát triển khoa học và công nghệ; phối hợp giữa viện - trường trong nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ còn hạn chế.

2. Để khoa học và công nghệ thực sự trở thành quốc sách, là động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngành khoa học và công nghệ cần đặc biệt quan tâm, chú trọng thực hiện tốt các mục tiêu bao gồm:

- Đổi mới thể chế, cơ chế chính sách về khoa học và công nghệ;

- Đẩy mạnh chăm lo, phát triển nguồn nhân lực, trong đó con người, cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ, chất lượng mang tính quyết định;

- Phát triển cơ sở hạ tầng cho khoa học và công nghệ;

- Nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của đất nước.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:

a) Về hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy khoa học và công nghệ phát triển:

- Chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và các bộ, ngành có liên quan rà soát, báo cáo Chính phủ các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung và phương án sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đưa khoa học và công nghệ phát triển, gắn với yêu cầu của thực tiễn, của doanh nghiệp, phục vụ trực tiếp cho việc phát triển kinh tế - xã hội.

- Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cơ chế, chính sách đổi mới cơ cấu đầu tư, nâng cao tỷ trọng đầu tư của xã hội cho khoa học và công nghệ; tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp tham gia và đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ; nhận chuyển giao và ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ, thương mại hóa sản phẩm, hàng hóa được tạo ra từ kết quả hoạt động khoa học và công nghệ.

- Phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất cơ chế thông thoáng phù hợp hơn cho hoạt động khoa học và công nghệ, theo đó chuyển từ phương thức quản lý nặng về hành chính sang phương thức quản lý theo kết quả, giảm thiểu thủ tục hành chính cho các nhà khoa học.

b) Về nâng cao hiệu quả của việc xác lập, thực thi quyền sở hữu trí tuệ:

Triển khai các giải pháp để nâng cao năng lực xử lý đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp; nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về sở hữu công nghiệp; tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và sản xuất, kinh doanh nhằm góp phần đạt mục tiêu năm 2017 là đưa chỉ số về môi trường cạnh tranh của Việt Nam đứng trong nhóm dẫn đầu ASEAN.

c) Về xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ:

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai chính sách ưu đãi trong sử dụng nhân lực, nhân tài hoạt động khoa học và công nghệ.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, có chính sách xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ trong thời gian tới, bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học công nghệ, nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, trong đó ưu tiên cho nghiên cứu ứng dụng.

- Cán bộ khoa học và công nghệ nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy trí tuệ trong công tác. Quán triệt tinh thần kiến tạo trong hoạt động khoa học và công nghệ. Cán bộ khoa học và công nghệ phải học tập, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tránh các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 Khóa XII đã chỉ ra.

d) Về định hướng hoạt động khoa học và công nghệ trong thời gian tới:

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và triển khai các nhiệm vụ để ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển và có khả năng xuất khẩu. Ưu tiên cho các hoạt động nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh học.

- Phối hợp với các Bộ: Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để phát triển các ngành, lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh, phát triển các sản phẩm quốc gia, sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, du lịch.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao đẩy mạnh hợp tác quốc tế, coi hội nhập về khoa học và công nghệ là một nội dung quan trọng để chuyển giao kết quả khoa học và công nghệ tiên tiến trên thế giới về Việt Nam.

đ) Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ có kế hoạch triển khai có kết quả Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, tập trung phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng;
- Các Bộ: KH&CN, KH&ĐT, TC, NN&PTNT, NV, NG, CT, GD&ĐT, TT&TT, VH,TT&DL;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam
- Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTgCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TKBT, TH;
- Lưu: VT, KGVX (3). NVH

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ
CHỦ NHIỆM




Nguyễn Văn Tùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 102/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tổng kết công tác năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017 của ngành khoa học và công nghệ do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 102/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 23/02/2017
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Văn Tùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/02/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản