Hệ thống pháp luật

TẬP HỢP CÁC NGUYÊN TẮC VỀ BẢO VỆ TẤT CẢ NHỮNG NGƯỜI BỊ GIAM HAY BỊ CẦM TÙ DƯỚI BẤT KỲ HÌNH THỨC NÀO, 1988

(Được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua bằng Nghị quyết 43/173 ngày 9/12/1988).

MỤC TIÊU CỦA TẬP HỢP CÁC NGUYÊN TẮC

Các nguyên tắc này được áp dụng để bảo vệ tất cả những người đang bị giam hay bị cầm tù dưới bất kỳ hình thức nào.

SỬ DỤNG CÁC THUẬT NGỮ

Vì các mục đích của Tập hợp các nguyên tắc này:

1. “Bắt giữ” nghĩa là hành động bắt giữ một người vì bị coi là tội phạm hoặc do một nhà chức trách tiến hành.

2. “Người bị giam” nghĩa là bất cứ người nào bị tước quyền tự do cá nhân, trừ trường hợp do bị kết án có tội.

3. “Người bị cầm tù” nghĩa là bất kỳ người nào bị tước quyền tự do cá nhân do bị kết án có tội.

4. “Giam” nghĩa là tình trạng của người bị giam như được định nghĩa ở trên.

5. “Cầm tù” nghĩa là tình trạng của những người bị cầm tù như được định nghĩa ở trên.

6. Cụm từ “cơ quan xét xử hay cơ quan có thẩm quyền khác” có nghĩa là cơ quan xét xử hay cơ quan có thẩm quyền khác mà theo pháp luật, địa vị và quyền hạn của những cơ quan này cần có được những bảo đảm ở mức cao nhất về thẩm quyền, tính khách quan và tính độc lập.

Nguyên tắc 1.         

Tất cả những người bị giam hoặc bị cầm tù dưới bất kỳ hình thức nào đều phải được đối xử một cách nhân đạo và được tôn trọng với phẩm giá vốn có của con người.

Nguyên tắc 2.

Việc bắt giữ, giam hay cầm tù chỉ được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật một cách nghiêm ngặt và bởi những quan chức có thẩm quyền hay những người được ủy quyền thực hiện việc đó.

Nguyên tắc 3.

Không được hạn chế hoặc xâm phạm bất kỳ quyền con người nào của những người bị giam hoặc bị cầm tù dưới bất kỳ hình thức nào mà đã được công nhận hay tồn tại ở bất kỳ quốc gia nào theo luật pháp, các công ước, những quy định hay phong tục ở quốc gia đó, với lý do là Tập hợp các nguyên tắc này không công nhận những quyền như vậy hoặc chỉ công nhận các quyền đó ở mức độ thấp hơn.

Nguyên tắc 4.

Bất kỳ hình thức giam hay cầm tù nào và tất cả các biện pháp ảnh hưởng đến quyền con người của một người đang bị giam hay bị cầm tù dưới bất kỳ hình thức nào phải được ra lệnh bởi, hoặc chịu sự kiểm soát có hiệu quả của cơ quan xét xử hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.

Nguyên tắc 5.

1. Những nguyên tắc này phải được áp dụng đối với tất cả mọi người trong phạm vi lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào mà không có bất kỳ sự phân biệt nào, như phân biệt về chủng tộc, màu da, giới tính, tôn giáo hay tín ngưỡng, quan điểm chính trị hay quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc, sắc tộc hay xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hay địa vị khác.

2. Những biện pháp được áp dụng theo luật pháp và chỉ nhằm bảo vệ các quyền và địa vị đặc biệt của phụ nữ, nhất là phụ nữ có thai và các bà mẹ đang cho con bú, trẻ em và người chưa thành niên, những người già, ốm đau hay khuyết tật sẽ không được coi là mang tính phân biệt đối xử. Nhu cầu cần phải có và việc áp dụng những biện pháp như vậy phải luôn được cơ quan xét xử hay cơ quan có thẩm quyền trách khác cân nhắc.

Nguyên tắc 6.

Không người nào bị giam hoặc bị cầm tù dưới bất kỳ hình thức nào bị tra tấn hay bị đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hay hạ thấp nhân phẩm. Không được viện dẫn bất kỳ hoàn cảnh nào để biện minh cho việc tra tấn hay đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm [1].

Nguyên tắc 7.

1. Các quốc gia phải nghiêm cấm bằng luật pháp bất kỳ hành vi nào trái với những nguyên tắc về quyền và nghĩa vụ được nêu ra trong các nguyên tắc này, phải trừng phạt thích đáng bất cứ hành vi nào như vậy và phải điều tra một cách khách quan đối với các khiếu nại.

2. Những quan chức nào có lý do để tin rằng việc vi phạm Tập hợp các nguyên tắc này đã xảy ra hoặc sắp xảy ra, thì phải báo cáo vấn đề với nhà chức trách cấp trên của mình, và nếu cần thì với những nhà chức trách thích hợp khác hay các cơ quan được giao quyền xem xét hay giải quyết.

3. Bất kỳ ai khác có lý do để tin rằng việc vi phạm Tập hợp các nguyên tắc này đã xảy ra hay sắp xảy ra phải có quyền báo cáo vấn đề với cấp trên của những quan chức liên quan, cũng như với các nhà chức trách khác hay những cơ quan được giao quyền xem xét hay giải quyết.

Nguyên tắc 8.

Những người đang bị giam phải được đối xử đúng với địa vị chưa bị kết án của họ. Do vậy bất cứ khi nào có thể, họ phải được tách riêng khỏi những người đang bị cầm tù.

Nguyên tắc 9.

Các nhà chức trách bắt giữ một người nào đó, tạm giam người đó hoặc điều tra vụ án chỉ được phép thực hiện những quyền hạn được giao cho họ theo pháp luật, và việc thực hiện các quyền hạn này phải chịu sự giám sát của cơ quan xét xử hay cơ quan có thẩm quyền khác.

Nguyên tắc 10.

Bất kỳ người nào bị bắt giữ đều phải được thông báo ngay khi bị bắt giữ về lý do của việc bắt giữ, và phải được thông báo ngay về bất kỳ lời buộc tội nào đối với họ.

Nguyên tắc 11.

1. Một người sẽ không bị giam nếu không được tạo một cơ hội thỏa đáng để được xét xử ngay bởi một cơ quan xét xử hay cơ quan có thẩm quyền khác. Một người bị giam có quyền tự bào chữa hoặc được luật sư giúp đỡ theo quy định của pháp luật.

2. Một người bị giam và luật sư của người đó, nếu có, phải được nhận thông tin đầy đủ và kịp thời về bất kỳ lệnh giam nào cùng với các lý do giam.

3. Cơ quan xét xử hay cơ quan có thẩm quyền khác phải được quyền xem xét việc tiếp tục giam, nếu thích hợp.

Nguyên tắc 12.

1. Phải ghi đầy đủ, chính xác:

a. Lý do bắt giữ,

b. Thời hạn bắt giữ và việc đưa người bị bắt giữ tới nơi giam giữ cũng như việc đưa người đó ra trình diện lần đầu trước cơ quan xét xử hay cơ quan có thẩm quyền khác,

c. Danh tính của những quan chức thi hành pháp luật có liên quan,

d. Thông tin chính xác về nơi giam giữ.

2. Những hồ sơ như vậy phải được thông báo cho người bị giam, hoặc báo cho luật sư của người đó, nếu có, theo hình thức do pháp luật quy định.

Nguyên tắc 13.

Bất kỳ người nào, vào lúc bị bắt giữ và lúc bắt đầu bị giam hay bị cầm tù, hoặc ngay sau đó, đều phải được cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm về việc bắt giữ, giam hay cầm tù người đó cung cấp các thông tin tương ứng và giải thích về các quyền của người đó cũng như cách tận dụng những quyền như vậy.

Nguyên tắc 14.

Người nào không hiểu được đầy đủ hoặc không nói được ngôn ngữ mà các cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm về việc bắt giữ, giam hay cầm tù sử dụng đều phải được quyền tiếp nhận những thông tin được đề cập đến trong Nguyên tắc 10, khoản 2 Nguyên tắc 11, khoản 1 Nguyên tắc 12 và Nguyên tắc 13 bằng một ngôn ngữ mà mình hiểu được, và được một phiên dịch giúp đỡ miễn phí, nếu cần, về những thủ tục pháp lý sau khi người đó bị bắt.

Nguyên tắc 15.

Mặc dù có những trường hợp ngoại lệ trong khoản 4 Nguyên tắc 16 và khoản 3 Nguyên tắc 18, việc liên lạc của người bị giam hay bị cầm tù với thế giới bên ngoài, đặc biệt là với gia đình hay luật sư của người đó đều không bị khước từ vì bất cứ lý do gì ngoài vấn đề số ngày.

Nguyên tắc 16.

1. Ngay sau khi bị bắt giữ và sau mỗi lần bị chuyển từ nơi giam hay nơi cầm tù này đến nơi giam hay nơi cầm tù khác, một người bị giam hay bị cầm tù phải có quyền được thông báo hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thông báo cho các thành viên gia đình người đó, hay những người khác mà người đó lựa chọn, biết việc người đó bị bắt giữ, giam hay cầm tù, hoặc việc di chuyển, và biết nơi người đó bị giam giữ.

2. Nếu một người bị giam hay bị cầm tù là người nước ngoài thì người đó cũng phải được thông báo ngay về quyền được liên lạc, bằng các phương tiện thích hợp, với lãnh sự quán hoặc ngoại giao đoàn của quốc gia mà người đó là công dân, hoặc nếu không, của quốc gia được quyền nhận những thông tin như vậy theo pháp luật quốc tế, hoặc được liên lạc với đại diện của tổ chức quốc tế có thẩm quyền, nếu người đó là người tỵ nạn hoặc là người được một tổ chức liên chính phủ bảo vệ.

3. Nếu người bị giam hoặc bị cầm tù là một người chưa thành niên, hoặc không có khả năng hiểu hết quyền của mình, thì cơ quan có thẩm quyền phải chủ động thực hiện việc thông báo đã được đề cập đến trong nguyên tắc này. Cần đặc biệt lưu ý đến việc thông báo cho cha mẹ hoặc những người giám hộ.

4. Bất kỳ thông báo nào được đề cập đến trong nguyên tắc này phải được thực hiện hoặc được phép thực hiện không chậm trễ. Tuy nhiên cơ quan có thẩm quyền có thể hoãn việc thông báo trong một khoảng thời gian hợp lý, khi những nhu cầu điều tra đặc biệt đòi hỏi như vậy.

Nguyên tắc 17.

1. Một người bị giam có quyền được một luật sư giúp đỡ. Người đó phải được cơ quan có thẩm quyền thông báo về quyền của mình ngay sau khi bị bắt giữ và phải được tạo điều kiện hợp lý để thực hiện quyền đó.

2. Nếu một người bị giam giữ không tự chọn luật sư cho mình thì người đó phải có quyền được có một luật sư do cơ quan xét xử hay cơ quan có thẩm quyền khác chỉ định, trong mọi trường hợp khi lợi ích công lý đòi hỏi như vậy, và người đó không phải trả tiền nếu không có khả năng thanh toán.

Nguyên tắc 18.

1. Một người bị giam hay bị cầm tù phải có quyền được liên lạc và tham khảo ý kiến với luật sư của mình.

2. Một người bị giam hay bị cầm tù phải được phép có đủ thời gian và điều kiện tham khảo ý kiến với luật sư của mình.

3. Quyền của người bị giam hay bị cầm tù được luật sư của mình đến thăm, được trao đổi ý kiến và liên lạc không bị chậm trễ hay bị kiểm duyệt, và phải hoàn toàn bí mật, với luật sư của mình, không bị trì hoãn hay thay thế trừ những trường hợp đặc biệt do pháp luật và các quy chế hợp pháp quy định cụ thể, khi được cơ quan xét xử hay cơ quan có thẩm quyền khác cho là cần thiết để giữ gìn an ninh và trật tự.

4. Những cuộc phỏng vấn giữa những người bị giam hay bị cầm tù với luật sư của mình có thể được thực hiện trong phạm vi tầm quan sát, nhưng ngoài phạm vi nghe được đối với một quan chức thi hành pháp luật.

5. Những thông tin giữa người bị giam hay bị cầm tù với luật sư của mình được đề cập đến trong nguyên tắc này không được coi là chứng cứ chống lại người bị giam hay bị cầm tù, trừ khi những thông tin này liên quan đến một tội ác đang xảy ra hoặc đang được dự tính.

Nguyên tắc 19.

Một người bị giam hay bị cầm tù có quyền được các thành viên của gia đình người đó đến thăm, trao đổi thư từ và phải được tạo ra cơ hội đầy đủ để liên lạc với thế giới bên ngoài, nhưng vẫn phải tuân thủ những điều kiện và hạn chế hợp lý do pháp luật hay các quy chế hợp pháp quy định.

Nguyên tắc 20.

Nếu một người bị giam hay bị cầm tù yêu cầu thì, nếu có thể, người đó sẽ được giam hay cầm tù ở một nơi gần một cách hợp lý với nơi người đó thường trú.

Nguyên tắc 21.

1. Phải cấm việc lợi dụng hoàn cảnh của người bị giam hoặc bị cầm tù với mục đích ép người đó thú tội, tự nhận tội hoặc làm chứng chống lại người khác.

2. Không người bị giam nào phải chịu sự hành hung, đe dọa trong khi bị thẩm vấn, hay phải chịu các biện pháp thẩm vấn gây hại đến khả năng quyết định hay phán xét của mình.

Nguyên tắc 22.

Không người bị giam hay bị cầm tù nào phải chịu bất kỳ một cuộc thí nghiệm y tế hay khoa học nào có thể gây hại cho sức khỏe của mình, dù cho người đó đồng ý.

Nguyên tắc 23.

1. Thời gian thẩm vấn một người bị giam hay bị cầm tù và khoảng cách giữa các cuộc thẩm vấn cũng như danh tính của những quan chức thực hiện các cuộc thẩm vấn và những người khác có mặt phải được ghi thành biên bản và được chứng nhận dưới hình thức quy định trong pháp luật.

2. Người bị giam hay bị cầm tù, hoặc luật sư của người đó do pháp luật chỉ định phải có quyền xem những thông tin nói ở khoản 1 của Nguyên tắc này.

Nguyên tắc 24.

Phải tổ chức kiểm tra sức khỏe cho người bị giam hay bị cầm tù ngay sau khi người đó đến nơi giam hay nơi cầm tù, và sau đó người bị giam hay bị cầm tù phải được điều trị và chăm sóc y tế khi cần thiết. Việc điều trị và chăm sóc này phải được cung cấp miễn phí.

Nguyên tắc 25.

Người bị giam hay bị cầm tù hoặc luật sư của người đó, tùy theo những điều kiện hợp lý nhằm đảm bảo an ninh và trật tự ở nơi giam hay nơi cầm tù, phải có quyền được yêu cầu hoặc kiến nghị cơ quan xét xử hay cơ quan có thẩm quyền khác kiểm tra hay đánh giá sức khỏe lần thứ hai.

Nguyên tắc 26.

Khi một người bị giam hay bị cầm tù được kiểm tra y tế, tên của người thầy thuốc và kết quả của việc kiểm tra đó phải được lập thành biên bản đầy đủ, chính xác. Quyền xem thông tin trong những biên bản đó phải được đảm bảo. Do vậy, các thể thức thực hiện nguyên tắc này phải phù hợp với những nguyên tắc có liên quan của pháp luật quốc gia.

Nguyên tắc 27.

Việc không tuân theo các nguyên tắc này trong quá trình thu thập chứng cứ phải được tính đến khi xác định khả năng chấp nhận chứng cứ đó chống lại người bị giam hay bị cầm tù.

Nguyên tắc 28.

Người bị giam hay bị cầm tù phải có quyền nhận được một số lượng hợp lý các tài liệu về giáo dục, văn hóa và thông tin trong phạm vi giới hạn những nguồn lực hiện có, nếu từ các nguồn công cộng, nhưng phải tuân thủ những điều kiện hợp lý để đảm bảo an ninh và trật tự nơi giam hay nơi cầm tù.

Nguyên tắc 29.

1. Để giám sát việc thực hiện nghiêm ngặt luật pháp và những quy định có liên quan, nơi giam hoặc nơi cầm tù phải được kiểm tra thường xuyên bởi những người có kinh nghiệm, có trình độ, được bổ nhiệm bởi, và chịu trách nhiệm trước một cơ quan có thẩm quyền khác với cơ quan trực tiếp quản lý nơi giam hoặc nơi cầm tù.

2. Người bị giam hay bị cầm tù phải được quyền trao đổi thông tin một cách tự do và hoàn toàn riêng tư với những người đến thăm nơi giam hay nơi cầm tù theo khoản 1 của Nguyên tắc này, theo những điều kiện hợp lý để đảm bảo an ninh và trật tự ở các nơi như vậy.

Nguyên tắc 30.

1. Các loại hành vi của người bị giam hay bị cầm tù vi phạm kỷ luật trong thời hạn bị giam hay tù, loại và thời hạn của hình phạt kỷ luật có thể được áp dụng và những cơ quan có thẩm quyền đặt ra hình phạt như vậy phải do luật pháp và những quy chế hợp pháp quy định cụ thể và được công bố một cách thỏa đáng.

2. Người bị giam hay bị cầm tù phải có quyền được trình bày trước khi hành động kỷ luật được thi hành. Người đó phải có quyền đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cấp cao hơn xem xét lại hành động kỷ luật đó.

Nguyên tắc 31.

Các cơ quan có thẩm quyền thích hợp phải cố gắng để bảo đảm, phù hợp với pháp luật quốc gia, sự giúp đỡ khi cần thiết đối với những người phụ thuộc và đặc biệt là các thành viên nhỏ tuổi trong gia đình của người bị giam hay bị cầm tù, và phải có biện pháp chăm sóc cụ thể đối với việc giam giữ những trẻ em bị bỏ rơi không có người trông nom.

Nguyên tắc 32.

1. Một người bị giam hay luật sư của người đó phải có quyền khiếu kiện bất kỳ lúc nào theo pháp luật trong nước trước một cơ quan xét xử hay cơ quan có thẩm quyền khác về tính hợp pháp của việc giam đó, để được trả lại tự do không chậm trễ nếu việc giam đó là bất hợp pháp.

2. Những thủ tục khiếu kiện được đề cập đến trong khoản 1 của Nguyên tắc này phải đơn giản, nhanh chóng và miễn phí cho những người bị giam không có đủ điều kiện. Cơ quan giam giữ phải đưa ngay người bị giam ra trước cơ quan có thẩm quyền xem xét.

Nguyên tắc 33.

1. Một người bị giam hay bị cầm tù hoặc luật sư của người đó phải có quyền yêu cầu hoặc khiếu nại về sự đối xử đối với mình, đặc biệt là trường hợp bị tra tấn hoặc bị đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm, tới các nhà chức trách chịu trách nhiệm quản lý nơi giam giữ và tới những nhà chức trách cấp cao hơn và khi cần, tới các nhà chức trách thích hợp được giao quyền xem xét hay giải quyết.

2. Trong những trường hợp khi người bị giam hay bị cầm tù hoặc luật sư của họ không thể thực hiện các quyền của mình theo khoản 1 của nguyên tắc này, thì một thành viên của gia đình người bị giam hoặc bị cầm tù, hoặc bất kỳ người nào khác biết về vụ án, có thể được thực hiện các quyền như vậy.

3. Việc giữ bí mật yêu cầu hoặc khiếu nại phải được đảm bảo nếu người khiếu nại yêu cầu như vậy.

4. Mọi yêu cầu hoặc khiếu nại phải được giải quyết và trả lời ngay, không được trì hoãn một cách bất hợp lý. Nếu yêu cầu hoặc khiếu nại bị từ chối hoặc do sự trì hoãn quá mức, thì người khiếu nại phải có quyền chuyển yêu cầu hoặc khiếu nại đó lên nhà chức trách xét xử hay nhà chức trách khác. Không một người bị giam hay bị cầm tù nào hoặc bất kỳ người khiếu nại nào theo khoản 1 của nguyên tắc này phải chịu tổn hại vì đã yêu cầu hoặc khiếu nại như vậy.

Nguyên tắc 34.

Bất cứ khi nào xẩy ra tử vong hay mất tích đối với người bị giam hoặc bị cầm tù trong khi bị giam hay bị cầm tù, thì cơ quan xét xử hay cơ quan có thẩm quyền khác phải tổ chức điều tra nguyên nhân gây ra tử vong hoặc mất tích, theo kiến nghị riêng của các nhà chức trách đó hoặc theo đề nghị của một thành viên trong gia đình của người đó, hoặc của bất kỳ người nào biết vụ việc. Khi hoàn cảnh đòi hỏi, cần phải tổ chức một cuộc điều tra trên cơ sở thủ tục tương tự như khi xảy ra việc tử vong hay mất tích của một người vừa hết hạn bị giam hoặc bị cầm tù. Kết quả điều tra hay một báo cáo về cuộc điều tra đó phải được cung cấp theo yêu cầu, trừ khi làm như vậy sẽ gây nguy hại cho một cuộc điều tra hình sự đang diễn ra.

Nguyên tắc 35.

1. Thiệt hại xảy ra do việc hành động hay không hành động của một quan chức nhà nước mà trái với các quyền được nêu trong tập hợp các nguyên tắc này phải được bồi thường theo những quy tắc hay quy định về trách nhiệm pháp lý có liên quan nêu trong pháp luật quốc gia.

2. Những thông tin được yêu cầu ghi chép lại theo tập hợp các nguyên tắc này phải được cung cấp theo các thủ tục do pháp luật quốc gia quy định để sử dụng trong việc đòi bồi thường theo nguyên tắc này.

Nguyên tắc 36.

1. Một người bị giam bị tình nghi hoặc bị cáo buộc đã phạm tội hình sự phải được coi là vô tội và phải được đối xử như vậy cho đến khi nào chứng minh được là có tội theo pháp luật tại một phiên tòa công khai mà ở đó, người đó có được mọi sự bảo đảm cần thiết cho việc bào chữa của mình.

2. Việc bắt giữ hay giam một người như vậy trong khi điều tra và xét xử phải được tiến hành vì những mục đích của hoạt động tư pháp, trên cơ sở và theo những điều kiện, thủ tục luật định. Phải cấm việc áp đặt những hạn chế đối với một người như vậy ngoài yêu cầu của mục đích giam, hay để ngăn chặn sự cản trở quá trình điều tra hay việc hoạt động tư pháp, hoặc để giữ gìn an ninh và trật tự nơi giam giữ.

Nguyên tắc 37.

Một người bị giam vì bị cáo buộc đã phạm tội hình sự phải được đưa ra trước cơ quan xét xử hay cơ quan có thẩm quyền khác xem xét theo luật định ngay sau khi bị bắt giữ. Cơ quan đó phải quyết định không chậm trễ về tính hợp pháp và cần thiết của việc giam. Không ai bị giam trong quá trình điều tra và xét xử trừ khi có lệnh bằng văn bản của một cơ quan như vậy. Khi được đưa ra trước một cơ quan như vậy, người bị giam phải được quyền phát biểu về sự đối xử với họ trong khi bị giam.

Nguyên tắc 38.

Một người bị giam do bị cáo buộc phạm tội hình sự phải có quyền được xét xử trong một khoảng thời gian hợp lý hoặc được trả tự do trong thời gian chờ xét xử.

Nguyên tắc 39.

Ngoại trừ những trường hợp đặc biệt do luật định, trừ khi cơ quan xét xử hay cơ quan có thẩm quyền khác có quyết định khác vì lợi ích của việc thực thi công lý, một người bị giam do bị cáo buộc phạm tội hình sự có quyền được trả tự do trong thời gian chờ xét xử, tùy thuộc vào các điều kiện được áp dụng phù hợp với luật pháp. Cơ quan xét xử phải xem xét lại tính cần thiết của việc giam giữ.

Điều khoản chung.

Không một quy định nào trong Tập hợp các nguyên tắc này được hiểu là hạn chế hoặc tước đi bất kỳ quyền nào được nêu trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.

 



[1] Thuật ngữ “những hình thức đối xử hoặc trừng phạt mang tính độc ác, vô nhân đạo hay hạ thấp nhân phẩm” nên được giải thích theo hướng mở rộng đến mức cao nhất có thể sự bảo vệ chống lại việc đối xử tồi tệ, kể cả về thể chất và tâm thần, bao gồm việc giam giữ hoặc cầm tù một người trong những điều kiện khiến người đó, tạm thời hoặc vĩnh viễn, mất đi những cảm giác tự nhiên của mình, ví dụ như nghe hay nhìn, hoặc cảm nhận về nơi chốn hay thời gian.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Tập hợp các nguyên tắc về bảo vệ tất cả những người bị giam hay bị cầm tù dưới bất kỳ hình thức nào, 1988

  • Số hiệu: Khongso
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 09/12/1988
  • Nơi ban hành: Liên hợp quốc
  • Người ký: ***
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1900
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản