Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 77/NQ-CP

Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 2014

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ THÍ ĐIỂM ĐỔI MỚI CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG ĐỐI VỚI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC CÔNG LẬP GIAI ĐOẠN 2014 - 2017

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 08/2012/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Căn cứ Thông báo Kết luận số 37-TB/TW ngày 26 tháng 5 năm 2011 của Bộ Chính trị về Đề án “Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công”; Kết luận số 63-KL/TW ngày 27 tháng 05 năm 2013 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020”;

Căn cứ Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về Đề án “Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công”;

Căn cứ Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;

Căn cứ Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013;

Nhằm khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học công lập chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo đại học và giảm chi cho Ngân sách nhà nước đồng thời không làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của sinh viên nghèo, sinh viên là đối tượng chính sách; trên cơ sở Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2014 - 2017 đối với 4 trường đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Cơ sở giáo dục đại học công lập khi cam kết tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện, cụ thể như sau:

1. Về thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học

a) Quyết định mở ngành, chuyên ngành đào tạo theo nhu cầu xã hội khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định và tổ chức tuyển sinh, bảo đảm tính công khai, minh bạch.

b) Quyết định các hoạt động đào tạo (chương trình đào tạo; phương pháp giảng dạy; phương pháp thi, kiểm tra đánh giá kết quả học tập; giáo trình, học liệu và quản lý đào tạo; in, cấp phát và quản lý văn bằng, chứng chỉ); bảo đảm chuẩn đầu ra và thực hiện kiểm định chất lượng theo quy định.

c) Quyết định liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo trong nước và nước ngoài trên cơ sở chương trình liên kết đã được kiểm định chất lượng. Chỉ tiêu liên kết đào tạo được tính trong tổng chỉ tiêu đào tạo do nhà trường tự xác định theo quy định.

d) Quyết định hướng nghiên cứu; khuyến khích thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học; quyết định tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ, dịch vụ khoa học công nghệ, tổ chức hội thảo với các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước; quyết định việc sử dụng tài sản, cơ sở vật chất và giá trị thương hiệu của nhà trường để liên doanh, liên kết thực hiện các hoạt động khoa học công nghệ, tổ chức hoạt động dịch vụ phù hợp với lĩnh vực chuyên môn.

đ) Thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước đặt hàng.

2. Về tổ chức bộ máy, nhân sự

a) Quyết định thành lập mới, sáp nhập, chia, tách, giải thể; quy định chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động của các tổ chức trực thuộc.

b) Quyết định cơ cấu và số lượng người làm việc; tuyển dụng viên chức, nhân viên hợp đồng sau khi được Hội đồng trường thông qua; ký kết hợp đồng làm việc và hợp đồng lao động, quản lý, sử dụng và chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật.

c) Giao kết hợp đồng lao động với giảng viên, nhà khoa học là người nước ngoài để bảo đảm nhu cầu giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

3. Về tài chính

a) Học phí:

- Quyết định mức học phí bình quân (của chương trình đại trà) tối đa bằng mức trần học phí do Nhà nước quy định cộng với khoản chi thường xuyên ngân sách nhà nước cấp bình quân cho mỗi sinh viên công lập trong cả nước;

- Quyết định mức học phí cụ thể (cao hoặc thấp hơn mức học phí bình quân) đối với từng ngành, nghề, chương trình đào tạo theo nhu cầu người học và chất lượng đào tạo, bảo đảm mức học phí bình quân trong nhà trường không vượt quá giới hạn mức học phí bình quân tối đa nêu trên; thực hiện công khai mức học phí cho người học trước khi tuyển sinh.

b) Thu sự nghiệp:

Quy định cụ thể và công khai những khoản thu sự nghiệp ngoài học phí theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí và tích lũy hợp lý.

c) Tiền lương và thu nhập:

Quyết định thu nhập tăng thêm của người lao động theo quy chế chi tiêu nội bộ, ngoài tiền lương ngạch, bậc theo quy định của Nhà nước.

d) Sử dụng nguồn thu:

- Quyết định việc sử dụng nguồn thu của đơn vị để chi cho các hoạt động thường xuyên, bảo đảm đạt chuẩn chất lượng đầu ra theo đúng cam kết. Phần chênh lệch thu lớn hơn chi còn lại được trích lập các quỹ sau: Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; Quỹ khen thưởng; Quỹ phúc lợi; Quỹ dự phòng ổn định thu nhập và các quỹ hỗ trợ sinh viên. Trong đó, trích tối thiểu 25% chênh lệch thu chi cho Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp. Mức trích lập các quỹ còn lại và mức trả thu nhập tăng thêm do Hiệu trưởng quyết định theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị;

- Khoản thu học phí và các khoản thu sự nghiệp khác được gửi ngân hàng thương mại.

4. Chính sách học bổng, học phí đối với đối tượng chính sách

a) Việc thực hiện tự chủ của các trường đại học phải bảo đảm không làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của sinh viên nghèo, sinh viên là đối tượng chính sách.

b) Các trường đại học tự chủ phải xây dựng, thực hiện các chính sách:

- Cấp học bổng đối với sinh viên xuất sắc, sinh viên giỏi; sinh viên là đối tượng chính sách;

- Miễn, giảm học phí cho sinh viên nghèo, sinh viên là đối tượng chính sách và hỗ trợ phần chênh lệch giữa mức hỗ trợ của Nhà nước với mức học phí của nhà trường;

- Ưu tiên bố trí nơi ở cho sinh viên nghèo, sinh viên là đối tượng chính sách ở ký túc xá và miễn, giảm tiền thuê ký túc xá và các chính sách khác tùy theo điều kiện của từng trường.

c) Sử dụng toàn bộ tiền lãi của khoản học phí và các khoản thu sự nghiệp khác gửi ngân hàng thương mại để lập các quỹ hỗ trợ sinh viên.

d) Nhà nước tăng mức cho vay ưu đãi đối với sinh viên của các trường được giao tự chủ.

5. Về đầu tư, mua sắm

a) Nhà nước tiếp tục bố trí vốn để hoàn thành các dự án đang triển khai từ nguồn ngân sách nhà nước.

b) Quyết định các dự án đầu tư sử dụng nguồn thu hợp pháp của nhà trường và các nguồn hợp pháp khác do nhà trường tự huy động; thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về đầu tư; Nhà nước có chính sách hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư sử dụng vốn vay.

c) Thực hiện theo nguyên tắc cạnh tranh trong đấu thầu và cơ chế đặt hàng đối với các khoản chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ và các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Nhà nước.

d) Quyết định và chịu trách nhiệm đối với các dự án đầu tư mua sắm từ nguồn hợp pháp của đơn vị.

6. Cơ sở giáo dục đại học công lập thực hiện các nội dung tự chủ khác theo quy định của pháp luật có liên quan ngoài các nội dung quy định tại Nghị quyết này.

Điều 2. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học công lập

1. Cam kết bảo đảm chất lượng đào tạo; bảo toàn và phát triển vốn, tài sản của Nhà nước giao và các nội dung tự chủ khác theo quy định của pháp luật; thực hiện kiểm toán theo quy định.

2. Xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ bảo đảm tính công khai, minh bạch.

3. Kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng trường, bảo đảm thực hiện giám sát toàn bộ hoạt động của cơ sở giáo dục đại học công lập.

4. Có cơ chế để cán bộ, giảng viên, người lao động, sinh viên và các tổ chức xã hội tham gia giám sát hoạt động của trường.

5. Căn cứ Nghị quyết này và các quy định liên quan, xây dựng Đề án đổi mới cơ chế hoạt động trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; Đề án phải bảo đảm đầy đủ các nội dung được quy định tại Điều 1 và Điều 2 của Nghị quyết này.

Điều 3. Cơ sở giáo dục đại học công lập không thực hiện thí điểm tự chủ theo Nghị quyết này thì thực hiện theo quy định của Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều 4. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập thực hiện thí điểm theo quy định tại Nghị quyết này trên tinh thần tôn trọng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường, tập trung vào các nhiệm vụ sau đây:

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo:

a) Chủ trì kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Nghị quyết; xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm; Quý IV hằng năm tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết;

b) Tổ chức tổng kết việc thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017.

2. Bộ Tài chính:

a) Chủ trì nghiên cứu sửa đổi chính sách tín dụng ưu đãi cho học sinh, sinh viên; hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư sử dụng vốn vay;

b) Phối hợp với Bộ, cơ quan chủ quản của cơ sở giáo dục đại học công lập kiểm tra việc thực hiện các chế độ tự chủ tài chính, tình hình quản lý, sử dụng vốn, tài sản.

3. Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ, cơ quan chủ quản của cơ sở giáo dục đại học công lập kiểm tra việc thực hiện tự chủ về tổ chức bộ máy, chế độ tiền lương.

4. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí tổ chức tuyên truyền sâu rộng để quán triệt và tạo sự đồng thuận xã hội trong triển khai thực hiện Nghị quyết này.

5. Các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt, chỉ đạo và kiểm tra các cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết này.

6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạo điều kiện hỗ trợ về đất đai và giải phóng mặt bằng cho các cơ sở giáo dục đại học công lập trên địa bàn./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN; các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, TTK HĐGD, các Vụ, Cục, Công báo;
- Lưu: VT, KGVX (3b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Resolution No. 77/NQ-CP dated October 24, 2014, on pilot renovation of the operation mechanism of public tertiary education institutions during 2014-2017

  • Số hiệu: 77/NQ-CP
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 24/10/2014
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản