Hệ thống pháp luật

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO

---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 46/2004/QC-KSTHA

Hà Nội, ngày 7 tháng 4 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ CHỨC TRÁCH, NHIỆM VỤ, TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ QUAN HỆ LỀ LỐI LÀM VIỆC CỦA VỤ KIỂM SÁT THI HÀNH ÁN

- Căn cứ Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002.

- Căn cứ Nghị quyết số 356/NQ-UBTVQH ngày 25/2/2003 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao

- Căn cứ Pháp lệnh kiểm sát viên số 03/2002/PL-UBTVQH 11 ngày 4/10/2002 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

- Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ kiểm sát Thi hành án.

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này Quy chế về chức trách, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và quan hệ lề lối làm việc của Vụ kiểm sát Thi hành án.

Điều 2: Quy chế có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3: Các đồng chí Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ kiểm sát Thi hành án, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các địa phương; Viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự các cấp có trách nhiệm thực hiện quyết định này.

 

 

KT-VIỆN TRƯỞNG
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ VIỆN TRƯỞNG





Khuất Văn Nga

 

QUY CHẾ

VỀ CHỨC TRÁCH, NHIỆM VỤ, TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ QUAN HỆ LỀ LỐI LÀM VIỆC CỦA VỤ KIỂM SÁT THI HÀNH ÁN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 46 /2004/QC-KSTHA ngày 7/4/2004 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao)

Chương I

VỊ TRÍ, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA VỤ KIỂM SÁT THI HÀNH ÁN.

Điều 1: Vị trí.

Vụ kiểm sát thi hành án là đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân Tối cao có nhiệm vụ tham mưu giúp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao về kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực thi hành án; xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; hướng dẫn thực hiện công tác kiểm sát thi hành án trên phạm vi toàn quốc; kiểm tra, chỉ đạo nghiệp vụ đối với các Viện kiểm sát địa phương, các Viện Kiểm sát Quân sự; trực tiếp kiểm sát các việc thi hành án hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, lao động, phá sản doanh nghiệp và các việc khác theo quy định của pháp luật.

Điều 2: Nhiệm vụ.

1- Giúp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thi hành các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thi hành án của cơ quan thi hành án cùng cấp và cấp dưới, chấp hành viên, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan và việc giải quyết kháng cáo, khiếu nại, tố cáo đối với việc thi hành án;

2- Tham mưu giúp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao theo dõi, quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra đối với Viện kiểm sát nhân dân địa phương về nghiệp vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong thi hành án; sơ kết, tổng kết công tác kiểm sát thi hành án;

3- Phát hiện, tổng hợp vi phạm của cơ quan thi hành án để tham mưu với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao kiến nghị với Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp về các biện pháp khắc phục vi phạm pháp luật trong công tác thi hành án.

Điều 3: Quyền hạn.

1. Căn cứ vào chỉ thị công tác năm, các chương trình, kế hoạch công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Vụ ban hành các văn bản hướng dẫn việc thực hiện chương trình công tác đối với các Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương, chương trình, kế hoạch công tác nghiệp vụ của Vụ kiểm sát Thi hành án, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao; hướng dẫn áp dụng đối với những vấn đề đã được Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân Tối cao cho ý kiến. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ và kiểm tra thực hiện công tác kiểm sát thi hành án của Viện kiểm sát nhân dân các địa phương.

2. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thi hành án gồm:

Yêu cầu Toà án nhân dân, Cơ quan thi hành án, Chấp hành viên, các cơ quan tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan đến việc thi hành án:

- Ra quyết định thi hành án đúng quy định của pháp luật

- Tự kiểm tra việc thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực và những bản án quyết định được thi hành ngay theo quy định của pháp luật. Thông báo kết quả kiểm tra cho Viện kiểm sát nhân dân;

- Thi hành bản án, quyết định của Toà án theo quy định của pháp luật;

- Cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng có liên quan đến việc thi hành án;

- Trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thi hành án của cơ quan thi hành án cùng cấp và cấp dưới, Chấp hành viên, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan đến việc thi hành án;

- Trực tiếp kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thi hành án;

- Đề nghị hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ, miễn chấp hành hình phạt theo quy định của pháp luật;

- Đề nghị Toà án nhân dân thông báo cho người bị kết án hưởng thời hiệu thi hành án;

- Đề xuất Lãnh đạo Viện kháng nghị với Toà án nhân dân, cơ quan thi hành án cùng cấp và cấp dưới, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm trong việc thi hành án; Yêu cầu đình chỉ việc thi hành án, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong việc thi hành án, chấm dứt việc làm vi phạm pháp luật trong việc thi hành án.

- Khi có dấu hiệu về tội phạm thì đề nghị khởi tố về hình sự

- Đề nghị khởi tố về dân sự trong trường hợp do pháp luật quy định.

- Tham gia các Hội nghị hoặc tổ chức các Hội nghị với ngành bạn để thảo luận những chuyên đề cần thiết giúp cho thủ trưởng các ngành quy định thống nhất nghiệp vụ đối với các vấn đề liên quan đến lĩnh vực thi hành án và kiểm sát thi hành án.

- Phối hợp với Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân Tối cao, Bộ Công an giải quyết những việc về thi hành án theo quy định của pháp luật;

- Đề xuất Lãnh đạo Viện kiến nghị Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân Tối cao, Bộ Công an, các bộ, ngành và Chính phủ khắc phục những sơ hở trong quản lý Nhà nước liên quan đến việc thi hành án.

Chương II

TỔ CHỨC BỘ MÁY, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA CÁC CHỨC DANH TRONG VỤ KIỂM SÁT THI HÀNH ÁN.

Điều 4: Tổ chức bộ máy của Vụ kiểm sát Thi hành án.

Vụ kiểm sát thi hành án có Vụ trưởng, các Phó vụ trưởng, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân Tối cao và cán bộ giúp việc.

Điều 5: Vụ trưởng.

Vụ trưởng là kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân Tối cao được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao bổ nhiệm là thủ trưởng của đơn vị, chịu sự chỉ đạo của Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, có nhiệm vụ quản lý hành chính và chỉ đạo nghiệp vụ đối với mọi hoạt động của đơn vị chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân Tối cao.

Vụ trưởng có nhiệm vụ, quyền hạn:

- Quản lý tình hình và hoạt động thi hành án trong toàn ngành, tham mưu giúp Viện trưởng chỉ đạo nghiệp vụ kiểm sát thi hành án. Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác kiểm sát thi hành án theo chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, chịu trách nhiệm trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao về việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.

- Tổ chức kiểm tra hướng dẫn nghiệp vụ, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác kiểm sát thi hành án trong toàn ngành.

- Sơ kết, tổng kết công tác nghiệp vụ. Tham gia xây dựng pháp luật, xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật trong công tác thi hành án và kiểm sát thi hành án.

- Chủ trì thảo luận, kết luận những vụ việc thuộc trách nhiệm của Vụ, đề xuất báo cáo lãnh đạo Viện quyết định.

- Ký quyết định trực tiếp kiểm sát và các văn bản pháp lý nghiệp vụ

- Ra quyết định hoặc yêu cầu huỷ, sửa, thay đổi, rút văn bản pháp lý của Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới, của kiểm sát viên thuộc quyền không phù hợp pháp luật

- Quyết định việc rút hồ sơ thi hành án để giải quyết việc khiếu nại tố cáo. Đề xuất của kiểm sát viên hoặc yêu cầu của Vụ trưởng về việc rút hồ sơ thi hành án phải được thể hiện bằng văn bản lưu hồ sơ.

- Đề xuất kháng nghị các quyết định và hành vi về thi hành án có vi phạm pháp luật; khởi tố vụ án hình sự, dân sự và các loại án khác theo quy định của pháp luật; nếu được Lãnh đạo Viện giao, ký văn bản với tư cách kiểm sát viên thừa uỷ quyền Viện Trưởng.

- Đề xuất kiến nghị với Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Chính phủ, các cơ quan tổ chức hữu quan khắc phục những sơ hở trong quản lý Nhà nước có liên quan hoạt động tư pháp thuộc lĩnh vực thi hành án.

- Phối hợp với Vụ tổ chức cán bộ xây dựng quy hoạch, kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo cán bộ của Vụ và của địa phương, trình lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân Tối cao quyết định. Bố trí, sử dụng các Kiểm sát viên, cán bộ trong Vụ, thực hiện chính sách cán bộ theo phân cấp quản lý của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao.

- Tổ chức chỉ đạo quản lý công tác hành chính tư pháp và hành chính quản trị của Vụ, phối hợp với Chi uỷ, Công đoàn Vụ thực hiện các phong trào thi đua, chăm lo đời sống cán bộ viên chức trong Vụ.

Điều 6: Phó vụ trưởng.

Phó vụ trưởng là Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, vừa có trách nhiệm quản lý, vừa có chức năng pháp lý. Trong phạm vi công tác được giao, Phó vụ trưởng có nhiệm vụ quyền hạn:

- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao quy định tại Pháp lệnh Kiểm sát viên và Điều 7 Quy chế này.

- Giúp Vụ trưởng chỉ đạo nghiệp vụ theo sự phân công của Vụ trưởng.

- Thay Vụ trưởng khi Vụ trưởng uỷ nhiệm trong thời gian Vụ trưởng vắng mặt.

- Quản lý tình hình và chỉ đạo, kiểm tra hoạt động kiểm sát thi hành án của các Viện kiểm sát nhân dân địa phương theo sự phân công của Vụ trưởng.

- Đề xuất và thực hiện các chuyên đề nghiệp vụ được Lãnh đạo Viện hoặc Vụ trưởng giao.

- Duyệt ký công văn trả lời các việc Viện Kiểm sát địa phương thỉnh thị

- Duyệt ký các văn bản do kiểm sát viên đề nghị cho ý kiến chỉ đạo về nghiệp vụ.

- Quyết định những việc khác thuộc thẩm quyền của Phó vụ trưởng, chịu trách nhiệm trước Vụ trưởng và Lãnh đạo Viện.

Điều 7: Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân Tối cao.

Kiểm sát viên có chức năng pháp lý theo quy định tại Pháp lệnh Kiểm sát viên, có trách nhiệm tuân thủ các quy định tại Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Pháp lệnh kiểm sát viên, pháp luật về thi hành án và Quy chế của ngành, chịu sự phân công của Vụ trưởng và Phó vụ trưởng phục trách

Trong phạm vi công tác được giao kiểm sát viên có nhiệm vụ, quyền hạn:

1. Yêu cầu Toà án nhân dân, Cơ quan thi hành án cùng cấp và cấp dưới, chấp hành viên, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan đến việc thi hành án:

a/ Ra quyết định thi hành án đúng quy định của pháp luật;

b/ Tự kiểm tra việc thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và những bản án, quyết định được thi hành ngay theo quy định của pháp luật và thông báo kết quả kiểm tra cho Viện kiểm sát nhân dân Tối cao;

c/ Thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và những bản án, quyết định được thi hành ngay theo quy định của pháp luật;

d/ Cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng có liên quan đến việc thi hành án;

đ/ Yêu cầu xác minh, trưng cầu giám định;

e/ Lập biên bản, ghi lời khai của các bên đương sự;

2. Trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thi hành án của cơ quan thi hành án cùng cấp và cấp dưới, chấp hành viên, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan theo quyết định của thủ trưởng đơn vị;

Giải quyết việc kháng cáo, khiếu nại, tố cáo đối với việc thi hành án. Lập biên bản và kết luận việc trực tiếp kiểm sát .

3. Đề nghị hoặc yêu cầu hoãn tạm đình chỉ, đình chỉ, xét thời hiệu, miễn chấp hành hình phạt, xoá án tích theo quy định của pháp luật.

4. Ký các văn bản pháp lý nêu tại khoản 1, 3 Điều này và kết luận trực tiếp kiểm sát, giấy mời, giấy báo tin, biên bản ghi lời khai của đương sự, trả lời khiếu nại, chuyển đơn khiếu nại, các văn bản khác khi được Lãnh đạo Viện hoặc thủ trưởng đơn vị giao.

5. Đề xuất và thực hiện các chuyên đề nghiệp vụ được giao.

6. Những việc kiểm sát thi hành án khó, phức tạp, kiểm sát viên phải đề nghị lãnh đạo Vụ cho ý kiến chỉ đạo về nghiệp vụ.

7. Việc rút hồ sơ thi hành án thực hiện theo mẫu quy định

Điều 8: Cán bộ nghiệp vụ.

Cán bộ nghiệp vụ được phân công một số việc cụ thể giúp Lãnh đạo Vụ nghiên cứu hồ sơ các vụ việc về thi hành án, kiểm sát thi hành án; xác minh lấy lời khai của đương sự, nhân chứng, người có liên quan, tổng hợp báo cáo theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Vụ. Quản lý sổ sách thống kê, báo cáo nội dung công việc được giao và chịu trách nhiệm về công việc được giao.

Điều 9: Quan hệ giữa Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân Tối cao và cán bộ.

Phó Vụ trưởng giúp việc Vụ trưởng phụ trách phần việc được phân công và chịu trách nhiệm báo cáo kết qủa với Vụ trưởng đầu việc được giao. Các vụ việc phức tạp, có ý kiến khác nhau giữa các ngành ở địa phương, Trung ương; những việc phải báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân Tối cao thì Phó Vụ trưởng phải báo cáo Vụ trưởng để đưa ra tập thể lãnh đạo thảo luận sau khi thảo luận, Vụ trưởng phải quyết định và chịu trách nhiệm.

Vụ trưởng trực tiếp phân công cho Phó Vụ trưởng phụ trách công tác, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện của kiểm sát viên, cán bộ do mình phụ trách. Vụ trưởng thực hiện việc duyệt các báo cáo nghiệp vụ, duyệt các văn bản của các Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân Tối cao Phó vụ trưởng đề nghị cho ý kiến chỉ đạo nghiệp vụ, quyết định những việc thuộc thẩm quyền của Vụ trưởng hoặc những việc được Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân Tối cao uỷ quyền.

Những việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Vụ kiểm sát Thi hành án mà Phó vụ trưởng và Vụ trưởng có ý kiến khác nhau thì báo cáo Phó viện trưởng phụ trách quyết định.

Cán bộ nghiệp vụ giúp Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân Tối cao trong việc kiểm sát một vụ việc cụ thể thì chịu sự chỉ đạo của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân Tối cao.

Chương III

MỐI QUAN HỆ VÀ LỀ LỐI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO VÀ CÁC ĐƠN VỊ THUỘC VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO.

Điều 10: Quan hệ giữa Vụ trưởng với Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.

Vụ trưởng có trách nhiệm báo cáo và xin ý kiến về công tác nghiệp vụ kiểm sát thi hành án và các công tác khác của đơn vị, chấp hành nghiêm chỉnh ý kiến của Phó Viện trưởng phụ trách. Dự thảo văn bản trình lãnh đạo Viện giải quyết các việc thuộc trách nhiệm lãnh đạo Viện. Ký các văn bản được lãnh đạo uỷ quyền.

Theo quyết định của Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, một số vấn đề quan trọng của Vụ Kiểm sát Thi hành án sẽ được trình lên xin ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao hoặc Uỷ ban Kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân Tối cao.

Những loại việc thuộc thẩm quyền của Vụ phải giải quyết theo quy định tại Điều 3 quy chế này thì Vụ phải tự chịu trách nhiệm, thực hiện tốt việc được giao và báo cáo lãnh đạo Viện về kết qủa thực hiện công tác đó.

Điều 11: Quan hệ giữa Vụ kiểm sát thi hành án với các đơn vị thuộc Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao

1. Với Viện Kiểm sát xét xử phúc thẩm, Vụ Kiểm sát xét xử hình sự, Vụ Kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, kinh tế, lao động, Vụ Kiểm sát xét xử dân sự:

Là mối quan hệ phối hợp, xử lý các trường hợp hoãn thi hành án; kháng nghị, giải thích, đính chính bản án của Toà án, chuyển giao bản án của Toà án; uỷ thác thi hành án; phát hiện bản án được thi hành có vi phạm pháp luật phải xem xét theo trình tự Giám đốc thẩm hoặc Tái thẩm; xem xét việc khởi tố về hình sự, dân sự... để xử lý theo thẩm quyền hoặc thống nhất trình lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân Tối cao xem xét.

Vụ Kiểm sát Thi hành án và đơn vị kiểm sát xét xử có trách nhiệm gửi các văn bản nghiệp vụ cho nhau để có thông tin xử lý đúng các vụ việc theo thẩm quyền.

Trường hợp đương sự có khiếu nại cả nội dung bản án và thi hành án thì Vụ Kiểm sát Thi hành án trao đổi với đơn vị kiểm sát xét xử có thẩm quyền xem xét giám đốc hoặc tái thẩm về việc đó trước khi ra văn bản.

2. Với Cục Điều tra:

Là quan hệ phối hợp, xử lý các trường hợp đơn thư, khiếu nại, tố cáo, các tin báo tố giác về tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc các Cơ quan tư pháp hoặc các trường hợp khởi tố về hình sự trong quá trình kiểm sát thi hành án phát hiện.

3. Với Vụ Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù:

Là quan hệ phối hợp những vấn đề liên quan đến phạm vi công tác, việc xét giảm chấp hành hình phạt, xoá án tích, việc tạm đình chỉ thi hành án, việc trả tự do, việc chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù ra trại, việc thi hành án tử hình.

4. Với Viện Khoa học Công tác kiểm sát:

Vụ kiểm sát thi hành án phối hợp với Viện khoa học công tác kiểm sát trong việc nghiên cứu các vấn đề do thực tiễn đặt ra và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật về kiểm sát thi hành án cho các Viện kiểm sát địa phương; đề xuất xây dựng, bổ sung, sửa đổi pháp luật liên quan thi hành án và kiểm sát thi hành án, cũng như các văn bản quy phạm pháp luật.

5. Với Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao:

Là quan hệ phối hợp tham mưu cho lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân Tối cao những vấn đề liên quan đến việc thực hiện chế độ báo cáo, thi đua, hành chính, quản trị, phương tiện điều kiện làm việc.

6. Với Vụ Tổ chức, cán bộ:

Là quan hệ phối hợp tham mưu cho lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân Tối cao những vấn đề về xây dựng tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ, tiếp nhận điều động, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thực hiện chính sách cán bộ, đề nghị bổ nhiệm cán bộ của Vụ.

Điều 12: Quan hệ giữa Vụ kiểm sát thi hành án với Viện kiểm sát nhân dân địa phương.

Vụ kiểm sát thi hành án căn cứ vào chỉ thị của Viện trưởng, kế hoạch công tác, quy chế công tác và Thông tư của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao hướng dẫn chỉ đạo về nghiệp vụ, áp dụng pháp luật cho các địa phương.

Viện kiểm sát nhân dân địa phương có nhiệm vụ nghiên cứu nắm chắc nội dung hướng dẫn của Vụ kiểm sát thi hành án để vận dụng cho phù hợp với thực tiễn của địa phương, trường hợp địa phương chưa nhất trí với hướng dẫn của Vụ kiểm sát thi hành án thì trao đổi lại với Vụ kiểm sát Thi hành án trước khi báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân Tối cao xem xét.

Viện kiểm sát nhân dân địa phương phải thực hiện ý kiến chỉ đạo của Vụ kiểm sát thi hành án về nghiệp vụ kiểm sát thi hành án. Nếu gặp khó khăn phải báo cáo lên Viện kiểm sát nhân dân Tối cao để xem xét, tạo điều kiện giúp đỡ thực hiện.

Điều 13: Lề lối làm việc.

Căn cứ các quy định của pháp luật và quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Vụ trưởng phân công cụ thể nhiệm vụ công tác cho Phó Vụ trưởng, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân Tối cao và cán bộ nghiệp vụ trong đơn vị.

Điều 14: Thực hiện chế độ công tác.

1. Thực hiện chế độ báo cáo

Thủ trưởng đơn vị phải chấp hành nghiêm chỉnh chế độ báo cáo thỉnh thị theo quy chế quản lý thông tin trong ngành và phải báo cáo với lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân Tối cao những loại việc sau:

a/ Việc thi hành án mà quan điểm của Viện kiểm sát địa phương; Cục thi hành án khác với quan điểm của Vụ kiểm sát thi hành án.

b/ Việc thi hành án đã được thủ trưởng đơn vị giải quyết nhưng đương sự vẫn tiếp tục khiếu nại.

2. Chế độ kiểm tra địa phương

Hàng năm, Vụ có kế hoạch kiểm tra một số địa phương, trong trường hợp cần thiết có thể kiểm tra đột xuất theo quy định của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao.

Vụ trưởng trực tiếp kiểm tra hoặc giao cho Phó Vụ trưởng thực hiện. Việc kiểm tra phải có nội dung, yêu cầu cụ thể. Qua kiểm tra phải có kết luận bằng văn bản. Khi cần thiết phải thông báo chung toàn ngành và báo cáo lãnh đạo Viện.

3. Chế độ quản lý hành chính tư pháp

Những văn bản do Vụ ban hành hoặc trình Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân Tối cao ký ban hành phải được lãnh đạo Vụ duyệt, kiểm tra kỹ nội dung, hình thức văn bản không để có những sai sót do người dự thảo hoặc đánh máy gây ra. Việc quản lý lưu trữ hồ sơ, tài liệu theo chế độ Nhà nước và quy định của ngành

Những văn bản do lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân Tối cao uỷ quyền cho Vụ ký ban hành thì Vụ trưởng phải tổ chức thực hiện, chịu trách nhiệm về công việc được giao và báo cáo kết quả với lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân Tối cao.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15:

Bản Quy chế này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân địa phương, Viện kiểm sát Quân sự các cấp chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quy chế này.

Trong quá trình thực hiện nếu cần sửa đổi, bổ sung thì báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao quyết định.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định số 46/2004/QC-KSTHA về quy chế về chức trách, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và quan hệ lề lối làm việc của Vụ kiểm sát Thi hành án do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

  • Số hiệu: 46/2004/QC-KSTHA
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 07/04/2004
  • Nơi ban hành: Viện kiểm sát nhân dân tối cao
  • Người ký: Khuất Văn Nga
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/04/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản