Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1299 /QĐ-TCT | Hà Nội, ngày 21 tháng 11 năm 2005 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ KIỂM TRA KIẾN THỨC ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC NGÀNH THUẾ.
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THUẾ
Căn cứ Pháp lệnh cán bộ, công chức;
Căn cứ Quyết định số 218/2003/QĐ-TTg ngày 28/10/2003 của Thủ tướng Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục thuế trực thuộc Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 188/2003/QĐ-BTC, ngày 14/11/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Ban và Văn phòng thuộc Tổng cục thuế; Quyết định số 189/2003/QĐ-BTC, ngày 14/11/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thuế trực thuộc Tổng cục thuế;
Xét đề nghị của Trưởng Ban Tổ chức cán bộ Tổng cục thuế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy chế kiểm tra kiến thức đối với cán bộ, công chức ngành Thuế.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Thủ trưởng các đơn vị trong ngành thuế; Trưởng Ban Tổ chức cán bộ, Chánh Văn phòng Tổng cục Thuế chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: | TỔNG CỤC TRƯỞNG |
QUY CHẾ
KIỂM TRA KIẾN THỨC ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC NGÀNH THUẾ.
( Ban hành kèm theo quyết định số 1299/QĐ-TCT ngày 21 tháng 11 năm 2005 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế)
I- MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:
1. Nhằm khuyến khích, động viên và bắt buộc cán bộ, công chức, viên chức phải thường xuyên học tập, nghiên cứu, trau dồi kiến thức quản lý thuế hiện đại, có phẩm chất chính trị tốt, có đạo đức nghề nghiệp tốt.
2. Để đánh giá đúng trình độ công chức, quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả nhân lực của ngành; thực hiện các chính sách cán bộ (bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật, khen thưởng, luân chuyển, luân phiên, bố trí lại cán bộ, công chức).
3. Để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức có hiệu quả, nhằm nâng cao trình độ cán bộ, công chức toàn ngành, đáp ứng được yêu cầu của công cuộc cải cách hành chính thuế, công nghiệp hoá - hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Tổng cục Thuế ban hành Quy chế kiểm tra kiến thức đối với cán bộ, công chức ngành thuế như sau:
II- NGUYÊN TẮC, NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP, HÌNH THỨC, THẨM QUYỀN KIỂM TRA:
I/ Nguyên tắc chung:
1. Việc kiểm tra trình độ công chức là bắt buộc, được thực hiện thường xuyên, liên tục theo định kỳ đối với mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong ngành thuế.
2. Trong 3 năm, ít nhất mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải được kiểm tra trình độ một lần về kiến thức chung phù hợp với trình độ từng ngạch công chức, đó là: kiến thức quản lý thuế, kiến thức kế toán, kiến thức phân tích tài chính doanh nghiệp, kiến thức tin học, Pháp lệnh cán bộ, công chức, các tiêu chuẩn cần xây, các điểm cần chống và 10 điều kỷ luật của ngành. Ngoài ra, đối với mỗi lĩnh vực chuyên môn cụ thể còn phải kiểm tra kiến thức, kỹ năng chuyên sâu phù hợp với từng loại công việc mà công chức đó đảm nhận.
3. Đối với công chức ở ngạch chuyên viên và tương đương trở lên thì phải kiểm tra ở trình độ đại học; công chức ở ngạch cán sự, kiểm thu viên phải kiểm tra ở trình độ trung cấp.
II/ Nội dung kiểm tra.
1. Kiến thức chung: Kiến thức chung được áp dụng để kiểm tra bắt buộc đối với tất cả cán bộ, công chức, viên chức, gồm:
a) Kiến thức về chính sách thuế:
- Các nội dung về chính sách thuế hiện hành (các văn bản pháp luật về thuế).
- Các thủ tục hành chính thuế.
- Các quy trình, quy phạm nghiệp vụ và ký năng quản lý thuế.
b) Kiến thức về kế toán:
- Nguyên lý hạch toán, kế toán.
- Các chuẩn mực kế toán hiện hành.
- Nghiệp vụ kế toán.
c) Kiến thức phân tích tài chính doanh nghiệp:
- Đánh giá, phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp để xác định đúng nghĩa vụ thuế của tổ chức, cá nhân nộp thuế.
d) Kiến thức tin học:
- Kiến thức về tin học trình độ văn phòng (sử dụng thành thạo Word và Excel).
2. Kiến thức chuyên sâu: là những kiến thức cần thiết gắn với các công việc cụ thể của từng loại cán bộ, công chức, viên chức.
a) Đối với công chức Thanh tra:
- Những quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra và khiếu nại, tố cáo (Luật Thanh tra, Nghị định của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn về thanh tra, kiểm tra; Luật Khiếu nại, tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành).
- Nghiệp vụ thanh tra, quy trình thanh tra, quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo.
- Kỹ năng thanh tra đối với từng loại đối tượng, từng sắc thuế.
b) Đối với công chức Tuyên truyền, hỗ trợ:
- Nghiệp vụ kỹ năng truyên truyền, hỗ trợ tổ chức và cá nhận nộp thuế.
- Quy trình, thủ tục nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa”.
c) Đối với công chức quản lý nợ và cưỡng chế thuế:
- Nghiệp vụ kỹ năng quản lý nợ, phân tích nợ.
- Quy trình thu nợ và thủ tục cưỡng chế thu nợ thuế.
d) Đối với công chức xử lý tờ khai thuế:
- Quy trình kỹ năng xử lý tờ khai thuế;
- Nghiệp vụ kế toán tài khoản thu, nộp thuế.
đ) Đối với công chức quản lý doanh nghiệp:
- Kiến thức về quy trình quản lý thuế đối với doanh nghiệp; quy trình xử lý hoàn thuế, miễn, giảm thuế.
e) Đối với công chức quản lý Hộ kinh doanh:
- Quy trình quản lý thuế đối với hộ kinh doanh.
- Phương pháp điều tra, hiệp thương doanh thu.
f) Đối với công chức còn lại: Nội dung kiểm tra phải phù hợp với công việc công chức đang đảm nhiệm, như:
- Công chức làm công tác tổ chức cán bộ: kiểm tra kiến thức về nghiệp vụ quản lý tổ chức cán bộ, các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ...;
- Công chức làm công tác quản lý ấn chỉ: kiểm tra kiến thức về nghiệp vụ quản lý, kiểm tra, xác minh hóa đơn, ấn chỉ...;
- Công chức làm công tác dự toán thu thuế: kiểm tra kiến thức về kỹ năng phân tích, dự báo, qui trình lập và giao dự toán...;
- Công chức quản trị - tài vụ: kiểm tra kiến thức về quản lý tài sản nhà nước, chế độ chi tiêu, quản lý kinh phí ngành; nghiệp vụ về kế toán đơn vị sự nghiệp...
- Công chức làm công tác hành chính văn phòng: kiểm tra các kiến thức, các quy định về công tác hành chính, văn thư, lưu trữ.
III/ Hình thức kiểm tra:
1. Kiểm tra dưới hình thức bài viết, trắc nghiệm.
2. Kiểm tra dưới hình thức vấn đáp.
3. Kiểm tra dưới hình thức thi cán bộ thuế giỏi, thi tìm hiểu về pháp luật thuế...
IV/ Thẩm quyền kiểm tra:
Thẩm quyền kiểm tra cơ bản được thực hiện theo phân cấp quản lý cán bộ của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế:
1. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế kiểm tra đối với cán bộ lãnh đạo Cục Thuế, công chức thuộc cơ quan Tổng cục Thuế và kiểm tra đột xuất đối với một số Cục Thuế trọng điểm.
2. Cục trưởng Cục Thuế kiểm tra công chức thuộc Cục thuế và các Chi cục thuế trực thuộc. Trong một số trường hợp có thể uỷ quyền cho Chi cục trưởng kiểm tra công chức thuộc Chi cục Thuế.
3. Chi cục Trưởng lập kế hoạch kiểm tra và báo cáo lãnh đạo Cục Thuế về tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra cán bộ, công chức của Chi cục Thuế.
III- HỘI ĐỒNG KIỂM TRA, CÁCH TÍNH ĐIỂM VÀ XỬ LÝ KẾT QUẢ SAU KIỂM TRA:
1. Thành phần Hội đồng kiểm tra:
+ Chủ tịch Hội đồng: là thủ trưởng cơ quan thuế tổ chức kiểm tra trình độ công chức.
+ Phó Chủ tịch Hội đồng là Trưởng Ban (hoặc Trưởng Phòng) Tổ chức cán bộ của cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm tra.
+ Các uỷ viên Hội đồng (2 - 4 người) là đại diện các đơn vị có công chức tham dự kiểm tra.
+ Thư ký Hội đồng là một công chức thuộc Ban (phòng) Tổ chức cán bộ.
- Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng: Hội đồng kiểm tra làm việc theo nguyên tắc tập thể, biểu quyết theo đa số và có nhiệm vụ, quyền hạn sau:
+ Thông báo kế hoạch kiểm tra, qui chế kiểm tra.
+ Tổ chức việc ra đề kiểm tra, coi và chấm bài kiểm tra, đánh giá kết quả kiểm tra.
+ Giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dự kiểm tra.
2. Cách tính điểm và phân loại kết quả kiểm tra:
Kết quả kiểm tra được tính theo thang điểm 10: Loại giỏi (đạt điểm 9, 10); loại khá (đạt điểm 7, 8); loại trung bình (đạt điểm 5, 6); loại yếu, kém (đạt điểm dưới 5).
3. Xử lý kết quả kiểm tra:
Bài và kết quả kiểm tra phải được lưu vào hồ sơ cá nhân, là một chỉ tiêu để đánh giá, phân loại công chức.
3.1 Đối với người đạt kết quả khá, giỏi:
+ Được khen thưởng (giấy khen, bằng khen) và xét thi đua hàng năm.
+ Trường hợp công chức có 2 - 3 lần trở lên liên tục đạt kết quả khá, giỏi, có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực điều hành thì có thể xem xét bổ sung vào diện qui hoạch đào tạo, bồi dưỡng phát triển hoặc bổ nhiệm vào vị trí phù hợp.
3.2 Đối với người đạt kết quả trung bình:
+ Đơn vị lập kế hoạch bồi dưỡng tiếp tục, củng cố và nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn.
+ Không xem xét đưa vào diện bồi dưỡng, quy hoạch phát triển.
+ Nếu công chức đang trong diện qui hoạch mà qua 2 lần kiểm tra đều chỉ đạt kết quả trung bình thì đưa ra khỏi diện qui hoạch.
+ Công chức lãnh đạo nếu 2 lần liên tục kiểm tra đạt kết quả trung bình thì cần xem xét khi bổ nhiệm lại.
3. Đối với người có kết quả thi đạt điểm yếu, kém cần giải quyết theo hướng:
+ Không bình xét thi đua do không hoàn thành nhiệm vụ. Công chức đó phải viết bản cam kết về thời hạn thi lại không quá 2 năm, kể từ lần thi đạt kết quả yếu kém và cam đoan đạt kết quả tốt.
+ Nếu là công chức trong quy hoạch thì đưa ra khỏi quy hoạch.
+ Nếu là công chức giữ chức vụ lãnh đạo, năng lực điều hành yếu thì xem xét miễn nhiệm; nếu có phẩm chất đạo đức và năng lực điều hành tốt thì xem xét kết quả kiểm tra lần sau.
+ Nếu kết quả lần sau vẫn đạt loại yếu, kém thì miễn nhiệm nếu là công chức lãnh đạo hoặc xem xét cho chuyển làm công việc khác; cho liên hệ chuyển ngành khác, hoặc đưa vào diện tinh giản biên chế.
IV- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Hàng năm, Thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm lập kế hoạch kiểm tra trình độ kiến thức đối với cán bộ, công chức theo thẩm quyền phân cấp quản lý cán bộ.
2. Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, Cục trưởng Cục Thuế quyết định cách thức tổ chức kiểm tra, đối tượng công chức cần kiểm tra trước; xây dựng quy chế đánh giá và xử lý kết quả kiểm tra phù hợp, bảo đảm nghiêm túc, dân chủ, công khai.
3. Thủ trưởng cơ quan thuế các cấp có trách nhiệm phổ biến đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị và tổ chức thực hiện tốt quy chế này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị thủ trưởng các đơn vị báo cáo kịp thời về Tổng cục Thuế để hướng dẫn giải quyết hoặc sửa đổi, bổ sung./.
- 1Công văn 13/BXD-QLN kiểm tra, giám sát việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý vận hành nhà chung cư do Bộ Xây dựng ban hành
- 2Quyết định 1563/QĐ-TCT năm 2014 về Sổ tay nghiệp vụ kiểm tra nội bộ ngành thuế về công tác Quản lý đăng ký thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành
- 3Quyết định 1721/QĐ-TCT năm 2014 ban hành Quy chế kiểm tra nội bộ ngành Thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành
- 1Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 1998
- 2Luật Khiếu nại, tố cáo 1998
- 3Quyết định 218/2003/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế trực thuộc Bộ Tài chính do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 189/2003/QĐ-BTC về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục thuế trực thuộc Tổng cục Thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 5Luật Thanh tra 2004
- 6Công văn 13/BXD-QLN kiểm tra, giám sát việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý vận hành nhà chung cư do Bộ Xây dựng ban hành
- 7Quyết định 188/2003/QĐ-BTC quy định nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Ban và Văn phòng thuộc Tổng cục Thuế do Bộ Tài chính ban hành
- 8Quyết định 1563/QĐ-TCT năm 2014 về Sổ tay nghiệp vụ kiểm tra nội bộ ngành thuế về công tác Quản lý đăng ký thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành
- 9Quyết định 1721/QĐ-TCT năm 2014 ban hành Quy chế kiểm tra nội bộ ngành Thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành
Quyết định số 1299/QĐ-TCT về Quy chế kiểm tra kiến thức đối với cán bộ, công chức ngành Thuế do Tổng cục Thuế ban hành
- Số hiệu: 1299/QĐ-TCT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 21/11/2005
- Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
- Người ký: Nguyễn Văn Ninh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra