Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 968/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 14 tháng 3 năm 1996

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG, CHỐNG BUÔN LẬU VÀ KINH DOANH TRÁI PHÉP

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân;
- Căn cứ Nghị định số 35-CP ngày 25/4/1994 của Chính phủ về tổ chức lại công tác chỉ đạo quản lý thị trường, chống đầu cơ; buôn lậu; Quyết định số 96-TTg ngày 18/12/1995 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác Quản lý thị trường, chống buôn lậu và các hành vi kinh doanh trái phép;
- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thương nghiệp Hà Nội và Trưởng Ban Tổ chức chính quyền thành phố;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý Nhà nước của Thành phố Hà Nội trong công tác Quản lý thị trường, chống buôn lậu và kinh doanh trái phép.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng ủy ban nhân dân Thành phố, Trưởng ban Tổ chức chính quyền Thành phố, Giám đốc Sở Thương nghiệp, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành Thành phố và Chủ tịch ủy ban nhân dân các Quận, Huyện và Chi cục Quản lý thị trường thành phố thi hành Quyết định này. 

 

TM ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KT CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Hạnh

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG, CHỐNG BUÔN LẬU VÀ KINH DOANH TRÁI PHÉP (Ban hành kèm theo Quyết định số 968/QĐ - UB ngày 14/3/1996 của ủy ban nhân dân Thành phố)

I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế này quy định những nguyên tắc, trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các Sở, Ban, Ngành Thành phố, ủy ban nhân dân các Quận, Huyện và các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng (gọi tắt là các cơ quan quản lý Nhà nước) về chống buôn lậu, buôn bán hàng cấm, sản xuất và buôn bán hàng giả, trốn lậu thuế và các hành vi kinh doanh trái phép khác (gọi tắt là chống buôn lậu và kinh doanh trái phép) hoạt động trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Điều 2. Theo chức năng quản lý Nhà nước được Pháp luật quy định, các cơ quan quản lý Nhà nước của Thành phố có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác chống buôn lậu và kinh doanh trái phép trong phạm vi ngành và địa phương mình, nhằm thực hiện nghiêm chỉnh các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý thị trường, chống buôn lậu và kinh doanh trái phép.

Theo thẩm quyền và phạm vi được phân cấp, các cơ quan quản lý Nhà nước tiến hành điều tra phát hiện và xử lý nghiêm theo pháp luật và các quy định hiện hành đối với hoạt động buôn lậu và kinh doanh trái phép, kiến nghị với các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý những vụ, việc có dấu hiệu tội phạm. Thủ trưởng các cơ quan quản lý Nhà nước thuộc Thành phố là người chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND Thành phố về những vi phạm pháp luật, xảy ra trong ngành, địa phương mình.

Điều 3. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý thị trường, chống buôn lậu và kinh doanh trái phép theo chức năng nhiệm vụ của mình, các cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm chủ động tổ chức phối hợp hoạt động với các cơ quan, đơn vị hữu quan để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong chỉ đạo, điều hành công tác giữa các cơ quan quản lý Nhà nước của Thành phố.

Việc phối hợp tiến hành trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan quản lý Nhà nước và yêu cầu của công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu và kinh doanh trái phép trong từng thời gian, địa bàn và lĩnh vực cụ thể.

II. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC THUỘC THÀNH PHỐ TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG, CHỐNG BUÔN LẬU VÀ KINH DOANH TRÁI PHÉP

Điều 4. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước thuộc Thành phố trong công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu và kinh doanh trái phép trên địa bàn Thành phố như sau:

4.1 Sở Thương nghiệp Hà Nội có trách nhiệm giúp UBND Thành phố Quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thương mại (bao gồm kinh doanh xuất nhập khẩu, kinh doanh vật tư, hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ thương mại) thuộc các thành phần kinh tế, kể cả hoạt động thương mại của các tổ chức và cá nhân người nước ngoài được Nhà nước Việt Nam cho phép hoạt động trên địa bàn Hà Nội. Tổ chức chỉ đạo công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, buôn bán hàng cấm, sản xuất buôn bán hàng giả và kinh doanh trái phép, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định hiện hành của Nhà nước và UBND Thành phố; chủ trì tổ chức sự phối hợp hoạt động giữa các ngành, các cấp, các lực lượng trong việc chống buôn lậu và kinh doanh trái phép theo quy chế này.

4.2 Công an Thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các lực lượng công an từ Thành phố đến cơ sở tổ chức trinh sát, phát hiện và xử lý theo Pháp luật các vụ buôn lậu, buôn bán hàng cấm, sản xuất buôn bán hàng giả và kinh doanh trái phép, chủ yếu là đối với các vụ việc lớn, có tổ chức, đường dây, ổ nhóm, có dấu hiệu phạm tội; đồng thời tham gia phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước và các lực lượng có chức năng thuộc các ngành, các cấp khi có yêu cầu để kịp thời ngăn chặn, xử lý các vụ buôn lậu và kinh doanh trái phép;

4.3 Cục Hải quan Hà Nội có trách nhiệm chính trong việc kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các vụ buôn bán, hoặc vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua các cửa khẩu, nhất là đối với các hàng hóa cấm kinh doanh và cấm xuất nhập khẩu; đồng thời phối hợp, hỗ trợ các cơ quan quản lý Nhà nước và các lực lượng có chức năng thuộc các ngành Thành phố điều tra các vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua cửa khẩu đã lọt vào nội địa khi có yêu cầu;

4.4. Cục thuế Hà Nội có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác chống các hành vi kinh doanh trốn thuế, lậu thuế; tổ chức sự phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước và các lực lượng có chức năng liên quan thuộc các ngành, các cấp tiến hành kiểm tra, kiểm soát thực hiện công tác chống thất thu thuế và các khoản thu ngân sách khác, xử lý các hành vi vi phạm luật thuế;

4.5 Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quản lý thị trường văn hóa phẩm, dịch vụ văn hóa nghệ thuật, in ấn, xuất bản và quảng cáo, đặt biển hiệu; tổ chức kiểm tra hoặc phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước và các lực lượng có chức năng liên quan thuộc các ngành, các cấp kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm về buôn lậu, kinh doanh và lưu hành trái phép các sản phẩm văn hóa và dịch vụ văn hóa nghệ thuật; in ấn, xuất bản, quảng cáo, đặt biển hiệu trái phép.

4.6. Sở Y tế Hà Nội có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quản lý các hoạt động ngành nghề kinh doanh dược phẩm, dược liệu và dịch vụ y tế, bảo vệ sức khỏe trên địa bàn Thành phố; tổ chức kiểm tra, thanh tra, hoặc phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước và các lực lượng có chức năng liên quan thuộc ngành, các cấp kiểm tra xử lý các hành vi buôn lậu và kinh doanh trái phép về dược phẩm, dược liệu và dịch vụ y tế.

4.7 Sở Nông - Lâm nghiệp có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện quản lý Nhà nước về sản xuất, gia công, vận chuyển, buôn bán, làm dịch vụ các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và kiểm dịch động vật ra vào Thành phố. Tổ chức kiểm tra, hoặc phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước và các lực lượng có chức năng hữu quan kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm về buôn lậu, kinh doanh trái phép các hàng hóa và dịch vụ nói trên;

4.8 Chi cục Kiểm lâm nhân dân Hà Nội có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất, chế biến, vận chuyển gỗ và các loại lâm sản, thực vật, động vật rừng qúy hiếm; phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước và các lực lượng có chức năng hữu quan kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm về buôn lậu, kinh doanh trái phép các hàng hóa nói trên;

4.9 Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Thành phố có trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh, dịch vụ về vàng bạc, đá qúy, tiền tệ; tổ chức kiểm tra hoặc phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước và các lực lượng có chức năng kiểm tra và xử lý các hành vi buôn lậu và kinh doanh, dịch vụ trái phép vàng, bạc, đá qúy và ngoại tệ;

4.10 Sở Khoa học - Công nghệ và môi trường Hà Nội có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện quản lý Nhà nước trên địa bàn Thành phố về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa dịch vụ, về dụng cụ đo lường, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, sở hữu công nghiệp và vệ sinh môi trường; tổ chức kiểm tra, thanh tra, hoặc phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước và các lực lượng có chức năng liên quan; kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm về sản xuất buôn bán hàng giả, hàng không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, về phương tiện, dụng cụ đo lường, về nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa và về vệ sinh môi trường đối với các đối tượng kinh doanh và dịch vụ trên thị trường;

4.11 Quân khu Thủ đô có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị và quân nhân chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước về chống buôn lậu và kinh doanh trái phép; tổ chức kiểm tra, thanh tra đối với các đơn vị quân đội để ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc buôn lậu và kinh doanh trái phép xảy ra trong các đơn vị quân đội, hoặc liên quan đến quân đội; đồng thời phối hợp, chi viện lực lượng tham gia bắt giữ vụ, việc buôn lậu và kinh doanh trái phép khi có yêu cầu của cấp có thầm quyền;

Điều 5. UBND các Quận, Huyện có trách nhiệm:

5.1 Tổ chức chỉ đạo thực hiện công tác quản lý thị trường trên địa bàn Quận; Huyện; thực hiện nghiêm các quy định của Pháp luật, các chủ trương chính sách của Nhà nước và các quy định của ủy ban nhân dân Thành phố về công tác quản lý Thị trường chống buôn lậu và kinh doanh trái phép; ổn định thị trường.

5.2 Tổ chức sự phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước và các lực lượng có chức năng của Trung ương; chỉ đạo các lực lượng có chức năng quản lý Thị trường thuộc Quận, Huyện phối hợp với các lực lượng thuộc các Ngành của Thành phố đóng trên địa bàn; thực hiện việc kiểm tra, thanh tra, kiểm soát đối với các hoạt động kinh doanh và dịch vụ trong việc chấp hành pháp luật về quản lý thị trường; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu và kinh doanh trái phép theo thẩm quyền;

5.3 Kịp thời kiến nghị với UBND Thành phố và các cơ quan quản lý Nhà nước sửa đổi, bổ sung các quy chế, các biện pháp có liên quan đến công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu và kinh doanh trái phép.

III. TỔ CHỨC PHỐI HỢP GIỮA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ CÁC LỰC LƯỢNG CHỨC NĂNG TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG, CHỐNG BUÔN LẬU VÀ KINH DOANH TRÁI PHÉP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Điều 6. Theo yêu cầu cụ thể trong từng thời gian, trên từng địa bàn về công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu và kinh doanh trái phép, các cơ quan quản lý Nhà nước, các ngành và các lực lượng có chức năng liên quan của Thành phố và UBND các Quận, Huyện chủ động xác lập mối quan hệ, tổ chức lực lượng phối hợp và tạo các điều kiện hỗ trợ lẫn nhau khi cần thiết, bảo đảm cho công tác điều tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi buôn lậu, kinh doanh trái phép trên địa bàn Thành phố có hiệu qủa và đúng pháp luật. Nội dung và phương pháp tổ chức phối hợp như sau:

6.1 Phối hợp trong việc xây dựng kế hoạch, phương án, biện pháp công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu và kinh doanh trái phép theo ngành, lĩnh vực và địa bàn. Những vấn đề có liên quan đến các cơ quan, ngành, hoặc địa phương khác thì trong xây dựng phương án, kế hoạch phải có sự trao đổi, bàn bạc thống nhất với các cơ quan trước đó khi quyết định theo thẩm quyền, hoặc trình cấp trên quyết định, phê duyệt;

6.2 Phối hợp trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ các biện pháp về hành chính, kinh tế, tuyên truyền giáo dục để đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu và kinh doanh trái phép trên địa bàn Thành phố và từng Quận, Huyện;

6.3 Phối hợp cung cấp, trao đổi thông tin giữa các ngành, các lực lượng của Thành phố, giữa Thành phố với các Quận, Huyện và giữa các Quận, Huyện về tình hình thị trường, các đối tượng, hành vi, thủ đoạn buôn lậu và kinh doanh trái phép .. theo lĩnh vực và địa bàn, tạo điều kiện cho lực lượng của mỗi ngành, mỗi Quận, Huyện thực hiện việc điều tra, kiểm tra và xử lý theo chức năng chuyên ngành và trách nhiệm của Quận, Huyện; đặc biệt chú ý ở các địa bàn trọng điểm, các địa giới giáp ranh giữa các Quận, Huyện giữa các phường; xã.

6.4 Phối hợp chỉ đạo, tổ chức huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật ... khi cần thiết của liên ngành ở Thành phố và Quận, Huyện để tham gia thực hiện công tác kiểm tra, điều tra, phát hiện, bắt giữ và xử lý các vụ việc về buôn lậu và kinh doanh trái phép theo đợt công tác, hoặc từng chuyên đề, vụ việc kiểm tra.

Việc tổ chức phối hợp lực lượng kiểm tra liên ngành theo từng đợt, hoặc chuyên đề phải căn cứ vào phương án, chương trình kế hoạch của đợt công tác, hoặc chuyên đề để tổ chức sự phối hợp lực lượng kiểm tra. Kết thúc mỗi đợt, hoặc chuyên đề công tác có sơ kết rút kinh nghiệm cho lần sau. Cán bộ tham gia trong lực lượng phối hợp do cơ quan chủ trì đợt kiểm tra trực tiếp quản lý và điều động cho đến khi kết thúc đợt công tác.

Việc tổ chức sự phối hợp lực lượng kiểm tra và xử lý theo từng vụ việc, căn cứ vào nguồn thông tin và công tác điều tra của lực lượng từng ngành (Thành phố, Quận, Huyện) và phải do người có thẩm quyền của lực lượng kiểm tra (nói tại điểm 7.2 quy chế này) có yêu cầu bằng văn bản sự phối hợp. Nghiêm cấm các cán bộ không có thẩm quyền tự ý tổ chức sự phối hợp các lực lượng để tiến hành kiểm tra, kiểm soát trái pháp luật và trái với quy chế này, hoặc để thực hiện các hành vi tiêu cực khác.

Đối với những đợt công tác tập trung lớn phục vụ nghiên cứu nhiệm vụ trung tâm của Thành phố và những vụ việc xét thấy có tính chất phức tạp thì mời Viện kiểm sát nhân dân (Thành phố, Quận, Huyện) cử cán bộ tham gia để giám sát việc chấp hành pháp luật;

6.5 Phối hợp hoặc tạo điều kiện hỗ trợ cho việc thực hiện biện pháp cưỡng chế chấp hành đối với các hành vi vi phạm xét thấy cần áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định tại điều 54 và 55 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ban hành ngày 06/07/1995.

Điều 7. Thẩm quyền có tổ chức phối hợp lực lượng liên ngành, chống buôn lậu và kinh doanh trái phép theo quy chế này như sau:

7.1 Đối với từng đợt công tác tập trung, hoặc triển khai công tác theo từng chuyên đề và vụ việc cần huy động lực lượng và phương tiện phối hợp kiểm tra với quy mô lớn:

Trên phạm vi tòan Thành phố do thủ trưởng các sở, ngành nói tại điều 4 quy chế này với sự chủ trì của Giám đốc Sở Thương nghiệp để tổ chức lực lượng phối hợp kiểm tra. Đối với các Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục quản lý tiêu chuẩn đo lường. Chất lượng ...., khi cần có sự phối hợp giữa các lực lượng để thực hiện các chủ trương lớn trên quy mô Thành phố phải đề nghị qua sở quản lý Nhà nước trực tiếp và phải được thể hiện bằng văn bản yêu cầu đó.

Trên địa bàn Quận, Huyện do Chủ tịch UBND Quận, Huyện quyết định tổ chức huy động lực lượng phối hợp kiểm tra.

7.2 Ngoài những trường hợp tổ chức huy động lực lượng phối hợp nói trên, người được quyền yêu cầu sự phối hợp đồng thời phải huy động người và phương tiện thuộc đơn vị mình trực tiếp quản lý để tham gia phối hợp lực lượng kiểm tra và xử lý theo từng vụ việc cụ thể, gồm có:

- Trưởng các phòng có chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường và chánh thanh tra chuyên ngành trực thuộc các Sở, ngành nói tại điều 4 quy chế này;

- Đội trưởng các đội Quản lý thị trường;

- Chi cục trưởng hoặc trưởng phòng có chức năng kiểm tra chuyên ngành thuộc các Chi cục Thú y, Chi cục Bảo vệ Thực vật, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng;

- Hạt trưởng và Trạm trưởng Trạm kiểm lâm nhân dân;

- Trưởng công an, Chi cục trưởng Chi cục Thuế, Chánh thanh tra, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin, Giám đốc Trung tâm Y tế các Quận, Huyện.

- Chủ tịch UBND và Trường công an các phường, xã, thị trấn.

Điều 8. Phạm vi trách nhiệm kiểm tra và phối hợp lực lượng kiểm tra chống buôn lậu, kinh doanh trái phép và việc kiểm tra theo địa bàn, ranh giới hành chính trong phạm vi Thành phố, được thực hiện như sau:

8.1 Chủ trương đơn vị tổ chức kiểm tra, hoặc chủ trì tổ chức lực lượng phối hợp kiểm tra có trách nhiệm;

- Phải đảm bảo về tính pháp lý và trình tự thủ tục đối với các vụ việc tiến hành kiểm tra.

- Chịu trách nhiệm về chi phí trong quá trình tổ chức kiểm tra theo quy định hiện hành. Trường hợp cần thiết bổ sung kinh phí thì phải được UBND Thành phố chuẩn y thì mới được thực hiện.

- Phải thông báo kết qủa khi vụ việc, hoặc chuyên đề, đợt kiểm tra cho thủ trưởng các đơn vị cử người tham gia phối hợp kiểm tra viết; đồng thời báo cáo bằng văn bản lên cấp trên phụ trách.

8.2 Các lực lượng có chức năng chuyên ngành, hoặc lực lượng phối hợp liên ngành của Thành phố có trách nhiệm và được quyền kiểm tra đối với các đối tượng kinh doanh và dịch vụ trên phạm vi toàn Thành phố. Nhưng kiểm tra vụ việc tại địa bàn Quận, Huyện nào thì khi bắt đầu tiến hành kiểm tra phải thông báo cho người phụ trách lực lượng chuyên ngành theo dọc (nếu kiểm tra chuyên ngành), hoặc người phụ trách lực lượng liên ngành (nếu phối hợp liên ngành kiểm tra) của Quận, Huyện sở tại biết; những trường hợp có yêu cầu sự phối hợp lực lượng của Quận, Huyện sở tại thì tổ chức lực lượng để phối hợp kịp thời. Lực lượng có trách nhiệm ở địa bàn được kiểm tra có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi và phối hợp với lực lượng kiểm tra liên ngành;

8.3 Các lực lượng có chức năng kiểm tra chuyên ngành, hoặc tổ chức phối hợp liên ngành để kiểm tra thuộc Quận, Huyện nào thì chỉ được quyền kiểm tra trong phạm vi ranh giới hành chính thuộc Quận, Huyện ấy; những trường hợp vụ việc kiểm tra phát sinh từ Quận, Huyện này cần truy xét tiếp tại địa bàn Quận, Huyện khai thác thì phải có sự liên hệ, thông báo kịp thời cho người phụ trách lực lượng chuyên ngành, hoặc lực lượng liên ngành của Quận, Huyện sở tại biết để kịp thời hỗ trợ, hoặc phối hợp truy cứu, hoặc tổ chức lực lượng phối hợp kiểm tra và xử lý;

8.4 Trên một địa bàn, trong cùng một thời điểm, một đối tượng kinh doanh đang có đơn vị kiểm tra và chưa có kết luận xử lý thì đơn vị kiểm tra khác không đến kiểm tra tiếp. Trường hợp có nguồn tin, trinh sát phát hiện thì hành vi vi phạm ngoài nội dung đang được kiểm tra thì thông tin cho đơn vị đang kiểm tra chú ý không bỏ sót; trường hợp đã có quyết định xử lý của đơn vị kiểm tra trước, nhưng phát hiện thì nay có vi phạm mới phát sinh hoặc tái phạm thì chỉ kiểm tra hành vi mới phát sinh hoặc tái phạm.

Quá trình kiểm tra, nếu thấy có liên quan đến vụ việc đã được kiểm tra và kết luận thì dựa vào tài liệu đã kiểm tra để xem xét và chỉ yêu cầu người bị kiểm tra báo cáo thêm những vấn đề chưa rõ. Trường hợp phát hiện những hành vi vi phạm mà lần kiểm tra trước chưa được kết luận, hoặc xử lý không đúng quy định của Pháp luật thì có thể tiếp tục kiểm tra và xử lý.

IV. TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN

Điều 9. Là cơ quan giúp UBND Thành phố thống nhất chỉ đạo công tác quản lý thị trường và chủ trì tổ chức sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc chống buôn lậu và kinh doanh trái phép dựa trên địa bàn Thành phố,

Sở Thương nghiệp Hà Nội có trách nhiệm và quyền hạn sau đây:

9.1 Chủ trương tổ chức sự phối hợp hoạt động chung giữa cơ quản quản lý Nhà nước theo các nội dung, biện pháp phối hợp nói tại điều 6 Quy chế này.

9.2 Theo dõi đôn đốc các ngành, các cấp thuộc Thành phố trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý thị trường chống buôn lậu và kinh doanh trái phép;

9.3 Được yêu cầu các cơ quan quản lý Nhà nước ở các ngành, các cấp, cung cấp thông tin, báo cáo kịp thời về tình hình thị trường và công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu và kinh doanh trái phép theo ngành và địa bàn;

9.4 Tổng hợp những đề xuất, kiến nghị với các cơ quan Nhà nước có liên quan thực hiện các biện pháp cần thiết để bổ khuyết, chấn chỉnh những lệnh lạc, tạo ra sự thống nhất, đồng bộ, kịp thời, trong chỉ đạo thực hiện công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu và kinh doanh trái phép. Nếu những kiến nghị không được các cơ quan quản lý Nhà nước hữu quan chấp nhận thì phải báo cáo với UBND Thành phố;

9.5 Định kỳ tổ chức việc sơ kết, tổng kết công tác cùng với các lực lượng thuộc ngành và địa phương.

Điều 10. Căn cứ vào chức năng; nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định và Quy chế này, thủ trưởng các sở, ngành chức năng của Thành phố và Chủ tịch UBND các Quận, Huyện kiểm tra.

10.1 Phân công một đồng chí lãnh đạo (Phó Giám đốc Sở, ngành, Phó chi cục trưởng, Phó chủ tịch UBND Quận, Huyện) chỉ đạo thực hiện công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu và kinh doanh trái phép; đồng thời làm đầu mối quan hệ với Sở Thương nghiệp Hà Nội về công tác này.

10.2 Xây dựng kế hoạch, chương trình công tác, tổ chức chỉ đạo thực hiện công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu và kinh doanh trái phép trong ngành và địa phương mình.

10.3 Tổ chức sự phối hợp công tác với các ngành, các cấp trong từng thời gian và trên từng địa bàn theo quy chế này.

10.4 Cử cán bộ, chuyên viên của cơ quan mình tham gia giải quyết công việc chung khi phối hợp công tác theo yêu cầu của Sở Thương nghiệp Hà Nội.

10.5 Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo thường xuyên hoặc đột xuất về tình hình thị trường và kết qủa công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu và kinh doanh trái phép của ngành và địa phương với Sở Thương nghiệp Hà Nội để tổng hợp báo có UBND Thành phó và Bộ Thương Mại.

Điều 11. Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày quyết định ban hành.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 968/QĐ-UB năm 1996 về Quy chế phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước của thành phố Hà Nội trong công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu và kinh doanh trái phép do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 968/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 14/03/1996
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Đinh Hạnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/03/1996
  • Ngày hết hiệu lực: 18/06/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản