Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 958/QĐ-UBND

Cao Bằng, ngày 18 tháng 7 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP XÃ LÀ NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ ÍT NGƯỜI CỦA TỈNH CAO BẰNG GIAI ĐOẠN 2012 - 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”;

Căn cứ Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 02 tháng 02 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên;

Thực hiện Chương trình số 11-CTr/TU ngày 29 tháng 4 năm 2011 của Tỉnh uỷ về nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở giai đoạn 2011-2015;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số ít người của tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2012 - 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Hoàng Anh

 

CHIẾN LƯỢC

XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP XÃ LÀ NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ ÍT NGƯỜI CỦA TỈNH CAO BẰNG GIAI ĐOẠN 2012 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 958/QĐ-UBND ngày 18 tháng 7 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng )

I. THỰC TRẠNG VÀ SỰ CẦN THIẾT

Cao Bằng là một tỉnh miền núi, biên giới, có diện tích đất tự nhiên 6.690,7km2, dân số 514.035 người, có 8 dân tộc chủ yếu, trong đó người Tày chiếm 40,97%; người Nùng: 31,07%; người Mông : 10,10%; người Dao: 10,07%; người Sán Chỉ: 1,40%; người Lô Lô: 0,47%, người Kinh: 5,7%; ... còn lại là các dân tộc khác. Như vậy, người dân tộc thiểu số (DTTS) ít người (trừ Tày, Nùng, Kinh) chiếm 22,26% dân số. Với số đơn vị hành chính cấp huyện là 13, đơn vị hành chính cấp xã là 199. Đến năm 2011, trong tổng số 3.608 cán bộ, công chức cấp xã chỉ có 223 cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS ít người (chiếm tỷ lệ 6,2%), trong đó tỷ lệ cán bộ chủ chốt cấp xã là người DTTS ít người 7,6%. Trong số 4.405 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã có 588 đại biểu là người DTTS ít người (chiếm tỷ lệ 13,35%).

Số lượng, chất lượng cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS ít người hàng năm tăng lên. Chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ tại chính quyền cấp xã cũng ngày càng được cải thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn việc thực hiện nhiệm vụ tại địa phương. Năm 2008 trong tổng số 3.555 cán bộ, công chức cấp xã có 207 cán bộ, công chức là người DTTS ít người (chiếm 5,8%), năm 2011 có 223/3.068 cán bộ, công chức cấp xã (chiếm tỷ lệ 6,2%). Số cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS ít người có trình độ giáo dục Trung học phổ thông năm 2009 là 38 người, năm 2010 là 64 người và năm 2011 là 92 người. Cán bộ, công chức là người DTTS ít người được đào tạo về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ sơ cấp trở lên năm 2009 là 24 người, năm 2010 là 38 người và năm 2011 là 56 người.

Tuy nhiên, so với tỷ lệ dân số và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, đại diện các DTTS ít người chiếm tỷ lệ còn thấp. Ở nhiều xã vùng cao đa số dân là người Mông, người Dao nhưng cán bộ xã chủ yếu là người Tày, Nùng.

Người DTTS ít người như Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ thường sinh sống ở các vùng núi cao xa xôi hẻo lánh đi lại khó khăn, xa chợ, xa trường học, xa bệnh viện, nhiều nơi chưa có điện lưới quốc gia, có thể nói đây là những nhóm người có hoàn cảnh đặc biệt, là nhóm nghèo nhất trong số những người nghèo ở tỉnh Cao Bằng.

Mỗi dân tộc thiểu số có phong tục tập quán và bản sắc văn hóa riêng biệt, có những nhu cầu riêng khác với nhu cầu của người Tày, người Nùng. Sẽ là rất tốt nếu mỗi dân tộc đều có đại diện của mình tham gia ở các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định ở địa phương. Ở những địa phương có người DTTS ít người, việc tạo điều kiện để người DTTS ít người được tham gia một cách đầy đủ vào quá trình ra quyết định về những ưu tiên phát triển, phân bổ nguồn lực và thực thi giám sát các chương trình dự án tại địa phương là hết sức quan trọng. Sự tham gia đầy đủ đó sẽ làm cho các chương trình, dự án được lập ra và thực hiện đúng với nhu cầu phát triển và phù hợp với điều kiện đặc thù của các nhóm, các điểm dân cư của các dân tộc ít người .

Những nguyên nhân cơ bản trong việc người DTTS ít người ít tham gia trong hệ thống chính trị cấp xã

1. Thiếu nguồn tuyển dụng: Hiện nay người DTTS ít người chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn về trình độ giáo dục phổ thông, chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức cấp xã.

Để được tuyển dụng vào làm việc ở cấp xã khi tuyển dụng hoặc bố trí làm cán bộ xã lần đầu phải tốt nghiệp trình độ trung cấp trở lên, trong khi đó người DTTS ít người tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp trình độ từ trung cấp trở lên, có chuyên môn phù hợp với các chức danh cán bộ, công chức cấp xã rất ít.

Hàng năm, thực hiện chính sách cử tuyển đi học đại học, trung học chuyên nghiệp đối với học sinh người DTTS ít người cũng không đủ điều kiện để cử đi học.

2. Công tác tạo nguồn quy hoạch cán bộ người DTTS ít người chưa được các cấp ủy, chính quyền quan tâm một cách thỏa đáng. Tỉnh ủy Cao Bằng đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 02 tháng 7 năm 2002 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ dân tộc thiểu số ít người. Tuy nhiên việc triển khai thực hiện Nghị quyết tại các cấp cơ sở chưa đạt kết quả như mong muốn. Việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ theo quy hoạch vẫn còn khoảng cách.

3. Công tác đào tạo cán bộ người DTTS ít người chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ tạo nguồn và sử dụng cán bộ người DTTS ít người cho giai đoạn tiếp theo được quy định tại Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 22 tháng 7 năm 2002 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV. Học viên là người DTTS ít người tham gia các khóa học rất ít, hơn nữa học viên người DTTS ít người chấp hành nội quy rất tốt nhưng năng lực học tập thường yếu hơn các đối tượng khác, thường rụt rè, thiếu tự tin và ít tham gia thảo luận trong giờ học chính khóa và các hoạt động ngoại khóa.

4. Việc bố trí cơ cấu cán bộ người DTTS ít người trong hệ thống chính trị cấp xã chưa kiên quyết.

5. Mặc dù đã được Đảng và Nhà nước thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội đối với các vùng đặc biệt khó khăn, nhưng việc đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội đối với các vùng đồng bào dân tộc chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

6. Do hoàn cảnh sống khắc nghiệt, vất vả, ở nơi xa xôi hẻo lánh cộng thêm tập quán lạc hậu, một phần du canh, du cư. Người DTTS ít người còn có tâm lý tự ty mặc cảm. Do đó, người DTTS ít người không có điều kiện để được học các bậc học cao hơn để làm cán bộ nhà nước. Phong trào học tập trong cộng đồng người DTTS ít người cũng chưa tốt, các tổ chức đoàn thể ở thôn xóm chưa vào cuộc trong vấn đề này. Tâm lý ỷ lại Nhà nước vẫn còn tồn tại.

II. QUAN ĐIỂM

Cần quán triệt sâu sắc các quan điểm sau đây về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS ít người:

- Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Phải thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đổi mới công tác cán bộ gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng;

- Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ người DTTS ít người theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở;

- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS ít người phải xuất phát từ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của huyện và cấp xã, theo yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn;

- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS ít người là một phần quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã nói chung, điều đó có ý nghĩa chiến lược lâu dài trong việc thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn vùng dân tộc, miền núi và biên giới.

- Gắn việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS ít người với nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cấp xã và xây dựng cơ chế, chính sách đối với người DTTS ít người và cán bộ là người DTTS ít người;

- Thông qua hoạt động thực tiễn và phong trào đoàn thể ở cơ sở, nâng cao trình độ dân trí, phát triển nguồn nhân lực là người DTTS ít người để tuyển chọn, giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ là người DTTS ít người ;

- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS ít người là nhiệm vụ của mỗi cấp, mỗi ngành phải quan tâm, thực hiện tốt công tác quy hoạch tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS ít người, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của bộ máy chính quyền và nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể ở cơ sở, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát:

Xây dựng đội ngũ cán bộ là người DTTS ít người ở cấp xã đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, đảm bảo cơ cấu dân tộc và cơ cấu vùng hợp lý, đảm bảo sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS ít người ngày càng tăng lên về số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của địa phương.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS ít người có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị, nắm vững quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; có năng lực và chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ được giao.

- Tăng tỷ lệ cán bộ, đại biểu là người DTTS it người tham gia vào Ban chấp hành đảng bộ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân và đặc biệt các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp xã đạt 8% vào năm 2015 và 12% vào năm 2020.

- Cán bộ, công chức là người DTTS được đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng theo quy hoạch, phù hợp với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo và năng lực sở trường của cán bộ, công chức.

- Có chính sách cử tuyển học sinh phổ thông là người DTTS đi đào tạo có địa chỉ tại các trường chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh với nhiều ngành nghề, lĩnh vực phù hợp với các chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã và nhu cầu của địa phương để khi ra trường có thể bố trí công tác

- Xây dựng, sửa đổi, bổ sung một số chế độ chính sách hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế, văn hoá xã hội hiện nay.

3. Một số chỉ tiêu chủ yếu:

- Phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS ít người đạt 8,5%, đến năm 2020 đạt 13%. Trong đó cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS ít người có tuổi đời dưới 30 tuổi có trình độ văn hoá phổ thông trung học, có trình độ lý luận chính trị trung cấp và trình độ chuyên môn nghiệp vụ từ trung cấp trở lên công tác tại các xã, phường, thị trấn của tỉnh đạt 40% năm 2015 và 50% năm 2020;

- Hàng năm, 100% cán bộ, công chức là người DTTS ít người thường xuyên được học nghị quyết của các cấp ủy Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực công tác được giao nhiệm vụ thực hiện;

- Hàng năm, ưu tiên chọn cử cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS ít người tham gia các lớp bồi dưỡng kỹ năng và nâng cao năng lực về quản lý nhà nước;

- Đẩy mạnh công tác giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục tại các trường trung học phổ thông, trường nội trú và bổ túc văn hóa cho học sinh là người DTTS ít người. Chủ động phát hiện, đào tạo nguồn cán bộ là người DTTS ít người;

- Đến năm 2020, 100% cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS ít người đạt chuẩn trở lên về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị theo quy định.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Quán triệt, nâng cao nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và cán bộ đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã nói chung và cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS ít người nói riêng; việc thực hiện Chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là ngưới DTTS ít người trong giai đoạn hiện nay.

Quán triệt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của tỉnh về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức là người DTTS ít người ở cấp xã;

2. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đổi mới tư duy, phương pháp khắc phục những yếu kém trong từng khâu của công tác cán bộ, công tác tạo nguồn cán bộ là người DTTS ít người .

3. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS ít người; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và toàn xã hội trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS ít người

4. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS ít người và nguồn cán bộ người DTTS ít người được nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị và các kỹ năng năng lực thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

5. Thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ cấp xã là người DTTS ít người vì quy hoạch cán bộ là quá trình phát hiện, tạo nguồn để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Hướng dẫn số 13-HD/TU ngày 2 tháng 3 năm 2009 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Cao Bằng hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 42 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 06/CT-UBND, ngày 3 tháng 6 năm 2009 của Uỷ ban nhân dân Tỉnh Cao Bằng về việc xây dựng quy hoạch cán bộ cấp xã. Đặc biệt là đối với các xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn và vùng có đông đồng bào DTTS ít người cần chú ý nâng cao tỷ lệ cán bộ là người DTTS it người trong cơ cấu quy hoạch cán bộ xã. Kiên quyết bố trí cán bộ xã theo quy hoạch, trong đó chú trọng cơ cấu dân tộc thiểu số, trẻ tuổi, là nữ;

Cấp uỷ các xã, thị trấn đồng bào DTTS ít người chủ động lựa chọn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số những người có khả năng, đủ điều kiện đi đào tạo, bồi dưỡng tại các trường của tỉnh và trung ương. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để không ngừng nâng cao trình độ về lý luận chính trị, về chuyên môn, nghiệp vụ và các kỹ năng thực hiện nhiệm vụ của những người được quy hoạch cán bộ cấp xã, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chức danh và thực hiện nhiệm vụ, nhất là những người chưa đủ các tiêu chuẩn cần thiết để giữ chức danh quy hoạch.

Căn cứ quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cấp uỷ cơ sở phải thực hiện tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, mạnh dạn bố trí giao việc hợp lý, rèn luyện qua thực tế để trưởng thành, kiên quyết chỉ đạo thực hiện bố trí theo quy hoạch, đảm bảo cơ cấu giới và dân tộc theo quy định, sử dụng cán bộ là người DTTS ít người hợp lý và có hiệu quả.

6. Chú ý việc đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh và kỹ năng xử lý tình huống nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, năng lực, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức cấp xã. Chú trọng việc đào tạo lại cán bộ theo định kỳ với các hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng.

Ưu tiên tuyển chọn những người DTTS ít người, người địa phương có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt, cán bộ nguồn.

Trong việc thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cơ sở giai đoạn 2011 - 2015 của Uỷ ban nhân dân tỉnh, mỗi khóa đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ được mở ưu tiên chọn cử ít nhất là 3 cán bộ, công chức hoặc nguồn cán bộ cấp xã là người DTTS ít người trở lên tham gia. Đối với các lớp bồi dưỡng về kiến thức quản lý Nhà nước và bồi dưỡng nghiệp vụ các lĩnh vực, mỗi lớp ưu tiên chọn cử từ 5 người trở lên tham gia các lớp bồi dưỡng.

(có Phụ lục về Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cơ sở giai đoạn 2011-2015 kèm theo).

Tập trung chỉ đạo việc thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS giai đoạn 2015 – 2020 đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn nghiệp vụ và nhu cầu của địa phương trong giai đoạn mới.

7. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chủ động bồi dưỡng, đào tạo nguồn cán bộ là người DTTS ít người;

Thực hiện tốt kế hoạch dạy và học đối với con em người DTTS ít người trong độ tuổi đến trường, các lớp bổ túc văn hoá cho cán bộ cấp xã học hết chương trình trung học phổ thông, tạo mọi điều kiện cho con em là người DTTS ít người tốt nghiệp trung học phổ thông đảm bảo đủ điều kiện để được cử tuyển, thi tuyển vào các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp;

Củng cố cơ sở vật chất các trường phổ thông dân tộc nội trú tại các huyện, tăng chỉ tiêu đào tạo đối với học sinh là người DTTS ít người. Mở rộng quy mô các trường nội trú, bán trú tạo điều kiện cho con em đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội được học tập, đặc biệt là mô hình các trường “bán trú dân nuôi“. Đầu tư ngân sách cho các trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề trong tỉnh để thu hút thanh niên DTTS ít người vào học tập và tiếp cận các ngành nghề, công nghệ mới.

Thực hiện chính sách cử tuyển học sinh phổ thông là người DTTS ít người đi đào tạo có địa chỉ tại các trường chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh với nhiều ngành nghề, lĩnh vực phù hợp với các chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã và nhu cầu của địa phương để khi ra trường có thể bố trí công tác;

8. Ban hành chính sách thu hút sinh viên người DTTS ít người tình nguyện công tác tại địa phương; ưu tiên tuyển dụng học sinh, sinh viên là người DTTS ít người đã tốt nghiệp trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp, đạt chuẩn theo quy định bổ sung nguồn cán bộ, công chức cấp xã.

9. Các cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến huyện tiếp tục chỉ đạo cấp xã đặc biệt các xã có đồng bào DTTS ít người sinh sống tích cực đẩy mạnh phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao trình độ dân trí, lấy đó làm nền tảng vững chắc cho công tác giáo dục, đào tạo, lựa chọn người DTTS ít người để tạo ngưồn cán bộ của địa phương.

Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế đối với vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất.

10. Chế độ chính sách

- Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chính sách cử tuyển, đào tạo bồi dưỡng, tuyển dụng đối với con em là người DTTS ít người.

- Hỗ trợ cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS ít người được cử đi đào tạo, bồi dưỡng theo quy định phù hợp với giai đoạn hiện nay;

- Đối với cán bộ, công chức cấp xã hoặc cán bộ nguồn là người DTTS ít người được chọn cử tham gia các khoá đào tạo bồi dưỡng nguồn cán bộ chủ chốt cấp xã, được hỗ trợ với mức cao hơn;

- Đối với cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS ít người không thể đạt chuẩn theo quy định tiếp tục được thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí nghỉ việc.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nội vụ có trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh hướng dẫn tổ chức, triển khai thực hiện Chiến lược.

b) Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch hàng năm, kiểm tra việc tổ chức thực hiện lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu của chiến lược khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội.

c) Tổ chức sơ kết việc triển khai, thực hiện Chiến lược vào cuối năm 2015 và tổng kết vào cuối năm 2020.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan bố trí ngân sách để thực hiện các chương trình, dự án về xây dựng đội ngũ cán bộ cấp xã là người DTTS ít người,

3. Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh có trách nhiệm thực hiện công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS ít người theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm lồng ghép mục tiêu, giải pháp của Chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS ít người với việc thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

5. Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các sở, ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục, vận động thực hiện chính sách, pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số;

6. Ủy ban nhân dân các huyện, các xã, thị trấn có DTTS ít người tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS ít người có hiệu quả, đạt được các mục tiêu đề ra;

7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên khác của Mặt trận Tổ quốc trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, tham gia tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS ít người trong tổ chức mình.

Trong quá trình thực hiện nếu cần sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể của Chiến lược đề nghị các cơ quan, đơn vị và Uỷ ban nhân dân huyện, xã, thị trấn phản ánh về Sở Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 958/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số ít người của tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2012 - 2020

  • Số hiệu: 958/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/07/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Cao Bằng
  • Người ký: Nguyễn Hoàng Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản