Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 957/QĐ-UBND

Hậu Giang, ngày 08 tháng 7 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày 12 tháng 6 năm 2017; Căn cứ Luật Đầu tư ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Căn cứ Thông tư số 06/2022/TT-BKHĐT ngày 10 tháng 5 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Căn cứ Thông tư số 52/2023/TT-BTC ngày 08 tháng 8 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ;

Căn cứ Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐND ngày 29 tháng 3 năm 2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1324/QĐ-UBND ngày 22 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh V/v ban hành Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang và Quyết định số 1865/QĐ-UBND ngày 30 tháng 10 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang ban hành kèm theo Quyết định số 1324/QĐ-UBND ngày 22 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu tại Quyết định này hết hiệu lực và được thay thế bằng văn bản khác thì thực hiện theo quy định tại văn bản thay thế.

Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trước ngày Đề án này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo nội dung đã được phê duyệt. Ngoài ra, những nội dung hỗ trợ khác chưa được quy định tại Đề án này thì áp dụng theo quy định Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Điều 3. Giám đốc sở, Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- VP. Chính phủ (HN - TP. HCM);
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh và các Đoàn thể tỉnh;
- VP. Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Hiệp hội DN tỉnh;
- Hội DN trẻ tỉnh;
- Như Điều 3;
- Cơ quan Báo, Đài tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, NCTH.
E\2024\QĐUB\QĐ SKH_De an ho tro DNNVV hc

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Trương Cảnh Tuyên

 

ĐỀ ÁN

HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 957/QĐ-UBND ngày 08 tháng 07 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang)

PHẦN I

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ PHÁP LÝ CỦA ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT

Trong những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng; số lượng hộ kinh doanh cũng tăng liên tục qua các năm[1], đã tác động mạnh mẽ đến môi trường kinh doanh, giải quyết việc làm trên 10.000 lao động, góp phần vào sự phát triển chung của Tỉnh.

Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp; với quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, đã góp phần cải thiện thủ tục hành chính, nhất là ban hành nhiều chính sách ưu đãi đầu tư, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng để phát triển doanh nghiệp.

Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp; tạo thuận lợi cho việc thành lập và đăng ký doanh nghiệp; cắt giảm chi phí và thời gian trong khởi sự kinh doanh; cải thiện môi trường kinh doanh, gia nhập thị trường; trên cơ sở đó, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ đăng ký doanh nghiệp qua mạng, trả kết quả qua đường bưu chính viễn thông, thực hiện mô hình một cửa tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, đã rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, trong đó giao trách nhiệm cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn lực hàng năm triển khai hoạt động hỗ trợ đào tạo, tư vấn khởi nghiệp kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp cho đội ngũ quản lý doanh nghiệp; nâng cao kỹ năng, chuyển đổi ngành, nghề cho người lao động.

Trên cơ sở Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy định về các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh; UBND tỉnh đã trình và được HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐND ngày 29 tháng 3 năm 2024 quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Từ các căn cứ pháp lý và điều kiện thực tiễn của địa phương, để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và thu hút nhà đầu tư, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích chuyển đổi mô hình hoạt động của hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, đạt mục tiêu về số lượng doanh nghiệp trong những năm sắp tới, việc ban hành Đề án “Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang” là cần thiết.

II. CƠ SỞ PHÁP LÝ

Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày 12 tháng 6 năm 2017; Luật Đầu tư ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Luật Doanh nghiệp ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Thông tư số 06/2022/TT-BKHĐT ngày 10 tháng 5 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Thông tư số 52/2023/TT-BTC ngày 08 tháng 8 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ;

Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐND ngày 29 tháng 3 năm 2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang;

PHẦN II

NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN

I. MỤC TIÊU, PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

1. Mục tiêu

- Nâng cao hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và văn bản liên quan; tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, ổn định nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế của Tỉnh.

- Tạo cơ chế, chính sách thuận lợi nhằm khuyến khích, thúc đẩy các tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp và hoạt động theo quy định của pháp luật, đẩy mạnh phát triển khu vực kinh tế tư nhân, góp phần thực hiện chỉ tiêu số doanh nghiệp thành lập mới có hoạt động và kê khai thuế 05 năm (2021 - 2025) là 1.000 doanh nghiệp.

2. Phạm vi điều chỉnh

Quy định chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

3. Đối tượng áp dụng

a) Doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, có trụ sở và hoạt động trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, đáp ứng các tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định tại Điều 5 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ.

b) Các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật.

II. NỘI DUNG HỖ TRỢ CỦA ĐỀ ÁN

Thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐND ngày 29 tháng 3 năm 2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, cụ thể như sau:

1. Hỗ trợ chi phí thuê mặt bằng sản xuất, kinh doanh tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp

a) Ngoài các chính sách ưu đãi về đất đai theo quy định của pháp luật hiện hành, doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ chi phí thuê mặt bằng sản xuất (không áp dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa có vốn đầu tư nước ngoài, có vốn nhà nước): Hỗ trợ tối đa 5.000.000 đồng/doanh nghiệp/năm; thời gian hỗ trợ tối đa 05 năm kể từ ngày doanh nghiệp ký hợp đồng thuê mặt bằng với đơn vị quản lý hạ tầng.

b) Điều kiện hỗ trợ

- Dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định;

- Có hợp đồng thuê mặt bằng tại các khu, cụm công nghiệp;

- Được cơ quan quản lý đầu tư xác nhận dự án thực hiện đúng tiến độ và nội dung quy định trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

2. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập mới và chuyển đổi từ hộ kinh doanh

a) Hỗ trợ về chi phí thuê kế toán: Mức hỗ trợ 2.000.000 đồng/tháng/doanh nghiệp; thời gian hỗ trợ tối đa 12 tháng kể từ khi doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Điều kiện hỗ trợ:

- Kế toán của doanh nghiệp được hỗ trợ có chuyên ngành kế toán;

- Có hợp đồng giữa doanh nghiệp với cá nhân hoặc tổ chức kế toán.

- Được cơ quan quản lý thuế xác nhận thời gian doanh nghiệp khai báo thuế tối thiểu là 01 năm.

b) Hỗ trợ chi phí cài đặt phần mềm kế toán, theo hợp đồng cài đặt với đơn vị có tư cách pháp nhân và hóa đơn thanh toán hợp đồng: Mức hỗ trợ tối đa 4.000.000 đồng/doanh nghiệp.

c) Hỗ trợ chi phí khắc dấu của doanh nghiệp, theo hóa đơn, chứng từ tài chính có liên quan của đơn vị cung cấp có tư cách pháp nhân: Mức hỗ trợ tối đa 500.000 đồng/doanh nghiệp.

d) Hỗ trợ chi phí phát hành hóa đơn điện tử cho năm đầu tiên hoạt động: Mức hỗ trợ 1.500.000 đồng/doanh nghiệp. Điều kiện hỗ trợ:

- Được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

- Được cơ quan quản lý thuế xác nhận thời gian doanh nghiệp khai báo thuế tối thiểu là 01 năm.

III. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA

1. Thành phần hồ sơ

a) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

b) Tờ khai xác định doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa và vừa đề xuất nhu cầu hỗ trợ theo Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.

c) Hóa đơn, chứng từ hợp pháp liên quan đến nội dung đề xuất hỗ trợ.

2. Trình tự thực hiện

a) Doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hoặc qua đường bưu điện đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, phối hợp với các đơn vị có liên quan xử lý đề nghị hỗ trợ của doanh nghiệp.

3. Thời hạn giải quyết

a) Cơ quan Thuế xác nhận thời gian doanh nghiệp khai báo thuế: Không quá 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được yêu cầu của doanh nghiệp.

b) Đơn vị quản lý hạ tầng các khu, cụm công nghiệp xác nhận dự án đầu tư thực hiện đúng tiến độ và nội dung quy định trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để được hỗ trợ chi phí thuê mặt bằng sản xuất: Không quá 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được yêu cầu của doanh nghiệp.

c) Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Đối với hồ sơ nhận trực tiếp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh:

+ Kiểm tra, hướng dẫn doanh nghiệp bổ sung hồ sơ đối với hồ sơ chưa đủ điều kiện hỗ trợ: Ngay trong ngày tiếp nhận hồ sơ.

+ Thông báo kết quả đến doanh nghiệp và thực hiện thủ tục chi hỗ trợ theo quy định: Không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

- Đối với hồ sơ nhận qua đường bưu điện:

+ Kiểm tra, trả lời bằng văn bản cho doanh nghiệp trong trường hợp hồ sơ chưa đủ điều kiện hỗ trợ: Không quá 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được yêu cầu của doanh nghiệp.

+ Thông báo kết quả đến doanh nghiệp và thực hiện thủ tục chi hỗ trợ theo quy định: Không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Giai đoạn 2024 - 2025: Tiếp tục sử dụng kinh phí thực hiện Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang ban hành kèm theo Quyết định số 1324/QĐ-UBND ngày 22 tháng 7 năm 2020.

2. Giai đoạn sau năm 2025: Thực hiện phân bổ kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Là cơ quan đầu mối, chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh triển khai thực hiện Đề án; thực hiện nội dung điểm c khoản 3 mục III Đề án.

- Phối hợp với các đơn vị, ngành chức năng liên quan tổ chức các khóa đào tạo về khởi sự kinh doanh, quản trị doanh nghiệp và đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.

- Theo dõi tình hình thực hiện Đề án; định kỳ 6 tháng, cuối năm tổng hợp báo cáo kết quả về UBND tỉnh để báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định.

- Thực hiện tư vấn, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp; hỗ trợ và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký doanh nghiệp đúng quy định.

- Chỉ đạo cán bộ biệt phái tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Phòng Đăng ký Kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra các hồ sơ đăng ký trực tuyến, hướng dẫn, khuyến khích đăng ký trực tuyến nhằm giảm thiểu thời gian cho doanh nghiệp.

- Tổng hợp dự toán kinh phí thực hiện Đề án, đề nghị Sở Tài chính thẩm định tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hậu Giang, Báo Hậu Giang, UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền nội dung Đề án; khuyến khích các hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp.

2. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các sở, ban, ngành tỉnh; UBND huyện, thị xã, thành phố thẩm định kinh phí triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

3. Cục Thuế tỉnh

- Tư vấn, hỗ trợ các thủ tục hành chính về thuế, hướng dẫn các phần mềm hỗ trợ kê khai, nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật về thuế.

- Thực hiện nội dung điểm a khoản 3 mục III Đề án. Phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh; UBND huyện, thị xã, thành phố xem xét về trình tự, thủ tục hỗ trợ, miễn, giảm tiền thuê mặt bằng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp.

- Chỉ đạo cơ quan Thuế khu vực rà soát hộ kinh doanh thường xuyên sử dụng trên 10 lao động, phối hợp với UBND huyện, thị xã, thành phố vận động, tuyên truyền thành lập doanh nghiệp.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Phối hợp với UBND huyện, thị xã, thành phố công khai các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin về đất đai. Xác định tính hợp pháp Quyết định cho thuê đất, Hợp đồng thuê đất.

- Thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất của các tổ chức, doanh nghiệp; đề xuất xử lý đối với các trường hợp vi phạm quy định Luật Đất đai.

5. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh

Thực hiện nội dung điểm b khoản 3 mục III Đề án. Hỗ trợ cung cấp, hướng dẫn thông tin và thủ tục đầu tư đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi có nhu cầu thuê mặt bằng sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, các khoản hỗ trợ khác theo khoản 2 mục II Đề án này; phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn về trình tự, thủ tục, xét các điều kiện về hỗ trợ, miễn, giảm tiền thuê mặt bằng sản xuất đối với các nhà đầu tư đầu tư trong các khu, cụm công nghiệp; kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư vào khu, cụm công nghiệp.

6. Sở Nội vụ

- Phối hợp với các đơn vị có liên quan đánh giá hiệu quả thực hiện Đề án; đề xuất UBND tỉnh khen thưởng kịp thời các đơn vị thực hiện tốt Đề án.

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra công vụ đối với công tác cải cách hành chính, việc tiếp và trả kết quả thủ tục hành chính.

7. Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Hậu Giang xây dựng các chuyên trang, chuyên mục phù hợp để phổ biến, tuyên truyền Đề án và vận động hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.

8. Các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm triển khai thực hiện Đề án; định kỳ trước ngày 15 của tháng 6 và tháng 12 báo cáo tình hình thực hiện 6 tháng và cả năm về Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh báo cáo về Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Hàng năm, xây dựng dự toán kinh phí thực hiện, gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

9. UBND huyện, thị xã, thành phố

- Tuyên truyền Đề án đến các tổ chức, hộ kinh doanh về chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; vận động hộ kinh doanh đủ điều kiện thành lập doanh nghiệp.

- Thực hiện nội dung điểm b khoản 3 mục III Đề án. Hỗ trợ cung cấp, hướng dẫn thông tin đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi có nhu cầu thuê mặt bằng sản xuất tại các cụm công nghiệp do địa phương quản lý.

- Phối hợp với các ngành chức năng liên quan rà soát và chấm dứt hoạt động các hộ kinh doanh không còn hoạt động trên địa bàn tỉnh.

10. Các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh

Chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động kinh doanh; thực hiện chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp khi đủ điều kiện; liên hệ Sở Kế hoạch và Đầu tư để được tư vấn, hướng dẫn thủ tục và nhận hỗ trợ theo Đề án./.



[1] Năm 2021 có 541 doanh nghiệp, năm 2022 có 896 doanh nghiệp, năm 2023 có 910 doanh nghiệp đăng ký thành lập, nâng doanh nghiệp toàn tỉnh 3.500 doanh nghiệp đang hoạt động và có kê khai thuế đến cuối kỳ báo cáo năm 2023, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 98,85%, doanh nghiệp lớn chiếm 1,15%; hầu hết tập trung tại khu, cụm công nghiệp tỉnh; Số lượng hộ kinh doanh: Năm 2021 có 967 hộ, năm 2022 có 3.340 hộ, năm 2023 có 2.082 hộ kinh doanh đăng ký thành lập, nâng tổng hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh 52.606 hộ.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 957/QĐ-UBND năm 2024 về Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang

  • Số hiệu: 957/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/07/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hậu Giang
  • Người ký: Trương Cảnh Tuyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản