Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 957/QĐ-BNN-TCLN | Hà Nội, ngày 08 tháng 05 năm 2014 |
PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG GỖ VÀ SẢN PHẨM GỖ GIAI ĐOẠN 2014 - 2020
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 1565/QĐ-BNN-TCLN ngày 8/7/2013 của Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ giai đoạn 2014 - 2020.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề Muối, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG GỖ VÀ SẢN PHẨM GỖ GIAI ĐOẠN 2014-2020
(Kèm theo Quyết định số: 957/QĐ-BNN-TCLN ngày 08 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT)
MỞ ĐẦU
Việt Nam có những thuận lợi về nguồn lao động giá rẻ, số lượng các doanh nghiệp trong ngành lớn, có năng lực xuất khẩu, sản phẩm Việt Nam được đánh giá cao trên thị trường quốc tế về chất lượng, mẫu mã và khả năng thay đổi, nắm bắt nhanh thị hiếu của khách hàng. Ngành gỗ đang có nhiều triển vọng phát triển tham gia vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu. Xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ hiện đứng thứ 5 trong 10 ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch đạt 5,7 tỷ USD trong năm 2013 và chiếm hơn 4 % thị phần thương mại đồ gỗ nội thất thế giới.
Dự báo, cơ hội lớn cho Việt Nam để mở rộng thị trường và thị phần gỗ và sản phẩm gỗ trên thế giới. Nếu có giải pháp đúng và chính sách hỗ trợ hiệu quả thì Việt Nam có thể xuất khẩu đạt 15 đến 20 tỷ USD trong 10 năm tới. Bên cạnh đó, thị trường đồ gỗ nội địa của Việt Nam đã có nhiều biến chuyển mạnh mẽ trong những năm gần đây với dân số gần 90 triệu, bình quân tiêu dùng đồ gỗ nội địa trong 5 năm gần đây khoảng 2,25 tỷ USD, còn rất nhiều tiềm năng thị trường nội địa chưa khai thác.
Tuy nhiên, cả thị trường xuất khẩu và nội địa cho ngành gỗ đang có những thách thức lớn. Đối với thị trường xuất khẩu, thương hiệu đồ gỗ Việt Nam trên thị trường thế giới chưa được khẳng định rõ ràng, lại đang có xu hướng áp đặt nhiều hàng rào kỹ thuật, nhất là về nguồn gốc xuất xứ gỗ hợp pháp. Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam còn yếu, tính hợp tác và liên kết lỏng lẻo, trong khi đó vai trò của hiệp hội rất mờ nhạt, chưa đủ khả năng hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường. Thị trường đồ gỗ nội địa thiếu kênh phân phối, đang bị mất dần thị phần ở một số địa bàn quan trọng.
1. Thị trường nội địa
Hiện nay tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm gỗ nội thất sản xuất tại Việt Nam so với hàng nội thất nhập khẩu là 40/60, tăng mạnh so với năm 2009-2010 với tỷ lệ là 20/80. Bình quân tiêu dùng đồ gỗ trong 5 năm gần đây khoảng 2,25 tỷ USD và khoảng 31,7 USD/người. Đối tượng tiêu dùng chủ yếu gỗ nội địa như sau:
- Công trình xây dựng: 40%
- Tiêu dùng nông thôn: 30%
- Tiêu dùng thành thị: 30%
Việt Nam mới có một số ít hệ thống phân phối nội địa, quy mô nhỏ. Việc thiếu kênh phân phối là một điểm yếu nhất của thị trường đồ gỗ nội địa của Việt Nam hiện nay. Nguyên nhân chính do các cửa hàng bán lẻ đồ gỗ phần lớn là độc lập theo kiểu bán buôn nhỏ hoặc tự sản tự tiêu, chưa có hệ thống đủ mạnh để phủ sóng cả nước và định hướng tiêu dùng nội địa. Bên cạnh đó còn thiếu chính sách hỗ trợ phát triển thị trường nội địa.
2. Thị trường xuất khẩu
Năm 2013 với tổng kim ngạch xuất khẩu lâm sản của Việt Nam là 5,7 tỷ USD tăng 19,2% so với năm 2012, chiếm khoảng 4,3% thị phần toàn cầu, đứng thứ sáu thế giới.
Trong năm 2013, kim ngạch xuất khẩu sang 5 thị trường chủ lực là: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh đều tăng rất mạnh so với năm 2012. Trong đó kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt trên 2 tỷ USD, tăng 12,24% so với năm 2012, chiếm 36% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giảm so với mức 38,27% của năm 2012.
Trong những thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chủ lực trong năm 2013, tăng trưởng mạnh mẽ nhất là thị trường Trung Quốc với mức tăng là 47,4% về kim ngạch so với năm 2012 và chiếm tỷ trọng 18,5% tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 3,62% so với năm 2012. Tiếp đến là thị trường Hàn Quốc, tăng 43,7% về kim ngạch so với năm 2012, thị trường Nhật Bản đạt 820 triệu USD tăng 22,5%, chiếm 14,39% về tỷ trọng
Riêng thị trường Liên minh Châu Âu (EU) đạt 629 triệu USD (chiếm 10,7%), giảm 3,9% trong đó thị trường Đức và Pháp giảm lần lượt là 14,69% và 7,87% so với năm 2012.
Chi tiết về 10 thị trường xuất khẩu chính mặt hàng gỗ và đồ gỗ Việt Nam được trình bày tại phụ biểu 01.
Bên cạnh những lợi thế về thị trường xuất khẩu, thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam có những tồn tại sau:
- Các thị trường chính như Hoa Kỳ, EU, Úc đều đang áp đạt các quy định ngặt nghèo về xuất xứ hàng hóa đảm bảo chỉ được xuất khẩu vào các thị trường này gỗ có nguồn gốc hợp pháp;
- Thương hiệu đồ gỗ Việt Nam trên thị trường thế giới chưa được khẳng định;
- Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu xuất khẩu theo giá FOB, chưa trực tiếp xuất giá CIF để tránh rủi ro. Việc này đồng nghĩa các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu sẽ có lợi nhuận thấp hơn ít nhất là 10%.
- Thị trường xuất khẩu còn hẹp, sau hơn 15 năm phát triển, thị trường xuất khẩu gỗ và đồ gỗ của chúng ta vẫn tập trung ở 4 thị trường chính là Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Nhật. Trong khi đó thị trường EU gồm 28 nước thành viên cũng mới chỉ tập trung vào 3 thị trường chính là Anh, Đức và Italy.
Nguyên nhân chính của các tồn tại:
- Việc xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay ủy thác qua đại lý và nhà nhập khẩu EU và Hoa Kỳ, mượn thương hiệu của nhà nhập khẩu;
- Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam còn yếu, tính hợp tác và liên kết của các doanh nghiệp để mở rộng thị trường còn thấp, trong khi đó vai trò của hiệp hội rất mờ nhạt, không đủ khả năng hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường.
- Thiếu chương trình xúc tiến thương mại cho mặt hàng gỗ và sản phẩm đặc biệt thiếu các nghiên cứu phân tích thị trường, đánh giá xu hướng thị trường thế giới.
1. Chính sách về thuế
a) Thuế Giá trị gia tăng (VAT):
Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu mà nhập khẩu gỗ và mua các đầu vào phụ trợ khác (chất phủ bề mặt, bản lề..) thì phải chịu thuế GTGT là 10 % nhưng được khấu trừ hết sau khi xuất khẩu hàng hóa (thời gian tối đa được ân hạn thuế là 275 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan). Tuy nhiên, các thủ tục khấu trừ thuế GTGT của cơ quan thuế còn phức tạp.
b) Thuế xuất khẩu: Chủ trương của Nhà nước ta là hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô và khuyến khích chế biến sâu trong nước và chính sách thuế đã phản ảnh đúng với chủ trương này.
c) Thuế nhập khẩu: Theo quy định hiện hành các mặt hàng nhập khẩu trong Chương 44 về gỗ sẽ chịu thuế nhập khẩu từ 0 đến 25% theo hướng khuyến khích nhập khẩu gỗ nguyên liệu chưa chế biến. Thuế nhập khẩu cho đồ gỗ thuộc Chương 94 là từ 15% (cho mặt hàng nội thất bệnh viện) đến 25% (cho các mặt hàng nội thất trong nhà và ngoài trời khác).
2. Chính sách về tín dụng ưu đãi đầu tư và tín dụng xuất khẩu cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu
Quyết định số 55/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23/4/2007 về phê duyệt Danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên, ngành công nghiệp mũi nhọn giai đoạn 2007-2010, tầm nhìn đến năm 2020 và một số chính sách khuyến khích phát triển thì ngành chế biến gỗ được xếp là ngành ưu tiên chứ không được xếp vào ngành kinh tế mũi nhọn do vậy các doanh nghiệp chế biến gỗ không được hưởng một số chính sách ưu tiên của quyết định này.
Theo Nghị định 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu Nhà nước thì ngành chế biến gỗ được xếp vào danh mục các ngành được vay vốn tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu tại Ngân hàng Đầu tư phát triển.
Đánh giá chung: Chính sách về thuế và tín dụng ưu đãi đầu tư và xuất khẩu rất thuận lợi và ưu ái cho các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, vấn đề là các thủ tục hành chính còn phiền hà tại cơ quan thuế và ngân hàng.
3. Ảnh hưởng của các hiệp định thương mại đến thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong thời gian tới
a) Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA/FLEGT): Theo đó, Việt Nam sẽ cấp giấy phép FLEGT cho các danh mục hàng hóa nằm trong hiệp định khi xuất khẩu vào EU. Về lâu dài khi ta ký hiệp định VPA với EU sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam giữ và mở rộng thị trường EU.
b) Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là Hiệp định TPP): Hiệp định TPP được kỳ vọng là hiệp định kiểu mẫu của khu vực với diện cam kết rộng và mức độ cam kết sâu.
Hiệp định TPP hy vọng mở rộng các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật, Úc và Canada, theo TPP và các nước đều phải mở cửa tối đa thị trường và cắt giảm thuế nhập khẩu hàng hóa về 0%. Gỗ và đồ gỗ đều nằm trong danh mục cắt giảm thuế xuất khẩu trong hiệp định TPP.
Điều đáng lo ngại nhất trong TPP của ngành chế biến gỗ xuất khẩu đó là vấn đề xuất xứ hàng hóa.
c) Các Hiệp định thương mại tự do:
- Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA): đang thực hiện trong đó ngành gỗ và sản phẩm gỗ là 1 trong 9 ngành hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên hội nhập sẽ được xóa bỏ sớm hơn là vào năm 2012 (thay vì 2015).
- Hiệp định thương mại tự do Việt Nam (FTA VN- EU) EU là một thị trường rộng lớn với 27 quốc gia thành viên là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam.
- Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc: Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam và Việt Nam đứng thứ tám các nước xuất khẩu vào Hàn Quốc.
- Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Hải quan Nga, Belarus và Kazakhstan: Hiệp định này đang đàm phán.
Đánh giá chung: Các hiệp định thương mại mà Việt Nam đang đàm phán và sắp sửa ký đều nhằm mục đích mở cửa thị trường, giảm thuế suất, tăng niềm tin cho người tiêu dùng do vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu của ta phát triển. Tuy nhiên, để hưởng được các lợi thế của các Hiệp định tự do thương mại này các cơ quan Chính phủ cần tăng cường công tác phổ biến các quy định của các Hiệp định. Còn phía các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực về quản trị kinh doanh, kỹ năng sản xuất, năng suất lao động cũng như mẫu mã, chất lượng sản phẩm vì mức độ cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt hơn từ sản phẩm gỗ nhập khẩu của các thị trường mà ta đã ký hiệp định.
NỘI DUNG KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG MẶT HÀNG GỖ VÀ ĐỒ GỖ GIAI ĐOẠN 2014-2020
I. MỤC TIÊU KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG
1. Mục tiêu chung
Nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng trồng và phát triển lâm nghiệp bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường; gắn kết theo chuỗi từ trồng rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị lâm sản hàng hóa, góp phần thực hiện thành công “Đề án tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp”.
2. Mục tiêu cụ thể
- Tạo động lực phát triển thị trường xuất khẩu góp phần đạt kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10 tỷ USD vào năm 2020.
- Tạo kênh phân phối cho thị trường gỗ và đồ gỗ nội địa góp phần nâng tổng kim ngạch tiêu dùng nội địa gỗ và đồ gỗ lên 4 tỷ USD vào năm 2020.
II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG
1. Tạo kênh phân phối phát triển thị trường nội địa
- Điều tra, đánh giá thị trường nội địa về hệ thống phân phối đồ gỗ trang trí nội thất, thị hiếu, dòng sản phẩm, phân khúc thị trường, xu hướng phát triển;
- Nghiên cứu mô hình liên kết thành công giữa nhà sản xuất và nhà phân phối và đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển liên kết;
- Hỗ trợ các hiệp hội, doanh nghiệp thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại gỗ và sản phẩm gỗ thông qua các hội chợ;
- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức người tiêu dùng Việt Nam về hàng nội thất Việt.
2. Phát triển thị trường xuất khẩu
- Hướng dẫn các hiệp hội trong việc điều tra khảo sát và đánh giá thị trường quốc tế về đồ gỗ nội thất và xác định thị trường chủ chốt và các dòng sản phẩm chính cho mặt hàng nội thất XK của Việt Nam; Nghiên cứu, khảo sát cơ hội mở rộng thị trường mới cho đồ gỗ XK Việt Nam; xây dựng và quảng bá thương hiệu cho một số dòng sản phẩm chủ đạo;
- Hỗ trợ một số doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và đồ gỗ tham gia các hội chợ quốc tế quan trọng;
- Hỗ trợ tổ chức 2 Diễn đàn thương mại gỗ quốc tế tại Việt Nam nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp xúc với các nhà cung ứng gỗ và các ngành nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam;
3. Hợp phần về cơ chế chính sách
- Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ chính sách hỗ trợ phát triển thị trường đồ gỗ nội địa (chính sách miễn thuế VAT, mua sắm công, xúc tiến thương mại, tạo kênh phân phối...);
- Tổ chức đàm phán về hiệp định đa phương, song phương về thương mại, quy định các nước nhập khẩu như Hiệp định VPA/FLEGT với EU và các hiệp định thương mại tự do khác.
- Tập huấn nâng cao năng lực cho các hiệp hội và các doanh nghiệp về nội dung các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết, các chính sách, rào cản thương mại ảnh hưởng đến ngành gỗ và sản phẩm gỗ.
(Kế hoạch chi tiết tại Phụ biểu 02 đính kèm)
4. Dự kiến nhu cầu kinh phí thực hiện Kế hoạch hành động
Tổng nhu cầu kinh phí cho Kế hoạch là 18.850 triệu đồng trong đó vốn Ngân sách nhà nước là 17.200 triệu đồng, vốn ODA là 1.650 triệu đồng. Tổng vốn ngân sách phân theo hoạt động như sau:
- Tạo kênh phân phối mở rộng thị trường nội địa: 7.600 triệu đồng;
- Hỗ trợ phát triển thị trường quốc tế: 9.500 triệu đồng
- Xây dựng cơ chế, chính sách (bao gồm cả đàm phán các hiệp định thương mại): 1.750 triệu đồng.
Kinh phí Nhà nước phân theo các năm:
2014: Tổng kinh phí là 3.900 triệu trong đó Ngân sách điều tra cơ bản: 150 triệu; Sự nghiệp kinh tế: 1.250 triệu; xúc tiến thương mại: 2.500 triệu;
2015: Tổng kinh phí dự kiến là 5.450 triệu trong đó ngân sách điều tra cơ bản: 1.350 triệu; sự nghiệp kinh tế 1.300 triệu, ngân sách xúc tiến thương mại: 2.500 triệu và sự nghiệp khoa học công nghệ là 300 triệu.
2016: Tổng nhu cầu kinh phí là 2.850 triệu trong đó ngân sách sự nghiệp kinh tế là 150 triệu, sự nghiệp khoa học: 200 triệu, ngân sách từ nguồn xúc tiến thương mại: 2.500 triệu. Từ năm 2016 trở đi ngân sách dành chủ yếu cho việc xúc tiến thương mại mỗi năm cần khoảng 2.500 triệu.
(Nhu cầu kinh phí chi tiết tại Phụ biểu 02 đính kèm)
5. Tổ chức thực hiện
5.1. Đối với Trung ương
- Tổng cục Lâm nghiệp
+ Là cơ quan thường trực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện Kế hoạch hành động “Phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ giai đoạn 2014 - 2020” là đầu mối thu thập, xử lý, tổng hợp tình hình, tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, lập báo cáo đánh giá kết quả thực hiện.
+ Chủ trì, phối hợp tổ chức hướng dẫn thực hiện và giám sát thực hiện.
+ Phối hợp với các cơ quan liên quan thuộc Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương xây dựng chính sách về tín dụng, thuế ưu đãi xuất khẩu, xúc tiến thương mại;
+ Xây dựng kế hoạch ngân sách hàng năm
- Cục Chế biến, nông lâm thủy sản và nghề muối.
+ Chủ trì xây dựng chương trình xúc tiến thương mại cho ngành gỗ và sản phẩm gỗ từ chương trình XTTM quốc gia trình lãnh đạo Bộ phê duyệt;
+ Chủ trì thẩm định, theo dõi, giám sát nguồn vốn từ chương trình XTTM quốc gia giao cho ngành hàng gỗ và sản phẩm gỗ;
+ Phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp xây dựng các chính sách hỗ trợ thị trường nội địa và xuất khẩu cho ngành hàng gỗ và sản phẩm gỗ.
- Vụ Kế hoạch:
Chủ trì phối hợp với Tổng Cục Lâm nghiệp và các cơ quan liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT khai thác, phân bổ các nguồn vốn đáp ứng cho việc thực hiện Kế hoạch hành động.
- Vụ Tài chính:
Chủ trì phối hợp với Vụ Kế hoạch, Tổng cục Lâm nghiệp và các đơn vị có liên quan tổng hợp kinh phí hàng năm gửi Bộ Tài chính thẩm định cho việc thực hiện Kế hoạch hành động.
5.2. Đối với địa phương
- Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ Kế hoạch đã được phê duyệt chỉ đạo các Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở/ban ngành liên quan triển khai một số công việc sau đây:
+ Rà soát lại các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu trên địa bàn; rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chế biến gỗ về lĩnh vực xúc tiến thương mại (cả thị trường nội địa và xuất khẩu) và báo cáo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trước 31/12/2014;
- Chỉ đạo, tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động; Tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch, hàng năm báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 30/9 hàng năm.
- Các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, các Hiệp hội căn cứ Kế hoạch định hướng của Trung ương và địa phương để có kế hoạch xúc tiến thương mại phù hợp với mục tiêu và hoạt động của Kế hoạch./.
THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU LỚN NHẤT CỦA GỖ VÀ SẢN PHẨM GỖ VIỆT NAM NĂM 2013
(Kèm theo Quyết định số: 957/QĐ-BNN-TCLN ngày 08 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT)
STT | Tên nước | Trị giá USD | So với năm 2012 (%) |
1 | Hoa kỳ | 2.004.134.827 | Tăng 12,24 |
2 | Trung Quốc | 1.051.999.990 | Tăng 47,4 |
3 | Nhật Bản | 819.992.526 | Tăng 22,5 |
4 | Hàn Quốc | 328.669.776 | Tăng 43,7 |
5 | Anh | 217.957.506 | Tăng 16,3 |
6 | Australia | 128.678.622 | Tăng 8,8 |
7 | Canada | 118.973.785 | Tăng 5,63 |
8 | Đức | 108.530.636 | Giảm 14,69 |
9 | Hồng Kông | 90.424.196 | Tăng 100 |
10 | Pháp | 84.405.590 | Giảm 7,87 |
Nguồn: Tổng cục Hải quan 2013.
KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG GỖ VÀ SẢN PHẨM GỖ VÀ DỰ KIẾN NHU CẦU KINH PHÍ
(Kèm theo Quyết định số 957 /QĐ-BNN-TCLN ngày 08 tháng 5 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT)
STT | Các hoạt động ưu tiên | Cơ quan chủ trì | Đơn vị phối hợp | Chỉ tiêu cần đạt | Thời gian thực hiện | Kinh phí (triệu đồng) | Trong đó |
| ||
NSNN | ODA | Khác | Ghi chú | |||||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7=8+9+10 | 8 | 9 | 10 | 11 |
I | Tạo kênh phân phối thị trường nội địa |
|
|
|
| 7.600 | 7.300 | 300 |
|
|
1 | Điều tra, đánh giá thị trường nội địa về hệ thống phân phối đồ gỗ trang trí nội thất, thị hiếu, dòng sản phẩm, phân khúc thị trường, xu hướng phát triển; | Tổng cục LN | Tư vấn và hiệp hội, các doanh nghiệp Cục C/biến NL-TS và nghề muối | - Báo cáo về hiện trạng, đánh giá các kênh phân phối nội địa; thị hiếu tiêu dùng trong nước, dòng sản phẩm, phân khúc thị trường, xu hướng phát triển về đồ nội thất - Khuyến nghị Chính sách hỗ trợ | 2014-2015 | 1500 | 1.500 |
|
|
|
2 | Nghiên cứu mô hình liên kết thành công giữa nhà sản xuất và nhà phân phối và đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển liên kết. | Tổng cục Lâm nghiệp | Tư vấn và hiệp hội, các doanh nghiệp | - Báo cáo tổng kết các mô hình liên kết thành công của Thế giới và của Việt Nam - Khuyến nghị chính sách liên kết giữa nhà SX và nhà phân phối cho Việt Nam | 2015-2016 | 800 | 500 | 300 |
|
|
3 | Hỗ trợ tổ chức các hội chợ đồ gỗ nội thất và thủ công Mỹ nghệ tại các trung tâm lớn của Việt Nam (ưu tiên vào các hội chợ Home Fair, VIFA Home). | Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối | Bộ Công thương, Hiệp hội gỗ | Từ năm 2015 hội chợ hàng nội thất được tổ chức hàng năm tại các thành phố lớn (quy mô trung bình 50 doanh nghiệp/hội chợ, nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng/DN tham gia hội chợ) | 2015-2019 | 5.000 | 5.000 |
|
| Kinh phí từ nguồn xúc tiến thương mại do Cục CB quản lý |
4 | Tuyên truyền, nâng cao nhận thức người tiêu dùng Việt hàng nội thất Việt | Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối | Các tỉnh, Đài truyền hình TƯ địa phương | Ít nhất 3 chương trình quảng bá thương hiệu nội thất, đồ gỗ Việt được xây dựng và phát sóng trên đài truyền hình TƯ và địa phương | 2014-2016 | 300 | 300 |
|
|
|
II | Hỗ trợ phát triển thị trường xuất khẩu |
|
|
|
| 9.500 | 8.600 | 900 |
|
|
1 | Hướng dẫn các hiệp hội trong việc điều tra khảo sát và đánh giá thị trường quốc tế về đồ gỗ nội thất và xác định thị trường chủ chốt và các dòng sản phẩm chính cho mặt hàng nội thất XK của Việt Nam; Nghiên cứu, khảo sát cơ hội mở rộng thị trường mới cho đồ gỗ XK Việt Nam; xây dựng và quảng bá thương hiệu cho một số dòng sản phẩm chủ đạo; | Tổng cục Lâm nghiệp | Tư vấn, các tỉnh, hiệp hội, Bộ Công thương | Báo cáo đánh giá phân tích xu hướng thị trường xuất khẩu, phân khúc và dòng sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cho VN | 2014-2015 | 800 | 500 | 300 |
|
|
2 | Hỗ trợ một số doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và đồ gỗ chủ chốt tham gia ít nhất một lần các hội chợ quốc tế quan trọng | Cục Chế biến | Bộ Công thương, hiệp hội | Từ năm 2015, hàng năm Nhà nước hỗ trợ ít nhất 10 DN XK tham gia các hội chợ quốc tế quan trọng tập trung vào Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc và Singapore (mức hỗ trợ là 150 triệu đồng/DN/hội chợ) | 2015-2020 | 7.500 | 7.500 |
|
| Ngân sách từ CT XTTM quốc gia, Chi phí do DN bỏ ra chưa tính |
3 | Hỗ trợ tổ chức 2 Diễn đàn thương mại gỗ quốc tế tại Việt Nam | Tổng cục Lâm nghiệp | Cục Chế biến, Bộ Công thương, hiệp hội | - Diễn đàn đầu tiên tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào năm 2015 với khoảng 20 nhà cung ứng gỗ từ châu Á và Châu Phi và 20 nhà nhập khẩu chính từ EU, Hoa Kỳ, Nhật, Trung Quốc và khoảng 100 DN trong nước - Diễn đàn thứ hai tương tự tổ chức vào năm 2017 | 2015-2016 | 1.200 | 600 | 600 |
| Chưa tính đóng góp của DN VN khi tham gia diễn đàn |
III | Về cơ chế, chính sách |
|
|
|
| 1.750 | 1.300 | 450 |
|
|
1 | Xây dựng và trình TTCP chính sách hỗ trợ phát triển thị trường đồ gỗ nội địa | Tổng cục LN |
| Chính sách về phát triển thị trường đồ gỗ nội địa được TTCP phê duyệt | 2015-2016 | 150 | 150 |
|
|
|
2 | Tổ chức đàm phán về các hiệp định đa phương, song phương thương mại, quy định các nước nhập khẩu như Hiệp định VPA/FLEGT với EU và các hiệp định thương mại tự do khác. | Tổng cục LN | Các Bộ liên quan, | Năm 2014: Gia nhập ITTO, kết thúc đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT Năm 2015: Các Hiệp định tự do thương mại khác | 2014-2015 | 1.000 | 700 | 300 |
|
|
3 | Đào tạo nâng cao năng lực cho các hiệp hội và doanh nghiệp về nội dung các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết, các chính sách, rào cản thương mại ảnh hưởng đến ngành gỗ và sản phẩm gỗ | Tổng cục Lâm nghiệp | Các hiệp hội, Bộ Công thương, VCCI, Cục Chế biến | Ít nhất 3 khóa đào tạo cho 150 doanh nghiệp trong cả nước tại 3 vùng Hà Nội, Bình định và TP HCM được tổ chức | 2015 | 600 | 450 | 150 |
|
|
| Tổng kinh phí |
|
|
|
| 18.850 | 17.200 | 1.650 |
|
|
- 1Chỉ thị 08/CT-BCT năm 2014 tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tiêu thụ thóc, gạo trong thời gian tới do Bộ Công thương ban hành
- 2Quyết định 634/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Chỉ thị 12/CT-BCT năm 2014 tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới do Bộ Công thương ban hành
- 4Quyết định 919/QĐ-BNN-TCLN năm 2014 phê duyệt Kế hoạch hành động Nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến giai đoạn 2014 - 2020 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 5Quyết định 366/QĐ-BNN-TCLN năm 2022 công bố hết hiệu lực thi hành đối với Quyết định 919/QĐ-BNN-TCLN và Quyết định 957/QĐ-BNN-TCLN do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 1Quyết định 55/2007/QĐ-TTg phê duyệt danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn giai đoạn 2007 - 2010, tầm nhìn đến năm 2020 và một số chính sách khuyến khích phát triển do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Nghị định 75/2011/NĐ-CP về tín dụng đầu tư và xuất khẩu của nhà nước
- 3Quyết định 1565/QĐ-BNN-TCLN năm 2013 phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4Nghị định 199/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- 5Chỉ thị 08/CT-BCT năm 2014 tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tiêu thụ thóc, gạo trong thời gian tới do Bộ Công thương ban hành
- 6Quyết định 634/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Chỉ thị 12/CT-BCT năm 2014 tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới do Bộ Công thương ban hành
- 8Quyết định 919/QĐ-BNN-TCLN năm 2014 phê duyệt Kế hoạch hành động Nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến giai đoạn 2014 - 2020 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Quyết định 957/QĐ-BNN-TCLN năm 2014 phê duyệt Kế hoạch hành động phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ giai đoạn 2014 - 2020 do Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- Số hiệu: 957/QĐ-BNN-TCLN
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 08/05/2014
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Người ký: Hà Công Tuấn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra