Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/CT-BCT

Hà Nội, ngày 28 tháng 04 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG, XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI, PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG, ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU THỦY SẢN TRONG THỜI GIAN TỚI

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2013 đạt trên 6,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2012, góp phần quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, tăng trưởng xuất khẩu và cải thiện cán cân thương mại. Tuy nhiên, theo dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2014 và thời gian tới vẫn tiếp tục gặp các thách thức do áp lực cạnh tranh cao; các rào cản kỹ thuật; các vụ kiện chống phá giá, chống trợ cấp đối với thủy sản Việt Nam đang diễn biến phức tạp; xuất khẩu tại một số thị trường còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi, chưa thực sự bền vững do chính sách nhập khẩu của một số nước.

Triển khai thực hiện ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị bàn về những giải pháp và chính sách phát triển thủy sản trong những năm tới, tổ chức vào ngày 15 tháng 4 năm 2014 tại thành phố Đà Nẵng và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại Văn bản số 152/TB-VPCP ngày 10 tháng 04 năm 2014 của Văn phòng Chính phủ về tình hình khai thác, nuôi trồng thủy sản và thực hiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực thủy sản trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Cá tra Việt Nam và các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu thủy sản tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau đây:

I. Nhiệm vụ chung, thường xuyên

Các Cục, Vụ, Trung tâm và các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương căn cứ chức năng, nhiệm vụ tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp sau:

1. Về công tác đàm phán, mở cửa thị trường

a) Rà soát nhu cầu tiêu dùng thủy sản tại các thị trường, cơ chế và chính sách nhập khẩu của các nước; trên cơ sở đó, đề xuất đàm phán, ký kết các thỏa thuận về việc tạo thuận lợi cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam

b) Tích cực đàm phán mở rộng thị trường cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, cụ thể là đưa các nội dung về giảm thuế, mở cửa thị trường, dỡ bỏ các rào cản về thương mại, kỹ thuật không phù hợp đối với thủy sản Việt Nam trong quá trình đàm phán các Hiệp định thương mại tự do.

2. Về công tác xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm thủy sản

Đẩy mạnh công tác xúc tiến công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và năng lực sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam; tìm kiếm, giới thiệu khách hàng, thị trường có nhu cầu nhập khẩu thủy sản cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

3. Về công tác tháo gỡ rào cản kỹ thuật và thương mại

Tập trung nắm bắt tình hình áp dụng các biện pháp bảo hộ mậu dịch, rào cản kỹ thuật và thương mại, các vụ kiện của các nước nhập khẩu đối với thủy sản Việt Nam để kịp thời thông tin cho các đơn vị liên quan và các doanh nghiệp; chủ động đề xuất các giải pháp và phối hợp thực hiện nhằm đấu tranh có hiệu quả đối với các rào cản kỹ thuật và thương mại không phù hợp đối với thủy sản xuất khẩu Việt Nam.

4. Về công tác thông tin

Tăng cường công tác cập nhật, theo dõi thông tin, diễn biến tình hình sản xuất, sản lượng, tồn kho, chính sách và nhu cầu xuất nhập khẩu thủy sản tại các thị trường, bao gồm cả các thị trường xuất khẩu các mặt hàng thủy sản cạnh tranh với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, kịp thời thông tin cho Lãnh đạo Bộ và các đơn vị liên quan để chủ động đề xuất và phối hợp thực hiện các giải pháp, biện pháp thúc đẩy xuất khẩu thủy sản, đồng thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc của xuất khẩu thủy sản tại các thị trường.

II. Các nhiệm vụ cụ thể

1. Cục Xuất nhập khẩu

a) Chủ trì, phối hợp với các Vụ thị trường ngoài nước, Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Cá tra Việt Nam theo dõi sát diễn biến thị trường thủy sản thế giới; tham mưu, đề xuất các giải pháp phục vụ phát triển thị trường và thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng thủy sản.

b) Phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, các Vụ Thị trường ngoài nước, Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Cá tra Việt Nam và các địa phương tích cực triển khai công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thủy sản trong khuôn khổ Chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia, Chương trình Thương hiệu Quốc gia và tại các thị trường trọng điểm.

c) Chủ trì, phối hợp với các Vụ Thị trường ngoài nước, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Cá tra Việt Nam và các cơ quan liên quan tập hợp và cung cấp thông tin cho các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ nhằm giới thiệu danh sách Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của Việt Nam đến các đối tác, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

d) Phối hợp với Vụ Chính sách thương mại đa biên, các Vụ Thị trường ngoài nước, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Cá tra Việt Nam đưa các nội dung về giảm thuế, mở cửa thị trường, dỡ bỏ các rào cản về thương mại, kỹ thuật không phù hợp đối với thủy sản Việt Nam trong quá trình đàm phán các Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga - Bê-la-rút - Ca-dắc-xtan (VCUFTA), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với khối thương mại tự do châu Âu gồm Na-uy, Thụy Sỹ, Ai-xơ-len, Lích-ten-xtanh (FTA-VN-EFTA).

đ) Làm đầu mối của Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xử lý các vấn đề liên quan đến rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu để tạo thuận lợi cho thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

e) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền và tổ chức các lớp tập huấn cho các doanh nghiệp để phổ biến lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do nhằm tận dụng các ưu đãi, đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản nói chung và mặt hàng thủy sản nói riêng.

2. Cục Xúc tiến thương mại

a) Ưu tiên các chương trình quảng bá thương hiệu và xúc tiến thương mại thủy sản trong Chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia, Chương trình Thương hiệu quốc gia hàng năm, nhất là chương trình xúc tiến vào các thị trường trọng điểm, thị trường truyền thống và thị trường có tiềm năng.

b) Chủ trì, phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu, các Vụ Thị trường ngoài nước, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Cá tra Việt Nam, các địa phương, Văn phòng Xúc tiến thương mại, Trung tâm giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ triển khai có hiệu quả các chương trình quảng bá thương hiệu và xúc tiến thương mại thủy sản đã được phê duyệt trong Chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia, Chương trình Thương hiệu quốc gia hàng năm.

3. Cục Quản lý cạnh tranh

a) Chủ trì, phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu, các Vụ Thị trường ngoài nước, Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ và các cơ quan tổ chức liên quan, chủ động tham mưu các biện pháp, giải pháp để đàm phán, giải quyết các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ đối với thủy sản Việt Nam tại các thị trường.

b) Kịp thời đưa các cảnh báo trên hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (tại địa chỉ canhbaosom.vn hoặc earlywarning.vn) nhằm giúp các doanh nghiệp có thể dự báo trước nguy cơ xảy ra các vụ kiện chống bán phá giá, chủ động ứng phó với các vụ kiện, giảm thiểu thiệt hại do các vụ kiện chống bán phá giá gây ra cũng như có thêm thông tin về các thị trường xuất khẩu mục tiêu.

c) Tích cực hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam giải quyết các tranh chấp về hợp đồng thương mại với đối tác nước ngoài.

4. Vụ Chính sách thương mại đa biên

Chủ trì, phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu và các Vụ Thị trường ngoài nước đưa các nội dung về giảm thuế, mở cửa thị trường, dỡ bỏ các rào cản về thương mại, kỹ thuật không phù hợp đối với thủy sản Việt Nam trong quá trình đàm phán các Hiệp định thương mại tự do VCUFTA, EVFTA, TPP, RCEP và FTA-VN-EFTA.

5. Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương

a) Chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản theo dõi tình hình để kịp thời báo cáo Lãnh đạo Bộ và các cơ quan liên quan về việc Nhật Bản áp dụng kiểm tra chỉ tiêu Oxytetraxyline đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam; tham mưu các phương án giải quyết vấn đề này nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam vào thị trường này.

b) Phối hợp với các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại nắm bắt thông tin và báo cáo Lãnh đạo Bộ về tình hình xuất khẩu các loại thủy sản của Trung Quốc vào Việt Nam; phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, đánh giá nhu cầu xuất nhập khẩu thủy sản và chính sách quản lý biên mậu của các địa phương Trung Quốc có chung đường biên giới đất liền với Việt Nam đối với mặt hàng này.

c) Trao đổi với Đại sứ quán Việt Nam tại In-đô-nê-si-a và Phi-líp-pin có ý kiến với các cơ quan hữu quan của In-đô-nê-si-a và Phi-líp-pin để có thông tin cho các phiên rà soát hành chính thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ đối với cá tra Việt Nam.

6. Vụ Thị trường châu Âu

a) Phối hợp với Vụ Chính sách thương mại đa biên, Cục Xuất nhập khẩu và các cơ quan, tổ chức liên quan tập trung đàm phán với kết quả có lợi nhất cho thủy sản Việt Nam tại các Hiệp định thương mại tự do VCUFTA, EVFTA, FTA-VN-EFTA.

b) Chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại Nga nắm bắt tình hình, kịp thời báo cáo Lãnh đạo Bộ và các cơ quan liên quan diễn biến tình hình Nga tạm dừng nhập khẩu cá tra Việt Nam; nghiên cứu, đề xuất biện pháp đàm phán để Nga dỡ bỏ lệnh cấm này.

c) Tham mưu, đề xuất biện pháp tiếp cận và tận dụng cơ hội xuất khẩu cá tra vào thị trường U-cờ-rai-na sau khi U-cờ-rai-na công bố cho phép cá tra Việt Nam được nhập khẩu trở lại thị trường này.

d) Chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại Bắc Âu nghiên cứu, đề xuất các chương trình xúc tiến, kết nối giao thương cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tại thị trường này.

7. Vụ Thị trường châu Mỹ

a) Chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ theo dõi sát tình hình và kịp thời báo cáo Lãnh đạo Bộ các thông tin diễn biến về việc triển khai và thực thi Luật Nông nghiệp 2014, thông tin về phiên rà soát hành chính thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ đối với cá tra Việt Nam sắp tới.

b) Chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại Mê-hi-cô làm việc với các cơ quan chức năng của nước sở tại để tháo gỡ khó khăn về việc Mê-hi-cô tạm dừng nhập khẩu tôm Việt Nam; nghiên cứu, đề xuất biện pháp đàm phán để Mê-hi-cô dỡ bỏ lệnh cấm này.

c) Chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại Nam Mỹ nghiên cứu, đề xuất các chương trình xúc tiến, kết nối giao thương cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tại thị trường này.

8. Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á

a) Trao đổi với Đại sứ quán Việt Nam tại Băng-la-đét và Ấn Độ có ý kiến với các cơ quan hữu quan của Băng-la-đét và Ấn Độ để có thông tin cho các phiên rà soát hành chính thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ đối với cá tra Việt Nam.

b) Chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại Trung Đông, Bắc Phi nghiên cứu, đề xuất các chương trình xúc tiến, kết nối giao thương cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tại thị trường này.

9. Vụ Thị trường trong nước

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan, quản lý hoạt động thu mua thủy sản của thương lái nước ngoài, không để gây tác động tiêu cực tới thị trường nguyên liệu thủy sản trong nước.

b) Làm đầu mối của Bộ Công Thương, phối hợp với các cơ quan liên quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ thủy sản nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan.

10. Cục Quản lý thị trường

Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường trong cả nước phối hợp với các lực lượng chức năng của các cơ quan, tổ chức liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ thủy sản nhập lậu, đặc biệt tại các khu vực biên giới và các tuyến đường vận chuyển trọng điểm; triển khai những biện pháp tích cực để ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

11. Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại

Nghiên cứu xây dựng bản tin chuyên ngành về cung cầu, giá cả, thị trường, dự báo... đối với mặt hàng thủy sản để phục vụ công tác điều hành của Bộ và gửi cho các Bộ, ngành, các Hiệp hội liên quan và các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu thủy sản tham khảo.

12. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Cá tra Việt Nam

a) Theo dõi và báo cáo định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất theo yêu cầu của Bộ Công Thương về tình hình xuất khẩu thủy sản, diễn biến thị trường thủy sản thế giới, dự báo nhu cầu nhập khẩu của các thị trường và các vấn đề khác có liên quan.

b) Chủ động đề xuất với Bộ Công Thương các chương trình xúc tiến thương mại vào các thị trường và cách tiếp cận đối với từng thị trường cụ thể.

c) Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các biện pháp cụ thể, khả thi để bảo đảm uy tín và chất lượng ổn định trong hoạt động xuất nhập khẩu.

13. Các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu thủy sản

a) Thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh xuất khẩu thủy sản; chấp hành chỉ đạo, điều hành của cơ quan có thẩm quyền; áp dụng các biện pháp phù hợp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chế biến và xuất khẩu thủy sản.

b) Xây dựng kế hoạch cụ thể từng bước nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên làm nghiệp vụ xuất nhập khẩu, công tác thị trường, marketing theo hướng chuyên nghiệp; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nắm bắt, khai thác thông tin thị trường, đàm phán, ký kết thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp thương mại quốc tế.

c) Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các biện pháp cụ thể, khả thi để bảo đảm uy tín và chất lượng ổn định trong hoạt động xuất nhập khẩu.

III. Tổ chức thực hiện

1. Tổ chức triển khai thực hiện

Các đơn vị thuộc Bộ và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Cá tra Việt Nam căn cứ tình hình thực tế và các nhiệm vụ được giao, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ và phản ánh những khó khăn vướng mắc về Bộ Công Thương (Cục Xuất nhập khẩu) để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ.

2. Chế độ báo cáo

a) Các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm báo cáo Bộ (thông qua Cục Xuất nhập khẩu) định kỳ vào tuần cuối cùng của quý hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Lãnh đạo Bộ.

b) Giao Cục Xuất nhập khẩu làm đầu mối chủ trì, theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện Chỉ thị này; tổng hợp tình hình báo cáo Lãnh đạo Bộ.

c) Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh, đề nghị các cơ quan, tổ chức liên quan phản ánh bằng văn bản về Bộ Công Thương (Cục Xuất nhập khẩu) để tổng hợp, xử lý.

3. Hiệu lực thực hiện và trách nhiệm thi hành

a) Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký.

b) Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng các Cục: Xuất nhập khẩu, Xúc tiến thương mại, Quản lý cạnh tranh, Quản lý thị trường; Vụ trưởng các Vụ: Chính sách thương mại đa biên, Thị trường ngoài nước, Thị trường trong nước; Tham tán thương mại, Trưởng Chi nhánh Thương vụ, Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại, Giám đốc Trung tâm giới thiệu sản phẩm tại các quốc gia, vùng lãnh thổ; Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Cá tra Việt Nam; các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu thủy sản triển khai thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điểm 3.b mục III;
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Bộ: NN&PTNT, NG, TC, KH&ĐT;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ;
- UBND các tỉnh, thành phố có sản phẩm thủy sản xuất khẩu;
- Ban Kinh tế Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chính phủ;
- Lãnh đạo Bộ;
- Lưu: VT, XNK.

BỘ TRƯỞNG




Vũ Huy Hoàng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 12/CT-BCT năm 2014 tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới do Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: 12/CT-BCT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 28/04/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Vũ Huy Hoàng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản