Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
GIA LAI
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******

Số: 95/2007/QĐ-UBND

Pleiku, ngày 23 tháng 10  năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY ĐỊNH VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP CỤ THỂ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC NGÀNH, CÁC CẤP TRONG CÔNG TÁC ĐẢM BẢO TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO  THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH (BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 83/2006/QĐ-UBND NGÀY 19 THÁNG 10 NĂM 2006 CỦA UBND TỈNH)

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002;
Căn cứ Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19/11/2002 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông;
Căn cứ Nghị định 14/2003/NĐ-CP ngày 19/02/2003 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giao thông đường bộ; Nghị định 146/2007/NĐ-CP ngày 14/09/2007 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ;
Theo đề nghị của Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của bản “Quy định về một số biện pháp cụ thể và trách nhiệm của các ngành, các cấp trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh” ban hành kèm theo Quyết định số 83/2006/QĐ-UBND ngày 19/10/2006 của UBND tỉnh như sau:

1. Khoản 1  điều 4 được sửa đổi như sau:

“1. Trong khu vực đô thị thành phố Pleiku:

a) Cấm các loại ô tô tải có trọng lượng lớn nhất cho phép (bao gồm trọng lượng xe và hàng) trên 5 tấn lưu thông trên các đường Hùng Vương, Lê Lợi.

b) Từ 5 giờ đến 23 giờ hàng ngày, cấm các loại ô tô tải có trọng lượng lớn nhất cho phép (bao gồm trọng lượng xe và hàng) trên 5 tấn lưu thông trong khu vực đô thị; chỉ cho phép lưu thông trên các tuyến đường vành đai gồm: Nguyễn Văn Cừ - Lý Thái Tổ - Lê Thánh Tôn – Lê Đại Hành - Nguyễn Chí Thanh – Lý Thường Kiệt – Ngô Quyền – Tôn Đức Thắng.

c) Tất cả các loại xe khách chỉ được phép lưu thông trên các tuyến đường Lê Duẩn – Lý Nam Đế - Nơ Trang Long - Trường Chinh - Nguyễn Tất Thành - Phạm Văn Đồng – Cách mạng Tháng Tám – Tôn Thất Tùng và các đường vành đai quy định tại điểm b, khoản 1 điều này.

d) Các loại ôtô thuộc đối tượng quy định tại điểm a, b và c khoản 1 điều này, nếu có nhu cầu cần thiết vào khu vực đô thị thành phố Pleiku (ngoài các tuyến đường cho phép) phải được UBND thành phố Pleiku cấp phép theo quy định.”

2. Khoản 2 điều 4 được sửa đổi như sau:

“2. Các quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với các loại xe được quyền ưu tiên; xe cứu hộ, cứu nạn giao thông; xe phục vụ lễ, hội; xe buýt chạy theo tuyến; xe đưa đón công nhân, học sinh; xe hợp đồng đưa đón khách tham quan, du lịch; xe phục vụ đám tang, đám cưới; xe chở diễn viên, vận động viên đi biểu diễn, thi đấu; xe vệ sinh, xe chuyên dùng cho hoạt động bảo trì công trình công cộng đang làm nhiệm vụ; xe chở tiền; xe chở thư, báo.”

3. Khoản 1, điều 6 được sửa đổi như sau:

“1. Cấm để các loại xe ở lòng đường, hè phố trong khu vực đô thị (trừ một số đường, hè phố cho phép và bãi đỗ xe theo quy định).

Tại những địa điểm không có biển báo cấm dừng xe, cấm đỗ xe, khi thật cần thiết có thể dừng xe sát lề đường, hè phố bên phải theo chiều đi của mình, người điều khiển xe không được rời khỏi vị trí điều khiển (trừ xe được quyền ưu tiên, xe chuyên dùng cho hoạt động công ích, bảo trì công trình công cộng đang làm nhiệm vụ)”.

4. Điều 9 được sửa đổi như sau:

Điều 9. Xử lý xe ô tô hết niên hạn sử dụng, môtô, xe gắn máy.

1. Xe ô tô hết niên hạn sử dụng mà tham gia giao thông thì người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ phương tiện 30 ngày trước khi quyết định xử phạt tiền, tịch thu xe bán phế liệu, sung vào công quỹ; thu hồi biển số xe, giấy đăng ký xe, số đăng kiểm xe và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe của người điều khiển theo quy định của pháp luật.

2. Các tổ chức, cá nhân mua xe ô tô hết niên hạn sử dụng không được sử dụng để tiếp tục tham gia giao thông mà chỉ được tháo gỡ bộ phận chi tiết để tận dụng làm phụ tùng thay thế hoặc sử dụng vào các mục đích mà pháp luật không cấm.”

5. Điều 10 được sửa đổi như sau:

Điều 10. Xử lý phương tiện vi phạm bị tạm giữ không rõ nguồn gốc hoặc không có người nhận.

1. Đối với phương tiện cơ giới đường bộ bị tạm giữ mà không rõ chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp nhưng sau 3 lần (mỗi lần cách nhau 20 ngày) đã được thủ trưởng cơ quan ra quyết định tạm giữ thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan mà không có người đến giải quyết thì thủ trưởng cơ quan đã ra quyết định tạm giữ phương tiện quyết định tịch thu theo quy định của pháp luật.

2. Việc xử lý phương tiện bị tạm giữ không rõ nguồn gốc hoặc không có người nhận sau khi bị tịch thu thực hiện theo quy định tại điều 33, 34 Nghị định 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002”.

6. Điều 11 được sửa đổi như sau:

Điều 11. Xử lý đối với các loại xe tự sản xuất, lắp ráp có động cơ.

Nghiêm cấm các loại xe tự sản xuất, lắp ráp có động cơ tham gia giao thông. Người điều khiển các loại xe này ngoài việc bị xử phạt bằng tiền còn bị tịch thu xe xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe theo quy định của pháp luật”.

7. Khoản 1 điều 15 được sửa đổi như sau:

“1. Khi thi công đường bộ, hệ thống cấp thoát nước, điện chiếu sáng, điện thoại, các công trình ngầm..., đơn vị chủ đầu tư phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức liên quan trong việc xây dựng và tổ chức thi công theo đúng kế hoạch, khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ. Khi thi công xong phải hoàn trả theo nguyên trạng.”

8. Khoản 3 điều 15 được sửa đổi như sau:

“3. Cá nhân, đơn vị thực hiện thi công mà vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn giao thông thì bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu để xảy ra tai nạn giao thông thì tùy mức độ vi phạm còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.”

9. Khoản 1 điều 16 được sửa đổi như sau:

“1. Chỉ đạo UBND cấp xã và các cơ quan, ban, ngành thuộc phạm vi quản lý thực hiện và tổ chức thực hiện các biện pháp để thiết lập và duy trì trật tự an toàn giao thông; coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện.”

10. Bổ sung khoản 8 điều 21 như sau:

“8. Sở Công nghiệp chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, đình chỉ hoạt động của các cơ sở lắp ráp, tự chế các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và đường thủy nội địa trái phép, nếu cơ sở nào cố tình vi phạm thì tịch thu trang thiết bị trực tiếp sản xuất của cơ sở đó.”

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 30 ngày, kể từ ngày ký.

Trong khoảng thời gian trước khi Quyết định này có hiệu lực, yêu cầu Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh, Công an tỉnh, UBND Thành phố Pleiku phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn để nhân dân biết, chuẩn bị các điều kiện thực hiện.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Thế Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 95/2007/QĐ-UBND sửa đổi Quy định về một số biện pháp cụ thể và trách nhiệm của các ngành, các cấp trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Gia Lai kèm theo Quyết định 83/2006/QĐ-UBND do UBND tỉnh Gia Lai ban hành

  • Số hiệu: 95/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/10/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Gia Lai
  • Người ký: Phạm Thế Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/11/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 11/10/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản