Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 949/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 22 tháng 04 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA TRUNG TÂM BẢO TRỢ XÃ HỘI TỈNH LÂM ĐỒNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về việc quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 10/2008/TTLT-BLĐTBXH-BNV ngày 10/7/2008 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và nhiệm vụ quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp xã về lao động, người có công và xã hội và Thông tư liên tịch số 32/2009/TTLT-BLĐTBXH-BNV ngày 21/09/2009 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ hướng dẫn nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và định mức cán bộ, nhân viên của Cơ sở bảo trợ xã hội công lập;

Xét đề nghị của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 12/TTr.LĐTBXH ngày 23/3/2011 về việc đề nghị điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Trung tâm Bảo trợ xã hội trực thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng;

Xét đề nghị của Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Lâm Đồng”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế điều 2, điều 3-Quyết định số 1000/QĐ-UB ngày 30/6/1993 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng về việc chuyển trường Giáo dục Lao động Xã hội thành Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Lâm Đồng.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nội vụ, Lao động Thương binh và Xã hội; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thuộc tỉnh Lâm Đồng; Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan và Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Lâm Đồng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ LĐTBXH;
- Ban Tổ chức Tỉnh ủy;
- Như Điều 3;
- Lưu: VT, TKCT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Đức Hòa

 

QUY ĐỊNH

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA TRUNG TÂM BẢO TRỢ XÃ HỘI TỈNH LÂM ĐỒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 949/QĐ-UBND ngày 22 tháng 04 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng)

Chương I

VỊ TRÍ VÀ CHỨC NĂNG

Điều 1. Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Lâm Đồng (sau đây gọi tắt là Trung tâm) là đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng.

Trung tâm có chức năng tổ chức tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, giáo dục, dạy nghề, tổ chức lao động sản xuất, phục hồi chức năng và các hoạt động khác cho những đối tượng bảo trợ xã hội được Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định nuôi dưỡng tập trung theo quy định của Nhà nước;

Trung tâm chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 2. Trung tâm có tư cách pháp nhân, có con dấu, có tài khoản và trụ sở riêng và hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Chương II

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

Điều 3. Nhiệm vụ:

1. Tiếp nhận, quản lý các đối tượng:

a) Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em bị bỏ rơi, mất nguồn nuôi dưỡng; trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại là mẹ hoặc cha mất tích theo quy định tại Điều 78 Bộ luật Dân sự hoặc không đủ năng lực, khả năng để nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật; trẻ em có cha và mẹ, hoặc cha hoặc mẹ đang trong thời gian chấp hành hình phạt tù tại trại giam, không còn người nuôi dưỡng; trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ gia đình nghèo, thuộc diện đặc biệt khó khăn không tự lo được cuộc sống.

Người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi nhưng đang đi học văn hóa, học nghề, có hoàn cảnh như trẻ em nêu trên thuộc diện đặc biệt khó khăn không tự lo được cuộc sống.

b) Người cao tuổi cô đơn thuộc hộ gia đình nghèo; người cao tuổi còn vợ hoặc chồng nhưng già yếu, không có con, cháu, người thân thích để nương tựa, thuộc hộ gia đình nghèo (theo chuẩn nghèo được Chính phủ quy định cho từng thời kỳ) thuộc diện đặc biệt khó khăn không tự lo được cuộc sống.

c) Người tàn tật nặng không có khả năng lao động hoặc không có khả năng tự phục vụ thuộc hộ gia đình nghèo, thuộc diện đặc biệt khó khăn không tự lo được cuộc sống.

d) Người mắc bệnh tâm thần thuộc các loại tâm thần phân liệt, rối loạn tâm thần đã được cơ quan y tế chuyên khoa tâm thần chữa trị nhiều lần nhưng chưa thuyên giảm và có kết luận bệnh mãn tính, sống độc thân không nơi nương tựa hoặc gia đình thuộc diện hộ nghèo, thuộc diện đặc biệt khó khăn không tự lo được cuộc sống.

đ) Các đối tượng xã hội cần sự bảo vệ khẩn cấp: Trẻ em bị bỏ rơi; nạn nhân của bạo lực gia đình; nạn nhân bị xâm hại tình dục; nạn nhân bị buôn bán; nạn nhân bị cưỡng bức lao động.

e) Người lang thang xin ăn trong thời gian tập trung chờ đưa về nơi cư trú.

g) Các đối tượng khác do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định.

2. Tổ chức hoạt động phục hồi chức năng, lao động sản xuất; trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội trong các hoạt động tự quản, văn hóa, thể thao và các hoạt động khác phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe của từng nhóm đối tượng.

3. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, tổ chức để dạy văn hóa, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp phù hợp với điều kiện của Trung tâm và khả năng của đối tượng bảo trợ xã hội nhằm giúp đối tượng phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và nhân cách.

4. Chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương đưa đối tượng đủ điều kiện hoặc tự nguyện xin ra khỏi cơ sở bảo trợ xã hội trở về với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng; hỗ trợ, tạo điều kiện cho đối tượng ổn định cuộc sống.

5. Bảo đảm chất lượng các bữa ăn hàng ngày cho đối tượng nuôi dưỡng. Ngoài chế độ trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng theo quy định của Nhà nước, Trung tâm huy động sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng và tổ chức lao động tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống cho đối tượng.

6. Thực hiện các Hiệp định hợp tác về con nuôi giữa Việt Nam và nước ngoài theo chỉ đạo của UBND Tỉnh và quy định của pháp luật.

7. Cung cấp dịch vụ về công tác xã hội đối với các cá nhân, gia đình có vấn đề xã hội ở địa phương theo điều kiện của Trung tâm.

8. Tổ chức quản lý, bảo vệ môi trường tại Trung tâm và khu vực nơi trú đóng của Trung tâm; lồng ghép việc thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường với các chương trình, kế hoạch và hoạt động của Trung tâm.

9. Tổ chức công tác bảo vệ giữ gìn an ninh và trật tự an toàn xã hội tại Trung tâm.

10. Quản lý tài chính, tài sản của Trung tâm theo quy định của pháp luật và phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh.

11. Thực hiện công tác thông tin, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật.

12. Xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ hàng năm, 5 năm và các biện pháp thực hiện kế hoạch.

13. Thực hiện các nhiệm vụ khác do cơ quan quản lý cấp trên giao và theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Quyền hạn.

1. Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ công tác của các tổ chức chuyên môn, nghiệp vụ thuộc cơ sở bảo trợ xã hội; quản lý biên chế, thực hiện chế độ tiền lương và bảo hiểm xã hội, chính sách, chế độ đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, nhân viên thuộc thẩm quyền quản lý của cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật và phân cấp của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp.

2. Thực hiện tự chủ về biên chế (trong phạm vi được giao) và kinh phí hoạt động theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ.

Chương III

TỔ CHỨC VÀ BIÊN CHẾ

Điều 5. Tổ chức

1. Lãnh đạo Trung tâm:

a) Trung tâm có Giám đốc và không quá 02 Phó Giám đốc.

b) Giám đốc là người đứng đầu Trung tâm, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Trung tâm.

c) Phó Giám đốc Trung tâm là người giúp Giám đốc trong việc điều hành các hoạt động của Trung tâm; chịu trách nhiệm trước Giám đốc Trung tâm và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công; khi Giám đốc vắng mặt, một Phó Giám đốc được Giám đốc ủy quyền điều hành các hoạt động của Trung tâm.

d) Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm thực hiện theo phân cấp hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh và theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

2. Cơ cấu tổ chức:

a) Phòng Tổng hợp - Hành chính - Kế toán.

b) Phòng Quản lý và giáo dục trẻ em.

c) Phòng Quản lý, chăm sóc người cao tuổi và đối tượng tâm thần.

Các phòng có Trưởng phòng và 01 Phó trưởng phòng.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Trưởng phòng, Phó trưởng phòng thực hiện theo phân cấp hiện hành.

Điều 6. Biên chế

Biên chế của Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Lâm Đồng là biên chế sự nghiệp nằm trong tổng biên chế của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội được Ủy ban nhân dân tỉnh giao hàng năm.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Căn cứ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Lâm Đồng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Lâm Đồng bố trí viên chức lao động phù hợp và quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của các phòng để thực hiện nhiệm vụ./.