Hệ thống pháp luật

UBND TỈNH QUẢNG TRỊ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 948/2005/QĐ- UBND

Đông Hà, ngày 19 tháng 5 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP TẠI TỈNH QUẢNG TRỊ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

- Căn cứ Chương II, Phần VI Bộ luật Dân sự năm 1995;

- Căn cứ Nghị định số 63/CP ngày 24/10/1996 quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp và Nghị định số 06/2001/NĐ-CP ngày 01/02/2001 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/CP ngày 24/10/1996;

- Căn cứ Nghị định số 28/2004/NĐ-CP ngày 16/01/2004 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2003/NĐ-CP ngày 19/5/2003 quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

- Căn cứ thông tư liên tịch số 15/2003/TTLT-BKHCN-BNV ngày 15/07/2003 của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ nội vụ về việc hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về Khoa học & Công nghệ địa phương;

- Theo đề nghị của ông Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ,

QUYẾT ĐỊNH.

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tạm thời chính sách hỗ trợ xác lập quyền Sở hữu công nghiệp tại tỉnh Quảng Trị.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành.

- Các Quy định trước đây trái với Quy định này đều bãi bỏ.

- Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, Ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và các đơn vị, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này ./.

 


Nơi nhân:  
- Như điều 2
- TV Tỉnh ủy , TT HĐND Tỉnh (để báo cáo)  
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp
- Lưu VT,C.N.  

TM. UBND TỈNH QUẢNG TRỊ
CHỦ TỊCH




Lê Hữu Phúc

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP TẠI TỈNH QUẢNG TRỊ.
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 948/2005/QĐ-UBND ngày 19/5/2005 của UBND tỉnh Quảng Trị)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng.

Cá nhân, các tổ chức và các doanh nghiệp ở mọi thành phần kinh tế thuộc tỉnh quản lý (sau đây gọi là các Chủ thể) được xem xét hỗ trợ kinh phí sau khi được cấp Văn bằng bảo hộ Sở hữu công nghiệp.

Điều 2. Giải thích từ ngữ.

1. Quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) là quyền sở hữu của các cá nhân, pháp nhân đối với Sáng chế (SC), Giải pháp hữu ích (GPHI), Kiểu dáng công nghiệp (KDCN), Nhãn hiệu hàng hóa (NHHH), Giống cây trồng mới (GCTM), Chỉ dẫn địa lý (CDĐL), Tên gọi xuất xứ hàng hóa (TGXXHH) và các quyền sở hữu đối với các đối tượng khác do pháp luật quy định(Điều 780- Bộ luật Dân Sự).

2. Đối tượng SHCN là: Sáng chế, Giải pháp hữu ích, Kiểu dáng công nghiệp, Nhãn hiệu hàng hóa, Giống cây trồng mới, Chỉ dẫn địa lý, Tên gọi xuất xứ hàng hóa được định nghĩa tại các Điều: 782, 783, 784, 785, 786 – Bộ luật Dân Sự và các Văn bản Pháp luật khác về SHCN và được Nhà nước bảo hộ.

* Sáng chế là giải pháp kỹ thuật mới so với trình độ kỹ thuật trên thế giới, có trình độ sáng tạo, có khả năng áp dụng trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

* Giải pháp hữu ích là giải pháp kỹ thuật mới so với trình độ kỹ thuật trên thế giới, có khả năng áp dụng trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

* Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, được thể hiện bằng đường nét, hình khối, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố đó, có tính mới đối với thế giới và dùng làm mẫu để chế tạo sản phẩm công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.

* Nhãn hiệu hàng hoá là những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất kinh doanh khác nhau. Nhãn hiệu hàng hoá có thể là từ ngữ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.

* Giống cây trồng được bảo hộ nếu có tính khác biệt (mới), tính đồng nhất (tính trạng biểu hiện như nhau ở các cây cùng giống), tính ổn định (các tính trạng không thay đổi qua nhân giống) và tính mới trong thương mại (vật liệu nhân hoặc sản phẩm thu hoạch chưa được bán trước thời hạn quy định). Ngoài ra, giống cây trồng phải thuộc các chi, loài được Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố.

* Chỉ dẫn địa lý là tên gọi, biểu tượng hoặc hình ảnh của một khu vực, địa phương, dùng để chỉ sản phẩm hàng hoá có nguồn gốc từ khu vực, địa phương đó, có ít nhất một tính chất đặc thù về chất lượng hoặc có danh tiếng liên quan đến điều kiện địa lý tự nhiên, con người của địa phương đó.

* Tên gọi xuất xứ hàng hoá là tên địa lý của một nước, một địa phương là nơi mà hàng hoá tương ứng được sản xuất và hàng hoá đó phải có tính chất, chất lượng đặc thù do các yếu tố địa lý (tự nhiên, con người) của nước, địa phương đó quyết định.

3. Văn bằng bảo hộ: Văn bằng xác lập quyền sở hữu của chủ thể đối với các đối tượng SHCN, do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp (Điều 788 – Bộ luật Dân Sự).

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ CHẾ ĐỘ HỖ TRỢ

Điều 3. Các khoản kinh phí sử dụng.

Chi phí xác lập quyền SHCN bao gồm: phí tra cứu thông tin SHCN trong nước; phí phân nhóm sản phẩm/ dịch vụ; phí và lệ phí (nộp đơn, xin hưởng quyền ưu tiên, công bố đơn, thẩm định đơn, đăng bạ và cấp văn bằng bảo hộ, công bố văn bằng bảo hộ, chi phí lập hồ sơ pháp lý đối với Chỉ dẫn địa lý, Tên gọi xuất xứ hàng hoá, chi phí thuê dịch vụ tư vấn đối với đăng ký nước ngoài).

Điều 4. Điều kiện được hỗ trợ kinh phí.

1. Chủ thể được cấp Văn bằng SHCN đối với Sáng chế, Giải pháp hữu ích, Giống cây trồng mới, Chỉ dẫn địa lý, Tên goị xuất xứ hàng hóa được hỗ trợ không hạn chế số lượng văn bằng.

2. Chủ thể được cấp Văn bằng SHCN đối với Kiểu dáng công nghiệp, Nhãn hiệu hàng hóa được hỗ trợ kinh phí thiết lập một Văn bằng bảo hộ cho mỗi nhóm sản phẩm đang lưu thông, dịch vụ đang sử dụng trên thị trường.

3. Chủ thể được cấp Văn bằng SHCN ở ngoài nước được hỗ trợ một lần đăng ký tại 01 quốc gia cho mỗi đối tượng SHCN quy định tại khoản 2 điều 2.

Điều 5. Hỗ trợ đăng ký bảo hộ SHCN trong nước.

Chủ thể sau khi được cấp Văn bằng bảo hộ SHCN được hỗ trợ 50% chi phí xác lập quyền SHCN.

Điều 6. Hỗ trợ đăng ký bảo hộ SHCN ngoài nước.

Chủ thể sau khi được cấp Văn bằng bảo hộ SHCN ở ngoài nước được hỗ trợ 20% chi phí xác lập quyền SHCN, nhưng tối đa không quá 10 triệu đồng.

Điều 7. Hỗ trợ đăng ký bảo hộ một số đối tượng SHCN đặc thù.

Chủ thể sau khi được cấp Văn bằng bảo hộ SHCN là Chỉ dẫn địa lý, Tên goị xuất xứ hàng hóa được hỗ trợ 100% chi phí xác lập quyền SHCN.

Điều 8. Quy định về hồ sơ

Các Chủ thể đủ điều kiện hưởng chế độ hỗ trợ kinh phí theo quy định này cần nộp cho cơ quan quản lý có thẩm quyền của tỉnh các loại hồ sơ sau đây:

1. Văn bản đề nghị hỗ trợ đăng ký xác lập quyền SHCN (nếu không có con dấu hợp pháp, cần có xác nhận của chính quyền địa phương).

2. Bản sao văn bằng bảo hộ (có công chứng).

3. Bản sao các chứng từ hợp lệ chi phí đăng ký xác lập quyền SHCN.

Chương III

TỔ CHỨC VÀ THỰC HIỆN

Điều 9. Trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết của các cơ quan quản lý.

1. Sở Khoa học và Công nghệ:

- Được ủy quyền tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và thực hiện chi trả chế độ hỗ trợ cho các chủ Văn bằng Sáng chế, Giải pháp hữu ích, Kiểu dáng công nhiệp, Nhãn hiệu hàng hóa theo các mức quy định tại Điều 5 và Điều 6.

- Chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan hỗ trợ xúc tiến đăng ký bảo hộ Chỉ dẫn địa lý, Tên gọi xuất xứ hàng hóa và thực hiện chi trả theo mức quy định tại Điều 7.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Được ủy quyền tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và thực hiện chi trả chế độ hỗ trợ cho chủ Văn bằng Giống cây trồng mới theo các mức quy định tại Điều 5 và Điều 6.

3. Sở Tài chính cân đối ngân sách hàng năm để các ngành thực hiện chi trả chế độ hỗ trợ theo Quy định này.

Điều 10. Thời hạn giải quyết.

Các cơ quan có thẩm quyền quy định tại điều 9 tiến hành thẩm định và thực hiện chế độ chi trả hỗ trợ trong thời hạn không quá 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của các Chủ thể theo quy định. Trường hợp không đủ điều kiện hỗ trợ phải thông báo bằng văn bản cho Chủ thể và giải thích rõ lý do từ chối hoặc đề nghị bổ sung hồ sơ.

Điều 11. Nguồn kinh phí thực hiện chính sách.

- Kinh phí thực hiện chế độ hỗ trợ cho các chủ Văn bằng Sáng chế, Giải pháp hữu ích, Kiểu dáng công nhiệp, Nhãn hiệu hàng hóa, Chỉ dẫn địa lý, Tên gọi xuất xứ hàng hóa theo quy định này được sử dụng trong kinh phí sự nghiệp KH & CN hàng năm.

- Kinh phí thực hiện chế độ hỗ trợ cho các chủ Văn bằng Giống cây trồng mới theo quy định này được sử dụng trong kinh phí sự nghiệp hàng năm của ngành NN & PTNT do Sở Tài chính cân đối.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. Hướng dẫn và trách nhiệm thi hành.

- Các chế độ hỗ trợ tại quy định này không thay thế cho quyền lợi và nghĩa vụ của các Chủ thể theo các quy định hiện hành của Nhà nước và của tỉnh.

- Trong quá trình thực hiện nếu có những vấn đề phát sinh; Giám đốc các Sở KH & CN, Sở NN & PTNT và Thủ trưởng cơ quan có liên quan có trách nhiệm đề xuất UBND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp ./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 948/2005/QĐ-UB Quy định tạm thời chính sách hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp tại tỉnh Quảng Trị

  • Số hiệu: 948/2005/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 19/05/2005
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Trị
  • Người ký: Lê Hữu Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/06/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản