Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 93/2005/QĐ-UBND

Thị xã Cao Lãnh, ngày 27 tháng 09 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA CÁC LỰC LƯỢNG BIÊN PHÒNG – CÔNG AN – HẢI QUAN – KIỂM DỊCH Y TẾ - KIỂM DỊCH ĐỘNG VẬT – KIỂM DỊCH THỰC VẬT – CẢNG VỤ TẠI CỬA KHẨU QUỐC TẾ THƯỜNG PHƯỚC VÀ CỬA KHẨU QUỐC GIA DINH BÀ, TỈNH ĐỒNG THÁP

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND do Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam công bố ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 34/2000/NĐ-CP ngày 18/8/2000 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Theo đề nghị của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp hoạt động giữa các lực lượng Biên phòng – Công an – Hải quan – Kiểm dịch Y tế - kiểm dịch động vật – Kiểm dịch thực vật – Cảng vụ cửa khẩu Quốc tế Thường Phước và cửa khẩu Quốc gia Dinh Bà, tỉnh Đồng Tháp

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký. Và thay thế Quyết định số 27/2005/QĐ-UB ngày 28/2/2005 của UBND tỉnh Đồng Tháp.

Giao trách nhiệm cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng chủ trì kết hợp với các ngành chức năng và UBND các huyện, thị tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy chế này. Định kỳ, tháng, quý, 6 tháng và năm tổng hợp báo cáo UBND Tỉnh theo quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan của Tỉnh, Giám đốc các Doanh nghiệp nhà nước và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Cục kiểm tra văn bản – Bộ Tư pháp;
- TT/TU, TT/HĐND Tỉnh;
- Chủ tịch, PCT.UBND Tỉnh;
- Như điều 3;
- Các ban Đảng, Đoàn thể Tỉnh;
- LĐVP;
- Lưu VT, NC/NC (H.Giang).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Trương Ngọc Hân

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA CÁC LỰC LƯỢNG BIÊN PHÒNG – CÔNG AN - HẢI QUAN – KIỂM DỊCH Y TẾ - KIỂM DỊCH ĐỘNG VẬT – KIỂM DỊCH THỰC VẬT - CẢNG VỤ TẠI CỬA KHẨU QUỐC TẾ THƯỜNG PHƯỚC CỦA CỬA KHẨU QUỐC GIA DINH BÀ TỈNH ĐỒNG THÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 93/2005/QĐ-UB ngày 27 tháng 9 năm 2005 của UBND tỉnh Đồng Tháp)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quan hệ giữa lực lượng Biên phòng – Công an quản lý xuất nhập cảnh – Hải quan – Kiểm dịch Y tế - Kiểm dịch động vật – Kiểm dịch thực vật – Cảng vụ (sau đây gọi tắt là các lực lượng) là quan hệ phối hợp giữa các lực lượng chuyên trách trên cơ sở chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, văn bản của cấp trên và chức năng nhiệm vụ quyền hạn của từng lực lượng theo quy định của pháp luật. Trong đó tập trung công tác đấu tranh phòng chống xâm nhập, vượt biên trái phép, buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Điều 2. Phối hợp hoạt động giữa các lực lượng trên địa bàn biên giới tỉnh Đồng Tháp, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của mỗi lực lượng dựa trên nguyên tắc đấu tranh có hiệu quả cao nhất, vì mục đích chung, hỗ trợ lẫn nhau hoàn thành nhiệm vụ chính trị của từng lực lượng, thực hiện tốt chủ trương chính sách mở cửa thông thoáng của Đảng, Nhà nước đúng Điều ước Quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia, tránh đùn đẩy trách nhiệm.

Điều 3. Căn cứ tình hình thực tế trên địa bàn trong từng giai đoạn đối với lực lượng có yêu cầu phối hợp phải có nội dung yêu cầu kế hoạch cụ thể đối với lực lượng tham gia phải giữ đúng nguyên tắc, quy định trong sử dụng lực lượng, phương tiện, vũ khí các vụ việc khi có phối hợp, kết quả sử dụng phải được thông báo bằng văn bản cho lực lượng phối hợp biết. Trong quá trình phối hợp, phải tôn trọng giúp đỡ lẫn nhau, thực hiện đúng pháp luật và đảm bảo nguyên tắc bí mật thông tin nghiệp vụ.

Điều 4. Các lực lượng phối hợp hoạt động phải tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh và thông quan hàng hóa, đấu tranh phòng chống các hành vi xâm phạm an ninh biên giới Quốc gia. Giữ vững chủ quyền an ninh biên giới, phòng chống dịch bệnh cho người, động vật, thực vật tránh chồng chéo.

Chương II

NỘI DUNG PHỐI HỢP

Điều 5. Trong tiếp nhận và xử lý trao đổi thông tin:

Các lực lượng có trách nhiệm trao đổi với nhau những thông tin, tình hình liên quan như:

- Các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, các văn bản có liên quan đến hoạt động của từng lực lượng.

- Âm mưu ý đồ và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, đường dây, ổ nhóm các loại tội phạm, phương thức hoạt động và thủ đoạn của chúng. Tình hình dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.

- Các lĩnh vực mà các lực lượng cùng quan tâm, khó khăn thuận lợi của từng lực lượng cần thông báo để bàn bạc hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau.

Điều 6. Trong thực hiện nhiệm vụ tại cửa khẩu:

1. Các lực lượng phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho nhau trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của từng lực lượng. Thực hiện thủ tục cải cách hành chính như: niêm yết công khai quy trình, thủ tục kiểm soát quản lý của từng lực lượng theo quy định của pháp luật.

2. Tại cửa khẩu, các lực lượng thống nhất tổ chức bố trí trực 24/24 giờ trong ngày và thời gian làm việc xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu trong ngày từ 6 giờ đến 18 giờ. Đối với các trường hợp đặc biệt có yêu cầu hoàn thành thủ tục thông quan ngay cho hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện và người xuất nhập cảnh thì lãnh đạo các lực lượng phối hợp trao đổi giải quyết hợp lý cho đối tượng có yêu cầu; thực hiện kiểm tra, kiểm soát, quản lý xuất nhập cảnh kịp thời phát hiện các hoạt động vi phạm quy định về xuất nhập cảnh và xuất nhập khẩu.

Điều 7. Trong lĩnh vực quản lý của từng lực lượng:

1. Bộ đội Biên phòng là lực lượng nòng cốt thực hiện công tác kiểm soát, kiểm chứng hộ chiếu giấy tờ, người xuất nhập cảnh qua cửa khẩu theo quy định tại điều 19 Nghị định số 05/2000/NĐ-CP ngày 03/3/2000 và điều 24 Nghị định 21/2001/NĐ-CP của Chính phủ về xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam và người nước ngoài; Nghị định số 32/2005/NĐ-CP ngày 14/3/2005 về quy chế cửa khẩu biên giới đất liền. Khi phát hiện các hoạt động vi phạm quy chế biên giới về xuất nhập cảnh, thì các lực lượng khác thông báo bàn giao cho Bộ đội Biên phòng xử lý.

2. Hải quan là lực lượng nòng cốt thực hiện công tác kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu và phương tiện vận tải xuất nhập khẩu, khi phát hiện các vụ việc vi phạm về pháp luật Hải quan trong phạm vi địa bàn hoạt động thì các lực lượng khác thông báo cho lực lượng Hải quan cửa khẩu để kiểm tra xử lý, theo quy định tại mục 4, chương III Luật Hải quan quy định thủ tục Hải quan và chế độ kiểm tra, giám sát.

3. Kiểm tra Y tế thực hiện theo Điều lệ kiểm dịch Y tế quy định tại Nghị định số 41/1998/NĐ-CP ngày 11/6/1998 của Chính phủ Quy định về điều lệ kiểm dịch Y tế qua biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Lực lượng Kiểm dịch Y tế là lực lượng nòng cốt thực hiện việc kiểm tra dịch bệnh đối với người xuất nhập cảnh. Các lực lượng khác khi phát hiện các hiện tượng dịch bệnh thì thông báo ngay cho Trung tâm Y tế dự phòng để triển khai lực lượng Kiểm dịch và tạm giữ, bàn giao cho lực lượng Y tế xử lý.

4. Lực lượng Kiểm dịch động vật, Kiểm dịch thực vật là lực lượng thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát động thực vật xuất nhập khẩu, các lực lượng khác khi phát hiện hàng hóa thuộc diện kiểm dịch động, thực vật và đối tượng kiểm dịch động, thực vật phải thông báo, tạm giữ để bàn giao cho lực lượng kiểm dịch xử lý.

- Trong trường hợp cơ quan Kiểm dịch động, thực vật có yêu cầu kiểm dịch lô hàng trước khi hoàn thành thủ tục Hải quan thì cơ quan Hải quan chỉ quyết định thông quan hàng hóa sau khi có kết luận của cơ quan kiểm dịch.

- Tùy theo tính chất hàng hóa, do pháp luật quy định, cơ quan Kiểm dịch có thể kiểm dịch cùng lúc với Hải quan đang kiểm tra hàng hóa hoặc kiểm dịch sau khi hàng hóa đã hoàn thành thủ tục Hải quan theo thời gian và địa điểm đã được xác định trong giấy đăng ký kiểm dịch.

- Nếu hàng hóa thuộc đối tượng Kiểm dịch thú y, phải chuyển đến cơ sở cách ly kiểm dịch, thì cơ quan Kiểm dịch thông báo địa điểm của cơ sở cách ly kiểm dịch để Hải quan biết.

5. Trạm Công an quản lý xuất nhập cảnh xây dựng bên ngoài và phía sau Trạm kiểm soát liên hợp Thường phước và Dinh Bà có nhiệm vụ:

- Cấp giấy thông hành biên giới cho cán bộ công nhân viên sang tỉnh biên giới đối diện theo quy định tại điểm d điều 13 Hiệp định về quy chế biên giới Việt Nam và Campuchia ký ngày 20/7/1983 và điểm 2 mục 2 thông tư 09/TT-LB ngày 07/4/1990 của liên bộ Bộ Nội vụ - Bộ Ngoại giao về việc cấp giấy tờ cho công nhân Việt Nam sang Campuchia.

- Giấy phép tạm nhập xuất theo phương tiện thủy bộ có động cơ và không có động cơ được quy định tại Nghị định 101/2001/NĐ-CP ngày 31/12/2011 của Chính phủ ban hành chi tiết một số điều của luật Hải quan và Thông tư số 11/2003/TT-BCA (A11) ngày 03/7/2003 của Bộ Công an về việc thi hành Nghị định này.

- Cấp giấy thông hành biên giới cho đồng bào Khơme ở các tỉnh, thành phố vùng Tây nam bộ quy định tại công văn số 13/CP-NC ngày 03/3/2004 của Thủ tướng Chính phủ.

- Cấp các loại giấy tờ cho các đối tượng khi đến khu vực kinh tế cửa khẩu tham quan du lịch, kinh doanh có nhu cầu chính đáng đi sâu vào nội địa theo quy định và quyền hạn của ngành Công an mà pháp luật cho phép.

- Khi phát hiện các đối tượng nghi vấn phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng có biện pháp xử lý thích hợp.

6. Đại diện Cảng vụ Đồng Tháp xây dựng khu vực làm việc bên ngoài và phía sau Trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu Thường Phước, thực hiện nhiệm vụ quản lý hoạt động của tàu thuyền tại khu vực cửa khẩu Thường Phước nhằm đảm bảo an toàn hàng hải, vệ sinh, trật tự và phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong khu vực.

Điều 8. Phối hợp trong công tác xây dựng và củng cố các lực lượng:

1. Nếu có dư luận về các hoạt động của các lực lượng trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ thì lãnh đạo các bên thông báo cho nhau và cùng phối hợp điều tra làm rõ vụ việc thuộc lĩnh vực đơn vị nào thì lãnh đạo đơn vị đó chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tiền hành giải quyết, các đơn vị còn lại có trách nhiệm hỗ trợ.

2. Nếu có nghi vấn móc nối vào nội bộ, cản trở nhau trong quá trình điều tra, thì chỉ huy đồn Biên phòng, trạm Công an quản lý xuất nhập cảnh, lãnh đạo chi cục Hải quan, trạm Kiểm dịch thực vật, trạm Kiểm dịch động vật, trạm Kiểm dịch Y tế, Đại diện Cảng vụ trao đổi trực tiếp để giải quyết theo quy định của pháp luật, nếu không thống nhất được thì báo báo lên cấp trên của mỗi bên để xử lý. Nếu có ý kiến trái ngược nhau hoặc vượt thẩm quyền, thì Chỉ huy Biên phòng xin ý kiến UBND Tỉnh và lãnh đạo chuyên ngành cấp trên.

Điều 9. Phối hợp trong phát hiện, ngăn chặn, điều tra xử lý vụ việc:

1. Mỗi lực lượng theo chức năng nhiệm vụ của từng ngành chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống hành vi vi phạm và tội phạm, đồng thời căn cứ thực tế tình hình từng giai đoạn, địa bàn xây dựng kế hoạch phối hợp theo từng năm hoặc từng chuyên án.

2. Đối với từng trường hợp vì lý do đảm bảo kịp thời việc tổ chức thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để bắt giữ ngay đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài phạm vi hoạt động mà không kịp thông báo cho các lực lượng biết phối hợp hỗ trợ thì vừa tổ chức triển khai vừa tìm cách thông báo sớm nhất cho các lức lượng biết, để phối hợp hỗ trợ khi cần thiết. Lực lượng nhận được thông báo có trách nhiệm triển khai lực lượng mình để hỗ trợ.

3. Phối hợp trong hợp đồng tác chiến chống lấn chiếm biên giới, các hoạt động tập kích, gây rối, hỗ trợ nhau khi xảy ra các vụ việc chống người thi hành công vụ, các vụ việc đột xuất khác xảy ra trong địa bàn quản lý, bảo vệ cơ quan, phòng chống cháy nổ.

Điều 10. Trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật:

Các lực lượng thường xuyên phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vận động quần chúng tham gia bảo vệ biên giới, đấu tranh phòng chống tội phạm ở khu vực biên giới và cửa khẩu.

Điều 11. Phối hợp giữa các lực lượng chuyên ngành với UBND địa phương sở tại:

1. Chủ động thống nhất những vấn đề tham mưu cho chính quyền địa phương các cấp về giải pháp khả thi trong lĩnh vực chuyên ngành của mỗi lực lượng hoặc tham mưu các biện pháp quản lý, phục vụ phát triển kinh tế kết hợp với an ninh quốc phòng ở địa bàn biên giới.

2. Tích cực tham gia thực hiện các chủ trương kế hoạch của địa phương, vận động quần chúng nhân dân trên địa bàn thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, xây dựng thôn, xóm, ấp văn hóa.

Điều 12. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Lãnh đạo: Công an Tỉnh, Cục Hải quan, Trung tâm Y tế dự phòng, Chi Cục bảo vệ động vật, Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục thú y, Cảng vụ Đồng Tháp giao trách nhiệm cho các đơn vị trực thuộc tại cửa khẩu trong hoạt động phối hợp như sau:

1. Giao cho Đồn Biên phòng 917, 909 thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đồng Tháp, trạm Công an quản lý xuất nhập cảnh, Chi cục Hải quan cửa khẩu Thường Phước, Dinh Bà, Phòng kiểm nghiệm giống cây trồng, trạm Kiểm dịch động, thực vật, đại diện Cảng vụ tại cửa khẩu Thường Phước có trách nhiệm trực tiếp thực hiện các hoạt động phối hợp theo quy chế này.

a) Tổ chức quán triệt, hướng dẫn thực hiện quy chế này đến các đơn vị thuộc quyền của từng lực lượng vận dụng phù hợp vào từng địa bàn cụ thể.

b) Tiếp nhận và giải quyết các ý kiến đề xuất của trạm kiểm soát Liên ngành về việc thực hiện các nội dung của quy chế này, để trao đổi bàn bạc thống nhất giải quyết. Đối với các vụ việc vượt quá thẩm quyền thì báo cáo lên cấp trên theo ngành dọc, xin ý kiến trước khi báo cáo UBND tỉnh quyết định.

c) Hàng tháng tổ chức họp đánh giá tình hình trong tháng, bàn phương hướng nhiệm vụ tháng tiếp theo, luân phiên mỗi đơn vị đăng cai 1 lần và chuẩn bị nội dung địa điểm.

d) Hàng năm tổ chức sơ, tổng kết đánh giá tình hình, kết quả thực hiện quy chế phối hợp hoạt động giữa các lực lượng, báo cáo gửi về UBND Tỉnh và theo ngành dọc của từng lực lượng.

2. Đối với Trạm kiểm soát Liên ngành cửa khẩu Quốc tế Thường Phước và cửa khẩu Quốc gia Dinh Bà:

a) Tổ chức quán triệt, phối hợp triển khai tốt nội dung quy chế này.

b) Thống nhất xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phối hợp giữa các lực lượng theo nội dung quy định tại điều 5, 6, 7 của quy chế này vận dụng phù hợp với thực tế.

c) Hàng ngày duy trì các cuộc họp giao ban giữa các lực lượng, nội dung do lực lượng Biên phòng chủ trì, các lực lượng khác phối hợp nhằm tổng hợp đánh giá tình hình và kết quả kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu trong ngày, triển khai ca kíp trực và giao ban ca kíp trực theo quy định.

3. Khi có yêu cầu công tác, lãnh đạo các lực lượng cấp tỉnh nêu trên tổ chức họp liên ngành để trao đổi tình hình kết quả phối hợp giữa các lực lượng, thống nhất phương hướng chỉ đạo công tác phối hợp cho cấp dưới.

Điều 13. UBND các xã có cửa khẩu: Thường Phước (Hồng Ngự) và Tân Hộ Cơ (Tân Hồng) có trách nhiệm:

- Giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng trên địa bàn thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ.

- Phối hợp với các lực lượng chuyên ngành đấu tranh và ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động vượt biên, buôn lậu vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới cửa khẩu và các hành vi phạm pháp khác.

Điều 14. UBND Tỉnh giao cho Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng hàng năm tổng kết đánh giá tình tình, kết quả thực hiện quy chế phối hợp giữa các lực lượng theo quy định.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Căn cứ vào nội dung của quy chế này, lãnh đạo các lực lượng tổ chức quán triệt cho lực lượng minh thông suốt và thực hiện.

Trong quá trình thực hiện quy chế này, tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc, sẽ được cấp trên của ngành khen thưởng theo chế độ quy định của Nhà nước. Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành.

Điều 16. Quá trình thực hiện quy chế này có khó khăn, vướng mắc, yêu cầu các đơn vị tập hợp báo cáo về cơ quan chủ quản của mình để tổng hợp trình UBND Tỉnh xem xét quyết định việc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 93/2005/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp hoạt động giữa lực lượng Biên phòng – Công an – Hải quan – Kiểm dịch Y tế - kiểm dịch động vật – Kiểm dịch thực vật – Cảng vụ cửa khẩu Quốc tế Thường Phước và cửa khẩu Quốc gia Dinh Bà, tỉnh Đồng Tháp do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành

  • Số hiệu: 93/2005/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/09/2005
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
  • Người ký: Trương Ngọc Hân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản