Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------------

Số: 92/2009/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 08 tháng 07 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ TÍN DỤNG ĐỐI VỚI THƯƠNG NHÂN HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI TẠI VÙNG KHÓ KHĂN

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;
Căn cứ Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2007 số 20/2007/NQ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn là việc sử dụng các nguồn lực tài chính do Nhà nước huy động để cho vay phát triển thương mại ở địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc góp phần thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, tăng trưởng kinh tế đồng đều giữa các vùng trong cả nước.

Giao Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện chính sách tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn theo quy định tại Quyết định này.

Điều 2. Vùng khó khăn

1. Vùng khó khăn được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với thương nhân quy định tại Quyết định này bao gồm các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) quy định trong Danh mục ban hành kèm theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn.

2. Các xã thành lập sau khi Quyết định này có hiệu lực, trên cơ sở chia, tách, sáp nhập các đơn vị hành chính thuộc Danh mục nêu tại khoản 1 trên đây cũng được hưởng chính sách tín dụng theo Quyết định này.

Điều 3. Thương nhân hoạt động thương mại

1. Thương nhân bao gồm: tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh.

2. Hoạt động thương mại: thực hiện theo quy định của Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Điều 4. Đối tượng được vay vốn

Đối tượng được vay vốn theo quy định tại Quyết định này là thương nhân hoạt động thương mại thường xuyên ở vùng khó khăn.

Điều 5. Điều kiện được vay vốn

Để được vay vốn, đối tượng được vay vốn quy định tại Điều 4 Quyết định này phải đáp ứng các điều kiện sau:

1. Được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thương nhân hoạt động thương mại xác nhận có thực hiện hoạt động thương mại thường xuyên trên địa bàn.

2. Có vốn tự có (bao gồm: giá trị vật tư, quyền sử dụng đất, tiền vốn) tham gia tối thiểu bằng 20% tổng nhu cầu vốn vay cho hoạt động thương mại tại địa bàn vùng khó khăn.

3. Thực hiện các biện pháp bảo đảm tiền vay theo quy định tại Điều 12 Quyết định này.

Điều 6. Nguyên tắc vay vốn

1. Thương nhân vay vốn phải sử dụng vốn vay đúng mục đích xin vay quy định tại Điều 7 Quyết định này.

2. Thương nhân vay vốn phải trả nợ gốc, lãi đúng hạn theo hợp đồng tín dụng đã cam kết.

Điều 7. Mục đích sử dụng vốn vay

Ngân hàng Chính sách xã hội cho thương nhân vay vốn để đáp ứng các nhu cầu vốn cho hoạt động thương mại gồm:

1. Đầu tư xây dựng trụ sở, cửa hàng, kho tàng, trang thiết bị và các tài sản khác.

2. Mua sắm hàng hóa gồm máy móc, thiết bị, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, hàng tiêu dùng, các động sản khác được lưu thông trên thị trường.

3. Góp vốn với các tổ chức, cá nhân khác để thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh tại địa bàn vùng khó khăn quy định tại Điều 2 Quyết định này.

Điều 8. Mức vốn cho vay

1. Đối với thương nhân là cá nhân không thực hiện mở sổ sách kế toán và nộp thuế khoán theo quy định của cơ quan thuế: mức vốn cho vay tối đa là 30 triệu đồng.

2. Đối với thương nhân là cá nhân thực hiện mở sổ sách kế toán và kê khai nộp các loại thuế theo quy định của pháp luật: mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng.

3. Đối với thương nhân là tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp. Mức vốn cho vay tối đa là 500 triệu đồng.

Điều 9. Lãi suất cho vay

1. Lãi suất cho vay áp dụng bằng mức lãi suất cho vay đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn.

2. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.

3. Việc điều chỉnh mức lãi suất cho vay do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội.

Điều 10. Thời hạn cho vay, gia hạn nợ

1. Thời hạn cho vay được xác định theo các loại cho vay: ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nhưng tối đa không quá 5 năm.

2. Thời hạn cho vay của từng trường hợp do Ngân hàng Chính sách xã hội quyết định, phù hợp với mục đích sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ của thương nhân và chu kỳ của hoạt động thương mại.

3. Thời hạn gia hạn nợ đối với các khoản vay vốn ngắn hạn tối đa không quá 12 tháng. Thời hạn gia hạn nợ đối với các khoản cho vay trung hạn và dài hạn, tối đa bằng 1/2 thời hạn cho vay ghi trong hợp đồng tín dụng.

Điều 11. Phương thức cho vay

Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay trực tiếp đối với thương nhân.

Điều 12. Bảo đảm tiền vay

1. Thương nhân vay vốn đến 30 triệu đồng không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.

2. Thương nhân vay vốn trên 30 triệu đồng phải thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm và hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Điều 13. Xử lý rủi ro nguyên nhân khách quan

Việc xử lý rủi ro được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý nợ bị rủi ro của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Điều 14. Trách nhiệm của Ngân hàng Chính sách xã hội

1. Hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, quy trình, thủ tục cho vay, bảo đảm đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện.

2. Thẩm định hồ sơ xin vay vốn của khách hàng và thực hiện cho vay đúng đối tượng và đáp ứng đủ điều kiện vay vốn theo quy định.

3. Xây dựng quy trình và thực hiện việc kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn và trả nợ của thương nhân phù hợp với đặc điểm hoạt động của ngân hàng, tính chất của khoản vay nhằm bảo đảm sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả và khả năng thu hồi vốn vay. Trường hợp thương nhân đã vay vốn nhưng không sử dụng tiền vay để hoạt động thương mại tại vùng khó khăn, Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn và các cơ quan chức năng thu hồi nợ theo quy định.

Điều 15. Trách nhiệm của thương nhân vay vốn

1. Lập hồ sơ vay vốn theo hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách xã hội và chịu trách nhiệm về tính chính xác và hợp pháp của các tài liệu gửi Ngân hàng Chính sách xã hội.

2. Thực hiện đầy đủ nguyên tắc vay vốn theo quy định tại Điều 6 Quyết định này.

3. Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và các cam kết khác trong hợp đồng tín dụng.

4. Chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội về việc sử dụng vốn, trả nợ, trả lãi ngân hàng.

Điều 16. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo thẩm quyền về chính sách tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn theo quy định tại Quyết định này, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.

2. Bộ Tài chính

a) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài chính theo thẩm quyền; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định này;

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp kế hoạch tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn trong kế hoạch tín dụng chính sách và kế hoạch cấp bù chênh lệch lãi suất, bố trí vào dự toán ngân sách nhà nước hàng năm trình Chính phủ trình Quốc hội để giao Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp kế hoạch tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn trong kế hoạch tín dụng chính sách và kế hoạch cấp bù chênh lệch lãi suất, bố trí vào dự toán ngân sách nhà nước hàng năm trình Chính phủ trình Quốc hội.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện chính sách tín dụng đối với thương nhân kinh doanh thương mại tại vùng khó khăn theo quy định của pháp luật và Quyết định này.

Điều 17. Hiệu lực thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 9 năm 2009.

2. Đối với các cá nhân thuộc hộ gia đình có đăng ký kinh doanh đã được vay vốn theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn được quyền vay vốn theo quy định tại Quyết định này sau khi hoàn trả đầy đủ cả gốc, lãi cho Ngân hàng Chính sách xã hội.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Ngân hàng Chính sách xã hội chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- UB Giám sát tài chính QG;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu Văn thư, KTTH (5b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 92/2009/QĐ-TTg năm 2009 về tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 92/2009/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/07/2009
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 21/07/2009
  • Số công báo: Từ số 349 đến số 350
  • Ngày hiệu lực: 05/09/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản