Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 884/QĐ-UBND .HC

Đồng Tháp, ngày 11 tháng 9 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT DỰ ÁN: “ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG VÀ ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TẠI CÁC KHU, CỤM VÀ LÀNG NGHỀ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP ĐẾN NĂM 2020”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 45/2010/TTLT-BTC-BTNMT ngày 30/3/2010 về việc hướng dẫn việc quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường;

Căn cứ Quyết định số 748/QĐ-UBND.HC ngày 29 tháng 8 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về việc phê duyệt Đề cương dự án “Đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường các khu, cụm công nghiệp và làng nghề sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020”;

Xét Tờ trình số 509/TTr-STNMT ngày 06 tháng 9 năm 2014 của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Dự án “Đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường tại các khu, cụm và làng nghề sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020” (kèm theo Báo cáo), với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Tên dự án: “Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường tại các khu, cụm và làng nghề sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020”

2. Địa điểm thực hiện dự án: trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

3. Mục tiêu:

Ngăn chặn gia tăng ô nhiễm, giảm thiểu nguồn thải, cải thiện chất lượng môi trường của các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) và làng nghề nhằm đảm bảo cho người lao động trong các KCN, CCN và làng nghề và nhân dân vùng xung quanh được sống và làm việc trong môi trường có chất lượng tốt. Đồng thời, hướng đến xây dựng, chuyển đổi các KCN, CCN và làng nghề trên địa bàn tỉnh sang mô hình KCN sinh thái, làng nghề du lịch sinh thái thân thiện với môi trường phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, cụ thể:

3.1. Mục tiêu đến 2015:

- 100% lượng rác thải công nghiệp tại các KCN, CCN đều được thu gom và xử lý, đặc biệt là chất thải nguy hại.

- Ngăn ngừa ô nhiễm và cải thiện tình hình ô nhiễm môi trường tại các khu vực sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.

- Phấn đấu 100% các cơ sở sản xuất thuộc nhóm B, C như tái chế nhựa, nhuộm, giết mổ gia súc… và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoạt động trong các làng nghề được thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, các cơ sở phải lập kế hoạch khắc phục xử lý ô nhiễm.

- Quản lý chặt chẽ việc công nhận làng nghề gắn với các điều kiện về bảo vệ môi trường; hoàn thành việc rà soát lại danh mục làng nghề đã được công nhận, bảo đảm 100% làng nghề được công nhận đáp ứng đầy đủ các điều kiện về bảo vệ môi trường; hoàn thành việc phân loại các hộ, cơ sở sản xuất trong làng nghề theo loại hình sản xuất và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

- Cơ bản hoàn thiện các công cụ chính sách, pháp luật cho công tác quản lý và bảo vệ môi trường làng nghề, đặc biệt là các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho làng nghề truyền thống.

- Phân công, phân cấp cụ thể về trách nhiệm quản lý làng nghề và các cơ sở sản xuất trong làng nghề giữa các Sở, ngành và chính quyền địa phương để triển khai, phối hợp đồng bộ, hiệu quả.

- Quản lý thống nhất từ tỉnh đến địa phương thông tin về số lượng và hiện trạng sản xuất, hiện trạng môi trường các làng nghề được công nhận, làng nghề chưa được công nhận và làng nghề truyền thống; đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, theo dõi thường xuyên, liên tục chất lượng môi trường tại các làng nghề hiện đang ô nhiễm, công khai danh sách các làng nghề ô nhiễm môi trường.

3.2. Mục tiêu đến 2020:

- Các cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trong KCN, CCN và làng nghề đều được tiếp cận khái niệm sản xuất sạch hơn và từng bước thay đổi công nghệ, áp dụng phương thức sản xuất sạch hơn nhằm hạn chế tối thiểu lượng chất thải phát sinh.

- 100% các KCN, CCN tập trung đi vào hoạt động hoàn thành hạ tầng về bảo vệ môi trường và xử lý chất thải đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định

- Công khai và cập nhật thường xuyên danh sách, thông tin về thực trạng các làng nghề được công nhận, làng nghề chưa được công nhận và làng nghề truyền thống trên phạm vi toàn tỉnh.

- Quản lý chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề, cơ bản kiểm soát được tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề; không phát sinh làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới.

- Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các công cụ chính sách, pháp luật đặc thù cho công tác bảo vệ môi trường cho làng nghề và chính sách, pháp luật về phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường.

- Triển khai thường xuyên, liên tục các công cụ quản lý môi trường làng nghề, đặc biệt là công tác theo dõi, giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở sản xuất tại các làng nghề chưa được công nhận.

- Tiếp tục phối hợp đồng bộ, có hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý môi trường làng nghề từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt ở cấp huyện và cấp xã.

- 100% các cơ sở sản xuất còn tồn tại trong các làng nghề chưa được công nhận có biện pháp xử lý chất thải theo quy định hoặc lập kế hoạch và di dời vào khu, cụm công nghiệp làng nghề hay chấm dứt hoạt động.

- 100% các khu, cụm công nghiệp và làng nghề tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

- Đảm bảo nguồn kinh phí thường xuyên đáp ứng yêu cầu của công tác bảo vệ môi trường làng nghề.

- Tiếp tục xử lý ô nhiễm tại các làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Danh mục do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường xác định.

- Triển khai nhân rộng các mô hình xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên phạm vi cả tỉnh.

4. Nội dung và các giải pháp chung để kiểm soát giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các KCN, CCN và làng nghề trên địa bàn tỉnh:

4.1. Về quy hoạch:

a) Về phân khu chức năng và ngành nghề đầu tư vào KCN, CCN: thu hút các ngành nghề có mối tương quan với nhau và phân thành từng khu chức năng để hình thành các vòng tuần hoàn trong KCN, CCN, để có thể khai thác tối đa hiệu suất của KCN, CCN định hướng theo KCN sinh thái.

b) Về thu gom và xử lý nước thải:

- Đối với cơ sở sản xuất nằm trong KCN, CCN: các cơ sở sản xuất phát sinh nước thải khó xử lý cần phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn loại B hoặc C trước khi vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu, cụm.

- Ban quản lý khu, CCN tổ chức tiến hành xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung theo từng hạng mục tương ứng với tiến độ đầu tư vào KCN, CCN theo công nghệ thu hồi tái chế. Nước thải cần phải đạt tiêu chuẩn loại A trước khi thải ra môi trường.

c) Về xử lý chất thải rắn không nguy hại: thu gom triệt để và xử lý theo hướng thu hồi, tái chế.

d) Về chất thải nguy hại: thu gom và xử lý triệt để, ưu tiên xử lý theo hướng thu hồi, tái chế.

đ) Bố trí địa điểm tạm lưu giữ và trung chuyển chất thải rắn trong KKT, KCN và CCN; phải xác định rõ cơ sở tiếp nhận, xử lý chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại của KKT, KCN và CCN.

e) Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế (KKT), KCN và CCN phải được thiết kế đồng thời, đồng bộ để bảo đảm thuận tiện trong xây dựng, sửa chữa, vận hành, tiết kiệm sử dụng đất và tuân theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

g) Tách riêng hoàn toàn hệ thống thoát nước thải với hệ thống thoát nước mưa. Mạng lưới thu gom nước thải công nghiệp phải có vị trí, cốt hố ga phù hợp để đấu nối với điểm xả nước thải của các doanh nghiệp trong KCNC, KCN và CCN.

h) KCN và CCN phải có nhà máy xử lý nước thải tập trung, bảo đảm tổng công suất đủ để xử lý toàn bộ lượng nước thải phát sinh đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, có thiết kế lắp đặt hệ thống quan trắc tự động.

4.2. Về quản lý và cơ chế chính sách:

a) Về tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng:

- Tăng cường giáo dục và tuyên truyền thường xuyên, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường. Tạo cơ chế khuyến khích cộng đồng làng nghề tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý và khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường nói chung và đóng góp, ủng hộ việc triển khai thực hiện.

- Công bố danh sách các KCN, CCN, làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên các phương tiện thông tin đại chúng; phổ biến, tuyên truyền các mô hình KCN, CCN, làng nghề thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.

- Giao trách nhiệm cụ thể để phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, các đoàn thể xã hội và mỗi người dân trong việc tham gia vào công tác bảo vệ môi trường.

- Có kế hoạch và phân công cụ thể để tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức nhận thức bảo vệ môi trường cho các cán bộ quản lý môi trường, các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội và cộng đồng làng nghề.

b) Xây dựng, thực hiện quy hoạch, di đời, chuyển đổi ngành nghề sản xuất:

- Tùy đặc điểm hình thành và phát triển của các làng nghề, các địa phương xem xét và lựa chọn phương thức quy hoạch phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương mình, áp dụng một trong ba phương thức:

+ Quy hoạch tập trung theo khu, cụm công nghiệp làng nghề: Quy hoạch cơ sở hạ tầng đồng bộ bao gồm hệ thống đường giao thông, hệ thống cấp điện, nước, thông tin liên lạc, hệ thống thu gom và xử lý chất thải. Quy hoạch khu sản xuất phù hợp với đặc thù loại hình làng nghề. Hình thức quy hoạch này thường được áp dụng đối với các làng nghề có cơ sở thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, không được phép thành lập mới trong khu dân cư.

+ Quy hoạch phân tán (quy hoạch sản xuất ngay tại hộ gia đình): Với loại hình quy hoạch này cần phải tổ chức bố trí không gian nhằm cải thiện điều kiện sản xuất và vệ sinh môi trường mà không cần phải di dời, hạn chế tối đa việc cơi nới, xây nhà cao tầng... lưu giữ nét cổ truyền, văn hóa của làng nghề để kết hợp với phát triển du lịch. Quy hoạch này thường được áp dụng đối với các làng nghề có cơ sở thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thấp, được phép hoạt động trong khu dân cư.

+ Quy hoạch phân tán kết hợp tập trung: Di dời các công đoạn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như công đoạn tẩy, nhuộm (làng nghề dệt nhuộm), công đoạn mạ (làng nghề cơ khí)... vào khu, cụm công nghiệp làng nghề. Quy hoạch này thường được áp dụng đối với các làng nghề có cơ sở thuộc loại hình sản xuất có một hoặc một số công đoạn sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, không được phép thành lập mới trong khu dân cư.

- Lập danh mục các làng nghề cần có lộ trình chuyển đổi ngành nghề sản xuất hoặc di dời, trước mắt tập trung vào nhóm loại hình tái chế giấy, tái chế nhựa, tái chế kim loại, giết mổ gia súc và làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề sản xuất với lộ trình phù hợp.

- Đối với các làng nghề hoặc cơ sở sản xuất trong làng nghề cần chuyển đổi ngành nghề sản xuất, địa phương phải lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững để nghiên cứu, định hướng ngành nghề chuyển đổi và tổ chức các khóa đào tạo nghề phục vụ cho việc chuyển đổi ngành nghề sản xuất.

- Các làng nghề hoặc các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu vực dân cư nông thôn cần di dời vào khu, cụm công nghiệp làng nghề được hưởng các chính sách ưu đãi như miễn giảm tiền thuê đất, thuế sử dụng đất... và phải tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường đối với khu, cụm công nghiệp tập trung.

c) Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế:

- Tăng cường kiểm soát công nghệ cũ, công nghệ lạc hậu tại các làng nghề ô nhiễm môi trường hiện nay.

- Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sạch, công nghệ xử lý chất thải cho các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ theo hướng vận hành đơn giản, ổn định, tiết kiệm chi phí và xử lý ô nhiễm môi trường đạt hiệu quả.

- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để đổi mới công nghệ sản xuất; nghiên cứu, ứng dụng nguyên liệu, thiết bị, công nghệ, mô hình, phương thức sản xuất thân thiện với môi trường.

d) Thực hiện lồng ghép Chương trình bảo vệ môi trường làng nghề vào các chương trình, đề án có liên quan như Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường để xử lý các làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng giai đoạn 2012 – 2015, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững để hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề sản xuất và xây dựng, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường làng nghề như hệ thống tiêu thoát nước, các điểm thu gom, xử lý chất thải rắn.

đ) Nâng cao hiệu quả quản lý môi trường, quản lý CTNH tại các doanh nghiệp bằng áp dụng CNTT:

Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin để giải quyết các bài toán chuyên ngành nhằm nâng cao chất lượng kết quả xử lý khối lượng lớn dữ liệu tài nguyên và môi trường, gồm các dữ liệu về hiện trạng, được cập nhật thường xuyên từ mạng lưới điều tra, khảo sát, quan trắc, đo đạc ở địa phương và từ số liệu báo cáo của các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh.

e) Về tài chính:

- Nhằm tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc phân bổ, quản lý sử dụng ngân sách nhà nước chi cho sự nghiệp môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương xem xét, phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường, sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khoa học và công nghệ và các nguồn đầu tư khác cho công tác bảo vệ môi trường, khắc phục, xử lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường KCN, CCN, làng nghề theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành. Tại các địa phương có làng nghề, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân bổ không dưới 10% tổng kinh phí sự nghiệp môi trường cho công tác bảo vệ môi trường làng nghề.

- Tăng cường công tác xã hội hóa đầu tư kinh phí cho các hoạt động bảo vệ môi trường của làng nghề.

g) Các cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường cho KCN, CCN và làng nghề

- Giai đoạn 2013 - 2015 cần tập trung xây dựng, bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách về quản lý, phát triển KCN, CCN, làng nghề gắn với bảo vệ môi trường. Xây dựng các văn bản, chính sách về bảo vệ môi trường làng nghề theo nguyên tắc phù hợp với trình độ nhận thức, hài hòa với phong tục, tập quán sản xuất của người dân nông thôn và phù hợp với năng lực tài chính; đặc biệt chú trọng các chính sách về ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích thúc đẩy xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường làng nghề.

- Trong các cơ chế, chính sách về làng nghề cần chú trọng tăng cường trách nhiệm của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quản lý nhà nước đối với làng nghề và các đối tượng sản xuất tiểu thủ công nghiệp trong khu vực dân cư nông thôn.

4.3. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của doanh nghiệp và cơ sở sản xuất trong KCN, CCN và làng nghề:

- Áp dụng tiêu chí “Sách xanh”, “Sách đen” cho sản xuất công nghiệp.

- Áp dụng tiêu chí nhãn sinh thái cho một số sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh.

- Áp dụng chương trình truyền thông và huấn luyện đào tạo về bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường trong SXCN (KCN, CCN, làng nghề) nói riêng.

4.4. Về kỹ thuật:

- Áp dụng sản xuất sạch hơn (SXSH) và tiết kiệm năng lượng (TKNL) cho các đối tượng SXCN đã và đang hoạt động tại các KCN, CCN, làng nghề trên địa bàn tỉnh.

- Hoàn thiện mạng lưới quan trắc, nâng cao hiệu quả hoạt động quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh.

5. Tổ chức thực hiện:

5.1. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Chủ trì và phối hợp với các sở, ngành có liên quan thực hiện chương trình kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm công nghiệp tại các KCN, CCN và làng nghề của tỉnh Đồng Tháp đến 2020. Trước mắt thực hiện các giải pháp phi công trình như Quy hoạch bảo vệ môi trường cho các làng nghề điển hình (làng bột, dệt chiếu…) theo định hướng đã đề xuất.

- Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các hồ sơ, thủ tục về môi trường; theo dõi và xác định các làng nghề ô nhiễm và đề xuất phương án xử lý; tổ chức thu phí về bảo vệ môi trường; kiểm tra, giám sát tình hình tuân thủ các quy định của pháp luật và xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường tại KCN, CCN và làng nghề.

5.2. Ban quản lý Khu Kinh tế:

- Tăng cường quản lý công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất trong các khu công nghiệp, đảm bảo thu gom đầy đủ và xử lý đạt quy chuẩn môi trường các chất thải, đặc biệt là chất thải nguy hại; đồng thời sớm có kế hoạch cải tạo nâng cao công suất hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN Sa Đéc, Xây dựng Hệ thống xử lý nước thải tập trung cho KCN Sông Hậu và KCN Trần Quốc Toản.

- Phối hợp với Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng phải bố trí địa điểm lưu giữ chất thải nguy hại, làm đầu mối hợp đồng với đơn vị có chức năng định kỳ vận chuyển, xử lý theo quy định.

- Có trách nhiệm quản lý các trạm quan trắc tự động khi được đầu tư để giám sát liên tục chất lượng môi trường nước thải và nước mặt tại các KCN đã được đầu tư. Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành có liên quan để thực hiện tốt chương trình đã đề ra.

5.3. Sở Công Thương:

- Có trách nhiệm hướng dẫn các cơ sở sản xuất trong khu, cụm công nghiệp và làng nghề áp dụng và thực hiện tốt chương trình sản xuất sạch hơn, chương trình tiết kiệm năng lượng…

- Phối hợp với các sở, ngành, UBND huyện, thị thành liên quan bố trí và hỗ trợ kinh phí để các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện tốt các chương trình trên và các chương trình, dự án, đề án đã đề xuất, cũng như công tác tuyên truyền giáo dục về bảo vệ môi trường.

5.4. Sở Khoa học và Công nghệ:

Có trách nhiệm quản lý các công nghệ sản xuất nhằm hạn chế việc đưa công nghệ cũ, lạc hậu vào KCN, CCN và làng nghề và khu vực dân cư nông thôn gây ô nhiễm môi trường. Nghiên cứu, ứng dụng và phổ biến công nghệ xử lý môi trường phù hợp với làng nghề.

5.5. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh thẩm định, bố trí kinh phí thực hiện các đề án, dự án, chương trình, các nhiệm vụ trong quá trình triển khai thực hiện tiếp theo.

5.6. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ban, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh bố trí ngân sách hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách để thực hiện có hiệu quả các nội dung của các đề án, dự án, chương trình, các nhiệm vụ đã được đề xuất.

5.7. Các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan:

Theo chức năng nhiệm vụ được giao, phối hợp với cơ quan chủ trì triển khai công việc liên quan để thực hiện công tác giáo dục, tuyên truyền về bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp và làng nghề, đồng thời phối hợp thực hiện các chương trình, dự án, đề án, nhiệm vụ đã được đề xuất.

5.8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc quy hoạch, phát triển và bảo vệ môi trường KCN, CCN, làng nghề, quản lý các khu, cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn, bảo đảm tuân thủ các điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường; Phối hợp chặt chẽ với các các sở, ban, ngành Tỉnh khi có kế hoạch khảo sát, thanh tra, kiểm tra. Bố trí nguồn lực cần thiết và chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường làng nghề của UBND cấp huyện, đặc biệt là UBND cấp xã. Tại các xã, phường và thị trấn có làng nghề (bao gồm cả làng nghề được công nhận và làng nghề chưa được công nhận) phải bố trí cán bộ chuyên trách quản lý môi trường làng nghề để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và giám sát các cơ sở sản xuất tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Nghiên cứu, xây dựng mô hình quản lý môi trường làng nghề theo nguyên tắc gọn nhẹ và hiệu quả; thí điểm hình thành các tổ tự quản về bảo vệ môi trường tại làng nghề do UBND cấp xã thành lập và ban hành quy chế hoạt động, kinh phí một phần do ngân sách xã đảm bảo, phần còn lại do các cơ sở sản xuất đóng góp.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh; Giám đốc các Sở, ban, ngành Tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- CT, các PCT UBND Tỉnh;
- Lưu VT.KTN.Ng.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Dương

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 884/QĐ-UBND.HC năm 2014 phê duyệt Dự án: “Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường tại các khu, cụm và làng nghề sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020”

  • Số hiệu: 884/QĐ-UBND.HC
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/09/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
  • Người ký: Nguyễn Văn Dương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/09/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản