Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/CT-UBND

Thái Nguyên, ngày 16 tháng 9 năm 2009

 

CHỈ THỊ

VỀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP CẤP BÁCH TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG THỜI KỲ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ, TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN

Thời gian vừa qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn nhiều vấn đề bức xúc, tồn tại, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường có xu hướng gia tăng... Thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TW ngày 21 tháng 01 năm 2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 41/NQ-TW của Bộ Chính trị (khoá IX) về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, chỉ thị:

1. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Tập trung chỉ đạo, thực hiện đổi mới nội dung, hình thức đào tạo, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, từ đó tạo ra những chuyển biến trong hành vi ứng xử của từng người dân, từng gia đình, từng doanh nghiệp và cả xã hội đối với môi trường.

b) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng biên chế, tổ chức, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, công chức làm công tác bảo vệ môi trường, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, xem xét, chứng nhận cho các đơn vị đã hoàn thành kế hoạch xử lý. Nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư, tăng cường công tác hậu kiểm, đảm bảo các giải pháp bảo vệ môi trường được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ.

Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan xây dựng cơ chế huy động vốn, chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho giải pháp bảo vệ môi trường, xử lý nguồn thải gây ô nhiễm, thực hiện xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường.

Hoàn thành tốt nhiệm vụ là đầu mối thực hiện Đề án sông Cầu và Đề án bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì phối hợp với các ngành, Uỷ ban nhân dân cấp huyện xây dựng kế hoạch đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, tổng hợp, xem xét và trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch bảo vệ môi trường hàng năm.

Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, đánh giá đối với các dự án đầu tư mới, đặc biệt là các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhằm ngăn chặn các dự án sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Hạn chế cấp phép đầu tư đối với các dự án (mới và mở rộng) có nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tiếp tục thu hút đầu tư của các tổ chức Quốc tế cho các dự án bảo vệ môi trường của tỉnh.

3. Sở Tài chính

Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn sử dụng 1% tổng chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, để làm căn cứ cho các ngành và Uỷ ban nhân dân cấp huyện lập kế hoạch trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

4. Sở Nội vụ

Nghiên cứu tham mưu tuyển dụng và tăng cường cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường ở các ngành và các cấp.

5. Sở Xây dựng

Đẩy mạnh công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn, lồng ghép với quy hoạch bảo vệ môi trường. Quy hoạch các khu xử lý rác thải công nghiệp, xây dựng, sinh hoạt, chất thải nguy hại, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tại các đô thị, khu dân cư tập trung.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Quy hoạch phát triển trang trại chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm, xử lý chất thải từ các hoạt động nông nghiệp. Tăng cường công tác vệ sinh môi trường nông thôn, bảo vệ môi trường trong các làng nghề nông thôn. Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh, sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật; xây dựng kho lưu chứa hoá chất bảo vệ thực vật quá hạn, cấm sử dụng, chờ xử lý, tiêu huỷ. Tổ chức tiêu huỷ, xử lý, hoá chất bảo vệ thực vật quá hạn, thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục không được phép sử dụng, không rõ nguồn gốc, nhập lậu... Chấm dứt tình trạng kho hoá chất bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường.

7. Sở Y tế

Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong các cơ sở y tế. Chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở y tế chấp hành quy chế quản lý chất thải và các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Có kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế cho các cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện (trước mắt tập trung cho 9 cơ sở y tế nằm trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường, theo công văn số 833/UBND-TNMT ngày 30/5/2008 của UBND tỉnh). Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét lựa chọn công nghệ xử lý chất thải y tế phù hợp. Xem xét và lập kế hoạch kinh phí thường xuyên đảm bảo duy trì hoạt động xử lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế để trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

8. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh

Tăng cường công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp; khẩn trương xây dựng, đưa vào hoạt động Trạm xử lý nước thải Khu công nghiệp Sông Công.

Không cấp giấy phép đầu tư các dự án có công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp.

9. Sở Công Thương

Tổ chức nhân rộng mô hình sản xuất sạch hơn trong các cơ sở sản xuất công nghiệp. Tăng cường quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề. Kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu thiết bị, công nghệ có tiềm năng gây ô nhiễm môi trường.

Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, đôn đốc các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoàn thành kế hoạch xử lý triệt để ô nhiễm môi trường theo quy định.

10. Công an tỉnh

Chỉ đạo lực lượng cảnh sát môi trường đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Tập trung kiểm tra, giám sát các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

11. Các Sở, ngành liên quan bám sát chức năng, nhiệm vụ, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường lập và thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường; lồng ghép quy hoạch ngành với quy hoạch môi trường; bố trí cán bộ đầu mối theo dõi công tác quản lý môi trường.

12. Uỷ ban nhân dân cấp huyện

Chỉ đạo xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường hàng năm, trình UBND tỉnh phê duyệt để thực hiện.

Tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường theo thẩm quyền, đặc biệt việc thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường của các dự án đã được phê duyệt, xác nhận.

13. Đề nghị các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan thông tin, truyền thông phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, thường xuyên tổng hợp, báo cáo tình hình tổ chức thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Quốc Vượng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 16/CT-UBND năm 2009 về giải pháp cấp bách tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp, hiện đại hoá, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

  • Số hiệu: 16/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 16/09/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thái Nguyên
  • Người ký: Hoàng Quốc Vượng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/09/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản