Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 87/2010/QĐ-UBND

Vinh, ngày 16 tháng 11 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ, BẢO TRÌ HỆ THỐNG ĐƯỜNG HUYỆN, ĐƯỜNG XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003; Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008;
Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ ban hành Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Căn cứ Thông tư số 10/2010/TT-BGTVT ngày 19/4/2010 của Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý và bảo trì đường bộ;
Căn cứ Quyết định số 1527/2003/QĐ-BGTVT ngày 28/5/2003 của Bộ Giao thông vận tải ban hành Tiêu chuẩn kỹ thuật bảo dưỡng thường xuyên đường bộ 22 TCN-306-03;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 1324/TTr.SGTVT-QLHTGT ngày 04/10/2010, và kết quả thẩm định của Sở Tư pháp tại Báo cáo số 1509/BC-STP ngày 10/9/2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký, thay thế Quyết định số 33/2007/QĐ.UBND ngày 16/4/2007 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định quản lý, bảo trì đường bộ địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Đức Phớc

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC QUẢN LÝ, BẢO TRÌ ĐƯỜNG HUYỆN, ĐƯỜNG XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 87/2010/QĐ.UBND ngày 16/11/2010 của UBND tỉnh Nghệ An)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định này quy định về việc quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An;

2. Đối tượng áp dụng: Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quản lý, bảo trì và khai thác hệ thống đường huyện, đường xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong quy định này các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:

1. Đường huyện là đường nối trung tâm hành chính của huyện với trung tâm hành chính của xã, cụm xã hoặc trung tâm hành chính của huyện lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện;

2. Đường xã là đường nối từ trung tâm hành chính của xã với các thôn, làng,

ấp, bản và đơn vị tương đương hoặc đường nối với các xã lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của xã;

3. Cơ quan quản lý đường bộ là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành thuộc Bộ Giao thông vận tải; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn;

4. Bảo trì công trình là tập hợp các hoạt động nhằm duy trì hoạt động bình thường và đảm bảo an toàn sử dụng công trình. Công tác bảo trì công trình đường bộ bao gồm: Bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất;

a) Bảo dưỡng thường xuyên cầu, đường bộ là các thao tác kỹ thuật được tiến hành thường xuyên nhằm phòng ngừa và khắc phục kịp thời những hư hỏng nhỏ của các bộ phận công trình và thiết bị.

b) Sửa chữa định kỳ (bao gồm sửa chữa vừa và sửa chữa lớn):

- Sửa chữa vừa: Là sửa chữa những hư hỏng, khắc phục những biểu hiện xuống cấp của bộ phận kết cấu công trình có thể ảnh hưởng đến chất lượng khai thác đường bộ và gây mất an toàn khai thác;

- Sửa chữa lớn: Là công việc được tiến hành khi có hư hỏng hoặc xuống cấp ở nhiều bộ phận công trình nhằm khôi phục chất lượng ban đầu của công trình.

c) Sửa chữa đột xuất: Là công việc sửa chữa công trình đường bộ khi chịu sự tác động của sự cố đột xuất khác do thiên tai, địch họa,... làm hư hỏng, xuống cấp cần được sửa chữa ngay để đảm bảo giao thông liên tục.

5. Hành lang an toàn đường bộ là phần đất dọc hai bên đất của đường bộ nhằm đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ công trình đường bộ;

6. Quản lý, bảo vệ hành lang an toàn giao thông là thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhằm mục đích ngăn ngừa lấn chiếm và tái lấn chiếm hành lang.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ QUẢN LÝ, BẢO TRÌ ĐƯỜNG HUYỆN, ĐƯỜNG XÃ

Điều 3. Thời gian thực hiện công tác quản lý, bảo trì

Công trình cầu, đường sau khi được nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng phải được tổ chức quản lý, bảo trì. Thời gian bắt đầu thực hiện quản lý, bảo trì được tính từ ngày ký biên bản nghiệm thu công trình bàn giao đưa vào khai thác sử dụng.

Điều 4. Nội dung công tác quản lý

1. Quản lý hồ sơ hoàn công công trình, bao gồm: Công trình xây dựng mới, nâng cấp cải tạo, sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất;

2. Các thông tin được cập nhật vào hồ sơ quản lý công trình, bao gồm các tài liệu, thông tin từ hồ sơ hoàn công (bình đồ, trắc dọc, trắc ngang,…), mốc giải phóng mặt bằng, mốc lộ giới, hồ sơ kiểm định công trình, số liệu đếm xe, tình hình quản lý, sử dụng công trình;

3. Quản lý hành lang an toàn đường bộ, bao gồm: Tình trạng sử dụng đất hành lang, mốc lộ giới, mốc giải phóng mặt bằng; hồ sơ xử lý vi phạm hành lang an toàn giao thông, hồ sơ cấp phép thi công công trình và các tài liệu liên quan khác đến hành lang an toàn đường bộ;

4. Tổ chức kiểm tra tình trạng kỹ thuật cầu đường định kỳ tháng, quý, năm; kiểm tra đột xuất sau mỗi đợt bão, lụt hoặc các tác động bất thường khác. Đối với cầu yếu phải cắm bổ sung biển chỉ dẫn "cầu yếu" ở hai đầu cầu; trường hợp đặc biệt phải cử người trực gác đảm bảo giao thông;

5. Cấp phép lưu hành đặc biệt cho các loại xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng hoạt động trên các tuyến đường huyện, đường xã theo đúng quy định hiện hành;

6. Thường xuyên thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra tuyến ít nhất 01 lần/ngày nhằm phát hiện kịp thời hư hỏng, sự cố công trình và các hành vi vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vi phạm hành lang an toàn giao thông; xử lý kịp thời những hư hỏng nhỏ về hệ thống báo hiệu, cọc tiêu, biển báo; nắm bắt được mọi diễn biến trên tuyến xảy ra trong ngày để báo cáo kịp thời lên cấp trên có phương án xử lý;

7. Hàng tháng tổng hợp tình hình tai nạn giao thông, thực hiện công tác đếm xe;

8. Thực hiện đầy đủ các chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất.

Điều 5. Nội dung công tác bảo trì

1. Bảo dưỡng thường xuyên:

1.1. Công trình cầu:

a) Đối với kết cấu chịu lực chính, những bộ phận quan trọng (dầm, khe co giãn, gối, mố, trụ, tứ nón,…) phải tổ chức kiểm tra định kỳ ít nhất 01 tháng 1 lần. Nếu phát hiện sự cố bất thường phải xử lý kịp thời;

b) Đối với kết cấu kim loại phải tiến hành sơn bảo dưỡng theo định kỳ (từ 2-3 năm/01 lần), gối cầu bằng thép phải bôi mỡ 01 năm 1 lần;

c) Sau mỗi đợt mưa lũ phải kiểm tra tình trạng dòng chảy để thanh thải hết vật cản, cây trôi do mưa lũ gây nên, bảo đảm an toàn cho toàn bộ kết cấu công trình cầu;

d) Đối với việc bảo trì cầu treo được thực hiện theo Quyết định số 63/2009/QĐ.UBND ngày 14/7/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định quản lý, bảo trì hệ thống cầu treo trên địa bàn tỉnh.

1.2. Công trình đường:

a) Đối với nền đường: thực hiện việc đắp phụ nền, lề đường, hót đất sụt tại những vị trí bị sạt lở, bạt lề trên các đoạn bồi cao hơn mặt đường,... nhằm đảm bảo luôn duy trì được kích thước hình học ban đầu của nền đường;

b) Đối với mặt đường: khi xuất hiện ổ gà phải xử lý ngay để ngăn chặn kịp thời không để hư hỏng phát sinh thêm, đảm bảo mặt đường luôn êm thuận;

c) Đối với công trình thoát nước: tiến hành công việc vét rãnh (rãnh dọc, rãnh ngang, rãnh đỉnh), khơi thông cống, thanh thải chướng ngại vật đảm bảo công trình luôn giải quyết được mục tiêu thoát nước trên tuyến;

d) Đối với hệ thống báo hiệu an toàn giao thông (cọc tiêu, biển báo, mốc lộ giới, tường hộ lan, giải phân cách, cột Km, cột thủy chí,...): phải được sơn, dán lại phản quang, quét vôi theo định kỳ; thay thế và điều chỉnh vị trí bảo đảm phù hợp với thực tế, luôn phát huy tác dụng. Nếu là kết cấu bằng kim loại thì từ 2 - 3 năm sơn 01 lần; kết cấu bằng bê tông xi măng thì quét vôi 04 lần trong 1 năm.

2. Sửa chữa định kỳ (sửa chữa vừa và sửa chữa lớn):

Các thủ tục hồ sơ và trình tự tiến hành nội dung các công việc liên quan đến công trình sửa chữa định kỳ thực hiện theo đúng quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản hiện hành.

3. Sửa chữa đột xuất:

Khi công trình đường bộ có sự cố hư hỏng đột xuất do thiên tai hoặc sự cố bất thường khác gây ách tắc giao thông thì Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã phải chủ động huy động phương tiện, thiết bị, xe máy, nhân lực, vật tư và các điều kiện cần thiết khác để kịp thời khắc phục đảm bảo giao thông luôn thông suốt và an toàn. Trường hợp vượt quá khả năng phải báo cáo cấp trên để xin ý kiến chỉ đạo thực hiện.

Việc khắc phục hậu quả bão, lụt được thực hiện theo Quyết định số 14/2010/QĐ-UBND ngày 29/01/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An.

Điều 6. Thời hạn tiến hành sửa chữa định kỳ

1. Đối với công trình cầu:

Sau 10 năm khai thác sử dụng, cầu phải được kiểm định để đánh giá tình trạng và khả năng chịu tải thực tế. Sau đó cứ 5 đến 7 năm (tính từ sau lần kiểm định trước đó) phải tiến hành kiểm định lại một lần. Nếu phát hiện hư hỏng nghiêm trọng có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn giao thông và an toàn cho công trình thì phải tiến hành kiểm định ngay để lập phương án sửa chữa kịp thời.

Căn cứ kết quả kiểm tra định kỳ và kiểm định để lập phương án sửa chữa.

2. Đối với đường bộ:

Căn cứ vào lưu lượng xe, ảnh hưởng của các yếu tố thời tiết, thiên tai, địch họa, thực trạng hư hỏng mặt đường và quy định chung về thời hạn sửa chữa định kỳ được quy định tại điểm a - khoản 3 - Điều 6 Thông tư số 10/2010/TT-BGTVT ngày 19/4/2010 của Bộ giao thông vận tải ban hành Quy định về quản lý, bảo trì đường bộ để xác định thời hạn sửa chữa đảm bảo phù hợp thực tế.

Điều 7. Tổ chức quản lý, bảo trì

1. Đối với đường huyện:

a) Công tác quản lý: Ủy ban nhân dân cấp huyện trực tiếp tổ chức thực hiện các nội dung được quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 4 về công tác quản lý và kiểm tra, đôn đốc nội dung công việc quản lý được phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện.

Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tuyến đường đi qua tổ chức thực hiện các nội dung được quy định tại khoản 6, 7, 8 - Điều 4.

UBND cấp huyện cử cán bộ theo dõi chỉ đạo thực hiện, định kỳ hàng tháng tổ chức kiểm tra tình hình quản lý đường huyện, kiểm tra đột xuất khi có thiên tai, địch họa, sự cố công trình và tình hình tai nạn giao thông,…

b) Công tác bảo trì: Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể để chọn một trong hai phương án sau để thực hiện:

Phương án 1: Ủy ban nhân dân cấp huyện hợp đồng với các tổ chức có đủ năng lực, kinh nghiệm chuyên môn và đã được cấp có thẩm quyền cấp phép kinh doanh để thực hiện một số nội dung công việc mang tính kỹ thuật, đòi hỏi phải có chuyên môn mới thực hiện được như: Xử lý cao su, vá ổ gà mặt đường, sửa chữa cầu cống, sơn biển báo hiệu,... Các phần việc giản đơn khác như: Tuần tra, kiểm soát, phát cây, vét rãnh,... Ủy ban nhân dân cấp huyện giao Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tuyến đường đi qua tổ chức thực hiện.

Phương án 2: Hợp đồng với các tổ chức có đủ năng lực, kinh nghiệm chuyên môn và đã được cấp có thẩm quyền cấp phép kinh doanh thực hiện toàn bộ các nội dung công việc liên quan đến bảo trì công trình.

2. Đối với đường xã:

a) Công tác quản lý: Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện toàn bộ các nội dung về công tác quản lý được quy định tại Điều 4.

b) Công tác bảo trì: Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể để chọn một trong hai phương án sau để thực hiện:

Phương án 1: Ủy ban nhân dân cấp xã hợp đồng với các tổ chức có đủ năng lực, kinh nghiệm chuyên môn và đã được cấp có thẩm quyền cấp phép kinh doanh thực hiện một số nội dung công việc mang tính kỹ thuật, đòi hỏi phải có chuyên môn mới thực hiện được như: Xử lý cao su, vá ổ gà mặt đường, sửa chữa cầu cống, sơn biển báo hiệu,... Các phần việc giản đơn khác như: Tuần tra, kiểm soát, phát cây, vét rãnh,... Ủy ban nhân dân cấp xã tự tổ chức thực hiện.

Phương án 2: Hợp đồng toàn bộ các nội dung công việc liên quan đến bảo trì công trình.

Điều 8. Nguồn vốn thực hiện quản lý, bảo trì

1. Hệ thống đường huyện: Được bố trí từ ngân sách huyện, các nguồn huy động, nguồn thu hợp pháp khác; nguồn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh (nếu có);

2. Hệ thống đường xã: Được bố trí từ ngân sách xã, các nguồn huy động, nguồn thu hợp pháp khác; nguồn hỗ trợ từ ngân sách huyện, tỉnh (nếu có);

3. Chính quyền địa phương cấp huyện, xã hàng năm phải cân đối ngân sách tùy thuộc vào điều kiện để xây dựng kế hoạch vốn cho công tác quản lý, bảo trì đường huyện, đường xã đảm bảo mức bình quân tối thiểu như sau:

- Đối với đường huyện: 02 triệu đồng/1 Km/1 năm;

- Đối với đường xã: 0,5 triệu đồng/1 Km/1 năm.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUẢN LÝ, BẢO TRÌ ĐƯỜNG HUYỆN, ĐƯỜNG XÃ

Điều 9. Trách nhiệm của các Sở, ban, ngành

1. Sở Giao thông vận tải:

a) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa các quy định, hướng dẫn của Trung ương về quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã, hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật và các quy định khác về quản lý, bảo trì đường bộ;

b) Chủ trì tổ chức thanh, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý đường bộ và chất lượng các công trình giao thông; tổ chức kiểm tra kết quả thực hiện quy định việc quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã trên địa bàn tỉnh theo định kỳ hoặc đột xuất để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh biết;

c) Tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh về xây dựng quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông gắn nhiệm vụ quản lý và bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã.

d) Hướng dẫn UBND cấp huyện cấp Giấy phép lưu hành đặc biệt cho các loại xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng đối với các tuyến đường do huyện, xã quản lý;

2. Sở Tài chính:

a) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã trong việc cân đối kế hoạch ngân sách, sử dụng, thanh quyết toán nguồn kinh phí theo đúng quy định hiện hành.

b) Phối hợp với các Sở, ngành liên quan để tham mưu UBND tỉnh mức hỗ trợ kinh phí giúp địa phương các cấp huyện, xã thực hiện quản lý, bảo trì đường huyện, đường xã (nếu có);

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Phối hợp Sở Tài chính và các cấp, ngành liên quan để tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch hỗ trợ kinh phí phục vụ quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã.

4. Sở Xây dựng:

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã trong công tác quy hoạch các khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ có liên quan đến hệ thống đường huyện, đường xã.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường:

Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc giao đất, cho thuê đất dọc hành lang đường bộ; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản liên quan đến an toàn hệ thống đường huyện, đường xã.

6. Công an tỉnh:

Chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp với lực lượng của ngành Giao thông vận tải, các ngành liên quan cùng chính quyền các cấp để kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về kết cấu hạ tầng giao thông, xe quá khổ, xe quá tải, hành vi gây mất trật tự an toàn giao thông theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Hàng năm xây dựng kế hoạch vốn bảo trì đường huyện theo đúng nội dung quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 8;

2. Phân cấp quản lý hệ thống đường huyện, đường xã và ban hành các quy định về quản lý trên địa bàn;

3. Tổ chức hệ thống quản lý, bảo trì đường huyện; phân công cán bộ tổ chức thực hiện. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan để kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy định về quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện; tổ chức kiểm tra quản lý, bảo trì hệ thống đường xã;

4. Cấp Giấy phép lưu hành đặc biệt cho các loại xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng hoạt động trên các tuyến đường huyện, đường xã theo hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải và quy định hiện hành;

5. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và giáo dục nhân dân hiểu các quy định về phạm vi đất dành cho đường bộ, đất hành lang an toàn đường bộ, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

6. Quản lý sử dụng đất trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật. Phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp lấn chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn đường bộ;

7. Huy động mọi lực lượng, vật tư, thiết bị để bảo vệ công trình, kịp thời khôi phục giao thông khi bị thiên tai, địch họa;

8. Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên các tuyến do Ủy ban nhân dân huyện quản lý theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 11. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã:

1. Hàng năm xây dựng kế hoạch vốn bảo trì đường xã theo đúng nội dung quy định tại Khoản 2 và Khoản 3- Điều 8;

2. Tổ chức thực hiện quản lý, bảo trì hệ thống đường trên địa bàn được giao cho xã quản lý. Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện và các ngành liên quan để tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy định về quản lý, bảo trì hệ thống đường xã;

3. Phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các khối, xóm, thôn, bản thực hiện quản lý hệ thống đường trên địa bàn được giao quản lý. Phân công cán bộ theo dõi, kiểm tra công tác quản lý, bảo trì và tuần tra hàng ngày.

4. Tuyên truyền, hướng dẫn và nhắc nhở nhân dân thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ công trình giao thông và an toàn giao thông đường bộ;

5. Cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc cấp Giấy phép lưu hành đặc biệt cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện;

6. Quản lý việc sử dụng đất trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật. Phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp lấn chiếm, sử dụng đất trái phép hành lang an toàn đường bộ;

7. Huy động mọi lực lượng, vật tư, thiết bị để bảo vệ công trình, kịp thời khôi phục giao thông khi bị thiên tai, địch họa;

8. Xây dựng quy hoạch phát triển giao thông gắn nhiệm vụ quản lý bảo trì hệ thống đường xã; tham gia quản lý, bảo vệ công trình giao thông đối với các tuyến đường bộ trên địa bàn xã;

9. Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông trên các tuyến đường bộ do Ủy ban nhân dân xã quản lý theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 12. Khen thưởng và xử lý vi phạm:

1. Khen thưởng: Hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã có nhiệm vụ quản lý hệ thống đường huyện, đường xã tiến hành tổng kết, đánh giá công tác quản lý, bảo trì. Căn cứ kết quả thực hiện để quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng theo quy định hiện hành nhằm động viên các tổ chức, đơn vị, cá nhân có thành tích trong công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã.

2. Xử lý vi phạm:

a) Địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân nào vi phạm các quy định về quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã tuỳ theo tính chất, mức độ và hậu quả xảy ra sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật;

b) Căn cứ kết quả thực hiện công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã trên địa bàn, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ xem xét cụ thể việc đầu tư xây dựng mới các dự án giao thông được phân cấp cho huyện, xã quản lý. Trường hợp cần thiết có thể dừng việc đầu tư thực hiện xây dựng mới để khắc phục hậu quả do quản lý, bảo trì gây nên.

Trong quá trình thực hiện nếu có điều gì chưa phù hợp, Uỷ ban nhân dân cấp huyện, xã và các Sở, ngành, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan phản ảnh kịp thời bằng văn bản gửi về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 87/2010/QĐ-UBND ban hành Quy định quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành

  • Số hiệu: 87/2010/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/11/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Hồ Đức Phớc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/11/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản