Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 869/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 05 tháng 02 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH THẨM QUYỀN VỀ TỔ CHỨC, BIÊN CHẾ, QUẢN LÝ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC ĐỐI VỚI CÁC VỤ, THANH TRA BỘ, VĂN PHÒNG BỘ, TỔNG CỤC, CỤC VÀ CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP TRỰC THUỘC BỘ

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 nám 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 04 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ; Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 03 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 04 năm 2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định thẩm quyền về tổ chức, biên chế, quản lý cán bộ, công chức, viên chức đối với các Vụ, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, Tổng cục, Cục và các Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ.

Điều 2. Quyết định này thay thế Quyết định số 2731/QĐ-BCT ngày 09 tháng 5 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Tổng cục trưởng, Cục trưởng và Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Lưu: VT, TCCB.

BỘ TRƯỞNG




Vũ Huy Hoàng

 

QUY ĐỊNH

THẨM QUYỀN VỀ TỔ CHỨC, BIÊN CHẾ, QUẢN LÝ CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC ĐỐI VỚI CÁC VỤ, THANH TRA BỘ, VĂN PHÒNG BỘ, TỔNG CỤC, CỤC, VÀ CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP TRỰC THUỘC BỘ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 869/QĐ-BCT ngày 05 tháng 02 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Quy định này quy định thẩm quyền về tổ chức, biên chế, quản lý công chức, viên chức đối với các Vụ, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, Tổng cục, Cục và các Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ (sau đây gọi chung là các đơn vị trực thuộc Bộ).

Chương 2.

THẨM QUYỀN VỀ TỔ CHỨC

Điều 2. Trách nhiệm của Bộ Công Thương

1. Trình Chính phủ quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ; về thành lập, tổ chức lại, giải thể Tổng cục và tổ chức tương đương thuộc Bộ.

2. Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định:

a) Thành lập, tổ chức lại, giải thể các Vụ, Cục và tương đương, Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục và tổ chức tương đương thuộc Bộ.

b) Quy hoạch mạng lưới tổ chức đơn vị sự nghiệp dịch vụ công; danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ.

Điều 3. Thẩm quyền của Bộ Công Thương

1. Ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc Bộ (trừ các tổ chức thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ). Điều chỉnh phân công nhiệm vụ cụ thể của các Vụ, Tổng cục, Cục, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ khi cần thiết.

2. Thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập khác trực thuộc Bộ không thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật.

3. Thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị có tư cách pháp nhân của các Tổng cục, Cục và các Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ.

Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể, phá sản các doanh nghiệp có vốn góp của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ, thực hiện theo các quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn liên quan.

4. Phê duyệt quy chế hoặc điều lệ tổ chức và hoạt động của các Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, việc thành lập, tổ chức lại, giải thể, ban hành quy chế hoặc điều lệ tổ chức và hoạt động thực hiện theo các quy định của pháp luật liên quan.

5. Thành lập các phòng trong các Vụ, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ (gọi tắt là Cơ quan Bộ).

Điều 4. Thẩm quyền của các đơn vị trực thuộc Bộ

1. Tổng cục, Cục ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức các đơn vị trực thuộc và ban hành quy chế làm việc của Tổng cục, Cục.

2. Các Vụ, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ ban hành quy chế làm việc của đơn vị mình; quy định chức năng, nhiệm vụ các đơn vị trực thuộc đơn vị mình.

3. Các Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ ban hành quy chế làm việc của đơn vị mình; phê duyệt điều lệ hoặc quy chế hoạt động của đơn vị thành viên theo quy định của pháp luật.

Chương 3.

THẨM QUYỀN VỀ THỰC HIỆN BIÊN CHẾ

Điều 5. Thẩm quyền của Bộ Công Thương

1. Trình Thủ tướng Chính phủ (thông qua Bộ Nội vụ) phê duyệt tổng chỉ tiêu biên chế công chức hàng năm của Bộ.

2. Quyết định giao chỉ tiêu biên chế công chức hàng năm cho các đơn vị theo chỉ tiêu biên chế đã được Bộ Nội vụ thông báo, gồm:

a) Các Vụ, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ.

b) Tổng cục, các Cục.

3. Duyệt kế hoạch biên chế và quỹ tiền lương hàng năm của cơ quan Bộ để đăng ký với Kho bạc Nhà nước.

4. Duyệt danh mục vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng viên chức hàng năm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ và trực thuộc Tổng cục, Cục.

Điều 6. Trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc Bộ

1. Xây dựng và trình Bộ (thông qua Vụ Tổ chức cán bộ) kế hoạch biên chế hàng năm theo quy định tại các văn bản về quản lý biên chế.

2. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ xác nhận đăng ký kế hoạch biên chế và quỹ tiền lương hàng năm của Tổng cục, Cục và các Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ, theo chỉ tiêu biên chế hành chính hoặc số lượng viên chức hàng năm (đối với các đơn vị sự nghiệp) đã được lãnh đạo Bộ duyệt để đăng ký với Kho bạc Nhà nước và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan.

Chương 4.

THẨM QUYỀN QUẢN LÝ CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

MỤC 1. TUYỂN DỤNG, BỔ NHIỆM NGẠCH, CHUYỂN NGẠCH, XẾP LƯƠNG ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

Điều 7. Thẩm quyền của Bộ Công Thương

1. Tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chuyển ngạch, xếp lương đối với công chức thuộc Cơ quan Bộ.

2. Phê duyệt kế hoạch và kết quả tuyển dụng công chức của Tổng cục, Cục.

3. Bổ nhiệm vào ngạch, chuyển ngạch, xếp lương đối với công chức giữ chức danh lãnh đạo các Tổng cục, Cục, các Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ và công chức là cấp trưởng các Vụ, Văn phòng và đơn vị tương đương của các Tổng cục.

Điều 8. Thẩm quyền và trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc Bộ

1. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ:

a) Thẩm định kế hoạch và kết quả tuyển dụng công chức thuộc Tổng cục, Cục trình lãnh đạo Bộ phê duyệt;

b) Ký hợp đồng lao động với người lao động thuộc các đối tượng quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp (viết tắt là Nghị định 68/2000/NĐ-CP) thuộc cơ quan Bộ (riêng hợp đồng khoán việc giao Chánh Văn phòng Bộ ký).

c) Quyết định bổ nhiệm ngạch, chuyển ngạch và xếp lương đối với công chức, từ ngạch chuyên viên chính trở xuống, được tuyển dụng, thay đổi vị trí làm việc của Tổng cục, Cục, trừ các đối tượng quy định tại khoản 3, điều 7.

d) Quyết định bổ nhiệm, xếp lương, thay đổi chức danh nghề đối với viên chức hạng II; thẩm định, có ý kiến thỏa thuận việc bổ nhiệm, xếp lương, thay đổi chức danh nghề đối với viên chức từ hạng III trở xuống, theo đề nghị của Tổng cục, Cục và các Đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ.

2. Tổng cục, Cục

a) Tổ chức việc tuyển dụng công chức của đơn vị theo chỉ tiêu biên chế và kế hoạch tuyển dụng đã được Bộ phê duyệt; ra quyết định tuyển dụng công chức theo kết quả tuyển dụng đã được Bộ phê duyệt;

b) Tổ chức tuyển dụng viên chức theo quy định; ra quyết định tuyển dụng viên chức trúng tuyển qua thi tuyển hoặc xét tuyển từ hạng III trở xuống. Quyết định tuyển dụng viên chức từ hạng II trở lên, sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Công Thương;

c) Quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, xếp lương đối với viên chức từ hạng III và tương đương trở xuống, sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Công Thương;

d) Ký hợp đồng làm việc đối với viên chức thuộc đơn vị;

đ) Ký hợp đồng lao động với người lao động thuộc các đối tượng quy định tại Nghị định 68/2000/NĐ-CP thuộc đơn vị.

3. Các Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ:

a) Tổ chức tuyển dụng viên chức theo quy định; ra quyết định tuyển dụng viên chức trúng tuyển qua thi tuyển hoặc xét tuyển từ hạng III trở xuống. Quyết định tuyển dụng viên chức từ hạng II trở lên, sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Công Thương;

b) Quyết định bổ nhiệm, xếp lương đối với viên chức từ hạng III và tương đương trở xuống, sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Công Thương, trừ các đối tượng quy định tại Khoản 3, Điều 7;

c) Ký hợp đồng làm việc đối với viên chức thuộc đơn vị;

d) Ký hợp đồng lao động với người lao động thuộc các đối tượng quy định tại Nghị định 68/2000/NĐ-CP thuộc đơn vị.

MỤC 2. THI NÂNG NGẠCH

Điều 9. Thẩm quyền của Bộ Công Thương

1. Phê duyệt danh sách công chức của các đơn vị trực thuộc Bộ, đủ điều kiện đăng ký tham dự các kỳ thi nâng ngạch từ ngạch chuyên viên và tương đương lên ngạch chuyên viên chính và tương đương, từ ngạch chuyên viên chính và tương đương lên ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương theo quy định của Bộ Nội vụ hoặc các Bộ, ngành khác có liên quan.

2. Phê duyệt danh sách viên chức của các đơn vị trực thuộc Bộ, đủ điều kiện đăng ký tham dự các kỳ thi hoặc xét thăng hạng viên chức từ hạng II lên hạng I, theo quy định của Bộ Nội vụ hoặc các Bộ, ngành khác có liên quan.

3. Căn cứ thông báo kết quả thi nâng ngạch do Bộ Nội vụ hoặc các Bộ, ngành khác có liên quan, quyết định:

a) Nâng ngạch, xếp lương đối với công chức từ ngạch chuyên viên chính và tương đương thuộc cơ quan Bộ;

b) Nâng ngạch, xếp lương đối với công chức giữ chức danh lãnh đạo các Tổng cục, Cục, các Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ và công chức là cấp trưởng các Vụ, Văn phòng và đơn vị tương đương của các Tổng cục.

Điều 10. Thẩm quyền và trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc Bộ

1. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ ra quyết định:

a) Nâng ngạch và xếp lương đối với công chức thuộc Cơ quan Bộ từ ngạch chuyên viên và tương đương trở xuống theo danh sách kết quả thi nâng ngạch đã được lãnh đạo Bộ phê duyệt.

b) Nâng ngạch và xếp lương đối với công chức thuộc các Tổng cục, Cục từ ngạch chuyên viên chính và tương đương trở xuống, trừ các đối tượng quy định tại điểm b, khoản 3, điều 9.

c) Nâng hạng và xếp lương đối với viên chức các đơn vị trực thuộc Bộ, từ hạng III lên hạng II, sau khi có ý kiến thẩm định kết quả thi hoặc xét thăng hạng của Bộ Nội Vụ (trừ các đối tượng quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 9).

2. Tổng cục, Cục và các Đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ

Quyết định nâng hạng và xếp lương đối với viên chức thuộc Tổng cục, Cục và các Đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ, từ hạng IV lên hạng III, theo danh sách kết quả thi hoặc xét nâng hạng đã được Bộ phê duyệt.

MỤC 3. NÂNG LƯƠNG

Điều 11. Thẩm quyền của Bộ Công Thương

1. Phê duyệt bảng tổng hợp kế hoạch nâng lương thường xuyên, nâng lương sớm do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ hoặc có thông báo nghỉ hưu hàng năm đối với công chức của Cơ quan Bộ.

2. Quyết định nâng lương thường xuyên, nâng lương sớm do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ hoặc có thông báo nghỉ hưu theo quy định cho các đối tượng sau:

a) Công chức là lãnh đạo cấp Vụ và tương đương thuộc Cơ quan Bộ;

b) Công chức là lãnh đạo thuộc Tổng cục, Cục, các Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ và công chức là cấp trưởng các Vụ, Văn phòng và đơn vị tương đương của các Tổng cục;

c) Công chức thuộc các đơn vị trực thuộc Bộ từ ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương;

d) Viên chức thuộc các đơn vị trực thuộc Bộ, giữ chức danh nghề nghiệp hạng I và tương đương.

Điều 12. Thẩm quyền và trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc Bộ

1. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ

Ban hành quyết định nâng lương thường xuyên, nâng lương sớm đối với công chức từ ngạch chuyên viên chính và tương đương trở xuống của Cơ quan Bộ theo bảng tổng hợp đã được Bộ phê duyệt, trừ các đối tượng quy định tại Khoản 2, Điều 11.

2. Tổng cục, Cục và các Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ

a) Ban hành quyết định nâng lương thường xuyên, nâng lương sớm đối với công chức thuộc đơn vị, từ ngạch chuyên viên chính và tương đương trở xuống, trừ các đối tượng quy định tại điểm b và điểm c, Khoản 2, Điều 11.

b) Ban hành quyết định nâng lương thường xuyên, nâng lương sớm đối với viên chức thuộc đơn vị, giữ chức danh nghề nghiệp, từ hạng II và tương đương trở xuống, trừ các đối tượng quy định tại điểm b và điểm d, Khoản 2, Điều 11.

MỤC 4. QUY HOẠCH, SẮP XẾP, BỔ NHIỆM, MIỄN NHIỆM, ĐIỀU ĐỘNG, LUÂN CHUYỂN, KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT, NGHỈ HƯU, THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH CÁN BỘ

Điều 13. Thẩm quyền của Bộ Công Thương

1. Trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt về quy hoạch và quyết định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, điều động, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu, và giải quyết chính sách đối với cán bộ lãnh đạo thuộc diện Trung ương quản lý.

2. Phê duyệt:

a) Quy hoạch cán bộ lãnh đạo của các đơn vị trực thuộc Bộ;

b) Kế hoạch luân chuyển cán bộ trong diện quy hoạch của Bộ;

c) Kế hoạch nghỉ hưu hàng năm đối với công chức Cơ quan Bộ;

d) Kế hoạch nghỉ hưu hàng năm diện cán bộ là lãnh đạo Tổng cục, Cục, các Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ và công chức là cấp trưởng các Vụ, Văn phòng và đơn vị tương đương của các Tổng cục.

3. Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, luân chuyển, điều động cán bộ đối với các đối tượng sau:

a) Công chức Cơ quan Bộ;

b) Công chức là lãnh đạo Tổng cục, Cục và các Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ;

c) Công chức là cấp trưởng các Vụ, Văn phòng và đơn vị tương đương của các Tổng cục.

4. Thông báo và quyết định nghỉ hưu đối với các đối tượng sau:

a) Công chức là lãnh đạo cấp Vụ và tương đương thuộc Cơ quan Bộ;

b) Công chức là lãnh đạo Tổng cục, Cục và các Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ.

Điều 14. Thẩm quyền và trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc Bộ

1. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ

Thông báo và quyết định nghỉ hưu (theo kế hoạch đã được Bộ phê duyệt) đối với:

a) Công chức Cơ quan Bộ (trừ các đối tượng quy định tại Điểm a, Khoản 4, Điều 13).

b) Công chức là cấp trưởng các Vụ, Văn phòng và đơn vị tương đương của các Tổng cục.

2. Các Vụ, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ

Xây dựng và trình Bộ phê duyệt nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo của đơn vị theo quy định.

3. Tổng cục, Cục và các Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ

a) Xây dựng và trình Bộ phê duyệt nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo của đơn vị theo quy định;

b) Ra quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, luân chuyển, điều động công chức, viên chức thuộc đơn vị (trừ các đối tượng quy định tại điểm b, điểm c, Khoản 3, Điều 13);

c) Thông báo và quyết định nghỉ hưu đối với công chức, viên chức thuộc đơn vị (trừ các đối tượng quy định tại điểm b, Khoản 4, Điều 13 và điểm b, Khoản 1, Điều này;

d) Làm thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với công chức, viên chức thuộc đơn vị, kể cả các chức danh lãnh đạo đơn vị.

Chương 5.

TRÁCH NHIỆM THI HÀNH

Điều 15. Áp dụng quy định này đối với các đơn vị khác

Căn cứ Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị mình, Văn phòng Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế và Ban Thư ký Hội đồng cạnh tranh được áp dụng các quy định của Quyết định này như các vụ trực thuộc Bộ.

Điều 16. Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quy định này.

Điều 17. Vào tuần cuối tháng 12 hàng năm, các đơn vị trực thuộc Bộ có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương (thông qua Vụ Tổ chức cán bộ) việc thực hiện thẩm quyền của đơn vị mình theo quy định về tổ chức, biên chế, quản lý công chức, viên chức tại Quy định này.

Điều 18. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh Quy định này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các đơn vị phản ánh về Bộ Công Thương (thông qua Vụ Tổ chức cán bộ) để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, giải quyết./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 869/QĐ-BCT năm 2013 về Quy định thẩm quyền tổ chức, biên chế, quản lý cán bộ, công, viên chức đối với Vụ, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, Tổng cục, Cục và Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Công thương

  • Số hiệu: 869/QĐ-BCT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/02/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Vũ Huy Hoàng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản