Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 86/1997/QĐ-TCHQ

Hà Nội, ngày 29 tháng 4 năm 1997

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ ĐỊA ĐIỂM KIỂM TRA HÀNG HOÁ XUẤT NHẬP KHẨU NGOÀI KHU VỰC CỬA KHẨU

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN

Căn cứ Điều 17 Pháp lệnh Hải quan ngày 20/2/1990.
Căn cứ Điều 3, Điều 4 Bản quy định thủ tục hải quan và lệ phí hải quan ban hành kèm theo Nghị định 171/HĐBT ngày 27/5/1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục giám sát, quản lý về Hải quan.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế địa điểm kiểm tra hàng hoá xuất nhập khẩu ngoài khu vực cửa khẩu.

Điều 2.- Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 109/TCHQ-QĐ ngày 9/3/1995 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về việc ban hành Quy chế địa điểm kiểm tra hàng hoá ngoài khu vực cửa khẩu.

Điều 3.- Thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan; Cục trưởng Cục hải quan các tỉnh, thành phố; trường Cao đẳng Hải quan và các doanh nghiệp có liên quan, chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nguyễn Văn Cầm

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

ĐỊA ĐIỂM KIỂM TRA HÀNG HOÁ XUẤT NHẬP KHẨU NGOÀI KHU VỰC CỬA KHẨU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 86/QĐ-TCHQ ngày 29 tháng 4 năm 1997 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.

1. Địa điểm kiểm tra hàng hoá xuất, nhập khẩu ngoài khu vực cửa khẩu (sau đây gọi là địa điểm kiểm tra hàng hoá) là các kho, bãi của các doanh nghiệp nằm ngoài khu vực cửa khẩu đã được Hải quan cấp giấy phép công nhận.

2. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chưa hoàn thành thủ tục Hải quan được phép chuyển về lưu giữ tại địa điểm kiểm tra hàng hoá phải chịu sự kiểm tra, giám sát, quản lý liên tục của Hải quan; nộp lệ phí hải quan và các khoản thu khác (nếu có) theo quy định hiện hành.

Điều 2.

1. Căn cứ các điều kiện công nhận địa điểm kiểm tra hàng hoá quy định tại Quy chế này và thực tế về sự cần thiết của các doanh nghiệp, lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh, thành phố cấp giấy phép công nhận cho mỗi doanh nghiệp một địa điểm kiểm tra hàng hoá. Trường hợp đặc biệt, một doanh nghiệp có thể được cấp phép từ 2 địa điểm kiểm tra hàng hoá trở lên, nhưng Cục Hải quan tỉnh, thành phố phải báo cáo (kèm hồ sơ) và được Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chấp nhận.

2. Cục Hải quan tỉnh, thành phố chỉ được cấp giấy phép công nhận địa điểm kiểm tra hàng hoá cho doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố mình quản lý và chịu trách nhiệm tổ chức theo dõi, kiểm tra việc chấp hành Quy chế này của các doanh nghiệp.

3. Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố không có tổ chức Hải quan nhưng có nhu cầu cần thiết về địa điểm kiểm tra hàng hoá thì có đơn gửi đến Cục Hải quan tỉnh, thành phố được Tổng cục Hải quan chỉ định (phụ lục kèm theo) để được cấp giấy phép.

4. Cục Hải quan tỉnh, thành phố chỉ được tổ chức kiểm tra hàng hoá tại địa điểm kiểm tra thuộc Hải quan tỉnh, thành phố mình cấp giấy phép. Trường hợp đặc biệt, Cục Hải quan tỉnh, thành phố này tổ chức kiểm tra hàng hoá tại địa điểm kiểm tra hàng hoá trên địa bàn quản lý của Cục Hải quan tỉnh, thành phố khác thì phải có sự phối hợp và chỉ đạo thống nhất bằng văn bản của lãnh đạo Cục Hải quan hai tỉnh, thành phố có liên quan.

5. Một số trường hợp đặc biệt sau đây, nếu chủ hàng có văn bản đề nghị và xét thấy hợp lý, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố giải quyết theo đúng quy định:

5.1. Những lô hàng nhập khẩu là vật tư, thiết bị của các công trình trọng điểm, các loại hàng siêu trường, siêu trọng, dễ đổ vỡ, hư hỏng được kiểm tra tại chân công trình (theo quy định tại khoản 4 nêu trên).

5.2. Những lô hàng nhập khẩu có số lượng lớn, đồng nhất (ví dụ như phân bón, xi măng) phải chuyển tải sang phương tiện vận tải khác để đưa hàng vào nội địa trước khi cho tàu vào cảng thì được kiểm tra hàng ngay tại tàu.

6. Một số tỉnh, thành phố lớn có quan hệ chặt chẽ với nhau trong việc phối hợp phát triển vùng hoặc khu vực kinh tế mà Chính phủ có quy định, nếu Chính quyền các địa phương sở tại có văn bản đề nghị về những vấn đề liên quan đến địa điểm kiểm tra hàng hoá thì Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố ở đó phải có ý kiến đề xuất và báo cáo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xem xét, chỉ đạo giải quyết.

Chương 2:

THỦ TỤC CÔNG NHẬN ĐỊA ĐIỂM KIỂM TRA HÀNG HOÁ

Điều 3.

Các điều kiện để được cấp giấy phép công nhận địa điểm kiểm tra hàng hoá:

1. Là doanh nghiệp được phép hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu theo các quy định của Pháp luật hiện hành (doanh nghiệp được phép kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp; doanh nghiệp được phép làm các dịch vụ thương mại và giao nhận hàng hoá có liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, các nhà máy, xí nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, gia công hàng xuất khẩu; doanh nghiệp hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài và quy chế Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao).

2. Địa điểm kiểm tra hàng hoá không nằm trong các khu vực có hàng hoá khác thuộc loại dễ cháy, dễ nổ hoặc các khu vực hoạt động của các lực lượng vũ trang (trừ địa điểm của các doanh nghiệp được phép sản xuất kinh doanh thuộc lực lượng vũ trang và doanh nghiệp này phải có cam kết bằng văn bản tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan Hải quan ra, vào kiểm tra, giám sát hàng hoá trong bất kỳ thời gian nào).

3. Địa điểm kiểm tra hàng hoá phải có bờ rào chắc chắn hoặc tường xây bao bọc xung quanh, cách ly với địa điểm sản xuất. Cổng ra vào phải đảm bảo cho xe ôtô chuyên chở các loại container đi lại dễ dàng. Hệ thống kho bãi trong khu vực địa điểm kiểm tra hàng hoá phải đảm bảo các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy và các điều kiện khác đảm bảo an toàn cho người, hàng hoá, phương tiện phục vụ việc quản lý, kiểm tra, giám sát của Hải quan và phù hợp với yêu cầu xếp dỡ, bảo quản đối với từng loại hàng hoá.

Điều 4. Thủ tục xin phép công nhận địa điểm kiểm tra hàng hoá:

1. Có đơn (theo mẫu của Tổng cục Hải quan ban hành kèm theo Quy chế này) xin phép công nhận địa điểm kiểm tra hàng hoá gửi Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố. Kèm theo đơn phải có:

- Quyết định thành lập doanh nghiệp hoặc giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu.

- Giấy tờ về quyền sử dụng kho, bãi hoặc hợp đồng thuê kho. Bản sao có công chứng giấy chứng nhận về phòng cháy, chữa cháy do Phòng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh, thành phố cấp.

- Sơ đồ mặt bằng kho bãi.

Điều 5.- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn, Hải quan tỉnh, thành phố phải tiến hành các thủ tục xét duyệt hồ sơ, kiểm tra thực tế kho, bãi, nếu đủ điều kiện thì Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố cấp giấy phép công nhận địa điểm kiểm tra hàng hoá. Giấy phép công nhận địa điểm kiểm tra hàng hoá chỉ có giá trị 01 năm, kể từ ngày ký (theo mẫu của Tổng cục ban hành kèm theo Quy chế này). Trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy phép công nhận thì trong phạm vi 10 ngày phải trả lời bằng văn bản cho doanh nghiệp biết. Trước khi hết hạn giấy phép 10 ngày, doanh nghiệp có công văn đề nghị gia hạn, trên cơ sở đó Hải quan sở tại kiểm tra lại địa điểm nếu đầy đủ điều kiện theo quy định sẽ được gia hạn tiếp (01 năm), nếu không đủ điều kiện thì Hải quan sẽ rút giấy phép công nhận địa điểm kiểm tra đó.

Chương 3:

HÀNG HOÁ XUẤT NHẬP KHẨU ĐƯỢC PHÉP KIỂM TRA TẠI ĐỊA ĐIỂM KIỂM TRA NGOÀI KHU VỰC CỬA KHẨU

Điều 6.

1. Địa điểm kiểm tra hàng hoá xuất nhập khẩu ngoài khu vực cửa khẩu theo Quy chế này chỉ dành để kiểm tra những hàng hoá đã được phép nhập khẩu chưa làm xong thủ tục hải quan và hàng hoá được phép xuất khẩu đang trong quá trình kiểm tra, giám sát, quản lý của Hải quan.

2. Những hàng hoá sau đây không được phép kiểm tra tại địa điểm kiểm tra hàng hoá:

2.1. Hàng chưa được phép xuất khẩu, nhập khẩu.

2.2. Hàng quá cảnh hoặc xuất nhập khẩu uỷ thác cho nước ngoài.

2.3. Hàng cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu và hàng hoá do Hải quan quy định không được đưa về địa điểm kiểm tra hàng hoá.

2.4. Hàng hoá nhập khẩu của các doanh nghiệp đưa về địa điểm kiểm tra trong 01 năm có vi phạm bị lập biên bản vi phạm pháp luật Hải quan từ 2 lần trở lên.

3. Địa điểm kiểm tra hàng hoá đã được cấp giấy phép công nhận của doanh nào thì chỉ chấp nhận được kiểm tra hàng hoá của doanh nghiệp đó.

Điều 7.

Điều kiện để hàng hoá xuất nhập khẩu được phép kiểm tra tại địa điểm kiểm tra hàng hoá:

1. Doanh nghiệp đã được cấp giấy phép công nhận địa điểm kiểm tra hàng hoá.

2. Có đơn vị xin phép được kiểm tra hàng hoá tại địa điểm kiểm tra hàng hoá (theo mẫu của Tổng cục Hải quan ban hành kèm theo Quy chế này), kèm theo đơn là tờ khai và bộ hồ sơ lô hàng theo quy định. Đối với hàng nhập khẩu chuyển tiếp phải có công văn xin phép chuyển tiếp (thay cho đơn) theo quy định tại QĐ 89/TCHQ-GSQL ngày 02/08/1994 của Tổng cục Hải quan về việc ban hành Bản quy định thủ tục hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu được phép chuyển tiếp.

Căn cứ vào bộ hồ sơ trên, nếu đủ điều kiện thì Hải quan tỉnh, thành phố chấp thuận vào đơn cho phép hàng hoá được kiểm tra tại địa điểm kiểm tra.

Trường hợp không có đơn xin phép được kiểm tra hàng hoá tại địa điểm kiểm tra hoặc có đơn nhưng chưa có ý kiến chấp thuận của Hải quan tỉnh, thành phố mà doanh nghiệp đưa hàng hoá nhập khẩu chưa hoàn thành thủ tục hải quan và hàng hoá xuất khẩu đang chịu sự kiểm tra, giám sát, quản lý của Hải quan vào kho bãi, coi như vi phạm pháp luật và phải bị xử lý theo pháp luật.

Chương 4:

THỦ TỤC KIỂM TRA, GIÁM SÁT VÀ QUẢN LÝ VỀ HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ XUẤT NHẬP KHẨU TẠI ĐỊA ĐIỂM KIỂM TRA NGOÀI KHU VỰC CỬA KHẨU

Điều 8.- Hàng hoá nhập khẩu được phép vận chuyển từ cửa khẩu về địa điểm kiểm tra hàng hoá hoặc hàng hoá xuất khẩu đã làm xong thủ tục Hải quan tại địa điểm kiểm tra chuyển đến cửa khẩu để xuất khẩu (kèm bộ hồ sơ hợp lệ của lô hàng) phải thực hiện theo phương thức vận chuyển bằng container, xe chuyên dụng, xe thùng, kiện hàng... có niêm phong hải quan hoặc có nhân viên Hải quan áp tải.

Điều 9.-

1. Hàng hoá được phép vận chuyển từ cửa khẩu về địa điểm kiểm tra nào thì phải được chuyển về đúng địa điểm kiểm tra đó. Quá trình vận chuyển nghiêm cấm không được dỡ hàng hoá xuống dọc đường. Trường hợp bất khả kháng (tai nạn gia thông, sự cố hỏng xe....) phải dỡ hàng hoá xuống dọc đường thì phải thông báo ngay lập tức cho cơ quan Hải quan hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi gần nhất biết và lập biên bản chứng nhận cùng đầy đủ các chứng từ chứng nhận hợp lệ theo quy định của cơ quan chuyên ngành giải quyết, xử lý các trường hợp tai nạn giao thông.

2. Niêm phong hải quan, tình trạng bao bì hàng hoá khi dã được chở đến địa điểm kiểm tra phải bảo đảm nguyên trạng như ban đầu tại cửa khẩu (đối với hàng nhập khẩu); Trước khi kiểm tra đối chiếu chi tiết hàng nếu phát hiện niêm phong hải quan, tình trạng bao bì khác thường, cán bộ Hải quan phải lập biên bản chứng nhận ngay sau khi phát hiện và yêu cầu người điều khiển phương tiện vận chuyển, chủ hàng và người áp tải (nếu có) cùng ký biên bản để xác nhận tình trạng thực tế của lô hàng, nếu có vi phạm phải được xử lý theo quy định hiện hành.

3. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu sau khi được phép đưa vào địa điểm kiểm tra chờ hoàn thành thủ tục hải quan, phải được niêm phong hải quan và để tách biệt với các loại hàng hoá khác.

Điều 10.-

1. Việc kiểm tra hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu tại địa điểm kiểm tra hàng hoá phải theo đúng quy chế kiểm hoá và quy trình làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu ban hành kèm theo các Quyết định hiện hành của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

2. Ưu tiên bố trí lực lượng kiểm tra những lô hàng rời, hàng đóng kiện, hàng dễ hư hỏng để kết thúc thủ tục, giải phóng hàng trong ngày. 3. Trong quá trình kiểm hoá nếu có lý do đặc biệt phải tạm dừng (hết giờ, thời tiết...) thì toàn bộ lô hàng phải được niêm phong hải quan hoặc có cán bộ Hải quan giám sát liên tục.

4. Những lô hàng đã được phép kiểm tra tại địa điểm kiểm tra hàng hoá thì thời điểm tính thuế áp dụng từ ngày đăng ký tờ khai Hải quan.

Chương 5:

XỬ LÝ VI PHẠM

Chương 6:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. Trong vòng 45 ngày, kể từ ngày ban hành Quy chế này, các doanh nghiệp trước đây đã được cấp giấy phép công nhận địa điểm kiểm tra hàng hoá theo Quyết định số 109/TCHQ-QĐ ngày 9/3/1995, nếu không phù hợp với Quy chế này phải làm thủ tục xin phép lại. Hết thời hạn quy định trên, các giấy phép công nhận đó đều không có giá trị thực hiện. Sau mỗi lần cấp giấy phép hoặc mỗi lần ra quyết định rút giấy phép công nhận địa điểm kiểm tra hàng hoá cho các doanh nghiệp, Cục Hải quan tỉnh, thành phố phải có gửi về Tổng cục 01 bản để báo cáo.

Điều 13.Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc cơ quan Tổng cục và Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện Quy chế này.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 86/1997/QĐ-TCHQ về Quy chế địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu ngoài khu vực cửa khẩu do Tổng cục trưởng Tổng cục hải quan ban hành

  • Số hiệu: 86/1997/QĐ-TCHQ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/04/1997
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Nguyễn Văn Cầm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/04/1997
  • Ngày hết hiệu lực: 18/06/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản