Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 853/2007/QĐ-UBND

Huế, ngày 02 tháng 4 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NGĂN NGỪA VÀ GIẢI QUYẾT TÌNH TRẠNG TRẺ EM PHẢI LAO ĐỘNG NẶNG NHỌC, TRONG ĐIỀU KIỆN ĐỘC HẠI VÀ NGUY HIỂM GIAI ĐOẠN 2006-2010

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em ngày 12 tháng 8 năm 1991;

Căn cứ Quyết định số 19/2004/QĐ-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm phạm tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2004 - 2010;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án "Ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2006-2010" (kèm theo Quyết định này).

Điều 2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực thực hiện Đề án, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với các ngành, các cấp tổ chức triển khai, kiểm tra thực hiện Đề án.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Huế chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Ngô Hòa

 

ĐỀ ÁN

"NGĂN NGỪA VÀ GIẢI QUYẾT TÌNH TRẠNG TRẺ EM PHẢI LAO ĐỘNG NẶNG NHỌC, TRONG ĐIỀU KIỆN ĐỘC HẠI VÀ NGUY HIỂM GIAI ĐOẠN 2006-2010"
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 853/2007/QĐ - UBND ngày 02 tháng 04 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế)

I. THỰC TRẠNG VẤN ĐỀ TRẺ EM LAO ĐỘNG NẶNG NHỌC, TRONG ĐIỀU KIỆN ĐỘC HẠI, NGUY HIỂM.

Ở tỉnh ta chưa có một cuộc điều tra chính thức về thực trạng trẻ em tham gia các hoạt động kinh tế, trong đó có trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm. Theo số liệu của Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh báo cáo

số trẻ em dưới 16 tuổi có nguy cơ đi lang thang tính đến cuối quý 1 năm 2006 là: 2.298, trong đó số trẻ em lang thang hiện có trên địa bàn tỉnh là 573, chủ yếu ở thành phố Huế, trong số này có 328 em bỏ nhà đi lang thang.

Tuy chưa có số liệu khảo sát cụ thể về tình hình làm việc của các trẻ em, nhưng qua thực tế có nhiều trẻ em phải làm thuê và tự kiếm sống ở một số ngành như: khai thác vật liệu xây dựng, dịch vụ buôn bán ở các quán ăn nhà hàng tư nhân, các cơ sở chế biến thực phẩm, đi ở giúp việc gia đình, bán vé số ...

Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là gia đình các em thuộc diện hộ nghèo, gia đình bất hạnh. Bên cạnh đó nhận thức và hiểu biết của các cấp chính quyền, của người lao động, gia đình và bản thân trẻ em về vấn đề lao động chưa thành niên và pháp luật có liên quan đã làm giảm hiệu quả của công tác ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm.

Trong thời gian qua, mặc dù Nhà nước đã đầu tư nguồn lực cho Chương trình bảo vệ chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhưng đầu tư trực tiếp cho các hoạt động ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm còn rất hạn chế về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó do cơ chế phân cấp quản lý ngân sách, nên không có nguồn kinh phí riêng để thực hiện. Cán bộ chuyên môn và thanh tra về lao động chưa thành niên ở các cấp vẫn còn thiếu, chưa có mạng lưới cộng tác viên và tình nguyện viên ở cơ sở để hỗ trợ cho việc kiểm tra và giám sát tình hình lao động chưa thành niên, trong đó có thực trạng trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm.

II. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu tổng quát:

Ngăn ngừa, giảm dần và tiến tới giảm cơ bản vào năm 2010 số lượng trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm, tạo điều kiện để những trẻ em này được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và phát triển toàn diện về mọi mặt, có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

2. Mục tiêu cụ thể:

2.1. Ngăn ngừa tình trạng trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm.

2.2. Giải quyết tình trạng trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm để đến năm 2010 giảm được 90% số trẻ em này.

2.3. Nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ làm công tác giải quyết tình trạng trẻ em phải lao động nặng nhọc.

III. ĐỐI TƯỢNG CỦA ĐỀ ÁN

- Trẻ em nói chung, đặc biệt là những trẻ em đang phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm và những trẻ em thuộc nhóm đối tượng các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

- Cha mẹ và gia đình của trẻ em và những người sử dụng lao động.

IV. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Trên cơ sở hệ thống chính sách, pháp luật cần đẩy mạnh các hoạt động xã hội hoá trong công tác bảo vệ trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại nguy hiểm.

2. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng và sự chỉ đạo của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp đối với công tác này.

3. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động mọi tầng lớp nhân dân nghiêm túc chấp hành và thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác bảo vệ trẻ em, ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện nguy hiểm, độc hại.

4. Phát huy và nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm và thông qua mô hình can thiệp ở địa phương và thiết lập mạng lưới trợ giúp tại cộng đồng.

5. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện các hoạt động ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại nguy hiểm.

V. CÁC HOẠT ĐỘNG CỤ THỂ.

1. Điều tra, khảo sát đánh giá tình hình lao động trẻ em (lao động chưa thành niên).

2. Khảo sát phân loại và lập hồ sơ trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm theo theo loại hình độ tuổi và giới tính.

3. Xác định các vùng, địa bàn trọng điểm về trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm thông qua kết quả khảo sát, để thực hiện các mô hình can thiệp giúp trẻ em ra khỏi môi trường đang làm việc.

4. Phối hợp với các cơ quan y tế địa phương tổ chức khám sức khoẻ cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

5. Phối hợp với chính quyền địa phương và ngành giáo dục và đào tạo nghiên cứu, xây dựng mô hình giáo dục và hoà nhập đối với trẻ em phải bỏ học do lao động quá sớm kết hợp với hỗ trợ học nghề.

6. Phối hợp với chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương để xây dựng và thiết lập mô hình tư vấn cho các bậc cha mẹ về chuyển đổi cơ cấu ngành, nghề, tạo việc làm và thu nhập.

7. Tổ chức kiểm tra, thanh tra liên ngành giữa ngành Lao động - TB&XH với Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em về tình hình trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại nguy hiểm.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các giai đoạn thực hiện đề án:

1.1. Giai đoạn 1 từ tháng 7 năm 2006 đến tháng 12 năm 2007: Tập trung vào việc khảo sát, đánh giá thực trạng trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm. Đồng thời, tiến hành kiểm tra, thanh tra liên ngành về tình hình trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm. Tổ chức sơ kết đánh giá kết quả của giai đoạn này để rút kinh nghiệm cho giai đoạn tiếp theo.

1.2. Giai đoạn 2 từ tháng 01 năm 2008 đến tháng 12 năm 2010: Tập trung chủ yếu vào các hoạt động can thiệp và hỗ trợ trực tiếp nhằm ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm. Phối hợp với chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương tạo điều kiện cho các cháu được học hành và xây dựng, thiết lập mô hình tư vấn cho các bậc cha mẹ về chuyển đổi cơ cấu ngành, nghề, tạo việc làm và thu nhập.

2. Trách nhiệm của các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và địa phương trong tổ chức thực hiện:

2.1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động, khảo sát, lập hồ sơ trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm. Phối hợp với Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em ở các địa phương để kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện, định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo cho Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội.

2.2. Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em có trách nhiệm phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan trong công tác kiểm tra, thanh tra về tình trạng trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm.

2.3. Sở Giáo dục và Đào tạo: Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em hỗ trợ các địa phương mở rộng hình thức giáo dục thích hợp nhằm thu hút hầu hết trẻ em phải làm việc đến lớp, xây dựng và thực hiện các hình thức và biện pháp giáo dục thích hợp nhằm thu hút học sinh lưu ban, bỏ học, học sinh cá biệt được trở lại học tập và có điều kiện phát triển lành mạnh; đẩy mạnh hoạt động hướng nghiệp trong nhà trường.

2.4. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố Huế: Cần lồng ghép các hoạt động của kế hoạch này với chương trình khác có liên quan trong phạm vi địa phương mình trong mục tiêu của các chương trình quốc gia xoá đói giảm nghèo và tạo việc làm, phòng chống HIV/AIDS, phòng chống ma tuý. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan phải nắm vững tình hình trẻ em phải lao động nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại.

2.5. Đối với các tổ chức chính trị - xã hội: Phối hợp với các cấp chính quyền trong việc vận động giáo dục hội viên của mình tích cực tham gia công tác bảo vệ trẻ em, triển khai kế hoạch ngăn ngừa tình trạng lạm dụng sức lao động của trẻ em, đồng thời nâng cao nhận thức của họ về ảnh hưởng tiêu cực lâu dài của việc sử dụng trẻ lao động trẻ em.

Các ban, ngành, tổ chức chính trị- xã hội và các huyện, Thành phố Huế thực hiện báo cáo định kỳ (6 tháng, 1 năm) và báo cáo đột xuất về tình hình thực hiện đề án thuộc lĩnh vực của ngành về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 853/2007/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2006-2010 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

  • Số hiệu: 853/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 02/04/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Ngô Hòa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/04/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 11/08/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản