Hệ thống pháp luật

ỦY BAN KIẾN THIẾT CƠ BẢN NHÀ NƯỚC

 

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập – Tự do - Hạnh phúc

 

Số : 836-UB-ĐM

Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 1964

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH TẬP CHỈ TIÊU VÀ ĐỊNH MỨC KINH TẾ KỸ THUẬT MÁY THI CÔNG TRONG NGÀNH XÂY DỰNG CƠ BẢN

CHỦ NHIỆM ỦY BAN KIẾN THIẾT CƠ BẢN NHÀ NƯỚC

Căn cứ Nghị định số 209-CP ngày 12 tháng 12 năm 1962 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước;
Căn cứ nhu cầu công tác xây dựng cơ bản.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.Nay ban hành tập chỉ tiêu và định mức kinh tế kỹ thuật máy thi công dùng trong ngành xây dựng cơ bản kèm theo quyết định này.

Điều 2. - Tập chỉ tiêu và định mức kinh tế kỹ thuật này thay thế cho tập định mức năng suất và giá phí tổn sử dụng máy thi công số 290-UB-ĐM của Thông tư số 307-UB-ĐM ngày 26-11-1962.

Điều 3. - Tập chỉ tiêu và định mức kinh tế kỹ thuật này được áp dụng cho việc lập kế hoạch, lập dự toán đơn giá và thanh quyết toán trong việc sử dụng máy thi công trên các công trường xây dựng cơ bản.

Điều 4.Quyết định này thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 1965.

 

ỦY BẢN KIẾN THIẾT CƠ BẢN NHÀ NƯỚC
CHỦ NHIỆM




Trần Đại Nghĩa

 

CHỈ TIÊU VÀ ĐỊNH MỨC

KINH TẾ KỸ THUẬT MÁY THI CÔNG TRONG NGÀNH XÂY DỰNG CƠ BẢN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 836-UB-ĐM ngày 12-11-1964)

Phần 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Tập chỉ tiêu định mức kinh tế kỹ thuật máy thi công (gọi tắt là tập Định mức máy thi công) có những chỉ tiêu sử dụng máy, định mức phí tổn bình quân, định mức năng suất và đơn giá áp dụng thống nhất cho các đơn vị quản lý máy thi công của các Bộ và các cơ quan ngang Bộ,hoạt động trên các công trường toàn miền bắc, không phân biệt ở miền xuôi, miền ngược, trung du và đồng bằng, không phân biệt loại công trình kiến thiết cơ bản thuộc ngành nào.

2. Gặp trường hợp có những điều kiện đặc biệt không thể áp dụng thật đúng, cần phải có những sửa đổi, bổ sung vào tập định mức máy thi công này, thì các Bộ, các Tổng cục sẽ xây dựng các chỉ tiêu định mức, đơn giá theo nội dung của bản quy định này rồi thông qua Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước duyệt mới thi hành.

II. NỘI DUNG TẬP CHỈ TIÊU ĐỊNH MỨC KINH TẾ KỸ THUẬT MÁY THI CÔNG

1. Phân biệt giữa máy thi công với các máy khác.

Các loại máy thi công dùng trong công tác xây dựng cơ bản gồm có các loại: làm đất, làm đá, bốc xúc, vận chuyển, lắp ráp, xây trát, làm bê-tông phun xi-măng, làm nền móng, bút bùn, máy hàn các loại v .v…

Tất cả các loại máy trên được chuyển động bằng các động cơ, chạy bằng hơi nước, ma-dút, xăng, điện, khí nén và được đưa vào sử dụng trực tiếp cho công tác thi công ở các công trường xây dựng cơ bản.

Cũng các loại máy này, nhưng khi sử dụng vào việc khác, không phải làm việc trực tiếp thi công như ô-tô vận tải vật liệu, máy bơm nước v .v… thì không coi là máy thi công.

Một số các loại công cụ như tời quay tay, kích, ba-lăng v .v… không có động cơ, dùng trang bị trực tiếp cho các đội công nhân xây dựng thủ công, sử dụng thường xuyên như các công cụ thông thường khác, thì không phải là máy thi công.

Các máy công cụ như tiện, phay, bào, mài , hàn hơi, hàn điện v .v… dùng vào việc bảo dưỡng, sửa chữa các máy thi công, dùng vào việc gia công cơ khí cũng không phải là máy thi công.

2. Tập “định mức máy thi công” này xây dựng trên cơ sở những nguyên tắc và nội dung sau đây:

a) Giá quy định để tính khấu hao cơ bản

Theo chỉ thị của Phủ Thủ tướng số 1502-CN ngày 19 tháng 6 năm 1964, nay lấy giá điều động nội bộ của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước cộng thêm 1,33% quản lý vật tư, làm giá máy để tính khấu hao cơ bản thống nhất cho các máy cùng kiểu và cùng loại, như vậy là từ nay không còn mỗi nơi có giá máy riêng nữa.

b) Chỉ tiêu số ca máy phải khấu hao trong cả đời máy.

Máy cùng kiểu cùng loại phải áp dụng chỉ tiêu này để bảo đảm khấu hao cơ bản, thu hồi đủ vốn cố định cho Nhà nước đồng thời bảo đảm số tiền khấu hao cơ bản một ca máy đúng mức, phù hợp với điều kiện kỹ thuật cơ khí của máy cho phép.

Các đơn vị quản lý máy thi công phải chấp hành đúng các chế độ bảo dưỡng, sửa chữa và sử dụng để thực hiện đúng chỉ tiêu này.

Cách tính mức khấu hao cơ bản một ca máy:

Mức khấu hao cơ bản một ca máy

=

Giá quy định để tính khấu hao cơ bản

Số ca phải khấu hao trong cả đời máy

c) Định mức số ca phải khấu hao hàng năm

Trong số ca quy định này đã có tính trừ số ngày không làm việc để sửa chữa, bão dưỡng dự phòng thời tiết mà máy không làm việc được, những ngày nghỉ lễ, chủ nhật, những ngày di chuyển máy và có chiếu cố những ngày nghỉ khác có lý do như loại máy ít dùng đến hoặc không dùng hết thời gian làm việc trong một ca.

Số ca máy quy định phải làm việc trong một năm là cơ sở để thu hồi số tiền khấu hao cơ bản của máy đó trong một năm.

Nếu tổng số thu khấu hao cơ bản cả năm mà vượt tổng số giá trị khấu hao cơ bản quy định thì cũng phải nộp cho Nhà nước số tiền vượt mức đó.

d) Khấu hao sửa chữa lớn gồm có sửa chữa trung tu và đại tu .

Những máy nào chưa quy định mức khấu hao sửa chữa lớn có trong tập định mức này, cơ quan chủ quản sẽ xây dựng bằng cách áp dụng chỉ tiêu định mức của máy nào đó có công suất tương tự đã xây dựng trong tập định mức này mà vận dụng, một mặt báo cáo cho Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước để cùng nghiên cứu quy định chính thức sau.

e) Phí tổn sửa chữa nhỏ gồm các kỳ bảo dưỡng 1, 2, 3, 4. Trong chỉ tiêu phí tổn này đã có tính cả dầu nhờn, mỡ và thiết bị phụ đồ nghề theo máy.

Cách tính ra chỉ tiêu này cũng áp dụng cách tính toán như phần sửa chữa lớn.

f) Phí tổn về nhiên liệu chất đốt động lực.

Định mức phí tổn chất đốt động lực trong tập chỉ tiêu định mức máy thi công đã quy định giá trị bình quân một đơn vị khối lượng kể cả phí tổn vận chuyển đến công trường, áp dụng chung cho các đơn vị quản lý máy hoạt động trong phạm vi toàn miền Bắc.

Khi áp dụng vào trong các trường hợp có các hình thức tổ chức khác nhau về sử dụng máy thi công thì theo các quy định nói trong mục III về quy định áp dụng tập chỉ tiêu định mức máy thi công.

Định mức số lượng nhiên liệu chất đốt cho một ca, tính toán bình quân trên cơ sở máy đã làm việc trong các trường hợp, điều kiện khác nhau, cân đối giữa năng suất với tiêu thụ nhiên liệu với điều kiện máy móc ở trạng thái trung bình, và công nhân điều khiển máy có đủ tiêu chuẩn cấp bậc đã quy định trong tập định mức này.

Trong này đã tính cả trường hợp máy chạy từ nơi để máy đến nơi làm việc trong phạm vi công trường, khi máy chạy không có năng suất như ô-tô cần trục chờ móc hàng v .v… thử máy trước và sau khi làm việc, loại trừ các trường hợp máy chạy bất hợp lý.

g) Phí tổn về thợ điều khiển máy

Căn cứ vào yêu cầu kỹ thuật về cơ khí và thi công của từng loại máy để quy định cấp bậc, số lượng thợ chính và thợ phụ cho từng máy. Các cơ quan quản lý máy thi công cần đào tạo công nhân đủ tiêu chuẩn của cấp bậc đã quy định.

Phí tổn chỉ tính số thợ chính và thợ phụ theo như đã quy định, không kể các lao động phụ trong dây chuyền sản xuất.

Phí tổn tiền lương công nhân trong một ca máy tính theo nguyên tắc sau:

Theo quy định tiền lương, cấp bậc của thợ chính và thợ phụ hàng tháng của thang lương 7 bậc cho máy thi công của Bộ Lao động, cộng với khoản phụ cấp khu vực đã được bình quân gia quyền nhân cho 12 tháng được tổng số của một năm.

Nay tạm quy định lấy tổng số tiền lương một năm đã nói ở trên chia cho 270 ngày cho thợ chính và thợ phụ điều khiển các loại máy nhẹ không nóng, không có hại, và chia cho 250 ngày cho thợ chính và thợ phụ điều khiển các loại máy nặng, nóng có hại.

Cách tính như trên để bảo đảm cho cơ quan quản lý máy có tiền trả lương cho thợ chính và thợ phụ trong những ngày máy không làm việc trong một năm.

Phí tổn thợ điều khiển máy quy định trong tập định mức máy thi công này là quy định thống nhất, nhưng khi áp dụng vào các trường hợp sử dụng máy thi công trong các điều kiện tổ chức khác nhau thì có thay đổi theo quy định ở mục III trong tập quy định này.

h) Năng suất một ca máy

Năng suất một ca máy trong tập định mức này đã có tính chất chung cho các trường hợp thi công khác nhau, lúc khó, lúc dễ.

Một ca máy làm việc là 8 giờ trong đó có trong cả giờ di chuyển máy trong khi làm việc trong phạm vi công trường, giờ nghỉ kỹ thuật trong quá trình làm việc một ca máy v .v…

Vì lý do chính đáng nào đó mà máy không làm đủ một ca 8 giờ (vì hết khối lượng, thay đổi thiết kế v .v… ) phải cho máy nghỉ thì cách tính như sau:

- Làm được từ 4 giờ trở xuống thì được tính là nửa ca;

- Làm được trên 4 giờ thì được tính một ca.

Trong trường hợp cần tính ra giá trị sản lương của một giờ máy thì cách tính như sau:

Giá trị sản lương của một giờ máy được tính trên cơ sở máy làm việc 8 giờ một ca.

Giá trị sản lượng một giờ

=

Giá trị sản lượng một giờ

8 giờ

Định mức năng suất của máy có tính chất trung bình tiền tiến thể hiện kỹ thuật thi công và dây chuyền sản xuất tương đối hợp lý.

Phương pháp xây dựng định mức năng suất phải theo phương pháp định mức có căn cứ kỹ thuật.

i) Đơn giá

Là giá trị phí tổn của một đơn vị khối lượng sản phẩm do máy làm ra.

Trong tập định mức thi công này đã tính đơn giá phí tổn trực tiếp của một đơn vị khối lượng.

Cách tính:

Đơn giá

=

Tổng giá trị phí tổn trực tiếp một ca máy

Năng suất một ca máy

III. NHỮNG QUY ĐỊNH ĐỂ ÁP DỤNG TẬP “CHỈ TIÊU ĐỊNH MỨC KINH TẾ KỸ THUẬT MÁY THI CÔNG” VÀO CÁC TRƯỜNG HỢP SỬ DỤNG MÁY THI CÔNG Ở CÁC CÔNG TRƯỜNG.

1. Bao thầu khối lượng.

Đối với các tổ chức thi công cơ giới của các Bộ, Tổng cục, cơ quan ngang Bộ v .v… được xác nhận là đơn vị hạch toán kinh tế độc lập, chuyên đi bao thầu khối lượng thì áp dụng đúng các chỉ tiêu, định mức, đơn giá của tập định mức máy thi công này, không có sự phân biệt gì khác.

Bên giao thầu và bên nhân thầu áp dụng đơn giá của tập định mức này, cùng nhau ký kết hợp đồng và thanh quyết toán.

2. Cho thuê máy

Có hai hình thức cho thuê máy:

- Đơn vị có máy khi đi làm có thợ đi theo máy và tự đảm nhiệm tất cả hoặc đảm nhiệm một phần phí tổn trực tiếp của một ca máy.

- Đơn vị có máy cho thuê không có thợ đi theo máy và không đảm nhiệm tất cả hoặc một phần phí tổn trực tiếp của một ca máy.

a) Hình thức đơn vị có máy đi làm có thợ đi theo máy và tự đảm nhiệm tất cả hoặc một phần phí tổn trực tiếp một ca máy.

Bên thuê máy và bên có máy cho thuê áp dụng đúng các chỉ tiêu định mức của tập định mức máy thi công này vào việc thanh toán cho nhau.

Nếu trong trường hợp đặc biệt bên thuê máy cung cấp một số khoản chi phí trực tiếp như chất đốt động lực v .v… thì bên có máy đi làm không được thanh toán khoản đó với bên thuê máy, như khi lên đơn giá vẫn tính đủ các khoản đó theo đúng các chỉ tiêu định mức đã quy định.

Bên thuê máy phải đảm bảo thực hiện năng suất quy định cho một ca máy, nhưng bên có máy đi làm phải có trách nhiệm bảo đảm định mức năng suất một ca đã quy định.

b) Hình thức cho thuê máy không có thợ đi theo máy và không đảm nhiệm về chất đốt động lực.

Các loại máy cho thuê theo hình thức này chỉ áp dụng đối với các loại máy điều khiển đơn giản về kỹ thuật sử dụng như: máy đầm bê-tông, trộn bê-tông, trộn vửa, giáng thăng v .v… Còn các loại máy phức tạp đòi hỏi phải có trình độ sử dụng thông thạo thì không thuê máy theo hình thức này được.

Trong trường hợp thuê máy theo hình thức này phải có hợp đồng cụ thể quy rõ trách nhiệm và những khoản bên thuê máy phải trả bên có máy. Nguyên tắc bên có máy cho thuê không được thu khoản tiền nào mà thực tế không sử dụng.

Trong quá trình bên thuê máy sử dụng máy nếu xẩy ra hư hỏng máy do máy đã đến kỳ sửa chữa lớn nên hư hỏng do quá trình làm việc lâu ngày, các bộ phận chuyển động đã bị mài mòn, sai lệch v .v… thì bên có máy cho thuê phải chịu trách nhiệm sửa chữa.

Nếu máy hư hỏng do người thợ điều khiển máy gây nên, hoặc bị phá hoại, hỏa hoạn v .v… thì bên thuê máy phải chịu trách nhiệm về phí tổn sửa chữa, hoặc bồi thường giá trị máy (nếu máy không sửa chữa được nữa) cho bên có máy cho thuê.

Để xử lý dễ dàng trong các trường hợp nói trên hai bên thuê và cho thuê máy phải làm hợp đồng cụ thể và kiểm tra kỹ thuật cẩn thận khi giao nhận máy.

c) Xử lý các trường hợp thuê máy không làm việc hết số ca quy định trong một năm

Do hoàn cảnh, điều kiện kỹ thuật nào đó mà máy không làm việc đủ số ca theo chỉ tiêu đã quy định trong tập định mức này, nhưng do yêu cầu thi công phải có máy đó thường trực để bảo đảm thi công (máy hỗ trợ, làm việc bất thường và dự phòng v .v… ) cách thanh toán những ca máy nghỉ việc giữa bên thuê và bên có máy cho thuê như sau:

- Chia số ca của chi tiêu số ca trong một năm máy phải làm việc cho 12 tháng được số ca bình quân phải làm một tháng. Hiệu của số ca bình quân một tháng với số ca thực tế đã làm trong một tháng (nếu số ca thực tế đã làm ít hơn số ca bình quân một tháng) là số ca phải thanh toán.

- Nội dung thanh toán cho một ca máy nghỉ việc gồm có các khoản khấu hao cơ bản, phí tổn thợ chính và thợ phụ điều khiển máy nếu có thợ đi theo máy.

Nếu tháng nào máy làm việc thực tế vượt số ca bình quân một tháng thì số ca vượt mức đó không phải trừ vào số ca chỉ tiêu một năm để tính bình quân lại cho hàng tháng.

Những ca máy thực tế làm việc thì thanh toán như các trường hợp thuê và cho thuê máy đã nói ở trên.

d) Xử lý các trường hợp máy ngừng sản xuất

Trường hợp máy ngừng sản xuất vì lý do nào đó (yêu cầu kỹ thuật,thay đổi thiết kế, thiếu vật liệu máy hỏng v .v… ) do bên nào gây nên thì bên ấy phải chịu trách nhiệm đài thọ.

Nội dung thanh toán một ca máy ngừng sản xuất gồm có khấu hao cơ bản, phí tổn thợ chính và thợ phụ điều khiển máy.

Các trường hợp máy ngừng hoạt động vì thời tiết đã có tính trong định mức số ca khấu hao hàng năm (điểm C mục II). Vì vậy cần phân bổ số ca máy làm việc vào các mùa khô nhiều hơn mùa mưa để bảo đảm đủ chỉ tiêu số ca trong một năm.

Để tránh khó khăn trong việc theo dõi và thanh toán thì khi giao nhận thầu, đi thuê máy hoặc cho thuê máy, các bên hữu quan phải làm hợp đồng cụ thể quy rõ trách nhiệm, yêu cầu sản xuất v .v… từng quý, nửa năm hoặc cả năm.

3. Trường hợp có máy tự quản lý và sử dụng

Áp dụng đúng các chỉ tiêu định mức của tập định mức máy thi công này trừ hai khoản chi tiêu phí tổn chất đốt động lực và thợ điều khiển máy thì áp dụng cách tính sau đây:

a) Giá phí tổn chất đốt động lực được lấy giá cả địa phương kể cả phí tổn vận chuyển đến công trường;

b) Trong phí tổn thợ điều khiển máy thì được lấy tỷ lệ phụ cấp khu vực (nếu có) của Nhà nước đã quy định cho địa phương đó.

Nếu địa phương không có phụ cấp khu vực thì chỉ được tính lương chính cấp bậc của thợ chính và thợ phụ.

Sau khi giải quyết cụ thể hai yếu tố trên thì tính lại giá trị phí tổn một ca máy và đơn giá của một đơn vị sản phẩm.

Phải lập đơn giá theo quy định trên mới có giá trị thanh quyết toán.

Nếu khi lập kế hoạch và dự toán mà chưa xây dựng được đơn giá, thì vẫn dùng đơn giá chung của tập định mức máy thi công sẽ bù chênh lệch sau khi đơn giá được duyệt chính thức.

Tập chỉ tiêu định mức kinh tế kỹ thuật máy thi công ban hành kỳ này đã có cải tiến về mọi mặt, tuy vậy quá trình thi hành tập định mức này trong thực tế ở công trường tất sẽ phát sinh những nhược điểm.

Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước yêu cầu các Bộ, các Tổng cục, các Cục, các công ty,công trường có sử dụng máy thi công, lưu ý theo dõi, rút kinh nghiệm thực tế và phản ánh cho Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước những nhược điểm đó để tiếp tục nghiên cứu ban hành bổ sung cho tập chi tiêu định mức kinh tế kỹ thuật máy thi công mỗi ngày được hoàn chỉnh hơn.

Phần 2

Là phần chỉ tiêu, định mức, đơn giá cụ thể của các loại máy thi công theo như tài liệu đã ban hành - Phần này không đăng Công báo.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 836-UB-ĐM năm 1964 về việc ban hành tập chỉ tiêu và định mức kinh tế kỹ thuật máy thi công trong ngành xây dựng cơ bản do Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 836-UB-ĐM
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/11/1964
  • Nơi ban hành: Uỷ ban kiến thiết cơ bản Nhà nước
  • Người ký: Trần Đại Nghĩa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 44
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1965
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản