Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 819/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 07 tháng 06 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH THỦY ĐIỆN LAI CHÂU
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 66/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006 của Quốc hội khóa XI;
Căn cứ Nghị quyết số 40/2009/QH12 ngày 25 tháng 11 năm 2009 của Quốc hội khóa XII về chủ trương đầu tư Dự án thủy điện Lai Châu;
Căn cứ Luật số 38/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009 của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản;
Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng công trình;
Xét đề nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại tờ trình số 639/TTr-EVN ngày 17 tháng 12 năm 2009; ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước dự án đầu tư xây dựng công trình thủy điện Lai Châu tại tờ trình số 3395/TTr-BKH ngày 25 tháng 5 năm 2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình thủy điện Lai Châu với các nội dung chính sau đây:
1. Tên dự án: Dự án đầu tư xây dựng công trình thủy điện Lai Châu.
2. Chủ đầu tư:
- Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư các dự án: Xây dựng công trình thủy điện Lai Châu; đường giao thông tránh ngập tỉnh lộ 127 và đường tránh ngập đoạn Mường Tè - Pắc Ma; lập Quy hoạch tổng thể bồi thường di dân, tái định cư;
- Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu làm chủ đầu tư dự án bồi thường di dân, tái định cư Dự án thủy điện Lai Châu.
3. Tổ chức tư vấn lập dự án:
- Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Điện I lập dự án Xây dựng công trình thủy điện Lai Châu;
- Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập Quy hoạch tổng thể bồi thường di dân, tái định cư.
4. Chủ nhiệm lập dự án: kỹ sư thủy điện Nguyễn Tài Sơn - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 1.
5. Mục tiêu đầu tư xây dựng:
- Cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia;
- Góp phần cùng các nhà máy thủy điện trên sông Đà phục vụ chống lũ về mùa mưa, cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ;
- Phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu, tỉnh Điện Biên và cả vùng Tây Bắc.
6. Nội dung và quy mô đầu tư xây dựng:
Đầu tư xây dựng công trình thủy điện Lai Châu với nội dung và quy mô đầu tư sau:
a) Công trình thủy điện:
- Diện tích khu vực (Flv): | 26.000 km2; |
- Mực nước dâng bình thường (MNDBT): | 295 m; |
- Mực nước kiểm tra ứng với lũ PMF: | 302,95 m; |
- Mực nước gia cường ứng với lũ tần suất 0,01% | 297,9 m; |
- Mực nước chết (MNC): | 270 m; |
- Dung tích toàn bộ hồ chứa: | 1.215 triệu m3; |
- Diện tích mặt hồ (ứng với MNDBT): | 39,63 km2; |
- Công suất lắp máy (Nlm): | 1.200 MW; |
- Điện lượng trung bình nhiều năm (Eo): | 4.670,8 triệu kWh; |
Ngoài ra tăng cho các công trình bậc dưới 59,9 triệu kWh.
b) Bồi thường, hỗ trợ và di dân, tái định cư:
- Đầu tư xây dựng đường giao thông tránh ngập gồm: khoảng 65 km đường tỉnh 127 cấp V miền núi và 20 km đường giao thông liên vùng đường cấp V miền núi đoạn Mường Tè - Pắc Ma;
- Đầu tư về bồi thường di dân, tái định cư cho: 1.331 hộ/5.867 người bị ảnh hưởng trực tiếp và 617 hộ/3.873 người bị ảnh hưởng gián tiếp.
c) Các hạng mục phụ trợ:
- Đường giao thông ngoài công trường: đoạn Lai Hà - thủy điện Lai Châu dài khoảng 34 km và cầu treo Lai Hà;
- Đường dây tải điện 500 KV từ thủy điện Lai Châu đến trạm biến áp 500 KV tại PiToong, tỉnh Sơn La, dài khoảng 180 km;
- Đường dây tải điện 110 KV từ thủy điện Lai Châu - Tuần Giáo, trạm biến áp 110 KV tại thủy điện Lai Châu và mở rộng trạm biến áp 110 KV Tuần Giáo.
d) Khối lượng công tác chính:
- Công tác đào đất, đá: 14,852 triệu m3, trong đó:
+ Đào đất 7,386 triệu m3;
+ Đào đá 7,466 triệu m3.
- Công tác đắp đất, đá: | 2,572 triệu m3; |
- Bê tông các loại: | 3,604 triệu m3; |
- Cốt thép các loại: | 49.465,7 tấn; |
- Khoan phụt xi măng: | 82.410 md; |
- Thiết bị công nghệ: | 31.833 tấn. |
7. Địa điểm xây dựng: xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.
8. Diện tích sử dụng đất: tổng diện tích chiếm đất: 4.913 ha, trong đó:
- Vùng mặt bằng công trình: | 950 ha; |
- Vùng lòng hồ: | 3.963 ha. |
9. Phương án xây dựng (thiết kế cơ sở)
a) Tiêu chuẩn thiết kế:
Sử dụng các tiêu chuẩn hiện hành của Việt Nam, các tiêu chuẩn của Liên Xô cũ, Liên bang Nga, Hoa Kỳ và IEC.
b) Phương án xây dựng:
- Bố trí tổng thể công trình:
+ Tuyến công trình: tuyến Nậm Nhùn III;
+ Bố trí tổng thể công trình: theo phương án Nậm Nhùn III-1;
+ Công trình đầu mối gồm: đập dâng và đập tràn, kết cấu đập bê tông trọng lực sử dụng công nghệ đầm lăn;
+ Công trình tuyến năng lượng gồm: cửa lấy nước, đường ống áp lực và nhà máy thủy điện sau đập kiểu hở, bố trí ở bờ trái.
- Các hạng mục công trình chính:
+ Đập dâng:
. Loại đập: bê tông trọng lực;
. Cao trình đỉnh đập: 303 m;
. Chiều cao lớn nhất: 137 m;
. Chiều dài đỉnh đập dâng và đập tràn: 612 m;
. Chiều rộng đỉnh đập: 12 m.
+ Công trình xả lũ gồm: xả mặt và xả sâu (kết hợp xả cát) với:
. Lưu lượng xả tần suất thiết kế 0,01%: 20.730 m3/s;
. Lưu lượng xả lũ kiểm tra (PMF): 27.452 m3/s;
. Số khoang và kích thước khoang xả mặt: 5 x (17,5 x 20) m;
. Cao trình ngưỡng xả mặt: 275 m;
. Số khoang và kích thước khoang xả sâu (kết hợp xả cát): 1 x (5 x 8) m;
. Cao trình ngưỡng xả sâu (kết hợp xả cát): 238 m.
+ Cửa lấy nước và đường ống áp lực:
. Cửa lấy nước: bố trí trước đập không tràn bờ trái gồm 3 khoang tương ứng với 3 tổ máy được chia làm 3 phân đoạn độc lập mỗi phân đoạn dài 31,5 m. Cao độ ngưỡng cửa lấy nước 247 m, cao độ đỉnh cửa lấy nước bằng cao trình đỉnh đập (303 m).
. Đường ống: đường ống áp lực bằng thép, kiểu hở, đường kính 10,5 m.
+ Nhà máy thủy điện:
. Loại nhà máy: sau đập, kiểu hở;
. Số tổ máy: 03 tổ x 400MW;
. Lưu lượng lớn nhất qua nhà máy: 1.617,17 m3/s;
. Cột nước lớn nhất (Hmax): 95,39 m;
. Cột nước nhỏ nhất (Hmin): 64,71 m;
. Công suất đảm bảo (Nđb): 155,7 MW;
. Công suất lắp máy (Nlm): 1.200 MW;
. Năng lượng trung bình nhiều năm (Eo): 4.670,83 triệu kWh.
+ Trạm phân phối điện: cấp điện áp 500 kV, kiểu kín (GIS).
- Công trình dẫn dòng thi công gồm: các công trình dẫn nước (kênh, cống dẫn dòng bố trí bên bờ phải) và đê quây các giai đoạn:
+ Cống dẫn dòng thi công gồm hai khoang, kích thước mỗi khoang (10 x 16) m, chiều dài cống 353,5 m, cao trình cửa vào và cửa ra: 199 m;
+ Kênh dẫn dòng kiểu hở, chiều rộng đáy 35 m, cao trình đáy 200 m, bố trí tiếp giáp phía bên phải cống dẫn dòng;
+ Đê quây các giai đoạn: đê quây giai đoạn I - thi công kênh và cống dẫn dòng; đê quây giai đoạn II (thượng, hạ lưu) - thi công đập tràn và hố xói lòng sông, đập dâng và tuyến năng lượng bờ trái; đê quây giai đoạn III - phục vụ thi công lắp kênh dẫn dòng. Đê quây giai đoạn IV - phục vụ thi công nút cống dẫn dòng;
+ Thời điểm ngăn sông, quy mô kết cấu các hạng mục công trình dẫn dòng có xét đến biểu đồ điều phối hồ chứa thủy điện Sơn La.
10. Cấp công trình: công trình đặc biệt
11. Thiết bị công nghệ chính:
- Thiết bị cơ khí thủy lực: bao gồm 03 tổ máy Tuabin Francis, máy phát điện đồng bộ 3 pha trục đứng, công suất lắp máy 1.200 MW (3 x 400 MW) và các thiết bị phụ khác;
- Thiết bị cơ khí thủy công: bao gồm thiết bị cửa nhận nước, nhà máy thủy điện, đường ống áp lực, công trình xả mặt, xả sâu kết hợp xả cát, xả thi công và các thiết bị phụ khác;
- Đấu nối với hệ thống điện Quốc gia:
+ Cấp điện áp 500 kV: đường dây 500 KV mạch kép đấu nối vào trạm 500 KV PiToong (tỉnh Sơn La), chiều dài đường dây khoảng 180 km;
+ Cấp điện áp 110 KV: đường dây 110 KV mạch kép Tuần Giáo - thủy điện Lai Châu chiều dài khoảng 93 km, trạm biến áp 110 KV thủy điện Lai Châu và mở rộng trạm 110 KV Tuần Giáo. Giai đoạn đầu được sử dụng để cấp điện thi công công trình.
- Hệ thống điều khiển, giám sát: hệ thống điều khiển, giám sát của nhà máy thủy điện Lai Châu áp dụng công nghệ vi xử lý với 4 cấp điều khiển;
- Hệ thống bảo vệ rơle và đo lường: được trang bị đồng bộ, tuân thủ theo tiêu chuẩn Quốc tế IEC và phù hợp với các quy định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đảm bảo về độ nhạy, độ tin cậy, thời gian tác động.
12. Phương án giải phóng mặt bằng:
- Tiêu chuẩn xác định đường viền hồ chứa phục vụ di dân, tái định cư:
+ Khu vực từ tuyến đập đến hết phạm vi thị trấn Mường Tè: xác định đường viền lòng hồ trên cơ sở mức nước dâng bình thường 295 m với phạm vi nước dềnh tần suất 1% và thời gian bồi lắng hồ chứa 50 năm;
+ Các khu vực còn lại: xác định đường viền lòng hồ trên cơ sở mức nước dâng bình thường 295m với phạm vi nước dềnh tần suất 5% và thời gian bồi lắng hồ chứa 50 năm.
- Kết quả điều tra thiệt hại:
+ Số hộ dân bị ảnh hưởng 1.331 hộ/5.867 người thuộc địa bàn 8 xã và 1 thị trấn với 31 bản và 1 khu phố, trong đó:
. Vùng mặt bằng công trình: 49 hộ/162 người, thuộc địa bàn 2 bản của 2 xã;
. Vùng ngập hồ chứa: 1.282 hộ/5.705 người, thuộc địa bàn 29 bản của 8 xã và 1 thị trấn;
. Số hộ dân bờ trái sông Đà bị ảnh hưởng gián tiếp do bị cô lập giao thông: 617 hộ/3.873 người, thuộc địa bàn 12 bản của 3 xã.
- Quy hoạch tổng thể bồi thường di dân, tái định cư Dự án thủy điện Lai Châu gồm 35 điểm tái định cư trên địa bàn huyện Mường Tè, với khả năng dung nạp 1.706 hộ/7.805 người, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong một dự án riêng.
13. Tổng mức đầu tư: tổng mức đầu tư của Dự án sau thuế là 35.700 tỷ đồng (theo giá quý III năm 2009, tỷ giá 1 USD = 17.842 VND/USD), trong đó:
a) Chi phí xây dựng: 10.560,6 tỷ đồng;
b) Chi phí thiết bị: 5.650,4 tỷ đồng;
c) Chi phí đền bù đường tránh ngập và bồi thường di dân, tái định cư: 3.345 tỷ đồng, trong đó:
- Chi phí đền bù đường tránh ngập: 1.653 tỷ đồng;
- Chi phí bồi thường di dân, tái định cư*: 1.691 tỷ đồng;
d) Chi phí quản lý dự án: 187 tỷ đồng;
đ) Chi phí tư vấn xây dựng: 977 tỷ đồng;
e) Chi phí khác: 1.098 tỷ đồng;
g) Chi phí dự phòng: 4.618 tỷ đồng;
h) Lãi vay trong thời gian xây dựng: 5.390 tỷ đồng;
i) Các công trình, hạng mục khác: 3.874 tỷ đồng.
* Chi phí bồi thường di dân, tái định cư được xác định chính thức sau khi phê duyệt Quy hoạch tổng thể bồi thường di dân, tái định cư.
14. Nguồn vốn đầu tư:
- Vốn tự có của Tập đoàn Điện lực Việt Nam chiếm 20%;
- Vốn vay: vay thương mại trong nước, vay thương mại nước ngoài, vay tín dụng ưu đãi đầu tư.
15. Hình thức quản lý dự án: Chủ đầu tư trực tiếp quản lý thực hiện dự án.
16. Thời gian thực hiện dự án:
- Khởi công xây dựng vào cuối năm 2010;
- Phát điện tổ máy thứ nhất vào năm 2016;
- Hoàn thành công trình vào năm 2017.
17. Các nội dung khác:
a) Các nội dung tiếp tục nghiên cứu chuẩn xác ở giai đoạn thiết kế kỹ thuật:
- Thực hiện công tác khảo sát, thí nghiệm đáp ứng đủ điều kiện lập thiết kế kỹ thuật;
- Nghiên cứu tối ưu về tim của các hạng mục công trình tại tuyến III-1, chuẩn xác tính toán thiết kế mặt cắt đập và tối ưu kết cấu các hạng mục công trình;
- Các nghiên cứu chuyên ngành (thí nghiệm mô hình thủy lực, vật liệu xây dựng và các thí nghiệm cần thiết khác).
b) Cơ chế quản lý và thực hiện dự án
Các chủ đầu tư (Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu) có trách nhiệm lập và trình duyệt cơ chế quản lý thực hiện dự án thành phần.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, ngành và địa phương liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau:
1. Bộ Công thương:
- Phê duyệt thiết kế kỹ thuật - Tổng dự toán Dự án đầu tư xây dựng công trình thủy điện Lai Châu;
- Phê duyệt các hợp đồng mua sắm thiết bị nước ngoài của Dự án xây dựng công trình thủy điện Lai Châu;
- Chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan xem xét đề xuất của chủ đầu tư về cơ chế quản lý và thực hiện Dự án xây dựng công trình thủy điện Lai Châu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
2. Bộ Xây dựng: thành lập Hội đồng nghiệm thu Nhà nước và thực hiện công tác nghiệm thu công trình theo quy định bảo đảm chất lượng và an toàn theo yêu cầu đề ra.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư: thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể bồi thường di dân, tái định cư trong quý III năm 2010.
4. Bộ Giao thông vận tải: phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan lập quy hoạch hệ thống giao thông, khắc phục tình trạng cô lập trên địa bàn huyện Mường Tè và vùng lân cận sau khi tích nước lòng hồ, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: hướng dẫn và kiểm tra Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu thực hiện công tác bồi thường di dân, tái định cư theo quy định hiện hành và Quy hoạch tổng thể bồi thường di dân, tái định cư được phê duyệt.
6. Bộ Tài nguyên và Môi trường: hướng dẫn và giám sát chủ đầu tư và các địa phương liên quan thực hiện việc bảo vệ và quản lý môi trường theo quy định hiện hành trong thời gian xây dựng và vận hành công trình thủy điện Lai Châu.
7. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu chỉ đạo Chủ đầu tư thực hiện khai quật, bảo tồn các di sản văn hóa trong vùng ngập và bảo tồn phát huy truyền thống văn hóa các cộng đồng dân tộc khi tiến hành giải phóng lòng hồ thủy điện Lai Châu và tái định cư.
8. Bộ Quốc phòng: chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương có liên quan nghiên cứu điều chỉnh kế hoạch quốc phòng đã có trên địa bàn, xây dựng phương án đảm bảo an ninh, quốc phòng trong quá trình xây dựng và vận hành nhà máy thủy điện Lai Châu.
9. Bộ Công an: chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương có liên quan và chủ đầu tư, xây dựng và tổ chức thực hiện phương án bảo vệ trong quá trình xây dựng và vận hành nhà máy thủy điện Lai Châu.
10. Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu: thực hiện công tác bồi thường di dân, tái định cư theo quy hoạch, kế hoạch được duyệt, đáp ứng tiến độ thực hiện dự án xây dựng công trình thủy điện Lai Châu.
11. Tập đoàn Điện lực Việt Nam: căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Dự án thủy điện Lai Châu; tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước Dự án thủy điện Lai Châu và ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương liên quan:
a) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu hoàn chỉnh Quy hoạch tổng thể bồi thường di dân, tái định cư Dự án thủy điện Lai Châu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt;
b) Lập thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán theo quy định hiện hành, đảm bảo khởi công xây dựng công trình cuối năm 2010, phát điện tổ máy số 1 vào năm 2016 và hoàn thành công trình năm 2017.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu, Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |
- 1Nghị quyết số 66/2006/NQ-QH11 về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư do Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành
- 2Luật xây dựng 2003
- 3Nghị định 12/2009/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình
- 4Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản năm 2009
- 5Nghị quyết 40/2009/QH12 về chủ trương đầu tư dự án thủy điện Lai Châu do Quốc hội ban hành
Quyết định 819/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình thủy điện Lai Châu do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 819/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 07/06/2010
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 361 đến số 362
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra