- 1Nghị định 17/2006/NĐ-CP sửa đổi Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai và Nghị định 187/2004/NĐ-CP về việc chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần
- 2Nghị định 84/2007/NĐ-CP bổ sung quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai
- 3Luật Đất đai 2003
- 4Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 5Nghị định 181/2004/NĐ-CP thi hành Luật Đất đai
- 6Nghị định 197/2004/NĐ-CP về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
- 7Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
- 8Nghị định 69/2009/NĐ-CP bổ sung quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư
- 9Thông tư 14/2009/TT-BTNMT về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và trình tự, thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 81/2013/QĐ-UBND | Phan Rang - Tháp Chàm, ngày 28 tháng 11 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ THỰC HIỆN DÂN CHỦ TRONG CÔNG TÁC BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ, GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG, TÁI ĐỊNH CƯ, ĐỊNH CANH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai;
Căn cứ Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 02 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
Căn cứ Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ về sửa đổi các nghị định hướng dẫn Luật Đất đai;
Căn cứ Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai;
Căn cứ Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;
Căn cứ Thông tư số 14/2009/TT-BTNMT ngày 01 tháng 10 năm 2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và trình tự, thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất;
Để thực hiện văn bản số 1579-CV/TU ngày 23 tháng 9 năm 2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường công tác dân vận tham gia trong quy hoạch, xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh tại Tờ trình số 2134/TTr-SXD ngày 14 tháng 11 năm 2013 và Báo cáo kết quả thẩm định văn bản số 1448/BC-STP ngày 17 tháng 10 năm 2013 của Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế thực hiện dân chủ trong công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư, định canh trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; gồm 06 Chương, 31 Điều.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
THỰC HIỆN DÂN CHỦ TRONG CÔNG TÁC BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ, GIẢI TOẢ, TÁI ĐỊNH CƯ, ĐỊNH CANH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 81/2013/QĐ-UBND ngày 29 tháng 11 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
Quy chế này được áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cộng đồng dân cư, cá nhân, hộ gia đình liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm trong việc thực hiện các chương trình, dự án đầu tư có bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư, định canh nhằm theo dõi, đánh giá việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư của cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các nhà thầu và đơn vị thi công xây dựng công trình trong quá trình đầu tư; phát hiện, kiến nghị với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện dự án đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của nhân dân và Nhà nước trong việc đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Điều 2. Mục đích thực hiện dân chủ trong công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư, định canh
1. Để cho nhân dân trong vùng dự án được tham gia ngay từ đầu khi mới lập và phê duyệt các chương trình, dự án đầu tư có bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư, định canh để tạo sự đồng thuận nhất trí cao trong nhân dân khi triển khai công trình, dự án đầu tư; đảm bảo công bằng, dân chủ, công khai minh bạch, rõ ràng, đúng pháp luật, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và dân hưởng thụ.
2. Nhằm đảm bảo hoạt động đầu tư phù hợp với các quy hoạch được phê duyệt, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đạt hiệu quả cao. Phát hiện, ngăn chặn để xử lý kịp thời các hoạt động đầu tư không đúng quy hoạch, sai quy định; các việc làm tiêu cực, gây lãng phí, thất thoát vốn và tài sản Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến chất lượng công trình, xâm hại đến quyền và lợi ích của nhân dân.
3. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; khắc phục tình trạng áp đặt gây phiền hà, nhũng nhiễu chậm trễ, tiêu cực và tham nhũng trong công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư, định canh và thực hiện các chính sách xã hội khác có liên quan, góp phần thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền trong tình hình mới hiện nay.
Chương II
QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC VÀ CÁC TỔ CHỨC TRƯỚC KHI TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN CÓ BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ, GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG, TÁI ĐỊNH CƯ, ĐỊNH CANH
Điều 3. Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan phải công khai cho nhân dân trong vùng dự án
Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, các tổ chức thực hiện các chương trình, dự án có liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư, định canh phải thông báo:
1. Các chủ trương của cấp có thẩm quyền từ Trung ương, tỉnh, đến cơ sở có liên quan đến việc thực hiện các chương trình, dự án có thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư, định canh và các chính sách xã hội khác trên địa bàn xã, phường, thị trấn, thôn, khu phố.
2. Các quyết định phê duyệt về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, định canh có liên quan đến địa phương; bản vẽ quy hoạch chi tiết khu vực Nhà nước thu hồi đất, bản đồ địa chính khu đất thu hồi; mục đích sử dụng đất thu hồi, chương trình, dự án đầu tư, tổng vốn đầu tư, nhà đầu tư.
3. Tổng diện tích đất phải thu hồi; tổng số hộ, nhân khẩu, số lao động phải chuyển đổi nghề trong khu vực đất phải thu hồi; biện pháp hỗ trợ giải quyết việc làm; các trường hợp được giải quyết theo diện chính sách, diện ưu tiên theo quy định của pháp luật.
4. Cơ sở pháp lý của việc phân loại áp giá bồi thường từng loại đất, vị trí đất, hoa màu, vật kiến trúc; giá đất, diện tích đất, hoa màu, vật kiến trúc của cộng đồng dân cư, từng hộ gia đình, cá nhân; số lượng nhà ở, công trình, mồ mả phải di dời, địa điểm chuyển đến và phương án bố trí lại.
5. Kế hoạch và tiến độ thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư, định canh và kết quả giải quyết các trường hợp khiếu nại, tố cáo có liên quan.
Điều 4. Hình thức công khai
1. Tổ chức họp dân để thông qua các nội dung nêu tại Điều 3 Quy chế này; đồng thời tuyên truyền, giải thích, thuyết phục cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và lắng nghe ý kiến của quần chúng nhân dân có liên quan trực tiếp đến việc bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư, định canh.
2. Niêm yết công khai các nội dung nêu tại Điều 3 Quy chế này tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; Ban quản lý thôn, khu phố nơi có đất bị thu hồi, giải phóng mặt bằng thực hiện chương trình, dự án đầu tư.
3. Phổ biến công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống truyền thanh của xã, phường, thị trấn, thôn, khu phố có liên quan đến các công trình, dự án đầu tư.
Chương III
NHỮNG NỘI DUNG ĐƠN VỊ, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THAM GIA THỰC HIỆN GIÁM SÁT CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN
Điều 5. Nội dung giám sát chương trình, dự án đầu tư
1. Đánh giá sự phù hợp của quyết định đầu tư với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, ... kế hoạch đầu tư có liên quan trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
2. Đánh giá việc chủ đầu tư chấp hành các quy định của Nhà nước về: sử dụng ranh giới, mốc giới, mục đích sử dụng đất được giao; quy hoạch mặt bằng chi tiết, phương án kiến trúc, xây dựng; xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; bồi thường, giải phóng mặt bằng và phương án tái định cư; tiến độ, kế hoạch đầu tư.
3. Phát hiện những việc làm xâm hại đến lợi ích của nhân dân; những tác động tiêu cực của dự án đến môi trường sinh sống của nhân dân trong quá trình thực hiện đầu tư, vận hành dự án.
4. Theo dõi, đánh giá hiệu quả đầu tư của dự án; phát hiện những việc làm tiêu cực, gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản thuộc dự án.
5. Theo dõi, kiểm tra việc tuân thủ các quy trình, quy phạm kỹ thuật, định mức vật tư và loại vật tư đúng quy định trong quá trình thực hiện đầu tư dự án; theo dõi, kiểm tra kết quả nghiệm thu và quyết toán công trình.
Điều 6. Trước khi cấp có thẩm quyền ban hành thông báo thu hồi đất, tổ chức, cá nhân được tham gia ý kiến và đồng thuận
1. Về mục đích sử dụng đất thu hồi và lợi ích từ công trình, dự án đầu tư.
2. Về phương án tổng thể, kế hoạch và tiến độ thực hiện phương án về bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư, định canh và các chính sách xã hội khác có liên quan.
3. Về khu đất bố trí tái định cư, định canh, quy mô đầu tư cơ sở hạ tầng: điện, nước, đường, trường, trạm và các công trình phúc lợi khác.
Điều 7. Hình thức tham gia ý kiến
1. Các đơn vị, tổ chức, cộng đồng dân cư, cá nhân, hộ gia đình có liên quan trực tiếp đến việc bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư, định canh có quyền tham gia đóng góp ý kiến kiến nghị bằng văn bản, đơn trình bày gửi cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.
2. Các phản ánh của nhân dân được thông qua tổ dân vận ở thôn, khu phố và tổ tuyên truyền của cấp xã, cấp huyện, tỉnh (nếu có); hoặc Mặt trận Tổ quốc và tổ chức đoàn thể các cấp hoặc thông qua các buổi họp tại xã, phường, thị trấn, thôn, khu phố.
Điều 8. Quyền giám sát chương trình, dự án đầu tư
1. Các cơ quan, đơn vị, mặt trận, đoàn thể và nhân dân được quyền yêu cầu chủ đầu tư cung cấp các thông tin về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, ... kế hoạch đầu tư có liên quan trên địa bàn có chương trình, dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.
2. Yêu cầu chủ đầu tư trả lời về các vấn đề thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.
3. Kiến nghị các cấp có thẩm quyền đình chỉ thực hiện đầu tư, vận hành dự án trong trường hợp dự án có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, an ninh, văn hoá - xã hội, vệ sinh môi trường, sinh hoạt đời sống của nhân dân.
Điều 9. Yêu cầu đối với giám sát chương trình, dự án đầu tư
Việc giám sát đầu tư phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:
1. Đúng đối tượng, phạm vi và nội dung giám sát đầu tư theo quy định của pháp luật.
2. Không gây cản trở công việc của các đối tượng chịu sự giám sát chương trình, dự án của các cơ quan, đơn vị, mặt trận, đoàn thể và nhân dân.
Điều 10. Quyền của tổ chức, cộng đồng dân cư, người bị thu hồi đất, người bị giải toả tài sản trên đất để thực hiện chương trình, dự án đầu tư
1. Được cử đại diện tham gia tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư, định canh.
2. Các đơn vị, tổ chức, cộng đồng dân cư, cá nhân người bị thu hồi đất được quyền khiếu nại, tố cáo những hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, đơn vị thực thi nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư, định canh và các chính sách xã hội khác, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích chính đáng của mình.
3. Được sử dụng phần đất hợp pháp còn lại theo quy định của pháp luật.
4. Hộ gia đình, cá nhân không vào khu tái định cư được nhận phần kinh phí bồi thường, hỗ trợ tương ứng với diện tích đất bị thu hồi và tự quyết định chỗ ở mới phù hợp với quy định của pháp luật.
5. Hộ gia đình, cá nhân không nhận đất ở tại khu tái định cư thì được bồi thường, hỗ trợ tương ứng với diện tích đất bị thu hồi và được hưởng chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp theo quy định của pháp luật.
6. Được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, định canh theo quy định pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, định canh.
Điều 11. Tổ chức thực hiện giám sát chương trình, dự án đầu tư
Công dân thực hiện giám sát trên cơ sở các thông tin được công khai theo quy định của pháp luật và Quy chế này. Ý kiến và kiến nghị của công dân về những vấn đề quy định tại Điều 4 của Quy chế này được phản ánh thông qua các tổ chức đoàn thể, Mặt trận các cấp.
Điều 12. Tổ chức, cộng đồng dân cư, cá nhân người bị thu hồi đất, bị giải toả tài sản trên đất thu hồi và nhân dân có quyền giám sát
1. Việc thực hiện các nội dung nêu ở Điều 3 và Điều 4 của Quy chế này.
2. Việc tiếp thu và giải quyết các nội dung nêu ở Điều 5 và Điều 6 của Quy chế này.
Điều 13. Hình thức giám sát
1. Thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng để thực hiện việc giám sát theo nội dung hoạt động của các tổ chức trên.
2. Thông qua trình tự, thủ tục thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nhân dân với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc kiến nghị thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận cấp xã, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng theo quy định của pháp luật.
Chương IV
QUY TRÌNH THỰC HIỆN DÂN CHỦ TRONG CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN, CÓ BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ, GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG, TÁI ĐỊNH CƯ, ĐỊNH CANH
Điều 14. Quy trình thực hiện dân chủ trong các chương trình, dự án có bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư, định canh
1. Triển khai chủ trương của Đảng, Nhà nước về định hướng xây dựng các chương trình, dự án, công trình đầu tư gắn với công khai quy hoạch chi tiết của tỉnh có liên quan đến chương trình, dự án, công trình; tổ chức lấy ý kiến trong quần chúng nhân dân, đoàn viên, hội viên, cán bộ, đảng viên, cấp ủy, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp trong vùng dự án sắp được triển khai và trong dư luận xã hội; điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện dự thảo dự án, phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư, định canh; ra thông báo thu hồi đất; ban hành quyết định phê duyệt phương án tổng thể; ban hành quyết định thu hồi đất và phương án chi tiết về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, định canh.
2. Tổ chức triển khai công khai, minh bạch, dân chủ, sát thực tế quy hoạch chi tiết của tỉnh có liên quan đến chương trình, dự án, công trình đầu tư và quyết định phê duyệt phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư, định canh cùng kế hoạch tổ chức thực hiện đến tận cơ sở xã, phường, thị trấn, thôn, khu phố, tuyên truyền động viên, thuyết phục các đơn vị, tổ chức, cộng đồng dân cư, cá nhân, hộ gia đình có liên quan tham gia đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
3. Tiến hành kiểm kê, đo đạc, đối chiếu hiện trạng và hồ sơ, chứng từ liên quan; niêm yết công khai kết quả kiểm kê, đo đạc, phương án chi tiết về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, định canh theo trình tự pháp luật quy định.
4. Từng bước tiếp nhận, xử lý thông tin và các tình huống phát sinh tranh chấp, khiếu nại; hoàn tất thủ tục tiến hành chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, định canh; tiến hành di dời, giải phóng mặt bằng, giao đất cho nhà đầu tư hoặc tổ chức được giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng.
5. Tiếp tục cập nhật tiến độ triển khai thực hiện; đồng thời tham mưu, đề xuất cơ quan thẩm quyền có ý kiến giải quyết các vấn đề phát sinh ngoài phương án đã phê duyệt.
Chương V
TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ, CÁ NHÂN VÀ HỘ GIA ĐÌNH
Điều 15. Trách nhiệm của Sở Xây dựng
1. Hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn, các quy hoạch phát triển, kế hoạch, chương trình, dự án đã được phê duyệt thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của sở; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thông tin về các lĩnh vực quản lý Nhà nước của sở.
2. Quản lý và tổ chức thực hiện các quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt trên địa bàn tỉnh theo phân cấp, bao gồm: tổ chức công bố, công khai các quy hoạch xây dựng; quản lý các mốc giới, chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng; cấp chứng chỉ quy hoạch xây dựng, giới thiệu địa điểm xây dựng; cung cấp thông tin về kiến trúc, quy hoạch xây dựng.
3. Phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư, định canh trên địa bàn tỉnh theo phân cấp.
Điều 16. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường
1. Hướng dẫn việc xác định quy mô, diện tích đất, loại đất, vị trí đất và điều kiện được bồi thường, không được bồi thường khi Nhà nước dự kiến thu hồi đất; xác định bồi thường hoặc hỗ trợ cho từng đối tượng sử dụng đất bị thu hồi, làm cơ sở cho việc tính toán bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, định canh cho từng đối tượng;
2. Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng xây dựng văn bản trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phạm vi thu hồi đất của từng chương trình, dự án, công trình đầu tư.
Điều 17. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư
1. Hướng dẫn, kiểm tra việc lập và thực hiện các chương trình, dự án, công trình có bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư, định canh.
2. Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng xác định vị trí, quy mô khu tái định cư, định canh cho phù hợp với quy hoạch phát triển chung của địa phương trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
Điều 18. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện công khai: chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm ưu tiên hỗ trợ cho người bị thu hồi đất để nâng cao năng suất cây trồng, ổn định đời sống, sản xuất.
Điều 19. Trách nhiệm của Sở Công thương
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện công khai, triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch, đề án khuyến công tại địa phương, bao gồm các hoạt động thực hiện bằng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và các hoạt động thực hiện bằng nguồn kinh phí khuyến công ưu tiên cho khu tái định cư, định canh.
Điều 20. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh
1. Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân trong vùng dự án thông hiểu chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước, lợi ích của công trình, dự án và thực hiện quyết định thu hồi đất; tập hợp những ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân trong vùng dự án, kịp thời báo cáo kiến nghị lên cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.
2. Động viên, giáo dục đoàn viên, hội viên nòng cốt trong nhân dân tự giác chấp hành pháp luật và thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư, định canh; hướng dẫn, giúp đỡ và định hướng cho hộ gia đình về việc chuyển đổi nghề nghiệp, sử dụng tiền bồi thường hỗ trợ hợp lý, hiệu quả, từng bước sớm ổn định cuộc sống.
3. Tham gia thực hiện tốt công tác giám sát quá trình bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư, định canh và các nội dung được công khai.
Điều 21. Trách nhiệm của Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, định canh
1. Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, định canh mỗi cấp làm việc theo nguyên tắc tập thể và quyết định theo đa số, trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo phía có ý kiến của Chủ tịch Hội đồng.
2. Thẩm định phương án tổng thể; phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, định canh và trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định phê duyệt; chịu trách nhiệm pháp lý về kết quả thẩm định; giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, đôn đốc đơn vị hoặc tổ chức được giao nhiệm vụ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư, định canh theo quy định pháp luật.
3. Chủ trì, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của người bị thu hồi đất về những vấn đề liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư, định canh và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 22. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm quản lý, điều hành việc bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư, định canh và các chính sách xã hội khác trên địa bàn.
1. Triển khai đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước và định hướng phát triển chung của tỉnh trong việc xây dựng các chương trình, dự án, công trình đầu tư có bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư, định canh trên địa bàn.
2. Triển khai áp dụng quy chế thực hiện dân chủ trong công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư, định canh trên địa bàn và chỉ đạo chính quyền xã, phường, thị trấn các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện, thành phố; tổ chức, cộng đồng dân cư, cá nhân, hộ gia đình có liên quan thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ, giải toả, tái định cư, định canh trên địa bàn.
3. Đề xuất thống nhất phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, định canh và các chính sách xã hội khác có liên quan; phương án đào tạo và chuyển đổi ngành nghề; đơn giá từng loại đất, giá đất đất ở trung bình trong vùng dự án, công trình đầu tư và tổng dự toán kinh phí thực hiện phương án; kế hoạch và tiến độ triển khai thực hiện từng chương trình, dự án, công trình đầu tư trên địa bàn.
4. Ra quyết định cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền, được phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh; trực tiếp điều hành theo thẩm quyền quy trình thực hiện dân chủ đối với từng chương trình, dự án, công trình đầu tư có bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư, định canh trên địa bàn quản lý theo nội dung nêu tại Điều 14 Quy chế này.
5. Chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, thủ trưởng các ban ngành, đoàn thể huyện tham gia giải quyết các khiếu nại, tố cáo và những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện; bảo đảm sự khách quan, công bằng, dân chủ, công khai minh bạch, rõ ràng khi xem xét và quyết định việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, định canh theo chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định; kiểm tra và đề nghị xử lý những trường hợp vi phạm trong lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư, định canh.
Điều 23. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã
1. Lập kế hoạch, thông qua kế hoạch lấy ý kiến nhân dân trong vùng dự án về những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của chính quyền cấp xã; nêu rõ cách thức triển khai, thời gian thực hiện và hướng dẫn nhân dân thực hiện các nội dung nêu tại Quy chế này.
2. Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các đoàn thể cùng cấp tổ chức thực hiện kế hoạch đã được thông qua; phối hợp với Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, định canh và các đơn vị liên quan thực hiện xác nhận chủ sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản, nguồn gốc đất, tài sản trên đất bị thu hồi; nhân khẩu, nghề nghiệp trên địa bàn; tổng hợp, nghiên cứu và thông báo với nhân dân về tiếp thu ý kiến của đơn vị, tổ chức, cộng đồng dân cư, cá nhân, hộ gia đình trong vùng dự án.
3. Phối hợp với Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, định canh và tổ tuyên truyền làm công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân về chủ trương pháp luật và chính sách bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư, định canh và các chính sách có liên quan.
4. Lập biên bản tổng hợp kết quả về những nội dung đã đưa ra nhân dân trong vùng dự án bàn, góp ý kiến và thống nhất; tổ chức triển khai thực hiện những nội dung đã được nhân dân thống nhất hoặc những nội dung do nhân dân bàn, góp ý kiến để cơ quan có thẩm quyền quyết định.
5. Thực hiện đầy đủ nội dung chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, thường xuyên báo cáo quá trình và kết quả thực hiện, đề xuất biện pháp giải quyết những vấn đề phát sinh trình Ủy ban nhân dân huyện, thành phố xem xét giải quyết theo thẩm quyền.
Điều 24. Trách nhiệm của đơn vị, tổ chức được giao nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, định canh và giải phóng mặt bằng
1. Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, chủ đầu tư công khai minh bạch, rõ ràng chương trình, dự án, công trình đầu tư; tuyên truyền, vận động, phổ biến chính sách, pháp luật, chủ trương thu hồi đất, quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất cho người bị thu hồi đất, bị giải toả tài sản trên đất thu hồi.
2. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban Quản lý thôn, khu phố, chủ đầu tư thực hiện việc kê khai, kiểm kê đất đai, tài sản trên đất, lập Phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, định canh.
3. Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận nguồn gốc đất; thời điểm xây dựng nhà ở, nhân khẩu, nghề nghiệp, tổng diện tích đất sử dụng còn lại sau thu hồi của hộ gia đình, cá nhân; đôn đốc việc thực hiện các nội dung xác nhận nguồn gốc đất của Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan có liên quan theo kế hoạch tiến độ đã được phê duyệt.
4. Chủ trì, phối hợp với cá nhân, tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất đề xuất biện pháp giải quyết vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, định canh và giải toả mặt bằng báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét giải quyết theo thẩm quyền.
5. Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, định canh. Hướng dẫn, giải đáp những ý kiến thắc mắc, góp ý của tổ chức, cá nhân bị thu hồi đất và các vấn đề liên quan đến phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, định canh; chuyển quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã được phê duyệt cho tổ chức, cá nhân bị thu hồi đất, bị giải toả tài sản trên đất thu hồi.
6. Phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức bốc thăm, giao đất ở, giao đất sản xuất nông nghiệp cho người bị thu hồi đất; bàn giao diện tích đất đã giải phóng mặt bằng cho chủ đầu tư để thực hiện dự án theo quy định.
Điều 25. Trách nhiệm của tổ tuyên truyền vận động các cấp
1. Tổ tuyên truyền các cấp do Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định thành lập gồm: chính quyền và các ban, ngành liên quan và mời đại diện khối dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, (do Thường trực khối Dân vận làm tổ trưởng) tổ chức tuyên truyền cho nhân dân thông hiểu chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước, lợi ích kinh tế - xã hội của công trình, dự án được triển khai.
2. Cung cấp đầy đủ thông tin có liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, định canh và các chính sách xã hội khác và hướng dẫn cho nhân dân trong vùng dự án biết và đồng thuận cao với chủ trương, chính sách của Nhà nước, tích cực tham gia thực hiện.
3. Kịp thời báo cáo với cấp ủy, Ủy ban nhân dân cùng cấp xin ý kiến chỉ đạo về những vấn đề mới phát sinh, kiến nghị giải quyết nhanh những trường hợp sai sót, trường hợp đặc thù.
Điều 26. Trách nhiệm của chủ đầu tư
1. Thực hiện đúng, đầy đủ theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật doanh nghiệp, pháp luật lao động; đảm bảo thời gian quy định về các nội dung và điều khoản hợp đồng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giao trách nhiệm.
2. Đảm bảo đủ kinh phí cho tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng để chi trả kịp thời cho các đối tượng được bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư, định canh.
Điều 27. Trách nhiệm của người bị thu hồi đất, bị giải toả tài sản trên đất thu hồi
1. Thực hiện tốt các điều khoản quy định tại Chương III Quy chế này; kê khai đúng nguồn gốc và đầy đủ các số liệu theo yêu cầu, cung cấp đầy đủ các giấy tờ có liên quan đến nhà, đất và các quyền sở hữu khác.
2. Chấp hành tốt các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của người bị thu hồi đất, bị giải toả tài sản trên đất thu hồi về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, định canh và các chính sách xã hội đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt ban hành; về các quyết định của cơ quan Nhà nước, tháo dỡ di dời tài sản, vật kiến trúc và bàn giao mặt bằng đúng thời gian quy định.
3. Nếu có kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, định canh, giải phóng mặt bằng và các chính sách xã hội thì phải thực hiện đúng theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo nhưng trước hết vẫn phải thực hiện quyết định thu hồi đất và bàn giao mặt bằng trong khi chờ các cơ quan chức năng giải quyết.
Chương VI
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 28. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cộng đồng dân cư, cá nhân, hộ gia đình có liên quan đến các chương trình, dự án, công trình được đầu tư trên địa bàn tỉnh có bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư, định canh phải thực hiện nghiêm túc Quy chế này.
Điều 29. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp, các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện tốt nội dung quy chế đề ra.
Điều 30. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cộng đồng dân cư, cá nhân, hộ gia đình thực hiện tốt Quy chế này sẽ được xem xét khen thưởng; ngược lại, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Điều 31. Giám đốc Sở Xây dựng có trách nhiệm giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trong việc thực hiện Quy chế này, thường xuyên báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo.
Trong quá trình tổ chức thực hiện Quy chế, nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phản ánh về Sở Xây dựng để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.
- 1Quyết định 35/2008/QĐ-UBND về Quy chế thực hiện dân chủ trong công tác bồi thường, hỗ trợ, giải tỏa, tái định cư trên địa bàn tỉnh Tiền Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành
- 2Quyết định 43/2012/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp giữa các cấp, ngành, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong công tác giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
- 3Quyết định 25/2013/QĐ-UBND quy định thực hiện dân chủ trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi triển khai dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Kon Tum
- 4Quyết định 587/QĐ-UBND phê duyệt dự toán thu, chi quản lý dự án năm 2016 của Ban quản lý dự án di dân, tái định cư của các dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận
- 5Quyết định 1519/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch và phân bổ kinh phí thực hiện tái canh, cải tạo giống cà phê gắn với phát triển cà phê bền vững tỉnh Lâm Đồng năm 2017
- 6Chỉ thị 08/CT-UBND về tiếp tục tăng cường triển khai công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2018
- 1Nghị định 17/2006/NĐ-CP sửa đổi Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai và Nghị định 187/2004/NĐ-CP về việc chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần
- 2Nghị định 84/2007/NĐ-CP bổ sung quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai
- 3Luật Đất đai 2003
- 4Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 5Nghị định 181/2004/NĐ-CP thi hành Luật Đất đai
- 6Nghị định 197/2004/NĐ-CP về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
- 7Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
- 8Quyết định 35/2008/QĐ-UBND về Quy chế thực hiện dân chủ trong công tác bồi thường, hỗ trợ, giải tỏa, tái định cư trên địa bàn tỉnh Tiền Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành
- 9Nghị định 69/2009/NĐ-CP bổ sung quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư
- 10Thông tư 14/2009/TT-BTNMT về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và trình tự, thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 11Luật khiếu nại 2011
- 12Luật tố cáo 2011
- 13Quyết định 43/2012/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp giữa các cấp, ngành, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong công tác giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
- 14Quyết định 25/2013/QĐ-UBND quy định thực hiện dân chủ trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi triển khai dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Kon Tum
- 15Quyết định 587/QĐ-UBND phê duyệt dự toán thu, chi quản lý dự án năm 2016 của Ban quản lý dự án di dân, tái định cư của các dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận
- 16Quyết định 1519/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch và phân bổ kinh phí thực hiện tái canh, cải tạo giống cà phê gắn với phát triển cà phê bền vững tỉnh Lâm Đồng năm 2017
- 17Chỉ thị 08/CT-UBND về tiếp tục tăng cường triển khai công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2018
Quyết định 81/2013/QĐ-UBND về Quy chế thực hiện dân chủ trong công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư, định canh trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- Số hiệu: 81/2013/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 28/11/2013
- Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
- Người ký: Trần Xuân Hoà
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 08/12/2013
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết