Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HOÁ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/CT-UBND

Thanh Hoá, ngày 27 tháng 4 năm 2018

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG TRIỂN KHAI CÔNG TÁC GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÓ SỬ DỤNG ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NĂM 2018

Năm 2017, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư nhằm sớm bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án; Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 13/3/2017 về tiếp tục triển khai đợt cao điểm giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức các hội nghị chuyên đề; đi kiểm tra thực tế tại cơ sở và ban hành nhiều kết luận, văn bản chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Các ngành, các cấp dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã có nhiều cố gắng trong chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư thực hiện dự án nên tình hình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng năm 2017 đã có những chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, kết quả công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư còn chậm và nhiều hạn chế. Một số dự án lớn có tiến độ GPMB chậm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư của các nhà đầu tư, như: dự án đường 513 từ Quốc lộ 1A đi đường Đông Tây; dự án trục chính khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng; dự án Khu du lịch sinh thái FLC (giai đoạn 2); dự án đường ven biển;…

Những hạn chế trong công tác giải phóng mặt bằng có nguyên nhân khách quan như: khối lượng công việc GPMB lớn, quy định của pháp luật về chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng có nhiều thay đổi và còn nhiều vướng mắc trong thực tế triển khai thực hiện,…; nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu và thuộc trách nhiệm của các địa phương, như: công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương (huyện, xã) chưa quyết liệt và còn hạn chế (một số địa phương không xây dựng kế hoạch tiến độ công tác giải phóng mặt bằng cho từng dự án; không ký cam kết GPMB với nhà đầu tư; kiểm kê, áp giá không đúng quy định; không thực hiện công khai, minh bạch và dân chủ trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng;…); một số huyện chưa chủ động nghiên cứu các quy định của pháp luật để giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện, xã; trình độ chuyên môn một số cán bộ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng còn yếu kém; công tác quản lý nhà nước về đất đai chưa chặt chẽ, thường xuyên qua nhiều thời kỳ (nhiều nơi làm mất hồ sơ hoặc thất lạc hồ sơ); các huyện chưa tập trung chủ động, kịp thời trong công tác bố trí tái định cư; một số ngành, đơn vị chưa phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ kịp thời UBND cấp huyện trong việc giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường GPMB.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đáp ứng tốt nhất yêu cầu mặt bằng triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư tập trung thực hiện các nội dung sau:

1. Về mục tiêu và yêu cầu trong công tác giải phóng mặt bằng

a) Về mục tiêu:

Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố (Chủ tịch UBND cấp huyện), các chủ đầu tư các dự án có sử dụng đất tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai kế hoạch GPMB thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn, đảm bảo trước ngày 15/5/2018, tất cả các dự án đủ điều kiện GPMB phải ký cam kết về tiến độ GPMB với các chủ đầu tư (cam kết về tiến độ, kinh phí, sự phối hợp giữa các bên); năm 2018, 100% các dự án có yêu cầu, có cam kết giải phóng mặt bằng đều được giải phóng mặt bằng theo cam kết tiến độ với nhà đầu tư.

b) Về yêu cầu:

- Các ngành, các cấp phải xác định:

+ Công tác giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên, xuyên suốt; là khâu quan trọng, là điều kiện cần để triển khai thực hiện các dự án đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2018 và những năm tiếp theo.

+ Đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư thực hiện dự án sẽ giúp giảm chi phí, thời gian cho các nhà đầu tư, nâng cao hiệu quả của dự án, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tăng thu cho ngân sách nhà nước, thu hút, khơi thông nguồn vốn đầu tư phát triển, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững.

+ Kết quả lãnh đạo, chỉ đạo GPMB là biểu hiện của ý thức trách nhiệm, thái độ, năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, của địa phương.

+ Công tác giải phóng mặt bằng là một trong số các tiêu chí quan trọng đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các sở, huyện.

- Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về công tác giải phóng mặt bằng các dự án có sử dụng đất thuộc phạm vi quản lý.

2. Về việc rà soát, hoàn chỉnh kế hoạch giải phóng mặt bằng

- Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát và hoàn chỉnh Kế hoạch GPMB (đến từng dự án cấp tỉnh và cấp huyện); trong đó, yêu cầu kế hoạch giải phóng mặt bằng phải làm rõ về các nội dung: Tên dự án, tên chủ đầu tư, địa điểm thực hiện dự án, diện tích dự án, diện tích cần GPMB trong năm 2018, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 05/5/2018. Hướng dẫn cấp huyện báo cáo đầy đủ từng dự án thực hiện GPMB theo cam kết và thực tế, gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố chậm nhất vào ngày 10/5/2018.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở Kế hoạch GPMB được phê duyệt và hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung rà soát, tổng hợp các dự án có đủ các điều kiện GPMB để ký cam kết; lập kế hoạch giải phóng mặt bằng của huyện, đưa ra khỏi kế hoạch các dự án không có vốn hoặc điều chỉnh quy mô, diện tích cần GPMB cho phù hợp; báo cáo kết quả thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường chậm nhất vào ngày 15/5/2018 để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh (UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND nếu có dự án cần thiết, đủ điều kiện nhưng không đề xuất đưa vào trong kế hoạch).

- Giao Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 20/5/2018.

3. Về trách nhiệm của UBND cấp huyện và các sở, ngành

3.1. Về trách nhiệm của UBND cấp huyện:

a) Thống nhất về tiến độ và ký cam kết về tiến độ GPMB với chủ đầu tư:

Căn cứ Kế hoạch GPMB được phê duyệt, Chủ tịch UBND cấp huyện tổ chức làm việc cụ thể với từng chủ đầu tư về tình hình triển khai thực hiện dự án (kế hoạch, tiến độ triển khai dự án, tình hình thực hiện công tác GPMB, nguồn vốn, các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc) để thống nhất về tiến độ GPMB với chủ đầu tư. Trên cơ sở đó, thực hiện ký cam kết về tiến độ GPMB với chủ đầu tư tất cả các dự án cần GPMB đủ điều kiện. Trong đó:

- Đối với trường hợp dự án thuộc diện nhà nước thu hồi đất: Bản cam kết phải thể hiện rõ nội dung cam kết của UBND cấp huyện về các mốc tiến độ để đảm bảo hoàn thành công tác bồi thường, GPMB; cam kết của chủ đầu tư về việc bố trí đầy đủ nguồn vốn để thực hiện bồi thường GPMB theo tiến độ.

- Đối với trường hợp dự án không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất: Bản cam kết phải thể hiện rõ nội dung cam kết của UBND cấp huyện trong việc tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện mua tài sản gắn liền với đất, nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định; cam kết của chủ đầu tư trong việc phối hợp, hỗ trợ địa phương trong quá trình thực hiện, bố trí đầy đủ nguồn vốn để thực hiện bồi thường GPMB theo đúng tiến độ.

- Đối với những dự án phát sinh sau khi Kế hoạch sử dụng đất năm 2018 được phê duyệt nhưng cần phải GPMB, UBND cấp huyện làm việc với chủ đầu tư và ký cam kết về tiến độ GPMB với chủ đầu tư theo quy định; đồng thời, có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

b) Tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện:

- Trên cơ sở cam kết về tiến độ GPMB của các dự án và Kế hoạch GPMB được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng, ban hành kế hoạch chi tiết và phân công trách nhiệm cụ thể cho các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức triển khai thực hiện. Đối với các dự án do nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, sau khi ký cam kết với chủ đầu tư, Chủ tịch UBND cấp huyện giao nhiệm vụ cụ thể cho UBND cấp xã tổ chức triển khai thực hiện (giao rõ các mốc thời gian hoàn thành).

- Tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, GPMB, nhất là thủ tục hành chính, việc áp dụng các cơ chế, chính sách trong công tác bồi thường, GPMB:

+ Rà soát, hoàn thiện các bước quy trình trong công tác bồi thường GPMB của huyện để đẩy nhanh tiến độ thực hiện; hoàn thiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ ngay sau khi dự án được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư; phối hợp với công an huyện để thống nhất về trình tự, thủ tục thực hiện cưỡng chế thu hồi đất theo quy định.

+ Tập trung nghiên cứu các quy định hiện hành của pháp luật về đất đai, đầu tư xây dựng, bồi thường, GPMB và các quy định khác của pháp luật có liên quan để chủ động áp dụng, vận dụng các quy định, cơ chế chính sách trong triển khai thực hiện công tác bồi thường, GPMB theo thẩm quyền; không đùn đẩy trách nhiệm lên UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ngành có liên quan.

Trường hợp các chế độ, chính sách đã được thực hiện đầy đủ nhưng các hộ dân vẫn không chấp hành công tác GPMB; UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát về trình tự, thủ tục, hồ sơ, nếu đảm bảo thì phối hợp với lực lượng công an chủ động triển khai công tác cưỡng chế thu hồi đất theo quy định; chỉ báo cáo xin ý kiến UBND tỉnh đối với các dự án lớn, nhạy cảm, phức tạp.

+ Trong quá trình kiểm kê, áp giá, thực hiện công tác bồi thường, GPMB, nếu có vướng mắc cần xin ý kiến, UBND cấp huyện chủ động có văn bản xin ý kiến các sở, ngành có liên quan; yêu cầu các sở, ngành tham mưu phải trả lời kiến nghị cho UBND cấp huyện trong thời gian tối đa 03 ngày làm việc.

- Thường xuyên rà soát lại các quỹ đất tái định cư, tận dụng các khu tái định cư đã có đảm bảo phục vụ công tác bồi thường, GPMB; đồng thời, chủ động nghiên cứu đầu tư xây dựng, bố trí tái định cư theo thẩm quyền trên cơ sở tính toán giá thành đảm bảo các điều kiện (điều kiện về điện, nước,…) và phù hợp với mặt bằng tái định cư của từng địa phương.

- Định kỳ hàng tháng (đầu tháng) tổ chức giao ban công tác GPMB trên địa bàn để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của từng dự án (thành phần bao gồm cả Hội đồng bồi thường GPMB và các chủ đầu tư của các dự án); kịp thời đề xuất, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền.

c) Rà soát, hoàn thiện việc thành lập, kiện toàn Hội đồng bồi thường GPMB các dự án đảm bảo đúng, đầy đủ thành phần theo quy định. Trong đó:

- Đối với các dự án lớn, trọng điểm, phức tạp cần tập trung GPMB, Chủ tịch UBND cấp huyện làm Chủ tịch Hội đồng.

- Đối với các dự án còn lại, Chủ tịch UBND cấp huyện phân công Phó Chủ tịch UBND cấp huyện làm Chủ tịch Hội đồng.

- Ưu tiên bố trí cán bộ có trình độ chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm tham gia Hội đồng bồi thường GPMB các dự án. UBND cấp huyện báo cáo Ban Thường vụ huyện, thị, thành ủy để mời các ngành, đoàn thể tham gia Hội đồng bồi thường GPMB.

d) Tổ chức giải quyết kịp thời các khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến công tác GPMB thuộc thẩm quyền giải quyết của huyện theo quy định.

e) Tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn: Tập trung quản lý, thực hiện tốt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; kiên quyết ngăn chặn và giải quyết triệt để tình trạng vi phạm quy hoạch, trật tự xây dựng, lấn chiếm đất trái phép.

3.2. Về trách nhiệm của chủ đầu tư:

- Phối hợp chặt chẽ với UBND cấp huyện, Hội đồng bồi thường GPMB, UBND cấp xã trong công tác GPMB và giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Cử cán bộ có thẩm quyền tham dự đầy đủ các kỳ họp giao ban định kỳ, đột xuất do UBND cấp huyện tổ chức về công tác GPMB có liên quan đến dự án được giao làm chủ đầu tư.

- Thống nhất về tiến độ GPMB và ký cam kết với UBND cấp huyện; đồng thời, bố trí đủ nguồn vốn thực hiện công tác GPMB theo tiến độ đã cam kết.

+ Đối với trường hợp dự án thuộc diện nhà nước thu hồi đất: Kịp thời chuyển kinh phí cho Hội đồng bồi thường GPMB để chi trả theo quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư của cấp có thẩm quyền.

+ Đối với trường hợp dự án không thuộc diện nhà nước thu hồi đất: Thực hiện mua tài sản gắn liền với đất, nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo các quy định hiện hành của pháp luật.

- Quản lý chặt chẽ quỹ đất được giao, không để xảy ra tình trạng lấn, chiếm đất; đồng thời, tổ chức triển khai khởi công và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án khi đã có mặt bằng.

3.3. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan:

a) Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Chủ trì theo dõi, đôn đốc và giám sát việc thực hiện Chỉ thị này.

- Khẩn trương phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh kiện toàn các Đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác GPMB của cấp huyện, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

- Hướng dẫn, giải quyết khó khăn vướng mắc về các chế độ, chính sách liên quan đến bồi thường, hỗ trợ về đất để làm cơ sở cho việc lập phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan giải quyết các khó khăn, vướng mắc của UBND cấp huyện trong công tác bồi thường GPMB thuộc chức năng của Sở Tài nguyên và Môi trường; những trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.

b) Sở Tài chính:

- Hướng dẫn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc về các chế độ, chính sách liên quan đến bồi thường, hỗ trợ về cây cối, hoa màu, vật nuôi; chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; chính sách hỗ trợ khác; kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

- Hướng dẫn UBND cấp huyện tính toán, cân đối về nguồn vốn đầu tư các khu tái định cư từ quỹ đất.

c) Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính trong quá trình tham mưu bố trí vốn đầu tư, phải ưu tiên bố trí đủ kinh phí GPMB triển khai dự án, còn lại mới bố trí vốn cho xây lắp.

- Nghiên cứu, vận dụng các quy định của pháp luật để rút ngắn thời gian thẩm định hoặc hướng dẫn UBND cấp huyện rút ngắn thời gian triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng các khu tái định cư theo quy định.

d) Sở Xây dựng: Hướng dẫn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc về các chế độ, chính sách liên quan đến bồi thường thiệt hại về nhà, tài sản, công trình, vật kiến trúc xây dựng trên đất; bồi thường, hỗ trợ di chuyển mồ mả; chi phí đầu tư vào đất còn lại (nếu có).

e) Sở Tư pháp: Hướng dẫn, kiểm tra về trình tự, thủ tục cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc; cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất theo đúng quy định của pháp luật.

g) Sở Lao động Thương binh và Xã hội: Hướng dẫn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc về các chế độ, chính sách đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người trong độ tuổi lao động có đất nông nghiệp bị thu hồi.

h) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Hướng dẫn UBND cấp huyện xác định năng suất các loại cây trồng, giá trị hiện có của vườn cây lâu năm, chi phí đầu tư vào đất, chi phí chăm sóc đến thời điểm thu hồi đất của vườn cây lâu năm; giá trị thiệt hại của vật nuôi do phải thu hồi sớm do bị thu hồi đất; hướng dẫn, giải quyết về việc thanh lý rừng trên đất thu hồi.

i) Thanh tra tỉnh: Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc giải quyết khiếu nại tố cáo trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thực hiện các dự án đầu tư theo thẩm quyền, đúng pháp luật; chủ trì, tham mưu giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.

k) Công an tỉnh: Tăng cường công tác nắm bắt tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các khu vực dự án có nguy cơ; có phương án xử lý kịp thời những đối tượng có hành vi lôi kéo, xúi giục, chống đối, cản trở, kích động nhân dân,... vi phạm pháp luật. Chỉ đạo công an huyện, thị xã thành phố căn cứ vào phương án cưỡng chế thu hồi đất, xây dựng kế hoạch bảo vệ trật tự, an toàn trong quá trình tổ chức thi hành cưỡng chế thu hồi đất; đồng thời, hỗ trợ các địa phương trong việc hoàn thiện thủ tục, hồ sơ cưỡng chế thu hồi đất theo quy định.

l) Báo Thanh Hóa, Báo Văn hóa và Đời sống, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tăng cường mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về pháp luật đất đai; thông tin rộng rãi chế độ, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để người dân và doanh nghiệp được biết. Bám sát địa bàn nắm đúng, đủ thông tin, thực hiện định hướng dư luận rõ ràng, đúng tình hình, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, chủ đầu tư các dự án và đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Định kỳ hàng tháng (vào ngày 25 cuối tháng), Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm báo cáo tình hình triển khai thực hiện gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh (vào trước ngày 05 của tháng sau)./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Đình Xứng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 08/CT-UBND về tiếp tục tăng cường triển khai công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2018

  • Số hiệu: 08/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 27/04/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Nguyễn Đình Xứng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/04/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản