Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 786/QĐ-UBND

Quy Nhơn, ngày 08 tháng 11 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH ĐẾN NĂM 2010 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Xét đề nghị của Sở Công nghiệp tại Tờ trình số 57/TTr-SCN ngày 30/10/2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu như sau:

I. Quan điểm quy hoạch:

- Quy hoạch phát triển làng nghề phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển CN - TTCN trên địa bàn tỉnh; đồng thời phải gắn với công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong các sản phẩm và phát triển du lịch.

- Quy hoạch phát triển làng nghề phải gắn với quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn; gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển hiệu quả, bền vững. Phát triển ngành nghề gắn với thu hút lao động, giải quyết việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tăng thu nhập và cải thiện đời sống dân cư nông thôn.

II. Mục tiêu quy hoạch:

- Đến năm 2010: Đầu tư phát triển 19 làng nghề đạt chuẩn và từng bước khôi phục, củng cố 19 làng nghề khác. Giá trị SXCN của các làng nghề (giá CĐ 1994) chiếm trên 3% trong tổng giá trị SXCN toàn tỉnh, thu hút và tạo thêm việc làm mỗi năm khoảng 2.000 lao động; phấn đấu đạt mức thu nhập bình quân từ 08 - 09 triệu đồng/lao động/năm (mức thu nhập hiện nay từ 4,6 - 5 triệu đồng/lao động/năm).

- Đến năm 2015: Đầu tư, phát triển thêm 19 làng nghề đạt chuẩn để nâng tổng số làng nghề tiểu thủ công nghiệp đạt chuẩn là 38 làng nghề, hoạt động ổn định kể từ sau năm 2015. Các làng nghề này tạo ra giá trị SXCN (giá CĐ 1994) chiếm từ 2 - 3% trong tổng giá trị SXCN toàn tỉnh, thu hút và tạo thêm việc làm mỗi năm khoảng 1.800 lao động; phấn đấu đạt mức thu nhập bình quân từ 10 - 11 triệu đồng/lao động/năm; tiến tới xuất khẩu một số sản phẩm như hải sản khô, rượu Bầu Đá và hàng thủ công mỹ nghệ các loại. Giai đoạn 2006 - 2020 phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 03 triệu USD.

III. Nhiệm vụ quy hoạch:

Rà soát, cân đối các yếu tố có liên quan để quy hoạch phát triển ổn định, bền vững các làng nghề nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển các làng nghề theo quy định. Phân loại, củng cố, đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm các làng nghề đã được quy hoạch đến năm 2010 và 2020; đồng thời điều tra, xác định, hướng dẫn các làng nghề, cơ sở sản xuất trong làng nghề đang gây ô nhiễm và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong cộng đồng dân cư vào các cụm, điểm công nghiệp phù hợp để đảm bảo cảnh quan môi trường sinh thái và đời sống sinh hoạt của các tầng lớp nhân dân.

IV. Nội dung quy hoạch phát triển:

1. Số làng nghề được quy hoạch phát triển: 38 làng.

2. Quy hoạch phát triển các làng nghề theo nhóm hàng:

2.1. Nhóm chế biến hàng nông sản, thực phẩm: có 09 làng nghề được quy hoạch phát triển theo hai giai đoạn từ 2006 - 2010 và từ 2011 - 2015; cụ thể như sau:

* Các làng nghề được quy hoạch phát triển trong giai đoạn 2006 - 2010:

- Làng nghề Rượu Bàu đá Cù Lâm (thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn);

- Làng nghề Bún tươi Ngãi Chánh (thôn Ngãi Chánh, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn);

* Các làng nghề được quy hoạch phát triển trong giai đoạn 2011 - 2015:

- Làng nghề Bún số 8 và Bánh tráng các loại Tam Quan Nam (thôn Tăng 1, xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn);

- Làng nghề Bún gạo tươi Tường An (thôn Tường An, xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ);

- Làng nghề Bánh tráng mì chà Mỹ Hội (bao gồm các thôn Mỹ Hội 1, 2, 3, xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ);

- Làng nghề Bánh tráng Mỹ Phong (bao gồm thôn Vĩnh Bình, Vân Tường, xã Mỹ Phong, huyện Phù Mỹ);

- Làng nghề Bánh tráng Phú Gia (thôn Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát);

- Làng nghề Bánh tráng Trường Cửu (thôn Trường Cửu, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn);

- Làng nghề Bánh tráng Kim Tây (thôn Kim Tây, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước);

2.2. Nhóm chế biến hải sản khô các loại: Có 02 làng nghề được quy hoạch phát triển; trong đó làng nghề chế biến cá cơm khô Mỹ An (xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ) được quy hoạch phát triển vào giai đoạn 2006 - 2010 và làng nghề chế biến hải sản khô Mỹ Thọ (xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ) được bố trí quy hoạch phát triển vào giai đoạn 2011 - 2015.

2.3. Nhóm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ: Có 07 làng nghề được quy hoạch phát triển theo hai giai đoạn từ 2006 - 2010 và từ 2011 - 2015; cụ thể như sau:

* Các làng nghề được quy hoạch phát triển trong giai đoạn 2006 - 2010:

- Làng nghề Dệt thảm xơ dừa và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa Tam Quan Nam (bao gồm các thôn Lợi Tây, Lợi Bắc, Lợi Nam, xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn);

- Làng nghề Sản xuất các sản phẩm từ xơ dừa và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa Mỹ Lợi (bao gồm các thôn Chánh Khoan Đông, Chánh Khoan Tây, Chánh Khoan Nam, xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ);

- Làng nghề Tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu (thôn Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn).

- Làng nghề Dệt vải thổ cẩm và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ vải thổ cẩm làng Hà Ri (xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh);

* Các làng nghề được quy hoạch phát triển trong giai đoạn 2011 - 2015:

- Làng nghề Dệt vải thổ cẩm và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ vải thổ cẩm làng Hà Văn Trên (xã Canh Thuận, huyện Vân Canh);

- Làng nghề Dệt vải thổ cẩm và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ vải thổ cẩm Bok Tới (xã Bok Tới, huyện Hoài Ân);

- Làng nghề Dệt vải thổ cẩm và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ vải thổ cẩm An Trung (xã An Trung, huyện An Lão);

2.4. Nhóm sản xuất công cụ, dụng cụ và hàng tiêu dùng: Có 20 làng được quy hoạch phát triển theo hai giai đoạn từ 2006 - 2010 và từ 2011 - 2015; cụ thể như sau:

* Các làng nghề được quy hoạch phát triển trong giai đoạn 2006 - 2010:

- Làng nghề Gốm Vân Sơn (thôn Vân Sơn, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn);

- Làng nghề Rèn Tây Phương Danh (thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn);

- Làng nghề Nhang Xuân Quang (thôn Xuân Quang, xã Cát Tường, huyện Phù Cát);

- Làng nghề Nón lá Gò Găng (xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn);

- Làng nghề Nón ngựa Phú Gia (thôn Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát);

- Làng nghề Nón lá Thuận Hạnh (bao gồm các thôn Thuận Hạnh, Thuận Hiệp, xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn);

- Làng nghề Sản xuất các sản phẩm từ cói Hoài Châu Bắc (bao gồm các thôn Chương Hòa, Gia An Đông, Gia An, Quy Thuận, xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn );

- Làng nghề Sản xuất các sản phẩm từ cói Tam Quan Bắc (bao gồm các thôn Công Thạnh, Dĩnh Thạnh, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn);

- Làng nghề Sản xuất các sản phẩm từ cói Phú Hậu (thôn Phú Hậu, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát);

- Làng nghề Sản xuất các sản phẩm từ cói Chánh Hội (bao gồm các thôn Chánh Hữu, Chánh Hội, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát);

- Làng nghề Sản xuất các sản phẩm từ cói Lạc Điền (thôn Lạc Điền, xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước);

- Làng nghề Sản xuất các sản phẩm từ cói An Lợi (thôn An Lợi, xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước);

* Các làng nghề được quy hoạch phát triển trong giai đoạn 2011 - 2015:

- Làng nghề Sản xuất các sản phẩm từ cói Mỹ Thắng (bao gồm các thôn 10, 11, xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ);

- Làng nghề Đan đát Mỹ Tài (bao gồm các thôn Vĩnh Lý, Vĩnh Nhơn, xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ);

- Làng nghề Sản xuất dây chỉ nhựa Mỹ Phong (bao gồm thôn Vĩnh Bình, Văn Tường, xã Mỹ Phong, huyện Phù Mỹ);

- Làng nghề Nón lá Tân Nghi (thôn Tân Nghi, xã Nhơn Mỹ, An Nhơn).

- Làng nghề Đan đát Nhơn Khánh (thôn Quan Quang, xã Nhơn Khánh, huyện An Nhơn);

- Làng nghề Đan đát Nhơn Lộc (thôn Đông Lâm, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn);

- Làng nghề Nón lá Mỹ Hòa (thôn Mỹ Hòa, thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn);

- Làng nghề Que nhang Bả Canh (thôn Bả Canh, thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn);

(Nội dung quy hoạch chi tiết của các làng nghề nêu trên xem trong tài liệu Quy hoạch kèm theo).

3. Quy hoạch phát triển một số làng nghề gắn với phục vụ phát triển du lịch: Trong tổng số 38 làng nghề được quy hoạch phát triển đến năm 2020, có 05 làng nghề được quy hoạch gắn với phục vụ phát triển du lịch, đó là:

- Làng nghề Rượu Bàu Đá Cù Lâm (xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn);

- Làng nghề Tiện gỗ mỹ nghệ Nhạn Tháp (xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn);

- Làng nghề Rèn Tây Phương Danh (thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn);

- Làng nghề Nón ngựa Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát);

- Làng nghề Dệt vải thổ cẩm và sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ vải thổ cẩm Hà Ri (xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh).

4. Những vấn đề có liên quan đến các cơ sở sản xuất, làng nghề hiện đang hoạt động kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường:

Các cơ sở sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ và gây ô nhiễm môi trường cấp độ nặng không thuộc diện quy hoạch thành làng nghề. Trong những năm đến, chính quyền địa phương (huyện, xã) và các cơ quan có liên quan cần tổ chức vận động, tuyên truyền hướng dẫn các cơ sở này chuyển đổi ngành nghề phù hợp hoặc muốn tiếp tục sản xuất thì di dời vào các cụm, điểm công nghiệp theo quy hoạch, cụ thể gồm có:

- Các cơ sở chế biến tinh bột mì tại các thôn Phụng Du 1, 2 và Tấn Thạnh 1, 2 (xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn);

- Các cơ sở chế biến tinh bột mì thôn Phú Hưng (xã Bình Tân), thôn Ngãi Hậu (xã Bình Thành), huyện Tây Sơn;

- Các cơ sở sản xuất gạch ngói tại các thôn Thượng Giang (xã Tây Giang), Trà Sơn (xã Tây An), Phú Hòa, Phú An (xã Tây Xuân), Hòa Lạc, Hòa Trung (xã Bình Tường), thôn 1, 2, thôn Lai Nghi, Thủ Thiện (xã Bình Nghi), huyện Tây Sơn.

V. Các giải pháp chủ yếu:

Để đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch phát triển các làng nghề trên địa bàn tỉnh, cần sử dụng các giải pháp chủ yếu sau đây:

1. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tăng cường quản lý nhà nước.

2. Giải pháp về kỹ thuật công nghệ và bảo vệ môi trường.

3. Giải pháp về phát triển hạ tầng.

4. Giải pháp về đào tạo lao động, đào tạo quản lý.

5. Các giải pháp về đầu tư phát triển vùng nguyên liệu.

6. Giải pháp về thị trường.

7. Giải pháp về vốn:

* Nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2006 - 2020 khoảng 41,6 tỷ đồng (bình quân 2,8 tỷ đồng/năm); trong đó:

- Giai đoạn 2006 - 2010 khoảng 24,3 tỷ đồng;

- Giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 9,8 tỷ đồng;

- Giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 7,5 tỷ đồng.

* Huy động vốn:

- Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương thông qua các chương trình khuyến công, hỗ trợ dạy nghề, vốn chương trình mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm hàng năm và 5 năm theo các quy định tại Nghị định 134/2004/NĐ-CP ngày 09/6/2004 của Chính phủ và Quyết định số 81/2005/QĐ-TTg ngày 18/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ;

- Ngân sách tỉnh cấp thông qua các chương trình khuyến công hàng năm và từng giai đoạn; vay vốn tín dụng ưu đãi hỗ trợ đầu tư XD cơ sở hạ tầng làng nghề hàng năm; vốn sự nghiệp khoa học công nghệ hỗ trợ đăng ký nghiên cứu, ứng dụng triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học;

- Các địa phương (UBND các huyện, xã) cần chủ động cân đối, bố trí vốn đối ứng, vốn hỗ trợ cho các chương trình, dự án đầu tư khôi phục phát triển làng nghề từ các nguồn vận động tài trợ, đóng góp của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, các cơ sở SX trong các làng nghề;

- Bố trí một phần thích hợp từ nguồn thu theo phân cấp ngân sách trên địa bàn để tham gia thực hiện các chính sách hỗ trợ khôi phục và phát triển làng nghề theo quy định.

VI. Phân công thực hiện:

1. UBND các huyện, thành phố:

- Chỉ đạo thực hiện và tổ chức quản lý các hoạt động đầu tư khôi phục, phát triển các làng nghề trên địa bàn; đồng thời hướng dẫn trình tự, hồ sơ, thủ tục đề nghị công nhận hoặc thu hồi danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống theo quy định tại Quyết định số 131/2005/QĐ-UBND ngày 13/12/2005 của UBND tỉnh.

- Huy động vốn và cân đối, bố trí vốn hỗ trợ đầu tư khôi phục và phát triển các làng nghề trên địa bàn theo kế hoạch. Tuyên truyền giới thiệu và vận động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, đầu tư sản xuất kinh doanh và dịch vụ vào các làng nghề.

- Phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng đề án củng cố phát triển và tổ chức di dời các cơ sở SX tại các làng nghề gây ô nhiễm môi trường vào các cụm, điểm công nghiệp phù hợp theo quy hoạch.

2. Sở Công nghiệp:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức thẩm định hồ sơ, trình UBND tỉnh quyết định công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống cho các địa phương để làm cơ sở đầu tư phát triển các làng nghề theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh; đồng thời theo dõi giải quyết hoặc đề xuất cấp thẩm quyền kịp thời điều chỉnh, bổ sung các vấn đề có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan và UBND các huyện hướng dẫn danh mục các ngành nghề được ưu tiên, khuyến khích; các ngành nghề cấm hoặc hạn chế đầu tư.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tổng kết đánh giá tình hình hoạt động làng nghề theo định kỳ, kiến nghị đề xuất các biện pháp thúc đẩy phát triển các làng nghề.

- Tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh hoặc Bộ Công nghiệp biểu dương, khen thưởng và phong tặng các danh hiệu theo quy định (nếu có) cho các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc, có công trong việc truyền nghề, du nhập nghề mới và những người sản xuất giỏi tại các làng nghề.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính xem xét cân đối, bố trí các nguồn vốn của Trung ương về hỗ trợ dạy nghề, vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm; vốn ngân sách tỉnh vay tín dụng ưu đãi hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng làng nghề, vốn cấp qua các chương trình khuyến công và các nguồn vốn khác hỗ trợ đầu tư phát triển làng nghề theo kế hoạch hàng năm và 05 năm theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các cơ quan có liên quan thẩm định phê duyệt hoặc trình cấp thẩm quyền phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển làng nghề theo quy định hiện hành.

4. Sở Tài chính:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo kịp thời các nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm; vốn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn khác đã cân đối, bố trí theo kế hoạch để các địa phương, các làng nghề chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án đã được phê duyệt.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tổng hợp, thẩm định phê duyệt hoặc trình cấp thẩm quyền phê duyệt các phương án bồi thường giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển làng nghề theo quy định hiện hành.

5. Sở Xây dựng:

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố hướng dẫn việc lập thiết kế quy hoạch chi tiết, thiết kế xây dựng các công trình phục vụ đầu tư phát triển các làng nghề; thẩm định, phê duyệt hoặc trình cấp thẩm quyền phê duyệt các đồ án thiết kế quy hoạch, thiết kế xây dựng nêu trên theo quy định hiện hành.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Hướng dẫn UBND các huyện, thành phố lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm trình cấp thẩm quyền thẩm định phê duyệt và các hồ sơ thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định hiện hành để có cơ sở bố trí mặt bằng phục vụ đầu tư mở rộng các làng nghề; hướng dẫn việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và tổ chức xét duyệt đăng ký bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất; thẩm định phê duyệt thiết kế công nghệ xử lý môi trường làng nghề theo quy định hiện hành.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, xác định mức độ gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất tại các làng nghề để phân loại, xác định mức độ gây ô nhiễm môi trường. Nếu ở cấp độ nhẹ thì hướng dẫn kỹ thuật xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn theo quy định; những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ở cấp độ nặng thì kịp thời hướng dẫn hoặc kiến nghị cấp thẩm quyền tổ chức di dời vào các cụm, điểm công nghiệp phù hợp để xử lý.

7. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội :

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức khảo sát, lập kế hoạch đào tạo nghề, đào tạo lao động kỹ thuật phục vụ quá trình phát triển TTCN tại các làng nghề nông thôn, nhất là các làng nghề đã có chủ trương quy hoạch phát triển để có cơ sở quản lý và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo quy định.

Kết hợp các nguồn kinh phí hỗ trợ dạy nghề của Trung ương và của tỉnh tổ chức dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn theo quy định tại Quyết định số 81/2005/QĐ-TTg ngày 18/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 14/2003/QĐ-UB ngày 22/01/2003 của UBND tỉnh.

8. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ các làng nghề, nhất là đối với các làng nghề hoạt động trên lĩnh vực chế biến nông, lâm sản; hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ giống, vốn kịp thời cho các hộ sản xuất trong làng nghề có nhu cầu đầu tư phát triển vùng nguyên liệu.

- Chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan hướng dẫn, hỗ trợ việc đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề cho người lao động và nghiệp vụ quản lý cho các chủ hộ sản xuất trong các làng nghề TTCN ở nông thôn.

9. Sở Thủy sản:

- Dự báo, thông tin ngư trường, hướng dẫn quy trình khai thác đánh bắt hải sản và kỹ thuật chế biến các loại sản phẩm hải sản khô để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị xuất khẩu, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan hướng dẫn, hỗ trợ việc đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho người lao động tại các cơ sở sản xuất trong các làng nghề chế biến hải sản khô trên địa bàn tỉnh.

10. Sở Khoa học và Công nghệ:

- Hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất trong làng nghề tham gia ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới thiết bị công nghệ và đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học hàng năm để có cơ sở cải tiến, ứng dụng và triển khai nhân rộng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm của các cơ sở sản xuất trong làng nghề.

- Hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp trong làng nghề tham gia đăng ký chất lượng sản phẩm, nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu theo quy định.

11. Sở Thương mại:

- Thường xuyên cung cấp các tài liệu, thông tin cần thiết có liên quan đến việc đẩy mạnh chương trình sản xuất hàng xuất khẩu của tỉnh đến các cơ sở sản xuất trong các làng nghề. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường và hướng dẫn, giới thiệu các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất làng nghề tham gia hội chợ, triển lãm và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

- Hướng dẫn thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa và cung cấp kịp thời các thông tin có liên quan về những nước có tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp, làng nghề trên địa bàn tỉnh để chủ động tiếp cận thị trường, phòng tránh rủi ro trong quá trình sản xuất kinh doanh.

12. Sở Du lịch:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch làng nghề; phối hợp với các sở ngành, địa phương liên quan hỗ trợ đầu tư cải tạo cảnh quan môi trường một số làng nghề có sản phẩm phục vụ du lịch; hỗ trợ đào tạo, tập huấn nghiệp vụ phục vụ du lịch, xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm hàng lưu niệm, hướng dẫn ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm giữa các làng nghề với các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh.

13. Sở Văn hóa Thông tin:

Chủ trì, phối hợp với Sở Công nghiệp và các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền và quy hoạch phát triển hoạt động văn hóa nghệ thuật ở một số địa phương theo hướng gắn với các lễ hội làng nghề truyền thống để góp phần bảo tồn nghệ thuật dân gian truyền thống và phục vụ phát triển du lịch.

14. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các hội, đoàn thể: Hội Nông dân tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và Hội Cựu chiến binh tỉnh:

Theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị các hội đoàn thể chủ trì, phối hợp chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở các địa phương vận động, tuyên truyền, tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn ưu đãi, giải quyết việc làm kết hợp lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án và các nguồn vốn hợp pháp khác trên địa bàn để hỗ trợ vốn đầu tư, hỗ trợ kinh phí đào tạo bồi dưỡng tay nghề cho người lao động, đào tạo bồi dưỡng kiến thức quản lý cho các chủ hộ sản xuất trong làng nghề nhằm tạo điều kiện khôi phục phát triển đúng hướng các làng nghề TTCN ở các địa phương.

Điều 2: Giao Sở Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các sở, ban liên quan và UBND các huyện, thành phố theo dõi việc triển khai thực hiện các nội dung quy định của Quy hoạch kèm theo Quyết định này; đồng thời, định kỳ báo cáo tình hình triển khai thực hiện, nhất là các khó khăn vướng mắc kể cả việc sửa đổi bổ sung Quy hoạch (nếu có) cho UBND tỉnh để chỉ đạo giải quyết kịp thời.

Điều 3: Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở Công nghiệp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thương mại, Du lịch, Thủy sản, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa Thông tin, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Vũ Hoàng Hà

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 786/QĐ-UBND năm 2006 phê duyệt Quy hoạch phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020

  • Số hiệu: 786/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/11/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Vũ Hoàng Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/11/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản