Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 78/2002/QĐ-BNN_KL

Hà Nội, ngày 28 tháng 08 năm 2002 

 

QUYẾT ĐỊNH

VV: BAN HÀNH QUY PHẠM KỸ THUẬT THEO DÕI DIỄN BIẾN RỪNG VÀ ĐẤT LÂM NGHIỆP TRONG LỰC LƯỢNG KIỂM LÂM  

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 73/CP ngày 01 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn;
Căn cứ chỉ thị 32/2000/CT/BNN-KL ngày 27/3/2000 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc giao cho lực lượng Kiểm lâm tổ chức theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp trong phạm vi toàn quốc;
Theo đề nghị của ông Cục trưởng Cục Kiểm Lâm,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản “Quy phạm kỹ thuật theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp trong lực lượng Kiểm lâm”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Các ông Chánh văn phòng Bộ, Thủ trưởng Các Cục, Vụ, Viện Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
THỨ TRƯỞNG




 Nguyễn Văn Đẳng


QUY PHẠM

KỸ THUẬT THEO DÕI DIỄN BIẾN RỪNG VÀ ĐẤT LÂM NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 78/2002/QĐ/BNN-KL)

Chương 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy phạm này quy định những nội dung cơ bản; giải pháp kỹ thuật; tổ chức thực hiện và chế độ báo cáo về theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp trong lực lượng Kiểm lâm.

Điều 2. Mục đích theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp là: Hàng năm nắm vững diện tích các loại rừng, đất lâm nghiệp hiện có; sự biếnbiến động diện tích các loại rừng, các loại đất quy hoạch cho sản xuất lâm nghiệp theo lãnh thổ nhằm giúp hoạch định chính sách lâm nghiệp ở địa phương và trung ương phục công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Điều 3. Nguyên tắc theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp như sau:

1. Cập nhật diện tích các loại rừng và đất lâm nghiệp trên cơ sở phân loại rừng và đất rừng theo Quy phạm thiết kế kinh doanh rừng QPN 6-84 ban hành kèm theo Quyết định số 682B/QLKT ngày 01/8/1984 của Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Dữ liệu cơ sở ban đầu là kết quả kiểm kê rừng đã được công bố tại Quyết định 03/2001/QĐ-TTg ngày 5/1/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kết quả tổng kiểm kê rừng toàn quốc (sau đây gọi chung là Quyết định 03/2001/QĐ-TTg).

2. Đơn vị cơ sở theo dõi và cập nhật là lô trạng thái. Đơn vị thống kê là khoảnh, tiểu khu, xã, huyện, tỉnh và toàn quốc.

3. Việc theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp được tổ chức ở thực địa trên cơ sở ứng dụng các phần mềm xử lý cơ sở dữ liệu, công nghệ xử lý bản đồ, công nghệ xử lý ảnh viễn thám phải được quản lý, sử dụng thống nhất chung trong toàn quốc.

Điều 4. Đầu tư trang thiết bị và hệ thống mạng máy tính phục vụ theo dõi diễn biến rừng, đất lâm nghiệp kết nối từ Cục Kiểm lâm đến cấp huyện gắn với tổ chức Hạt Kiểm lâm hiện có.

Điều 5. Đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật theo dõi diễn biến rừng, đất lâm nghiệp các cấp, đặc biệt là kiểm lâm viên cơ sở có đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và nắm vững công nghệ thông tin để quản lý cơ sở dữ liệu trên máy tính, theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp ngoài thực địa.

Điều 6. Sử dụng công nghệ thông tin địa lý (GIS) để xử lý bản đồ trên máy tính. áp dụng công nghệ viễn thám để kiểm tra, chỉnh lý các loại rừng, đất rừng và xác định ranh giới tới lô rừng.

Điều 7. Kết quả theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp được công bố hàng năm, bao gồm:

1. Bản đồ hiện trạng rừng:

a) Cấp xã: Bản đồ tỷ lệ 1/25.000 hoặc 1/10.000,

b) Cấp huyện: Bản đồ tỷ lệ 1/50.000 (thị xã sử dụng bản đồ 1/25.000),

c) Cấp tỉnh: Bản đồ tỷ lệ 1/100.000,

d) Toàn quốc: Bản đồ tỷ lệ 1/1.000.000.

2. Biểu tổng hợp diện tích các loại đất, loại rừng theo đơn vị lâm phần rừng là tiểu khu, theo đơn vị hành chính các cấp là xã, huyện, tỉnh và toàn quốc:

- Biểu 1. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp theo loại rừng.

- Biểu 2. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp theo chức năng sử dụng rừng.

- Biểu 3. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp theo chủ quản lý.

- Biểu 4. Diện tích rừng trồng theo loài cây và cấp tuổi.

- Biểu 5. Diễn biến diện tích rừng và đất lâm nghiệp theo các nguyên nhân.

Cơ sở dữ liệu diễn biến rừng và đất lâm nghiệp trên đây được lưu trữ trên hệ thống mạng máy tính chuyên ngành.

Chương 2:

NỘI DUNG VÀ QUY ĐỊNH VỀ KỸ THUẬT

Điều 8. Cơ sở dữ liệu gốc theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp gồm số liệu, kết quả kiểm kê rừng đã được công bố tại Quyết định 03/2001/QĐ-TTg.

1. Số hoá nền bản đồ địa hình chuẩn có ranh giới hành chính xã theo Chỉ thị 364/CT ngày 06/11/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính tỉnh-huyện-xã.

2. Số hoá bản đồ kết quả kiểm kê theo các cấp hành chính (xã, huyện, tỉnh) từ nguồn tài liệu kiểm kê, đặc biệt là phiếu tính diện tích 02.

3. Khởi tạo cơ sở dữ liệu gốc ứng với mốc thời điểm kết thúc kiểm kê để theo dõi diễn biến rừng, đất lâm nghiệp hàng năm. Cơ sở dữ liệu quản lý đồng thời cả bản đồ và số liệu.

Điều 9. Lực lượng Kiểm lâm thường xuyên thu thập thông tin biến động diện tích rừng và đất lâm nghiệp ngoài thực địa; cập nhật những thay đổi về rừng, đất lâm nghiệp bao gồm cả số liệu và bản đồ vào cơ sở dữ liệu.

Việc cập nhật diễn biến rừng và đất lâm nghiệp được tiến hành khoanh vẽ trên bản đồ đáp ứng theo cả 2 mức độ:

1. Mức độ 1: Diện tích lô lớn hơn hoặc bằng 0,5 ha (tương ứng 0,5 cm2 trên bản đồ tỷ lệ 1/10.000) được khoanh vẽ trên bản đồ.

2. Mức độ 2: Diện tích lô nhỏ hơn 0,5 ha hoặc cây phân tán, thì chỉ cần ghi số liệu trên phiếu cập nhật mà không nhất thiết phải khoanh vẽ trên bản đồ.

Trong trường hợp một lô có nhiều trạng thái và không thể bóc tách được các trạng thái riêng biệt để khoanh vẽ trên bản đồ, thì chấp nhận lô có nhiều trạng thái và phải tính toán diện tích, xác định các thuộc tính tương ứng như loại chủ quản lý, ba loại rừng cho từng trạng thái riêng biệt.

Phương pháp khoanh lô: Sử dụng phương pháp khoanh lô theo dốc đối diện, khoanh lô theo tuyến, khoanh lô bằng phương pháp đo đạc, khoanh lô bằng máy định vị GPS. Nội dung của các phương pháp này được quy định cụ thể trong Quy trình kỹ thuật theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp.

Điều 10. Định kỳ Chi cục kiểm lâm tổng hợp kết quả báo cáo Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh công bố số liệu hiện trạng rừng, đất lâm nghiệp ở địa phương; Cục Kiểm lâm tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố số liệu hiện trạng rừng, đất lâm nghiệp trong phạm vi toàn quốc.

Điều 11. Loại và tỷ lệ bản đồ

1. Sử dụng bản đồ địa hình có cùng tỷ lệ và hệ chiếu với bản đồ hiện trạng rừng; cấp xã tỷ lệ 1/25.000 hoặc tỷ lệ 1/10.000, cấp huyện tỷ lệ 1/50.000 và cấp tỉnh 1/100.000.

2. Bản đồ sử dụng để khoanh vẽ diễn biến rừng, đất lâm nghiệp ngoài thực địa, yêu cầu tỷ lệ tối thiểu 1/10.000.

Điều 12. Bản đồ hiện trạng rừng thể hiện các nội dung sau đây:

1. Đường bình độ,

2. Sông, hồ, biển,

3. Hệ thống thuỷ văn,

4. Đường giao thông,

5. Điểm dân cư,

6. Các đối tượng: công nghiệp, nông nghiệp, văn hoá xã hội như lâm trường, xí nghiệp, đường tải điện ...,

7. Ranh giới hành chính tỉnh, huyện, xã,

8. Ranh giới 3 loại rừng, ranh giới tiểu khu,

9. Hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp.

Bản đồ phải thể hiện được tỉ lệ xích và hướng quy ước (hướng Bắc).

Điều 13. Phân loại rừng, phân loại đất lâm nghiệp như sau:

1. Đất có rừng

1.1. Rừng tự nhiên

- Rừng gỗ,

- Rừng lá kim,

- Rừng tre nứa,

- Rừng hỗn giao gỗ và tre nứa,

- Rừng trên đất ngập nước (rừng tràm và rừng ngập mặn),

- Rừng núi đá.

1.2. Rừng trồng, được phân chia theo loài cây và cấp tuổi

- Rừng trồng có trữ lượng,

- Rừng trồng chưa có trữ lượng,

- Rừng tre nứa,

- Rừng đặc sản.

2. Đất không có rừng: Đất trống có khả năng kinh doanh lâm nghiệp như trạng thái Ia, Ib và Ic.

3. Đất khác, là đất không thuộc các loại đất kể trên như: Đất nông nghiệp, hồ, sông, suối, đường ....

Điều 14. Theo dõi, cập nhật các thay đổi về rừng và đất lâm nghiệp theo các nguyên nhân:

1. Trồng rừng,

2. Khai thác rừng,

3. Cháy rừng,

4. Sâu bệnh hại rừng,

5. Phá rừng làm nương rẫy,

6. Chuyển đổi mục đích sử dụng đất,

7. Tăng giảm rừng do khoanh nuôi bảo vệ hoặc tái sinh tự nhiên,

8. Thay đổi do các nguyên nhân khác.

Điều 15. Theo dõi, cập nhật các thay đổi về rừng và đất lâm nghiệp theo loại chủ quản lý:

1. Doanh nghiệp nhà nước (lâm trường, nông lâm trường,...),

2. Ban quản lý rừng đặc dụng,

3. Ban quản lý rừng phòng hộ,

4. Tổ chức liên doanh,

5. Hộ gia đình, cá nhân,

6. Tập thể (Hợp tác xã),

7. Lực lượng vũ trang,

8. Uỷ ban Nhân dân cấp xã (đối với diện tích rừng, đất lâm nghiệp chưa được giao, khoán, cho thuê),

9. Loại chủ quản lý khác.

Điều 16. Theo dõi, cập nhật các thay đổi diện tích rừng và đất lâm nghiệp theo chức năng: Rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất.

Điều 17. Quy trình kỹ thuật; các phần mềm ứng dụng và khởi tạo cơ sở dữ liệu; công nghệ xử lý bản đồ, xử lý ảnh viễn thám phục vụ theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp trong toàn lực lượng Kiểm lâm do Cục Kiểm lâm ban hành.

Chương 3:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 18. Chi cục Kiểm lâm có nhiệm vụ:

1. Chủ trì tổ chức theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho các Hạt Kiểm lâm, công chức Kiểm lâm phụ trách địa bàn xã, các chủ rừng để tổ chức thu thập thông tin thay đổi ngoài thực địa; cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu.

3. Tập hợp số liệu, bản đồ hiện trạng rừng từ các Hạt Kiểm lâm, các chủ rừng để xây dựng cơ sở dữ liệu cấp tỉnh.

4. Tham mưu cho Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh công bố hiện trạng rừng năm trước của địa phương và gửi báo cáo kết quả về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 31 tháng 3 hàng năm.

Điều 19. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:

1. Phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tổ chức thực hiện theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp. Đối với các tỉnh không có tổ chức Kiểm lâm thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện công tác này.

2. Cung cấp cho Chi cục Kiểm lâm số liệu, bản đồ về thiết kế trồng rừng, thiết kế khai thác rừng hàng năm và quy vùng sản xuất nương rẫy.

Điều 20. Hạt Kiểm lâm có nhiệm vụ:

1. Chủ trì thực hiện theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn.

2. Tổ chức thu thập thông tin ngoài thực địa, cập nhật số liệu, bản đồ hiện trạng rừng vào cơ sở dữ liệu cấp huyện theo sự hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Chi cục Kiểm lâm.

Điều 21. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:

1. Phối hợp với Hạt Kiểm lâm theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp.

2. Cung cấp cho Hạt Kiểm lâm số liệu và bản đồ thiết kế trồng rừng, thiết kế khai thác rừng và quy vùng sản xuất nương rẫy trên địa bàn.

Điều 22. Các chủ rừng có trách nhiệm:

1. Tổ chức theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp trên diện tích được giao theo sự hướng dẫn của Chi cục Kiểm lâm hoặc Hạt Kiểm lâm.

2. Báo cáo số liệu, bản đồ hiện trạng rừng theo hướng dẫn của Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm.

Điều 23. Cục Kiểm lâm có nhiệm vụ:

a) Phối hợp với Viện Điều tra Quy hoạch rừng hướng dẫn thực hiện Quy phạm này.

b) Trước ngày 30 tháng 6 hàng năm, tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố số liệu hiện trạng rừng năm trước trong phạm vi toàn quốc.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 78/2002/QĐ-BNN_KL ban hành quy phạm kỹ thuật theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp trong lực lượng Kiểm lâm của do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

  • Số hiệu: 78/2002/QĐ-BNN/KL
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/08/2002
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Nguyễn Văn Đẳng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 47
  • Ngày hiệu lực: 12/09/2002
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản