Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 777/QĐ-UBND

Khánh Hòa, ngày 21 tháng 3 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SÀN GIAO DỊCH VIỆC LÀM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Việc làm ngày 16 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 196/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về quy định thành lập và hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm;

Căn cứ Quyết định số 1391/QĐ-UBND ngày 23 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVII;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Công văn số 279/SLĐTBXH-VLATLĐ ngày 26 tháng 01 năm 2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng sàn giao dịch việc làm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Đề án đạt mục tiêu đề ra. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện, định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả với Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày k‎ý./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Duy Bắc

 

ĐỀ ÁN

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SÀN GIAO DỊCH VIỆC LÀM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 777/QĐ-UBND ngày 21 tháng 3 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)

Phần mở đầu

I. Sự cần thiết xây dựng Đề án

Kinh tế tỉnh Khánh Hòa trong những năm qua tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; cơ cấu chuyển dịch đúng định hướng với tốc độ phát triển nhanh ngành dịch vụ - du lịch và công nghiệp; hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đáng kể, tốc độ đô thị hóa diễn ra tương đối nhanh; các chương trình kinh tế - xã hội ngày càng phát huy hiệu quả. Cùng với sự phát triển của hệ thống thị trường, trong đó thị trường lao động Khánh Hòa cũng đã phát triển đa dạng với sự hình thành và đi vào hoạt động của Sàn giao dịch việc làm từ năm 2012 đến nay, đã góp phần quan trọng trong hoạt động giải quyết việc làm cho người lao động và đáp ứng được nhu cầu phát triển nhân lực của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên trong những năm qua hiệu quả hoạt động của các phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm chưa đạt hiệu quả theo nhu cầu của doanh nghiệp; số lao động trực tiếp tham gia tại phiên giao dịch việc làm để dự tuyển vào các vị trí việc làm trong và ngoài nước chưa nhiều, và đang có xu hướng ngày ít hơn số người lao động đến trực tiếp tại phiên giao dịch việc, ngày hội việc làm.

Do đó để đáp ứng theo xu hướng phát triển của xã hội đồng thời hỗ trợ sự thuận tiện cho người lao động tìm được việc làm và doanh nghiệp tuyển dụng lao động đáp ứng theo nhu cầu, sàn giao dịch việc làm cần phải được duy trì phát triển nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động theo hướng ứng dụng công nghệ mới, công nghệ thông tin cho sàn giao dịch việc làm thông qua hệ thống trang web (sàn giao dịch điện tử), nhằm đáp ứng kịp thời về sự phát triển theo nhu cầu xã hội, phục vụ việc hỗ trợ phát triển thị trường lao động Khánh Hòa, nâng cao hiệu quả số lượng người tìm được việc làm trong và ngoài nước, nâng tỷ lệ kết nối thành công giữa cung - cầu lao động.

II. Căn cứ pháp lý

- Căn cứ Luật Việc làm, đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam thông qua ngày 16 tháng 11 năm 2013;

- Căn cứ Nghị định số 196/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về quy định thành lập và hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm;

- Thực hiện Quyết định số 1391/QĐ-UBND ngày 23 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVII.

Phần thứ nhất

THỰC TRẠNG SÀN GIAO DỊCH VIỆC LÀM

I. Sự hình thành, hoạt động của sàn giao dịch việc làm

1. Sự hình thành, chức năng hoạt động của sàn giao dịch việc làm

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của sự phát triển thị trường lao động đòi hỏi phải đáp ứng nhu cầu việc tuyển dụng nhân lực cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Năm 2012 được sự hỗ trợ đầu tư kinh phí từ Cục Việc làm - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã đầu tư hình thành sàn giao dịch việc làm và chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa tiến hành đưa vào hoạt động phục vụ nhu cầu giải quyết việc làm cho người lao động, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp.

Tháng 12 năm 2012 sàn giao dịch việc làm chính thức đi vào hoạt động với chức năng chủ yếu là: Truyền thông về các chủ trương, chính sách của Nhà nước, của tỉnh và của ngành; xây dựng cơ sở dữ liệu về việc tìm người và người tìm việc và quản trị trang thông tin điện tử vieclamkhanhhoa.com.vn; kết nối giới thiệu việc làm giữa người lao động và doanh nghiệp tuyển dụng lao động; tư vấn định hướng nghề nghiệp, việc làm giúp cho người lao động mà đặc biệt là thanh niên tìm chọn nơi học nghề phù hợp để có thêm cơ hội việc làm theo khả năng và nguyện vọng.

2. Năng lực hoạt động của Sàn giao dịch việc làm

Sàn giao dịch việc làm có diện tích 100 m2 đặt tại số 56 Lê Quý Đôn, trụ sở Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa đơn vị trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Khánh Hòa.

Tổng số trang thiết bị đầu tư mới phục vụ cho sàn giao dịch việc làm điện tử là 17 loại trang thiết bị, trong đó có 01 bộ máy chủ, 30 bộ máy tính bàn, 10 máy tính xách tay, 02 tivi, 03 máy tra cứu, 01 bảng điện tử (theo Quyết định số 455/QĐ-STC ngày 26 tháng 8 năm 2014 của Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa). Hiện nay số thiết bị máy móc này đã xuống cấp, hư hỏng, không còn sử dụng được.

 Năng lực của sàn giao dịch việc làm: Mỗi phiên giao dịch việc làm, có từ 10 đến 12 doanh nghiệp trực tiếp tuyển dụng, lưu lượng lao động bình quân 150 người/ngày.

3. Tình hình thực hiện

3.1. Tổ chức phiên giao dịch việc làm

STT

Nội dung

Đơn vị tính

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Năm 2016

1

Tổ chức phiên giao dịch việc làm

Phiên

01

22

24

24

22

2

Số doanh nghiệp tham gia

DN

17

193

164

171

92

3

Nhu cầu tuyển dụng (số vị trí việc làm)

Người

-

5.566

3.306

2.658

1.634

4

Số lao động được tư vấn việc làm

Người

300

3.500

1.676

1.316

1.018

5

Số lao động được tuyển dụng tại chỗ

Người

98

1.183

373

290

206

Trong những năm qua tần suất tổ chức phiên giao dịch việc làm bình quân 2 phiên/tháng; số doanh nghiệp trực tiếp tham gia bình quân là 9 doanh nghiệp/phiên; nhu cầu tuyển dụng bình quân 140 lao động (vị trí công việc)/phiên; số lao động được tư vấn việc làm bình quân là 80 lao động/phiên; số lao động được doanh nghiệp tuyển dụng bình quân là 20 lao động/phiên.

Số liệu thực hiện qua các năm cho thấy xu hướng các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng trực tiếp tại phiên giao dịch việc làm ngày càng giảm dần, đồng thời người lao động đến với phiên giao dịch việc làm cũng có xu hướng giảm dần, thay vào đó là người sử dụng lao động (doanh nghiệp) thường xuyên cập nhật và đăng thông tin tuyển dụng trên trang thông tin điện tử vieclamkhanhhoa.com.vn, ở mục “Việc tìm người”; còn người lao động cũng thường xuyên hơn việc truy cập trang thông tin điện tử và đăng thông tin ở mục “Người tìm việc” thông qua đó hai bên đã gặp nhau để phỏng vấn tuyển dụng.

Qua đó cho thấy việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ngày càng ít thu hút người lao động và người sử dụng lao động đến trực tiếp tại phiên giao dịch, vì nhu cầu tuyển dụng của người sử dụng lao động và nhu cầu tìm việc của người lao động diễn ra thường xuyên liên tục, do đó cần phải chuyển hướng phục vụ nhu cầu tuyển dụng của người sử dụng lao động và nhu cầu tìm việc của người lao động bằng hình thức thông qua trang thông tin điện tử để tuyển dụng trực tuyến.

3.2. Tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm, tư vấn pháp luật lao động

Trung tâm Dịch vụ việc làm luôn bố trí nhân viên có nhiều kinh nghiệm tư vấn việc làm, pháp luật lao động, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Hoạt động tư vấn được thực hiện trực tiếp tại Trung tâm; tư vấn tập thể được tổ chức tại các trường hoặc các phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm thực hiện bình quân hàng năm tư vấn cho 15.000 người.

 Hoạt động tư vấn đã giúp cho người lao động có kỹ năng tham gia phỏng vấn tuyển dụng, lựa chọn công việc phù hợp với nguyện vọng bản thân. Đối với các doanh nghiệp tuyển dụng lao động được tư vấn về chính sách lao động việc làm, tiền công, tiền lương cũng như phân loại nhu cầu của người lao động nhằm giúp cho người sử dụng lao động có sự lựa chọn phương án tuyển dụng lao động hiệu quả và đúng theo quy định của pháp luật.

3.3. Xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người, người tìm việc

Trang thông tin điện tử: vieclamkhanhhoa.com.vn đi vào hoạt động từ năm 2012 cũng đã góp phần vào việc kết nối cung - cầu lao động nhằm phù hợp với tình hình thực tế giúp người lao động tìm được việc làm, người sử dụng lao động tuyển được lao động. Trang thông tin điện tử: vieclamkhanhhoa.com.vn thường xuyên được cải tiến giao diện giúp người truy cập dễ dàng tra cứu, tìm hiểu các nội dung cần thiết. Việc cập nhật thông tin được thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều vị trí tuyển dụng phong phú thu hút được người lao động truy cập. Số lượng truy cập vào trang thông tin điện tử, bình quân khoảng 2 triệu lượt người truy cập/năm. Thông qua trang thông tin điện tử này đã thống kê được số lượng người tìm việc và việc tìm người, trong đó có phân theo các thành tố. Tuy nhiên vẫn còn hạn chế đó là chưa thống kê được kết quả giải quyết việc làm, tỷ lệ kết nối thành công giữa cung - cầu lao động.

4. Đánh giá chung

4.1. Những mặt được

Thông qua hoạt động tổ chức các phiên giao dịch việc làm và hoạt động của trang thông tin điện tử: vieclamkhanhhoa.com.vn tuy hiệu quả chưa cao nhưng bước đầu đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền thông, truyền tải các thông tin về chủ trương, chế độ chính sách lao động - việc làm, pháp luật lao động của Nhà nước, của tỉnh và của ngành. Kết nối cung - cầu lao động một cách đa dạng giúp cho người lao động, các doanh nghiệp chủ động trong việc tìm việc và tuyển dụng lao động.

Hoạt động sàn giao dịch việc làm điện tử bước đầu thực hiện ở hình thức giản đơn là thông qua trang thông tin điện tử: vieclamkhanhhoa.com.vn, do Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cung cấp, cho thấy là cách làm phù hợp với xu hướng hiện đại ngày nay là ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ thông tin trong việc cung cấp thông tin, kết nối cung - cầu lao động trên địa bàn tỉnh, liên vùng và trong cả nước, góp phần đáp ứng được phần nào nhu cầu phát triển nhân lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.

4.2. Những hạn chế

Bên cạnh những kết quả bước đầu mang lại, hoạt động của sàn giao dịch việc làm còn những hạn chế nhất định đó là:

- Hoạt động truyền thông, truyền tải tuy có triển khai thường xuyên nhưng chưa ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa;

- Chưa có hạ tầng kỹ thuật (thiết bị và các phần mềm ứng dụng) để phục vụ việc giao dịch cung - cầu lao động qua trang web;

- Chưa có trang thông tin điện tử về việc làm riêng cho Khánh Hòa, để phục vụ cho sàn giao dịch việc làm. Hiện nay đang dùng trang thông tin điện tử do Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cung cấp, do đó chưa thống kê được đầy đủ các dữ liệu về thông tin thị trường lao động, kết quả giải quyết việc làm, tỷ lệ kết nối thành công giữa cung - cầu lao động,... để phục vụ công tác quản lý điều hành.

Phần thứ hai

MỤC TIÊU, GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SÀN GIAO DỊCH VIỆC LÀM ĐẾN NĂM 2020

Từ thực trạng hoạt động của sàn giao dịch việc làm giai đoạn 2012-2016, việc xác định mục tiêu nâng cao chất lượng và phát triển sàn giao dịch việc làm là rất cần thiết nhằm tăng cường khả năng kết nối việc làm, hỗ trợ phát triển thông tin thị trường lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung

Hỗ trợ thúc đẩy phát triển thị trường lao động; nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động; truyền thông về các chủ trương, chính sách của Nhà nước, của tỉnh và của ngành về việc làm và thị trường lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể

Hình thành, phát triển trang thông tin điện tử việc làm, phục vụ nhu cầu giao dịch việc làm qua trang thông tin điện tử để tổ chức sàn giao dịch điện tử; xây dựng cơ sở dữ liệu về cung - cầu lao động; nâng cao tỷ lệ kết nối thành công của hoạt động giới thiệu việc làm, giảm thiểu người thất nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đáp ứng nhu cầu về việc làm: Nhiều người biết về thông tin việc làm (việc tìm người, người tìm việc); người sử dụng lao động (doanh nghiệp) tuyển dụng được lao động theo nhu cầu; người lao động tìm được việc làm nhanh nhất.

II. Nội dung

1. Truyền thông, nâng cao nhận thức

1.1. Nội dung

- Phổ biến, cung cấp thông tin, tuyên truyền cho người lao động hiểu và nắm bắt cơ hội tìm kiếm việc làm tại sàn giao dịch việc làm điện tử thông qua trang thông tin điện tử việc làm; người sử dụng lao động thường xuyên cập nhật đăng thông tin tuyển dụng việc làm trên trang thông tin điện tử.

- Tạo thói quen và niềm tin cho người lao động tìm được việc làm và người sử dụng lao động tuyển dụng được lao động thông qua sàn giao dịch việc làm.

- Tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để người lao động có cơ hội tìm việc làm thông qua sàn giao dịch việc làm.

1.2. Giải pháp thực hiện

- Tuyên truyền, đăng tải, phổ biến, cung cấp thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng thông qua các phương tiện truyền thông: Cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Cục Việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa; tuyên truyền trên Đài Phát thanh Truyền hình; Đài Truyền thanh; tuyên truyền trên báo, tạp chí của ngành, các cơ quan báo đài khác và các khu công nghiệp, các trường dạy nghề, cơ quan, doanh nghiệp, chính quyền địa phương.

- Tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền cho cộng tác viên việc làm ở địa phương.

- Xây dựng và phát hành các bộ tài liệu, ấn phẩm, sách, phụ san, tờ rơi, phim tài liệu tuyên truyền các thông tin liên quan đến lĩnh vực việc làm.

1.3. Dự trù kinh phí thực hiện: 100 triệu đồng (bình quân mỗi năm của giai đoạn 50 triệu đồng cấp cho hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức thông qua các hình thức truyền thông đa dạng như: Phóng sự, bản tin, tờ rơi, pano,...).

2. Quản lý và vận hành sàn giao dịch việc làm điện tử trên cơ sở nâng cấp trang thông tin điện tử vieclamkhanhhoa.com.vn do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang quản lý

2.1. Nội dung

Xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) cung - cầu lao động; thực hiện hoạt động tư vấn việc làm, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm dựa trên cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động (thông tin thị trường lao động) đã thu thập và phân tích được từ sàn giao dịch việc làm điện tử, nhằm nâng cao tỷ lệ kết nối thành công giữa cung - cầu lao động của hoạt động giới thiệu việc làm.

Ứng dụng công nghệ thông tin chạy trên nền web theo quy định của pháp luật trong việc thu thập, cập nhật dữ liệu, tổ chức phỏng vấn trực tuyến, thống kê, báo cáo số liệu về kết quả các cuộc phỏng vấn, để đánh giá hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch việc làm điện tử; cập nhật dữ liệu thông tin thị trường lao động thông qua hoạt động kết nối cơ sở dữ liệu sẵn có từ các phần mềm khác.

2.2. Giải pháp thực hiện

Nâng cấp trang thông tin điện tử vieclamkhanhhoa.com.vn do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang quản lý, với mục đích thu thập thông tin cung - cầu lao động phù hợp với nền tảng công nghệ mới, đảm bảo khả năng tổ chức phỏng vấn trực tuyến; thống kê dữ liệu cung - cầu lao động, báo cáo kết quả phỏng vấn, khả năng kết nối với các ứng dụng phần mềm khác.

Đào tạo cán bộ quản lý, vận hành trang thông tin điện tử tổ chức “Sàn giao dịch việc làm điện tử”.

2.3. Dự trù kinh phí thực hiện: 160 triệu đồng, bao gồm:

Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản trị trang thông tin điện tử: 60 triệu đồng (bình quân mỗi năm 30 triệu đồng).

Chi phí vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp trang thông tin điện tử và hệ thống máy chủ, máy trạm: 100 triệu đồng (bình quân mỗi năm 50 triệu đồng).

3. Nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực phục vụ cho hoạt động sàn giao dịch việc làm điện tử

3.1. Nội dung

 Nâng cấp các thiết bị máy móc phục vụ cho sàn giao dịch việc làm điện tử được trang bị năm 2012, đầu tư thêm các cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực nhằm nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động của sàn giao dịch việc làm điện tử (online); phát triển mạng lưới dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh đi đôi với việc tăng cường đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thực hiện vận hành sàn giao dịch việc làm, đảm bảo thông tin thị trường lao động được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng dân cư, tăng cường giải quyết việc làm cho người lao động;

Tất cả các đơn vị, doanh nghiệp đến tuyển dụng, tuyển sinh tại sàn giao dịch việc làm đều được tạo điều kiện phù hợp, thuận lợi cho công tác phỏng vấn, tuyển dụng;

Người lao động đến sàn giao dịch việc làm được tra cứu đầy đủ, kịp thời các thông tin thị trường lao động, đồng thời có thể tự đăng ký nhu cầu tìm việc hoặc tham gia xuất khẩu lao động.

3.2. Giải pháp thực hiện

- Liên kết thông tin về thị trường lao động với các khu công nghiệp, khu chế xuất trong và ngoài tỉnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh; tổng hợp và chia sẻ thông tin cung - cầu lao động.

- Vận hành và duy trì hoạt động thường xuyên của trang thông tin điện tử tổ chức “Sàn giao dịch việc làm điện tử”.

- Từng bước đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sàn giao dịch việc làm điện tử, hệ thống bảng biểu thông tin thị trường lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa (số 56 Lê quý Đôn, Nha Trang).

- Xây dựng mạng lưới cộng tác viên tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ tổ chức sàn giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa, các phiên giao dịch việc làm lưu động tại địa phương và những ngày hội việc làm.

3.3. Dự trù kinh phí thực hiện: 340 triệu đồng, bao gồm:

- Đầu tư và nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sàn giao dịch việc làm điện tử được trang bị năm 2012: 280 triệu đồng (đính kèm bảng dự trù kinh phí).

- Tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác tư vấn, giới thiệu việc làm: 60 triệu đồng (bình quân mỗi năm 30 triệu đồng).

III. Kinh phí thực hiện

 Tổng hợp nhu cầu kinh phí thực hiện dự án: 600 triệu đồng, trong đó:

- Nhu cầu kinh phí năm 2019: 370 triệu đồng.

- Nhu cầu kinh phí năm 2020: 230 triệu đồng.

STT

Nội dung

Kinh phí (triệu đồng)

2019

2020

Cộng

 

Tổng kinh phí thực hiện Đề án

370

230

600

1

Truyền thông, nâng cao nhận thức

50

50

100

2

Quản lý và vận hành sàn giao dịch việc làm online

80

80

160

3

Nâng cao hiệu quả hoạt động sàn giao dịch việc làm điện tử

240

100

340

Nguồn sự nghiệp

(Đính kèm theo Phụ lục chi tiết kinh phí).

Phần thứ ba

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì phối hợp với các sở ngành có liên quan thực hiện đầu tư và nâng cấp trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật theo Đề án được phê duyệt.

- Chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông qua các kênh, đa dạng về hình thức nhằm truyền tải thông tin việc làm đến với cộng đồng người lao động, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa để người lao động kịp thời nắm bắt thông tin tham gia các phiên giao dịch việc làm để tìm kiếm việc làm hoặc tham gia học nghề để có điều kiện tham gia vào thị trường lao động.

- Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa định kỳ cập nhật cơ sở dữ liệu cung, cầu lao động. Tổng hợp, phân tích và dự báo thông tin thị trường lao động trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo triển khai hoạt động vận hành, quản lý có hiệu trang thông tin điện tử việc làm.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các đơn vị liên quan đề xuất nguồn lực triển khai thực hiện Đề án nâng cao chất lượng sàn giao dịch việc làm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020.

3. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các đơn vị liên quan đề xuất bố trí nguồn lực để thực hiện các nội dung của Đề án nâng cao chất lượng sàn giao dịch việc làm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền các chính sách việc làm, tư vấn giới thiệu việc làm được thông tin rộng rãi đến cộng đồng, nhằm nâng cao nhận thức, giúp người lao động và người sử dụng lao động tham gia giao dịch việc làm thông qua trang thông tin điện tử tổ chức “Sàn giao dịch việc làm điện tử” có hiệu quả.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

Chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa và các cơ quan liên quan tổ chức thông tin, tuyên truyền hoạt động của sàn giao dịch việc làm, phiên giao dịch việc làm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người lao động tham gia vào sàn giao dịch việc làm, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

6. Các trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh

- Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tư vấn định hướng nghiệp, tư vấn việc làm, tuyên truyền về hoạt động của sàn giao dịch việc làm, phiên giao dịch việc làm cho người lao động tại địa phương biết tham gia.

- Thường xuyên phối hợp, cung cấp cho Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa các thông tin về học sinh, sinh viên và người lao động đã tốt nghiệp để kịp thời dự báo về nguồn cung lao động và phục vụ cho công tác giới thiệu việc làm.

7. Đề nghị Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh

Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa tuyên truyền, thông báo rộng rãi đến người lao động có nhu cầu tìm việc làm được biết để tham gia phỏng vấn, tuyển dụng tại sàn giao dịch việc làm, phiên giao dịch việc làm.

8. Các đoàn thể thuộc tỉnh

Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa tuyên truyền, thông báo rộng rãi đến các thành viên thuộc tổ chức của quý cơ quan quản lý có nhu cầu tìm việc làm được biết để tham gia phỏng vấn, tuyển dụng tại sàn giao dịch việc làm, phiên giao dịch việc làm.

Căn cứ Đề án này, Thủ trưởng các sở, ban ngành liên quan của tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện. Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để theo dõi, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (báo cáo 6 tháng gửi trước ngày 15 tháng 6, báo cáo năm gửi trước ngày 15 tháng 12 hàng năm). Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.

 

PHỤ LỤC

TỔNG HỢP KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SÀN GIAO DỊCH VIỆC LÀM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA ĐẾN NĂM 2020
 (Ban hành kèm theo Quyết định số 777/QĐ-UBND ngày 21 tháng 3 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)

STT

Nội dung

Kinh phí (triệu đồng)

2019

2020

Cộng

 

TỔNG KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

370

230

600

1

Truyền thông, nâng cao nhận thức

50

50

100

2

Quản lý và vận hành sàn giao dịch việc làm online

80

80

160

2.1

Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản trị web: (30 triệu đồng/năm)

30

30

60

2.2

Chi phí vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp website và hệ thống máy chủ, máy trạm: (50 triệu đồng/năm)

50

50

100

3

Nâng cao hiệu quả hoạt động sàn giao dịch việc làm điện tử

240

100

340

3.1

Nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị sàn giao dịch việc làm TT DVVL Khánh Hòa

210

70

280

 

01 máy chủ

120

 

120

 

01 tủ đựng máy chủ

10

 

10

 

01 máy điều hòa

10

 

10

 

Đường truyền Internet: 40mb

15

15

30

 

Chi phí thuê tên miền và địa chỉ IP tĩnh cho “Sàn giao dịch việc làm online”

55

55

110

3.2

Tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cộng tác viên làm công tác tư vấn, giới thiệu việc làm toàn tỉnh (30 triệu đồng/năm)

30

30

60

 

Tổng kinh phí phân theo nguồn vốn

370

230

600

Nguồn sự nghiệp

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 777/QĐ-UBND năm 2018 phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng sàn giao dịch việc làm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020

  • Số hiệu: 777/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/03/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Khánh Hòa
  • Người ký: Nguyễn Duy Bắc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/03/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản