Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 772/QĐ-UBND

Đắk Nông, ngày 03 tháng 6 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC ỨNG PHÓ VỀ MẤT AN TOÀN SINH HỌC TRONG QUẢN LÝ CHẤT THẢI TẠI CÁC CƠ SỞ Y TẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG GIAI ĐOẠN 2020 - 2025, TẦM NHÌN 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK NÔNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Nghị định số 92/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về bảo đảm an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm;

Căn cứ Nghị định số 103/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về bảo đảm an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm;

Căn cứ Thông tư số 37/2017/TT-BYT ngày 25 tháng 9 năm 2017 của Bộ Y tế quy định về thực hành bảo đảm an toàn sinh học trong phòng xét nghiệm

Căn cứ Thông tư số 41/2016/TT-BYT ngày 14 tháng 11 năm 2016 của Bộ Y tế ban hành danh mục vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm theo nhóm nguy cơ và cấp độ an toàn sinh học phù hợp với kỹ thuật xét nghiệm;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31 tháng 5 năm 2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài Nguyên và Môi trường về quy định quản lý chất thải y tế;

Thực hiện Kế hoạch số 447/KH-UBND ngày 28 tháng 8 năm 2018 của UBND tỉnh Đắk Nông về thực hiện Chương trình hành động số 28/Ctr/TU, ngày 08/5/2018 của Tỉnh ủy Đắk Nông về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tở trình số 136/TTr-SYT ngày 27 tháng 5 năm 2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này kế hoạch Tăng cường năng lực ứng phó về mất an toàn sinh học trong quản lý chất thải tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Y tế; Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Y tế;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, CTTĐT, KGVX (G).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Tôn Thị Ngọc Hạnh

 

KẾ HOẠCH

TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC ỨNG PHÓ VỀ MẤT AN TOÀN SINH HỌC TRONG QUẢN LÝ CHẤT THẢI TẠI CÁC CƠ SỞ Y TẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG GIAI ĐOẠN 2020 - 2025, TẦM NHÌN 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 772/QĐ-UBND ngày 03/6/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông)

Phần thứ nhất

THỰC TRẠNG VỀ CÔNG TÁC ĐẢM BẢO AN TOÀN SINH HỌC TRONG QUẢN LÝ CHẤT THẢI Y TẾ TẠI CƠ SỞ Y TẾ GIAI ĐOẠN 2016 - 2019

1. Đảm bảo an toàn sinh học trong quản lý chất thải ở các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh

Trên địa bàn tỉnh hiện có 222 cơ sở y tế phát sinh chất thải y tế, trong đó:

Khối y tế công lập: Gồm 10 cơ sở có labo xét nghiệm, 02 trong số này đã có phòng xét nghiệm đạt an toàn sinh học (ATSH) cấp II thuộc các đơn vị tuyến tỉnh là Bệnh viện đa khoa tỉnh và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật. Tại tuyến huyện, có 8 Trung tâm y tế huyện, thành phố đã có phòng xét nghiệm đạt an toàn sinh học cấp I, đơn vị đang đầu tư và hoàn thành các thủ tục hồ sơ pháp lý để công bố đạt ATSH cấp II.

Khối y tế tư nhân: Gồm 212 cơ sở hành nghề y tế tư nhân và dịch vụ chăm sóc sức khỏe được Sở Y tế cấp phép (không tính quầy dược và nhà thuốc). Trong đó tập trung chủ yếu ở thành phố Gia Nghĩa 26,9%, Đắk R’lấp và Đắk Mil đều 17%, Cư Jút 16%, mỗi địa phương còn lại chiếm dưới 10%. Qua theo dõi cấp phép cho thấy, 100% cơ sở này đều phát sinh chất thải y tế nhưng không có rác thải từ phòng xét nghiệm yêu cầu nghiêm ngặt về ATSH do chưa đủ điều kiện và năng lực thực hiện.

Trong giai đoạn vừa qua, các chất thải y tế nói chung và rác thải phát sinh từ phòng xét nghiệm sinh học nói riêng đã được quản lý, phân loại và xử lý triệt để trước khi xả thải vào môi trường.

2. Điều kiện gây mất kiểm soát an toàn sinh học

a) Do yếu tố thiên tai

Sự biến đổi khí hậu gây ra những thiên tai ngày càng nhiều hơn về loại hình, tần suất và phức tạp hơn đáng kể như hiện tượng El Nino, La Nina và sự gia tăng các cơn bão nhiệt đới, hạn hán, lốc xoáy, mưa đá, giông tố... Trong những năm gần đây, bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động bất thường, không theo quy luật; số lượng và cấp độ hoạt động nhiều hơn, gây khó khăn cho công tác dự báo và ứng phó. Vấn đề cấp thiết đặt ra là phải có các biện pháp ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro trên địa bàn tỉnh phù hợp nhằm bảo đảm an toàn cho các phòng xét nghiệm khi gặp phải các sự cố.

b) Các yếu tố chủ quan phát sinh trong các phòng xét nghiệm an toàn sinh học

Người làm việc trong phòng xét nghiệm luôn phải đối mặt với nguy cơ bị lây nhiễm tác nhân gây bệnh. Trên thế giới, thống kê từ năm 1930 đến 2004 có 5.527 trường hợp lây nhiễm liên quan đến phòng xét nghiệm, đã có 204 ca tử vong. Nhân viên phòng xét nghiệm có thể bị lây nhiễm vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm qua 4 đường lây chủ yếu, gồm: Hô hấp, tiêu hóa, da, niêm mạc, máu, vết thương. Do sự bất cẩn của con người gây đổ, vỡ hoặc văng bắn dung dịch có chứa tác nhân gây bệnh hoặc vô tình bị thương do các vật sắc nhọn.

Việc chủ quan, không tuân thủ nghiêm ngặt quy trình hoạt động phòng xét nghiệm có thể gây cháy, nổ khu vực lưu giữ mẫu xét nghiệm có chứa tác nhân gây bệnh, là nguy cơ thất thoát hoặc độc tố của chúng phát tán ra môi trường.

Phần thứ hai

KẾ HOẠCH GIAI ĐOẠN 2020-2025, TẦM NHÌN 2030

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát

Đảm bảo các điều kiện phân tích, đánh giá và kiểm soát các mối nguy phát sinh nguy cơ mất an toàn sinh học trong quản lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế. Nhằm ngăn chặn, giảm thiểu hậu quả do chất thải y tế đến sức con người và môi trường, góp phần hoàn thành mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

b) Chỉ tiêu

- Phấn đấu đến 2025

+ 100% cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh có phòng xét nghiệm đạt an toàn sinh học cấp II trong đó có ít nhất 10% cơ sở đạt an toàn sinh học cấp III.

+ Có ít nhất 30% cơ sở y tế ngoài công lập (có kinh doanh dịch vụ xét nghiệm vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm) phòng xét nghiệm đạt an toàn sinh học cấp I trong đó 10% phòng xét nghiệm đạt an toàn sinh học cấp II.

+ Hàng năm, trên 50% cán bộ quản lý và nhân viên phòng xét nghiệm ATSH được tập huấn, đào tạo nâng cao nghiệp vụ về thực hiện ATSH phòng xét nghiệm.

+ 100% chất thải y tế nói chung và chất thải phát sinh từ phòng xét nghiệm ATSH được phân loại, vận chuyển, xử lý đúng theo quy định hiện hành.

- Phấn đấu đến năm 2030

+ Có từ 1 - 2 cơ sở y tế công lập (có chức năng xét nghiệm vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm) trên địa bàn tỉnh có phòng xét nghiệm đạt ATSH cấp III theo quy định hiện hành.

+ Có ít nhất 30% cơ sở y tế ngoài công lập (có kinh doanh dịch vụ xét nghiệm vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm) có phòng xét nghiệm đạt an toàn sinh học cấp II.

+ Hàng năm trên 70% cán bộ quản lý và nhân viên phòng xét nghiệm ATSH được tập huấn, đào tạo nâng cao nghiệp vụ về thực hiện ATSH phòng xét nghiệm.

+ 100% chất thải y tế nói chung và chất thải phát sinh từ phòng xét nghiệm an toàn sinh học được phân loại, vận chuyển, xử lý đúng theo quy định hiện hành.

2. Nội dung, giải pháp

a) Hoạt động trước khi xảy ra sự cố an toàn sinh học phòng xét nghiệm

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trao đổi thông tin về nguy cơ, sự cố ATSH phòng xét nghiệm

+ Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức ban lãnh đạo đội ngũ chuyên môn, nhân viên y tế các kiến thức về nguy cơ, hiểm họa của sự cố ATSH phòng xét nghiệm, chủ động phòng tránh và kịp thời ứng phó tại đơn vị.

+ Kiện toàn, nâng cao năng lực về phòng ngừa, phát hiện, ứng phó nguy cơ, sự cố ATSH phòng xét nghiệm cho các lực lượng chuyên trách và kiêm nhiệm thông qua hình thức đào tạo, tập huấn, tổ chức diễn tập.

- Tăng cường năng lực phòng ngừa, phát hiện và ứng phó sự cố ATSH phòng xét nghiệm

+ Tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá phân cấp các nhóm nguy cơ, sự cố ATSH phòng xét nghiệm trên địa bàn tỉnh, xác định các nhóm nguy cơ cần ưu tiên tập trung đầu tư nguồn lực và đề xuất giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu nguy cơ và sự cố ATSH phòng xét nghiệm.

+ Đầu tư, nâng cao hệ thống thông tin quản lý dữ liệu về ATSH phòng xét nghiệm, trang thiết bị kỹ thuật nhằm phát hiện, cảnh báo kịp thời nguy cơ, sự cố ATSH phòng xét nghiệm.

+ Đầu tư nâng cấp hệ thống phòng xét nghiệm đảm bảo tính nghiêm ngặt trong việc vận hành của phòng xét nghiệm ATSH cấp II, cấp III.

+ Tổ chức đào tạo, tập huấn hướng dẫn nâng cao năng lực, kỹ năng đáp ứng chuyên môn trong phòng xét nghiệm ATSH.

+ Hàng năm tổ chức bảo trì bảo dưỡng, đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế (chất thải rắn, lỏng và khí) theo hướng đồng bộ và thân thiện với môi trường.

+ Định kỳ thanh tra, kiểm tra và giám sát việc thực hiện các hiện các quy định pháp luật về phòng ngừa, phát hiện, ứng phó nguy cơ, sự cố ATSH phòng xét nghiệm.

b) Khi xảy ra sự cố mất an toàn sinh học phòng xét nghiệm

Mức độ sự cố an toàn sinh học

- Sự cố ATSH là tình trạng có lỗi về thao tác kỹ thuật hoặc tính năng của thiết bị an toàn trong phòng xét nghiệm, gây ra rò rỉ, phát tán vi sinh vật trong phòng xét nghiệm hoặc từ phòng xét nghiệm ra bên ngoài. Các mức độ sự cố ATSH bao gồm:

+ Sự cố ATSH mức độ ít nghiêm trọng là sự cố xảy ra trong phạm vi cơ sở xét nghiệm nhưng ít có nguy cơ làm lây nhiễm cho nhân viên xét nghiệm và cơ sở xét nghiệm có đủ khả năng để kiểm soát;

+ Sự cố ATSH mức độ nghiêm trọng là sự cố xảy ra trong phạm vi cơ sở xét nghiệm nhưng có nguy cơ cao làm lây nhiễm cho nhân viên xét nghiệm và cộng đồng hoặc sự cố mà cơ sở xét nghiệm không có đủ khả năng để kiểm soát.

c) Xử lý và khắc phục hậu quả sự cố ATSH

- Đối với cơ sở xét nghiệm có trách nhiệm:

+ Khẩn trương huy động nhân lực, trang thiết bị để xử lý sự cố theo phương án phòng ngừa, xử lý sự cố ATSH quy định tại điểm b khoản 1 Điều 19 của Nghị định số 103/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 về quy định về bảo đảm an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm;

+ Đối với sự cố ATSH ở mức độ ít nghiêm trọng, cơ sở xét nghiệm phải tiến hành lập biên bản về xử lý, khắc phục sự cố và lưu tại cơ sở;

+ Đối với sự cố ATSH ở mức độ nghiêm trọng, cơ sở xét nghiệm phải báo cáo sự cố và các biện pháp đã áp dụng để xử lý, khắc phục sự cố ATSH với Sở Y tế.

- Đối với Sở Y tế có trách nhiệm:

+ Chỉ đạo cơ quan chuyên môn nơi cơ sở xét nghiệm đặt trụ sở kiểm tra việc xử lý, khắc phục sự cố ATSH của cơ sở xét nghiệm.

+ Trường hợp vượt quá khả năng, Sở Y tế sẽ báo cáo UBND tỉnh để huy động nguồn lực tại địa phương hoặc đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ cho công tác xử lý và khắc phục sự cố ATSH.

+ Trường hợp sự cố xảy ra tại cơ sở xét nghiệm ATSH cấp II, cấp III và cấp IV lan truyền rộng, ảnh hưởng lớn đến cộng đồng dân cư hoặc an ninh quốc gia thì việc xử lý, khắc phục sự cố thực hiện theo quy định tại Mục 2 Chương IV của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

- Sau khi đã xử lý và khắc phục hậu quả sự cố ATSH

Cơ sở xét nghiệm phải tiến hành kiểm điểm, phân tích nguyên nhân xảy ra sự cố và sửa đổi, bổ sung kế hoạch phòng ngừa, xử lý sự cố ATSH.

Tùy theo mức độ, tính chất nghiêm trọng của sự cố mất ATSH, Sở Y tế là cơ quan thường trực chịu trách nhiệm đánh giá, tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh, đồng thời đề xuất giải pháp khắc phục hiệu quả sự cố ATSH trên địa bàn tỉnh.

4. Kinh phí thực hiện

Kinh phí thực hiện các chương trình, nhiệm vụ của Kế hoạch này được bảo đảm từ các nguồn: vốn ngân sách nhà nước, vốn tài trợ và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện kế hoạch này được bố trí trong dự toán chi ngân sách hằng năm theo quy định ngân sách nhà nước hiện hành. Việc quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.

5. Tổ chức thực hiện

a) Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành xây dựng kịch bản, tổ chức diễn tập ứng phó sự cố ATSH phòng xét nghiệm cấp tỉnh.

- Chủ trì và phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra và đôn đốc việc xây dựng phương án ứng phó sự cố ATSH phòng xét nghiệm trên địa bàn tỉnh theo quy định.

- Tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá phân cấp các nhóm nguy cơ, sự cố ATSH phòng xét nghiệm trên địa bàn tỉnh, xác định các nhóm nguy cơ cần ưu tiên tập trung đầu tư nguồn lực và đề xuất giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu nguy cơ và sự cố ATSH phòng xét nghiệm.

- Xây dựng danh mục đầu tư, nâng cao hệ thống thông tin quản lý dữ liệu về ATSH phòng xét nghiệm, trang thiết bị kỹ thuật nhằm phát hiện, cảnh báo kịp thời nguy cơ, sự cố ATSH phòng xét nghiệm. Xây dựng kế hoạch phát triển các phòng xét nghiệm cấp II, cấp III bám theo lộ trình phát triển nâng cao hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân của ngành.

- Hàng năm tổ chức bảo trì bảo dưỡng, đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế (chất thải rắn, lỏng và khí) theo hướng đồng bộ và thân thiện với môi trường.

- Hàng năm, xây dựng kế hoạch đào tạo nâng năng lực nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ quản lý, vận hành trong lĩnh vực sức khỏe môi trường, an toàn sinh học.

b) Công an tỉnh

Phối hợp với các Sở, ngành liên quan kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về ATSH; tiếp nhận điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động liên quan đến ATSH nói chung và quản lý chất thải y tế nói riêng.

Phối hợp với Sở Y tế, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các đơn vị liên quan kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, ngừa mất ATSH của các đơn vị có kinh doanh dịch vụ phòng xét nghiệm vi sinh gây bệnh truyền nhiễm và các chế phẩm sinh học sử dụng trong y học trên địa bàn tỉnh.

Chỉ đạo các lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, chuẩn bị phương án ứng phó khi có sự cố mất ATSH xảy ra, phối hợp tổ chức sơ tán nhân dân khỏi vùng nguy hiểm, thực hiện đảm bảo cách ly, cứu hộ và khắc phục hậu quả.

c) Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Phối hợp với Sở Y tế, Công an tỉnh, các đơn vị liên quan kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, ngừa mất ATSH của các đơn vị có kinh doanh dịch vụ phòng xét nghiệm vi sinh gây bệnh truyền nhiễm và các chế phẩm sinh học.

Chỉ đạo các lực lượng chuẩn bị phương án ứng phó khi có sự cố mất ATSH xảy ra, phối hợp tổ chức sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm, thực hiện đảm bảo cách ly, cứu hộ và khắc phục hậu quả.

d. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với các Sở, UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành; thực hiện thanh tra, kiểm tra việc sử dụng các nguồn kinh phí theo quy định.

đ) Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Phối hợp các cơ quan liên quan tham gia đánh giá ảnh hưởng tác động động do sự cố rò rỉ tác nhân sinh học trong rác thải y tế đến hoạt động chăn nuôi, trồng trọt.

e) Sở Tài Nguyên và Môi trường

Tăng cường công tác quản lý các quy định về bảo vệ môi trường liên quan đến các chất thải có nguy cơ lây nhiễm, lan truyền bệnh dịch trong cộng đồng, cũng như các đơn vị có khả năng phát sinh.

g) Sở Khoa học và Công nghệ

Tăng cường các biện pháp quản lý việc sản xuất, kinh doanh sử dụng các sản phẩm sinh học trong hoạt động nghiên cứu khoa học.

h) Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng với nhiều hình thức phong phú để nâng cao nhận thức, hiểu biết về nguy cơ tác hại của việc bảo vệ các công trình công cộng nói chung và hành lang bảo vệ ATSH nói riêng.

i) UBND các huyện, thành phố

Chủ động xây dựng kế hoạch hành động về phòng ngừa, phát hiện và chuẩn bị ứng phó nguy cơ, sự cố sinh học của địa phương giai đoạn 2020 - 2025 tầm nhìn 2030. Trong đó chú trọng vào một số nội dung sau:

- Tích hợp và bổ sung nhiệm vụ ứng phó mất ATSH trong quản lý chất thải y tế vào trong Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương. Đồng thời, sử dụng nhân lực, phương tiện, trang thiết bị phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi xảy ra sự cố mất ATSH để ứng phó, xử lý kịp thời.

- Chỉ đạo nâng cấp bảo trì, bảo dưỡng hệ thống phòng xét nghiệm tại các Trung tâm y tế định kỳ theo quy định hiện hành.

- Tổ chức kiểm tra, đánh giá phân cấp các nhóm nguy cơ, sự cố ATSH phòng xét nghiệm trên địa bàn.

Trên đây là Kế hoạch Tăng cường năng lực ứng phó về mất an toàn sinh học trong quản lý chất thải tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu cần sửa đổi, bổ sung nội dung Kế hoạch các Sở, Ban, ngành chủ động đề xuất gửi về Sở Y tế tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét, quyết định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 772/QĐ-UBND năm 2020 kế hoạch Tăng cường năng lực ứng phó về mất an toàn sinh học trong quản lý chất thải tại cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030

  • Số hiệu: 772/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 03/06/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Nông
  • Người ký: Tôn Thị Ngọc Hạnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/06/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản