Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 75/2016/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 15 tháng 12 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VIỆC TIẾP NHẬN, QUẢN LÝ, HỖ TRỢ ĐỐI TƯỢNG LÀ NGƯỜI BỊ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP GIÁO DỤC TẠI XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN NHƯNG KHÔNG CÓ NƠI CƯ TRÚ ỔN ĐỊNH; NGƯỜI LÀ NẠN NHÂN BỊ MUA BÁN TRỞ VỀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI TẠI TRUNG TÂM BẢO TRỢ HUẤN NGHỆ CÔ NHI BIÊN HÒA

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;

Căn cứ Luật Phòng, chống mua bán người ngày 29/3/2011;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20/6/2012;

Căn cứ Nghị định số 62/2012/NĐ-CP ngày 13/8/2012 của Chính phủ quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ;

Căn cứ Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người;

Căn cứ Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

Căn cứ Nghị định số 56/2016/NĐ-CP ngày 29/6/2016 của Chính phủ, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

Căn cứ Thông tư Liên tịch số 134/2013/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 25/9/2013 của Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về hướng dẫn nội dung, mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân quy định tại Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người;

Căn cứ Thông tư số 48/2014/TT-BCA ngày 17/10/2014 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

Căn cứ Thông tư số 193/2014/TT-BTC ngày 12/12/2014 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

Căn cứ Thông tư số 55/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc tiếp nhận, quản lý và giáo dục người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn tại các cơ sở trợ giúp trẻ em;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 194/TTr-LĐTBXH ngày 09/11/2016 và Văn bản số 3104/LĐTBXH-PCTNXH ngày 07/12/2016.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định việc tiếp nhận, quản lý, hỗ trợ đối tượng là người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng không có nơi cư trú ổn định; người là nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tại Trung tâm Bảo trợ Huấn nghệ Cô nhi Biên Hòa.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh; Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Huấn nghệ Cô nhi Biên Hòa; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hòa Hiệp

 

QUY ĐỊNH

VIỆC TIẾP NHẬN, QUẢN LÝ, HỖ TRỢ ĐỐI TƯỢNG LÀ NGƯỜI BỊ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP GIÁO DỤC TẠI XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN NHƯNG KHÔNG CÓ NƠI CƯ TRÚ ỔN ĐỊNH, NGƯỜI LÀ NẠN NHÂN BỊ MUA BÁN TRỞ VỀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI TẠI TRUNG TÂM BẢO TRỢ HUẤN NGHỆ CÔ NHI BIÊN HÒA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 75/2016/QĐ-UBND ngày 15/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định này quy định việc tiếp nhận, quản lý, hỗ trợ đối tượng là người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng không có nơi cư trú ổn định, người là nạn nhân bị mua bán trở về tại Trung tâm Bảo trợ Huấn nghệ Cô nhi Biên Hòa (gọi tắt là Trung tâm).

2. Quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện tiếp nhận, quản lý, hỗ trợ các đối tượng tại Trung tâm.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn quy định tại Khoản 1, 2 và 3, Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính và thời hiệu áp dụng quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính đối với các đối tượng này được xác định như sau:

a) Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự.

b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự.

c) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng có hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Người là nạn nhân bị mua bán trở về.

3. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tiếp nhận, quản lý, hỗ trợ các đối tượng tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Người không có nơi cư trú ổn định là người không xác định được nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú; người có nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú nhưng không sinh sống tại đó mà thường xuyên đi lang thang, không có nơi ở nhất định.

2. Người là nạn nhân bị mua bán trở về là người bị xâm hại bởi hành vi mua bán người vì mục đích bóc lột tình dục; nô lệ tình dục; cưỡng bức lao động hoặc lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.

Chương II

VỀ TIẾP NHẬN, QUẢN LÝ, HỖ TRỢ ĐỐI TƯỢNG LÀ NGƯỜI BỊ ÁP DỤNG  GIÁO DỤC TẠI XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN NHƯNG KHÔNG CÓ NƠI CƯ TRÚ ỔN ĐỊNH

Điều 4. Tiếp nhận, quản lý, hỗ trợ người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng không có nơi cư trú ổn định

1. Trung tâm có trách nhiệm lập biên bản tiếp nhận người và hồ sơ theo quy định tại Khoản 3, Điều 13 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn và Điều 3 Thông tư số 55/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Khi tiếp nhận đối tượng vào Trung tâm quản lý, chậm nhất sau 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận, Giám đốc Trung tâm phải hoàn chỉnh hồ sơ cá nhân, tham mưu cho Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định tiếp nhận đối tượng vào Trung tâm. Hồ sơ gồm:

a) Biên bản tiếp nhận, bàn giao hồ sơ đối tượng.

b) Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại Khoản 2, Điều 19 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ.

c) Quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại Khoản 1, Điều 22 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ.

2. Thời hạn quản lý tại Trung tâm từ 03 đến 06 tháng. Trong thời gian quản lý đối tượng, Trung tâm có trách nhiệm tạo điều kiện để các đối tượng tiếp tục tham gia các chương trình học tập phù hợp với lứa tuổi; các lớp về kỹ năng sống, các lớp hướng nghiệp, dạy nghề tại cộng đồng. Đối với người nghiện ma túy, Trung tâm có trách nhiệm phối hợp các cơ sở y tế tổ chức cắt cơn nghiện ma túy. Phối hợp cơ quan công an nơi lập hồ sơ xác minh nơi cư trú của đối tượng. Khi có đủ điều kiện hòa nhập cộng đồng, Trung tâm có trách nhiệm hoàn tất hồ sơ cá nhân, tham mưu Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định đưa đối tượng về nơi cư trú.

Điều 5. Chế độ, chính sách đối với đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn không có nơi cư trú ổn định thực hiện theo Khoản 6, Điều 3 Thông tư số 193/2014/TT-BTC ngày 12/12/2014 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Chương III

VỀ TIẾP NHẬN, HỖ TRỢ ĐỐI TƯỢNG LÀ NẠN NHÂN BỊ MUA BÁN TRỞ VỀ

Điều 6. Tiếp nhận người là nạn nhân bị mua bán trở về

1. Khi nạn nhân hoặc người đại diện hợp pháp của nạn nhân đến UBND cấp xã hoặc tổ chức nơi gần nhất khai báo về việc bị mua bán. Cơ quan, tổ chức tiếp nhận khai báo có trách nhiệm chuyển ngay người đó đến UBND nơi cơ quan, tổ chức có trụ sở. UBND cấp xã có trách nhiệm thông báo ngay đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi nạn nhân được giải cứu hoặc nơi gần nhất nạn nhân khai báo về việc bị mua bán. Trường hợp người được giải cứu có đủ căn cứ xác định nạn nhân thì cơ quan giải cứu cấp Giấy xác nhận nạn nhân bị mua bán trước khi chuyển giao.

2. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội sau khi tiếp nhận nạn nhân, thực hiện ngay các việc sau:

Đưa nạn nhân vào Trung tâm và báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để chỉ đạo việc hỗ trợ nạn nhân trong thời gian chờ xác minh.

3. Trong thời gian nạn nhân ở tại Trung tâm được hỗ trợ phục hồi và chuẩn bị các điều kiện để hòa nhập cộng đồng; hỗ trợ chăm sóc y tế, trợ giúp pháp lý cho nạn nhân; tư vấn học nghề, việc làm, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với nạn nhân; liên hệ giới thiệu nạn nhân đến các cơ sở dạy nghề phù hợp.

4. Khi tiếp nhận đối tượng vào Trung tâm quản lý, chậm nhất sau 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận, Giám đốc Trung tâm phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hoàn chỉnh hồ sơ cá nhân của từng người, tham mưu Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định tiếp nhận đối tượng vào Trung tâm; hồ sơ gồm:

a) Biên bản tiếp nhận, bàn giao hồ sơ.

b) Giấy xác nhận của cơ quan giải cứu, Công an các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa theo quy định tại Khoản 4, Điều 24 và Khoản 1, Điều 25 Luật Phòng, chống mua bán người.

c) Giấy xác nhận của cơ quan điều tra, cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân.

d) Giấy tờ, tài liệu do cơ quan nước ngoài cung cấp đã được cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc Bộ Ngoại giao Việt Nam hợp pháp hóa lãnh sự chứng minh người đó là nạn nhân.

5. Thời hạn hỗ trợ tại Trung tâm không quá 60 ngày kể từ ngày tiếp nhận. Khi có đủ điều kiện hòa nhập cộng đồng, Trung tâm có trách nhiệm phối hợp cơ quan công an hoàn tất hồ sơ cá nhân, tham mưu Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định đưa đối tượng về nơi cư trú. Thủ tục hòa nhập cộng đồng gồm:

a) Sơ yếu lý lịch của nạn nhân.

b) Giấy xác nhận nơi cư trú của cơ quan công an (xã, phường, thị trấn).

c) Quyết định của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về đưa đối tượng về nơi cư trú.

Điều 7. Chế độ đối với người là nạn nhân bị mua bán trở về thực hiện theo  Khoản 3, Điều 1 Quyết định số 61/2014/QĐ-UBND ngày 08/12/2014 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc quy định mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và các quy định hiện hành của UBND tỉnh.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Nguồn kinh phí thực hiện

1. Kinh phí chi cho công tác tiếp nhận, quản lý, hỗ trợ người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng không có nơi cư trú ổn định, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, được bố trí trong dự toán chi đảm bảo xã hội hàng năm do UBND tỉnh giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Trách nhiệm của cơ quan quản lý

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Là đầu mối tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện của các cơ quan, đơn vị báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời xem xét, quyết định.

b) Chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của Trung tâm, xem xét quyết định tiếp nhận các đối tượng đủ điều kiện vào quản lý tại Trung tâm.

c) Tổng hợp dự toán kinh phí thực hiện chế độ hỗ trợ cho các đối tượng vào tổng dự toán chi thường xuyên của đơn vị, gửi Sở Tài chính xem xét, tham mưu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

d) Chủ trì, phối hợp Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa, các cấp chính quyền có liên quan trong và ngoài tỉnh trong việc đưa các đối tượng ngoài tỉnh về nơi cư trú và quản lý hiệu quả đối tượng này.

đ) Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các ngành và các địa phương thực hiện tốt các nội dung của Quy định này. Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh, HĐND tỉnh, Tỉnh ủy và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.

2. Công an tỉnh

a) Chỉ đạo Công an các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp trong công tác lập hồ sơ đối tượng đảm bảo đúng trình tự, quy định.

b) Thực hiện việc xác định danh tính của đối tượng (lai lịch, chụp hình, lấy vân tay) cho các đối tượng không có giấy tờ tùy thân.

3. Sở Tài chính

Thẩm định dự toán và tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện chế độ hỗ trợ cho các đối tượng theo Luật Ngân sách Nhà nước; phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý sử dụng kinh phí theo quy định.

4. Sở Y tế

Chỉ đạo các cơ sở y tế tổ chức khám sức khỏe, xác định tình trạng nghiện ma túy (nếu có) của các đối tượng trước, trong quá trình đưa vào Trung tâm.

5. Sở Nội vụ

Chủ trì, phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về tổ chức bộ máy, xác định vị trí việc làm của Trung tâm trong việc thực hiện Quy định này.

6. UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị có liên quan, UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt Quy định này. Hàng quý, 06 tháng, 09 tháng, năm có trách nhiệm báo cáo kết quả về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo theo quy định./.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 75/2016/QĐ-UBND Quy định việc tiếp nhận, quản lý, hỗ trợ đối tượng là người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng không có nơi cư trú ổn định; người là nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tại Trung tâm Bảo trợ Huấn nghệ Cô nhi Biên Hòa

  • Số hiệu: 75/2016/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/12/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
  • Người ký: Nguyễn Hòa Hiệp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản