Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 74/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 09 tháng 01 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN NÔNG TỈNH QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2023-2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Nghị định 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ về khuyến nông;

Căn cứ Thông tư số 75/2019/TT-BTC ngày 04/11/2019 của Bộ Tài chính về Qui định quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện hoạt động khuyến nông;

Căn cứ Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND ngày 15/7/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định một số nội dung, mức chi từ ngân sách nhà nước thực hiện các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam;

Căn cứ Quyết định số 2185/QĐ-UBND ngày 10/8/2020 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 05/2020/NQ-HĐND ngày 15/7/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số nội dung, mức chi từ ngân sách nhà nước thực hiện các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam;

Căn cứ Quyết định số 2736/QĐ-UBND ngày 12/10/2022 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc thành lập Hội đồng thẩm định Chương trình Khuyến nông tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023-2025;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT - Chủ tịch Hội đồng thẩm định Chương trình khuyến nông tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023-2025 tại Tờ trình số 329/TTr-SNN&PTNT ngày 22/12/2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình Khuyến nông tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023 - 2025.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Nội vụ, Ngoại vụ; Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; Trưởng Ban Dân tộc tỉnh; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ NN&PTNT;
- TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Văn phòng: Điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM; Chương trình hỗ trợ giảm nghèo; Điều phối Chương trình phát triển KTXH vùng ĐB DTTS&MN tỉnh;
- CPVP;
- Lưu: VT, TH, KTTH, KTN.
D:\Dropbox\minh tam b\Nam 2023\Quyet dinh\01 03 ban hanh Chuong trinh khuyen nong tinh Quang Nam giai doan 2023-2025.docx

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Quang Bửu

 

CHƯƠNG TRÌNH

KHUYẾN NÔNG TỈNH QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2023-2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 74/QĐ-UBND ngày 09/01/2023 của UBND tỉnh Quảng Nam)

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN NÔNG GIAI ĐOẠN 2019 - 2021

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC HOẠT ĐỘNG KHUYẾN NÔNG TỪ NGUỒN NGÂN SÁCH CHƯƠNG TRÌNH SỰ NGHIỆP TỈNH

Trong giai đoạn 2019-2021, hệ thống khuyến nông của tỉnh đã tham mưu đề xuất, tổ chức triển khai các hoạt động khuyến nông, nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Với vai trò và trách nhiệm của mình, tiếp tục phát huy mạnh mẽ những thành quả đã đạt được, đặc biệt trong việc hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, khuyến cáo người dân tăng cường đầu tư thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất,... hỗ trợ bà con nông ngư dân tổ chức sản xuất ngày càng hiệu quả hơn, đảm bảo an ninh lương thực; góp phần ổn định đời sống, nhiều mô hình giúp người dân vươn lên làm giàu ở vùng nông thôn.

Mặc dù công tác khuyến nông còn gặp phải những khó khăn, tồn tại, bất cập nhất định, song với tinh thần nỗ lực chung của toàn ngành, công tác khuyến nông đã đạt được những kết quả khả quan.

1. Chương trình thông tin tuyên truyền và tập huấn, đào tạo

Trong 3 năm, đã tổ chức được 25 lớp tập huấn từ nguồn kinh phí Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và chương trình sự nghiệp tỉnh, với hơn 750 học viên tham gia là khuyến nông viên cơ sở, cộng tác viên khuyến nông, cán bộ phụ trách nông nghiệp, cán bộ hợp tác xã, tổ hợp tác, các chủ trang trại và nông dân chủ chốt. Nội dung tập huấn: phổ biến kiến thức pháp luật về nông nghiệp, một số chủ trương, định hướng lớn của tỉnh, các cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp, cập nhật tiến bộ kỹ thuật mới và đào tạo kỹ năng, tay nghề cho nông dân. Ngoài ra, còn tổ chức tập huấn trong mô hình trình diễn là 127 lớp cho gần 4.500 lượt người nông dân tham gia; số lần hội thảo nhân rộng mô hình là 47 lần với trên 2.000 người tham gia; tổ chức 20 đợt tham quan mô hình trong tỉnh cho gần 800 lượt người tham gia học tập.

Thông qua kênh sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam, phối hợp với các đơn vị liên quan trong ngành và địa phương triển khai xây dựng và phát sóng 19 chuyên mục trên sóng truyền hình Quảng Nam. Thực hiện tuyên truyền qua Báo Quảng Nam đăng tải gần 60 bài viết trên trang Khuyến nông của Báo. Trang thông tin điện tử Khuyến nông hoạt động ngày càng hiệu quả (mỗi năm có gần 03 triệu lượt truy cập). Trong 03 năm đã cập nhật đăng tải gần 700 tin và bài viết hướng dẫn sản xuất; trả lời 150 câu hỏi bạn đọc về thông tin cung ứng giống, vật tư, kỹ thuật nuôi trồng, giá cả thị trường, phòng ngừa dịch bệnh...; đăng tải hơn 360 hình ảnh tuyên truyền trực quan. Ngoài ra, còn có: Trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Bản tin Nông nghiệp-Phát triển nông thôn của ngành, tạp chí Khoa học & Công nghệ, Tạp chí Hội Nông dân tỉnh để cung cấp tin bài phục vụ sản xuất.

Nội dung công tác tuyên truyền thông qua các kênh thông tin nêu trên bao gồm: hướng dẫn tổ chức sản xuất, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, giới thiệu mô hình điển hình làm ăn hiệu quả, các sản phẩm OCOP chủ lực, mô hình liên kết sản xuất, phòng ngừa dịch hại cây trồng vật nuôi và vệ sinh an toàn thực phẩm...

Ngoài ra, hệ thống khuyến nông của tỉnh đã tham gia tổ chức thành công các hoạt động: Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp, hội chợ triển lãm, hội nghị, hội thảo khoa học, tham quan học tập trong và ngoài nước...

2. Chương trình hợp tác với tỉnh Sê Kông - Lào

* Năm 2019

- Tổ chức chuyến đi công tác làm việc với lãnh đạo Sở Nông Lâm nghiệp tỉnh Sê Kông triển khai chương trình hợp tác năm 2019, tổng kết đánh giá kết quả mô hình triển khai năm 2018. Đi khảo sát, bố trí địa điểm xây dựng mô hình, tập huấn kỹ thuật; bàn giao các loại hạt giống, cây giống cho Trung tâm Giống cây trồng con vật nuôi của tỉnh bạn để phân bổ cho các huyện trong tỉnh xây dựng mô hình năm 2019 theo sự chỉ đạo của Sở Nông Lâm nghiệp tỉnh Sê Kông (hạt giống ngô lai CP 888: 200 kg, ngô nếp MX10: 200 kg, ngô nếp Hội An: 60 kg, ngô nếp Nù: 50 kg, hạt giống rau ăn lá (5 loại): 96 kg, lúa nước HT1: 500 kg, cây giống mít Thái Lan: 171 cây, bưởi da xanh: 172 cây).

- Mời học viên sang để tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật nông nghiệp và trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cho 12 cán bộ kỹ thuật nông lâm nghiệp tỉnh Sê Kông, thời gian 15 ngày tại Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam.

* Các năm 2020 và 2021 do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên không tổ chức thực hiện được chương trình hợp tác theo kế hoạch đã được duyệt.

3. Xây dựng các mô hình trình diễn khuyến nông

3.1. Các Mô hình triển khai xây dựng và nhân rộng năm 2019

3.1.1. Lĩnh vực trồng trọt

- Mô hình trồng ngô nếp xen đảng sâm và hỗ trợ làm vườn ươm tại chỗ cho đồng bào miền núi: Thực hiện mô hình năm 2 với qui mô 02ha/điểm/6hộ và hỗ trợ làm vườn ươm cây giống tại chỗ qui mô 500m2/điểm/10hộ, triển khai tại xã Ch'Ơm-huyện Tây Giang.

- Mô hình thâm canh lạc vùng đồng bằng: Mô hình thâm canh lạc vùng Đông kết hợp ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm triển khai với qui mô 8ha/2 điểm/90 hộ, tại xã Bình Đào - huyện Thăng Bình.

- Mô hình trồng nấm rơm trên rơm rạ: qui mô 20 tấn nguyên liệu/02 điểm/10 hộ, triển khai tại xã Bình Tú - huyện Thăng Bình (5 hộ) và xã Tam Xuân 1 - huyện Núi Thành (5 hộ).

- Mô hình khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm: Trồng dâu giống mới, qui mô 02 ha/điểm/10 hộ. Nuôi tằm con tập trung: qui mô 2ha/điểm/02 hộ (tương đương 80 hộp trứng tằm giống/năm) triển khai tại xã Điện Quang - thị xã Điện Bàn.

3.1.2. Lĩnh vực chăn nuôi

- Mô hình chăn nuôi gà ta thả vườn an toàn dịch bệnh kết hợp chế biến thức ăn tại chỗ: Triển khai tại xã Tiên Cảnh - huyện Tiên Phước và xã Quế Thọ - huyện Hiệp Đức với quy mô 3.000 con/10 hộ tham gia.

- Mô hình chăn nuôi bò thịt lai BBB: Triển khai tại xã Quế Thọ - huyện Hiệp Đức và xã Duy Trinh - huyện Duy Xuyên với quy mô 60 bê lai BBB/58 hộ tham gia.

- Mô hình chăn nuôi ngan địa phương sinh sản miền núi: Triển khai tại xã Tư - huyện Đông Giang (25 hộ), xã Phước Năng - huyện Phước Sơn (25 hộ) với qui mô 750 con/50 hộ.

- Mô hình chăn nuôi gà thả vườn theo hướng hữu cơ tạo nông sản sạch cho thị trường tiêu dùng: Triển khai tại xã Bình An (1.600 con/8 hộ), Bình Chánh (1.400 con/7 hộ) - huyện Thăng Bình với qui mô 3.000 con/15 hộ.

3.1.3. Lĩnh vực lâm nghiệp

Triển khai thực hiện các mô hình chăm sóc rừng trồng như: mô hình Trồng rừng thâm canh keo lai nuôi cấy mô (năm 03), trồng rừng thâm canh mây nước dưới tán rừng (năm 02 và năm 03), trồng cây ăn quả trong vườn nhà gắn với xây dựng khu dân cư kiểu mẫu năm 02 và các mô hình trồng mới như: Mô hình trồng rừng thâm canh cây sa nhân giống địa phương dưới tán rừng, trồng và thâm canh cây ba kích, trồng cây ăn quả trong vườn nhà gắn với xây dựng khu dân cư kiểu mẫu.

3.1.4. Lĩnh vực thủy sản

- Mô hình nuôi ghép tôm thẻ chân trắng (hoặc tôm sú) - cá đối mục: Triển khai thực hiện tại Thăng Bình và Hội An; diện tích: 1,2 ha.

- Mô hình nuôi cá diêu hồng lồng bè trên hồ thủy điện: Thực hiện qui mô 250m3/2 điểm, triển khai tại xã Tà Pơ - huyện Nam Giang, xã MaCooih - huyện Đông Giang.

- Mô hình nuôi ghép cá rô phi là chính trong ao: Triển khai tại xã Ch’Ơm - huyện Tây Giang.

3.2. Các Mô hình triển khai xây dựng và nhân rộng năm 2020

3.2.1. Khuyến nông trồng trọt

- Mô hình khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm: Tiếp tục theo dõi chăm sóc và hướng dẫn phát triển mô hình trồng dâu nuôi tằm đã triển khai năm 2019 với quy mô 3,5 ha dâu/2 điểm (xã Điện Quang - thị xã Điện Bàn và xã Quế Trung - huyện Nông Sơn).

3.2.2. Khuyến nông chăn nuôi

- Mô hình chăn nuôi bò thịt lai BBB: Triển khai mô hình chăn nuôi bò thịt lai BBB tại xã Thăng Phước - huyện Hiệp Đức và xã Duy Châu - huyện Duy Xuyên với quy mô 70 con bò/70 hộ tham gia.

- Mô hình chăn nuôi Dê thâm canh miền núi: Triển khai mô hình tại xã Phước Kim - huyện Phước Sơn với quy mô 24 con dê giống/4 hộ tham gia với mục tiêu chuyển giao kỹ thuật chăn dê thâm canh cho đồng bào dân tộc tại các xã miền núi của tỉnh, tạo nguồn cung cấp con giống dê tại chỗ nhằm thúc đẩy phát triển chăn nuôi miền núi, thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông, không đầu tư, chăm sóc sang chăn nuôi có quy mô, có chuồng trại, có chăm sóc nuôi dưỡng, an toàn dịch bệnh.

3.2.3. Khuyến lâm

Trong năm 2020, Trung tâm đã thực hiện các mô hình chăm sóc rừng trồng như: Mô hình trồng rừng thâm canh keo lai nuôi cấy mô (năm 03), trồng rừng thâm canh mây nước dưới tán rừng (năm 02 và năm 03), trồng cây ăn quả trong vườn nhà gắn với xây dựng khu dân cư kiểu mẫu năm 02 và các mô hình trồng mới như: Mô hình trồng rừng thâm canh cây sa nhân giống địa phương dưới tán rừng, trồng và thâm canh cây ba kích, trồng cây ăn quả trong vườn nhà gắn với xây dựng khu dân cư kiểu mẫu.

3.2.4. Khuyến ngư

- Mô hình nuôi cá diêu hồng lồng bè trên hồ thủy điện: Thực hiện qui mô 300m3/2 điểm, triển khai tại xã Chà Vàl - Nam Giang (2 lồng/2 hộ), xã MaCooih - Đông Giang (2 lồng/2 hộ).

- Mô hình nuôi ghép cá trắm cỏ là chính trong ao: Triển khai với qui mô: 01 ha/2 điểm, tại xã Ch'Ơm - huyện Tây Giang (0,5ha/30 hộ) và xã Jơ Ngây - Đông Giang (0,5ha/25 hộ).

3.3. Kết quả các mô hình triển khai trong năm 2021

3.3.1. Chương trình khuyến lâm

- Mô hình trồng và thâm canh cây bưởi da xanh cho vùng khó khăn, triển khai tại huyện Phước Sơn với diện tích 0,75 ha: Cây bưởi trồng 01 năm sinh trưởng tốt, thích nghi tốt với điều kiện đất đai, thời tiết tại xã Phước Kim, chiều cao trung bình: 140-160 cm, đường kính tán lá trung bình: 90-110 cm; số cành cấp 1 trên cây trung bình: 6-8 cành, được cán bộ và nhân dân địa phương đánh giá là cây trồng triển vọng.

- Mô hình trồng cây sầu riêng cải tạo vườn tạp, diện tích 1,6 ha, triển khai tại huyện Tiên Phước và Nông Sơn: Cây sầu riêng sinh trưởng tốt, tỷ lệ sống trên 97%.

- Mô hình phát triển rừng trồng cây gỗ lớn triển khai tại huyện huyện Quế Sơn và Tiên Phước, tổng diện tích 10 ha: Cây giống khi xuất vườn đem trồng do chưa được huấn luyện kỹ nên tỷ lệ sống không cao, cây sinh trưởng phát triển trung bình, chưa thấy xuất hiện sâu bệnh hại.

3.2.2. Chương trình khuyến ngư

- Mô hình nuôi cá diêu hồng lồng bè trên hồ thủy điện, qui mô 04 lồng, triển khai tại huyện Đông Giang và Nam Giang: cá diêu hồng nuôi đến 6 tháng có tỷ lệ sống 70%, trọng lượng trung bình 0,5kg/con, năng suất đạt 35 kg/m3, sản phẩm thu hoạch lãi trên 80 triệu đồng/2 lồng nuôi.

- Mô hình nuôi cua xanh kết hợp với tôm sú và cá dìa, qui mô 1,8 ha, triển khai tại huyện Núi Thành và thành phố Hội An: Sau 04 tháng nuôi, cua xanh đạt 300-350g/con, tôm sú đạt 30-50 con/kg, cá dìa đạt 250- 300g/con. Năng suất cua xanh đạt trung bình 1,4 tấn/ha, tôm sú 0,8 tấn/ha, cá dìa 0,5 tấn/ha, thu lãi trên 120 triệu đồng/ha.

- Mô hình nuôi cá chim vây vàng lồng bè trên sông, qui mô 02 lồng, triển khai tại huyện Núi Thành: Cá tỷ lệ sống đạt 80%, trọng lượng thu hoạch: 0,5-0,6 kg/con, sản lượng: 1.350 kg/lồng, năng suất đạt 18 kg/m3; vượt các chỉ tiêu kỹ thuật đề ra, giá bán trung bình 100.000 đồng/kg. Cá biệt, có hộ thu lãi trên 30 triệu đồng/lồng, tăng hơn 20% so với sản xuất đại trà.

3.2.3. Chương trình chăn nuôi

- Mô hình chăn nuôi ngan địa phương sinh sản miền núi triển khai tại huyện Tây Giang và Đông Giang (375 ngan giống/25 hộ). Ngan nuôi đến 03 tháng tuổi tỷ lệ sống 90%, phát triển tốt, trọng lượng bình quân đạt 1,8-2,0kg/con. Mô hình cung cấp nguồn ngan giống chủ động tại địa phương để tạo ngan thương phẩm, giải quyết một phần thực phẩm dinh dưỡng cao cho đồng bào.

- Mô hình chăn nuôi bò thịt lai BBB triển khai tại huyện Đại Lộc và thị xã Điện Bàn: Nhờ được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, các hộ tham gia mô hình đã chăm sóc nuôi dưỡng đàn bò lai BBB sinh trưởng phát triển tốt, ứng dụng máy băm cỏ trong chăn nuôi, tăng năng suất hiệu quả chăn nuôi. Bò lai BBB ngoài cỏ trồng thì bổ sung thêm thức ăn tinh, bánh dinh dưỡng…tăng trọng trung bình 22-26 kg/con. Bò thịt lai BBB với đầu ra ổn định được người chăn nuôi lựa chọn là con vật nuôi chủ lực.

- Mô hình chăn nuôi gà thả vườn theo hướng hữu cơ tạo nông sản sạch cho thị trường tiêu dùng triển khai tại huyện Phú Ninh và Nông Sơn: Gà nuôi trong mô hình có tỷ lệ sống cao (95%), với giá bán ra thị trường từ 85.000 - 90.000 đồng/kg thì lãi ròng đạt 80 - 90 triệu đồng/3.000 con, giá bán cao hơn so với gà nuôi ngoài mô hình 1,2 lần.

- Mô hình chăn nuôi heo nái sinh sản đảm bảo an toàn sinh học triển khai tại huyện Tiên Phước: Do gặp một số trở ngại nên đến cuối năm 2021 mô hình mới được triển khai. Bước đầu cho thấy heo nuôi trong mô hình có tỷ lệ sống cao, không biểu hiện bệnh tật. Thông qua tập huấn và hướng dẫn trực tiếp, các hộ dân đã từng bước tiếp cận và áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, nhằm hướng tới mục tiêu an toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường và phát triển tái đàn sau dịch hiệu quả.

3.2.4. Chương trình trồng trọt

- Mô hình chăm sóc mô hình trồng dâu giống mới năm 2 triển khai tại Nông Sơn: Cây dâu trồng đến 12 tháng tuổi đường kính gốc đạt trung bình là 3 cm, chiều cao trung bình của cây là 1,8 m, cây có 5 - 7 cành cấp 1, đường kính tán 0,4 m và không có biểu hiện về sâu bệnh hại. Năng suất lá bình quân 25 tấn/ha, so với giống dâu địa phương cao hơn 0,5 tấn/ha, 1 sào dâu nuôi được 0,5 hộp trứng/lứa. So với giống địa phương việc trồng giống dâu mới S7 cho năng suất cao hơn, sinh trưởng, phát triển nhanh nên có thể thực hiện việc nuôi gối lứa, lá to, dày nên thu hái nhanh.

- Mô hình bưởi da xanh xen ổi gắn với xây dựng khu dân cư kiểu mẫu triển khai tại TX Điện Bàn: Cây bưởi da xanh trồng đến 02 tháng tuổi, chiều cao trung bình 85 - 90 cm, đường kính tán lá trung bình: 50 - 60 cm, số cành cấp 1 trên cây trung bình: 3 - 5 cành; Cây ổi chiều cao trung bình: 90-95cm. Tỷ lệ sống cây trồng trong mô hình là 100%, chưa xuất hiện sâu bệnh gây hại.

- Mô hình trồng và thâm canh cây cam bản địa triển khai tại huyện Tây Giang và Bắc Trà My: Cây cam trồng đến 02 tháng tuổi tháng tuổi tỉ lệ sống 100%, sinh trưởng tốt, không có sâu bệnh hại. Mô hình được nhân dân nhiệt tình ủng hộ và mong muốn được tiếp tục nhân rộng thêm để cam bản địa sẽ là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân vùng cao, góp phần xoá đói giảm nghèo, mang tầm chiến lược kinh tế của xã và huyện.

4. Các chương trình, dự án, hoạt động khác

- Triển khai thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh "Thuần chủng nguồn heo giống heo Cỏ và Tre Quảng Nam";

- Triển khai thực Đề tài KHCN cấp tỉnh “Nghiên cứu ứng dụng đèn LED và SOLAR trên tàu chụp mực 4 tăng gông, tỉnh Quảng Nam” năm 2017- 2019;

- Nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh “Điều tra tình hình phân bố, chọn lọc và bảo tồn giống tiêu Tiên Phước, bưởi trụ lông Đại Bình- Nông Sơn, Quảng Nam”;

- Triển khai đề tài KHCN cấp tỉnh “Nghiên cứu giải pháp kỹ thuật để phát triển đàn trâu ở Quảng Nam”: Kết quả cho thấy khả năng sinh trưởng, phát triển của nghé và trâu sinh sản tại 03 huyện Thăng Bình, Phú Ninh và Hiệp Đức;

- Mô hình triển khai trồng thí điểm 14 ha cây măng cụt tại huyện Hiệp Đức và Nông Sơn theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 1284/UBND-KTN ngày 12/3/2021 về việc triển khai trồng thí điểm cây măng cụt nhằm phát triển kinh tế vườn, nâng cao thu nhập cho người dân;

- Nghiên cứu, khảo sát đánh giá về xây dựng mô hình thí điểm trồng rừng ngập mặn kết hợp nuôi trồng thủy sản theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 11/TB-UBND ngày 02/4/2021 về kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu tại buổi đi khảo sát thực tế rừng ngập mặn để phát triển sinh kế cho người dân tại khu vực xã Tam Hải, huyện Núi Thành;

- Triển khai các hoạt động thuộc 2 dự án khuyến nông Trung ương năm 2021: Mô hình nuôi cá lồng bè trên sông và hồ gắn với tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh Nam Trung bộ và Tây nguyên và Phát triển mô hình chăn nuôi gà thịt thương phẩm (ri lai, mía lai, chọi lai...) theo VietGAHP;

- Chương trình hợp tác với tổ chức Tầm nhìn Thế giới khu vực miền Trung: Thực hiện các hoạt động tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà IMO tại Nông Sơn, chăn nuôi lợn đen IMO tại Phước Sơn; Tập huấn TOT về chăn nuôi IMO tại TP Tam Kỳ; Giám sát, hỗ trợ thực địa mô hình chăn nuôi gà IMO tại Nông Sơn. Xây dựng phim tư liệu tuyên truyền về hiệu quả mô hình chăn nuôi gà IMO tại Nông Sơn. Biên soạn và nghiệm thu tài liệu Sổ tay kỹ thuật chăn nuôi gà theo hướng canh tác tự nhiên sử dụng chế phẩm vi sinh vật bản địa;

- Tổ chức tập huấn 13 lớp học đồng ruộng (FFS) thuộc Chương trình nhân rộng thuộc Hợp phần 3, Dự án WB7 tại các huyện Đại Lộc, Quế Sơn, Thăng Bình và Núi Thành. Học viên tham gia lớp học hưởng ứng nhiệt tình, theo sát các nội dung chương trình giảng dạy, phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa và cây ngô. Kết quả mang lại là rất khả quan.

II. MỘT SỐ MÔ HÌNH LIÊN KẾT SẢN XUẤT NÔNG SẢN AN TOÀN, SẠCH, HỮU CƠ TẠI CÁC ĐỊA PHƯƠNG TRONG TỈNH

Bên cạnh việc xây dựng các mô hình trình diễn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thời gian qua hệ thống khuyến nông tỉnh cũng hết sức chú trọng nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất nông sản an toàn, sạch, hữu cơ có hiệu quả cao từ các năm trước. Đồng thời, đẩy mạnh vai trò làm cầu nối, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, liên kết tổ chức sản xuất, hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới… đến với nông dân.

Công tác khuyến nông của các huyện, thị xã, thành phố, ngoài nguồn kinh phí từ tỉnh, trung ương đầu tư (thông qua việc phối hợp thực hiện với Trung tâm Khuyến nông tỉnh) thì trong những năm qua, chính quyền địa phương, các tổ chức đã quan tâm đầu tư kinh phí, tổ chức thực hiện nhiều hoạt động khuyến nông tại địa phương. Tùy vào điều kiện của từng địa phương mà mức kinh phí cho các hoạt động khác nhau và phần lớn kinh phí tập trung cho việc xây dựng các mô hình trình diễn. Về danh mục đầu tư các mô hình khuyến nông của các địa phương tương đối đa dạng và phong phú, nhìn chung bám sát đặc thù sản xuất và thế mạnh của từng địa phương. Tuy nhiên, quy mô vẫn còn nhỏ lẻ và dàn trải trên nhiều lĩnh vực.

Ngoài việc triển khai nhiệm vụ kế hoạch do cấp huyện giao hàng năm, các Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp cấp huyện đã tranh thủ sự hỗ trợ của các nguồn kinh phí khác như: Nguồn đề tài Khoa học công nghệ, tài trợ của các tổ chức phi chính phủ, hợp tác của các doanh nghiệp...; tổ chức nhiều hoạt động khuyến nông rất có ý nghĩa, được đánh giá là phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển sản xuất, phù hợp với điều kiện của địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao và có khả năng nhân rộng trong thời gian đến, nổi trội đó là:

1. Lĩnh vực lâm nghiệp

Đối với vùng miền núi, trung du của tỉnh, nơi có tiềm năng và lợi thế để phát triển các mô hình trồng rừng gỗ lớn; trồng dược liệu dưới tán rừng theo hướng hữu cơ như các mô hình bảo tồn và phát triển cây dược liệu: Sâm Ngọc Linh, ba kích, đảng sâm, sa nhân... chủ yếu tại các huyện Nam Trà My, Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang và Phước Sơn. Ngoài ra, tại số địa phương cũng đã phát triển sản xuất các cây dược liệu như hà thủ ô đỏ, giảo cổ lam, đinh lăng, ngủ da bì gai, cà gai leo, gừng, nghệ đỏ... Hiện nay, cũng đã hình thành các chuỗi sản phẩm gắn với doanh nghiệp liên kết tiêu thụ, thu mua, chế biến.

2. Lĩnh vực thủy sản

Mô hình nuôi cá lăng thương phẩm tại Phú Ninh; Nuôi lươn trong bể xi măng, nuôi cá giống mới, trồng rong câu chỉ vàng tại Núi Thành; Nuôi cá trong lồng bè trên hồ thủy điện; Nuôi các đối tượng cá nước ngọt trong ao khu vực miền núi; Nuôi các đối tượng thủy đặc sản vùng nước lợ...

3. Lĩnh vực chăn nuôi

Mô hình chăn nuôi heo sử dụng đệm lót sinh học ứng dụng kỹ thuật IMO tại Nam Giang; Huấn luyện nuôi lợn đực giống lấy tinh ở Hiệp Đức; Chăn nuôi heo nái theo hướng an toàn sinh học tại Điện Bàn; Chăn nuôi gà thả vườn theo hướng hữu cơ tại Phú Ninh (trọng lượng bình quân 1,7-2,2 kg/con, lãi bình quân 01 kg xuất chuồng cao hơn là 15.000 đồng/kg (70.000 đồng/kg so với 55.000 đồng/kg)); Nuôi ngan an toàn sinh học tại Nam Giang.

4. Lĩnh vực trồng trọt

- Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ (năng suất lúa 53 tạ/ha, tổng thu chênh lệch so với sản xuất đại trà 13,5 triệu đồng, với qui mô 2ha) và sản xuất rau trong nhà lưới (thu nhập bình quân 7 triệu đồng/tháng, với qui mô 0,1 ha) tại Thăng Bình; Ủ phân vi sinh từ các phụ phế phẩm nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp (trồng rau trong nhà màng) tại Phú Ninh; Sản xuất nấm rơm tại Hiệp Đức; Nấm bào ngư tại Núi Thành; Nấm linh chi (năng suất 16kg nấm/tấn mùn cưa), trồng và nhân giống hoa cúc (tỷ lệ sống 95%), trồng bưởi da xanh xen ổii gắn với xây dựng khu dân cư kiểu mẫu tại Điện Bàn; Lúa cải tiến SRI tại Nam Giang (năng suất đạt 3,65 tạ/ha); Trồng bưởi trụ tại Nông Sơn; Trồng thử nghiệm giống hoa thạch thảo tại Hội An (Sau khi trồng 3 tháng thu nhập 40.000.000 đồng, với qui mô 5.000 cây).

- Trồng thí điểm các loài cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao như: cây măng cụt, cây sầu riêng tại Tiên Phước, Nông Sơn, Hiệp Đức, Phú Ninh, Núi Thành, Quế Sơn, Thăng Bình.

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG, MỘT SỐ TỒN TẠI, HẠN CHẾ, NGUYÊN NHÂN

1. Đánh giá chung

- Các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2021 đã bám sát chủ trương, định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội và nhu cầu sản xuất, mong đợi của người dân.

- Kết quả và hiệu quả của các mô hình, hoạt động khuyến nông đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất. Người sản xuất từng bước thay đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”. Hiệu quả xây dựng mô hình khuyến nông tăng lên rõ rệt so với sản xuất truyền thống, đại trà từ 20-25%.

- Một số mô hình triển khai thành công và có hiệu quả nhân rộng cao phải kể đến như:

Mô hình chăn nuôi bò thịt lai BBB, với qui mô bình quân 10 bò thịt/hộ, giá mua bò 06 tháng tuổi 200.000.000 đồng. Sau 12 tháng nuôi tổng giá trị bán ra là 400.000.000 - 500.000.000 đồng. Người dân chỉ bỏ công trồng cỏ, cây thức ăn, chế biến, chăm sóc nuôi dưỡng. Mỗi năm lãi 200.000.000 - 250.000.000 đồng/hộ.

Mô hình chăn nuôi gà thả vườn theo hướng hữu cơ tạo nông sản sạch cho thị trường tiêu dùng: Gà nuôi trong mô hình có tỷ lệ sống cao (95%), với giá bán ra thị trường từ 85.000 - 90.000 đồng/kg thì lãi ròng đạt 80 - 90 triệu đồng/3.000 con, giá bán cao hơn so với gà nuôi ngoài mô hình 1,2 lần.

Mô hình chăn nuôi heo nái sinh sản đảm bảo an toàn sinh học: Heo nuôi trong mô hình có tỷ lệ sống cao, không biểu hiện bệnh tật. Chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học cho hiệu quả kinh tế cao hơn đại trà là từ 20-25%.

Mô hình chăm sóc trồng dâu giống mới: Năng suất lá bình quân 25 tấn/ha, so với giống dâu địa phương cao hơn 0,5 tấn/ha, 01 sào dâu nuôi được 0,5 hộp trứng/lứa. So với giống địa phương, việc trồng giống dâu mới S7 cho năng suất cao hơn, sinh trưởng, phát triển nhanh nên có thể thực hiện việc nuôi gối lứa, lá to, dày nên thu hái nhanh. Người dân hưởng ứng việc khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm.

Các mô hình trồng cây ăn quả trong vườn nhà, vườn đồi gắn với xây dựng khu dân cư kiểu mẫu đều cho hiệu quả kinh tế cao. Các loài cây dài ngày (măng cụt, sầu riêng…) tuy chưa đến kỳ cho thu hoạch quả nhưng tỷ lệ sống cây trồng trong mô hình là rất cao, chưa xuất hiện sâu bệnh gây hại, quá trình sinh trưởng tốt.

Mô hình trồng rừng gỗ lớn sử dụng các giống keo bằng phương pháp nhân giống khác nhau đã chứng tỏ tính ưu việt về hiệu quả kinh tế. Ước tính, sau 7-8 năm trồng, mô hình cho lợi ích nhiều mặt, nâng cao hiệu quả kinh tế và môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, thúc đẩy cấp chứng chỉ rừng trồng sản xuất nâng cao giá trị gia tăng ngành lâm nghiệp, đưa tăng trưởng về năng suất rừng có thể đạt trên 20 m3/ha, doanh thu kinh doanh rừng lên mức khoảng từ 20 - 25 triệu đồng/ha/năm.

Các mô hình nuôi các đối tượng thủy đặc sản trong lồng bè trên hồ đập, mô hình nuôi ghép các đối tượng thủy sản nước ngọt - lợ, nuôi tôm thẻ trên bạt… đều cho hiệu quả kinh tế cao. Từ mô hình nhiều hộ dân đã thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác để thu mua, chế biến và tiêu thụ hết sản phẩm làm ra của thành viên.

Ở khu vực miền núi, các mô hình đặc biệt có ý nghĩa với sinh kế bền vững của người dân được thực hiện gồm: Mô hình trồng và thâm canh cây cam bản địa; chăn nuôi ngan địa phương sinh sản; nuôi heo đen bản địa; trồng dược liệu dưới tán rừng đạt tiêu chuẩn hữu cơ và theo hướng hữu cơ; bảo tồn và phát triển cây dược liệu: Sâm Ngọc Linh, ba kích, đảng sâm, sa nhân. Các mô hình đã tạo công ăn, việc làm, giải quyết lương thực, thực phẩm dinh dưỡng tại chỗ và tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

- Thông qua các hoạt động khuyến nông đã giúp người dân trang bị được kiến thức vững vàng, rèn tay nghề thành thạo, làm chủ được kỹ thuật - công nghệ, từ đó tự tin mở rộng ứng dụng vào thực tế sản xuất ngày càng hiệu quả hơn.

2. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

- Quy định về mức đối ứng của người dân để mua cây/con giống và vật tư thực hiện mô hình khi áp dụng vào thực tế rất khó khăn. Mặt khác, mức hỗ trợ của một số chương trình, dự án, đề án không đồng bộ, thậm chí một số chương trình, dự án, cơ chế hỗ trợ 100%, dân không phải đối ứng nên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc vận động người dân tham gia mô hình khuyến nông. Các quy định về đấu thầu và đấu thầu qua mạng khi áp dụng với chương trình khuyến nông cũng gặp khá nhiều khó khăn.

- Với nguồn kinh phí đầu tư cho công tác khuyến nông hàng năm còn khá hạn hẹp, trong khi nhu cầu phát triển sản xuất của xã hội là rất lớn do đặc thù là tỉnh nông nghiệp, lao động trong khu vực nông thôn khá lớn, không gian lại trải dài từ miền núi đến đồng bằng, ven biển. Hơn nữa nhiệm vụ công tác khuyến nông cần phải đảm bảo phục vụ cho nhiều nhóm đối tượng nông dân khác nhau…Chính vì vậy mà việc đầu tư cho hoạt động khuyến nông đôi khi còn mang tính dàn trải, phân tán, chưa đủ nguồn lực để xây dựng những mô hình qui mô tập trung, sản xuất lớn, tạo động lực thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển.

- Mặc dù hiệu quả các mô hình khuyến nông được chứng minh là khá thuyết phục, tuy nhiên việc duy trì và khuyến cáo nhân rộng mô hình vẫn còn hạn chế do điều kiện tài chính của người dân không đủ để đầu tư theo yêu cầu các hạng mục của mô hình. Hệ thống khuyến nông chưa tham gia tham mưu, đề xuất được nhiều cơ chế, chính sách hậu mô hình. Một số mô hình khi khuyến nông rút đi thì sự tồn tại của mô hình chỉ duy trì trong thời gian ngắn.

- Lực lượng làm khuyến nông ở cơ sở còn thiếu về số lượng, một số còn yếu về năng lực, kinh nghiệm. Việc bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp khuyến nông thường xuyên còn hạn chế, chưa bắt kịp đòi hỏi của bối cảnh, tình hình mới, nhất là còn thiếu các kiến thức, kỹ năng mềm như: Quản lý, quản trị, kinh tế, chuyển đổi số, thương mại điện tử…

- Đa phần đội ngũ làm khuyến nông hiện nay đã có tuổi đời cao, việc tuyển chọn lực lượng trẻ gặp khó khăn do tính chất nghề nghiệp nặng nề, thu nhập và chế độ đãi ngộ thấp, không hấp dẫn để thu hút được cán bộ trẻ, cán bộ có trình độ và năng lực.

- Các nhiệm vụ mới của khuyến nông về kinh tế, thị trường, liên kết theo chuỗi giá trị, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường, hỗ trợ xúc tiến thương mại nông nghiệp, khuyến nông gắn với chuyển đổi số, khuyến nông ứng dụng công nghệ cao… vẫn còn triển khai ở mức ban đầu, hiệu quả còn khiêm tốn. Khuyến nông chưa xác định rõ vai trò, vị trí của mình trong liên kết theo chuỗi giá trị; chưa thật sự gắn kết với kinh tế hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi.

Phần thứ hai

SỰ CẦN THIẾT, CĂN CỨ XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH, MỤC TIÊU

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

Trong những năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, bất lợi do điều kiện khách quan, nhất là chịu ảnh hưởng kéo dài của đại dịch COVID-19, nhưng nhờ quyết liệt triển khai thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới mà nông nghiệp Quảng Nam chuyển dịch theo hướng tích cực và tiếp tục duy trì tăng trưởng. Tốc độ tăng bình quân giá trị tổng sản phẩm nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2015 - 2020 đạt 4%/năm. Riêng năm 2021, tuy sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh và thiên tai, song giá trị sản xuất nông lâm thủy sản toàn tỉnh vẫn đạt 14.700 tỷ đồng, tăng 3,4% so với năm 2020; tiếp tục duy trì với mức tăng trưởng 3,6%/năm, cơ cấu giá trị ngành nông nghiệp chiếm 14,1% trong tổng giá trị nền kinh tế của toàn tỉnh.

Đồng hành với sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, công tác khuyến nông cũng được quan tâm đầu tư mở rộng hoạt động để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Công tác khuyến nông đã có những bước phát triển nhanh, hệ thống tổ chức khuyến nông ngày càng phát triển và dần ổn định. Hoạt động khuyến nông trong thời gian qua đã có những đóng góp vào thành công chung của sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Khuyến nông là cầu nối giữa Nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học với hộ nông dân và thị trường, là hệ thống chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho nông dân; tư vấn, phổ biến kiến thức, các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, cung cấp thông tin, mở ra cơ hội mới, tạo dựng giá trị bền vững cho nông nghiệp, nông gia.

Với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách các cấp, từ các chương trình, dự án; nhiều hoạt động khuyến nông được triển khai, đã tác động rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực sản xuất, từ trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các hoạt động ngành nghề nông thôn khác...; từ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, mô hình sản xuất mới; khảo nghiệm, sản xuất thử các giống cây trồng vật nuôi; hỗ trợ phát triển sản xuất cho đến các mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị, các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, mô hình sản xuất ứng phó với biến đổi khí hậu, mô hình bảo vệ môi trường, nông nghiệp công nghệ cao... Hệ thống khuyến nông của tỉnh đã có đóng góp tích cực vào phát triển nông nghiệp và nông thôn; góp phần nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, giúp đỡ người dân dần dần ổn định cuộc sống, tăng thu nhập, thực hiện xóa đói giảm nghèo; chuyển dịch sản xuất quy mô nhỏ lẻ sang hướng phát triển kinh tế trang trại, sản xuất hàng hóa chất lượng cao, liên kết sản xuất và tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu thị trường và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành nông nghiệp tỉnh nhà.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác khuyến nông hiện vẫn còn gặp những bất cập và thách thức, đó là:

(i) Trong quá trình thực hiện Nghị định 83/2018/NĐ-CP, do chưa thống nhất cách thức thực hiện chung trên cả nước nên mạng lưới khuyến nông cơ sở (xã, phường, thị trấn và thôn bản) ở một số huyện, thị, thành phố trong tỉnh gần như không tồn tại hoặc bị bỏ ngõ, vì thế có thể nói là làm “đứt gãy” hệ thống khuyến nông, hệ thống khuyến nông đôi lúc, đôi nơi còn yếu và thiếu tính liên kết bền vững.

(ii) Công tác khuyến nông chưa thật sự chú trọng nhiều đến các yếu tố về kinh tế, thị trường, liên kết theo chuỗi giá trị, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường, cải thiện nếp sống nông thôn và nâng cao năng lực cho người nông dân, cho cộng đồng. Khuyến nông chưa xác định rõ vai trò, vị trí của mình trong liên kết theo chuỗi giá trị; chưa thật sự gắn kết với kinh tế hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi.

(iii) Nguồn lực đầu tư cho hoạt động khuyến nông (cả trung ương và địa phương) còn hạn chế, chưa hấp dẫn, thu hút được khu vực ngoài Nhà nước (nhất là doanh nghiệp, tư nhân...) tham gia vào các hoạt động khuyến nông, vai trò và sứ mệnh của khuyến nông chưa được phát huy một cách toàn diện nhất. Kinh phí đầu tư cho công tác khuyến nông còn hạn hẹp, chưa có các chương trình khuyến nông trung và dài hạn để định hướng, thu hút nguồn lực cho các hoạt động khuyến nông trọng điểm.

(iv) Cơ chế, chính sách hoạt động khuyến nông còn chưa đồng bộ và nặng về thủ tục hành chính, làm ảnh hưởng đến kết quả và hiệu quả hoạt động khuyến nông.

(v) Nội dung, phương thức hoạt động khuyến nông còn chậm đổi mới. Các chương trình, dự án khuyến nông còn phân tán, dàn trải, chưa đáp ứng kịp thời những chủ trương, định hướng lớn của tỉnh và ngành đặt ra cũng như yêu cầu phát triển của sản xuất và xã hội.

Quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Nam tại Chương trình số 20-CTr/TU, ngày 31/10/2022 về Chương trình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ rõ: “Phát triển nông nghiệp sinh thái, hiệu quả và bền vững theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, đảm bảo an toàn thực phẩm, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường, phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương; tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo”.

Mục tiêu tổng quát phát triển nông nghiệp Quảng Nam đến năm 2030 cũng được xác định: “Xây dựng, phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và bền vững, có khả năng cạnh tranh cao, kết cấu hạ tầng hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với quy hoạch và định hướng chiến lược phát triển KT- XH của tỉnh; bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn ngày được nâng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM; dân trí được nâng cao, hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường, trong sạch, vững mạnh”.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP ngành Nông nghiệp phấn đấu đạt bình quân 3,5%/năm; năng suất lao động nông nghiệp tăng bình quân từ 5,5 - 6%/năm. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn phấn đấu đạt bình quân trên 10%/năm. Diện tích rừng gỗ lớn chiếm trên 30% diện tích rừng sản xuất (45.000 ha); trong đó, rừng bền vững theo tiêu chuẩn, tiêu chí của quản trị rừng quốc tế (FSC) đạt trên 20% diện tích rừng sản xuất (30.000 ha). Tỷ lệ che phủ rừng đạt 62%; tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định đạt 90%. Có 90% số xã đạt chuẩn NTM; bình quân chung số tiêu chí đạt chuẩn từ 18 - 18,5 tiêu chí/xã, có 60% số xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao và 30% số xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu; có 90% thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu (trong đó, miền núi đạt 70%); có 11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM (trong đó, có 04 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu). Phấn đấu cơ bản đạt các tiêu chí tỉnh NTM. Tỉ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt trên 96%. Tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 20%; bình quân hằng năm đào tạo nghề cho khoảng 5.000 lao động nông thôn. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng ít nhất 02 lần so với năm 2020.

Xuất phát từ chủ trương, định hướng phát triển ngành nông nghiệp và nhu cầu thực tế của các địa phương, các doanh nghiệp và người sản xuất trên địa bàn tỉnh về hoạt động khuyến nông, để góp phần thực hiện chủ trương chung của ngành nông nghiệp là chuyển đổi tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”, xây dựng nền "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh" hướng đến các mục tiêu về phát triển bền vững...thì công tác khuyến nông trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến cần xây dựng định hướng, mục tiêu và các giải pháp mang tính lâu dài, trước mắt Chương trình khuyến nông tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023-2025 cũng cần được quan tâm đầu tư, hỗ trợ thỏa đáng hơn để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Nghị định 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ về khuyến nông;

- Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Thông tư số 75/2019/TT-BTC ngày 04/11/2019 của Bộ Tài chính về Qui định quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện hoạt động khuyến nông;

- Quyết định số 1360/QĐ-BNN-KHCN ngày 24/4/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Phê duyệt Chương trình khuyến nông Trung ương giai đoạn 2020 - 2025;

- Chương trình số 20-CTr/TU ngày 31/10/2022 của Tỉnh ủy Quảng Nam về Chương trình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

- Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND ngày 15/7/2020 của HĐND tỉnh Quảng Nam về Qui định một số nội dung, mức chi từ ngân sách Nhà nước thực hiện các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có và còn hiệu lực trong giai đoạn 2021-2025;

- Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 12/01/2022 của HĐND tỉnh Quảng Nam về việc Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐND, ngày 12/7/2019 của HĐND tỉnh Qui định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động Khoa học và Công nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019 - 2025;

- Quyết định số 3121/QĐ-UBND ngày 28/10/2021 của UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Chương trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam về Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; định hướng một số dự án quan trọng tại vùng Tây tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030;

- Quyết định số 101/QĐ-UBND ngày 11/01/2022 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 91-KL/TU ngày 14/10/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam về phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030;

- Quyết định số 2240/QĐ-UBND ngày 09/8/2021 của UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025;

- Quyết định số 2608/QĐ-UBND ngày 14/9/2021 của UBND tỉnh Quảng Nam Ban hành quy định thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên trên địa bàn tỉnh Quảng Nam;

- Quyết định số 2751/QĐ-UBND ngày 29/9/2021 của UBND tỉnh Quảng Nam Ban hành Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Quảng Nam;

- Quyết định 425/QĐ-UBND ngày 21/02/2022 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 37/2021/NQ-HĐND ngày 8/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2025;

- Quyết định số 1321/QĐ-UBND ngày 17/5/2022 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 17/2022/NQ-HĐND ngày 21/4/2022 của HĐND tỉnh Quảng Nam quy định danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam;

- Quyết định số 2396/QĐ-UBND ngày 14/9/2022 của UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Kế hoạch xây dựng Tổ khuyến nông cộng đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chuyển đổi số, sản xuất theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP, an toàn vệ sinh thực phẩm, gắn với xây dựng chuỗi giá trị gia tăng và phát triển bền vững

Thúc đẩy nông nghiệp phát triển thành vùng tập trung sản xuất hàng hóa, hỗ trợ liên kết sản xuất, phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp trong nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.

Nâng cao vai trò, năng lực, kinh nghiệm của hệ thống khuyến nông đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất hàng hóa. Huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp.

2. Mục tiêu cụ thể

Giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2025, hoạt động khuyến nông hướng đến mục tiêu cần đạt được cụ thể:

- Xây dựng gần 150 mô hình trình diễn khuyến nông chuyển giao và mở rộng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, qui trình canh tác nuôi trồng, công nghệ mới nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất trên các lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, các lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp khác. Trong đó, ưu tiên và tập trung xây dựng các mô hình hỗ trợ thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân theo chuỗi giá trị, có khả năng nhân rộng.Số lượng nông dân trực tiếp tham gia mô hình là gần 1.500 người và khuyến cáo nhân rộng gần 15.500 người. Tổ chức được trên 270 lớp tập huấn trong mô hình, với hơn 6.500 lượt nông dân tham gia. Phấn đấu nâng hiệu quả sản xuất khi áp dụng thực hiện mô hình lên từ 15-20% so với sản xuất đại trà, truyền thống.

- Đến năm 2025, hệ thống khuyến nông tỉnh xây dựng được báo cáo chuyên đề tổng kết đánh giá hiệu quả các mô hình khuyến nông, đặc biệt là các mô hình gắn với liên kết theo chuỗi giá trị để phục vụ công tác chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất nông nghiệp và xây dựng chương trình khuyến nông trong giai đoạn tiếp theo.

- Xây dựng, phát sóng 30 chuyên mục khuyến nông phát trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh về hướng dẫn sản xuất nông lâm ngư nghiệp, ứng dụng tiến bộ - công nghệ mới; gương điển hình sản xuất giỏi; phòng chống dịch hại cây trồng, vật nuôi; liên kết sản xuất; an toàn vệ sinh thực phẩm...

- Mỗi năm đăng tải trên 300 tin, bài viết, hình ảnh tuyên truyền, trả lời câu hỏi bạn đọc trên Cổng thông tin điện tử Khuyến nông Quảng Nam nhằm cung cấp các thông tin về cơ chế chính sách về nông nghiệp, phổ biến các kiến thức về khoa học kỹ thuật; cập nhật các mô hình khuyến nông hiệu quả trong và ngoài tỉnh, các gương điển hình sản xuất giỏi, thông tin giá cả thị trường nông sản, các sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử, trang chợ khuyến nông nhằm giới thiệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh....

- Tổ chức khoảng 07 sự kiện khuyến nông: Diễn đàn khuyến nông, hội thảo khoa học, hội nghị, tọa đàm khuyến nông. Tham gia 03 hội chợ triển lãm ngành nông nghiệp và khuyến nông.

- Xây dựng 750 băng đĩa về hiệu quả xây dựng các mô hình khuyến nông để làm tư liệu tuyên truyền lưu động, khuyến cáo nhân rộng mô hình. In ấn, phát hành 30.000 ấn phẩm khuyến nông (tờ rơi, lịch nhà nông, tài liệu cầm tay, pa-nô, áp phích tuyên truyền...) cấp phát cho cán bộ nông nghiệp và nông dân.

- Tổ chức 15 lớp đào tạo, tập huấn về kỹ thuật, kỹ năng, phương thức tổ chức sản xuất...cho hơn 350 học viên là cán bộ khuyến nông cấp huyện, khuyến nông viên cơ sở, cộng tác viên khuyến nông, thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhỏ trong nông nghiệp và nông dân chủ chốt.

- Mỗi năm hỗ trợ tỉnh Sê Kông (Lào) xây dựng từ 01-02 mô hình trình diễn, 01 lớp tập huấn, đào tạo kỹ năng và kỹ thuật cho cán bộ phụ trách nông nghiệp và một số nông dân chủ chốt; thực hiện các chuyến khảo sát, đánh giá hiện trạng và qui hoạch phát triển sản xuất cho 02 huyện Đắc Chưng và Kờ Lừm của tỉnh Sê Kông.

- Tăng cường các hoạt động hợp tác với các Tổ chức Quốc tế. Phấn đấu mỗi năm thực hiện được từ 01 - 02 hợp đồng hợp tác nhằm lồng ghép triển khai các hoạt động khuyến nông hỗ trợ phát triển sản xuất và đời sống cho người dân.

Phần thứ ba

CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN NÔNG GIAI ĐOẠN 2023-2025

I. BỒI DƯỠNG, TẬP HUẤN VÀ ĐÀO TẠO

1. Mục tiêu, nội dung

- Tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật nông nghiệp là một trong những hoạt động quan trọng của công tác khuyến nông nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng và kinh nghiệm sản xuất cho nông dân, hướng dẫn các kỹ năng tổ chức sản xuất, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước qua đó thúc đẩy nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị sản xuất.

- Đào tạo nghề, huấn luyện kỹ năng tổ chức và thực hành sản xuất cho các đối tượng là khuyến nông viên cơ sở, cộng tác viên khuyến nông, chủ các doanh nghiệp nông nghiệp nhỏ và vừa, các trang trại, gia trại, các hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ thể các sản phẩm OCOP của các địa phương trong tỉnh.

- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ làm công tác khuyến nông các cấp; đào tạo ToT, khuyến nông viên cơ sở, công tác viên khuyến nông, khuyến nông thôn bản.

- Đào tạo, tập huấn cho cán bộ, hội viên các HTX, Liên hiệp HTX, Tổ hợp tác, chủ doanh nghiệp nhỏ, chủ trang trại, chủ hộ sản xuất kinh doanh…hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Ưu tiên công tác đào tạo, tập huấn, hướng dẫn cho các thành viên của Tổ Khuyến nông cộng đồng ở cơ sở để đủ năng lực công tác, tích cực góp phần thúc đẩy xây dựng xã nông thôn mới trên địa bàn hoạt động.

- Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

- Tập huấn, hướng dẫn tổ chức sản xuất cho nông dân.

- Phổ biến chủ trương định hướng, cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, kỹ năng hạch toán kinh tế và kiến thức thị trường cho các đối tượng tham gia hoạt động sản xuất nông nghiệp.

2. Dự kiến kết quả

- Tổ chức khoảng 270 lớp tập huấn với hơn 6.500 lượt nông dân tham gia.

- Thực hiện khoảng 10 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

- Tổ chức khoảng 15 lớp đào tạo, tập huấn về kỹ thuật, kỹ năng, phương thức tổ chức sản xuất... cho hơn 350 học viên tham gia.

3. Kinh phí thực hiện: 2.900.000.000 đồng.

II. THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN

1. Mục tiêu, nội dung

Là một trong những nội dung chính của hoạt động khuyến nông. Nội dung chủ yếu là xây dựng các chuyên mục truyền hình, bản tin, bài viết; tổ chức các hội thảo, tham quan đầu bờ, hội nghị tổng kết nhằm giới thiệu, quảng bá các hoạt động khuyến nông để mọi người biết và áp dụng. Tổ chức sự kiện như: diễn đàn, tọa đàm, tham gia hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp trong nông nghiệp...

- Tiếp tục duy trì và phát triển trang thông tin điện tử Khuyến nông Quảng Nam nhằm cung cấp các thông tin chính sách, pháp luật về nông nghiệp, phổ biến các kiến thức về khoa học kỹ thuật; cập nhật các mô hình khuyến nông mới và có hiệu quả trong và ngoài tỉnh, các gương điển hình sản xuất giỏi, thông tin giá cả thị trường nông sản, các sản phẩm OCOP trên trang chợ khuyến nông nhằm giới thiệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh....

- Tuyên truyền qua các kênh thông tin đại chúng: Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh, huyện, các cơ quan báo đài trung ương, địa phương…

- Xây dựng các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền: băng đĩa; qui trình, tài liệu kỹ thuật; sách tham khảo; sổ tay khuyến nông; lịch nhà nông; tài liệu bướm; tranh ảnh, pa-nô, áp phích;

- Tổ chức các hội thảo -tham quan đầu bờ, hội nghị tổng kết. Tổ chức sự kiện như: diễn đàn, tọa đàm. Tham gia hội chợ, triển lãm, tham gia xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp trong nông nghiệp...

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các Cổng thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và PTNT, Hội Nông dân tỉnh và các cơ quan, đơn vị chuyên ngành nông nghiệp khác...

2. Dự kiến kết quả

- Xây dựng, phát sóng 30 chuyên mục khuyến nông trên Đài PT-TH tỉnh.

- Đăng tải trên 900 tin, bài viết, hình ảnh tuyên truyền, trả lời câu hỏi bạn đọc trên Cổng thông tin điện tử Khuyến nông Quảng Nam.

- Tổ chức 07 sự kiện khuyến nông: diễn đàn khuyến nông, hội thảo khoa học, hội nghị, tọa đàm khuyến nông. Tham gia 03 hội chợ triển lãm ngành nông nghiệp và khuyến nông.

- Xây dựng 750 băng đĩa về hiệu quả xây dựng các mô hình khuyến nông để tuyên truyền, khuyến cáo nhân rộng.

- In ấn, phát hành 30.000 ấn phẩm khuyến nông (tờ rơi, lịch nhà nông, tài liệu cầm tay, pa-nô, áp phích tuyên truyền...) cấp phát cho cán bộ nông nghiệp và nông dân.

3. Kinh phí thực hiện: 2.500.000.000 đồng

III. XÂY DỰNG VÀ NHÂN RỘNG MÔ HÌNH

Mô hình trình diễn là phương pháp chuyển giao tiến bộ KHKT tới hộ nông ngư dân nhanh nhất, đồng thời là hình mẫu để nông ngư dân áp dụng vào sản xuất đại trà. Việc xây dựng các mô hình trình diễn là điều kiện thuận lợi để người nông dân tiếp cận và áp dụng có hiệu quả những kỹ thuật mới vào sản xuất, tăng thu nhập và cải thiện đời sống. Kết quả của việc thực hiện mô hình là cơ sở thực tế để ngành và các địa phương có định hướng phát triển sản xuất trong thời gian tới.

1. Nhóm chương trình, mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới

1.1. Mô hình Phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với xây dựng chứng chỉ rừng bền vững (FSC)

- Mục tiêu, nội dung:

Năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế rừng được nâng cao; rừng được quản lý bền vững.

Tạo liên kết giữa chủ rừng với doanh nghiệp, HTX trong thu mua, chế biến, tiêu thụ...

Lựa chọn loài cây gỗ lớn phù hợp thay thế cây Keo hoặc chọn được các giống Keo đã được công nhận TBKT có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; các giải pháp kỹ thuật thâm canh được áp dụng để kinh doanh gỗ lớn (xử lý thực bì không đốt, nuôi dưỡng, tỉa thưa...); Rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC).

- Qui mô, địa điểm: Giai đoạn 2023-2025 xây dựng 03 mô hình/03 năm. Tổng diện tích 30 ha. Triển khai tại các huyện miền núi và một số xã có diện tích rừng trồng là rừng sản xuất lớn ở 03 vùng: Núi cao, trung bình, thấp..

- Kinh phí thực hiện: 1.326.000.000 đ

1.2. Mô hình phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng, nâng cao giá trị kinh tế rừng, kết hợp bảo vệ rừng bền vững.

- Mục tiêu, nội dung:

Xây dựng mô hình trồng các cây dược liệu quý, giá trị kinh tế cao ở Quảng Nam như: Sâm Ngọc Linh, ba kích, sa nhân, đảng sâm, chè dây, đương quy, giảo cổ lam …dưới tán rừng theo qui mô tập trung, vừa đảm bảo bảo vệ rừng bền vững, vừa khai thác sản phẩm dược liệu dưới tán rừng cho người được giao khoán chăm sóc bảo vệ rừng.

- Qui mô, địa điểm: Xây dựng 03 mô hình/03 năm. Tổng diện tích thực hiện là 20 ha. triển khai tại các huyện miền núi của tỉnh.

- Kinh phí thực hiện: 1.275.000.000 đ

1.3. Mô hình phát triển nuôi các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao trong lồng bè trên hồ chứa, gắn với liên kết chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

- Mục tiêu, nội dung:

Xây dựng các mô hình nuôi nhằm khai thác tiềm năng mặt nước các hồ chứa để phát triển nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế cao bằng lồng bè, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho bà con nông dân, đồng bào ở vùng miền núi, tạo nguồn sản phẩm đa dạng, có chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường, nâng cao năng suất, giá trị và hướng đến sản xuất hàng hóa, gắn với liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

- Qui mô, địa điểm: Xây dựng 03 mô hình/03 năm. Triển khai tại các địa phương khu vực quanh lòng hồ thủy điện, hồ chứa thủy lợi.

- Kinh phí thực hiện: 1.273.000.000 đ

1.4. Mô hình phát triển nuôi các đối tượng thủy đặc sản nước ngọt

- Mục tiêu, nội dung:

Nhằm phát triển nuôi các đối tượng thủy đặc sản nước ngọt góp phần đa dạng hóa đối tượng, hình thức nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh; cung cấp nguồn thực phẩm sạch, chất lượng cho thị trường; xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi các loại thủy đặc sản phù hợp với các hình thức nuôi, để chuyển giao cho bà con nông ngư dân áp dụng vào sản xuất, xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

- Qui mô, địa điểm: Xây dựng 03 mô hình/03 năm. Triển khai tại các huyện vùng đồng bằng, trung du, miền núi của tỉnh.

- Kinh phí thực hiện: 1.329.000.000 đồng.

1.5. Mô hình phát triển nuôi các đối tượng thủy sản mặn, lợ tại vùng ven biển, gắn với tiêu thụ sản phẩm - Mục tiêu:

Nhằm khai thác tiềm năng mặt nước các ao hồ ở vùng triều, các sông nước mặn, lợ để phát triển nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế cao trong ao và lồng bè, tạo nguồn sản phẩm đa dạng, có chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường, nâng cao năng suất, giá trị và hướng đến sản xuất hàng hóa, gắn với liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

- Xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi các đối tượng thủy sản mặn, lợ phù hợp với các hình thức nuôi để chuyển giao cho bà con nông ngư dân áp dụng vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp tăng thu nhập.

- Qui mô, địa điểm: Xây dựng 03 mô hình/03 năm. Triển khai tại các huyện vùng đồng bằng, bãi ngang ven biển, vùng hảo đảo.

- Kinh phí thực hiện: 1.329.000 đồng.

1.6. Mô hình phát triển chăn nuôi bò thịt cao sản chuyên canh, theo hướng nâng cao giá trị và theo hướng giảm thiểu phát thải.

- Mục tiêu, nội dung:

Xây dựng mô hình chăn nuôi nhằm chuyển giao quy trình kỹ thuật chăn nuôi bò cao sản (BBB, Limousine, Droughmaster, Charolaise, Brahman, Angus...) nuôi vỗ béo thâm canh, áp dụng các biện pháp xử lý chất thải, chủ động nguồn thức ăn cho bò bằng cách phối trộn, chế biến, ủ chua các nguyên liệu thức ăn có sẵn tại địa phương, phòng tránh dịch bệnh trên đàn bò bằng vệ sinh thú y, chăm sóc nuôi dưỡng và tiêm phòng các loại vacxin. Thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông, không chăm sóc sang chăn nuôi có quy mô, có chuồng trại, có chăm sóc nuôi dưỡng, an toàn dịch bệnh, gắn với liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tạo ra thực phẩm sạch cho thị trường tiêu dùng.

Dùng men vi sinh xử lý chất thải hạn chế tác động ô nhiễm môi trường như, bệnh tật, chi phí và vệ sinh chuồng trại, chi phí xử lý chất thải….tạo động lực tích cực, giúp nông dân tại các địa phương trong tỉnh hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn, hạn chế tối đa ô nhiễm trong chăn nuôi.

- Qui mô, địa điểm: 03 mô hình/03 năm, triển khai tại huyện đồng bằng và trung du có nghề chăn nuôi bò phát triển.

- Kinh phí thực hiện: 1.192.000.000 đồng.

1.7. Mô hình chăn nuôi lợn áp dụng các biện pháp an toàn sinh học

- Mục tiêu, nội dung:

Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn áp dụng đồng bộ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học (chuồng trại, giống, thức ăn, nuôi dưỡng chăm sóc, quản lý đàn, vệ sinh phòng bệnh…) để đảm bảo an toàn dịch bệnh (nhất là đối với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi), tạo sản phẩm sạch cho thị trường, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, gắn với liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) như hiện nay, do chưa có vắc xin phòng bệnh nên việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn là biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ đàn lợn trước mối đe doạ từ bệnh DTLCP.

- Qui mô, địa điểm: 03 mô hình/03 năm. Triển khai tại các huyện đồng bằng và trung du của tỉnh.

- Kinh phí thực hiện: 1.122.000.000 đồng

1.8. Mô hình chăn nuôi gia cầm theo hướng hữu cơ (canh tác tự nhiên)/ VietGap.

- Mục tiêu, nội dung:

Chăn nuôi theo hướng hữu cơ, ứng dụng các chế phẩm vi sinh tạo ra các sản phẩm an toàn phục vụ cho đời sống đang là xu hướng chung của toàn cầu. Vì vậy, thực hiện mô hình với mục đích:

Nhằm chuyển giao phương pháp chăn nuôi gia cầm theo hướng tự nhiên sử dụng chế phẩm vi sinh vật bản địa IMO (Indegenous Mcroorganism) cho các nhóm hộ chăn nuôi gà trên địa bàn tỉnh. Ứng dụng men sản xuất từ vi sinh vật bản địa vào khâu chế biến thức ăn, phòng trị bệnh.

Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi gia cầm theo tiêu chuẩn VietGap, tận dụng các nguyên liệu sẵn có tại địa phương để giảm chi phí chăn nuôi, tạo nguồn sản phẩm sạch cung cấp trên địa bàn tỉnh

- Qui mô, địa điểm: 03 mô hình/03 năm. Triển khai thực hiện tại vùng trung du hoặc đồng bằng của tỉnh.

- Kinh phí thực hiện: 1.074.000.000 đồng

1.9. Mô hình phát triển cây ăn quả trong kinh tế vườn, kinh tế trang trại theo hướng an toàn, bền vững, gắn với liên kết sản xuất bền vững, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa

- Mục tiêu, nội dung:

Xây dựng mô hình trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: măng cụt, sầu riêng, bưởi, thanh trà ...tại các địa phương có điều kiện đất đai, khí hậu thời tiết phù hợp để nhằm tạo ra sản phẩm trái cây ăn quả hàng hóa theo hướng VietGap, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người nông dân ở vùng trung du, miền núi của Tỉnh. Qua đó hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, phương thức tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả mô hình kinh tế vườn, kinh tế trang trại, góp phần tích cực phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

- Qui mô, địa điểm: Xây dựng 03 mô hình/03 năm. Triển khai tại vùng trung du, miền núi của tỉnh.

- Kinh phí thực hiện: 1.481.000.000 đồng

1.10. Mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ tưới thông minh, tiết kiệm nước cho một số loại cây trồng

- Mục tiêu, nội dung:

Hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, ứng dụng các công nghệ tưới tiết kiệm nước, điều khiển bằng thiết bị cảm ứng, tự động hóa… phù hợp với điều kiện sản xuất của Quảng Nam.

- Qui mô, địa điểm: Xây dựng 03 mô hình/03 năm. Triển khai tại vùng đồng bằng của tỉnh.

- Kinh phí thực hiện: 1.122.000.000 đồng

1.11. Xây dựng mô hình sản xuất rau/củ/quả theo hướng hữu cơ/tiêu chuẩn VietGAP, gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo sản phẩm sạch, an toàn.

- Mục tiêu, nội dung:

Xây dựng các mô hình sản xuất áp dụng các biện pháp canh tác theo hướng hữu cơ/VietGAP, đồng thời xây dựng liên kết chuỗi giá trị, nhằm mục đích đảm bảo tạo sản phẩm sạch, an toàn, phục vụ thị hiếu và nhu cầu tiêu thụ của người dùng ngày càng cao, thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ rau bền vững.

- Qui mô, địa điểm: Xây dựng 03 mô hình/03 năm. Triển khai tại các vùng đô thị và ven đô thị, nơi có nghề trồng rau truyền thống.

- Kinh phí thực hiện: 1.052.000.000 đồng

1.12. Mô hình liên kết sản xuất lúa và xây dựng nhãn hiệu gạo Quảng Nam

- Mục tiêu, nội dung:

Hỗ trợ xây dựng mô hình liên kết 3 bên sản xuất lúa giống giữa doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa gạo, hợp tác xã nông nghiệp và nông dân vùng sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh. Qua đó tạo mối liên kết bền vững, các bên cùng có lợi, xây dựng được nhãn hiệu lúa gạo riêng có của Quảng Nam, cung cấp cho thị trường tiêu thụ, đáp nhu cầu ngày càng thiên về sử dụng gạo sạch, an toàn, theo hướng hữu cơ, thảo dược.

- Hỗ trợ một số giống, vật tư, công cụ thiết yếu để xây dựng mô hình sản xuất lúa gạo, thông qua đó hướng dẫn, đào tạo để nâng cao tay nghề sản xuất lúa gạo cho người dân.

- Hỗ trợ, tư vấn hình thành mối liên kết theo Quyết định số 291/QĐ-UBND ngày 22/01/2020 của UBND tỉnh về việc triển khai Nghị quyết số 17/2019/NQ- HĐND ngày 17/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh ngày 17/12/2019 phê duyệt chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

- Hỗ trợ hợp tác xã từng bước hoạt động hiệu quả theo Quyết định 2406/QĐ- UBND ngày 23/8/2021 của UBND tỉnh ban hanh Quy định triển khai thực hiện Nghị quyết 25/2021/NQ-HĐND ngày 22/7/2021 của HĐND tỉnh Quảng Nam quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025.

- Qui mô, địa điểm: Xây dựng 03 mô hình hỗ trợ/03 năm. Triển khai tại vùng đồng bằng của tỉnh.

- Kinh phí thực hiện: 1.122.000.000 đồng

1.13. Mô hình hỗ trợ cơ giới hóa một số khâu trong sản xuất nông nghiệp

- Mục tiêu, nội dung:

Mục tiêu chính là giảm công lao động, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, chống thất thoát trong khâu thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch. Cuối cùng là nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích.

Hỗ trợ nhóm nông dân một số công cụ, máy móc thiết yếu phục vụ các khâu sản xuất như: máy làm đất, máy cấy mi - ni cải tiến, máy rạch hàng gieo hạt, thu hoạch cây trồng cạn, máy thu hoạch lúa, máy sơ chế, sấy, bảo quản sau thu hoạch, đóng gói, vận chuyển...

- Qui mô, địa điểm: xây dựng 03 mô hình/03 năm. Triển khai tại các huyện đồng bằng.

- Kinh phí thực hiện: 1.192.000.000 đồng

2. Nhóm mô hình tạo sinh kế và hỗ trợ phát triển sản xuất cho khu vực miền núi

2.1. Mô hình phục hồi, nâng cao sinh kế cho người dân lưu vực các hồ thuỷ điện của tỉnh

- Mục tiêu, nội dung:

Xây dựng các mô hình phục hồi, nâng cao sinh kế cho người dân lưu vực các hồ thủy điện bị các tác động, ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác thủy điện trên địa bàn tỉnh nhằm hướng dẫn sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống lâu bền (thực hiện nhiệm vụ được giao theo Quyết định số 3121/QĐ-UBND ngày 18/10/2022, Quyết định số 425/QĐ-UBND ngày 21/2/2022, Thông báo số 41/TB- UBND ngày 17/02/2022 của UBND tỉnh Quảng Nam).

Các mô hình ưu tiên đề xuất: Trồng rừng nguyên liệu, trồng cây ăn quả khu vực đệm quanh lòng hồ, trồng cây dược liệu, nuôi các đối tượng thủy sản trong lồng bè trên hồ thủy điện, chăn nuôi gia súc…

- Qui mô, địa điểm: xây dựng 06 mô hình/03 năm. Triển khai tại các huyện miền núi của tỉnh.

- Kinh phí thực hiện: 2.875.000.000 đồng.

2.2. Mô hình hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất tại các xã miền núi, biên giới, hải đảo, xã đặc biệt khó khăn

- Mục tiêu, nội dung:

Xây dựng các mô hình hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất tại các xã miền núi, biên giới, hải đảo, đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 1100/QĐ-UBND ngày 16 tháng 4 năm 2020 của UBND tỉnh Quảng Nam về ban hành kế hoạch thực hiện công tác kết nghĩa, giúp đỡ các huyện, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn khó khăn, xã biên giới đất liền tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2020-2025.

Triển khai thực hiện Quyết định số 3121/2021/QĐ-UBND ngày 28/10/2021 của UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Chương trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- Các mô hình, đối tượng cần ưu tiên hỗ trợ:

Mô hình trồng các giống cây ăn quả đặc sản bản địa;

Mô hình nuôi các đối tượng cá nước ngọt trong ao;

Mô hình trồng cây dược liệu;

Mô hình nuôi giống ngan đen địa phương giải quyết thực phẩm tại chỗ cho đồng bào miền núi;

Mô hình nuôi heo Cỏ (heo đen miền núi);

Mô hình trồng, khai thác các loại lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng (Mây, Ươi, Trám...);

Mô hình nông lâm kết hợp trên đất nương rẫy (canh tác trên đất dốc - SALT).

- Qui mô, địa điểm: Xây dựng 09 mô hình/03 năm (mỗi năm lựa chọn thực hiện 03 mô hình). Triển khai tại các huyện miền núi của tỉnh.

- Kinh phí thực hiện: 4.455.000.000 đồng.

3. Nhóm mô hình phát triển sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu

3.1. Mô hình áp dụng gói kỹ thuật canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu cho một số loại cây trồng chủ lực ở Quảng Nam

- Mục tiêu, nội dung:

Xây dựng, chuyển giao mô hình sản xuất các loại cây trồng chủ lực ở Quảng Nam (lúa, màu, rau, cây ăn quả có múi, hồ tiêu, một số loại cây ăn quả khác), trên cơ sở ứng dụng “Gói kỹ thuật canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu” do Bộ Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo sử dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

- Qui mô, địa điểm: xây dựng 03 mô hình/03 năm. Triển khai tại vùng đồng bằng, ven biển của tỉnh.

- Kinh phí thực hiện: 2.454.000.000 đồng

3.2. Mô hình trồng rừng ngập mặn ứng phó với biến đổi khí hậu, kết hợp nuôi trồng các đối tượng thủy sản và phát triển du lịch cộng đồng (sinh thái) ở vùng ven biển, hải đảo

- Mục tiêu, nội dung:

Trồng rừng ngập mặn kết hợp nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch cộng đồng là giải pháp tối ưu để phát huy lợi thế vốn có của vùng đất ngập mặn và hạn chế tối đa những tác động bất lợi từ thiên nhiên, đồng thời thích ứng dần với những diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt. Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng nên vùng đất ven biển đang có nguy cơ bị tác động bởi nhiều tai biến như xói lở bờ biển, bão, lũ lụt, các hiện tượng thời tiết cực đoan... Bên cạnh đó, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi mục đích sử dụng đất đã có nhiều ảnh hưởng đến diện tích đất của vùng cát ven biển, làm cho nguồn sinh kế của người dân bị cạn kiệt, môi trường ô nhiễm, sản xuất gặp nhiều rủi ro bởi dịch bệnh và biến động theo hướng cực đoan của yếu tố thời tiết (nắng, khô hạn hoặc lũ lụt). Điều này đang đặt ra cho địa phương nhiều thách thức trong việc chống xói lở, bảo vệ vùng đất ven biển, tạo tiểu vùng khí hậu phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững, tạo sinh kế và cải thiện nguồn thu nhập cho người dân vùng biển.

Mô hình đề xuất: Trồng cây đước kết hợp nuôi các đối tượng thủy sản: Tôm sú, cua xanh, cá dìa, cá đối mục; Trồng cây dừa nước kết hợp khai thác nguồn lợi thủy sản và du lịch sinh thái, cộng đồng...

- Qui mô, địa điểm: Xây dựng 03 mô hình/03 năm. Triển khai tại vùng đồng bằng, bãi ngang ven biển, hải đảo của tỉnh.

- Kinh phí thực hiện: 1.518.000.000 đồng.

4. Các mô hình nông nghiệp gắn với chuyển đổi số, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

- Mục tiêu, nội dung:

Việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp góp phần quan trọng thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm là xu hướng tất yếu trong tiến trình phát triển của xã hội nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng. Ngoài các mô hình trọng điểm lựa chọn thực hiện như đã nêu trên, trong giai đoạn 2023 - 2026, hệ thống khuyến nông sẽ từng bước cập nhật, tiếp cận, đề xuất và tham gia thực hiện các mô hình ứng dụng tiến bộ, công nghệ mới để đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn trong tình hình mới như:

Thực hiện thí điểm mô hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản gắn với chuyển đổi số trên các đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực hoặc sản phẩm OCOP có năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Xây dựng các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh: Nuôi tôm thẻ chân trắng trên ao lót bạt áp dụng công nghệ cao; nuôi đại gia súc tập trung, thâm canh, ứng dụng công nghệ cao; sản xuất cây lương thực, thực phẩm, rau củ quả theo qui trình điều khiển tự động hóa, thông minh…

- Qui mô, địa điểm: Xây dựng 06 mô hình/03 năm. Triển khai tại vùng đồng bằng.

- Kinh phí thực hiện: 2.595.000.000 đồng.

IV. HỢP TÁC QUỐC TẾ

1. Hợp tác với tỉnh Sê Kông (Lào)

* Mục tiêu, nội dung

- Thực hiện nhiệm vụ khuyến nông chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tập huấn hướng dẫn kiến thức, kỹ năng giúp cán bộ nông nghiệp tỉnh Sê Kông (Lào) theo phân công của UBND tỉnh trong chương trình hợp tác thường niên được ký kết giữa 02 tỉnh.

- Nội dung hoạt động:

Hỗ trợ giống, vật tư, các điều kiện khác để xây dựng mô hình trình diễn, khuyến cáo mở rộng ứng dụng.

Tập huấn kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến nông, cán bộ phục vụ sản xuất nông nghiệp và nông dân chủ chốt.

Tổ chức các chuyến khảo sát, đánh giá, điều tra qui hoạch phát triển sản xuất cho 2 huyện Đắc Chưng và Kờ Lừm của tỉnh Sê Kông.

* Kinh phí thực hiện: 1.300.000.000 đồng

2. Hợp tác với các tổ chức Quốc tế

* Mục tiêu, nội dung

- Thực hiện các hoạt động hợp tác với các Tổ chức Quốc tế trong công tác khuyến nông trên địa bàn tỉnh như: Tầm nhìn Thế Giới (World Vision), Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc (FAO), Ngân hàng Thế giới (WB), một số Tổ chức Phi Chính phủ khác,...khi có nhu cầu hợp tác của phía đối tác và sự chỉ đạo, phân công của cấp trên.

- Nội dung thực hiện: Đào tạo, tập huấn, thông tin tuyên truyền, xây dựng mô hình, khảo sát đánh giá, tư vấn chính sách và một số hoạt động đặc thù khác theo nhu cầu của phía đối tác.

* Kinh phí thực hiện: 600.000.000 đồng.

V. TƯ VẤN, DỊCH VỤ KHUYẾN NÔNG

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, theo nhu cầu của doanh nghiệp, người sản xuất, hệ thống khuyến nông Nhà nước trên địa bàn tỉnh tham gia một số hoạt động tư vấn, dịch vụ phù hợp theo quy định tại Nghị định 83/2018/NĐ-CP về khuyến nông và khả năng của đơn vị.

Phần thứ tư

KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Tổng nhu cầu kinh phí: 37.086.000.000 đồng

(Ba mươi bảy tỷ, không trăm tám mươi sáu triệu đồng)

2. Nguồn kinh phí

- Kinh phí từ Ngân sách Nhà nước: 30.972.000.000 đồng (chiếm 83,50% tổng kinh phí Chương trình).

Ngân sách Trung ương (thông qua hợp đồng với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hàng năm): 600.000.000 đồng;

Ngân sách sự nghiệp nông nghiệp cấp tỉnh: 17.785.000.000 đồng;

Ngân sách cấp huyện: 12.587.000 đồng (do UBND cấp huyện bố trí kinh phí hàng năm để tổ chức thực hiện Chương trình).

- Kinh phí do người dân tham gia đối ứng: 5.514.000.000 đồng (chiếm 14,87% tổng kinh phí Chương trình).

- Huy động từ nguồn khác: 600.000.000 đồng (chiếm 1,60% tổng kinh phí Chương trình).

3. Khái toán kinh phí thực hiện Chương trình

- Kinh phí phân theo năm

TT

Tên chương trình, mô hình, hoạt động

Tổng kinh phí
(nghìn đồng)

Phân theo năm (2023-2025)

2023

2024

2025

Tổng kinh phí giai đoạn 2023-2025

37.086.000

11.660.000

12.237.000

13.189.000

I

Bồi dưỡng, tập huấn và đào tạo

2.900.000

900.000

900.000

1.100.000

II

Thông tin tuyên truyền

2.500.000

800.000

800.000

900.000

III

Xây dựng và nhân rộng mô hình

29.786.000

9.360.000

9.937.000

10.489.000

1

Nhóm chương trình, mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ

15.889.000

4.990.000

5.311.000

5.588.000

1.1

Mô hình Phát triển trồng rừng gỗ lớn ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, gắn với XD chứng chỉ rừng bền vững (FSC).

1.326.000

425.000

442.000

459.000

1.2

Mô hình Phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng, nâng cao giá trị kinh tế rừng, kết hợp bảo vệ rừng bền vững.

1.275.000

408.000

425.000

442.000

1.3

Mô hình Phát triển nuôi các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao trong lồng bè trên hồ chứa, gắn với liên kết chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

1.273.000

391.000

457.000

425.000

1.4

Mô hình phát triển nuôi các đối tượng thủy đặc sản nước ngọt

1.329.000

422.000

443.000

464.000

1.5

Mô hình phát triển nuôi các đối tượng thủy sản mặn, lợ tại vùng ven biển, gắn với tiêu thụ sản phẩm

1.329.000

422.000

443.000

464.000

1.6

Mô hình phát triển nuôi bò thịt cao sản chuyên canh, theo hướng nâng cao giá trị và theo hướng giảm thiểu phát thải.

1.192.000

374.000

397.000

421.000

1.7

Mô hình chăn nuôi lợn áp dụng các biện pháp an toàn sinh học

1.122.000

351.000

374.000

397.000

1.8

Mô hình chăn nuôi gia cầm theo hướng hữu cơ (canh tác tự nhiên)/ VietGap

1.074.000

337.000

358.000

379.000

1.9

Mô hình phát triển cây ăn quả trong kinh tế vườn, kinh tế trang trại theo hướng an toàn, bền vững, gắn với liên kết sản xuất bền vững, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa

1.481.000

457.000

476.000

548.000

1.10

Mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ tưới thông minh, tiết kiệm nước cho một số loại cây trồng

1.122.000

351.000

374.000

397.000

1.11

Xây dựng mô hình sản xuất rau/củ/quả theo hướng hữu cơ/tiêu chuẩn VietGAP, gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo sản phẩm sạch, an toàn

1.052.000

327.000

351.000

374.000

1.12

Mô hình liên kết sản xuất lúa và xây dựng nhãn hiệu gạo Quảng Nam

1.122.000

351.000

374.000

397.000

1.13

Mô hình hỗ trợ cơ giới hóa một số khâu trong sản xuất nông nghiệp.

1.192.000

374.000

397.000

421.000

2

Nhóm MH tạo sinh kế và hỗ trợ phát triển sản xuất cho khu vực miền núi

7.330.000

2.342.000

2.437.000

2.551.000

2.1

Mô hình phục hồi, nâng cao sinh kế cho người dân lưu vực các hồ thuỷ điện của tỉnh

2.875.000

914.000

952.000

1.009.000

2.2

Mô hình hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất tại các xã miền núi, biên giới, xã đặc biệt khó khăn

4.455.000

1.428.000

1.485.000

1.542.000

3

Nhóm mô hình phát triển sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu

3.972.000

1.233.000

1.324.000

1.415.000

3.1

Mô hình áp dụng gói kỹ thuật canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu cho một số loại cây trồng chủ lực ở Quảng Nam

2.454.000

748.000

818.000

888.000

3.2

Mô hình trồng rừng ngập mặn ứng phó với biến đổi khí hậu, kết hợp nuôi trồng các đối tượng thủy sản và phát triển du lịch cộng đồng (sinh thái) ở vùng ven biển, hải đảo

1.518.000

485.000

506.000

527.000

4

Các mô hình nông nghiệp chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao...

2.595.000

795.000

865.000

935.000

IV

Hợp tác Quốc tế

1.900.000

600.000

600.000

700.000

1

Hợp tác với tỉnh Sê Kông (Lào)

1.300.000

400.000

400.000

500.000

2

Hợp tác với các Tổ chức Quốc tế

600.000

200.000

200.000

200.000

TỔNG

37.086.000

 

 

 

- Kinh phí phân theo nguồn

TT

Tên chương trình, mô hình, hoạt động

Tổng kinh phí
(100%)

Phân theo nguồn kinh phí (1.000 đồng)

NS Trung ương

NSNN Tỉnh

NSNN cấp Huyện

Đóng góp của dân

Nguồn khác

 

Tổng kinh phí (giai đoạn 2023-2025)

37.086.000

600.000

17.785.000

12.587.000

5.514.000

600.000

I

Bồi dưỡng, tập huấn và đào tạo

2.900.000

300.000

1.300.000

1.300.000

 

 

II

Thông tin tuyên truyền

2.500.000

300.000

1.000.000

1.200.000

 

 

III

Xây dựng và nhân rộng mô hình

29.786.000

 

14.185.000

10.087.000

5,514.000

 

1

Nhóm chương trình, mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới

15.889.000

 

7.455.000

5.376.000

3.058.000

 

1.1

Mô hình Phát triển trồng rừng gỗ lớn ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, gắn với XD chứng chỉ rừng bền vững (FSC).

1.326.000

 

780.000

546.000

 

 

1.2

Mô hình Phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng, nâng cao giá trị kinh tế rừng, kết hợp bảo vệ rừng bền vững.

1.275.000

 

750.000

525.000

 

 

1.3

Mô hình Phát triển nuôi các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao trong lồng bè trên hồ chứa, gắn với liên kết chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

1.273.000

 

720.000

504.000

49.000

 

1.4

Mô hình phát triển nuôi các đối tượng thủy đặc sản nước ngọt

1.329.000

 

630.000

441.000

258.000

 

1.5

Mô hình phát triển nuôi các đối tượng thủy sản mặn, lợ tại vùng ven biển, gắn với tiêu thụ sản phẩm

1,329.000

 

630.000

441.000

258.000

 

1.6

Mô hình phát triển nuôi bò thịt cao sản chuyên canh, theo hướng nâng cao giá trị và theo hướng giảm thiểu phát thải.

1.192.000

 

510.000

357.000

325.000

 

1.7

Mô hình chăn nuôi lợn áp dụng các biện pháp an toàn sinh học

1.122.000

 

480.000

336.000

306.000

 

1.8

Mô hình chăn nuôi gia cầm theo hướng hữu cơ (canh tác tự nhiên)/ VietGap

1.074.000

 

510.000

357.000

207.000

 

1.9

Mô hình phát triển cây ăn quả trong kinh tế vườn, kinh tế trang trại theo hướng an toàn, bền vững, gắn với liên kết sản xuất bền vững, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa

1.481.000

 

525.000

525.000

431.000

 

1.10

Mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ tưới thông minh, tiết kiệm nước cho một số loại cây trồng

1.122.000

 

480.000

336.000

306.000

 

1.11

Xây dựng mô hình sản xuất rau/củ/quả theo hướng hữu cơ/tiêu chuẩn VietGAP, gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo sản phẩm sạch, an toàn

1.052.000

 

450.000

315.000

287.000

 

1.12

Mô hình liên kết sản xuất lúa và xây dựng nhãn hiệu gạo Quảng Nam

1.122.000

 

480.000

336.000

306.000

 

1.13

Mô hình hỗ trợ cơ giới hóa một số khâu trong sản xuất nông nghiệp.

1.192.000

 

510.000

357.000

325.000

 

2

Nhóm MH tạo sinh kế và hỗ trợ phát triển sản xuất cho khu vực miền núi

7.330.000

 

3.850.000

2.695.000

785.000

 

2.1

Mô hình phục hồi, nâng cao sinh kế cho người dân lưu vực các hồ thuỷ điện của tỉnh

2.875.000

 

1.510.000

1.057.000

308.000

 

2.2

Mô hình hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất tại các xã miền núi, biên giới, xã đặc biệt khó khăn

4.455.000

 

2.340.000

1.638.000

477.000

 

3

Nhóm mô hình phát triển sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu

3.972.000

 

1.770.000

1.239.000

963.000

 

3.1

Mô hình áp dụng gói kỹ thuật canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu cho một số loại cây trồng chủ lực ở Quảng Nam

2.454.000

 

1.050.000

735.000

669.000

 

3.2

Mô hình trồng rừng ngập mặn ứng phó với biến đổi khí hậu, kết hợp nuôi trồng các đối tượng thủy sản và phát triển du lịch cộng đồng (sinh thái) ở vùng ven biển, hải đảo

1.518.000

 

720.000

504.000

294.000

 

4

Các Mô hình nông nghiệp chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao...

2.595.000

 

1.110.000

777.000

708.000

 

IV

Hợp tác Quốc tế

1.900.000

 

1.300.000

 

 

600.000

Phần thứ năm

GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Về kiện toàn tổ chức, bộ máy, chức năng nhiệm vụ, huy động nguồn nhân lực; hoàn thiện cơ chế chính sách và quản lý hoạt động của hệ thống khuyến nông

Tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức hệ thống khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở theo Nghị định 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ về khuyến nông. Củng cố lại, tăng cường năng lực hoạt động của mạng lưới khuyến nông viên cấp xã, cộng tác viên khuyến nông thôn bản để đảm bảo là cánh tay nối dài của hệ thống khuyến nông đến tận người nông dân.

Triển khai Kế hoạch xây dựng Tổ khuyến nông cộng đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025 (theo Quyết định số 2396/QĐ-UBND ngày 14/9/2022 của UBND tỉnh) nhằm tăng cường hiệu quả công tác khuyến nông ở cơ sở, qua đó góp phần thúc đẩy quá trình thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Về nguồn nhân lực đảm bảo cho việc điều phối triển khai thực hiện Chương trình: Nhân lực phục vụ triển khai chương trình được huy động thông qua việc phối kết hợp giữa đội ngũ cán bộ khuyến nông cấp tỉnh với Trung tâm kỹ thuật Nông nghiệp cấp huyện và khuyến nông viên cơ sở xã phường, thị trấn. Huy động lực lượng cộng tác viên khuyến nông thôn, bản, thành viên Tổ khuyến nông cộng đồng. Ngoài ra, có thể huy động thành viên của các hội, đoàn thể ở cơ sở để hỗ trợ thực hiện hoạt động khuyến nông.

Tiếp tục bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, các tiêu chuẩn, quy định về quản lý hoạt động khuyến nông theo Thông tư số 75/2019/TT-BTC, ngày 04/11/2019 của Bộ Tài chính về Qui định quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện hoạt động khuyến nông phù hợp với tình hình mới, tương xứng với đặc thù kinh tế - xã hội của địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Thực hiện giao bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho tổ chức khuyến nông Nhà nước cấp tỉnh, huyện trên một số hoạt động theo phương thức Nhà nước giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng thực hiện chức năng hỗ trợ quản lý Nhà nước trên lĩnh vực nông nghiệp.

Triển khai thực hiện Thông tư số 18/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/12/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về quy định mã số chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành khuyến nông, chuyên ngành quản lý bảo vệ rừng. Xây dựng chính sách đãi ngộ để khuyến khích cán bộ khuyến nông làm việc lâu dài, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Lồng ghép các hoạt động khuyến nông với việc triển khai các chương trình, chính sách xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển sinh kế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước.

Ban hành hướng dẫn tạm thời một số quy định về tiêu chuẩn, định mức chưa có nhưng trong thực tế có nhu cầu thực hiện như: mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mô hình nông nghiệp gắn với chuyển đổi số, tiêu chuẩn sản xuất theo hướng hữu cơ, định mức KT-KT một số loại cây trồng, vật nuôi bản địa...

2. Đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động để nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông

Bám sát chủ trương, định hướng, mục tiêu, chương trình hành động của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, của UBND tỉnh, của ngành nông nghiệp hàng năm; đặc biệt là chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chương trình xây dựng nông thôn mới; các chương trình mục tiêu về nước sạch và vệ sinh môi trường; giảm nghèo bền vững; đào tạo nghề cho nông dân; an toàn vệ sinh thực phẩm... để tổ chức triển khai có hiệu quả công tác khuyến nông nhằm phát triển các ngành hàng có lợi thế, đồng thời nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả và khả năng cạnh tranh các mặt hàng nông, lâm, thủy sản.

Thực hiện rà soát, cập nhật, chọn lọc các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, mô hình sản xuất thiết thực, phù hợp với điều kiện địa phương để triển khai áp dụng trên diện rộng nhằm phát triển ngành nông nghiệp một cách bền vững, có hiệu quả về kinh tế và xã hội, tránh dàn trải, lãng phí.

Đẩy mạnh áp dụng các phương pháp tiếp cận khuyến nông tiên tiến, phương pháp khuyến nông có sự tham gia của người dân, nhất là phương pháp lớp học hiện trường (FFS); phương pháp giảng dạy lấy học viên làm trung tâm (LCTM), phương pháp khuyến nông có sự tham gia (PEAM)... vào hoạt động khuyến nông để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của các hoạt động.

3. Tăng cường ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất; mở rộng và cải tiến các kênh truyền thông để chuyển tải đầy đủ, kịp thời, chính xác và có hiệu quả đến người dân

Hướng dẫn, hỗ trợ các trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã,...áp dụng công nghệ thông tin để từng bước chuyển đổi số trong sản xuất, quản lý nông trại, tiêu thụ sản phẩm, kết nối thị trường..., có kế hoạch cụ thể để đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về kỹ năng truyền thông cho cán bộ khuyến nông các cấp như kỹ năng viết tin, bài, xây dựng tờ rơi, áp phích, băng hình,...phát triển và cải tiến các kênh truyền thông cộng đồng về công tác khuyến nông qua hệ thống báo viết, báo hình, báo nói và báo điện tử; đồng thời cập nhật, đăng tải thông tin về giá cả, thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, tình hình hội nhập và cạnh tranh quốc tế đến tận người sản xuất

Thúc đẩy sự tham gia tích cực của các cấp, ban, ngành vào hoạt động truyền thông, cập nhật thông tin một cách đa dạng, nhiều chiều, khách quan và kịp thời nhằm đưa ra các dự báo chính xác phục vụ chương trình phát triển nông nghiệp và nông thôn.

4. Chú trọng nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật và tăng cường năng lực cho cán bộ làm công tác khuyến nông

Tập trung nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác khuyến nông các cấp. Trong đó, ưu tiên cho việc đào tạo cán bộ khuyến nông cấp huyện và xã.

Chú trọng nâng cao kỹ năng thực hành, kiến thức thực tế, tinh thần, trách nhiệm và thái độ phục vụ, đồng thời nâng cao kỹ năng giao tiếp, truyền đạt, tổ chức hội thảo, xây dựng mô hình và đánh giá các hoạt động khuyến nông.

Đầu tư nâng cấp cơ sở, vật chất, trợ huấn cụ, trang bị phương tiện làm việc cho hệ thống khuyến nông. Tăng cường đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông để tham gia tích cực vào công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đặc biệt tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở (Chú trọng đến các thành viên Tổ Khuyến nông cộng đồng); cải thiện điều kiện môi trường làm việc và tạo cơ hội phát triển cho cán bộ khuyến nông trẻ.

5. Huy động tối đa các nguồn lực, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác khuyến nông

Tranh thủ các nguồn lực thực hiện chương trình khuyến nông thông qua liên kết với các Viện, Trường, các Trung tâm nghiên cứu, các đơn vị kỹ thuật trong ngành để tiếp nhận nhanh các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới phục vụ sản xuất.

Sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, vốn nghiên cứu khoa học và các nguồn vốn liên kết khác từ các Dự án, các doanh nghiệp nông nghiệp, các Tổ chức Quốc tế… để tăng cường và đa dạng hóa, xã hội hóa công tác khuyến nông, đưa tiến bộ kỹ thuật và khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Tích cực triển khai các giải pháp huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia vào công tác khuyến nông, thông qua việc đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút các tổ chức xã hội tham gia... nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và tinh thần, trách nhiệm trong công tác khuyến nông.

6. Thúc đẩy hình thành chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, phát triển nông nghiệp theo hướng tăng giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong thời gian tới

Đẩy nhanh việc hình thành và đổi mới hình thức hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, câu lạc bộ khuyến nông, tổ hợp tác theo hình thức dịch vụ trọn gói từ cung ứng các dịch vụ đầu vào đến tìm đầu ra cho sản phẩm xứng đáng là đầu mối đại diện cho nông dân trong mối liên kết “bốn nhà” trong sản xuất nông nghiệp

Khuyến khích các hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, cánh đồng lớn... từ tổ chức sản xuất, đến thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ để tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung mang lại thu nhập ổn định cho nông dân.

Nghiên cứu thí điểm thực hiện mô hình hoạt động theo cơ chế đối tác công tư (PPP) nhằm huy động, thu hút nguồn lực và sự tham gia của các doanh nghiệp vào hoạt động khuyến nông và tăng thu ngân sách cho địa phương.

7. Phương án khuyến cáo nhân rộng mô hình

Việc khuyến cáo nhân rộng các mô hình trình diễn đã được đánh giá là đạt hiệu quả được thực hiện thông qua các cách thức sau:

- Tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình:

Trên cơ sở các mô hình trình diễn được xây dựng thành công từ nguồn ngân sách tỉnh, hàng năm ngân sách cấp huyện bố trí kinh phí để xây dựng nhắc lại mô hình ở địa phương khác có cùng điều kiện trong huyện để trực tiếp khuyến cáo nhân rộng mô hình trên địa bàn.

Vận động người dân tự đầu tư toàn bộ nguồn lực để áp dụng mô hình đã được thực hiện thành công theo hình thức lan tỏa, mở rộng với sự tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn trực tiếp tại hiện trường của cán bộ khuyến nông các cấp.

- Hệ thống khuyến nông tư vấn, hỗ trợ xây dựng các mô hình chuyển giao KH- CN từ kết quả của các nhiệm vụ, đề tài khoa học - công nghệ đã được triển khai.

- Khuyến cáo nhân rộng thông qua các hình thức tuyên truyền: Các phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc hội nghị, hội thảo, diễn đàn, các cuộc tham quan học tập, các ấn phẩm thông tin khuyến nông khác...

- Trên cơ sở tổng kết đánh giá hiệu quả các mô hình, hệ thống khuyến nông tham gia tham mưu, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách hậu mô hình để duy trì và hỗ trợ nhân rộng.

- Xúc tiến hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã đối với các hộ sản xuất cùng ngành nghề, cùng đối tượng, theo từng loại hình trên địa bàn dân cư, mời gọi doanh nghiệp tham gia, từng bước sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.

8. Phương án liên kết tổ chức sản xuất

Phương án liên kết được thực hiện theo 2 mô hình: liên kết dọc và liên kết ngang.

Trong mô hình liên kết dọc, doanh nghiệp đóng vai trò nhà đầu tư, người tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cả vai trò đảm bảo thị trường tiêu thụ. Nông dân nhận khoán theo định mức chi phí và được hỗ trợ một phần chi phí xây dựng cơ bản ban đầu, chi phí lao động và sản xuất trên đất của mình. Mô hình nông dân góp cổ phần với doanh nghiệp bằng giá trị quyền sử dụng đất. Doanh nghiệp vẫn đóng vai trò chủ đạo trong việc đầu tư giống, vốn, KHKT và tổ chức quản lý dự án. Người nông dân trở thành những cổ đông, được chia cổ tức hoặc được tuyển dụng thành người lao động làm công ăn lương, nông dân tham gia vào các công đoạn sản xuất và nhận tiền lương khi lao động.

Mô hình liên kết theo chiều ngang, liên kết giữa những người sản xuất, các đơn vị kinh doanh với nhau. Điển hình là mô hình các hợp tác xã (HTX), Tổ hợp tác kiểu mới. Các HTX này đảm nhận cung cấp các dịch vụ sản xuất cả ở đầu vào và đầu ra cho hộ xã viên như cung cấp vật tư, phân bón, nguyên liệu thức ăn gia súc, bảo vệ thực vật và tiêm phòng cho gia súc, gia cầm. HTX cũng là cầu nối giữa doanh nghiệp với nông hộ, đại diện cho hộ ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản; Bảo vệ quyền lợi cho xã viên.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh hỗ trợ hình thành các tổ chức hợp tác theo quy mô cộng đồng dưới hình thức HTX dịch vụ nông nghiệp, công ty cổ phần. Loại hình này thực hiện các khâu dịch vụ đầu vào, đầu ra cho sản xuất như tưới tiêu, cung cấp giống, vật tư phân bón, tổ chức dịch vụ làm đất, thu hoạch và chuyển giao KHKT, dịch vụ bảo vệ thực vật tập trung và tiêu thụ nông sản cho xã viên.

Phần thứ sáu

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và PTNT

- Tham mưu UBND tỉnh triển khai Chương trình khuyến nông giai đoạn 2023-2026 trên địa bàn tỉnh; chủ trì hướng dẫn lập, tổng hợp, phê duyệt kế hoạch thực hiện hàng năm và các chương trình, dự án, mô hình, hoạt động khuyến nông theo Chương trình.

- Hàng năm, trên cơ sở Chương trình được phê duyệt, chỉ đạo cơ quan chuyên môn khuyến nông cấp tỉnh xây dựng kế hoạch chương trình khuyến nông hàng năm trong giai đoạn, trình cấp thẩm quyền phê duyệt triển khai thực hiện. Ngoài ra, hằng năm, căn cứ vào các định hướng, nhiệm vụ mới phát sinh được giao của cấp trên có thẩm quyền, Sở Nông nghiệp và PTNT lập dự toán bổ sung, phối hợp với Sở Tài chính trình UBND tỉnh quyết định phân bổ kinh phí để thực hiện.

- Chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông và các đơn vị trực thuộc Sở tổ chức triển khai thực hiện Chương trình đạt mục tiêu đề ra.

- Theo dõi, đôn đốc các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện; hàng năm tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện Chương trình, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.

- Tham mưu UBND tỉnh triển khai Kế hoạch xây dựng mô hình Tổ khuyến nông cộng đồng. Theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá và đề xuất giải pháp nhân rộng mô hình.

2. Các Sở, ngành liên quan

- Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí từ ngân sách sự nghiệp phát triển nông nghiệp hàng năm để đảm bảo thực hiện Chương trình.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu cho UBND tỉnh trong việc bố trí vốn đầu tư tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật của hệ thống khuyến nông trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

- Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan thực hiện chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu và quảng bá sản phẩm nông sản; phối hợp với các ngành trong quản lý kinh doanh, buôn bán các loại vật tư nông lâm, thủy sản theo đúng quy định.

- Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu kiện toàn, củng cố hệ thống tổ chức khuyến nông trên địa bàn tỉnh;

- Sở Khoa học và Công nghệ ưu tiên bố trí các đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật để hệ thống khuyến nông trên địa bàn tỉnh tham gia tổ chức thực hiện; đề xuất các giải pháp khoa học và công nghệ tiên tiến để thực hiện Chương trình.

- Cơ quan thông tin tuyên truyền và các tổ chức hội, đoàn thể tăng cường phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT để tuyên truyền, khuyến cáo nhân rộng hiệu quả các mô hình khuyến nông.

- Các Sở, Ban, ngành liên quan: Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp thực hiện các nội dung Chương trình.

3. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Cân đối nguồn lực tài chính để xây dựng kế hoạch, bố trí ngân sách cấp huyện trung hạn và hàng năm tham gia thực hiện Chương trình khuyến nông giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn.

- Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT/Phòng Kinh tế, Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện, UBND xã, phường và phòng ban có liên quan phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố.

- Huy động nguồn kinh phí sự nghiệp, sự nghiệp khoa học, vốn phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu được phân bổ để thực hiện Chương trình này.

- Định kỳ hàng năm, tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện Chương trình bằng nguồn ngân sách của địa phương gửi Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

4. Các doanh nghiệp, tổ chức, tư nhân tham gia hoạt động khuyến nông

- Các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cần bố trí một phần kinh phí xây dựng các mô hình khuyến nông để hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, tập huấn, đào tạo tay nghề cho nông dân. Chủ trì xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản bền vững trên địa bàn.

- Các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tích cực hưởng ứng và làm đầu mối vận động nông dân tham gia các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩn. Đề xuất thành lập Tổ khuyến nông cộng đồng để hỗ trợ tổ chức sản xuất của HTX, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn, đồng thời cũng là điều kiện để hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

- Các Tổ chức khuyến nông ngoài Nhà nước tích cực tham gia, hỗ trợ triển khai các hoạt động khuyến nông theo hình thức phi lợi nhuận để góp phần thúc đẩy công tác khuyến nông trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, đem lại hiệu quả thiết thực hơn cho cộng đồng.

5. Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức - chính trị xã hội của tỉnh trên cơ sở nhiệm vụ, chương trình phối hợp, cùng với Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức triển khai một số nhiệm vụ của Chương trình./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 74/QĐ-UBND năm 2023 về Chương trình Khuyến nông tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023-2025

  • Số hiệu: 74/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/01/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Người ký: Hồ Quang Bửu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/01/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản