Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7123/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 8 tháng 10 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH KHẮC PHỤC SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG SAU BÃO, LŨ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Quyết định số 1041/QĐ-TTg ngày 24/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Kế hoạch Khắc phục sự cố môi trường sau bão, lũ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND thành phố; Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND quận, huyện; Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như thành phần trong Kế hoạch; 
- TTTU, TT HĐNDTP; 
- Chủ tịch HĐND TP; 
- Bộ Tài nguyên và Môi trường; 
- CT và các PCT UBND TP; 
- Đoàn ĐBQH thành phố; 
- UBMTTQVN thành phố; 
- Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể; 
- UBND các quận, huyện, phường, xã; 
- Trung tâm THVN tại Đà Nẵng; 
- Đài PTTH ĐN, Báo Đà Nẵng; 
- Trung tâm Tin học - Công báo thành phố;
- Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng; 
- VP UBNDTP: Phòng KTTH, TH, KTN; 
- Lưu: VT, QLĐTh.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Tuấn

 

KẾ HOẠCH

KHẮC PHỤC SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG SAU BÃO, LŨ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 7123/QĐ-UBND ngày 08 tháng 10 năm 2014 của UBND thành phố Đà Nẵng)

MỞ ĐẦU

Trong giai đoạn từ năm 2005-2013 thành phố Đà Nẵng phải gánh chịu nhiều loại thiên tai khắc nghiệt, bao gồm: bão, lũ lụt, ngập úng, hạn hán, xói lở,... gây thiệt hại về người và của rất lớn. Dưới ảnh hưởng của thiên tai nhiều diện tích đất bị mất tạm thời do hạn hán, nhiễm mặn và ngập lụt hoặc vĩnh viễn do xói lở bờ sông, bờ biển do bão, lũ, triều cường, xâm thực, lũ lụt; hư hỏng hạ tầng kỹ thuật, các công trình giao thông, điện lực và hệ thống thông tin liên lạc. Cuối năm 2013, Bão số 11 (bão Nari) với sức gió cấp 12, 13, giật cấp 15, 16 đổ bộ vào phía Nam thành phố Đà Nẵng đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản của chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng: 221 phòng học bị tốc mái, sập la phông và hư hại nặng; hệ thống điện chiếu sáng bị hư hỏng nhiều: ngã 1.504 trụ đèn, 329 bộ đèn trang trí hỏng, 228 bộ đèn chiếu sáng bị bể, mất, đứt 5.137 m dây cáp điện treo,... một số đường dây hạ thế, đường dây 22 KV bị ngã đổ; sạt lở đường, hư hỏng hệ thống biển báo, hệ thống đèn giao thông, bể mất bóng đèn, hư hỏng lan can, giải phân cách các các tuyến đường như: Hoàng Sa, Trường Sa, đường DT 604, DT 601, đường lên Bà Nà, đường Bạch Đằng, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Tất Thành, Hoàng Sa, Trường Sa và một số tuyến đường, công trình đang thi công khác,... và còn nhiều thiệt hại khác ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố.

Một trong những vấn đề đáng quan tâm hàng đầu sau các đợt thiên tai là sự cố môi trường. Việc tồn đọng rác thải sau bão, nhất là ở khu vực nội thành đông đúc dân cư đã khiến công tác bảo đảm vệ sinh môi trường trở thành vấn đề đặc biệt quan trọng, nguồn nước sinh hoạt tại nhiều nơi cũng bị ô nhiễm, nguy cơ phát sinh dịch bệnh là rất lớn, rác lũ nếu không dọn kịp thời ảnh hưởng đến du lịch biển, … Vì vậy, nếu không có kế hoạch khắc phục sự cố môi trường một cách chi tiết, công tác chỉ đạo kịp thời và nhanh chóng thì thiệt hại về môi trường và xã hội của bão lũ sẽ tăng đáng kể. Chính vì vậy, việc xây dựng kế hoạch khắc phục sự cố môi trường sau bão, lũ là rất cần thiết trong điều kiện hiện nay, khi mà thành phố ngày càng hứng chịu nhiều cơn bão, lũ lớn trong tương lai do biến đổi khí hậu.

Phần I

KẾ HOẠCH KHẮC PHỤC SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG SAU BÃO, LŨ

I. Mục tiêu

Thực hiện khắc phục sự cố môi trường đối với khu vực đô thị, bãi biển sau bão, lũ trong thời gian ngắn nhất; Toàn bộ lượng rác thải phát sinh được thu gom triệt để, các nhà máy xử lý chất thải trở lại hoạt động bình thường, đảm bảo vận hành ổn định;

Hình thành cơ chế phối hợp thực hiện liên ngành cấp thành phố để các đơn vị, địa phương huy động nguồn lực xã hội trong việc giải quyết kịp thời, nhanh chóng tình hình vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố trước, trong và sau bão, lũ;

Hạn chế đến mức thấp nhất mức độ tác động đến môi trường do sự cố môi trường sau bão, lũ gây ra;

Đảm bảo giao thông, cảnh quan đô thị tại các tuyến đường phố chính, các bãi biển du lịch sau bão lũ.

II. Đối tượng và phạm vi thực hiện

1. Phạm vi

Kế hoạch này được xây dựng nhằm phòng chống, triển khai khắc phục sự cố môi trường sau bão (cấp gió từ cấp 10 trở lên), lũ (mức nước trên các sông trên báo động 3) trên toàn địa bàn thành phố Đà Nẵng.

2. Đối tượng

Chất thải rắn phát sinh sau bão lũ tại khu vực đô thị và ven biển; các nhà máy xử lý chất thải, hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt đô thị.

III. Xác định thứ tự khu vực ưu tiên tổng dọn vệ sinh

Qua đánh giá kết quả tổng dọn vệ sinh môi trường sau các đợt bão, lũ các năm quan, để nhanh chóng khắc phục cần phải xác lập các thứ tự ưu tiên để tiến hành tổng dọn vệ sinh theo nguyên tắc “cuốn chiếu”. Việc xác định khu vực ưu tiên dựa trên 05 tiêu chí như sau:

(1) Những tuyến đường có nguy cơ phát sinh lượng rác lớn do cây xanh ngã đổ khi xảy ra bão.

(2) Những tuyến đường nằm trong vùng vận chuyển rác thải từ thành phố đến bãi rác Khánh Sơn (tạo điều kiện cho việc vận chuyển rác lên bãi rác một cách nhanh nhất), tuyến đường huyết mạch, khu vực trung tâm.

(3) Các tuyến đường dẫn đến các khu vực tập kết rác tạm thời, nối liền trung tâm thành phố và các quận, huyện.

(4) Những khu vực có khả năng tồn đọng rác thải sinh hoạt nhiều nhất sau bão.

(5) Khu vực ven biển sẽ ưu tiên tổng dọn vệ sinh các bãi tắm du lịch, các bãi biển có các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch thực hiện trước.

1. Khu vực nội thị

Dựa vào 05 nguyên tắc trên thì khu vực nội thị có thể chia thành 02 mức ưu tiên tổng dọn vệ sinh như sau:

a) Khu vực ưu tiên 1: Các tuyến đường huyết mạch tập trung số lượng cây xanh lớn, mật độ dân cư đông đúc, khả năng phát sinh rác do cây đổ, rác thải từ các hộ dân đổ ra các tuyến đường lớn được xác định gồm 29 tuyến đường, cụ thể: Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Hữu Thọ, Điện Biên Phủ, Hùng Vương, Bạch Đằng, Trần Phú, 2 tháng 9, Cách mạng Tháng 8, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, 3 tháng 2, Nguyễn Tất Thành (đoạn từ đường 3/2-Nguyễn Sinh Sắc), Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Lương Bằng, Tôn Đức Thắng, Trường Chinh, Núi Thành, Trưng Nữ Vương, Đống Đa, Hàm Nghi, Hoàng Diệu, Lê Đình Lý, Lê Lợi, Phan Châu Trinh, Quang Trung, Hải Phòng, Nguyễn Chí Thanh, Lý Tự Trọng, Nguyễn Thị Minh Khai.

b) Khu vực ưu tiên 2: Triển khai đồng thời các tuyến đường còn lại trên địa bàn thành phố và các khu dân cư

2. Khu vực ven biển

Dựa vào 05 nguyên tắc trên thì khu vực ven biển có thể chia thành 02 mức ưu tiên tổng dọn vệ sinh như sau:

a) Khu vực ưu tiên 1: Các tuyến đường dọc biển: Võ Nguyễn Giáp, Trường Sa, Hoàng Sa; các bãi tắm du lịch: Phạm Văn Đồng, Mỹ Khê, T20, T18, Mân Thái, Xuân Thiều; khu vực biển tại dãy các nhà hàng đầu tuyến Phạm Văn Đồng.

b) Khu vực ưu tiên 2: Các bãi biển còn lại trên địa bàn quận Sơn Trà, Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn;

IV. Phương tiện, trang thiết bị, nhân lực

Tùy theo tình hình diễn biến và mức độ ảnh hưởng, thiệt hại của bão, lũ UBND thành phố sẽ quyết định huy động lực lượng, trang thiết bị tham gia tổng dọn vệ sinh khu vực đô thị, bãi biển. Tuy nhiên, lực lượng dự kiến như sau:

1. Dọn vệ sinh đối với 29 tuyến đường (khu vực ưu tiên 1)

Số xe ben vận chuyển rác                       : 23 chiếc/ngày;

Số xe múc, xe xúc lật                            : 7 chiếc/ngày;

Số người làm việc hàng ngày                  : 600 người;

(Số lượng nhân lực, phương tiện trên thực hiện trong 07 ngày, được xác định theo số liệu thống kê và kết quả tổng dọn vệ sinh sau bão số 11 năm 2013 với lượng rác phát sinh dự kiến trên 29 tuyến đường này vào khoảng 2.000 tấn)

2. Đối với tuyến đường ven biển Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa

Số xe ben vận chuyển cát           : 5 chiếc/ngày;

Số xe múc, xe xúc lật                : 3 chiếc/ngày;

Số người làm việc hàng ngày      : 30 người;

(Số lượng nhân lực, phương tiện nêu trên được xác định làm trong 02 ngày theo số liệu đợt lũ lụt tháng 11 năm 2013 đối với chiều dài thường xuyên bị cát cuốn lên mặt đường khi bão xảy ra khoảng 7 km, với khối lượng khoảng 1.500 m3)

3. Đối với bãi biển dọc tuyến đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Tất Thành

Số xe ben vận chuyển rác           : 10 chiếc/ngày;

Số xe múc, xe xúc lật                : 4 chiếc/ngày;

Số người làm việc hàng ngày      : 900 người;

(Số lượng nhân lực, phương tiện được xác định làm trong 03 ngày theo số liệu đợt lũ lụt tháng 11 năm 2013 đối với chiều dài bãi biển bị rác cây, cỏ tấp vào khoảng 15,7 km, khối lượng rác khoảng 710 tấn).

4. Đối với các khu vực còn lại trên địa bàn thành phố

Số xe ben vận chuyển rác                       : 35 chiếc/ngày;

Số xe vận chuyển rác chuyên dụng         : 30 chiếc/ngày

Số xe múc, xe xúc lật                            : 15 chiếc/ngày;

Số người làm việc hàng ngày                  : 1.000 người;

(Số lượng nhân lực, phương tiện được xác định làm trong 04 ngày theo số liệu bão số 11 thì lượng rác trung bình khoảng 3.750 tấn/ngày, được dọn xong trong 06 ngày số lượng phương tiện tham gia 1.500 lượt xe ép rác chuyên dụng và xe tải)

V. Quy trình khắc phục khi có sự cố xảy ra

1. Quy trình thông tin liên lạc

Đầu mối thông tin liên lạc: Sở Tài nguyên và Môi trường

Khi có thông tin dự báo về bão lũ có thể xảy ra, các sở, ngành, UBND quận, huyện thông báo đến Sở Tài nguyên và Môi trường về kế hoạch khắc phục sự cố môi trường của ngành, địa phương mình theo nhiệm vụ phân công, đặc biệt là tình hình chuẩn bị lực lượng, trang thiết bị, phương tiện;

Các đơn vị thực hiện theo nhiệm vụ được giao trước và sau khi có sự cố xảy ra, báo cáo tình hình thực hiện trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường;

Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp tình hình, báo cáo UBND thành phố xem xét có ý kiến chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế;

Các sở, ban, ngành, địa phương cung cấp thông tin liên lạc của Lãnh đạo chịu trách nhiệm trực tiếp, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để lập danh sách liên lạc nội bộ và thành lập Tổ công tác điều hành khắc phục sự cố môi trường sau bão, lũ hoàn thành trước 30/10/2014.

2. Quy trình khắc phục sự cố

Việc khắc phục sự cố môi trường sau bão, lũ chia làm 2 giai đoạn chính

a) Giai đoạn chuẩn bị trước khi xảy ra bão, lũ

- Bước 1: Khi nhận được thông tin, thông báo về khả năng bão, lũ có thể diễn ra trên địa bàn thành phố, Văn phòng UBND thành phố tham mưu ban hành văn bản thông báo cho các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp chuẩn bị lực lượng, phương tiện khắc phục sự cố môi trường sau bão, lũ;

- Bước 2: Thành lập Tổ công tác điều hành khắc phục sự cố môi trường sau bão, lũ của từng địa phương đơn vị gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo UBND thành phố;

- Bước 3: UBND các quận, huyện chủ động xác định vị trí tập kết rác cành lá cây tạm thời, thông báo rộng rãi để các đơn vị ra quân biết thực hiện;

- Bước 4: Kiểm tra, rà soát về nhân lực, phương tiện, trang thiết bị hiện có để sẵn sàng thực hiện khắc phục sự cố môi trường sau bão, lũ của địa phương, đơn vị mình.

b) Giai đoạn khắc phục, xử lý môi trường sau bão, lũ

Sau khi bão, lũ tan, Tổ công tác nhanh chóng triển khai các bước bao gồm:

- Bước 1: Kiểm tra, rà soát hiện trường các khu vực chịu ảnh hưởng của bão, lũ trên địa phương, địa bàn mình được phân công. Thống kê mức độ ảnh hưởng (vị trí phát sinh, loại chất thải, lượng rác thải ước tính…);

- Bước 2: Căn cứ nhiệm vụ phân công thực hiện huy động nhân dân, các lực lượng có khả năng tham gia sẵn sàng khắc phục sự cố ngay;

- Bước 3: Thống kê báo cáo nhanh công tác khắc phục cho UBND thành phố thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường.

3. Quy trình giám sát khắc phục sự cố môi trường sau bão, lũ

Tổ công tác phân công các cán bộ, nhân viên trực tiếp kiểm tra, giám sát việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải.

- Mục tiêu giám sát: đảm bảo công tác khắc phục sự cố môi trường sau bão, lũ đạt hiệu quả cao trong thời gian ngắn nhất; hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đến vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị sau bão, lũ. Đồng thời, báo cáo đề xuất UBND thành phố có phương án huy động thêm lực lượng, trang thiết bị hoặc giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai.

- Nội dung giám sát bao gồm:

Giám sát về nhân lực, phương tiện, trang thiết bị thu gom, địa điểm thu gom;

Giám sát về khối lượng thu gom;

Giám sát việc vận chuyển, vị trí đổ thải đúng quy định;

Giám sát việc xử lý, chôn lấp rác thải.

Báo cáo tình hình khắc phục, xử lý: theo dõi thường xuyên, báo cáo về tình hình thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải; kịp thời điều chỉnh phương án, huy động, bố trí nhân lực, phương tiện thiết bị phù hợp.

Phần II

PHÂN CÔNG THỰC HIỆN

I. Phòng ngừa và chuẩn bị trước khi bão, lũ

Tất cả các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND quận, huyện, xã, phường tổ chức trực ban lãnh đạo và cơ quan tham mưu 24/24 giờ để nắm chắc diễn biến tình hình, dự kiến các tình huống xấu nhất có thể xảy ra; quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ); phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị, Công ty Công viên Cây xanh, … trong việc khắc phục sự cố môi trường sau bão, lũ.

Nhiệm vụ cụ thể của các sở - ngành, đơn vị

1. Sở Xây dựng

- Chỉ đạo Công ty Công viên cây xanh phối hợp UBND các quận, huyện ngoài việc triển khai chặt tỉa cây xanh dễ đổ ngã theo kế hoạch hằng năm trước mùa mưa bão, thì trên cơ sở dự báo các cơn bão có thể đổ bộ vào thành phố tiến hành chặt tỉa bổ sung trước mỗi cơn bão nhằm đảm bảo giao thông huyết mạch thông suốt trên các tuyến đường quan trọng, cửa ngõ ra vào thành phố;

- Lập danh sách phương tiện vận chuyển, máy móc từ các chủ dự án, các doanh nghiệp trên đại bàn thành phố có thể huy động tham gia dọn vệ sinh sau bão, lũ trình UBND thành phố xem xét phê duyệt hàng năm trước mùa mưa bão.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, đơn vị liên quan huy động các chủ dự án, doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn thành phố tham gia hỗ trợ phương tiện dọn vệ sinh sau bão, lũ.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Liên hệ, làm việc với các đơn vị quân đội đóng chân trên địa bàn thành phố, các chủ dự án, doanh nghiệp, đơn vị trong việc huy động phương tiện, lực lượng hỗ trợ thành phố khắc phục sự cố môi trường sau bão, lũ;

- Chỉ đạo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị: lập kế hoạch khắc phục sự cố môi trường sau bão, lũ trong đó chú trọng công tác khắc phục hạ tầng bãi chôn lấp Khánh Sơn hư hỏng sau bão; các phương tiện vận chuyển; phương án thuê lao động, phương tiện ngoài; huy động phương tiện, lực lượng của các Công ty Môi trường Đô thị tỉnh bạn để kịp thời thu gom rác phát sinh trong thời gian ngắn nhất;. Hằng năm, trước tháng 8, Công ty lập và gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để xem xét, tổng hợp.

- Chỉ đạo Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải: chuẩn bị trang thiết bị, nguồn lực để sửa chữa kịp thời các trạm bơm nước thải, cơ cấu tách dòng, các cửa thu, tấm đan vỡ trên đường, nhanh chóng đưa hệ thống thu gom, xử lý nước thải vào hoạt động ổn định trở lại; đồng thời đảm bảo an toàn giao thông.

3. Bộ chỉ huy quân sự thành phố, Bộ đội Biên phòng thành phố, Công an thành phố, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy, các đơn vị quân đội đóng chân trên địa bàn thành phố

Chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia việc tổng dọn vệ sinh trên đường phố, bãi biển khi có ý kiến từ UBND thành phố hoặc tự nguyện của từng đơn vị.

4. UBND các quận, huyện

- Căn cứ kế hoạch khắc phục sự cố môi trường này xây dựng kế hoạch khắc phục sự cố môi trường sau bão, lũ, cụ thể trên địa bàn mình quản lý, hoàn thành trước ngày 30/10/2014 và tổ chức triển khai thực hiện;

- Huy động lực lượng hỗ trợ việc vận chuyển rác, cây cối cắt tỉa từ kiệt hẽm ra tuyến đường chính;

- Chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện ra quân chặt cây ngã đổ, thu dọn rác ngay sau bão kết thúc; ưu tiên dọn vệ sinh tại các tuyến đường chính trước;

- Tuyên truyền đến người dân về việc phân loại rác khi đưa ra đường, huy động các hộ dân ở ngoài mặt phố phải tham gia chặt tỉa cây xanh ngã đổ tại khu vực mình để tạo thuận lợi cho việc bốc dỡ, vận chuyển;

- Liên hệ kêu gọi doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn hỗ trợ phương tiện phục vụ thu dọn rác sau bão;

- Xác định vị trí chôn lấp hoặc tập kết tạm thời nhằm giải quyết nhanh tình trạng rác tồn lưu trên đường phố.

5. Các sở, ban, ngành, đoàn thể: căn cứ chức năng nhiệm vụ của đơn vị xây dựng phương án để triển khai sau khi bão, lũ đổ bộ vào thành phố.

II. Giải pháp khắc phục sự cố môi trường sau bão, lũ

1. Sở Xây dựng

- Chỉ đạo Công ty Công viên Cây xanh triển khai cắt, bốc dỡ, chống đỡ các cây bị ngã đổ hoặc nghiêng đảm bảo giao thông trên các tuyến đường;

- Điều phối các phương tiện, thiết bị đã chuẩn bị sẵn hỗ trợ các đơn vị tham gia tổng dọn vệ sinh sau bão, lũ một cách kịp thời thuận tiện.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì tổ chức triển khai việc dọn vệ sinh và giám sát việc dọn vệ sinh của sở, ban, ngành, đoàn thể trên các tuyến đường, bãi biển phân công tại Phụ lục I, II Kế hoạch này; tham mưu đề xuất UBND thành phố triển khai có hiệu quả việc dọn vệ sinh sau bão, lũ; giám sát việc vận chuyển, xử lý rác tại bãi rác Khánh Sơn của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị, các lực lượng khác và các điểm tập kết rác tạm thời;

- Chỉ đạo Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải khẩn trương tập trung lực lượng tiến hành nạo vét các tuyến mương, khơi thông cống rảnh các tuyến đường trên địa bàn thành phố, đảm bảo vệ sinh môi trường, không để nước tù đọng. Khẩn trương khắc phục các sự cố, hư hỏng của tuyến thu gom và các trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, đưa vào vận hành sớm nhất, không quá 05 ngày.

3. Sở Giao thông vận tải

Huy động phương tiện tham gia vận chuyển rác trên các tuyến đường. Bố trí Thanh tra giao thông để điều tiết, hướng dẫn các phương tiện tham gia dọn vệ sinh, cũng như đảm bảo an toàn giao thông.

4. Công an thành phố

Bố trí lực lượng phân luồng giao thông trên các tuyến đường, tạo điều kiện cho các lực lượng thực hiện nhiệm vụ tổng dọn vệ sinh, nhất là hoạt động xúc rác lên các xe tải bằng cơ giới.

5. Sở Y tế

Trực tiếp chỉ đạo xây dựng và lập kế hoạch triển khai kịp thời công tác xử lý vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh trong và sau bão, lũ.

6. Sở Tài chính

- Phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tổng hợp và dự trù kinh phí hằng năm trình UBND thành phố để hỗ trợ cho các sở, ban, ngành và địa phương thực hiện khắc phục sự cố môi trường sau bão, lũ;

- Tham mưu cho UBND thành phố tạm ứng kịp thời và thẩm định, quyết toán kinh phí phục vụ công tác khắc phục sự cố môi trường sau bão, lũ;

7. Ban quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất, Ban quản lý khu công nghệ cao Đà Nẵng

Lập kế hoạch khắc phục sự cố môi trường sau bão, lũ tại các KCN, Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin theo phân cấp quản lý và triển khai thực hiện. Bố trí lực lượng tham gia dọn vệ sinh đối với các tuyến đường, bãi biển đã phân công tại Phụ lục I, II.

8. Các sở, ban ngành liên quan

Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, chịu trách nhiệm huy động lực lượng tham gia dọn vệ sinh tại các tuyến đường, bãi biển đã phân công tại Phụ lục I, II.

9. Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị

Huy động tổng lực lượng, kết hợp lực lượng thuê ngoài, phương tiện vận chuyển, lực lượng phương tiện của các Công ty Môi trường Đô thị tỉnh bạn cùng với các lực lượng khác ra quân tổng dọn vệ sinh trên địa bàn thành phố; ưu tiên khu vực nội thành, trung tâm hành chính của quận, huyện và bãi biển du lịch theo kế hoạch đã được phê duyệt.

10. Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải

- Chủ động khắc phục kịp thời ảnh hưởng do bão tại các trạm bơm, trạm xử lý nước thải tập trung để thu gom, xử lý nước thải đảm bảo quy chuẩn theo quy định;

- Trong trường hợp hoàn lưu bão có mưa lớn, phải kịp thời xử lý ngập úng tại các điểm trọng yếu trong khu vực nội thành. Lưu ý khu vực: trạm bơm Thuận Phước, trạm bơm Trương Chí Cương, đường Hàm Nghi – Nguyễn Văn Linh…

11. Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng, Công ty Quản lý vận hành điện chiếu sáng công cộng, Viễn thông Đà Nẵng và các đơn vị sở hữu, quản lý trụ, cáp điện lực, viễn thông

Khẩn trương tiến hành cắt bỏ, tháo dỡ các trụ, dây bị ngã đổ, đứt, võng sau bão, lũ. Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng ưu tiên và tập trung khắc phục ngay các sự cố về điện trong và sau bão để đảm bảo đưa bãi rác Khánh Sơn, các trạm bơm chống ngập, trạm xử lý nước thải tập trung trên địa bàn thành phố, các KCN sớm đi vào hoạt động.

12. Bộ chỉ huy quân sự thành phố, Bộ đội Biên phòng thành phố, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy, các đơn vị bộ đội đóng chân trên địa bàn thành phố

Bố trí lực lượng, phương tiện tham gia dọn vệ sinh đối với các tuyến đường, bãi biển đã phân công tại Phụ lục I, II.

13. Thành đoàn Đà Nẵng

Huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên tình nguyện trực tiếp xuống địa bàn hỗ trợ người dân, chính quyền địa phương thu dọn rác.

14. UBND quận, huyện

- Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm huy động lực lượng, phương tiện và chỉ đạo trực tiếp công tác khắc phục sự cố môi trường sau bão, lũ trên địa bàn mình quản lý. Điều phối, chỉ đạo các lực lượng tham gia dọn vệ sinh tại các khu vực ưu tiên 1. Đồng thời, Tổ chức, triển khai thực hiện phương án, kế hoạch đã xây dựng trên địa bàn mình;

- Chỉ đạo UBND các xã, phường huy động toàn bộ lực lượng, nhân dân ra quân tổng dọn ngay sau bão. Đồng thời, tuyên truyền cho người dân tách riêng rác thải và cây xanh đổ nhằm thuận lợi cho việc thu gom, vận chuyển rác thải, cây xanh ngã đổ sau bão.

15. Đài phát thanh truyền hình Đà Nẵng, Báo Đà Nẵng, các cơ quan thông tin đại chúng, phát thanh và truyền hình

- Tập trung thời lượng tuyên truyền, vận động các tổ chức cá nhân ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, phát hiện những điển hình tiên tiến để kịp thời biểu dương, nhân rộng;

- Đài phát thanh truyền hình Đà Nẵng, Báo Đà Nẵng xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến thông tin về kế hoạch và tổ chức thực hiện khắc phục sự cố môi trường sau bão, lũ trên địa bàn thành phố.

16. Đề nghị Đại học: Đà Nẵng, Duy Tân, Kiến Trúc, Đông Á và các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn thành phố

Huy động lực lượng sinh viên tham gia với địa phương ra quân dọn vệ sinh các khu vực công cộng, khu vực trước và trong trường, đơn vị mình.

17. Trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất trên địa bàn thành phố

- Bố trí lực lượng, phương tiện kỹ thuật tham gia với địa phương ra quân dọn vệ sinh tại các tuyến đường phố nơi đặt trụ sở làm việc và thực hiện tại các địa điểm, tuyến đường, khu vực có vấn đề môi trường;

- Các nhà hàng, khách sạn, khu nghĩ dưỡng ven biển có trách nhiệm chuẩn bị phương tiện, lực lượng thực hiện tổng dọn vệ sinh môi trường dọc các bãi biển trước mặt đơn vị mình sau bão, lũ.

Trong quá trình thực hiện kế hoạch, nếu phát sinh các khó khăn vướng mắc hoặc chưa phù hợp chủ động đề xuất chỉnh sửa, bổ sung kế hoạch cho phù hợp với thực tế.

Trên đây là Kế hoạch khắc phục sự cố môi trường sau thiên tai bão lũ, UBND thành phố yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, triển khai thực hiện theo đúng nội dung và thời gian quy định./.

 

PHỤ LỤC I

PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC SỞ, NGÀNH CHỊU TRÁCH NHIỆM THEO DÕI VÀ PHỐI HỢP DỌN VỆ SINH CÁC ĐƯỜNG PHỐ CHÍNH ƯU TIÊN 1

STT

Tên đường

Chiều dài (km)

Tổng số cây/cát đất

Đơn vị theo dõi thực hiện

Đơn vị phối hợp thực hiện

Nhân lực dự kiến (người)

1

Nguyễn Tri Phương

1,8

406

Sở Giao thông vận tải

Sư đoàn 375

250

2

Nguyễn Hữu Thọ

4,68

752

3

Tôn Đức Thắng

3,2

634

4

Trường Chinh

5,5

579

5

Điện Biên Phủ

2,9

468

6

Hùng Vương

1,61

78

Sở Y tế

J258

150

7

Hải Phòng

1,05

343

8

Bạch Đằng

2,54

525

Sở Tài nguyên và Môi trường

Vùng 3 Hải quân và Lữ đoàn 74 – Tổng cục 2

300

9

Trần Phú

3

441

10

Hoàng Sa

4

Cát, đất

11

Võ Nguyên Giáp

8

Cát, đất

12

Trường Sa

3

Cát, đất

13

2 tháng 9

3,8

657

Sở Xây dựng

Sư đoàn 372

200

14

Cách mạng Tháng 8

3,65

745

15

Lê Duẩn

2,2

348

Sở Công thương

16

Nguyễn Văn Linh

1,4

192

17

Phạm Văn Đồng

1

247

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Bộ đội Biên phòng

100

18

Nguyễn Tất Thành (đoạn từ đường 3/2-Nguyễn Sinh Sắc)

4

2229

100

19

Nguyễn Lương Bằng

6,3

1059

BQL các KCN&CX ĐN

Bộ đội Biên phòng

100

20

Núi Thành

3,2

229

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Công an thành phố

75

21

Trưng Nữ Vương

0,7

225

75

22

Đống Đa

1,8

276

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

100

23

3 tháng 2

1

171

50

24

Hàm Nghi

0,7

125

Sở Khoa học và Công nghệ

Thành đoàn

100

25

Hoàng Diệu

1,6

207

Sở Nội vụ

100

26

Lê Đình Lý

0,33

213

Sở Tư pháp

100

27

Lê Lợi

0,99

219

Sở Giáo dục và Đào tạo

100

28

Quang Trung

1,17

214

Sở Thông tin và Truyền thông

Cảnh sát PCCC

50

29

Nguyễn Chí Thanh

1,5

323

Sở Kế hoạch và Đầu tư

100

30

Lý Tự Trọng

1,2

244

31

Nguyễn Thị Minh Khai

0,94

164

Sở Tài chính

50

32

Phan Châu Trinh

 

275

Sở Ngoại vụ

50

Tổng cộng

78,76

12.589

 

 

2.150

 

PHỤ LỤC II

PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC ĐƠN VỊ THEO DÕI VÀ THỰC HIỆN DỌN VỆ SINH BÃI BIỂN ƯU TIÊN 1

STT

Tên bãi biển

Chiều dài (m)

Đơn vị thực hiện

Lực lượng dự kiến (người)

1

Phạm Văn Đồng

1.200

Bộ chỉ huy quân sự thành phố

200

2

T20

350

3

T18

1.200

4

Mỹ Khê

700

BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng

100

5

Non Nước

600

Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng

100

6

Thọ Quang

1.900

Vùng 3 hải quân

150

7

Mân Thái

2.200

8

Phú Lộc-Hòa Minh

2.250

Sư đoàn 372

150

9

Xuân Thiều

3.100

Sư đoàn 375

150

10

Tam Thuận

650

Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị ĐN

300

11

Xuân Hà

1.600

Tổng cộng

15.750

 

1.150

 

PHỤ LỤC III

LỰC LƯỢNG DỰ KIẾN HUY ĐỘNG

STT

LỰC LƯỢNG

Số lượng

1

Quân sự

500

2

Bộ đội Biên phòng

100

3

Công an

300

4

Cảnh sát PCCC

200

5

UBND quận, huyện

7.000

6

Sở, ban, ngành

300

7

Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng

1.500

8

Đoàn thanh niên

400

9

Lực lượng khác

200

Tổng cộng các lực lượng

5.000

 

PHỤ LỤC IV

PHƯƠNG TIỆN, TRANG THIẾT BỊ DỰ KIẾN HUY ĐỘNG

STT

DANH MỤC PHƯƠNG TIỆN, TRANG THIẾT BỊ

ĐƠN VỊ

SỞ, NGÀNH, ĐƠN VỊ

QUẬN, HUYỆN

TỔNG CỘNG

1

Xe tải các loại

chiếc

25

42

67

2

Xe xúc

chiếc

10

15

25

3

Xe cuốn ép

chiếc

 

30

30

4

Cưa máy các loại

máy

15

30

35

5

Rựa

cái

100

200

300

6

Cuốc

cái

50

200

250

7

Xẻng

cái

200

500

700

8

Cào

cái

200

400

600

 

PHỤ LỤC V

MỘT SỐ ĐƠN VỊ CÓ THỂ HUY ĐỘNG PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ

STT

Đơn vị

Phương tiện, thiết bị

1

Sư đoàn 375

05 xe tải, 03 xe chở quân

2

Sư đoàn 372

02 xe tải

3

J258

02 xe tải, 02 xe chở quân

4

Lữ đoàn 74 – Tổng cục 2

02 xe tải nhỏ, 01 xe 3.5 tấn

5

Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng, xây lắp và kinh doanh nhà ĐN

20 xe chuyên dùng (xúc, đào, ben)

6

Công ty CP Xây dựng và phát triển hạ tầng Đà Nẵng

10 xe ben, 03 xe đào

7

Công ty Cổ phần Dinco

10 xe ben, 02 xe xúc lật, 02 xe máy đào, 01 xe san gạt

8

Công ty Cổ phần Việt ren

04 xe ben, 01 xe xúc lật

9

Công ty Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng

07 xe ben, 01 xe đào

10

Công ty Cổ phần 56

03 xe ben

11

Công ty Đại Hồng Tín

03 xe ben

12

Công ty CP Trung Nam

53 xe ben, 05 xe đào, 03 xe xúc lật, 02 xe cẩu

13

Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải

01 xe ben, 01 xe đào, 03 xe xuồng

14

Công ty CP Mai Dương

04 xe ben

15

Công ty CP Cảng Đà Nẵng

05 xe ben, 02 xe xúc lật

16

Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng

70 xe ben, 13 xe bán tải, 15 xe xúc các loại, 20 xe chuyên dùng hỗ trợ từ các tỉnh Quảng Bình, Đông Hà, Huế, Quãng Ngãi thuộc Hiệp hội Môi trường Miền Trung Tây Nguyên

17

Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời - Sun Group

10 xe ben

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 7123/QĐ-UBND năm 2014 về Kế hoạch Khắc phục sự cố môi trường sau bão, lũ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

  • Số hiệu: 7123/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/10/2014
  • Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/10/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản