Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 71/2014/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 26 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ MỨC THU, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Pháp lệnh Phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 28/8/2001;

Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và lệ phí;

Căn cứ Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về việc phát triển và quản lý chợ;

Căn cứ Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và lệ phí;

Căn cứ Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ;

Căn cứ Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí, lệ phí;

Căn cứ Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí, lệ phí;

Căn cứ Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 09/8/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Thông tư số 02/2014/TT-BTC ngày 02/01/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Căn cứ Nghị quyết số 143/2014/NQ-HĐND ngày 11/12/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai về mức thu phí chợ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 3840/TTr-SCT ngày 24/12/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về mức thu, quản lý và sử dụng phí chợ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 21/2007/QĐ-UBND ngày 29/3/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định thu phí chợ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Thời điểm áp dụng mức thu phí chợ được thực hiện từ ngày 01/01/2015 (căn cứ theo Nghị quyết số 143/2014/NQ-HĐND ngày 11/12/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai về mức thu phí chợ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai).

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, ngành: Công Thương, Tài chính, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục Thuế, Liên minh hợp tác xã tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Phú Cường

 

QUY ĐỊNH

MỨC THU, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
(Kèm theo Quyết định số 71/2014/QĐ-UBND ngày 26/12/2014 của UBND tỉnh Đồng Nai)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quản lý và sử dụng phí chợ áp dụng đối với các cá nhân, tổ chức thu phí chợ và cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan.

2. Mức thu phí chợ áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng điểm kinh doanh, mặt bằng, diện tích bán hàng, dịch vụ tại chợ; các tổ chức, cá nhân có phương tiện vận tải chở hàng hóa ra vào chợ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Một số từ ngữ sử dụng trong Quy định này được hiểu như sau:

1. Phạm vi chợ: Là khu vực được quy hoạch dành cho hoạt động chợ bao gồm diện tích để bố trí các điểm kinh doanh, khu vực dịch vụ (như: Bãi để xe, kho hàng, khu ăn uống, vui chơi giải trí và các dịch vụ khác) và đường bao quanh chợ.

2. Tính chất xây dựng của công trình chợ:

a) Chợ kiên cố: Là chợ được xây dựng có nhà lồng chính bảo đảm có thời gian sử dụng trên 10 năm.

b) Chợ bán kiên cố: Là chợ được xây dựng có nhà lồng chính bảo đảm có thời gian sử dụng từ 05 đến 10 năm.

c) Chợ tạm: Là chợ nằm trong quy hoạch nhưng chưa được xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố.

3. Điểm kinh doanh tại chợ: Bao gồm quầy hàng, sạp hàng, ki-ốt, cửa hàng được bố trí cố định trong phạm vi chợ theo thiết kế xây dựng chợ, có diện tích quy chuẩn tối thiểu là 3m2/điểm.

4. Tổ chức thu phí chợ:

a) Ban Quản lý, Tổ quản lý chợ: Là đơn vị sự nghiệp có thu do Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập, tự trang trải các chi phí, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước.

b) Đơn vị kinh doanh, quản lý chợ: Là hợp tác xã, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được thành lập, đăng ký kinh doanh và hoạt động theo quy định của pháp luật được cơ quan có thẩm quyền giao hoặc trúng thầu về kinh doanh, khai thác và quản lý chợ.

c) Thương nhân đầu tư, quản lý và kinh doanh khai thác chợ: Là hợp tác xã, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thực hiện đầu tư xây dựng chợ, sau đó tổ chức quản lý và kinh doanh khai thác chợ.

5. Phân loại chợ:

a) Chợ hạng 1: Là chợ có trên 400 điểm kinh doanh;

b) Chợ hạng 2: Là chợ có từ 200 điểm kinh doanh đến 400 điểm kinh doanh;

c) Chợ hạng 3: Là các chợ có dưới 200 điểm kinh doanh.

Căn cứ quy mô thực tế từng chợ, Ủy ban nhân dân cấp huyện đề xuất phân hạng các chợ trên địa bàn; Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt phân hạng chợ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

6. Vị trí thuận lợi của điểm kinh doanh: Là điểm kinh doanh có vị trí kinh doanh thuận tiện, lợi thế cao (hệ số k) sẽ chịu mức thu cao hơn.

a) Vị trí 01 (k = 1,5): Là các điểm kinh doanh có mặt tiền hướng đường chính (quốc lộ, tỉnh lộ) hoặc có hai mặt tiền đường nội bộ bên ngoài chợ;

b) Vị trí 02 (k = 1,3): Là các điểm kinh doanh có một đường nội bộ bên ngoài chợ hoặc có hai mặt tiền đường nội bộ bên trong nhà lồng chính của chợ;

c) Vị trí 03 (k = 1): Là các điểm kinh doanh còn lại trong chợ.

7. Hình thức đầu tư xây dựng chợ:

a) Chợ do Nhà nước đầu tư 100% là chợ được đầu tư từ nguồn vốn của Nhà nước bao gồm vốn từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn viện trợ không hoàn lại;

b) Chợ do Nhà nước đầu tư một phần và một phần do thành phần khác đóng góp xây dựng chợ là chợ được đầu tư từ nguồn vốn của Nhà nước và nguồn vốn của thành phần khác (thành phần khác có thể là hộ kinh doanh hoặc hợp tác xã, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế);

c) Chợ do Nhân dân đóng góp xây dựng là chợ được đầu tư từ nguồn vốn của các hộ kinh doanh đóng góp xây dựng chợ;

d) Chợ do thương nhân đầu tư, quản lý và kinh doanh khai thác là chợ được thương nhân thực hiện thuê đất và đầu tư xây dựng chợ, sau đó tổ chức quản lý, kinh doanh khai thác chợ.

8. Tính chất hoạt động của hộ kinh doanh:

a) Hộ kinh doanh cố định: Là hộ kinh doanh thực hiện việc buôn bán thường xuyên tại điểm kinh doanh được bố trí cố định trong phạm vi chợ theo thiết kế xây dựng chợ, có thời gian tham gia buôn bán tại chợ từ 15 ngày/tháng trở lên.

b) Hộ kinh doanh không cố định: Là hộ kinh doanh không thường xuyên, thực hiện việc mua bán tại khu vực sân chợ, ngoài trời hoặc tại khu vực không phân chia cụ thể cho một chủ hàng nào.

9. Khu vực hoạt động của chợ:

a) Chợ tại khu vực I (thành thị): Các chợ tại các phường thuộc thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh hoặc tại thị trấn của các huyện;

b) Chợ tại khu vực II (nông thôn): Các chợ tại các xã còn lại thuộc các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa;

c) Chợ tại khu vực III: Bao gồm các chợ tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn, sức mua thấp hoặc tại tầng lầu của các chợ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (danh sách chợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định).

10. Các khoản thu:

a) Thu phí chợ bao gồm thu đầu tư chợ và thu quản lý chợ.

b) Thu đầu tư chợ: Là khoản thu tiền thuê đất khi giao đất và chi phí đầu tư hạ tầng chợ bao gồm: Xây dựng nhà lồng chợ, đường, hệ thống cấp nước thoát nước, hệ thống điện, cầu thang cuốn, trạm xử lý nước thải, xây dựng sạp hàng, quầy hàng, ki-ốt, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy.

c) Thu quản lý chợ bao gồm: Thu hoa chi và thu tiền đối với tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện vận tải cơ giới vận chuyển hàng hóa ra, vào chợ.

- Thu hoa chi: Là khoản thu để bù đắp cho công tác quản lý, sắp xếp ngành hàng kinh doanh tại chợ, an ninh trật tự; các chi phí như: Điện, nước, vệ sinh môi trường, bảo trì, mua sắm, mua bảo hiểm phòng cháy, chữa cháy, cấp thoát nước.

- Thu tiền đối với tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện vận tải cơ giới vận chuyển hàng hóa ra, vào chợ: Là khoản thu để bù đắp cho chi phí sửa chữa đường nội bộ trong chợ, công tác quản lý và vệ sinh môi trường tại chợ.

d) Thu khác:

- Thu tiền trông giữ hàng hóa ban đêm: Là khoản thu để bù đắp các chi phí thực hiện việc trông giữ hàng hóa ban đêm tại chợ.

- Thu tiền sử dụng nhà vệ sinh công cộng: Là khoản thu đối với các cá nhân có nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh công cộng để bù đắp chi phí duy trì hoạt động nhà vệ sinh.

- Phí trông giữ xe đạp, xe 02 bánh chạy điện, xe mô tô, xe gắn máy, xe ô tô là khoản thu đối với chủ phương tiện có nhu cầu trông giữ trong phạm vi tổ chức hoạt động của chợ để bù đắp cho công tác quản lý, sắp xếp, trông giữ phương tiện.

- Thu khác: Là các khoản thu khác theo quy định hiện hành như thu quảng cáo, thu hộ sử dụng điện.

11. Mức trích phí chợ: Là tỷ lệ % trên tổng số thu quản lý chợ thu được, được trích để lại cho đơn vị tổ chức thu phí chợ (Ban Quản lý/Tổ quản lý chợ).

12. Đồng tiền thu phí: Việt Nam đồng (VNĐ), được làm tròn đến đơn vị hàng trăm (từ năm trở lên làm tròn là 1, dưới 5 trở xuống làm tròn là 0).

Chương II

MỨC THU PHÍ CHỢ, THU KHÁC VÀ MỨC TRÍCH

Điều 3. Mức thu phí chợ

1. Mức thu phí chợ bao gồm: Mức thu đầu tư và mức thu hoa chi.

a) Mức thu đầu tư chợ:

- Thu đầu tư chợ áp dụng đối với hộ kinh doanh cố định tại các chợ kiên cố hoặc bán kiên cố, mức thu đầu tư chợ quy định chi tiết tại Phụ lục II kèm theo (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng).

- Ngoài việc thực hiện mức thu đầu tư chợ nêu tại Tiết 1, Điểm a, Khoản 1 Điều này, Tổ chức thu phí chợ có thể áp dụng hệ số thuận lợi (hệ số k) theo 03 mức (k = 1,5; k = 1,3; k = 1).

- Đối với chợ do Nhà nước đầu tư một phần và một phần do thành phần khác đóng góp xây dựng chợ: Tổ chức thu phí chợ khi tính số tiền thu đầu tư chợ thì áp dụng mức thu quy định tại Tiết một, hai Điểm a, Khoản 1 Điều này nhân tương ứng với tỷ lệ Nhà nước góp vốn xây dựng chợ.

- Trường hợp đã hoàn thành thu hồi vốn đầu tư chợ đối với chợ do Nhà nước đầu tư 100%, chợ do Nhà nước đầu tư một phần và một phần do thành phần khác đóng góp xây dựng chợ, chợ do Nhân dân đóng góp xây dựng (hợp đồng thuê quyền sử dụng điểm kinh doanh hết thời hạn theo cam kết góp vốn đầu tư xây dựng chợ): Thì tiếp tục thực hiện thu đầu tư chợ bằng 50% (năm mươi phần trăm) so với mức thu quy định tại Tiết 1, 2, Điểm a, Khoản 1 Điều này.

- Trường hợp hộ kinh doanh tự bỏ vốn xây dựng điểm kinh doanh (theo đúng thiết kế xây dựng, thiết kế mẫu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được Tổ chức quản lý chợ đồng ý chấp thuận bằng văn bản) thì thực hiện thu đầu tư chợ bằng 50% (năm mươi phần trăm) so với mức thu quy định tại Tiết 1, 2, Điểm a, Khoản 1 Điều này.

- Trường hợp chợ đã hoàn thành thu hồi vốn đầu tư chợ (nêu tại Tiết 5, Điểm a Khoản này), đồng thời hộ kinh doanh tự bỏ vốn xây dựng điểm kinh doanh thì thực hiện mức thu đầu tư chợ bằng 40% (bốn mươi phần trăm) so với mức thu quy định tại Tiết 1, 2, Điểm a, Khoản 1 Điều này.

- Đối với chợ do thương nhân đầu tư, quản lý và kinh doanh khai thác chợ:

+ Trường hợp đầu tư mới: Căn cứ vào quy định tại Tiết 1, 2, Điểm a, Khoản 1 Điều này, thương nhân đầu tư xây dựng, quản lý và kinh doanh khai thác có trách nhiệm lập báo cáo đánh giá sơ bộ tình hình đầu tư chợ kèm theo phương án kinh doanh  khai thác chợ “Tại Phụ lục I kèm theo” trước khi đưa chợ đi vào hoạt động ít nhất 01 (một tháng) để trình Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định.

+ Trường hợp điều chỉnh mức thu đầu tư chợ: Thương nhân quản lý kinh doanh khai thác chợ có trách nhiệm xây dựng phương án kinh doanh khai thác chợ kèm theo tờ trình (nêu rõ nguyên nhân của việc thay đổi, thời gian dự kiến bắt đầu thay đổi; mức thu, phương thức, hình thức, thời gian bắt đầu điều chỉnh thu đầu tư chợ, khả năng thu hồi vốn,…) để trình Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định và chỉ được triển khai thu đầu tư chợ theo mức thu mới sau khi được phê duyệt.

+ Mức thu đầu tư chợ trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt hoặc điều chỉnh cần có ý kiến của cơ quan tài chính cùng cấp. Đối với chợ hạng 1 lấy ý kiến của Sở Công Thương, Sở Tài chính trước khi phê duyệt.

+ Về mức thu đầu tư chợ có thể áp dụng mức thu cao hơn, nhưng tối đa không quá 04 (bốn) lần so với quy định tại Tiết 1, 2, Điểm a, Khoản 1 Điều này.

b) Mức thu quản lý chợ:

- Mức thu hoa chi

+ Thu hoa chi được áp dụng chung cho tất cả các hình thức đầu tư xây dựng.

+ Thu hoa chi không được áp dụng hệ số thuận lợi (hệ số k) của điểm kinh doanh.

+ Mức thu hoa chi đối với hộ kinh doanh cố định được quy định chi tiết tại Phụ lục III kèm theo (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng).

Đối với các chợ họp ½ ngày (nửa ngày hoặc một buổi - thời gian họp chợ quy định tại nội quy chợ được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt): Mức thu hoa chi hộ kinh doanh cố định là 18.000 đồng/m2/tháng.

+ Đối với hộ kinh doanh không cố định quy định chi tiết tại Phụ lục IV kèm theo (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng).

Trường hợp hộ kinh doanh không cố định sử dụng nhiều hơn 3m2/hộ thì mỗi diện tích tăng thêm áp dụng mức thu tăng thêm tương ứng, nhưng không quá 50.000 đồng/hộ/ngày.

- Thu tiền đối với tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện vận tải cơ giới vận chuyển hàng hóa ra, vào chợ được quy định chi tiết tại Phụ lục V kèm theo (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng).

2. Thu khác:

a) Thu tiền sử dụng nhà vệ sinh công cộng: Áp dụng theo quy định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành về thu tiền sử dụng nhà vệ sinh công cộng.

b) Phí trông giữ xe đạp, xe 02 bánh chạy điện, xe mô tô, xe gắn máy, xe ô tô: Áp dụng theo quy định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành về mức thu phí trông giữ xe đạp, xe 02 bánh chạy điện, xe mô tô, xe gắn máy, xe ô tô trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

c) Thu tiền trông giữ hàng hóa ban đêm:

- Tổ chức thu phí chợ tự thỏa thuận với hộ kinh doanh cố định tại chợ tùy theo đặc điểm, điều kiện, hoàn cảnh và đặc trưng cụ thể của chợ.

- Mức thu tiền trông giữ hàng hóa ban đêm dao động trong khoảng từ 2.500 đến 5.000 đồng/điểm kinh doanh/đêm, tương ứng với mức thu từ 75.000 đến 150.000 đồng/điểm kinh doanh/tháng (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng).

d) Thu khác:

Thu dịch vụ quảng cáo, thu hộ sử dụng điện, thu khác được thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 4. Mức trích

1. Mức trích phí chợ được áp dụng đối với cả trường hợp chợ có lầu, được quy định chi tiết tại Phụ lục VI kèm theo. Mức trích để lại cho Ban Quản lý, Tổ quản lý chợ đối với các hình thức đầu tư xây dựng chợ, như sau:

a) Chợ do Nhà nước đầu tư 100%;

b) Chợ do Nhà nước đầu tư một phần và một phần do thành phần khác đóng góp xây dựng chợ;

c) Chợ do Nhân dân đóng góp:

- Căn cứ số kinh phí quyết toán năm trước, dự toán năm thực hiện của Ban Quản lý, Tổ quản lý chợ, Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định mức trích cụ thể cho từng chợ theo khung quy định tại Phụ lục VI kèm theo, sao cho phù hợp tình hình hoạt động của chợ, cụ thể như chợ mới đầu tư, chợ vừa sửa chữa nâng cấp, chợ cần sửa chữa nâng cấp, đầu tư mua sắm mới trang thiết bị, số lượng hộ kinh doanh ít hay nhiều, đồng thời đảm bảo kinh phí hoạt động cho đơn vị thu phí.

- Riêng đối với chợ hạng 3 tại khu vực III nếu mức trích phí chợ để lại không đảm bảo kinh phí hoạt động của Ban Quản lý, Tổ quản lý chợ thì Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm cấp bù kinh phí còn thiếu.

2. Mức trích đối với các khoản thu khác:

a) Đối với khoản thu tiền sử dụng nhà vệ sinh công cộng, thu phí trông giữ xe đạp, xe 02 bánh chạy điện, xe mô tô, xe gắn máy, xe ô tô thì mức trích được áp dụng theo quy định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.

b) Đối với khoản thu tiền trông giữ hàng hóa ban đêm và thu khác: Thì đơn vị tổ chức thu có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định quản lý thuế  hiện hành.

3. Đơn vị kinh doanh, quản lý chợ hoặc thương nhân đầu tư, quản lý và kinh doanh khai thác chợ: Không phải thực hiện việc trích phí chợ theo quy định tại Khoản 1 Điều này, mà có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định quản lý thuế hiện hành.

Chương III

PHÂN CẤP THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ CHỢ

Điều 5. Phân cấp thu, nộp phí chợ và thu khác

1. Đối với chợ do Nhà nước đầu tư 100% và chợ do Nhân dân đóng góp xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp huyện giao cho đơn vị thu phí theo quy định sau:

a) Đối với chợ đã tổ chức đấu thầu hoặc chuyển giao quản lý và kinh doanh khai thác chợ thì đơn vị kinh doanh, quản lý chợ được trúng thầu hoặc nhận chuyển giao sẽ thực hiện thu. Thời gian và số tiền nộp vào ngân sách Nhà nước cùng cấp được thực hiện theo hợp đồng giao nhận thầu chợ; đồng thời có trách nhiệm kê khai thuế đối với phần thu nhập được để lại theo quy định.

b) Đối với chợ chưa tổ chức đấu thầu hoặc chuyển giao quản lý và kinh doanh khai thác chợ do Ban Quản lý, Tổ quản lý chợ thực hiện thu, có trách nhiệm kê khai, nộp và quyết toán số tiền thu phí chợ và thu khác vào ngân sách Nhà nước cùng cấp.

2. Đối với chợ do Nhà nước đầu tư một phần và một phần do thành phần khác đóng góp xây dựng chợ, Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ mức độ, tỷ lệ góp vốn để lựa chọn đơn vị kinh doanh, quản lý chợ.

3. Chợ do thương nhân đầu tư, quản lý và kinh doanh khai thác thì thương nhân thành lập Ban điều hành để tổ chức thu phí chợ và thu khác.

Điều 6. Chứng từ thu phí chợ và thu khác

1. Đối với Ban Quản lý, Tổ quản lý chợ tổ chức thu phí, đăng ký nhận biên lai thu phí chợ và quyết toán với Chi cục Thuế tại địa phương theo quy định.

2. Các đối tượng tổ chức thu phí chợ còn lại, thực hiện chứng từ thu phí chợ theo hướng dẫn của cơ quan thuế.

3. Đơn vị tổ chức thu phí chợ, phải lập và cấp biên lai thu (vé hoa chi chợ, biên lai, hóa đơn…) cho đối tượng nộp phí theo đúng quy định hiện hành của Bộ Tài chính về phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế.

4. Cơ quan thuế có trách nhiệm hướng dẫn việc phát hành, quản lý, sử dụng chứng từ, biên lai thu phí và hóa đơn (tem, vé) theo quy định hiện hành.

Điều 7. Quản lý và sử dụng phí chợ và thu khác

1. Tổ chức thu phí chợ có trách nhiệm đăng ký, kê khai, thu, nộp, quyết toán thu phí chợ và thu khác theo quy định tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định về phí và lệ phí; Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định về phí và lệ phí; và các văn bản có liên quan theo quy định hiện hành.

2. Hàng năm, Ban Quản lý, Tổ quản lý chợ có trách nhiệm lập dự toán thu - chi thu về phí chợ theo quy định của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn phân cấp, lập, chấp hành và quyết toán ngân sách Nhà nước hiện hành (dự toán phân chi tiết theo nội dung thu chi đúng quy định và kèm theo thuyết minh, giải trình cơ sở tính toán), gửi cơ quan Tài chính thẩm định để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc quyết toán thu phí chợ cùng thời gian với việc quyết toán ngân sách Nhà nước. Ban Quản lý, Tổ quản lý chợ thực hiện quyết toán việc sử dụng biên lai thu phí, số tiền phí thu được, số tiền phí để lại cho đơn vị, số tiền phí phải nộp ngân sách, số tiền phí đã nộp và số tiền phí còn phải nộp ngân sách Nhà nước với cơ quan thuế trực tiếp quản lý; quyết toán việc sử dụng số tiền được trích để lại với cơ quan tài chính cùng cấp theo đúng quy định.

3. Đối với mức thu đầu tư chợ: Nếu ngân sách ứng trước kinh phí để đầu tư thì toàn bộ số thu này nộp hoàn trả ngân sách hoặc để bù đắp chi phí đầu tư hạ tầng chợ.

4. Đơn vị kinh doanh, quản lý chợ hoặc thương nhân đầu tư, quản lý và kinh doanh khai thác chợ phải áp dụng mức thu phí chợ được quy định tại Điều 3 Quy định này; thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định quản lý thuế  hiện hành.

Điều 8. Phương thức thu phí chợ và thu khác

1. Ban Quản lý, Tổ quản lý chợ thực hiện việc thu phí chợ có thể thu theo ngày, theo tuần hoặc theo tháng, nhưng tổng mức thu phí chợ theo ngày hoặc theo tuần trong một tháng phải bằng với mức thu phí chợ theo tháng đã được quy định tại Điều 3 Quy định này.

2. Tùy theo tình hình thực tế của từng chợ, Tổ chức thu phí chợ quyết định phương thức thu phí chợ cho phù hợp và thực hiện niêm yết, thông báo công khai về tên phí, mức thu phí, phương thức thu, thời gian và đơn vị, cá nhân thực hiện thu phí chợ trong phạm vi chợ để các hộ kinh doanh biết, thực hiện. Đồng thời thực hiện thu phí đúng đối tượng, đúng mức thu quy định, bảo đảm thuận tiện, không gây phiền hà, trở ngại đối với tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại chợ.

3. Tổ chức thu phí chợ thực hiện chế độ công khai tài chính theo quy định của pháp luật.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Trách nhiệm của các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp

1. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh Đồng Nai hướng dẫn các đối tượng thực hiện và kiểm tra xử lý vi phạm việc thu, quản lý, sử dụng phí chợ đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan tài chính các cấp có trách nhiệm thường xuyên hướng dẫn công tác tổ chức thu phí, kiểm tra, kiểm soát tình hình thu, chi, công tác báo cáo, quyết toán theo đúng chế độ tài chính hiện hành áp dụng cho từng đơn vị.

3. Cục Thuế tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn các loại chứng từ thu phí chợ và chỉ đạo các Chi cục Thuế hướng dẫn, phổ biến chính sách thu phí chợ, chế độ quản lý sử dụng hóa đơn, chứng từ có liên quan đến việc thu phí theo Quy định này cho đơn vị thu phí chợ biết, thực hiện. Đồng thời phối hợp với các cơ quan có liên quan kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa chỉ đạo, tổ chức quản lý thu phí đối với các chợ trên địa bàn.

5. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan cấp tỉnh, huyện thực hiện giám sát, quản lý việc thu phí chợ đối với các tổ chức thu phí chợ trên địa bàn.

Điều 10. Khen thưởng, xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thu, quản lý và sử dụng thu chi phí chợ được khen thưởng theo quy định của Nhà nước.

2. Trường hợp các cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn; Nghị định số 186/2013/NĐ-CP ngày 05/12/2013 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý phí, lệ phí; Thông tư số 10/2014/TT-BTC ngày 17/01/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn; Thông tư số  31/2014/TT-BTC ngày 07/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn; và các văn bản có liên quan theo quy định hiện hành.

Điều 11. Điều khoản thi hành

1. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các tổ chức, cá nhân phản ánh về Sở Công Thương để phối hợp với các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan tổng hợp, đề xuất, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

2. Khi có sự thay đổi của quy định pháp luật về phí chợ hoặc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% (theo niên giám thống kê) giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan tổng hợp, đề xuất, trình Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh mức thu phí chợ cho phù hợp tình hình thực tế./.

 

HƯỚNG DẪN

CÁCH THỨC TÍNH MỨC THU ĐẦU TƯ VÀ THU HOA CHI CHỢ
(Kèm theo Quyết định số 71/2014/QĐ-UBND ngày 26/12/2014 của UBND tỉnh Đồng Nai)

I. MỨC THU ĐẦU TƯ CHỢ

1. Ví dụ 01: Hộ kinh doanh tại chợ hạng 01 ở khu vực I; chợ do Nhà nước đầu tư xây dựng 100%; sử dụng điểm kinh doanh là ki-ốt được xây dựng kiên cố có diện tích 6m2; vị trí ki-ốt có mặt tiền hướng đường chính (quốc lộ, tỉnh lộ) thì mức thu đầu tư chợ của điểm kinh doanh tối đa sẽ là:

30.000 đồng/m2/tháng x 6m2 x 1,5 (hệ số k) = 270.000 đồng/tháng.

2. Ví dụ 02: Hộ kinh doanh tại chợ hạng 02 ở khu vực II; chợ do Nhà nước đầu tư một phần và một phần do thành phần khác đóng góp xây dựng chợ (theo tỷ lệ 60:40); sử dụng điểm kinh doanh được xây dựng bằng gạch men, thùng sắt, thùng inox, vật liệu khác có diện tích 4m2; vị trí điểm kinh doanh có hai mặt tiền đường nội bộ bên trong nhà lồng chính của chợ thì mức thu đầu tư chợ của điểm kinh doanh tối đa sẽ là:

16.000 đồng/m2/tháng x 4m2 x 1,3 (hệ số k) x 60% = 49.900 đồng/tháng.

3. Ví dụ 03: Hộ kinh doanh tại chợ hạng 03 ở khu vực II; chợ do Nhà nước đầu tư xây dựng 100%; sử dụng điểm kinh doanh là ki-ốt được xây dựng kiên cố có diện tích 10m2; đã hoàn thành thu hồi vốn đầu tư chợ thì mức thu đầu tư chợ của điểm kinh doanh sẽ là:

18.000 đồng/m2/tháng x 10m2 x 50% = 90.000 đồng/tháng.

4. Ví dụ 04: Hộ kinh doanh tại chợ hạng 02 ở khu vực I; chợ do Nhà nước đầu tư xây dựng 100%; sử dụng điểm kinh doanh là ki-ốt được xây dựng kiên cố có diện tích 10m2; hộ kinh doanh tự bỏ vốn xây dựng điểm kinh doanh thì mức thu đầu tư chợ của điểm kinh doanh sẽ là:

25.000 đồng/m2/tháng x 10m2 x 50% = 125.000 đồng/tháng.

5. Ví dụ 05: Hộ kinh doanh tại chợ hạng 01 ở khu vực II; chợ do Nhà nước đầu tư xây dựng 100%; sử dụng điểm kinh doanh được xây dựng bằng gạch men, thùng sắt, thùng inox, vật liệu khác có diện tích 8m2; vị trí điểm kinh doanh có hai mặt tiền đường nội bộ bên ngoài; đã hoàn thành thu hồi vốn đầu tư chợ; hộ kinh doanh tự bỏ vốn xây dựng điểm kinh doanh thì mức thu đầu tư chợ của điểm kinh doanh tối đa sẽ là:

18.500 đồng/m2/tháng x 8m2 x 1,5 (hệ số k) x 40% = 88.800 đồng/tháng.

6. Ví dụ 06: Hộ kinh doanh tại chợ hạng 02 ở khu vực II; chợ do thương nhân đầu tư, quản lý và kinh doanh khai thác chợ; thuê điểm kinh doanh có diện tích 6m2 là ki-ốt có mặt tiền hướng đường chính (quốc lộ, tỉnh lộ) thì mức thu đầu tư chợ của điểm kinh doanh tối đa sẽ là:

22.500 đồng/m2/tháng x 6m2 x 1,5 (hệ số k) x 4 lần = 810.000 đồng/tháng.

II. MỨC THU HOA CHI

1. Ví dụ 01: Hộ kinh doanh cố định kinh doanh tại chợ hạng 01; sử dụng điểm kinh doanh có diện tích 10m2; vị trí điểm kinh doanh tại tầng lầu của chợ thì mức thu hoa chi sẽ là:

30.000 đồng/m2/tháng x 10m2 = 300.000 đồng/tháng.

2. Ví dụ 02: Hộ kinh doanh cố định kinh doanh tại chợ hạng 01 ở khu vực II; sử dụng điểm kinh doanh có diện tích 10m2, thì mức thu hoa chi sẽ là:

42.000 đồng/m2/tháng x 10m2 = 420.000 đồng/tháng.

3. Ví dụ 03: Hộ kinh doanh cố định kinh doanh tại chợ hạng 03 ở khu vực II; chợ chỉ họp một buổi sáng; sử dụng điểm kinh doanh có diện tích 6m2, thì mức thu hoa chi sẽ là:

18.000 đồng/m2/tháng x 6m2 = 180.000 đồng/tháng.

4. Ví dụ 04: Hộ kinh doanh không cố định tại chợ hạng 02 ở khu vực I; sử dụng điểm kinh doanh có diện tích 20m2 (bán dưa hấu trong dịp tết Nguyên đán), thì mức thu hoa chi sẽ là:

20m2 x 3.500 đồng/ngày : 3m2 =  23.300 đồng/ngày.

 

PHỤ LỤC I

(Kèm theo Quyết định số 71/2014/QĐ-UBND ngày 26/12/2014 của UBND tỉnh Đồng Nai)

TÊN DOANH NGHIỆP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:            /

…………, ngày… tháng… năm 20…

 

PHƯƠNG ÁN KINH DOANH KHAI THÁC CHỢ ……….

Kính gửi: UBND huyện/thị/thành……….……..

Tên doanh nghiệp:................................................................................................

Tên giao dịch đối ngoại của doanh nghiệp:..........................................................

Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp:................................................................

Điện thoại: ………………. Fax:................................ Mail:.................................

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số:……….... do:……………………..…

cấp ngày……… tháng………. năm……....

Mã số thuế:...........................................................................................................

Ngành nghề kinh doanh:.......................................................................................

Đề nghị UBND huyện/thị/thành:……..……….. xem xét, chấp thuận phê duyệt phương án kinh doanh khai thác chợ ……..….………. theo quy định tại Quyết định số…../2014/QĐ-UBND ngày…../12/2014 của UBND tỉnh quy định về mức thu, quản lý và sử dụng phí chợ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, cụ thể như sau:

1. Tên chợ:..........................................................................................................

2. Địa chỉ:...........................................................................................................

3. Tổng giá trị đầu tư chợ thực tế (chỉ tính phần chợ, không tính phần phố chợ - nếu có):…………………………………………………………………………..….

4. Phương thức đầu tư:..........................................................................................

5. Thời gian dự kiến hoàn thành:..........................................................................

6. Thời gian dự kiến đưa dự án chợ vào hoạt động:.............................................

7. Thời gian bắt đầu thu đầu tư chợ:.....................................................................

8. Mức thu (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng), phương thức, hình thức, thời gian thu đầu tư chợ:..............................................................................................................

9. Khả năng thu hồi vốn đầu tư:............................................................................

10. Các nội dung khác:........................................................................................

Doanh nghiệp cam kết các nội dung trên là đúng, nếu sai doanh nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật./.

 

 

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
(Họ và tên, ký tên và đóng dấu)

 

PHỤ LỤC II

MỨC THU PHÍ ĐẦU TƯ CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
(Kèm theo Quyết định số 71/2014/QĐ-UBND ngày 26/12/2014 của UBND tỉnh Đồng Nai)

STT

Nội dung thu đầu tư chợ

Mức thu (đồng/m2/tháng)

Khu vực I

Khu vực II

Khu vực III

1

Chợ hạng 01

 

 

 

a

Đối với điểm kinh doanh là ki-ốt được xây dựng kiên cố

30.000

27.000

 

b

Đối với điểm kinh doanh được xây dựng bằng gạch men, thùng sắt, thùng inox, vật liệu khác

21.000

18.500

 

2

Chợ hạng 02

 

 

 

a

Đối với điểm kinh doanh là ki-ốt được xây dựng kiên cố

25.000

22.500

 

b

Đối với điểm kinh doanh được xây dựng bằng gạch men, thùng sắt, thùng inox, vật liệu khác

17.500

16.000

 

3

Chợ hạng 03

 

 

 

a

Đối với điểm kinh doanh là ki-ốt được xây dựng kiên cố

20.000

18.000

 

b

Đối với điểm kinh doanh được xây dựng bằng gạch men, thùng sắt, thùng inox, vật liệu khác

14.000

12.500

10.500

 

PHỤ LỤC III

MỨC THU HOA CHI ĐỐI VỚI HỘ KINH DOANH CỐ ĐỊNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
(Kèm theo Quyết định số 71/2014/QĐ-UBND ngày 26/12/2014 của UBND tỉnh Đồng Nai)

STT

Hạng chợ

Mức thu (đồng/m2/tháng)

Khu vực I

Khu vực II

Khu vực III

1

Chợ hạng 01

50.000

42.000

30.000

2

Chợ hạng 02

40.000

36.000

25.000

3

Chợ hạng 03

30.000

24.000

18.000

4

Chợ đêm

50.000

36.000

 

 

PHỤ LỤC IV

MỨC THU HOA CHI ĐỐI VỚI HỘ KINH DOANH KHÔNG CỐ ĐỊNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
(Kèm theo Quyết định số 71/2014/QĐ-UBND ngày 26/12/2014 của UBND tỉnh Đồng Nai)

STT

Hạng chợ

Mức thu (đồng/hộ/ngày)

Khu vực I

Khu vực II

Khu vực III

1

Chợ hạng 01

4.000

3.500

 

2

Chợ hạng 02

3.500

3.000

 

3

Chợ hạng 03

2.500

2.000

1.500

 

PHỤ LỤC V

MỨC THU PHÍ CHỢ ĐỐI VỚI TỔ CHỨC, CÁ NHÂN SỬ DỤNG PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI CƠ GIỚI VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA RA, VÀO CHỢ
(Kèm theo Quyết định số 71/2014/QĐ-UBND ngày 26/12/2014 của UBND tỉnh Đồng Nai)

STT

Nội dung thu

Mức thu (đồng/lượt xe)

Chợ hạng 01

Chợ hạng 02

Chợ hạng 03

Khu vực I

Khu vực II

Khu vực I

Khu vực II

1

Xe có tải trọng dưới 01 tấn (loại trừ xe ba bánh)

10.000

8.000

7.000

6.000

5.000

2

Xe có tải trọng từ 01 tấn đến dưới 02 tấn

15.000

14.000

12.000

10.000

8.000

3

Xe có tải trọng từ 02 tấn đến dưới 05 tấn

25.000

22.000

20.000

15.000

12.000

4

Xe có tải trọng từ 05 tấn trở lên

35.000

30.000

25.000

22.000

21.000

 

PHỤ LỤC VI

MỨC TRÍCH PHÍ CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
(Kèm theo Quyết định số 71/2014/QĐ-UBND ngày 26/12/2014 của UBND tỉnh Đồng Nai)

Đơn vị tính: %/tổng số thu phí quản lý chợ

STT

Nội dung trích/hạng chợ

Mức trích đối với chợ tại khu vực I

Mức trích đối với chợ tại khu vực II

1

Chợ Nhà nước đầu tư 100%; chợ do Nhà nước đầu tư một phần và một phần
do thành phần khác đóng góp xây dựng; chợ Nhân dân đóng góp

a

Chợ hạng 01

55 - 80

60 - 85

b

Chợ hạng 02

60 - 85

75 - 90

c

Chợ hạng 03

80 - 100

UBND cấp huyện quyết định mức trích phí chợ và cấp bù kinh phí (nếu có)

2

Chợ do thương nhân đầu tư xây dựng kinh doanh khai thác: Không áp dụng mức trích, mà thực hiện đóng thuế theo quy định hiện hành