Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 71/2003/QĐ-BNV

Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

"VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT BẢN ĐIỀU LỆ CỦA HIỆP HỘI SẢN XUẤT, KINH DOANH CỦA NGƯỜI TÀN TẬT VIỆT NAM"

 BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ 

Căn cứ Sắc lệnh số 102/SL-LO04 ngày 20/5/ 1957 quy định về quyền lập Hội.
Căn cứ Nghị định của Chính phủ số 45/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Căn cứ Nghị định của Chính phủ số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội;
Xét đề nghị của Chủ tịch Hiệp hội sản xuất, kinh doanh của Người tàn tật Việt Nam và của Vụ trưởng Vụ tổ chức phi chính phủ;

QUYẾT ĐỊNH: 

Điều 1: Phê duyệt bản Điều lệ của Hiệp hội Sản xuất, kinh doanh của Người tàn tật Việt Nam đã được Đại hội nhiệm kỳ 1 ngày 1 8 tháng 9 năm 2003 thông qua.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo.

Điều 3: Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất, kinh doanh của Người tàn tật Việt Nam, Vụ trưởng Vụ tổ chức phi chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định. 

 

 

Nơi nhận
- Như điều 3
-Công báo CPCP

K/T BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG


 
 
Đặng Quốc Tiến

 

ĐIỀU LỆ

HIỆP HỘI SẢN XUẤT, KINH DOANH CỦA NGƯƠI TÀN TẬT VIỆT NAM

Trong 5 triệu người dân tàn tật ở Việt Nam có gần 70% đang ở độ tuổi lao động. Hầu hết người tàn tật còn khả năng lao động đều mong muốn có việc làm phù hợp để ổn định cuộc sống, được thật sự bình đẳng, hòa nhập cộng đồng và xóa bỏ mặc cảm về tàn tật của bản thân.

Hiện nay, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của người tàn tật trong cả nước thu hút hàng chục ngàn lao động.

Chăm sóc hỗ trợ người tàn tật là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, phù hợp với đạo lý của dân tộc ta. Việt Nam có hệ thống chính sách, pháp luật tương đối toàn diện, tạo Điều kiện để người tàn tật vươn lên bằng khả năng của mình tham gia lao động phù hợp, tự khẳng định, bình đẳng trong cuộc sống và hòa nhập xã hội.

Tại các cuộc vận động hưởng ứng Thập kỷ về người tàn tật khu vực Châu á Thái Bình Dương, 1993 - 2002, do UNESCAP phát động được tổ chức tại các nước trong khu vực, đều quan tâm đặc biệt đến vấn đề việc làm của người tàn tật. ở nhiều nước trong khu vực và thế giới, hiệp hội sản xuất, kinh doanh của người tàn tật hoạt động rất có hiếu quả, tạo thêm nhiều việc làm và nâng mức thu nhập của người tàn tật.

Căn cứ yêu cầu thực tế và nguyện vọng của người tàn tật trong cả nước, hiệp hội Sản xuất, kinh doanh của Người tàn tật việt Nam" được thành lập theo Quyết định số 13/2003/QĐ - BNV ngày 14 tháng 4 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. 

Chương 1:

TÊN GỌI, TÔN CHỈ, MỤC ĐÍCH 

Điều 1: "Hiệp Hội sản, xuất kinh doanh của người tàn tật Việt Nam", sau đây gọi tắt là Hiệp hội, là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, phi lợi nhuận, bao gồm các hội viên là các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của người tàn tật được cấp có thẩm quyền công nhận, tự nguyện tham gia Hiệp hội.Tên tiếng Anh của Hiệp hội là: " VIET NAN ASSOCIATION OF BUSINESS ENTERPRISES OF PERSONS WITH DISABILITIES" viết tắt là: VABED. 

Điều 2: Hiệp hội đại diện cho các hội viên trong quan hệ đối nội, đối ngoại nhằn mục đích phối hợp, hỗ trợ và tăng cường hợp tác giữa các hội viên cũng như với các cơ sở, cơ quan hữu quan, các tổ chức trong nước và nước ngoài nhằm phát triển sản xuất: kinh doanh, dịch vụ và tạo việc làm cho người tàn tật, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, bảo về quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các hội viên trước pháp luật. 

Điều 3:

1. Hiệp hội hoạt động theo điều lệ của Hiệp hội, theo Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, được Nhà nước bảo trợ và chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

2. Kết nạp hội viên trên cơ sở tự nguyện;

3. Hoạt động theo nguyên tắc bình đẳng, dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thiểu số phục tùng đa số;

4. Có tư cách pháp nhân, có biểu tượng, con dấu và tài khoản riêng tại Ngân hàng Việt Nam;

5. Có trụ sở đặt tại thủ đô Hà Nội;

6. Tự trang trải về tài chính.

Chương 2:

CHỨC NĂNG VÀ NHIỆM VỤ 

Điều 4: Chức năng

1. Hiệp hội đại diện cho các hội viên để quan hệ, phối hợp trong công việc với các tổ chức, cơ quan hữu quan trong nước và các tổ chức, các cá nhân nước ngoài;

2. Bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của hội viên.

3. Phản ánh nguyện vọng, kiến nghị và tham gia ý kiến trong việc soạn thảo, sửa đổi, bổ sung chính sách, chế độ, luật pháp của Nhà nước có liên quan đến sản xuất kinh doanh và dịch vụ của người tàn tật. 

Điều 5: Nhiệm vụ

1. Xác định phương hướng phát triển sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của người tàn tật phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước;

2. Phổ biến, hướng dẫn hội viên thực hiện các chính sách, luật pháp của Nhà nước liên quan đến sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của người tàn tật; thông tin giới thiệu rộng rãi Điều lệ Hiệp hội, các hoạt động của Hiệp hội, kinh nghiệm tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và tạo việc làm cho người tàn tật;

3. Tổ chức, phối hợp hoạt động giữa các hội viên vì lợi ích chung của Hiệp hội; hòa giải tranh chấp trong nội bộ Hiệp hội;

4. Tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của người tàn tật; đào tạo bồi dưỡng nâng cao tay nghề của người tàn tật;

5. Mở rộng hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế nhằm trao đổi thông tin, kinh nghiệm và huy động hỗ trợ về tài chính, công nghệ, đào tạo và tư vấn; đồng thời hướng dẫn và tạo điều kiện cho các hội viên được trực tiếp quan hệ hợp tác;

6. Tiếp nhận các dự án, các nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước hỗ trợ Hiệp hội theo quy định của pháp luật; đồng thời chịu trách nhiệm giám sát và chỉ đạo các hội viên sử dụng đúng mục tiêu, có hiệu quả và đúng tiến độ theo đúng quy định của Nhà nước.

7. Đề xuất và tham gia ý kiến với các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm về những vấn đề liên quan đến sự phát triển sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của người tàn tật; kiến nghị với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền soạn thảo chính sách về những lĩnh vực, nội dung cần bổ sung, điều chỉnh và sữa đổi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của người tàn tật hoạt động và phát triển. 

Chương 3:

HỘI VIÊN 

Điều 6: Mọi cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của người tàn tật có đủ điều kiện quy định ở Điều 1, tán thành Điều lệ, tự nguyện xin gia nhập Hiệp hội, được ban chấp hành Hiệp hội công nhận đều trở thành hội viên. 

Điều 7: Những người làm công tác quản lý, nghiên cứu khoa học, hoạt động kinh tế, hoạt động xã hội, từ thiện, nếu tán thành Điều lệ và tạo điều kiện cho hoạt động của hiệp hội, tự nguyện xin gia nhập hiệp hội, đều trở thành hội viên danh dự, hội viên bảo trợ của Hiệp hội.

Hội viên danh dự và hội viên bảo trợ không tham gia biểu quyết trong các hội nghị của Hiệp hội.

Điều 8: Quyền của hội viên:

1. Được đề cử các đại biểu của mình, ứng cử, bầu cử vào cơ quan lãnh đạo của Hiệp hội, thảo luận, kiến nghị và biểu quyết về Điều lệ, chương trình hoạt động của Hiệp hội, chất vấn những vấn đề có liên quan đến Hiệp hội, có quyền xin ra khỏi Hiệp hội và chấm dứt tư cách hội viên;

2. Được Hiệp hội bảo vệ trước pháp luật khi những quyền lợi chính đáng, hợp pháp;

3. Được cung cấp các thông tin có liên quan đến các lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội;

4. Được giúp đỡ, tư vấn các vấn đề liên quan đến sản xuất, kinh doanh và dịch vụ theo khả năng của hiệp hội;

5. Được tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động của hiệp hội.

Điều 9: Nghĩa vụ của hội viên:

1. Thực hiện đầy đủ nội dung Điều lệ, các nghị quyết của Hiệp hội;

2. Tham gia các hoạt động của Hiệp hội, chấp hành sự phân công của Hiệp hội;

3. Đóng hội phí đầy đủ theo quy định của Hiệp hội;

4. Tuyên truyền Điều lệ và các hoạt động của Hiệp hội giới thiệu hội viên mới.

Chương 4:

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HIỆP HỘI 

Điều 10: Hiệp hội được tổ chức:

- Ở Trung ương có Ban chấp hành Hiệp hội;

- Ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là tỉnh) có nhiều cơ sở hội viên, được công nhận Hội cấp tỉnh do Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập làm thành viên tự nguyện của Hiệp hội. 

Điều 11: Đại hội đại biểu

Đại hội đại biểu là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hiệp hội được tổ chức 5 năm một lần. Đại hội quyết định phương hướng, nhiệm vụ, chương trình hoạt động và tổ chức của Hiệp hội trong nhiệm kỳ; sửa đổi, bổ sung và thông qua Điều lệ, bầu Ban chấp hành Hiệp hội.

 Đại hội bất thường chỉ tiến hành khi có vấn đề quan trọng và có trên 50% số hội viên hoặc hoặc có 2/3 số uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội đề nghị triệu tập.

Điều 12: Ban chấp hành Hiệp hội.

1.Ban chấp hành Hiệp hội là cơ quan lãnh đạo của Hiệp hội giữa hai kỳ đại hội. Số lượng uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội do đại hội quyết định;

 Ban chấp hành Hiệp hội họp thường kỳ một năm hai lần; việc triệu tập họp bất thường do Chủ tịch Hiệp hội xem xét quyết định trên cơ sở đề nghị của Thường trực Ban chấp hành Hiệp hội.

 2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban chấp hành Hiệp hội:

- Tổ chức thực hiện chương trình hành động cũng như các nghị quyết của Đại hội;

- Bầu Chủ tịch, các Phó chủ tịch, Tổng thư ký, các uỷ viên thường trực Ban chấp hành Hiệp hội;

- Xem xét, quyết định bổ sung ủy viên vào Ban chấp hành Hiệp hội trên cơ sở căn cứ nhu cầu và sự phát triển của Hiệp hội. Số uỷ viên bổ sung không quá 1/3 số uỷ viên do Đại hội bầu ra;

- Xét công nhận hội viên mới theo quy định của Điều lệ Hiệp hội;

- Quyết định gia nhập các tổ chức quốc tế, tiếp nhận các chương trình, dự án là các nguồn tài trợ theo quy định của pháp luật;

- Xét khen thưởng và kỷ luật. 

Điều 13: Thường trực Ban chấp hành Hiệp hội.

Thường trực Ban chấp hành Hiệp hội do Ban chấp hành Hiệp hội bầu ra, gồm: Chủ tịch, các Phó chủ tịch, Tổng thư ký và một số uỷ viên thường trực Hiệp hội;

Thường trực Ban chấp hành Hiệp hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau:

1. Thay mặt Ban chấp hành Hiệp hội điều hành trực tiếp các hoạt động thường xuyên của Hiệp hội;

2. Hướng dẫn thực hiện Điều lệ, các nghị quyết của Ban chấp hành Hiệp hội;

3 .Quan hệ với các cơ quan, các tổ chức trong nước và các tổ chức, cá nhân nước ngoài.

4. Chỉ đạo các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trực thuộc Văn phòng của Hiệp hội hoạt động theo luật định;

5. Thường trực Ban chấp hành Hiệp hội họp thường kỳ ba tháng một lần để đánh giá việc thực hiện các kế hoạch hoạt động của Hiệp hội, chuẩn bị cho cuộc họp thường kỳ và bất thường của Ban chấp hành Hiệp hội. 

Điều 14: Chủ tịch và các Phó chủ tịch Hiệp hội.

- Chủ tịch là người đại diện pháp nhân của Hiệp hội, chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của Hiệp hội trước pháp luật.

- Chủ tịch có nhiệm vụ và quyền hạn triệu tập và chủ trì các kỳ họp của Ban chấp hành Hiệp hội và thường trực Ban chấp hành hiệp hội.

- Các Phó chủ tịch là người giúp Chủ tịch, được Chủ tịch phân công phụ trách từng phần công việc và được uỷ quyền điều hành công việc của ban chấp hành Hiệp hội khi Chủ tịch vắng mặt. 

Điều 15: Tổng thư ký Hiệp hội.

Tổng thư ký là người được Chủ tịch Hiệp hội ủy quyền điểu hành công việc hàng ngày, triển khai thực hiện các chương trình, nội dung công tác đã được Chủ tịch và Ban chấp hành Hiệp hội thông qua. Tổng thư ký có thể do một Phó Chủ tịch kiêm nhiệm.

Quyền hạn nhiệm vụ của Tổng thư ký :

1.Thay mặt thường trực Ban chấp hành Hiệp hội xử lý các công việc hành chính, điều hành hoạt động hàng ngày của cơ quan, ký các văn bản do Chủ tịch uỷ nhiệm;

2. Chuẩn bị chương trình và nội dung các kỳ họp của Ban chấp hành Hiệp hội và thường trực Ban chấp hành Hiệp hội; 

Điều 16: Ban kiểm tra Hiệp hội

Ban kiểm tra do Ban chấp hành Hiệp hội bầu ra gồm: Trưởng ban, Phó trưởng ban và các Uỷ viên. Ban kiểm tra họp 6 tháng một lần và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ban chấp hành Hiệp hội.

 Ban kiểm tra có những nhiệm vụ sau:

 1 Giám sát, kiểm tra việc thực hiện Điều lệ, các Nghị quyết của Đại hội;

2. Kiểm tra hoạt động tài chính theo quy định hiện hành;

3. Xem xét và xử lý các đơn thư, khiếu nại, tố cáo liên quan đến Hiệp hội. 

Điều 17: Văn phòng Hiệp hội

Hiệp hội có Văn phòng giúp việc do Tổng thư ký Hiệp hội phụ trách, có Chánh văn phòng và một số nhân viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động.

Chương 5:

TÀI CHÍNH 

Hoạt động tài chính của Hiệp hội được thực hiện theo đúng luật định và chịu sự kiểm tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 18: Nguồn tài chính của Hiệp hội gồm:

1. Hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức kinh tế- xã hội, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước;

2. Hội phí của các hội viên;

3. Thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của các cơ sở trực thuộc Văn phòng Hiệp hội trong khuôn khổ pháp luật;

4. Thu từ tiền lãi các khoản tài chính gửi ngân hàng, tín phiếu, trái phiếu;

5 . Thu từ các chương trình, dự án được Nhà nước giao;

6. Xin hỗ trợ tài chính từ ngân sách Nhà nước dành cho các hoạt động được Chính phủ cho phép;

7. Các khoản thu khác. 

Điều 19: Những khoản chi chủ yếu:

1.Hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và tạo việc làm cho người tàn tật;

2. Nghiên cứu thị trường trong nước và ngoài nước phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của các hội viên;

3. Đại hội và các kỳ họp của Hiệp hội;

4. Phổ biến, hướng dẫn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và phát hành các ấn phẩm của Hiệp hội;

5. Quan hệ quốc tế;

6. Trả lương, phí hành chính cho Văn phòng Hiệp hội;

7. Khen thưởng;

8. Vận động, tuyên truyền các cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp ủng hộ tài chính cho Hiệp hội;

9. Mua sắm, sửa chữa tài sản sử dụng thường xuyên của Văn phòng Hiệp hội;

10. Văn phòng dịch vụ tư vấn;

11. Các khoản chi khác.

Chương 6:

KHEN THƯƠNG VÀ KỶ LUẬT 

Điều 20: Các hội viên của Hiệp hội và các cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp cho hoạt động của Hiệp hội được Hiệp hội khen thưởng hoặc đề nghị cơ quan cấp trên khen thưởng. 

Điều 21: Các hội viên của Hiệp hội và cá nhân vi phạm Điều lệ, nghị quyết đại hội làm ảnh hưởng đến uy tín của Hiệp hội phải chịu hình thức kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo, cách chức đến khai trừ và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

 Các hình thức kỷ luật thuộc thẩm quyền của Ban chấp hành Hiệp hội quyết định gồm: khiển trách, cảnh cáo cách chức, khai trừ. 

Chương 7:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH 

Điều 22: Điều lệ Hiệp hội gồm 7 chương, 23 điều, đã được Đại hội lần thứ 1 thông qua ngày 18/9/2003. Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ do Đại hội đại biểu các Hội viên của Hiệp hội quyết định. Điều lệ có hiệu lực từ ngày được Bộ Nội vụ phê duyệt. 

Điều 23: Tất cả hội viên có trách nhiệm thực hiện đầy đủ Điều lệ của Hiệp hội, Ban chấp hành Hiệp hội có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hiệp hội./

 

DANH SÁCH

BAN CHẤP HÀNH HIỆP HỘI SẢN XUẤT, KINH DOANH CỦA NGƯỜI TÀN TẬT VIỆT NAM CHỦ TỊCH VÀ CÁC PHÓ CHỦ TỊCH: 

1. Chủ tịch: Ông Trần Vinh Quang, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Ông Nghiêm Xuân Tuệ, Giám đốc Văn phòng điều phối các hoạt động hỗ trợ người tàn tật Việt Nam (NCCD), Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký.

3. Ông Lê Hồng Quang, Giám đốc Công ty Bao bì 27/7 Hà Nội, Phó Chủ tịch.

4. Ông Đặng Văn Thanh, Giám đốc Xí nghiệp 202, quản Hai Bà Trưng, Hà Nội, Phó Chủ tịch. 

5. Ông Nguyễn Hoàng Viễn, Giám đốc Công ty 27/7 Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch.

6. Ông Trần Hồng Quảng, Giám đốc Xí nghiệp Quang Minh, Hải Phòng, Phó Chủ tịch.

CÁC UỶ VIÊN

7. Bà Phan Thị Cúc, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp Bộ Tài chính.

8. Bà Dương Thị Vân, Trưởng Ban điều hành nhóm " Vì tương lai tươi sáng" của người khuyết tật Hà Nội, Phụ trách cơ sở dạy vi tính, ngoại ngữ và biên dịch.

9. Ông Trần Trọng Thuỷ, Giám đốc Công ty 27/7 Ninh Bình.

10. Ông Nguyễn Khánh, Chủ tịch Hội người mù TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Trung tâm xoa bóp phục hồi sức khoẻ.

11. Ông Tạ Quốc Hùng, Giám đốc Xí nghiệp 2/9 Hải Phòng.

12.Ông Cao Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội người mù Việt Nam, Phụ trách sản xuất của Hội.

13.Ông Huỳnh Công Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thương mại - Sản xuất Dịch vụ Sức Sống, TP Hồ Chí Minh.

14.Ông Trịnh Văn Đông, Giám đốc Công ty May và in 27/7 Nam Định.

15.Ông Trần Quang Du, Giám đốc Công ty cơ khí 27/7 Nam Định .

16.Ông Lê Văn Lộc, Chủ tịch Hội người mù tỉnh Thừa Thiên Huế, Giám đốc Trung tâm Giáo dục, hướng nghiệp và phục hồi chức năng.

17.Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Giám đốc Trung tâm dạy nghề và sản xuất của người khuyết tật Nguyễn Nga tỉnh Bình Định.

18.Bà Quản Thị Ngọc Thạch, Chủ cơ sở sản xuất của người tàn tật Đức Trọng, Lâm Đồng.

19.Bà Bùi Thị Hồng Nga, Chủ cơ sở dạy nghề và sản xuất của người tàn tật tỉnh Cần Thơ.

20.Ông Hà Đình Thái, Giám đốc Công ty Thương mại và quảng cáo Hà Thái, Hà Nội.

21.Ông Lê Đức Ký, Giám đốc Công ty May Đông á, Nam Định.

22.Ông Lê Đức Hiến, Chủ cơ sở, Nhóm "Tương lai tàn- bất phế vươn lên", Đồng Nai.

23.Ông Phạm Công Ngụ, Chủ cơ sở điêu khắc truyền thống của người tàn tật tỉnh Hà Tĩnh

THƯỜNG TRỰC BAN CHẤP HÀNH

1.Chủ tịch: Ông Trần Vinh Quang, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

2. Ông Nghiêm Xuân Tuệ, Giám đốc Văn phòng điều phối các hoạt động hỗ trợ người tàn tật (NCCD), Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký.

3. Ông Lê Hồng Quang, Giám đốc Công ty Bao bì 27/7 Hà Nội, Phó Chủ tịch.

4. Ông Đặng Văn Thanh, Giám đốc Xí nghiệp 202, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Phó Chủ tịch.

5. Ông Nguyễn Hoàng Viễn, Giám đốc Công ty 27/7 TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch.

6. Ông Trần Hồng Quảng, Giám đốc Xí nghiệp Quang Minh, Hải Phòng, Phó Chủ tịch.

7. Bà Phan Thị Cúc, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, BộTài chính.

BAN KIỂM TRA 

1.Ông Trần Trọng Thuỷ, Giám dốc Công ty 27/7 Ninh Bình, Trưởng Ban.

2. Ông Huỳnh Công Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thương mại - Sản xuất - Dịch vụ Sức Sống, TP.Hồ Chí Minh.

3. Ông Tạ Hùng, Giám đốc Xí nghiệp Z/9 Hải Phòng

4. Ông Hà Đình Thái, Giám đốc Công ty Thương mại và quảng cáo Hà Thái, Hà Nội.

5. Ông Nguyễn Đình Thông, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hoà Bình, Hà Nội.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 71/2003/QĐ-BNV phê duyệt bản Điều lệ của Hiệp hội Sản xuất, kinh doanh của Người tàn tật Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nội Vụ ban hành

  • Số hiệu: 71/2003/QĐ-BNV
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/10/2003
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Đặng Quốc Tiến
  • Ngày công báo: 16/10/2003
  • Số công báo: Số 167
  • Ngày hiệu lực: 31/10/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản