Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 708/QĐ-UBND

Phú Yên, ngày 29 tháng 4 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TRÌNH TỰ THỦ TỤC LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI CẤP HUYỆN, CẤP XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN, GIAI ĐOẠN 2010-2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 và Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 89/TTr-SNN-PTNT ngày 25 tháng 4 năm 2011 về việc ban hành Quyết định quy định trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã trên địa bàn tỉnh Phú Yên, giai đoạn 2010-2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định trình tự thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Phú Yên, giai đoạn 2010-2020.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch UBND các xã; Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Trúc

 

QUY ĐỊNH

VỀ TRÌNH TỰ THỦ TỤC LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI CẤP HUYỆN, CẤP XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN, GIAI ĐOẠN 2010-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 708/QĐ-UBND ngày 29 tháng 4 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về trình tự, thủ tục lập, thẩm định và thẩm quyền phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2010-2020.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

2. Các xã trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Nguyên tắc xây dựng đề án

1. Đánh giá đúng thực trạng của xã, bám sát 19 tiêu chí của Trung ương để xây dựng. Quan tâm đồng bộ tất cả mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, kết cấu hạ tầng, an ninh quốc phòng.

2. Các nội dung của đề án phải được cộng đồng dân cư trong xã (qua hội nghị cán bộ chủ chốt của ngành, các đoàn thể; qua hội nghị các chi bộ thôn; họp đại diện các thôn, buôn) góp ý kiến sau đó hoàn chỉnh trình UBND xã.

3. Xây dựng nông thôn mới phải dựa trên tinh thần phát huy nội lực của cộng đồng, ý chí tự lực, tự cường của nhân dân là chính, có sự hỗ trợ của nhà nước, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự tham gia của các doanh nghiệp, phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Chương II

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC LẬP, PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN

Điều 4. Trình tự lập Đề án cấp huyện

1. Thu thập, tổng hợp số liệu hiện trạng chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, cơ sở hạ tầng nông thôn, UBND huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là UBND huyện) giao cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện thực hiện:

- Tổng hợp số liệu đang quản lý từ các phòng, ban chuyên môn của huyện về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, cơ sở hạ tầng, an ninh, quốc phòng. Trên cơ sở đó, dự thảo Đề án xây dựng nông thôn mới của huyện.

- Tổng hợp số liệu các xã báo cáo thực trạng về nông thôn.

Trên cơ sở số liệu của huyện, số liệu báo cáo của các xã, so sánh chỉnh lý, điều chỉnh, đảm bảo đề án có tính khả thi, phù hợp với các xã.

2. Tổ chức lấy ý kiến tham gia góp ý bản dự thảo đề án:

- Sau khi dự thảo xong đề án, UBND huyện tổ chức lấy ý kiến tham gia góp ý của các phòng, ban, ngành, đoàn thể của huyện.

- Sau khi tiếp thu ý kiến tham gia góp ý của các phòng, ban, ngành, đoàn thể của huyện, hoàn chỉnh đề án: UBND huyện báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy.

3. Báo cáo xin ý kiến UBND tỉnh:

- UBND huyện báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo tỉnh làm đầu mối lấy ý kiến các Sở ngành liên quan.

- Trên cơ sở ý kiến của các đơn vị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, tham mưu cho UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo (bằng văn bản) về một số nội dung cơ bản của đề án, làm cơ sở cho UBND huyện báo cáo Huyện uỷ (UBND thành phố, thị xã báo cáo HĐND thành phố, thị xã).

4. Báo cáo HĐND thành phố, thị xã: trên cơ sở ý kiến của tỉnh, UBND thành phố, thị xã trình HĐND thành phố, thị xã thông qua và ra nghị quyết của HĐND thành phố, thị xã về xây dựng nông thôn mới của thành phố, thị xã.

Đối với UBND huyện không có HĐND cấp huyện: Trên cơ sở ý kiến của tỉnh, UBND huyện trình Huyện ủy thông qua và ra nghị quyết của Huyện uỷ về xây dựng nông thôn mới của huyện.

5. Phê duyệt đề án: Sau khi HĐND thành phố, thị xã ra nghị quyết về xây dựng nông thôn mới của thành phố, thị xã; Huyện ủy ra nghị quyết về xây dựng nông thôn mới của huyện, UBND huyện, thị xã, thành phố ra quyết định phê duyệt và xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện đề án theo quy định.

Điều 5. Trình tự lập, phê duyệt Đề án cấp xã

1. Triển khai công tác xây dựng nông thôn mới: Đảng ủy chỉ đạo UBND xã, Ban quản lý dự án xây dựng nông thôn mới xã báo cáo Đảng bộ, các ban ngành, đoàn thể và nhân dân trong xã chương trình, kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới của xã.

2. Tổ chức khảo sát đánh giá thực trạng về nông thôn: Các xã tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng về nông thôn của xã mình theo 19 tiêu chí quốc gia về nông thôn mới để xây dựng Đề án xây dựng nông thôn mới của xã.

3. Lập đề án: Đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã do Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã lập.

Đối với các xã có hạn chế về năng lực cán bộ, đặc biệt đối với các xã miền núi Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp huyện cử chuyên viên ngành liên quan hướng dẫn xã lập đề án.

Nội dung lập đề án theo mẫu đề án xây dựng nông thôn mới xã (phụ lục 1) trong Sổ tay hướng dẫn xây dựng nông thôn mới (cấp xã) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

4. Lấy ý kiến góp ý dự thảo đề án: Sau khi đề án xây dựng nông thôn mới hoàn thành, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng dân cư trong xã (qua hội nghị cán bộ chủ chốt của ngành, đoàn thể xã hoặc hội nghị hội đồng nhân dân xã; Qua hội nghị chi bộ thôn; họp đại diện các thôn, buôn) sau đó hoàn chỉnh đề án trình UBND xã.

5. Thẩm định đề án: UBND xã, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã báo cáo Hội đồng thẩm định cấp huyện, các Phòng, ban chức năng chuyên môn của huyện thẩm định đề án. Sau đó tiếp thu chỉnh sửa, hoàn chỉnh đề án. UBND xã trình UBND cấp huyện phê duyệt đề án.

6. Phê duyệt đề án: Trên cơ sở tờ trình của UBND xã; Báo cáo kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định cấp huyện. Tờ trình của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế cấp huyện, UBND cấp huyện ra quyết định phê duyệt đề án.

Điều 6. Thủ tục phê duyệt đề án

1. Thủ tục phê duyệt Đề án cấp huyện:

- Báo cáo Thẩm định của Hội đồng thẩm định cấp huyện.

- Tờ trình của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hoặc Phòng Kinh tế thị xã, thành phố.

- Tờ trình của UBND thành phố, thị xã trình HĐND thành phố, thị xã thông qua đối với thành phố, thị xã. Tờ trình của UBND huyện trình Huyện uỷ thông qua đối với cấp huyện.

- Nghị quyết của Huyện uỷ đối với cấp huyện, HĐND thành phố, thị xã đối với thành phố, thị xã về việc phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới của huyện, thị xã, thành phố giai đoạn 2010-2020.

- Văn bản của UBND tỉnh về việc thống nhất thỏa thuận các nội dung cơ bản của đề án.

- Đề án đã được chỉnh sửa hoàn chỉnh theo ý kiến góp ý của các cấp, các ngành liên quan và ý kiến của cơ quan thẩm định cấp huyện.

- Các tài liệu khác có liên quan.

2. Thủ tục phê duyệt Đề án cấp xã gồm có:

- Tờ trình của Ban quản lý xây dựng nông thôn mới cấp xã.

- Tờ trình của UBND xã.

- Báo cáo kết quả thẩm định đề án của Hội đồng thẩm định cấp huyện.

- Tờ trình của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế cấp huyện.

- Báo cáo tóm tắt đề án.

- Nội dung chi tiết Đề án đã được chỉnh sửa, hoàn thiện theo ý kiến của cơ quan thẩm định cấp huyện.

- Các tài liệu khác có liên quan.

Điều 7. Thời gian giải quyết hồ sơ

1. Đề án cấp huyện (UBND huyện báo cáo xin ý kiến UBND tỉnh qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn):

- Thời gian các Sở ngành nghiên cứu trả lời: Sau khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được Tờ trình và hồ sơ Đề án của huyện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi phiếu lấy ý kiến của các đơn vị. Trong thời hạn 15 ngày (ngày làm việc), các sở ngành liên quan phải gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ý kiến của mình. Sau 7 ngày (ngày làm việc) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

- Thời gian UBND tỉnh trả lời UBND huyện: Sau khi nhận được Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời hạn 10 ngày (ngày làm việc), UBND tỉnh có văn bản trả lời UBND huyện.

2. Thời gian thẩm định đề án: Đề án cấp xã gửi về Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế (cơ quan Thường trực xây dựng nông thôn mới cấp huyện). Sau khi nhận đủ hồ sơ theo quy định, trong thời hạn 15 ngày (ngày làm việc), Hội đồng thẩm định cấp huyện và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế cấp huyện phải trả lời UBND xã kết quả thẩm định đề án.

- Thời gian phê duyệt Đề án: Sau khi nhận đủ hồ sơ theo quy định, trong thời gian 7 ngày (ngày làm việc), UBND cấp huyện phải phê duyệt đề án cấp xã.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Các sở, ngành tỉnh

1. Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, các sở ngành có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn, giúp đỡ, đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ngành mình theo dõi.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo tỉnh có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, tổng hợp tình hình thực hiện của các địa phương, đề xuất báo cáo Ban chỉ đạo và UBND tỉnh.

Điều 9. Cấp huyện

1. Chỉ đạo các xã xây dựng đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã trên địa bàn.

2. Thành lập Hội đồng Thẩm định cấp huyện; Tổ chức thực hiện thẩm định Đề án xây dựng nông thôn mới của các xã.

3. Xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới.

Điều 10. Cấp xã

1. UBND xã và Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã tổ chức việc lập, thẩm định và trình phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới của xã theo kế hoạch và tiến độ của UBND cấp huyện.

2. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện đề án được duyệt.

3. Tổ chức tuyên truyền, học tập tới cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã để thực hiện Đề án được duyệt.

Điều 11. Chế độ thông tin báo cáo

1. Cấp xã: Hàng tháng (ngày 20/tháng) UBND xã báo cáo UBND cấp huyện tiến độ triển khai thực hiện đề án để UBND cấp huyện tổng hợp chung báo cáo UBND tỉnh.

2. Cấp huyện: Hàng tháng (ngày 25/tháng) UBND cấp huyện phải báo cáo tiến độ về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp chung báo cáo UBND tỉnh vào ngày 30/tháng.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc báo cáo UBND tỉnh xem xét chỉ đạo (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp chung)./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 708/QĐ-UBND năm 2011 về quy định trình tự thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới cấp huyện, cấp xã trên địa bàn giai đoạn 2010-2020 do tỉnh Phú Yên ban hành

  • Số hiệu: 708/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/04/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên
  • Người ký: Lê Văn Trúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/04/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản