- 1Chỉ thị 42-CT/TW năm 2004 về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản do Ban Bí thư ban hành
- 2Nghị quyết 23-NQ/TW năm 2008 về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới do Bộ Chính trị ban hành
- 3Luật xuất bản 2012
- 4Quyết định 115/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 284/QĐ-TTg năm 2014 về Ngày Sách Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Nghị quyết 33-NQ/TW năm 2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 7Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6920/QĐ-UBND | Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2016 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “PHỐ SÁCH HÀ NỘI”
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Xuất bản ngày 20/11/2012;
Căn cứ Quyết định số 115/QĐ-TTg ngày 16/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam;
Căn cứ Thông báo số 448-TB/TU ngày 02/11/2016 của Thành ủy Hà Nội thông báo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy về dự thảo Đề án Phố Sách Hà Nội;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 2316/TTr-STTTT ngày 08/12/2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Phố Sách Hà Nội” tại Tờ trình số 2316/TTr-STTTT ngày 08/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông (kèm theo Đề án).
1. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan triển khai Đề án; thực hiện quản lý nhà nước đối với các hoạt động của Phố Sách Hà Nội.
- Chủ động phối hợp UBND quận Hoàn Kiếm tham mưu, đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển Phố Sách Hà Nội.
- Kiến nghị, đề xuất UBND Thành phố chỉ đạo giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền.
2. UBND quận Hoàn Kiếm
- Là chủ đầu tư, chịu trách nhiệm triển khai thi công, xây dựng Phố Sách Hà Nội cố định tại Phố 19-12 theo Đề án được phê duyệt.
- Quản lý toàn diện hoạt động của Phố Sách theo Quy chế hoạt động của Phố Sách Hà Nội.
- Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện quản lý nhà nước đối với các hoạt động của Phố Sách Hà Nội.
Điều 3. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc các Sở, ngành: Thông tin và Truyền thông, Quy hoạch - Kiến trúc, Văn hóa và Thể thao, Tài chính, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công an thành phố Hà Nội, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh thành phố Hà Nội, Cục Thuế thành phố Hà Nội, Kho Bạc nhà nước Hà Nội; Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm; Tổng Giám đốc Tổng Công ty điện lực Hà Nội; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
1. Cơ sở pháp lý
Phát triển văn hóa đọc và xây dựng một xã hội học tập là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, vì vậy, đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhằm phát triển hoạt động xuất bản và nâng cao văn hóa đọc, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân. Cụ thể là:
- Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
- Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.
- Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản đã khẳng định vai trò quan trọng của hoạt động xuất bản và vai trò của văn hóa đọc trong đời sống xã hội, đồng thời xác định nhiệm vụ cụ thể của hoạt động xuất bản là: “Chăm lo phát triển nhu cầu văn hóa đọc của các tầng lớp nhân dân, tổ chức và phát triển các lực lượng, mạng lưới phát hành xuất bản phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ, đúng đối tượng và địa bàn…”
- Luật Xuất bản quy định: “Hoạt động xuất bản thuộc lĩnh vực văn hóa, tư tưởng nhằm phổ biến, giới thiệu tri thức thuộc các lĩnh vực của đời sống xã hội, giá trị văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân, nâng cao dân trí, xây dựng đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam...”.
- Quyết định số 115/QĐ-TTg ngày 16/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với quan điểm “Chú trọng xây dựng các trung tâm, trọng điểm về xuất bản, in, phát hành làm hạt nhân thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành. Nâng cao mức hưởng thụ xuất bản phẩm trong nhân dân”.
- Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam với mục tiêu: “Khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách. Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam”.
- Chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội tại Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 25 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao chất lượng, tăng cường sự lãnh đạo và quản lý công tác báo chí - xuất bản Hà Nội” (1997-2013), ban hành ngày 08/7/2013: “Nghiên cứu tổ chức sự kiện Đường sách nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2014) và sau đó sẽ tổ chức hàng năm nhằm trưng bày, giới thiệu sách, các ấn phẩm do các nhà xuất bản, công ty sách, đơn vị liên kết xuất bản của Hà Nội và các cơ quan Trung ương, địa phương khác trên địa bàn, đồng thời góp phần nâng cao văn hóa đọc cho người dân Thủ đô”;
- Thông báo số 448-TB/TU ngày 02/11/2016 của Thành ủy Hà Nội thông báo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy về dự thảo Đề án Phố Sách Hà Nội.
2. Thực tiễn hoạt động xuất bản, in và phát hành thành phố Hà Nội và sự cần thiết xây dựng Đề án Phố Sách Hà Nội
Với vị thế là Thủ đô - trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa - khoa học - giáo dục - kinh tế - giao dịch quốc tế của cả nước, trong lĩnh vực xuất bản, Hà Nội cũng là nơi tập trung nhiều nhà xuất bản, cơ sở in, đơn vị phát hành sách và liên kết xuất bản. Đây là một thuận lợi lớn trong việc nâng cao đời sống tinh thần, đáp ứng nhu cầu về văn hóa đọc cho nhân dân Thủ đô và cả nước.
Trên địa bàn hiện có 01 nhà xuất bản thuộc Thành phố (là Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Hà Nội) và 44 nhà xuất bản của các cơ quan Trung ương và địa phương khác có trụ sở, chi nhánh trên địa bàn; trên 400 cơ sở in sử dụng thiết bị in công nghiệp; hàng trăm nhà sách, cơ sở phát hành sách...
Trong những năm qua, ngành xuất bản Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đã có nhũng bước phát triển quan trọng, góp phần tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao nhận thức, văn hóa đọc của người dân và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Việc Luật Xuất bản cho phép các thành phần kinh tế ngoài khu vực Nhà nước được tham gia hoạt động xuất bản đã tạo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, thu hút được các nguồn vốn trong xã hội đầu tư cho hoạt động xuất bản và tạo nguồn bản thảo phong phú, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân.
Nhiều công trình nghiên cứu, bộ sách có giá trị về lý luận, thành tựu đổi mới, khoa học, lịch sử, văn hóa... đã được xuất bản thu hút sự quan tâm của xã hội. Tiềm lực và năng lực các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất bản thuộc Thành phố và trên địa bàn được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, việc đưa sách đến với bạn đọc, phục vụ nhu cầu của nhân dân vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Một số nước trên thế giới đã hình thành những khu phố sách, đường sách như một dấu ấn riêng về văn hóa tri thức, có sức thu hút độc đáo đối với người dân và du khách, có thể kể đến như những quầy sách cổ bên bờ sông Seine (Paris - Pháp), khu phố sách cũ Kanda Jimbocho (Tokyo - Nhật Bản), phố sách Shaoxing và Fuzhou (Thượng Hải - Trung Quốc)... Tại thành phố Hồ Chí Minh, từ tháng 01 năm 2016 đã khai trương đường sách Nguyễn Văn Bình - được xem là không gian tri thức và niềm tự hào của người dân Thành phố.
“Hà Nội 36 phố phường” với nhiều tuyến phố kinh doanh cùng một mặt hàng truyền thống rất cần có thêm Phố Sách như một điểm nhấn văn hóa, một không gian văn hóa đọc để giới thiệu những cuốn sách, bộ sách giá trị; nơi tác giả và độc giả gặp gỡ giao lưu, tọa đàm về sách... đáp ứng mong mỏi của đông đảo nhân dân Thủ đô, những người viết sách và những người làm công tác xuất bản. Việc tổ chức Phố Sách Hà Nội cũng sẽ góp phần xây dựng chiến lược phát triển văn hóa của Thủ đô nói chung, đồng thời, phát triển văn hóa đọc của các tầng lớp nhân dân và phát triển hoạt động xuất bản.
1. Mục tiêu
1.2. Triển khai thực hiện Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam (21/4), góp phần phát triển văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập theo chỉ đạo, định hướng của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển đồng bộ hoạt động xuất bản Thành phố tương xứng với vị thế là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa - khoa học - giáo dục - kinh tế của cả nước, góp phần quan trọng trong giáo dục chính trị tư tưởng, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đáp ứng nhu cầu về xuất bản phẩm ngày càng cao của nhân dân Thủ đô.
1.2. Tạo không gian văn hóa đọc và nét đẹp trong đời sống xã hội của Thủ đô, tiếp tục góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hiến Thăng Long - Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
2. Nội dung Đề án
Tổ chức triển khai Phố Sách Hà Nội hoạt động cố định tại Phố 19-12. Cụ thể như sau:
2.1. Địa điểm: Phố 19-12, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
2.2. Thời gian hoạt động: Từ 08h00 đến 22h00 hằng ngày.
2.3. Phương án thiết kế, kiến trúc:
Thiết kế không gian Phố Sách trên toàn bộ tuyến Phố 19 - 12, đảm bảo tổ chức các hoạt động tại Phố Sách hài hòa với cảnh quan, không gian, kiến trúc vốn có của các khu vực xung quanh; bao gồm:
- Các gian hàng sách được thiết kế đơn giản để tập trung làm nổi bật sách; đảm bảo tính thẩm mỹ, hiện đại, văn minh, thân thiện; có giải pháp tiếp cận sử dụng cho người khuyết tật, trẻ em và người cao tuổi.
- Thiết kế và tổ chức các khu chức năng phục vụ nhu cầu của nhân dân khi đến với Phố Sách như: Quảng trường nhỏ (để tổ chức các hoạt động giao lưu, tọa đàm, giới thiệu sách, văn hóa văn nghệ), khu đọc sách, trao đổi sách, vườn hoa, khu giải khát, vui chơi cho trẻ em, nhà kho, khu vệ sinh... Lắp đặt cây thông tin công cộng (tra cứu điện tử) ở hai đầu Phố để giúp độc giả và du khách có thể tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, du lịch của Hà Nội và sách điện tử; quầy bán hoa tươi, đồ lưu niệm...
- Giữ lại tối đa các cây xanh lâu năm, trồng bổ sung cây xanh đô thị tạo bóng mát; bố trí hệ thống đèn chiếu sáng; tận dụng giải phân cách để tạo thành vườn hoa và bố trí hệ thống ghế nghỉ để bạn đọc nghỉ chân, đọc sách và thư giãn.
- Tổ chức thi thiết kế và xây dựng khu tưởng niệm tại vườn hoa đọc sách, tưởng niệm nhân dân và các liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ Thủ đô năm 1946 tại Phố 19-12.
2.4. Các hoạt động chính
a) Hoạt động phát hành sách và văn hóa phẩm
- Sách được giới thiệu, phát hành tại Phố Sách Hà Nội phải được phép xuất bản và phát hành hợp pháp theo quy định của Luật Xuất bản và các quy định pháp luật liên quan.
- Văn hóa phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có nội dung lành mạnh, không vi phạm các quy định pháp luật.
- Cơ cấu các sản phẩm sách và văn hóa phẩm tại Phố Sách Hà Nội: Sách, báo, tạp chí: 85 - 90%; Văn hóa phẩm: 10 -15%.
- Đảm bảo đầy đủ các thể loại sách phục vụ bạn đọc: Sách thiếu nhi, văn học, văn hóa xã hội, kinh tế, khoa học kỹ thuật, y học, ngoại văn, sách điện tử và thiết bị số...
- Ứng dụng hệ thống tính tiền tự động tại các gian hàng sách, tính tiền tự động thông qua thiết bị cầm tay thông minh (điện thoại thông minh, máy tính bảng...).
b) Hoạt động phát triển văn hóa đọc
- Hoạt động giao lưu, tọa đàm, giới thiệu sách, ký tặng sách... được tổ chức thường xuyên hoặc những ngày cuối tuần, ngày lễ (tại quảng trường tổ chức sự kiện hoặc tại các gian hàng sách).
- Triển lãm sách theo chuyên đề gắn với những ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn (ngày Sách Việt Nam, ngày Sách và bản quyền thế giới, ngày Quốc tế Thiếu nhi, ngày Quốc tế Phụ nữ, khai giảng năm học mới...). Xây dựng mô hình Cây Sách công cộng để bạn đọc có thể tự trao đổi sách.
- Phủ sóng Wifi kết nối Internet miễn phí (từ 08h00 đến 22h00 hằng ngày) toàn bộ khu Phố Sách để giới thiệu, quảng bá cho các hoạt động của Phố Sách và hỗ trợ cho hoạt động phát hành sách điện tử.
c) Hoạt động văn hóa, nghệ thuật phù hợp với không gian của Phố Sách Hà Nội.
d) Sinh hoạt giáo dục truyền thống Thủ đô văn hiến - anh hùng
- Các hoạt động tôn vinh truyền thống hiếu học của dân tộc được hội tụ, hun đúc trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội; tôn vinh các danh nhân, các nhà văn, nhà giáo, nhà khoa học... có công lao với Thủ đô và đất nước.
- Xây dựng vườn hoa đọc sách và khu tưởng niệm nhân dân và các liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ Thủ đô năm 1946 thành một quần thể văn hóa - lịch sử ý nghĩa.
2.5. Về tổ chức và quản lý
a) Mô hình tổ chức quản lý, điều hành hoạt động của Phố Sách Hà Nội
- Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu thực hiện quản lý nhà nước đối với các hoạt động của Phố Sách.
- UBND quận Hoàn Kiếm quản lý toàn diện hoạt động của Phố Sách theo Quy chế hoạt động của Phố Sách.
b) Tiêu chí lựa chọn các đơn vị tham gia Phố Sách Hà Nội
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì xem xét, lựa chọn các đơn vị tham gia theo các tiêu chí sau:
- Các đơn vị tham gia Phố Sách phải là những nhà xuất bản, công ty sách xuất bản hoặc liên kết xuất bản nhiều đầu sách được bạn đọc quan tâm và tích cực tham gia các hoạt động nhằm phát triển văn hóa đọc do Thành phố tổ chức.
- Đảm bảo thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ trong hoạt động kinh doanh tại Phố Sách theo quy định pháp luật và Quy chế hoạt động của Phố Sách.
- Có khả năng tổ chức thường xuyên các hoạt động giao lưu, tọa đàm, giới thiệu sách (3-6 tháng/lần)
c) Quy định đăng ký gian hàng
Các đơn vị tham gia kinh doanh tại Phố Sách Hà Nội đăng ký gian hàng theo phương thức thuê, thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng, đóng góp kinh phí xây dựng ban đầu và kinh phí duy trì hoạt động hằng tháng; đồng thời, thực hiện đúng quy định pháp luật và Quy chế hoạt động của Phố Sách.
2.6. Về hạ tầng và các dịch vụ phục vụ hoạt động của Phố Sách Hà Nội
a) Về an ninh trật tự và an toàn phòng chống cháy nổ
- Bố trí lực lượng bảo vệ trực 24/24h tất cả các ngày, đồng thời xây dựng phương án phối hợp với Công an phường Trần Hưng Đạo và Công an quận Hoàn Kiếm trong trường hợp cần thiết để đảm bảo an ninh trật tự khu vực Phố Sách.
- Việc thiết kế và quá trình thi công, xây dựng, vận hành hoạt động của Phố Sách phải thực hiện, tuân thủ các quy định về an toàn phòng chống cháy nổ.
b) Về địa điểm trông giữ xe
- Ngày thường tại điểm trông giữ xe của Trung tâm Capital Building và một số điểm trông giữ xe trên phố Hai Bà Trưng và phố Lý Thường Kiệt.
- Ngày lễ và cuối tuần, khi lượng khách đến Phố Sách đông hơn, có thể xem xét việc lập thêm các điểm trông giữ xe trên vỉa hè của phố Hai Bà Trưng (đoạn vỉa hè phía trước Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và vỉa hè phía trước Bộ Công Thương), vỉa hè phố Lý Thường Kiệt (đoạn trước Viện Kiểm sát nhân dân tối cao), một số trường học quanh khu vực...
c) Về vệ sinh môi trường
Các đơn vị tham gia Phố Sách Hà Nội đóng phí vệ sinh môi trường để công nhân Công ty Môi trường đô thị quét dọn vệ sinh, thu gom rác hàng ngày. Bố trí xây dựng 01 nhà vệ sinh công cộng trong khu vực Phố Sách Hà Nội, hài hòa với cảnh quan xung quanh.
2.7. Về tuyên truyền, quảng bá
Tổ chức tuyên truyền về các hoạt động của Phố Sách Hà Nội trên hệ thống báo chí của Thành phố, các cơ quan báo chí Trung ương đã ký kết chương trình phối hợp công tác với Thành phố và hệ thống thông tin cơ sở; tuyên truyền cổ động trực quan; thiết lập trang thông tin điện tử (Website) về Phố Sách (tiếng Việt và tiếng Anh), đưa các thông tin về hoạt động của Phố Sách lên mạng xã hội...
2.8. Về kinh phí
a) Kinh phí đầu tư ban đầu: 15.053.000.000 đ (mười lăm tỷ, không trăm năm mươi ba triệu đồng - khái toán, chưa tính thuế và chi phí trồng bổ sung cây xanh); trong đó:
- Kinh phí từ ngân sách nhà nước: 7.452.000.000 đ (bảy tỷ, bốn trăm năm mươi hai triệu đồng), để xây dựng cơ sở hạ tầng, trang trí không gian chung và các hoạt động chính trị.
- Kinh phí nhà xuất bản, công ty sách đóng góp: 7.601.000.000 đ (bảy tỷ, sáu trăm linh một triệu đồng), để xây dựng các gian hàng.
b) Kinh phí duy trì hoạt động: Gồm chi phí quản lý, duy trì hạ tầng, điện nước, chăm sóc cây, bảo vệ, vệ sinh... do các nhà xuất bản, công ty sách đóng góp hằng tháng. Để tạo điều kiện cho các đơn vị tham gia Phố Sách Hà Nội, Thành phố xem xét hỗ trợ kinh phí duy trì hoạt động trong năm đầu hoạt động.
Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng Phố Sách vì mục đích phục vụ cộng đồng.
2.9. Lộ trình triển khai
- Khởi công xây dựng: Ngày 19/12/2016 nhân kỷ niệm 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2016).
- Khai trương hoạt động: Ngày 21/4/2017 nhân dịp Ngày Sách Việt Nam năm 2017.
1. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án.
- Chủ trì, phối hợp các cơ quan thực hiện quản lý nhà nước đối với các hoạt động của Phố Sách Hà Nội, ban hành Quy chế hoạt động của Phố Sách Hà Nội; xây dựng tiêu chí và lựa chọn các đơn vị tham gia; thông qua các chương trình hoạt động của Phố Sách; kiểm tra, giám sát hoạt động phát hành, giới thiệu sách; tham mưu đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ sự phát triển của Phố Sách; các hoạt động tuyên truyền, quảng bá...
- Kiến nghị, đề xuất UBND Thành phố chỉ đạo giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền.
2. UBND quận Hoàn Kiếm
- Là chủ đầu tư, chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thi công, xây dựng Phố Sách Hà Nội cố định tại Phố 19-12 theo Đề án được phê duyệt.
- Quản lý, điều hành trực tiếp, toàn diện các hoạt động của Phố Sách: Hoạt động kinh doanh, phát hành, giới thiệu sách và các hoạt động văn hóa văn nghệ; bố trí địa điểm và lực lượng trông giữ phương tiện giao thông xung quanh khu vực tổ chức Phố Sách; đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, trồng thêm hoa và cây cảnh, cây xanh tại khu vực tổ chức Phố Sách...
- Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện quản lý nhà nước đối với các hoạt động của Phố Sách.
- Phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức thi thiết kế, xây dựng, quản lý khu tưởng niệm trên Phố 19-12.
3. Sở Quy hoạch Kiến trúc: Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông triển khai xây dựng Phố Sách Hà Nội đảm bảo phù hợp cảnh quan, quy hoạch xây dựng và kiến trúc đô thị của Thành phố.
4. Sở Văn hóa và Thể thao: Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức không gian văn hóa đọc và các hoạt động tại Phố Sách Hà Nội; Chủ trì phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức thi thiết kế khu tưởng niệm tại Phố 19-12.
5. Sở Tài chính: Bố trí và hướng dẫn việc sử dụng kinh phí tổ chức thực hiện Đề án theo quy định.
6. Sở Giao thông Vận tải: Bố trí, điều chỉnh lại khu vực đỗ xe trên Phố 19-12 để có mặt bằng tổ chức Phố Sách Hà Nội; phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm bố trí địa điểm trông giữ phương tiện giao thông phục vụ các hoạt động của Phố Sách.
7. Sở Tài nguyên Môi trường: Tham mưu bàn giao mặt bằng Phố 19-12 để triển khai xây dựng, lắp đặt các hạng mục của Phố Sách Hà Nội.
8. Công an thành phố Hà Nội: Xây dựng phương án đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông tại khu vực tổ chức Phố Sách Hà Nội.
9. Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố Hà Nội: Đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ cho khu vực tổ chức Phố Sách Hà Nội.
10. Sở Xây dựng: cấp giấy phép xây dựng Phố Sách Hà Nội; đảm bảo hệ thống chiếu sáng, vệ sinh môi trường, trồng bổ sung cây xanh tại khu vực tổ chức Phố Sách.
11. Tổng Công ty điện lực Hà Nội: Đảm bảo cung cấp điện cho khu vực tổ chức Phố Sách Hà Nội./.
- 1Quyết định 2419/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 2469/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Đề án Tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ nghiên cứu và đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2017-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 2493/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Đề án Kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam, giai đoạn 2017-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 3564/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án tăng gia sản xuất, chăn nuôi gắn với căn cứ hậu cần – kỹ thuật của tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 và những năm tiếp theo
- 1Chỉ thị 42-CT/TW năm 2004 về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản do Ban Bí thư ban hành
- 2Nghị quyết 23-NQ/TW năm 2008 về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới do Bộ Chính trị ban hành
- 3Luật xuất bản 2012
- 4Quyết định 115/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 284/QĐ-TTg năm 2014 về Ngày Sách Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Nghị quyết 33-NQ/TW năm 2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 7Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 8Quyết định 2419/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Quyết định 2469/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Đề án Tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ nghiên cứu và đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2017-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10Quyết định 2493/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Đề án Kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam, giai đoạn 2017-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11Quyết định 3564/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án tăng gia sản xuất, chăn nuôi gắn với căn cứ hậu cần – kỹ thuật của tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 và những năm tiếp theo
Quyết định 6920/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án Phố Sách Hà Nội do thành phố Hà Nội ban hành
- Số hiệu: 6920/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 15/12/2016
- Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
- Người ký: Ngô Văn Quý
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 15/12/2016
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết