Hệ thống pháp luật

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
TỔNG CỤC THỐNG KÊ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 69/QĐ-TCTK

Hà Nội, ngày 01 tháng 03 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC TIẾN HÀNH ĐIỀU TRA BIẾN ĐỘNG DÂN SỐ VÀ KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH THỜI ĐIỂM 01/4/2016

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THỐNG KÊ

Căn cứ Luật Thống kê ngày 26 tháng 6 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 54/2010/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Quyết định số 65/2013/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Điểm a Khoản 1 Điều 3 Quyết định số 54/2010/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 803/QĐ-TTg ngày 28 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Điều tra thống kê quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 352/QĐ-TCTK ngày 18 tháng 5 năm 2015 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê về việc ban hành Kế hoạch Điều tra thống kê năm 2016 của Tổng cục Thống kê;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Tiến hành Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình thời Điểm 01/4/2016 ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Phương án Điều tra ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Giao Vụ Thống kế Dân số và Lao động chủ trì, phối hợp với đơn vị có liên quan của Tổng cục Thống kê và, Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện Điều tra đúng Phương án quy định.

Điều 3. Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Vụ trưởng Vụ Phương pháp chế độ Thống kê và Công nghệ thông tin, Chánh Văn phòng Tổng cục, Giám đốc Trung tâm Tin học Thống kê khu vực I, II và III, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (để báo cáo);
- Lãnh đạo Tổng cục Thống kê;
- UBMD tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (để phối hợp chỉ đạo);
- Lưu: VT, Vụ DSLĐ,

TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Bích Lâm

 

PHƯƠNG ÁN

ĐIỀU TRA BIẾN ĐỘNG DÂN SỐ VÀ KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH THỜI ĐIỂM 01/4/2016
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 69/QĐ-TCTK ngày 01 tháng 3 năm 2016 Của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê)

1. Mục đích, yêu cầu Điều tra

1.1. Mục đích Điều tra

Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình thời Điểm 01/4/2016 (sau đây viết tắt là Điều tra BĐDS-KHHGĐ 2016) là cuộc Điều tra chọn mẫu được thực hiện nhằm hai Mục đích chính sau:

- Thu thập thông tin đại diện cho toàn quốc, 6 vùng kinh tế - xã hội và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là tỉnh) bao gồm khu vực thành thị và nông thôn về số dân, tình hình biến động dân số và mức độ sử dụng các biện pháp tránh thai, tình hình hút thai hay nạo, phá thai.

- Làm cơ sở để tổng hợp, biên soạn một số chỉ tiêu thống kê quốc gia về dân số và kế hoạch hóa gia đình (sau đây viết tắt là DS-KHHGĐ), phục vụ các cấp, các ngành đánh giá tình hình, lập kế hoạch trong lĩnh vực DS-KHHGĐ.

1.2. Yêu cầu Điều tra

Điều tra BĐDS-KHHGĐ 2016 phải bảo đảm các yêu cầu chủ yếu sau:

- Đáp ứng yêu cầu biên soạn một số chỉ tiêu thống kê DS-KHHGĐ thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia;

- Bảo đảm mức độ đại diện của số liệu cho cả nước, 6 vùng kinh tế - xã hội và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đáp ứng phân tổ theo thành thị và nông thôn;

- Phục vụ kịp thời việc biên soạn Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng và cả năm 2016 của Tổng cục Thống kê;

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về biến động dân số và KHHGĐ; đáp ứng yêu cầu trong nước và so sánh quốc tế;

- Thực hiện Điều tra đúng các nội dung quy định trong phương án;

- Sử dụng kinh phí Điều tra đúng Mục đích, đúng chế độ, đúng định mức, tiết kiệm và hiệu quả.

2. Đối tượng, đơn vị và phạm vi Điều tra

2.1. Đối tượng Điều tra

Đối tượng Điều tra là nhân khẩu thực tế thường trú của hộ dân cư (sau đây viết tắt là hộ), gồm cả người thuộc lực lượng vũ trang là nhân khẩu thực tế thường trú của hộ: Đối tượng Điều tra không bao gồm người thuộc lực lượng vũ trang sống trong các khu doanh trại.

2.2. Đơn vị Điều tra

Đơn vị Điều tra là hộ. Hộ bao gồm một người ăn riêng, ở riêng hoặc một nhóm người ăn chung và ở chung. Họ có thể có hoặc không có quan hệ ruột thịt, hôn nhân, nuôi dưỡng; có hoặc không có quỹ thu - chi chung.

Chủ hộ (hoặc người am hiểu về các thành viên trong hộ khi chủ hộ đi vắng) là người cung cấp thông tin về nhân khẩu thực tế thường trú và các trường hợp chết của hộ. Đối với những thông tin mà chủ hộ không nắm chắc, Điều tra viên cần phỏng vấn trực tiếp các nhân khẩu thực tế thường trú của hộ. Đối với các câu hỏi về lịch sử sinh đẻ, KHHGĐ và sức khỏe sinh sản, Điều tra viên phải phỏng vấn trực tiếp thành viên của hộ là phụ nữ từ 15-49 tuổi.

2.3. Phạm vi Điều tra

Điều tra BĐDS-KHHGĐ 2016 là cuộc Điều tra chọn mẫu được tiến hành trên phạm vi cả nước.

3. Thời Điểm và thời gian Điều tra

Thời Điểm Điều tra là 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2016.

Thời gian thu thập thông tin tại địa bàn Khoảng 20 ngày, bắt đầu từ ngày 01 tháng 4 năm 2016 (kể cả thời gian di chuyển).

4. Nội dung Điều tra

Ngoài thông tin định danh, nội dung Điều tra bao gồm những thông tin chính sau:

Phần 1: Thông tin về thành viên trong hộ

Đối với toàn bộ thành viên trong hộ: họ và tên của từng nhân khẩu thực tế thường trú trong hộ; mối quan hệ với chủ hộ; giới tính; tháng, năm sinh hoặc tuổi tròn theo dương lịch; dân tộc; đạo/tôn giáo.

Đối với thành viên trong hộ từ 1 tuổi trở lên: nơi thực tế thường trú cách đây 1 năm.

Đối với thành viên trong hộ từ 5 tuổi trở lên: tình hình đi học hiện nay; trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật; lớp học phổ thông cao nhất đạt được; số năm đi học các bậc đào tạo nghề, chuyên nghiệp, đại học, thạc sỹ và tiến sỹ; tình trạng biết chữ.

Đối với thành viên trong hộ từ 15 tuổi trở lên: tình trạng hôn nhân; tháng, năm dương lịch xảy ra sự kiện hôn nhân hiện tại.

Phần 2: Thông tin về lịch sử sinh, kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe sinh sản của thành viên trong hộ là phụ nữ từ 15-49 tuổi, bao gồm các thông tin: số con đã sinh, số con hiện còn sống, số con đã chết và thông tin về lần sinh gần nhất; tình hình khám thai và nhận biết giới tính thai nhi; tình hình sử dụng các biện pháp tránh thai, hút thai và nạo, phá thai; tình hình tai biến sau khi hút thai hay nạo, phá thai.

Phần 3: Thông tin về thành viên của hộ bị chết (nếu có)

Thu thập thông tin về thành viên của hộ bị chết (nếu có) trong Khoảng thời gian từ ngày 1 Tết Âm lịch Ất Mùi năm 2015 (tức ngày 19/02/2015 dương lịch) đến hết ngày 31/3/2016, bao gồm các thông tin: số người chết; giới tính, thời gian và tuổi của người chết; nguyên nhân chết, trong đó có tình hình tử vong sản phụ.

5. Phiếu Điều tra và danh Mục sử dụng trong Điều tra

5.1 Phiếu Điều tra

Nội dung Điều tra BĐDS-KHHGĐ 2016 được thiết kế trên một tập phiếu, gồm thông tin của hộ (các câu hỏi về dân số), thông tin về lịch sử sinh, KHHGĐ và sức khỏe sinh sản của phụ nữ từ 15 - 49 tuổi và thông tin về người chết của hộ. Các thông tin trên được đóng chung thành một tập, ngoài cùng có trang bìa gồm các thông tin định đanh và một số chỉ tiêu dùng cho công tác tổng hợp nhanh.

5.2. Danh Mục sử dụng trong Điều tra

Điều tra BĐDS-KHHGĐ 2016 sử dụng các danh Mục sau:

- Danh Mục các đơn vị hành chính Việt Nam ban hành theo Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 08/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ và những thay đổi đã được Tổng cục Thống kê cập nhật đến thời Điểm 31/12/2015;

- Danh Mục các thành phần dân tộc Việt Nam ban hành theo Quyết định số 121-TCTK/PPCĐ ngày 02/3/1979 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống (Cuộc Điều tra này sử dụng danh Mục đã được rút gọn);

- Danh Mục tôn giáo Việt Nam (dùng trong Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2009);

- Bảng chuyển đổi năm âm lịch sang năm dương lịch;

- Bảng chuyển đổi trình độ văn hóa phổ thông (dùng trong Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2009).

6. Loại Điều tra, phương pháp thu thập thông tin

6.1. Loại Điều tra

Điều tra BĐDS-KHHGĐ 2010 là Điều tra chọn mẫu, quy mô mẫu được phân bổ bảo đảm mức độ đại diện cho cấp tỉnh và phân tổ theo thành thị, nông thôn, bao gồm 7.640 địa bàn, tương đương 305.600 hộ. Mẫu Điều tra được thiết kế phân tầng hai giai đoạn:

Giai đoạn 1 (chọn địa bàn): những địa bàn đã được Điều tra trong Điều tra BĐDS-KHHGĐ 2015 được chọn để Điều tra lặp lại trong Điều tra BĐDS- KHHGĐ 2016.

Giai đoạn 2 (chọn hộ): tại mỗi địa bàn Điều tra mẫu được chọn ở Giai đoạn 1, Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Cục Thống kê tỉnh) rà soát, cập nhật địa bàn, trong đó cần đặc biệt chú ý những địa bàn ở khu vực có sự thay đổi về loại hình đơn vị hành chính như từ xã lên phương/thị trấn,... Tiếp theo, Cục Thống kê tỉnh rà soát, cập nhật bảng kê và tiến hành chọn 40 hộ cho mỗi địa bàn theo phương pháp chọn hệ thống dựa vào phần mềm do Tổng cục Thống kê đã cung cấp cho Cục Thống kê tỉnh để chọn hộ mẫu trong Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2014 (sau đây viết tắt là Điều tra DSGK 2014). Danh sách địa bàn Điều tra của mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ được Vụ Thống kê Dân số và Lao động (sau đây viết tắt là Vụ DSLĐ) lập và gửi cho Cục Thống kê tỉnh để thực hiện.

6.2. Phương pháp thu thập thông tin

Điều tra BĐDS-KHHGĐ 2016 tiến hành theo phương pháp phỏng vấn trực tiếp. Điều tra viên phải đến từng hộ để hỏi và ghi đầy đủ các câu trả lời vào phiếu Điều tra. Người trả lời phỏng vấn phải là chủ hộ hoặc người có khả năng cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về hộ và người chết của hộ; thành viên của hộ là phụ nữ từ 15-49 tuổi để cung cấp trực tiếp thông tin về lịch sử sinh, KHHGĐ và sức khỏe sinh sản của bản thân mình.

Trường hợp một số thông tin chủ hộ không nắm chắc, Điều tra viên phỏng vấn trực tiếp nhân khẩu thực tế thường trú của hộ. Đối với những người tạm vắng trong suốt thời gian Điều tra, Điều tra viên có thể hỏi những người khác trong hộ, hoặc dựa vào những tài liệu do người thân hoặc chính quyền cơ sở cung cấp để ghi phiếu Điều tra.

7. Phương pháp xử lý thông tin, tổng hợp và biểu đầu ra của Điều tra

7.1. Phương pháp xử lý thông tin

Phương pháp xử lý thông tin được thực hiện bằng công nghệ nhập tin từ bàn phím. Toàn bộ Phiếu Điều tra BĐDS-KHHGĐ 2016 sẽ được tiến hành nhập tin tại các Trung tâm Tin học Thống kê khu vực I, II và III (sau đây viết tắt là COSIS I, II và III).

7.2. Tổng hợp và biểu đầu ra của Điều tra

Vụ DSLĐ biên soạn nội dung, thiết kế hệ biểu đầu ra và quy định tổng hợp số liệu. COSIS I viết chương trình tổng hợp và nhận kết quả nhập tin từ COSIS II và COSIS III để tổng hợp các kết quả Điều tra theo hệ biểu đầu ra do Vụ DSLĐ đã thiết kế.

8. Kế hoạch tiến hành

Điều tra BĐDS-KHHGĐ 2016 được thực hiện theo kế hoạch thời gian như sau:

STT

Nội dung công việc

Thời gian thực hiện/hoàn thành

Đơn vị phụ trách

1

Chuẩn bị tài liệu Điều tra:

- Phiếu, Quyết định và Phương án Điều tra

- Biên soạn sổ tay và các tài liệu khác

Tháng 01 - 02/2016

Vụ DSLĐ

2

Rà soát địa bàn Điều tra

Nửa đầu Tháng 3/2016

Cục TK tỉnh

3

Cấp phát kinh phí

Tháng 01 - 02/2016

Vụ KHTC

4

Cập nhật bảng kê và chọn hộ Điều tra

Nửa đầu Tháng 3/2016

Cục TK tỉnh

5

In tài liệu phục vụ tập huấn và Điều tra thực địa

Tháng 02 -3/2016

VPTC

6

Hội nghị tập huấn nghiệp vụ Điều tra cho Điều tra viên và tổ trưởng

Nửa cuối Tháng 3/2016

Cục TK tỉnh

7

Gửi báo cáo kết quả rà soát địa bàn Điều tra

Chậm nhất 15/3/2016

Cục TK tỉnh

8

Gửi báo cáo kết quả rà soát, cập nhật bảng kê, chọn hộ

Chậm nhất 26/3/2016

Cục TK tỉnh

9

Gửi báo cáo tổng hợp số hộ, số nhân khẩu thực tế thường trú của các địa bàn sau khi cập nhật bảng kê

Chậm nhất 30/4/2016

Cục TK tỉnh

10

Gửi báo cáo tổng hợp số phụ nữ 15-49 tuổi chết từ sau Tết Âm lịch Ắt Mùi năm 2015 (tức sau ngày 19/02/2015 dương lịch) đến hết ngày 31/3/2016

Chậm nhất 30/4/2016

Cục TK tỉnh

11

Điều tra và giám sát Điều tra tại địa bàn

01 -20/4/2016

Vụ DSLĐ,Vụ PCTT và Cục TK

12

Kiểm tra, nghiệm thu phiếu gửi về Cục Thống kê tỉnh

Chậm nhất 30/4/2016

Chi Cục TK huyện

13

Kiểm tra, nghiệm thu phiếu gửi về các COSIS

Chậm nhất 15/5/2016

Cục TK tỉnh

14

Gửi báo cáo nhanh kết quả Điều tra tại các địa bàn Điều tra mẫu của cấp huyện về Cục Thống kê tỉnh

Chậm nhất 30/4/2016

Chi Cục TK huyện

15

Gửi báo cáo nhanh kết quả Điều tra về Vụ DSLĐ

Chậm nhất 10/5/2016

Cục TK tỉnh

16

Nhập tin và xử lý số liệu:

- Kiểm tra phiếu và nhập tin

- Kiểm tra và gửi kết quả nhập tin cho COSIS I

Chậm nhất 15/7/2016

Các COSIS và Vụ DSLĐ

17

Hiệu đính kết quả nhập tin và tổng hợp số liệu, in và cung cấp kết quả tổng hợp số liệu, gửi Vụ DSLĐ

15/7-15/8/2016

COSIS I và Vụ DSLĐ

18

Kiểm tra, hoàn thiện và gửi kết quả tổng hợp cho Cục Thống kê tỉnh

Tháng 9 - 10/2016

Vụ DSLĐ

19

Đánh giá chất lượng, phân tích và công bố kết quả Điều tra

Tháng 11 - 12/2016

Vụ DSLĐ

9. Tổ chức thực hiện

9.1. Công tác chuẩn bị

a. Rà soát địa bàn, cập nhật bảng kê và chọn hộ Điều tra

Địa bàn Điều tra là khu vực dân cư được phân định trong Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2009, được rà soát và cập nhật trong Điều tra DSGK 2014, Điều tra BĐDS-KHHGĐ 2015. Các địa bàn Điều tra có ranh giới rõ ràng hoặc tương đối rõ ràng, được thể hiện trên sơ đồ địa bàn Điều tra.

Bảng kê số nhà, số hộ, số người được sử dụng làm dàn mẫu để chọn các hộ Điều tra; là công cụ quan trọng giúp Điều tra viên tiếp cận hộ nhanh chóng, thuận tiện, để tổ trưởng giám sát công việc của Điều tra viên. Rà soát địa bàn và cập nhật bảng kê nhằm tránh bỏ sót hộ, nhân khẩu, các trường hợp sinh, chết và đặc biệt là số người di cư của địa bàn. Việc lập bảng kê phải được xác định như là Điều tra bước một của cuộc Điều tra này.

Công tác lập bảng kê và chọn hộ Điều tra được thực hiện vào nửa đầu Tháng 3 năm 2016. Vụ DSLĐ có trách nhiệm hướng dẫn chi tiết về rà soát địa bàn, cập nhật bảng kê và chọn hộ Điều tra cho Cục Thống kê tỉnh. Cục Thống kê tỉnh giao Chi Cục Thống kê huyện/quận/thị xã/thành phố thuộc tỉnh (sau đây viết tắt là cấp huyện) phối hợp với cán bộ thôn/xóm/ấp/bản/tổ dân phố tiến hành rà soát, cập nhật đầy đủ bảng kê để phục vụ bước chọn hộ Điều tra theo đúng kế hoạch.

Trên cơ sở đường ranh giới của địa bàn được phân công thực hiện cập nhật, người làm công tác cập nhật bảng kê phải đến từng địa bàn để đối chiếu lại với thực tế. Khi thực hiện nhiệm vụ này cần đặc biệt chú ý phát hiện ngôi nhà mới xây có người ở nằm trong ranh giới địa bàn nhưng chưa được thể hiện trên sơ đồ, những ngôi nhà trước đây không có người ở nhưng hiện đã có người đến cư trú, những ngôi nhà hiện không có người ở hoặc đã bị phá hủy, những khu vực trước đây là vùng đất trống, đồi trọc, ruộng nương, rừng,... thuộc phạm vi ranh giới địa bàn. Trên cơ sở đó, cập nhật đầy đủ số nhà, số hộ, số người vào sơ đồ và bảng kê của địa bàn. Sau khi cập nhật những ngôi nhà có người ở vào sơ đồ địa bàn, tiến hành cập nhật bảng kê cho phù hợp với thực tế.

b. Tuyển chọn Điều tra viên và tổ trưởng

Điều tra viên là lực lượng trực tiếp thực hiện cuộc Điều tra, có vai trò quan trọng quyết định đến chất lượng thông tin thu thập và sự thành công của cuộc Điều tra. Chọn Điều tra viên phải là người có tinh thần trách nhiệm, có trình độ học vấn từ trung học phổ thông trở lên (những nơi khó khăn, có thể tuyển chọn người có trình độ trung học cơ sở) và được tập huấn nghiệp vụ Điều tra. Khi tuyển chọn Điều tra viên, cần quan tâm đến người đã tham gia các cuộc Điều tra thống kê gần đây; khuyến khích chọn Điều tra viên là nữ. Không chọn cán bộ đăng ký hộ tịch, đăng ký dân số hoặc chuyên trách công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình làm Điều tra viên.

Cục Thống kê tỉnh giao Chi Cục Thống kê huyện tuyển chọn Điều tra viên, thực hiện Điều tra ghi phiếu tại địa bàn, kiểm tra kỹ chất lượng và hoàn thiện phiếu, làm báo cáo nhanh và nộp phiếu đúng kế hoạch.

Trường hợp đặc thù phải tuyển chọn Điều tra viên từ nơi khác, Cục Thống kê tỉnh thuê người sở tại thông thạo địa bàn (người dẫn đường) giúp Điều tra viên tiếp cận hộ Điều tra. Tại các địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa có người dân tộc không nói được tiếng phổ thông, Cục Thống kê tỉnh được phép thuê người dẫn đường kiêm phiên dịch.

Tổ trưởng Điều tra chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý công việc Điều tra hàng ngày của từng Điều tra viên trong tổ Điều tra. Việc chọn tổ trưởng Điều tra phải là những người có kinh nghiệm Điều tra thống kê và có tinh thần trách nhiệm cao. Nhiệm vụ của tổ trưởng được quy định cụ thể trong Tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ Điều tra".

c. Tập huấn nghiệp vụ Điều tra

Tổng cục Thống kê không tổ chức tập huấn nghiệp vụ Điều tra BĐDS- KHHGĐ 2016 cho Lãnh đạo Cục Thống kê tỉnh và giảng viên cấp tỉnh.

Cục Thống kê tỉnh trực tiếp tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ Điều tra cho Điều tra viên, tổ trưởng và giám sát viên (kể cả số Điều tra viên và tổ trưởng dự phòng). Thời gian của mỗi hội nghị là 02 ngày trong nửa cuối Tháng 3 năm 2016; trong đó có bố trí thời gian thực tập phỏng vấn tại thực địa, kiểm tra và phân loại học viên. Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh có trách nhiệm tổ chức Hội nghị tập huấn theo đúng quy trình, nội dung nghiệp vụ và thời gian quy định cho tất cả Điều tra viên, tổ trưởng và giám sát viên trong cuộc Điều tra này.

d. Tài liệu Điều tra

Tài liệu Điều tra bao gồm phiếu Điều tra và các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ do Tổng cục Thống kê thiết kế, in và gửi về Cục Thống kê tỉnh theo kế hoạch.

9.2. Công tác Điều tra thực địa

Công tác Điều tra ghi phiếu tại địa bàn được thực hiện trong Khoảng 20 ngày (kể cả thời gian di chuyển), bắt đầu từ ngày 01/4/2016. Trong những ngày đầu, tổ trưởng cần giúp Điều tra viên khắc phục các sai sót xảy ra, nhất là những lỗi hệ thống trong phỏng vấn và ghi phiếu. Cục Thống kê tỉnh chỉ đạo Chi Cục Thống kê huyện tổ chức thực hiện Điều tra tại địa bàn, bảo đảm việc thu thập thông tin được thực hiện tại hộ Điều tra, đúng yêu cầu chất lượng và thời hạn quy định.

9.3. Công tác kiểm tra, giám sát

Hoạt động kiểm tra, giám sát tập trung vào tập huấn nghiệp vụ, rà soát địa bàn Điều tra, cập nhật bảng kê, thu thập thông tin tại hộ và kiểm tra phiếu Điều tra. Công tác kiểm tra, giám sát được quy định chi tiết trong "Tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ Điều tra”. Cơ quan Thống kê các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để bảo đảm chất lượng số liệu Điều tra.

Giám sát viên của cuộc Điều tra là công chức của ngành Thống kê ở cấp Trung ương, tỉnh và huyện. Giám sát viên phải kiểm tra quy trình giám sát và nghiêm thu của tổ trưởng; kiểm tra quy trình phỏng vấn của Điều tra viên, giúp tổ trưởng, Điều tra viên hoàn thành tốt nhiệm vụ.

9.4. Bàn giao tài liệu và xử lý số liệu

a. Nhiệm vụ của Tổ trưởng

- Kiểm tra toàn diện 100% phiếu Điều tra của các Điều tra viên do mình phụ trách trước khi bàn giao cho Chi Cục Thống kê huyện, bảo đảm tuân thủ đúng các bước nhảy ghi trên phiếu, không có lỗi logic, các thông tin định danh được ghi đầy đủ, chính xác theo quy định trong “Tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ Điều tra”;

- Bàn giao phiếu Điều tra, bảng kê và danh sách hộ chọn Điều tra về Chi Cục Thống kê huyện theo kế hoạch quy định.

b. Nhiệm vụ của Chi Cục Thống kê huyện

- Ngay sau khi công việc thu thập thông tin tại địa bàn kết thúc, kiểm tra, nghiệm thu phiếu của các địa bàn Điều tra của huyện;

- Lập báo cáo nhanh kết quả Điều tra, bàn giao báo cáo nhanh cùng với phiếu Điều tra, bảng kê và danh sách hộ chọn Điều tra về Cục Thống kê tỉnh chậm nhất vào ngày 30/4/2016.

c. Nhiệm vụ của Cục Thống kê tỉnh

- Lập báo cáo nhanh kết quả Điều tra theo mẫu nêu trong “Tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ Điều tra”, gửi về Tổng cục Thống kê (Vụ DSLĐ) chậm nhất vào ngày 10/5/2016;

- Rà soát toàn bộ phiếu Điều tra của các địa bàn Điều tra, kiểm tra, nghiệm thu phiếu, đóng gói gửi phiếu Điều tra về COSIS khu vực chậm nhất vào ngày 15/5/2016; cụ thể như sau:

+ Các Cục Thống kê tỉnh, thành phố: thành phố Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa gửi về COSIS I.

+ Các Cục Thống kê tỉnh, thành phố: thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và các tỉnh: Bình Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau gửi về COSIS II

+ Các Cục Thống kê tỉnh, thành phố: thành phố Đà Nẵng và các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng gửi về COSIS III.

d. Nhiệm vụ của Vụ Thống kê Dân số và Lao động

- Biên soạn nội dung và quy trình hiệu đính, thiết kế mẫu biểu và quy định tổng hợp số liệu; phối hợp với các Trung tâm Tin học Thống kê khu vực kiểm tra chất lượng ghi phiếu sau khi nhận được phiếu Điều tra do Cục Thống kê tỉnh gửi về; kiểm tra việc nhập tin kết quả Điều tra, chất lượng các biểu tổng hợp đầu ra, phối hợp với COSIS I hoàn thiện kết quả tổng hợp;

- Gửi kết quả tổng hợp về tỉnh để nghiên cứu sử dụng, đồng thời tiến hành đánh giá chất lượng, phân tích, biên soạn và công bố kết quả Điều tra chậm nhất vào ngày 15/12/2016.

e. Nhiệm vụ của Trung tâm Tin học Thống kê khu vực I

- Nâng cấp phần mềm nhập tin của Điều tra BĐDS-KHHGĐ 2015 để xây dựng phần mềm nhập tin cho Điều tra BĐDS-KHHGĐ 2016; hướng dẫn và kiểm tra kết quả nhập tin của COSIS II và COSIS III; kiểm tra và hiệu đính trên máy tính toàn bộ kết quả nhập tin của 03 Trung tâm Tin học Thống kê;

- Nhận, bàn giao, bảo quản và nhập tin phiếu Điều tra của Cục Thống kê tỉnh trong khu vực được phân công;

- Tổng hợp các chỉ tiêu trong phiếu Điều tra theo mẫu biểu do Vụ DSLĐ biên soạn và giải thích;

- Cung cấp kết quả Điều tra bằng tệp dữ liệu (file) và gửi Vụ DSLĐ, bao gồm: 01 hệ biểu tổng hợp số liệu thô; 01 hệ biểu tổng hợp đã suy rộng của toàn quốc, 06 vùng kinh tế - xã hội và của từng tỉnh có thể dùng trong môi trường EXCEL; dữ liệu micro theo định dạng có thể dùng trong môi trường STATA và SPSS. Toàn bộ công việc này phải hoàn thành trước ngày 16/8/2016;

- Xây dựng cơ sở dữ liệu và kho dữ liệu của cuộc Điều tra phù hợp với Hệ thống đầu mối trung tâm dữ liệu thống kê (SH) của Tổng cục Thống kê.

Các công việc xử lý tại COSIS I hoàn thành theo đúng kế hoạch đã nêu tại Mục 8 của Phương án này.

f. Nhiệm vụ của Trung tâm Tin học Thống kê khu vực II và III

- Nhận, bàn giao, bảo quản phiếu Điều tra của Cục Thống kê tỉnh trong khu vực được phân công;

- Căn cứ vào chương trình nhập tin do COSIS I cung cấp và hướng dẫn, tiến hành nhập tin theo quy định đối với phiếu Điều tra của các tỉnh do mình phụ trách;

- Gửi kết quả nhập tin về COSIS I trước ngày 15/7/2016.

9.5. Chỉ đạo thực hiện

Ngoài những nhiệm vụ đã được phân công ở các nội dung nêu tại các Mục trong Phương án này, các đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện những nội dung sau đây:

a. Vụ Thống kê Dân số và Lao động chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện toàn bộ cuộc Điều tra, bao gồm: xây dựng phương án, thiết kế mẫu (cập nhật danh Mục hành chính, thiết kế dàn mẫu cho toàn quốc, tỉnh, thành thị/nông thôn, chọn địa bàn Điều tra, kiểm tra kết quả cập nhật bảng kê và chọn hộ); thiết kế phiếu Điều tra và biên soạn các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ Điều tra; hướng dẫn công tác chọn mẫu và cập nhật bảng kê; dự tính số lượng phiếu, sổ tay, tài liệu Điều tra; tổ chức công tác kiểm tra, giám sát Điều tra; xây dựng quy trình hiệu đính, kiểm tra phiếu, xử lý và tổng hợp số liệu (xây dựng hệ biểu tổng hợp, sửa lỗi logic phiếu, xác minh phiếu, hiệu chỉnh sau xác minh, tính hệ số suy rộng, kiểm tra biểu tổng hợp, trưng cầu ý kiến Cục Thống kê tỉnh về kết quả Điều tra); phân tích và công bố kết quả Điều tra.

b. Vụ Phương pháp chế độ Thống kê và Công nghệ thông tin chủ trì, phối hợp với Vụ DSLĐ, Vụ Kế hoạch tài chính và COSIS I xây dựng Kế hoạch xử lý thông tin của cuộc Điều tra để đưa vào Kế hoạch công nghệ thông tin năm 2016 của Tổng cục; cập nhật các bảng danh Mục sử dụng cho công tác xử lý và tổng hợp số liệu.

c. Vụ Kế hoạch tài chính chủ trì và phối hợp với Vụ DSLĐ dự toán kinh phí; bảo đảm kinh phí cho cuộc Điều tra; hướng dẫn định mức chi tiêu cho các đơn vị sử dụng kinh phí cuộc Điều tra (Cục Thống kê tỉnh, các COSIS và những đơn vị khác có sử dụng kinh phí); cấp phát kinh phí; hướng dẫn các đơn vị quản lý, sử dụng nguồn kinh phí được cấp và duyệt báo cáo quyết toán tài chính của các đơn vị.

d. Văn phòng Tổng cục chịu trách nhiệm in, phân phối phiếu Điều tra, sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ Điều tra và các tài liệu Điều tra đến Vụ DSLĐ, COSIS I và Cục Thống kê tỉnh.

e. Trung tâm Tin học Thống kê khu vực I thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điểm e của Mục 9.4 trong phương án này; Trung tâm Tin học Thống kê khu vực II và III thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điểm f của Mục 9.4 trong phương án này;

f. Vụ Pháp chế và Thanh tra Thống kê độc lập tiến hành kiểm tra, thanh tra cuộc Điều tra trên phạm vi cả nước, đồng thời hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm tra để Cục Thống kê tỉnh tổ chức kiểm tra thực hiện phương án Điều tra,

g. Cục Thống kê tỉnh tổ chức, chỉ đạo toàn diện cuộc Điều tra tại địa phương mình theo đúng phương án Điều tra từ bước rà soát địa bàn, cập nhật bảng kê; tuyển chọn; tập huấn cho Điều tra viên, tổ trưởng và giám sát viên; Điều tra thực địa; giám sát, kiểm tra việc tập huấn và thu thập thông tin tại địa bàn; nghiệm thu, bàn giao phiếu của tỉnh cho COSIS khu vực theo quy định. Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê về chất lượng thông tin Điều tra và quản lý, sử dụng kinh phí Điều tra thuộc địa phương mình.

Cục Thống kê tỉnh tự trang bị văn phòng phẩm cần thiết (bút bi, vở, cặp 3 dây...) cho Điều tra viên và tổ trưởng.

Trong thời gian Điều tra, Cục Thống kê tỉnh phân công giám sát viên trực tiếp xuống từng địa bàn để kiểm tra, giám sát Điều tra viên. Cục Thống kê tỉnh chịu trách nhiệm đánh giá, nghiệm thu toàn bộ phiếu Điều tra trước khi chuyển giao cho Trung tâm Tin học Thống kê khu vực. Tất cả các địa bàn Điều tra phải được giám sát và phản ánh kết quả trong phiếu giám sát của tổ trưởng và giám sát viên.

Cục Thống kê tỉnh phải xây dựng kế hoạch tổ chức chỉ đạo chặt chẽ; thường xuyên, tranh thủ sự chỉ đạo và tạo Điều kiện của Ủy ban nhân dân các cấp, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền Mục đích, ý nghĩa của cuộc Điều tra, quyền và nghĩa vụ của đối tượng Điều tra tại các địa bàn Điều tra.

h. Chi Cục Thống kê huyện có nhiệm vụ hướng dẫn Điều tra viên thực hiện nhiệm vụ; tham gia giám sát công tác Điều tra ở địa bàn theo phân công của Cục Thống kê tỉnh; nghiệm thu phiếu Điều tra và lập báo cáo nhanh theo mẫu quy định sau khi kết thúc Điều tra.

10. Kinh phí Điều tra

Kinh phí Điều tra BĐDS-KHHGĐ 2016 được ngân sách Nhà nước bảo đảm cho các hoạt động quy định trong Phương án này. Việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí được thực hiện theo Thông tư số 58/2011/TT-BTC ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Bộ Tài chính (về quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc Điều tra thống kê) và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Các đơn vị sử dụng nguồn kinh phí bố trí cho cuộc Điều tra BĐDS- KHHGĐ 2016 đúng Mục đích, đúng chế độ, đúng định mức, tiết kiệm và hiệu quả; thanh quyết toán theo Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 69/QĐ-TCTK năm 2016 về tiến hành Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình thời điểm 01/4/2016 do Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ban hành

  • Số hiệu: 69/QĐ-TCTK
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 01/03/2016
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thống kê
  • Người ký: Nguyễn Bích Lâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản