Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 286/QĐ-TCTK | Hà Nội, ngày 01 tháng 02 năm 2013 |
VỀ VIỆC TIẾN HÀNH ĐIỀU TRA BIẾN ĐỘNG DÂN SỐ VÀ KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH THỜI ĐIỂM 1/4/2013
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THỐNG KÊ
Căn cứ Luật Thống kê ngày 26 tháng 6 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 54/2010/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Căn cứ Quyết định số 803/2012/QĐ-TTg ngày 28 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình điều tra thống kê quốc gia;
Căn cứ Quyết định số 146/QĐ-TCTK ngày 03 tháng 4 năm 2012 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê về việc ban hành Kế hoạch các cuộc điều tra thống kê năm 2013 của Tổng cục Thống kê;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Tiến hành Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình thời điểm 1/4/2013 ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Phương án điều tra ban hành kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Vụ Thống kê Dân số và Lao động chủ trì, các Vụ, đơn vị có liên quan của Tổng cục Thống kê phối hợp và các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện điều tra đúng Phương án quy định.
Điều 3. Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Vụ trưởng Vụ Phương pháp chế độ Thống kê và Công nghệ thông tin, Chánh Văn phòng Tổng cục Thống kê, Chánh Thanh tra Tổng cục Thống kê, Giám đốc Trung tâm Tin học Thống kê khu vực I, II, III và Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TỔNG CỤC TRƯỞNG |
ĐIỀU TRA BIẾN ĐỘNG DÂN SỐ VÀ KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH THỜI ĐIỂM 1/4/2013
(Ban hành kèm theo Quyết định số 286/QĐ-TCTK ngày 01 tháng 02 năm 2013 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê)
1.1. Mục đích điều tra
- Thu thập các thông tin đại diện cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khu vực thành thị, nông thôn của các vùng và cả nước về: (i). số dân, tình hình biến động dân số; (ii). mức độ sử dụng các biện pháp tránh thai, tình hình hút điều hòa kinh nguyệt và nạo phá thai.
- Cung cấp thông tin về biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình cho các Bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức liên quan.
1.2. Yêu cầu điều tra
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình đáp ứng yêu cầu trong nước và so sánh quốc tế;
- Đảm bảo mức độ đại diện của số liệu tổng hợp cho cả nước, khu vực thành thị và nông thôn, 6 vùng kinh tế - xã hội và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Đối tượng, đơn vị và phạm vi điều tra
2.1. Đối tượng điều tra
Đối tượng điều tra là toàn bộ các hộ dân cư và nhân khẩu thực tế thường trú trên các địa bàn điều tra được chọn, kể cả các hộ quân đội và công an đang sống trong khu dân cư của xã, phường, thị trấn (riêng những người đang sống trong khu vực quản lý riêng của quân đội và công an thì không điều tra).
2.2. Đơn vị điều tra
Đơn vị điều tra là hộ dân cư. Hộ dân cư bao gồm một người hoặc một nhóm người ở chung và ăn chung, họ có thể có hoặc không có quan hệ ruột thịt, hôn nhân, hoặc nuôi dưỡng, có hoặc không có quỹ thu - chi chung.
Chủ hộ (hoặc người lớn am hiểu về các thành viên trong hộ, khi chủ hộ đi vắng) là người cung cấp thông tin chính. Đối với những thông tin mà chủ hộ không nắm chắc, điều tra viên phải phỏng vấn trực tiếp các nhân khẩu thực tế thường trú trong hộ. Riêng các câu hỏi điều tra về sinh đẻ và tình hình sử dụng biện pháp tránh thai, phải phỏng vấn trực tiếp phụ nữ từ 15-49 tuổi.
2.3. Phạm vi điều tra
Cuộc Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình thời điểm 1/4/2013 là điều tra chọn mẫu với 3.890 địa bàn mẫu, tương đương với khoảng 500.000 hộ trên phạm vi cả nước. Quy mô mẫu được phân bổ bảo đảm mức đại diện của số liệu thống kê cho thành thị, nông thôn, vùng và tỉnh/thành phố.
3. Thời điểm và thời gian điều tra
3.1. Thời điểm điều tra
Cuộc điều tra được tiến hành theo thời điểm 0 giờ ngày 1/4/2013.
3.2. Thời gian điều tra
Thời gian điều tra ở địa bàn khoảng 20 ngày, bắt đầu từ ngày 1/4/2013 (bao gồm cả thời gian di chuyển).
Cuộc điều tra thu thập thông tin về các sự kiện biến động tự nhiên của dân số (sinh, chết) xảy ra trong thời gian từ ngày 1 Tết Âm lịch Nhâm Thìn năm 2012 (tức ngày 23/01/2012 dương lịch) đến hết ngày 31/3/2013 dương lịch và các trường hợp chuyển đến và chuyển đi khỏi địa bàn trong khoảng thời gian nói trên trong phạm vi các địa bàn điều tra được chọn.
Ngoài thông tin định danh, nội dung điều tra bao gồm những thông tin chính sau:
Phần 1: Thông tin chung về dân số
Đối với toàn bộ dân số: họ và tên của từng nhân khẩu thực tế thường trú trong hộ; quan hệ với chủ hộ; giới tính; tháng, năm sinh theo dương lịch (hoặc tuổi); dân tộc; tình hình di cư.
Đối với dân số từ 5 tuổi trở lên: thu thập thêm các thông tin về tình hình đi học hiện nay; trình độ học vấn cao nhất đạt được.
Đối với dân số từ 15 tuổi trở lên: thu thập thêm các thông tin về tình trạng hôn nhân; tháng, năm xảy ra tình trạng hôn nhân hiện tại.
Phần 2: Thông tin về sinh đẻ, kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe sinh sản của phụ nữ từ 15-49 tuổi
- Số con đã sinh, số con hiện còn sống, số con đã chết và các thông tin về lần sinh gần nhất;
- Tình hình khám thai và nhận biết giới tính thai nhi;
- Tình hình sử dụng các biện pháp tránh thai, hút điều hòa kinh nguyệt và nạo/phá thai;
- Tình hình tai biến sau khi hút điều hòa kinh nguyệt và sau nạo/phá thai.
Phần 3: Thông tin về người chết của hộ
- Số người chết;
- Giới tính, thời gian và tuổi của người chết;
- Nguyên nhân chết, tình hình tử vong mẹ.
Nội dung điều tra được thể hiện cụ thể trên “Phiếu điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình thời điểm 1/4/2013”.
5. Phiếu điều tra, phân loại danh mục sử dụng trong điều tra
5.1. Phiếu điều tra
Nội dung điều tra được thiết kế trên một tập phiếu, gồm thông tin của hộ (có các câu hỏi về dân số), thông tin về sinh đẻ, kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe sinh sản của phụ nữ từ 15-49 tuổi và thông tin về người chết của hộ. Các thông tin trên được đóng chung thành một tập, ngoài cùng có trang bìa gồm các thông tin định danh và một số chỉ tiêu dùng cho công tác tổng hợp nhanh.
5.2. Phân loại danh mục sử dụng trong điều tra
Trong cuộc điều tra này sẽ sử dụng các danh mục sau:
- Danh mục các đơn vị hành chính Việt Nam năm 2012;
- Danh mục các dân tộc Việt Nam rút gọn;
- Bảng chuyển đổi trình độ văn hóa phổ thông.
6. Loại điều tra, phương pháp thu thập thông tin
6.1. Loại điều tra
Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình thời điểm 1/4/2013 là một cuộc điều tra chọn mẫu. Mẫu của cuộc điều tra là mẫu hệ thống phân tầng, đại diện cho cấp tỉnh. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạo thành một tầng chính với hai tầng thứ cấp là khu vực thành thị và khu vực nông thôn. Dàn chọn mẫu là các địa bàn điều tra mẫu trong cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009.
6.2. Phương pháp thu thập thông tin
Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình thời điểm 1/4/2013 tiến hành theo phương pháp phỏng vấn trực tiếp chủ hộ (thông tin về hộ và người chết của hộ) và đối tượng điều tra (phụ nữ từ 15-49 tuổi). Điều tra viên phải đến từng hộ để hỏi người cung cấp thông tin và ghi đầy đủ các câu trả lời vào phiếu điều tra.
7. Phương pháp xử lý thông tin, tổng hợp và biểu đầu ra của điều tra
7.1. Phương pháp xử lý thông tin
Công tác nhập tin được thực hiện bằng công nghệ nhập tin từ bàn phím. Toàn bộ phiếu Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình thời điểm 1/4/2013 sẽ được tiến hành nhập tin tại các Trung tâm Tin học Thống kê khu vực I, II và III.
7.2. Tổng hợp và biểu đầu ra của điều tra
Vụ Thống kê Dân số và Lao động biên soạn nội dung, thiết kế hệ biểu đầu ra và quy định tổng hợp số liệu. Trung tâm Tin học Thống kê khu vực I viết chương trình tổng hợp và nhận kết quả nhập tin từ hai Trung tâm Tin học Thống kê khu vực II và III để tổng hợp các kết quả điều tra theo hệ biểu đầu ra do Vụ Thống kê Dân số và Lao động đã thiết kế.
Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình thời điểm 1/4/2013 được thực hiện theo kế hoạch thời gian như sau:
STT | Nội dung công việc | Thời gian thực hiện/hoàn thành | Đơn vị phụ trách |
1 | Cấp phát kinh phí | Tháng 1 - 2/2013 | Vụ KHTC |
2 | Chọn mẫu và chuẩn bị địa bàn (thiết kế mẫu, chọn địa bàn, rà soát địa bàn và cập nhật sơ đồ, bảng kê) | Tháng 2 - 3/2013 | Vụ DSLĐ và Cục TK |
3 | Chuẩn bị tài liệu điều tra: - Quyết định và phương án - Phiếu, sổ tay và các tài liệu khác | Tháng 2/2013 | Vụ DSLĐ |
4 | In phiếu và sổ tay | Tháng 2/2013 | VPTC |
5 | Cục Thống kê tổ chức tập huấn nghiệp vụ điều tra cho tổ trưởng, điều tra viên và giám sát viên (02 ngày) | Nửa cuối tháng 3/2013 | Cục TK |
6 | Gửi báo cáo công tác cập nhật sơ đồ và bảng kê | Chậm nhất 26/3/2013 | Cục TK |
7 | Hiệu chỉnh số hộ, số khẩu vào bảng kê số nhà, số hộ, số người | 30 - 31/3/2013 | Cục TK |
8 | Tuyên truyền, thu thập thông tin và giám sát tại địa bàn | 01 - 20/4/2013 | Vụ DSLĐ và Cục TK |
9 | Kiểm tra, nghiệm thu phiếu gửi về Cục Thống kê | Chậm nhất 30/4/2013 | Chi CTK |
10 | Kiểm tra, nghiệm thu phiếu gửi về Trung tâm Tin học Thống kê khu vực | Chậm nhất 15/5/2013 | Cục TK |
11 | Gửi báo cáo nhanh kết quả điều tra tại các địa bàn điều tra mẫu của cấp huyện (được tổng hợp từ Mẫu số 1-BĐDS) về Cục Thống kê | Chậm nhất 30/4/2013 | Chi CTK |
12 | Gửi báo cáo nhanh kết quả điều tra theo Mẫu số 2-BĐDS | Chậm nhất 10/5/2013 | Cục TK |
13 | Gửi báo cáo nộp phiếu và chất lượng ghi phiếu | Chậm nhất 15/6/2013 | Cục TK |
14 | Gửi báo cáo quá trình thực hiện cuộc điều tra (chọn, cử tổ trưởng và điều tra viên, tập huấn, điều tra, giám sát chất lượng phỏng vấn và ghi phiếu, v.v...) | Chậm nhất 15/6/2013 | Cục TK |
15 | Nhập tin và xử lý số liệu: - Kiểm tra phiếu và nhập tin - Kiểm tra và gửi kết quả nhập tin cho TTTHTK KV I | Chậm nhất 15/7/2013 | Các TTTHTK |
16 | Hiệu đính kết quả nhập tin và tổng hợp số liệu, in và cung cấp kết quả tổng hợp số liệu, sao lưu vào đĩa CD-ROM gửi Vụ Thống kê Dân số và Lao động | 15/7 - 15/8/2013 | TTTHTK KV I |
17 | Đánh giá và chấm điểm chất lượng điều tra | 01 - 31/8/2013 | Vụ DSLĐ |
18 | Kiểm tra, hoàn thiện và gửi kết quả tổng hợp về các tỉnh | 01/9 - 31/10/2013 | Vụ DSLĐ |
19 | Đánh giá chất lượng, phân tích và phát hành kết quả điều tra | 01/10 - 30/11/2013 | Vụ DSLĐ |
9.1. Công tác chuẩn bị
a. Rà soát địa bàn và cập nhật sơ đồ, bảng kê
Công tác rà soát địa bàn và cập nhật sơ đồ, bảng kê có ý nghĩa quan trọng nhằm tránh bỏ sót hộ, nhân khẩu, các trường hợp sinh, chết và đặc biệt là số người di cư của địa bàn. Bảng kê số nhà, số hộ, số người là công cụ quan trọng giúp điều tra viên tiếp cận hộ nhanh chóng, thuận tiện và là công cụ để tổ trưởng điều tra giám sát công việc của điều tra viên.
Trên cơ sở đường ranh giới của địa bàn đã được xác định sau khi rà soát địa bàn, cán bộ làm công tác cập nhật sơ đồ, bảng kê phải đến từng địa bàn để đối chiếu lại với thực tế nhằm phát hiện những ngôi nhà mới xây có người ở nằm trong ranh giới địa bàn nhưng chưa được thể hiện trên sơ đồ, đặc biệt chú ý những khu vực trước đây là vùng đất trống, đồi trọc, ruộng nương, rừng, v.v... thuộc phạm vi ranh giới địa bàn, những ngôi nhà trước đây không có người ở nhưng hiện đã có người đến cư trú, những ngôi nhà hiện không có người ở hoặc đã bị phá hủy, v.v... Trên cơ sở đó, cập nhật đầy đủ số nhà, số hộ, số người vào sơ đồ và bảng kê của địa bàn.
Cần lưu ý, trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, các nhân khẩu do quân đội và công an quản lý không là đối tượng điều tra của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra xã/phường, nhưng trong cuộc điều tra này nếu họ thực tế thường trú tại địa bàn thì vẫn là đối tượng điều tra. Do đó, các ngôi nhà và số nhân khẩu này không được đưa vào sơ đồ và bảng kê trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, thì nay cần cập nhật đầy đủ theo phương pháp nêu trên.
Sau khi cập nhật những ngôi nhà có người ở vào sơ đồ địa bàn, tiến hành cập nhật bảng kê cho phù hợp với thực tế. Trước thời điểm điều tra 02 ngày, điều tra viên và tổ trưởng thực hiện rà soát lần cuối sơ đồ, bảng kê nhằm hiệu chỉnh đầy đủ số hộ, số khẩu đến sát thời điểm điều tra. Vụ Thống kê Dân số và Lao động có công văn hướng dẫn chi tiết về rà soát địa bàn, cập nhật sơ đồ và bảng kê gửi các Cục Thống kê.
Các Cục Thống kê giao cho tổ trưởng và điều tra viên phối hợp với cán bộ thôn/xóm/ấp/bản/tổ dân phố tiến hành rà soát, cập nhật đầy đủ bảng kê số nhà, số hộ, số người phục vụ công tác điều tra theo đúng kế hoạch.
b. Chọn cử điều tra viên và tổ trưởng
Điều tra viên là lực lượng trực tiếp thực hiện cuộc điều tra, có vai trò quan trọng quyết định đến chất lượng thông tin thu thập và sự thành công của cuộc điều tra. Vì vậy, yêu cầu bắt buộc phải chọn điều tra viên là những người có tinh thần trách nhiệm cao, có trình độ học vấn từ trung học phổ thông trở lên (những nơi khó khăn, có thể lấy người có trình độ trung học cơ sở) và được tập huấn nghiệp vụ chu đáo. Trung bình, mỗi điều tra viên phụ trách 01 địa bàn. Không chọn những cán bộ đăng ký hộ tịch, đăng ký dân số hoặc chuyên trách công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình làm điều tra viên. Các Cục Thống kê cần sử dụng tối đa những điều tra viên đã tham gia các cuộc điều tra thống kê gần đây, tốt nhất nên chọn điều tra viên là nữ.
Tổ trưởng điều tra là lực lượng trực tiếp quản lý công việc điều tra hàng ngày của từng điều tra viên, quyết định tính đầy đủ và chính xác của thông tin thu thập. Mỗi tổ trưởng phụ trách 03 điều tra viên.
Giám sát viên của cuộc điều tra là công chức của ngành Thống kê ở cấp Trung ương, tỉnh và huyện. Giám sát viên phải kiểm tra quy trình giám sát của tổ trưởng điều tra, giúp các tổ trưởng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trong trường hợp đặc thù phải tuyển chọn điều tra viên từ nơi khác đến, Cục Thống kê phải thuê người sở tại thông thạo địa bàn để dẫn đường giúp điều tra viên tiếp cận các hộ điều tra. Tại các địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa có người dân tộc không nói được tiếng phổ thông thì phải thuê người dẫn đường kiêm phiên dịch để giúp điều tra viên. Định mức mỗi điều tra viên có 01 người dẫn đường (kiêm phiên dịch, nếu cần).
c. Tập huấn nghiệp vụ điều tra
Tổng cục Thống kê không tổ chức tập huấn nghiệp vụ Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình thời điểm 1/4/2013 cho Lãnh đạo Cục Thống kê và giảng viên cấp tỉnh, mà chỉ có công văn gửi các Cục Thống kê nêu một số điểm mới của cuộc điều tra, đồng thời gửi phiếu và tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ cho các tỉnh, thành phố.
Cục Thống kê trực tiếp tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho giám sát viên, tổ trưởng và điều tra viên (kể cả số tổ trưởng và điều tra viên dự phòng), thời gian của mỗi lớp là 02 ngày trong nửa cuối tháng 3 năm 2013. Trong tập huấn có kiểm tra và phân loại học viên, bố trí thời gian thực tập phỏng vấn và ghi phiếu.
d. Tài liệu điều tra
Tài liệu điều tra bao gồm phiếu và các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ do Tổng cục Thống kê thiết kế, in và phân phối cho các Cục Thống kê theo kế hoạch.
9.2. Công tác điều tra ghi phiếu tại địa bàn
Trước khi triển khai tại địa bàn, Cục Thống kê cần tổ chức phỏng vấn và ghi phiếu thử để rút kinh nghiệm kịp thời. Cục Thống kê giao Chi cục Thống kê cấp huyện chọn cử điều tra viên, thực hiện điều tra ghi phiếu tại địa bàn, kiểm tra kỹ chất lượng và hoàn thiện phiếu, làm báo cáo nhanh và nộp phiếu đúng kế hoạch.
Công tác điều tra ghi phiếu tại địa bàn được thực hiện trong khoảng 20 ngày, bắt đầu từ ngày 1/4/2013. Quy định mỗi điều tra viên phải điều tra bình quân 06 hộ trong 1 ngày, riêng 02 ngày đầu chỉ cho phép mỗi điều tra viên phỏng vấn không quá 04 hộ trong 1 ngày nhằm giúp điều tra viên khắc phục hết các sai sót xảy ra, nhất là các lỗi hệ thống trong phỏng vấn và ghi phiếu. Định mức này bao gồm cả thời gian di chuyển trong địa bàn.
9.3. Công tác kiểm tra, giám sát
Kiểm tra, giám sát là việc làm thường xuyên thông qua tự kiểm tra của chính điều tra viên, kiểm tra của tổ trưởng và kiểm tra của cơ quan thống kê cấp trên nhằm nâng cao chất lượng điều tra. Trong cuộc điều tra này, việc kiểm tra, giám sát của cấp trên sẽ tập trung vào 5 hoạt động: (i). cập nhật sơ đồ, bảng kê; (ii). tập huấn nghiệp vụ; (iii). điều tra thu thập dữ liệu tại các hộ; (iv). kiểm tra và bàn giao phiếu điều tra; (v). dự toán kinh phí cho cuộc điều tra và công tác công khai, minh bạch đến lực lượng tham gia cuộc điều tra. Tổng cục Thống kê quy định chi tiết công tác kiểm tra, giám sát trong “Tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ điều tra”. Cơ quan Thống kê các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo chất lượng số liệu điều tra.
9.4. Bàn giao tài liệu và xử lý số liệu
a. Tổ trưởng điều tra
Tổ trưởng kiểm tra toàn diện 100% phiếu điều tra của các điều tra viên do mình phụ trách trước khi bàn giao cho Chi Cục Thống kê, đảm bảo tuân thủ đúng các bước nhảy ghi trên phiếu, không có lỗi lô-gíc, các thông tin định danh được ghi đầy đủ, chính xác theo quy định trong “Tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ điều tra”.
Đồng thời, Chi Cục Thống kê tổ chức cho các tổ trưởng kiểm tra chéo chất lượng ghi phiếu và làm báo cáo nhanh kết quả điều tra (nêu trong “Tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ điều tra”), bàn giao báo cáo nhanh kết quả điều tra cùng với phiếu điều tra đã hoàn thành, bảng kê số nhà, số hộ, số người về Chi Cục Thống kê theo kế hoạch quy định.
b. Chi Cục Thống kê
Sau khi công việc điều tra tại địa bàn kết thúc, Chi Cục Thống kê kiểm tra, nghiệm thu phiếu của các địa bàn điều tra của huyện/quận mình, nộp về Cục Thống kê chậm nhất vào ngày 30/4/2013.
c. Cục Thống kê
Trên cơ sở báo cáo nhanh của các Chi Cục Thống kê (được tổng hợp từ báo cáo của các tổ trưởng tại các địa bàn điều tra mẫu của huyện/quận), Cục Thống kê làm báo cáo nhanh kết quả điều tra theo mẫu nêu trong “Tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ điều tra”, gửi về Tổng cục Thống kê (Vụ Thống kê Dân số và Lao động) theo kế hoạch.
Ngay sau khi nhận bàn giao phiếu điều tra từ các Chi Cục Thống kê, Cục Thống kê rà soát toàn bộ phiếu điều tra của các địa bàn điều tra, kiểm tra, nghiệm thu phiếu, đóng gói gửi phiếu điều tra về Trung tâm Tin học Thống kê khu vực chậm nhất vào ngày 15/5/2013, cụ thể như sau:
Gửi về Trung tâm Tin học Thống kê khu vực I (Thành phố Hà Nội): 27 tỉnh/thành phố gồm: thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng và các tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa và Nghệ An.
Gửi về Trung tâm Tin học Thống kê khu vực II (Thành phố Hồ Chí Minh): 20 tỉnh/thành phố gồm: thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ và các tỉnh: Bình Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.
Gửi về Trung tâm Tin học Thống kê khu vực III (Thành phố Đà Nẵng): 16 tỉnh/thành phố gồm: thành phố Đà Nẵng và các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.
d. Tổng cục Thống kê
Vụ Thống kê Dân số và Lao động có trách nhiệm:
- Phối hợp với Trung tâm Tin học Thống kê khu vực I tiến hành kiểm tra, biên soạn nội dung và quy trình hiệu đính, thiết kế mẫu biểu và quy định tổng hợp số liệu;
- Phối hợp với các Trung tâm Tin học Thống kê khu vực I, II và III kiểm tra chất lượng ghi phiếu và nhập tin kết quả điều tra;
- Kiểm tra chất lượng các biểu tổng hợp đầu ra, phối hợp với Trung Tâm Tin học Thống kê khu vực I hoàn thiện kết quả tổng hợp;
- Sau khi tổng hợp toàn bộ kết quả của cuộc điều tra, Vụ Thống kê Dân số và Lao động sẽ gửi kết quả tổng hợp về địa phương để nghiên cứu sử dụng, đồng thời tiến hành đánh giá chất lượng, phân tích, biên soạn và phát hành kết quả chính thức chậm nhất vào ngày 30/11/2013.
Trung tâm Tin học Thống kê khu vực I có trách nhiệm:
- Nhận bàn giao, bảo quản và nhập tin phiếu điều tra của Cục Thống kê tỉnh, thành phố trong khu vực được phân công;
- Viết chương trình nhập tin, hướng dẫn và kiểm tra kết quả nhập tin của các Trung tâm Tin học Thống kê khu vực II và III, kiểm tra và hiệu đính trên máy toàn bộ kết quả nhập tin của cả 03 Trung tâm Tin học Thống kê khu vực;
- Tổng hợp các chỉ tiêu trong phiếu điều tra theo mẫu biểu do Vụ Thống kê Dân số và Lao động biên soạn và giải thích;
- Cung cấp kết quả điều tra bằng tệp dữ liệu (file) và sao lưu vào đĩa CD-ROM cho Vụ Thống kê Dân số và Lao động, bao gồm: 01 hệ biểu tổng hợp số liệu thô (chưa suy rộng) và 01 hệ biểu tổng hợp đã suy rộng của toàn quốc, 06 vùng kinh tế - xã hội và của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể dùng trong môi trường EXCEL và số liệu micro có thể dùng trong môi trường STATA và SPSS. Toàn bộ công việc này phải hoàn thành trước ngày 16/8/2013.
Trung tâm Tin học Thống kê khu vực II và III có trách nhiệm:
- Nhận bàn giao, bảo quản phiếu điều tra của Cục Thống kê tỉnh, thành phố trong khu vực được phân công;
- Căn cứ vào chương trình nhập tin do Trung tâm Tin học Thống kê khu vực I cung cấp và hướng dẫn, tiến hành nhập tin theo quy định đối với phiếu điều tra của các tỉnh, thành phố do mình phụ trách;
- Gửi kết quả nhập tin về Trung tâm Tin học Thống kê khu vực I trước ngày 15/7/2013.
9.5. Chỉ đạo thực hiện
a. Vụ Thống kê Dân số và Lao động là đơn vị chủ trì cuộc điều tra, giúp Lãnh đạo Tổng cục Thống kê chỉ đạo thực hiện toàn bộ cuộc điều tra, bao gồm: xây dựng phương án, thiết kế mẫu, thiết kế phiếu điều tra và biên soạn các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ điều tra; hướng dẫn công tác chọn mẫu, cập nhật sơ đồ, bảng kê địa bàn; lập kế hoạch in và phân phối phiếu và tài liệu điều tra; tổ chức công tác kiểm tra, giám sát điều tra, xây dựng quy trình hiệu đính, kiểm tra phiếu, xử lý và tổng hợp số liệu, phân tích và công bố kết quả điều tra.
b. Vụ Kế hoạch tài chính phối hợp với Vụ Thống kê Dân số và Lao động dự trù kinh phí; đảm bảo kinh phí cho cuộc điều tra; hướng dẫn định mức chi tiêu cho các Cục Thống kê; cấp kinh phí điều tra; hướng dẫn các Cục Thống kê quản lý, sử dụng nguồn kinh phí được cấp và duyệt báo cáo quyết toán tài chính của các Cục Thống kê.
c. Vụ Phương pháp chế độ thống kê và Công nghệ thông tin chủ trì và phối hợp với Vụ Thống kê Dân số và Lao động và Trung tâm Tin học Thống kê khu vực I xây dựng bài toán công nghệ thông tin cho cuộc điều tra này.
d. Văn phòng Tổng cục Thống kê phối hợp với Vụ Thống kê Dân số và Lao động tổ chức in và phân phối phiếu điều tra và tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ điều tra đảm bảo chất lượng và kịp thời gian.
e. Trung tâm Tin học Thống kê khu vực I viết chương trình nhập tin; nhận bàn giao và bảo quản phiếu điều tra của các Cục Thống kê; phối hợp với Vụ Thống kê Dân số và Lao động kiểm tra phiếu điều tra; hiệu đính kết quả; tổng hợp kết quả điều tra theo các biểu tổng hợp do Vụ Thống kê Dân số và Lao động thiết kế; cung cấp kết quả điều tra bằng tệp dữ liệu (file) và sao lưu vào đĩa CD-ROM cho Vụ Thống kê Dân số và Lao động, bao gồm: 01 hệ biểu tổng hợp số liệu thô (chưa suy rộng) và 01 hệ biểu tổng hợp số liệu đã suy rộng của cấp toàn quốc, vùng và tỉnh; 01 đĩa CD-ROM gồm toàn bộ số liệu thô (chưa suy rộng) và số liệu đã suy rộng có thể dùng trong môi trường EXCEL và số liệu vi mô có thể dùng trong môi trường STATA và SPSS.
f. Thanh tra Tổng cục Thống kê độc lập tiến hành kiểm tra, thanh tra cuộc điều tra trên phạm vi cả nước, đồng thời hướng dẫn về chuyên môn để Cục Thống kê tổ chức kiểm tra thực hiện phương án điều tra.
g. Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức, chỉ đạo toàn diện cuộc điều tra theo phương án điều tra tại các địa bàn đã được chọn thuộc phạm vi của tỉnh/thành phố từ bước rà soát địa bàn, cập nhật sơ đồ, bảng kê đến khi kết thúc bàn giao phiếu của tỉnh, thành phố và chịu trách nhiệm trước Tổng cục Thống kê (Vụ Thống kê Dân số và Lao động) về chất lượng số liệu điều tra.
Cục Thống kê tự trang bị cho điều tra viên và tổ trưởng văn phòng phẩm cho cuộc điều tra (bút bi, vở, cặp 3 dây, ...). Khoản kinh phí này đã được Tổng cục Thống kê (Vụ Kế hoạch tài chính) giao trong dự toán năm 2013.
Để đảm bảo cho cuộc điều tra thắng lợi, các Cục Thống kê cần có kế hoạch tổ chức chỉ đạo chặt chẽ và thường xuyên, tranh thủ sự chỉ đạo và tạo điều kiện của Ủy ban nhân dân các cấp, đồng thời coi trọng công tác tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của cuộc điều tra đến từng hộ thuộc các địa bàn điều tra.
Trong thời gian điều tra, Lãnh đạo Cục Thống kê phân công cán bộ đã được tập huấn nghiệp vụ trực tiếp xuống từng địa bàn để kiểm tra, giám sát và giúp đỡ điều tra viên thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, tiến hành đánh giá, nghiệm thu phiếu trước khi chuyển giao cho Trung tâm Tin học Thống kê khu vực. Quy định tất cả các địa bàn điều tra phải được giám sát và phản ánh kết quả trong phiếu giám sát của tổ trưởng điều tra và giám sát viên.
h. Chi cục Thống kê cấp huyện có nhiệm vụ hướng dẫn, giúp đỡ điều tra viên, đồng thời tham gia giám sát công tác điều tra ở địa bàn theo yêu cầu của Cục Thống kê, nghiệm thu phiếu điều tra của tổ trưởng điều tra, điều tra viên và làm báo cáo theo mẫu quy định ngay sau khi kết thúc bước điều tra, ghi phiếu.
Kinh phí thực hiện cuộc điều tra do ngân sách nhà nước cấp theo định mức tài chính hiện hành được quy định cho các cuộc điều tra thống kê, cho hội nghị/hội thảo và các chế độ nhà nước về chi tiêu tài chính. Các Cục Thống kê quản lý, sử dụng nguồn kinh phí được cấp đúng quy định và thực hiện báo cáo quyết toán tài chính theo hướng dẫn của Tổng cục Thống kê./.
- 1Nghị quyết 26/2012/NQ-HĐND về Chính sách Dân số và Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Bình Thuận
- 2Quyết định 27/2012/QĐ-UBND về Quy định Chính sách Dân số và Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Bình Thuận
- 3Quyết định 1199/QĐ-TTg năm 2012 về Chương trình mục tiêu quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2012 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 69/QĐ-TCTK năm 2016 về tiến hành Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình thời điểm 01/4/2016 do Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ban hành
- 5Quyết định 1903/QĐ-TCTK năm 2020 về tiến hành Điều tra biến động dân số và kế hoạch hoá gia đình thời điểm 01/4/2021 do Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ban hành
- 1Luật Thống kê 2003
- 2Quyết định 54/2010/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 803/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Chương trình điều tra thống kê quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Nghị quyết 26/2012/NQ-HĐND về Chính sách Dân số và Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Bình Thuận
- 5Quyết định 27/2012/QĐ-UBND về Quy định Chính sách Dân số và Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Bình Thuận
- 6Quyết định 1199/QĐ-TTg năm 2012 về Chương trình mục tiêu quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2012 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 69/QĐ-TCTK năm 2016 về tiến hành Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình thời điểm 01/4/2016 do Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ban hành
- 8Quyết định 1903/QĐ-TCTK năm 2020 về tiến hành Điều tra biến động dân số và kế hoạch hoá gia đình thời điểm 01/4/2021 do Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ban hành
Quyết định 286/QĐ-TCTK năm 2013 tiến hành Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình thời điểm 1/4/2013 do Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ban hành
- Số hiệu: 286/QĐ-TCTK
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 01/02/2013
- Nơi ban hành: Tổng cục Thống kê
- Người ký: Đỗ Thức
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/02/2013
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra