Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 68/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 05 tháng 01 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG HỆ THỐNG THÔNG TIN CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HOÁ, GIAI ĐOẠN 2023 - 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin năm 2006; Luật Viễn thông năm 2009; Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009; Luật An toàn thông tin năm 2015; Luật Báo chí năm 2016; Luật Tiếp cận thông tin năm 2016;

Căn cứ Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 05 tháng 9 năm 2016 của Ban Bí thư Trung ương về đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới;

Căn cứ Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 07 năm 2016 của Chính phủ về đảm bảo an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ;

Căn cứ Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng;

Căn cứ Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg ngày 06 tháng 12 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động thông tin cơ sở;

Căn cứ Quyết định số 1497/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030;

Căn cứ Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin;

Căn cứ Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Thông tư số 37/2017/TT-BTTTT ngày 07 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc Quy hoạch sử dụng kênh tần số cho phát thanh FM;

Căn cứ Thông tư số 39/2020/TT-BTTTT ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Quy định về quản lý đài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông;

Căn cứ Thông tư số 06/2022/TT-BTTTT ngày 30 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về hướng dẫn thực hiện Dự án Truyền thông và Giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2022 - 2025;

Căn cứ Thông tư số 05/2022/TT-BTTTT ngày 30/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về hướng dẫn Nội dung 09 thuộc thành phần 02, Nội dung 02 thuộc thành phần 08 của Chương trình xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Quyết định số 1381/QĐ-BTTTT ngày 07 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành Chiến lược thông tin cơ sở giai đoạn 2021 - 2025;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 2785/TTr-STTTT ngày 16 tháng 12 năm 2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2023 - 2030, với các nội dung chính như sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

- Nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong toàn tỉnh; các cấp, các ngành cần có những giải pháp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, nhu cầu thụ hưởng thông tin của người dân ở các vùng, miền.

- Quan tâm hiện đại hóa và nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống thông tin cơ sở; tiếp tục đổi mới nội dung, kết hợp có hiệu quả các loại hình tuyên truyền, đảm bảo phục vụ hiệu quả, kịp thời công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; tập trung thông tin tuyên truyền phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, dịch bệnh đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng(1), góp phần thu hẹp khoảng cách hưởng thụ thông tin của người dân các địa phương trong tỉnh.

- Nâng cao chất lượng hoạt động thông tin cơ sở phải gắn với với các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới nâng cao; Chương trình chuyển đổi số; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng hệ thống thông tin cơ sở hiện đại, toàn diện theo hướng chuyển đổi số, số hóa nguồn thông tin cơ sở đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn thông tin tuyên truyền, phổ biến đến người dân và phục vụ công tác quản lý nhà nước về thông tin cơ sở, theo hướng chủ động, kịp thời, chính xác, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

* Giai đoạn 2023 - 2025:

- Phấn đấu 100% thông tin thiết yếu từ hệ thống thông tin cơ sở được phổ biến đến người dân; các ý kiến phản ánh của người dân về hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật ở cơ sở được tiếp nhận, xử lý trên hệ thống thông tin cơ sở.

- Phấn đấu 100% Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện được trang bị các thiết bị phục vụ việc số hóa sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình.

- 100% người làm việc tại Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm.

- Phấn đấu 100% Đài truyền thanh xã, phường, thị trấn được đầu tư, nâng cấp bổ sung Bộ thiết bị tích hợp tự động, đảm bảo kết nối các cụm loa ứng dụng CNTT- VT với các cụm loa hiện có.

- 100% Trang thông tin điện tử cấp xã thường xuyên được cập nhật, cung cấp thông tin và hoạt động hiệu quả theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP, ngày 24/6/2022 của Chính phủ.

- 100% cán bộ làm công tác truyền thanh cấp xã và quản trị trang thông tin điện tử được bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác, biên soạn tài liệu, lưu trữ thông tin, quản lý và vận hành thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu.

- Phấn đấu 245 xã có hệ thống đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (CNTT-VT).

- Phấn đấu 100% đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT được tích hợp, kết nối với hệ thống thông tin nguồn của tỉnh và Trung tâm nguồn do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng.

- Phấn đấu từ 80% trở lên các xã, phường, thị trấn có đội ngũ làm công tác thông tin cơ sở có kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

* Giai đoạn 2026 - 2030:

- Hiện đại hóa, đồng bộ hệ thống thông tin cơ sở kết nối thông tin nguồn ở cả 3 cấp góp phần làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về thông tin cơ sở.

- Phấn đấu 100% nội dung thông tin thiết yếu phục vụ công tác tuyên truyền được cung cấp trên hệ thống thông tin nguồn.

- Phấn đấu 100% các huyện, thị xã, thành phố có bảng tin điện tử công cộng.

- Phấn đấu 100% đài truyền thanh cấp xã chuyển đổi sang hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT-VT.

- 100% các xã, phường, thị trấn có đội ngũ làm công tác thông tin cơ sở đảm bảo có kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Nhiệm vụ

1.1. Thiết lập hệ thống thông tin nguồn của tỉnh để tổ chức quản lý tập trung và cung cấp thông tin nguồn cho hệ thống thông tin cơ sở

a) Nội dung thực hiện

- Xây dựng hệ thống thông tin nguồn của tỉnh để tổ chức hoạt động thông tin cơ sở ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã; có khả năng kết nối với hệ thống thông tin nguồn của Trung ương.

- Trang bị hệ thống máy chủ lưu trữ các phần mềm hệ thống thông tin nguồn.

b) Đơn vị chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông

Đơn vị phối hợp: Các sở, ngành, đơn vị liên quan

c) Kinh phí thực hiện: Nguồn vốn ngân sách tỉnh và các nguồn hợp pháp.

d) Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2023 - 2025.

1.2. Đầu tư, nâng cấp thiết bị sản xuất chương trình, thiết bị tích hợp tự động Đài truyền thanh cấp huyện

a) Nội dung thực hiện

- Đầu tư, nâng cấp trang thiết bị sản xuất chương trình để số hóa sản xuất nội dung chương trình phát thanh, truyền hình đồng bộ với các thiết bị sản xuất chương trình phát thanh của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh để cung cấp các chương trình phát thanh, truyền hình cho Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Bao gồm: Máy tính chuyên dùng; phần mềm biên tập chương trình truyền hình; phần mềm biên tập chương trình phát thanh; máy quay phim chuyên dụng; máy thu âm chuyên dụng; máy ảnh và các thiết bị kỹ thuật khác.

- Đầu tư mới thiết bị tích hợp tự động phục vụ công tác phát, chuyển tiếp toàn bộ thông tin đến đài truyền thanh cấp xã đang sử dụng hệ thống đài truyền thanh có dây, hệ thống đài truyền thanh không dây, hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT-VT. Thiết bị tích hợp tự động bao gồm:

Bộ thiết bị chuyển đổi số: Nhằm mục tiêu đồng nhất nguồn phát duy nhất từ hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT-VT và phát tới tất cả các thiết bị trên địa bàn.

Thiết bị bật tắt nguồn tự động: Bao gồm một thiết bị điều khiển từ xa và thiết bị đóng cắt tải được đấu nối trực tiếp vào hệ thống điện lưới và cấp nguồn cho hệ thống máy phát có dây và không dây, có thể thiết lập lịch bật, tắt tự động, lặp lại theo tuần, tháng, năm và điều khiển từ xa qua sóng 3G, 4G. Bộ thiết bị bật tắt nguồn tự động sẽ đi kèm với bộ thiết bị chuyển đổi số cho hệ thống cũ tự động hóa công tác vận hành hệ thống truyền thanh tại xã.

b) Đơn vị chủ trì:

- Sở Thông tin và Truyền thông: Chủ trì triển khai đầu tư bộ thiết bị tích hợp tự động.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố: Chủ trì thực hiện đầu tư, nâng cấp trang thiết bị sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình.

c) Kinh phí thực hiện: Nguồn vốn ngân sách tỉnh, ngân sách huyện và các nguồn vốn hợp pháp khác.

d) Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2023 - 2030.

1.3. Thiết lập bảng tin điện tử công cộng

a) Nội dung thực hiện

Thiết lập hệ thống bảng tin điện tử, cụm thông tin cơ sở:

Đầu tư, thiết lập bảng tin điện tử công cộng cỡ lớn (màn hình LED, màn hình LCD) được đặt ở các địa điểm đông người qua lại như quảng trường, vườn hoa, trung tâm thương mại..., giao các huyện quản lý, vận hành sử dụng. Các bảng tin điện tử được tích hợp với Hệ thống thông tin nguồn tỉnh, thông qua mạng Internet/Intranet hoặc sim 3G/4G để nhận thông tin tuyên truyền, phổ biến đến người dân.

Thiết lập Cụm thông tin cơ sở tại các cửa khẩu khu vực biên giới trên đất liền, cảng biển, cảng hàng không để tuyên truyền, phổ biến thông tin thiết yếu đến người dân và du khách quốc tế.

b) Đơn vị chủ trì: UBND các huyện, thị xã, thành phố; Sở Thông tin và Truyền thông.

Đơn vị phối hợp: Các đơn vị liên quan.

c) Kinh phí thực hiện: Từ nguồn xã hội hóa, nguồn hỗ trợ thuộc các

Chương trình và nguồn hợp pháp khác.

d) Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2026 - 2030.

1.4. Nâng cao hiệu quả hoạt động Trang thông tin điện tử của Ủy ban Nhân dân cấp xã

a) Nội dung thực hiện

- Sắp xếp, nâng cao tính năng để cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết theo quy định của pháp luật.

- Thiết lập các kênh giao tiếp để thực hiện tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin, tiếp nhận và phản hồi ý kiến của người dân về việc thực hiện quản lý nhà nước của địa phương; đảm bảo tương thích với các thiết bị di động; áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thông tin, an toàn thông tin, đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật xác thực người dùng.

b) Đơn vị chủ trì: UBND cấp huyện, cấp xã.

Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan.

c) Kinh phí thực hiện: Nguồn vốn ngân sách xã và các nguồn hợp pháp.

d) Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2023 - 2025.

1.5. Nâng cấp, chuyển đổi hệ thống đài truyền thanh cấp xã sang công nghệ ứng dụng CNTT-VT

1.5.1. Nâng cấp hệ thống đài truyền thanh cấp xã

a) Nội dung thực hiện

- Đầu tư bộ thiết bị tích hợp tự động có tiêu chuẩn kỹ thuật theo Thông tư số 39/2020/TT-BTTTT ngày 24/11/2020 của Bộ Thông tin và Truyền nhằm chuyển đổi số hệ thống đài truyền thanh cấp xã trên cơ sở kế thừa, phát huy hiệu quả hệ thống đài truyền thanh có dây/không dây đang còn hoạt động, chưa hết khấu hao tài sản, đảm bảo kết nối các cụm loa truyền thống với các cụm loa ứng dụng CNTT-VT.

- Đầu tư, bổ sung, thay thế cụm loa có dây, không dây bị hư hỏng bằng các cụm loa ứng dụng CNTT-VT để mở rộng vùng phủ sóng.

b) Đơn vị chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện.

Đơn vị phối hợp: UBND các xã, phường, thị trấn.

c) Kinh phí thực hiện: Nguồn vốn ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, vốn sự nghiệp từ các Chương trình MTQG và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Ngân sách Trung ương: Nguồn vốn sự nghiệp từ các Chương trình MTQG phân bổ cho huyện, xã theo nghị quyết của HĐND tỉnh để bổ sung, thay thế cụm loa có dây, không dây bị hư hỏng bằng các cụm loa ứng dụng CNTT-VT.

Ngân sách tỉnh: Đầu tư bộ thiết bị tích hợp tự động từ nguồn vốn Chương trình Chuyển đổi số và xây dựng Chính quyền điện tử.

d) Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2023 - 2025.

1.5.2. Đầu tư mới hệ thống truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT

a) Nội dung thực hiện

Đầu tư hệ thống đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT đáp ứng các yêu cầu cơ bản về kỹ thuật và an toàn thông tin theo Thông tư số 39/2020/TT-BTTTT ngày 24/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông cho các xã có hệ thống đài truyền thanh bị hư hỏng và các đài sử dụng trong băng tần 87-108 Mhz đã hết hạn giấy phép tần số không được cấp lại hoạt động. Bao gồm:

- Cụm thu phát thanh ứng dụng CNTT-VT.

- Thiết bị quản lý, lưu trữ thông tin và sản xuất chương trình phát thanh (máy tính).

- Bộ thiết bị tích hợp tự động.

- Các thiết bị phụ trợ (Micro, bàn trộn âm thanh mixer...).

- Các thiết bị, vật tư khác (cột treo loa, dây chống sét ở cột treo loa...).

b) Đơn vị chủ trì:

- Sở Thông tin và Truyền thông.

- UBND cấp huyện, cấp xã.

c) Kinh phí thực hiện: Nguồn vốn ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, vốn sự nghiệp các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 và các nguồn hợp pháp.

d) Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2023 - 2025.

1.6. Đầu tư trang thiết bị phương tiện thông tin lưu động cho 11 huyện miền núi

a) Nội dung thực hiện

Phấn đấu đầu tư mua sắm cho mỗi huyện miền núi 01 xe ô tô, trang thiết bị thông tin lưu động (tăng âm, loa, thiết bị phụ trợ), đảm bảo tiết kiệm, hoạt động hiệu quả.

b) Đơn vị chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.

Đơn vị phối hợp: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan.

c) Kinh phí thực hiện: Vốn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định.

d) Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2023 - 2025.

1.7. Rà soát cơ chế chính sách và nâng cao nguồn nhân lực làm công tác thông tin cơ sở

a) Nội dung thực hiện

Nghiên cứu rà soát sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế chính sách, quy chế, quy định về hoạt động của đài truyền thanh cấp xã, để nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở.

Rà soát, đánh giá, sắp xếp nhân lực hoạt động thông tin cơ sở trong toàn tỉnh để đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở.

Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác thông tin cơ sở: Các nội dung số hóa sản xuất chương trình; biên tập tin bài; chuyển đổi số; vận hành thiết bị; công tác an toàn thông tin; quản trị cập nhật nội dung tin và biên tập tin, bài trên trang thông tin điện tử.

b) Đơn vị chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.

Đơn vị phối hợp: Sở Nội vụ, các sở, ngành và các địa phương.

c) Kinh phí thực hiện: Nguồn vốn ngân sách tỉnh.

d) Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2023 - 2025.

2. Giải pháp thực hiện

2.1. Giải pháp về nâng cao công tác lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý Nhà nước đối với hệ thống thông tin cơ sở

- Tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với hoạt động thông tin cơ sở; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo củng cố hệ thống thông tin cơ sở ở các địa phương theo tinh thần Chỉ thị số 07-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các Quyết định của Chính phủ, của Bộ Thông tin và Truyền thông; huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc nâng cao chất lượng hệ thống thông tin cơ sở; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu về vai trò, tầm quan trọng của thông tin cơ sở đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.

- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình tổ chức thực hiện; xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình về công tác thông tin, tuyên truyền ở cơ sở.

2.2. Giải pháp về cơ chế chính sách

- Xây dựng, ban hành văn bản quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn thông tin, quản lý và vận hành đài truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT-VT trình cấp có thẩm quyền ban hành.

- Xây dựng quy định về việc phối hợp cung cấp thông tin thiết yếu thuộc lĩnh vực quản lý của các sở, ngành địa phương trên Hệ thống thông tin nguồn của tỉnh; quy định về cơ chế quản lý thông tin trên hệ thống thông tin nguồn và thu thập, tổng hợp, phân tích, quản lý dữ liệu, đánh giá hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở trình cấp có thẩm quyền ban hành.

- Ban hành cơ chế, chính sách duy trì, nâng cấp, bão dưỡng hệ thống đài truyền thanh cấp xã, đảm bảo cho việc sử dụng và phát huy hiệu quả cơ sở hạ tầng đã được đầu tư.

2.3. Giải pháp nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin cơ sở

- Căn cứ nội dung quy định tại Nghị quyết số 232/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí chức danh không chuyên trách về Văn hóa - Xã hội - Thông tin - Truyền thông, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ trên các lĩnh vực văn hóa, thông tin, truyền thông và các nội dung của Đề án này.

- Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức nghiệp vụ cho cán bộ công tác thông tin cơ sở, nhất là kỹ năng biên tập tin, bài, kỹ năng tuyên truyền, kỹ năng vận hành, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thực hiện nhiệm vụ.

2.4. Giải pháp về công nghệ

- Đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị cho hệ thống thông tin cơ sở, trong đó chú trọng hiện đại hóa hệ thống đài truyền thanh cấp huyện và cấp xã, giai đoạn 2023 - 2030; tập trung đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa thiết bị kỹ thuật, tăng cường số hóa nội dung tuyên truyền ở cơ sở, nhất là khâu sản xuất các chương trình truyền thanh; triển khai kế hoạch chuyển đổi đài truyền thanh cấp xã sang hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT-VT; thiết lập hệ thống thông tin nguồn của tỉnh để tổ chức quản lý tập trung và cung cấp thống nhất, kịp thời thông tin tuyên truyền cho hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh.

- Nâng cao chất lượng nội dung Trang thông tin điện tử cấp xã để đáp ứng cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin về chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông tin, kiến thức thiết yếu đối với đời sống hằng ngày của người dân địa phương, phục vụ nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương.

- Đầu tư, nâng cấp hạ tầng viễn thông, đảm bảo phủ sóng thông tin di động 3G,4G/hạ tầng Internet băng rộng đến 100% các thôn trên địa bàn tỉnh.

2.5. Giải pháp về tài chính

Để đảm bảo nguồn vốn đáp ứng cho việc thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thông tin cơ sở cần huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau: Ngân sách Trung ương các Chương trình MTQG; ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, ngân sách xã và huy động nguồn lực xã hội từ các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân để thực hiện.

2.6. Giải pháp về bảo đảm an toàn thông tin

- Triển khai các phương án quản lý về kỹ thuật theo quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin ở cả 3 cấp theo Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và Thông tư số 03/TT-BTTTT ngày 24/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.

- Triển khai các giải pháp phòng chống phần mềm độc hại cho tất cả các máy chủ, máy trạm và các thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin liên quan, đảm bảo đáp ứng các quy định của pháp luật.

- Triển khai các hệ thống giám sát an toàn thông tin cấp tỉnh đáp ứng các quy định và hướng dẫn của các cơ quan nhà nước. Trong đó tập trung giám sát hoạt động của hệ thống thông tin nguồn, đảm bảo tính chính xác, toàn vẹn của thông tin trước khi cung cấp thông tin cho hoạt động thông tin cơ sở.

- Thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin trước khi đưa hệ thống vào vận hành, khai thác sử dụng theo định kỳ.

3. Kinh phí thực hiện: Dự kiến tổng kinh phí thực hiện Đề án khoảng: 335.560 triệu đồng

Nguồn vốn:

* Giai đoạn 2023 - 2025: 175.460 triệu đồng

- Ngân sách Trung ương: 25.800 triệu đồng

- Ngân sách tỉnh: 134.660 triệu đồng

- Ngân sách huyện, xã: 6.000 triệu đồng

- Xã hội hóa: 9.000 triệu đồng

* Giai đoạn 2026 - 2030: 160.100 triệu đồng

- Ngân sách Trung ương: 18.000 triệu đồng

- Ngân sách tỉnh: 57.200 triệu đồng

- Ngân sách huyện: 63.100 triệu đồng

- Xã hội hóa: 21.800 triệu đồng

Trong đó:

- Nguồn vốn Trung ương: Từ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững theo hướng dẫn tại Thông tư số 05/2022/TT-BTTTT và số 06/2022/TT-BTTT của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Ngân sách tỉnh: Từ nguồn Chương trình Chuyển đổi số và xây dựng Chính quyền điện tử.

- Ngân sách huyện: Được phân bổ từ nguồn vốn sự nghiệp các Chương trình MTQG theo Nghị quyết của HĐND tỉnh và ngân sách địa phương.

4. Lộ trình thực hiện

4.1. Giai đoạn 2023 - 2025

- Tập trung nguồn lực đầu tư, nâng cấp thiết bị sản xuất chương trình, thiết bị tích hợp tự động Đài truyền thanh cấp huyện; đầu tư thiết bị phương tiện thông tin lưu động; đầu tư thiết lập mới hệ thống đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT ở các xã, phường thị trấn, hệ thống đài đã bị hỏng hoàn toàn và các đài truyền thanh FM ở băng tần (87-108 Mhz) không được cấp lại giấy phép tần số theo quy định; đầu tư bộ thiết bị tích hợp tự động cho các xã đảm bảo mục tiêu chuyển đổi số hệ thống đài truyền thanh cơ sở.

- Thiết lập hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh và đi vào hoạt động nhằm tổng hợp, phân tích, quản lý dữ liệu, đánh giá hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh.

- Đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực đảm bảo tiếp cận và ứng dụng công nghệ để khai thác, biên soạn tài liệu, lưu trữ thông tin, quản lý và vận hành thiết bị kỹ thuật phù hợp với vị trí việc làm.

4.2. Giai đoạn 2026 - 2030

- Hoàn thành đầu tư nâng cấp đối với các xã có đài truyền thanh sử dụng phương thức truyền thanh có dây và truyền thanh không dây sang truyền thanh ứng dụng CNTT-VT.

- Các huyện, thị xã, thành phố, cửa khẩu có bảng điện tử và Cụm thông tin cơ sở kết nối với Hệ thống thông tin nguồn của tỉnh.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai Đề án; triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công.

- Thực hiện thẩm định danh mục đầu tư đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu từ tỉnh đến hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT-VT trên toàn tỉnh đảm bảo hiệu quả, thiết thực, đúng quy định. Tổ chức quản lý, vận hành hệ thống thông tin nguồn của tỉnh; quản lý, hướng dẫn hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT-VT toàn tỉnh theo quy định.

- Làm việc với các Doanh nghiệp Viễn thông đảm bảo hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu phát triển hệ thống thông tin cơ sở.

- Đánh giá hiệu quả việc triển khai đầu tư hệ thống đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT, kịp thời báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện và các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai, để xử lý, điều chỉnh Đề án cho phù hợp.

Căn cứ Đề án này, trước ngày 30/8 hằng năm, đơn vị chủ trì Đề án chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, kèm theo dự toán kinh phí, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình duyệt theo quy định để tổ chức triển khai thực hiện.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn đầu tư để triển khai thực hiện các chương trình, dự án đảm bảo theo quy định.

3. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan tham mưu trình cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn sự nghiệp trong dự toán ngân sách tỉnh, nguồn vốn sự nghiệp trung ương hỗ trợ thực hiện các Chương trình MTQG để thực hiện Đề án đảm bảo hiệu quá và đúng quy định.

4. Sở Nội vụ

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất các giải pháp về cơ chế, chính sách, nhân lực đối với hoạt động hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2023 - 2030.

5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện hiệu quả các hoạt động thông tin cơ sở theo chức năng quản lý của ngành.

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai và thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống tin cơ sở trên địa bàn tỉnh.

6. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

- Nâng cấp, hiện đại hóa thiết bị kỹ thuật, số hóa sản xuất nội dung truyền thông đa phương tiện để tuyên truyền trên các nền tảng phát sóng của Đài.

- Thường xuyên hướng dẫn, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật đối với các Đài Truyền thanh cấp huyện theo quy định của pháp luật.

- Tăng cường sản xuất và phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc, phù hợp với bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trong tỉnh để đăng tải trên các kênh sóng, Trang thông tin điện tử của Đài và cung cấp trên hệ thống thông tin nguồn của tỉnh.

7. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của các sở, ngành phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức triển khai thực hiện Đề án.

8. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Căn cứ Đề án, xây dựng Kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế địa phương để triển khai và tổ chức thực hiện hiệu quả, đúng quy định.

- Thực hiện rà soát, sắp xếp, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm việc ở bộ phận Đài truyền thanh cấp huyện thuộc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch, đảm bảo nâng cao chất lượng chương trình, đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong quá trình thực hiện chuyển đổi số.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ nội dung quy định tại Nghị quyết số 232/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh, chủ động bố trí chức danh không chuyên trách về Văn hóa - Xã hội - Thông tin - Truyền thông, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ trên các lĩnh vực văn hóa, thông tin, truyền thông và các nội dung của Đề án này.

- Bố trí ngân sách địa phương và huy động nguồn lực đầu tư trang thiết bị sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình của huyện; bảng tin điện tử công cộng; chuyển đổi hệ thống đài truyền thanh cấp xã không dây, đài truyền thanh có dây đang hoạt động chuyển dần sang đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT; quản lý, duy trì hoạt động hiệu quả đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT được tỉnh đầu tư trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố.

- Bố trí kinh phí duy trì hoạt động hệ thống đài truyền thanh cơ sở; bổ sung hệ thống các cụm loa trên địa bàn, đảm bảo mật độ phủ sóng đến 100% các khu dân cư.

- Thực hiện cung cấp, quản lý nội dung thông tin của đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT tại cấp xã và chế độ thông tin báo cáo, thống kê theo quy định.

9. Ủy ban nhân dân cấp xã

- Bố trí cán bộ Văn phòng thống kê quản trị Trang thông tin điện tử.

- Bố trí vị trí chức danh không chuyên trách Văn hóa- Xã hội- Thông tin- Truyền thông, kiêm vận hành Đài truyền thanh cấp xã (ưu tiên, lựa chọn cán bộ có trình độ, chuyên môn phù hợp) để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

- Bố trí nguồn kinh phí hoạt động truyền thanh theo đúng phân bổ của Nghị quyết HĐND tỉnh, bảo đảm cho sự nghiệp truyền thanh hoạt động hiệu quả.

- Tổ chức quản lý trực tiếp, khai thác, vận hành hoạt động của đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT theo quy định và hướng dẫn của cấp trên.

- Đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật của đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT.

- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về hoạt động của đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT.

10. Đề nghị các doanh nghiệp Viễn thông trên địa bàn tính Thanh Hóa

Tập trung đầu tư, nâng cấp hạ tầng viễn thông, đảm bảo phủ sóng đến các khu vực trên địa bàn tỉnh để đáp ứng nhu cầu phát triển hệ thống thông tin cơ sở.

Điều 2. Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Đề án; sử dụng kinh phí đảm bảo hiệu quả, đúng quy định; phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Đề án; thường xuyên và định kỳ, tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Giám đốc các sở; Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3 Quyết định;
- Bộ Thông tin và Truyền thông (để b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Các cơ quan báo chí của tỉnh;
- Các Doanh nghiệp viễn thông;
- Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh;
- Lưu: VT, VX (ngocnd).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đầu Thanh Tùng

 



(1) Nghị quyết số 35-NQ/TW Ngày 22/10/2019 Bộ chính trị đã ban hành về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 68/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2023-2030

  • Số hiệu: 68/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/01/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Đầu Thanh Tùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/01/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản