Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 669/QĐ-UBND | Quảng Ngãi, ngày 14 tháng 10 năm 2024 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU CỦA TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Quyết định số 189/QĐ-UBND ngày 16/01/2020 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;
Căn cứ Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050;
Theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 4716/TTr-STNMT ngày 01/10/2024 và ý kiến thống nhất của Thành viên UBND tỉnh.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG
ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 669/QĐ-UBND ngày 14/10/2024 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)
I. BỐI CẢNH VÀ SỰ CẦN THIẾT
Biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, đã và đang tác động đến nhiều quốc gia, vùng, lãnh thổ và các lĩnh vực. Dưới tác động của BĐKH, tần suất và cường độ thiên tai ngày càng gia tăng, gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, các cơ sở hạ tầng về kinh tế, văn hóa, xã hội, tác động xấu đến môi trường. Theo Văn phòng Giảm nhẹ rủi ro thiên tai của Liên hợp quốc, trong vòng 20 năm qua, trên toàn thế giới, các loại hình thiên tai đã tăng lên khoảng 75%, làm hơn 1 triệu người thiệt mạng và ảnh hưởng đến hơn 4 tỷ người dân, thiệt hại kinh tế gần 3.000 tỷ USD. Trong khi đó, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu. Ước tính, trong 20 năm qua, ở nước ta, các loại thiên tai đã làm hơn 13.000 người thiệt mạng, thiệt hại kinh tế hơn 6,4 tỷ USD, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 1,5% GDP/năm.
Tỉnh Quảng Ngãi là tỉnh ven biển nằm ở vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ của Việt Nam có diện tích tự nhiên 5.155,24 km2, bao gồm 13 đơn vị hành chính, trong đó có: 01 thành phố (TP. Quảng Ngãi), 01 thị xã (TX. Đức Phổ) và 11 huyện (Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Minh Long, Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng, Lý Sơn).
Trong những năm gần đây, BĐKH đã làm gia tăng các loại hình thiên tai. Địa bàn tỉnh thường xuyên chịu tác động của 22 loại hình thiên tai theo các mức độ khác nhau, gồm: (1) Tác động mạnh: Bão, áp thấp nhiệt đới; lũ, ngập lụt; (2) Tác động vừa: Sạt lở đất, lũ quét, lốc, sét, mưa đá, ngập lụt do triều cường, bão lớn, sóng thần, xâm nhập mặn, mưa lớn, xói lở bờ sông, bờ biển, hạn hán, gió mạnh trên biên, cháy rừng; (3) Tác động nhẹ: Nắng nóng, rét hại, sương muối, mưa đá, sương mù. Trong đó, các loại hình bão, áp thấp nhiệt đới và lũ, ngập lụt gây thiệt hại nặng nề nhất. Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh thì từ năm 2009 đến nay, bão, áp thấp nhiệt đới và lũ lụt đã gây rất nhiều thiệt hại về người và tài sản của nhân dân và nhà nước (thiệt hại tài sản ước tính khoảng 14.526.600 triệu đồng).
Biến đổi khí hậu sẽ tác động mạnh đến nông nghiệp và an ninh lương thực, khủng hoảng và mất an ninh về nước, nguy cơ thiên tai do bão lũ và nước biển dâng, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học, lâm nghiệp, ngư nghiệp, môi trường và sức khỏe cộng đồng. Tỉnh Quảng Ngãi cũng là một trong những tỉnh sẽ chịu nhiều tổn thất do BĐKH, mực nước biển dâng.
Trong thời gian qua, công tác ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được kết quả ban đầu quan trọng. Tuy nhiên trước xu thế BĐKH ngày càng gia tăng cả về tần suất và xu thế cực đoan, cần nâng cao hơn nữa các giải pháp thích ứng với BĐKH.
Kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam đã cung cấp những thông tin về BĐKH và nước biển dâng trong thế kỷ 21 ở Việt Nam để các bộ, ngành và địa phương làm cơ sở đánh giá tác động của BĐKH và xây dựng các biện pháp thích ứng với BĐKH.
Theo Quyết định số 896/QĐ TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 (Tại khoản 6 Phần V Quyết định số 896/QĐ-TTg giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: “Tổ chức xây dựng và ban hành kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu theo định kỳ 10 năm cấp tỉnh”. Việc cập nhật “Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 - 2030, tầm nhìn đến 2050 của tỉnh Quảng Ngãi” phù hợp với Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam năm 2016; cập nhật năm 2020 cũng như định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới là hết sức quan trọng và cần thiết, nhằm xác định được các thách thức và cơ hội của biến đổi khí hậu đối với quá trình phát triển của ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; xác định được các giải pháp ưu tiên nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, lộ trình triển khai và nguồn lực thực hiện cho từng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; rà soát, điều chỉnh, bổ sung yếu tố biến đổi khí hậu trong chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển của tỉnh, của ngành, của vùng và các khu vực trong tỉnh, là công cụ pháp lý phục vụ công tác quản lý nhà nước.
II. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU
1. Quan điểm
a) Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai có vị trí quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của tỉnh; là nền tảng để hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng xã hội thân thiện với môi trường, hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững.
b) Các nhiệm vụ ứng phó BĐKH của các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cần tiến hành đồng thời thích ứng và giảm nhẹ, trong đó thích ứng với BĐKH, chủ động phòng, tránh thiên tai là trọng tâm.
c) Triển khai các giải pháp cấp bách giảm mức độ dễ bị tổn thương, tăng cường sức chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu; ưu tiên cao nhất bảo đảm an toàn, sinh kế cho người dân ở những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề; tập trung phát triển hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng dựa trên tiềm năng, lợi thế của tỉnh Quảng Ngãi.
d) Ứng phó với biến đổi khí hậu được thực hiện trên nguyên tắc công bằng dựa trên thể chế đồng bộ, chính sách, pháp luật hiệu lực và hiệu quả, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực và hợp tác quốc tế; góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.
e) Các hoạt động thích ứng với BĐKH phải được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm; thích ứng với những tác động cấp bách trước mắt và những tác động tiềm ẩn lâu dài; đầu tư cho thích ứng với BĐKH phải có hiệu quả về kinh tế, xã hội, ai làm được những thiệt hại trong tương lai.
f) Nguồn lực cho các hoạt động ứng phó với BĐKH giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2050 của tỉnh Quảng Ngãi được thực hiện trên cơ sở có đầu tư của nhà nước, lồng ghép và tận dụng mọi nguồn lực, phát huy nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế, tăng cường hợp tác trong và ngoài nước, hợp tác công - tư (PPP) nhằm huy động mạnh mẽ và hiệu quả hơn mọi nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa.
2. Mục tiêu
a) Mục tiêu chung
Nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH, đảm bảo được sự phát triển bền vững của các ngành, lĩnh vực, phòng ngừa, giảm thiểu các tổn thương, rủi ro trước các tác động của biến đổi khí hậu và tận dụng các cơ hội do biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi nhằm bảo vệ khí hậu trái đất theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
b) Mục tiêu cụ thể
- Xác định được các hoạt động ứng phó, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu đối với quá trình phát triển của các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
- Xác định được các giải pháp ưu tiên nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, lộ trình triển khai và nguồn lực thực hiện cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung vấn đề biến đổi khí hậu trong chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển ở cấp địa phương.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CỦA KẾ HOẠCH
1. Phân kỳ thực hiện
1.1. Giai đoạn đến năm 2030
a) Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương về BĐKH và ứng phó với những tác động của BĐKH.
b) Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, năng lực ứng phó, khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội với biến đổi khí hậu của các ngành, các cấp để có được kế hoạch ứng phó hiệu quả, kịp thời trước BĐKH.
c) Xây dựng các chương trình, dự án liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu cho từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể, góp phần vào thực hiện việc ứng phó với BĐKH một cách hiệu quả.
d) Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách, chiến lược tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế.
e) Tăng cường hợp tác quốc tế, vận động hỗ trợ quốc tế về tăng cường năng lực, tài chính, công nghệ để ứng phó hiệu quả với các tác động của biến đổi khí hậu.
1.2. Giai đoạn sau 2030, tầm nhìn 2050
Trên cơ sở kết quả đạt được của giai đoạn đến năm 2030, tiếp tục triển khai một số nội dung sau:
a) Xây dựng hệ thống giám sát biến đổi khí hậu của tỉnh.
b) Rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách, chiến lược tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với định hướng phát triển mới nhằm xây dựng và củng cố nền kinh tế các-bon thấp có khả năng chống chịu và thích ứng cao với các tác động của biến đổi khí hậu.
c) Đánh giá mức độ rủi ro và tính dễ bị tổn thương, tăng cường năng lực thích ứng với BĐKH, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững trong bối cảnh BĐKH và an toàn trước thiên tai.
d) Thực hiện lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu trong tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội. Xây dựng các chương trình, dự án liên quan đến thích ứng với BĐKH cho từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể, góp phần vào thực hiện việc ứng phó với BĐKH một cách hiệu quả.
2. Nhiệm vụ, giải pháp cụ thể
2.1. Đối với lĩnh vực tài nguyên đất
a) Tăng cường công tác quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên đất theo kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.
b) Tăng cường bảo vệ đất, chống xói mòn, dùng vật liệu che phủ gốc cây để tăng cường giữ nước, giữ ẩm, chống xói mòn bề mặt đất, đặc biệt là ở các khu vực hay xảy ra tình trạng sạt lở đất;
c) Chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở những vùng không có khả năng sản xuất hoặc sản xuất nông nghiệp không hiệu quả, các vùng đất sản xuất nông nghiệp bị hạn nên chuyển sang phát triển du lịch sinh thái;
d) Thực hiện đồng bộ các giải pháp, cùng với tăng cường kiểm tra, giám sát để làm tốt công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; hoàn thiện dự án xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh, nhằm đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ đa ngành, đa mục tiêu hướng tới quản lý đất đai chặt chẽ và hợp lý.
2.2. Đối với lĩnh vực tài nguyên nước
a) Nâng cấp, cải tạo các hồ chứa tăng dung tích trữ lũ, tăng khả năng tích trữ nước để đảm bảo cấp nước trong mùa khô, đảm bảo an toàn hồ đập và an ninh nguồn nước;
b) Tập trung bảo vệ, phục hồi tài nguyên nước, chống lấp sông suối, kênh rạch, chống lấn chiếm hành lang bảo vệ nguồn nước, quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác sử dụng nước, phòng chống suy thoái, ô nhiễm nguồn nước, cải thiện phục hồi nguồn nước bị suy thoái;
c) Tăng cường quản lý khai thác sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước tại vùng khan hiếm nước, hạn hán thiếu nước như các xã Bình Long, Bình Mỹ, Bình Tân Phú, Bình Dương, Bình Minh, Bình Trung thuộc huyện Bình Sơn, Phổ Khánh, Phổ Cường thuộc thị xã Đức Phổ, Tịnh Giang, Tịnh Hiệp, Tịnh Trà, Tịnh Phong thuộc huyện Sơn Tịnh, Hành Tín Đông, Hành Tín Tây, Hành Thiện thuộc huyện Nghĩa Hành và toàn huyện Lý Sơn;
d) Ứng dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực xử lý nước phục vụ sinh hoạt cũng như xử lý nước thải của các loại hình sản xuất trước khi thải ra nguồn tiếp nhận; Xây dựng hệ thống tuần hoàn và tái sử dụng, sử dụng tiết kiệm nước mặt trong các cơ sở sản xuất cũng như hộ gia đình, ứng dụng tuần hoàn sử dụng nước thải sản xuất trong công nghiệp khai thác và chế biến;
e) Tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước, hạn chế việc cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất đối với khu vực ven biển của tỉnh là vùng chịu tổn thương nặng nề do biến đổi khí hậu;
f) Cập nhật để hoàn thiện mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng; đầu tư, lắp đặt hệ thống thu nhận, lưu trữ dữ liệu tài nguyên và môi trường; kêu gọi đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn theo công nghệ tiên tiến, hiện đại; khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực môi trường, nhất là đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp, đô thị, cơ sở y tế, tái chế và xử lý rác thải, các công trình dân sinh góp phần bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
2.3. Đối với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản
a) Đối với lĩnh vực trồng trọt:
- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa cần đáp ứng theo quy định Điều 56 Luật Trồng trọt 2018 và tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác;
- Áp dụng giải pháp tưới ướt khô xen kẽ, hệ thống canh tác lúa cải tiến (hệ thống thâm canh tổng hợp trong sản xuất lúa) - canh tác lúa sinh thái, mang lại hiệu quả và năng suất cao, giảm phát thải khí nhà kính dựa trên những tác động kỹ thuật nhằm giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu, tiết kiệm nước tưới;
- Áp dụng giải pháp quản lý tổng hợp dinh dưỡng và dịch hại cây trồng, giảm lượng giống gieo sạ, phân bón, thuốc trừ sâu, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, giảm lượng hạt giống, giảm lượng phân đạm bón thừa, giảm thuốc hóa học, giảm lượng nước tưới và giảm thất thoát sau thu hoạch;
- Áp dụng điều chỉnh lịch vụ mùa để ứng phó với hạn, mặn và lũ lụt dựa trên bản đồ dự báo rủi ro;
- Áp dụng công nghệ kỹ thuật và thiết bị tiên tiến để tưới theo phương pháp nhỏ giọt, phun mưa, tưới ngầm, bảo đảm cấp nước theo nhu cầu của cây trồng cạn hoặc tưới ướt - khô xen kẽ cho cây lúa phù hợp từng giai đoạn sinh trưởng kết hợp với các biện pháp canh tác tiên tiến trong nông nghiệp thích ứng cho vùng bị khô hạn, thiếu nước;
- Hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật bảo vệ đất trồng trọt, kỹ thuật sử dụng phân bón, thuốc BVTV an toàn và hiệu quả;
- Lựa chọn giống cây trồng mới (cây ngắn ngày, dài ngày) cho năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, kháng bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu (chịu được hạn, mặn, rét, chịu ngập lụt v.v.);
- Đánh giá, phân tích, đẩy mạnh công tác dự tính, dự báo ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng từ đó có những giải pháp kịp thời chủ động ứng phó và thích ứng;
- Xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu tác động của BĐKH đến ngành trồng trọt để phục vụ mục tiêu lâu dài của công tác quy hoạch vùng sản xuất thích ứng với BĐKH;
- Loại bỏ công nghệ kém hiệu quả, không thân thiện với khí hậu trong nông nghiệp; Thí điểm một số giải pháp thân thiện với khí hậu trong sản xuất nông nghiệp;
- Quản lý và xử lý chất thải trong chăn nuôi, thủy sản, sử dụng khí sinh học làm nhiên liệu.
b) Đối với lĩnh vực chăn nuôi:
- Chuyển đổi phương thức chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán sang chăn nuôi trang trại, hình thành vùng chăn nuôi tập trung gắn với bảo vệ môi trường, an toàn sinh học và ứng dụng công nghệ cao. Sử dụng kiểu mẫu chuồng trại thích ứng với BĐKH để có thể kiểm soát dịch bệnh và hạn chế ô nhiễm môi trường;
- Chuyển đổi chăn nuôi hộ gia đình sang trang trại; Nuôi VietGAP; Nuôi VietGAHP; Nuôi GlobalGAP;...;
- Chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Tăng cường công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát vận chuyển và giết mổ gia súc, gia cầm;
- Tập huấn để nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống thú y từ tỉnh đến cơ sở, nhất là thú y xã;
- Tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến (công nghệ khí sinh học, đệm lót sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ sinh học) hướng đến chăn nuôi an toàn và bảo vệ môi trường;
- Hướng dẫn các hộ chăn nuôi tận dụng các chất thải trong chăn nuôi để làm phân bón phục vụ cho trồng trọt hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.
c) Đối với lĩnh vực thủy sản:
- Lựa chọn các giống nuôi trồng thủy sản có ngưỡng sinh thái rộng, chịu được mặn, hạn, kháng bệnh v.v;
- Xây dựng mô hình diện tích nuôi trồng thủy sản (tôm, cá, rau câu, nhuyễn thể v.v) có sử dụng con giống có khả năng chống chịu với các điều kiện thời tiết cực đoan/BĐKH như giống như nóng, chịu mặn nồng độ cao (cho thủy sản nước ngọt/lợ), chịu rét). Các giống chống chịu này có thể chống chịu đơn hoặc đa nhân tố. Đây là một trong những giải pháp thích ứng BĐKH chủ động của ngành nuôi trồng thủy sản trong điều kiện BĐKH;
- Khuyến khích các hộ nuôi trồng thủy sản theo Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nuôi thủy sản (VietGAP);
- Tăng khả năng thích ứng thông qua các mô hình đồng quản lý nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ, xây dựng năng lực và quy chế quản lý có sự tham gia của cộng đồng và chính quyền các cấp, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững;
- Khuyến khích sử dụng ngư cụ, thiết bị phục vụ khai thác, nuôi trồng thủy sản bảo đảm tối ưu hóa nhiên liệu, tiết kiệm nguyên liệu nhờ đó giảm phát thải khí nhà kính;
- Đầu tư, nâng cấp hạ tầng nuôi trồng thủy sản, trong đó chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống cấp thoát nước và xử lý nước thải phục vụ nuôi trồng thủy sản nhằm xử lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng nuôi.
- Áp dụng các mô hình, phương pháp nuôi ghép các đối tượng (của+cá+tôm, ốc hương+hải sâm,...), nuôi xen, mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật, mô hình sử dụng chế phẩm công nghệ sinh học để đảm bảo nuôi thủy sản bền vững;
- Đầu tư, nâng cấp, sửa chữa các cảng cá, khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá; khu dịch vụ hậu cần nghề cá các huyện: Bình Sơn, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Lý Sơn, thị xã Đức Phổ, TP. Quảng Ngãi.
d) Đối với lĩnh vực lâm nghiệp:
- Xây dựng phương thức quản trị rừng bảo đảm đạt được các mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng, không làm suy giảm các giá trị và nâng cao giá trị rừng, cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường, góp phần giữ vững quốc phòng, an ninh;
- Quản lý, bảo vệ và nâng cao độ che phủ, sinh khối và chất lượng rừng để tăng khả năng hấp thụ các-bon tại các vùng sinh thái có rừng;
- Phối hợp, hỗ trợ các Doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh phát triển mô hình lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng, mô hình nông lâm kết hợp, mô hình kết hợp sản xuất lương thực và năng lượng trong lâm nghiệp để nâng cao hiệu quả kinh tế rừng;
- Tích cực vận động các nguồn tài trợ để thực hiện các dự án trồng và khôi phục rừng ngập mặn, rừng chắn cát, chắn sóng biển,... chú ý đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng phải tính đến tác động của các kịch bản BĐKH và nước biển dâng;
- Tăng cường thực hiện các giải pháp phòng cháy chữa cháy rừng, trồng rừng, nâng cao chất lượng và trữ lượng các-bon rừng; phục hồi rừng tự nhiên bằng các biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung, nuôi dưỡng và làm giàu rừng; trồng cây phân tán đặc biệt chú trọng tăng diện tích cây xanh đô thị.
e) Đối với lĩnh vực thủy lợi:
- Đánh giá khả năng xâm nhập mặn của hạ lưu sông Trà Khúc, sông Vệ, Trà Bồng, Trà Câu ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp và đề xuất các giải pháp giảm thiểu;
- Xây dựng bản đồ ngập lụt và lập phương án phòng, chống lũ, lụt cho vùng hạ du của các hồ chứa lớn trong tình huống xả lũ khẩn cấp và vỡ đập;
- Phân vùng rủi ro và cảnh báo rủi ro thiên tai phục vụ quy hoạch, chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu;
- Điều tra, đánh giá và xây dựng hệ thống cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét;
- Xây dựng và nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước mưa tại các đoạn đường trong thành phố hay xảy ra ngập nước khi mưa lớn;
- Xây dựng kè chống sạt lở bằng một số loài cây bản địa như tre, nứa... tại một số điểm xảy ra sạt lở ở các huyện miền núi;
- Xây dựng các hồ điều hòa ở khu vực thành phố nhằm giảm lũ, ngập lụt cho thành phố Quảng Ngãi;
- Triển khai các biện pháp tiết kiệm năng lượng bơm tưới và hệ thống thiết bị sử dụng trong thủy lợi;
- Xây dựng hệ thống giám sát mặn trên sông, công trình ngăn mặn;
- Trồng rừng đầu nguồn, xây dựng hệ thống tưới tiêu thích ứng với BĐKH, nâng cấp công trình thủy lợi và trạm bơm, kè bờ sông và nạo vét lòng sông;
- Nghiên cứu đánh giá tác động của nước biển dâng, xây dựng bản đồ tính dễ bị tổn thương của hệ thống hạ tầng thủy lợi ven biển;
- Tăng cường trang thiết bị, cơ chế vận hành của hệ thống cảnh báo sớm, xây dựng và hoàn thiện mạng lưới quan trắc chế độ thủy văn và chất lượng nước sông, vùng ven biển với việc tự động hóa từng bước các hoạt động quan trắc;
- Khai thác tổng hợp tiềm năng và phát huy lợi thế các công trình thủy lợi phục vụ đa mục tiêu. Đầu tư xây dựng sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn các hồ chứa, hệ thống kè chống sạt lở, công trình phòng chống thiên tai ở các địa phương có nguy cơ tổn thương cao do tác động của BĐKH. Đồng thời, đầu tư một số hồ chứa lớn, nhằm tích trữ và sử dụng nước tiết kiệm phục vụ sản xuất nông nghiệp trong mùa khô, hạn;
- Thu, trữ nước huyện Lý Sơn phục vụ cấp nước trong điều kiện BĐKH.
2.4. Đối với lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, năng lượng, giao thông vận tải
- Phát triển đô thị xanh, sản xuất vật liệu và công nghệ xây dựng thân thiện với môi trường. Lồng ghép ứng phó BĐKH trong quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, vật liệu xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị;
- Loại bỏ công nghệ kém hiệu quả, không thân thiện với khí hậu trong công nghiệp, năng lượng và giao thông vận tải; danh mục các công nghệ thay thế với các tiêu chí về phát thải phù hợp;
- Điều chỉnh kế hoạch phát triển công nghiệp phù hợp với tình hình BĐKH. Cần đánh giá tác động của BĐKH đến khu công nghiệp và lên phương án thực hiện xây dựng có tích hợp ứng phó với BĐKH, có xem xét cao độ nền xây dựng khi xem xét yếu tố BĐKH; Xây dựng các công trình nhà ở với cốt nền cao hơn so với mốc lũ lịch sử tại các khu vực có nguy cơ ngập lụt cao ở huyện...;
- Xây dựng các công trình bằng các vật liệu tại chỗ, công nghệ cao, kết hợp với chất phụ gia để tăng độ bền cho công trình; sơn phủ chống ăn mòn sắt thép trước khi đưa vào sử dụng trong các công trình xây dựng thường xuyên tiếp xúc với môi trường tự nhiên; sử dụng bê tông nhẹ trong xây dựng các công trình khi xây dựng các KCN trên nền đất yếu;
- Chuyển đổi nhiên liệu từ than sang khí đốt trong các nhà máy;
- Tăng cường sử dụng năng lượng thay thế. Giảm tổn thất và tiêu hao trong truyền tải điện, ...;
- Nâng cao nhận thức người dân trong việc sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng. Giảm thiểu phát thải khí CO2 trong sinh hoạt đô thị. Triển khai thí điểm cuộc vận động xây dựng mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm trong mỗi hộ gia đình...
- Thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, theo đó giảm phát thải ròng về 0 bằng cách sử dụng tài nguyên hợp lý, phát triển kinh tế xanh, giảm dần sử dụng nhiên liệu hóa thạch theo hướng thay thế bằng điện gió, điện sóng biển, điện mặt trời trên biển và tăng cường phát triển kinh tế xanh;
- Cải tiến thiết bị, nâng cao hiệu suất thay đổi quy trình vận hành trong sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao việc sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm giảm chi phí sản xuất và tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa;
- Xây dựng nhà tránh trú bão, nhà cộng đồng giúp người dân có nơi trú ẩn khi xảy ra bão, lụt;
- Sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng cho sinh hoạt và các tòa nhà. Thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng các-bon thấp, tái cấu trúc các ngành kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực sử dụng nguồn năng lượng sạch, tiêu tốn ít năng lượng; từng bước hạn chế phát triển các nhóm ngành kinh tế tiêu tốn nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường, hiệu quả kinh tế thấp;
- Xây dựng, ban hành các chính sách ưu tiên, hỗ trợ phát triển, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo; chuyển đổi nguyên, nhiên vật liệu đầu vào theo hướng “các-bon-thấp” trong sản xuất vật liệu xây dựng công trình; phát triển vật liệu và sản phẩm xây dựng xanh (Tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu ô nhiễm); xây dựng tiêu chuẩn, quy trình và thực hiện đảm nhận năng lượng cho vật liệu xây dựng;
- Thí điểm mô hình khu đô thị xanh, khu dân cư xanh tiết kiệm năng lượng, nguyên nhiên liệu, thân thiện với khí hậu;
- Phát triển các hệ thống thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió;
- Nghiên cứu và thiết kế, nâng cấp các công trình giao thông thích ứng với BĐKH. Nghiên cứu các công nghệ mới, đề xuất các phương tiện nhẹ tiết kiệm nhiên liệu hơn, khí thải ít hơn, hướng tới sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường,...;
- Xây dựng cơ sở hạ tầng như: đường giao thông, điện, nước, kè bảo vệ,... để tái định cư cho hộ dân cư khu vực ven sông nơi thường xuyên bị ngập lụt;
- Đánh giá chi tiết tác động của BĐKH và NBD (nhiệt độ, ngập lụt) đến công trình giao thông đường bộ, đường thủy, công trình hàng không trên địa bàn tỉnh;
- Điều chỉnh kế hoạch phát triển giao thông vận tải phù hợp với tình hình BĐKH của tỉnh.
2.5. Đối với lĩnh vực du lịch, dịch vụ
- Nâng cao khả năng khai thác các hoạt động du lịch trong điều kiện BĐKH; tăng cường năng lực ứng phó với BĐKH trong lĩnh vực du lịch. Khuyến khích phát triển loại hình/sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường;
- Phát triển du lịch sinh thái gắn với thiên nhiên và văn hóa bản địa, gắn với giáo dục môi trường, có đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Điều chỉnh quy hoạch các hoạt động du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa phi vật thể phù hợp với điều kiện BĐKH;
- Lắp đặt các bảng điện tử thông báo tình hình thời tiết tại các điểm du lịch trọng yếu của tỉnh giúp du khách cập nhật tình hình thời tiết;
- Tuyên truyền, phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch. Tổ chức các chương trình tập huấn, hội nghị, hội thảo chuyên đề, trao đổi kinh nghiệm trong nước và quốc tế về BĐKH và các giải pháp ứng phó trong ngành du lịch;
- Tăng cường giáo dục cộng đồng nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, nhất là dân cư các điểm du lịch. Nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm thu hút khách du lịch;
- Các cơ sở hạ tầng thương mại có nguy cơ ảnh hưởng, tác động của yếu tố BĐKH cần phải được cân nhắc, xem xét di dời hoặc có biện pháp xử lý kỹ thuật trong quá trình cải tạo, nâng cấp hay xây mới. Các cơ sở hạ tầng thương mại hiện có nằm trong diện bị ảnh hưởng, tác động của yếu tố BĐKH cần phải được gia cố, nâng cấp.
2.6. Đối với lĩnh vực y tế, sức khỏe cộng đồng và giáo dục
a) Về lĩnh vực y tế, sức khỏe cộng đồng:
- Xây dựng và triển khai các hoạt động cấp cứu ứng phó với các thảm họa, thiên tai (tai nạn, chấn thương, dịch bệnh,...), xây dựng và lựa chọn các mô hình cung cấp dịch vụ y tế đáp ứng với thiên tai, thảm họa do BĐKH gây ra;
- Xây dựng hệ thống cảnh báo tình hình dịch bệnh trong bối cảnh biến đổi khí hậu, xây dựng và triển khai các hoạt động cấp cứu ứng phó với các thảm họa, thiên tai (tai nạn, chấn thương, dịch bệnh...), xây dựng và lựa chọn các mô hình cung cấp dịch vụ y tế ứng phó với thiên tai, thảm họa do BĐKH gây nên;
- Xây dựng và triển khai các mô hình chăm sóc sức khỏe cộng đồng như nước sạch và vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, chăm sóc sức khỏe ban đầu, thích ứng với biến đổi khí hậu tại các vùng bị ảnh hưởng;
- Tổ chức các cuộc diễn tập của ngành y tế thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu; phổ biến, quán triệt các chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước và ngành y tế về công tác ứng phó với BĐKH cho tất cả các đơn vị trong ngành y tế;
- Tổ chức các hoạt động truyền thông cho cán bộ, nhân viên ngành y tế và cộng đồng về BĐKH và các biện pháp ứng phó. Đa dạng hóa các nội dung và hình thức tuyên truyền nhằm chuyển tải hiệu quả các thông điệp bảo vệ sức khỏe thông quan giảm thiểu và thích ứng với BĐKH tới cộng đồng; xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật về giám sát, phát hiện, dự phòng và điều trị các bệnh tật do BĐKH gây ra;
- Kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý trên cơ sở hệ thống mạng lưới cán bộ từ trung ương đến địa phương thực hiện nhiệm vụ ứng phó với BĐKH ngành y tế;
- Xây dựng và phát triển mô hình cộng đồng ứng phó với thiên tai, BĐKH, mô hình làng sinh thái, nông thôn mới ứng phó với BĐKH và BVMT;
- Tiếp tục nâng cao nhận thức cho cộng đồng trên địa bàn tỉnh về BĐKH như: phát sóng trên truyền hình, Đài truyền thanh, báo, các chuyên mục thời sự về BĐKH. Hướng dẫn cộng đồng dân cư về tác động của BĐKH và cách thích ứng.
b) Về lĩnh vực giáo dục:
- Định hướng dạy học theo hướng đề cao chủ thể hoạt động nhận thức của học sinh tạo cơ hội để GV tổ chức cho học sinh thực hiện các hoạt động liên quan đến nội dung biến đổi khí hậu ngay cả ở bài dạy học trên lớp lẫn hoạt động ngoài giờ học;
- Thông tin, tuyên truyền về ứng phó với BĐKH và phòng, chống thiên tai trong trường học,...;
- Tích hợp nội dung giáo dục BĐKH vào trong giảng dạy tại các trường phổ thông, hướng nghiệp dạy nghề, cao đẳng và đại học trong toàn tỉnh;
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại các Sở, ban, ngành, địa phương, các tổ chức xã hội triển khai với nhiều hình thức, nội dung phong phú và đa dạng, qua đó từng bước nâng cao nhận thức của người dân về những tác động nguy hại, các giải pháp phòng ngừa khi có hiện tượng khí hậu cực đoan xảy ra;
- Thông qua các hoạt động tập huấn, các hội thi về BĐKH, phổ biến các giải pháp giảm thiểu rủi ro thiên tai, ứng phó với BĐKH;
- Các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cần thường xuyên đánh giá, rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền và xác định mục tiêu, giải pháp tuyên truyền làm sao cho phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương nhằm thay đổi những hành vi, lối sống của người dân tại các cộng đồng theo hướng thân thiện với môi trường;
- Tiếp tục kiện toàn, nhân rộng các mô hình, phong trào ứng phó với BĐKH có hiệu quả trong thời gian qua của tỉnh hoặc các địa phương lân cận...
IV. GIÁM SÁT VÀ ĐÁNH GIÁ
- Ban chỉ đạo ứng phó với BĐKH có trách nhiệm giao rõ trách nhiệm trong việc quản lý thực hiện Kế hoạch và sẽ có những điều chỉnh khi cần thiết;
- Tăng cường năng lực tổ chức, quản lý của lãnh đạo các đơn vị trực thuộc các Sở, ban, ngành liên quan về BĐKH và các vấn đề liên quan đến ứng phó với BĐKH;
- Đẩy mạnh các hoạt động ứng phó BĐKH trong các ngành/lĩnh vực ở các tiểu vùng khác nhau;
- Đẩy mạnh phối hợp, tham gia của các cơ quan liên quan như: Sở Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc thực hiện Kế hoạch; phân bổ nguồn lực và tổ chức thực hiện kế hoạch;
- Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các dự án có công nghệ sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường; các dự án thu gom, xử lý nước thải, rác thải hay các dự án ở các khu vực khó khăn, chịu ảnh hưởng của BĐKH;
- Giao Sở Tài nguyên và Môi trường làm cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh tổ chức thực hiện Kế hoạch; chịu trách nhiệm giám sát, đánh giá việc triển khai trên địa bàn tỉnh; định kỳ tổng hợp tình hình thực hiện để UBND tỉnh báo cáo Văn phòng Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu và Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Đối với Sở, ban, ngành thuộc tỉnh: Có trách nhiệm giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện Kế hoạch trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao; định kỳ hàng năm tổng hợp tình hình thực hiện, báo cáo UBND tỉnh, đồng thời gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp chung;
- Giao UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm giám sát, đánh giá việc triển khai trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố; định kỳ hàng năm tổng hợp tình hình thực hiện, báo cáo UBND tỉnh, đồng thời gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp chung;
- Khuyến khích các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức khác tham gia vào việc giám sát, đánh giá độc lập việc thực hiện các nội dung của Kế hoạch trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi;
- Giám sát, đánh giá việc xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách: Sự tuân thủ và tác động của các chính sách, cơ chế đối với việc thực hiện các mục tiêu và chỉ tiêu của kế hoạch hành động. Việc giám sát, đánh giá thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch hành động được tiến hành hàng năm tại tất cả các cấp tham gia do các đơn vị chủ trì thực hiện và được tổng hợp để báo cáo Chính phủ;
- Trách nhiệm thực hiện giám sát, đánh giá: Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm quản lý và lưu trữ những thông tin tổng hợp do các huyện, thị xã, thành phố báo cáo; kiểm tra và hướng dẫn cấp huyện, thị xã, thành phố gửi báo cáo định kỳ; UBND tỉnh tổng hợp thông tin và gửi báo cáo định kỳ lên Ban chỉ đạo Kế hoạch hành động của Trung ương; UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp, quản lý, lưu giữ thông tin và báo cáo định kỳ; gửi báo cáo tổng hợp thông tin định kỳ theo khu vực hoặc xã, phường cho cơ quan chỉ đạo Kế hoạch hành động cấp tỉnh là Sở Tài nguyên và Môi trường.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN
- Nguồn kinh phí: Bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính (tham mưu UBND tỉnh) và UBND các huyện, thị xã, thành phố đảm bảo kinh phí để triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của các sở, ngành, địa phương.
- Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí cho công tác thực hiện Kế hoạch thực hiện theo đúng quy định hiện hành.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, điều hành, hướng dẫn thực hiện Kế hoạch hành động trình UBND tỉnh ban hành hoặc ban hành theo chức năng, nhiệm vụ được giao;
- Phối hợp với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính xây dựng kế hoạch kinh phí hằng năm, tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công;
- Hướng dẫn, hỗ trợ các Sở, Ban, ngành, địa phương trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của tỉnh;
- Điều phối chung các hoạt động về thông tin, giáo dục và truyền thông liên quan đến BĐKH, Tổ chức giám sát thực hiện Kế hoạch: Đánh giá việc triển khai các nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch; phối hợp các Sở, ban, ngành liên quan tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch. Định kỳ trước ngày 31 tháng 10 hàng năm hoặc theo yêu cầu đột xuất, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Văn phòng Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan về kết quả thực hiện;
- Là đầu mối trong việc tiếp nhận và quản lý các hoạt động về BĐKH trên địa bàn tỉnh; định kỳ hằng năm tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường kết quả thực hiện các Chương trình, Kế hoạch hành động về BĐKH, đề xuất giải quyết những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương lồng ghép, tích hợp các Chương trình, nhiệm vụ ứng phó với BĐKH và giảm thiểu nguy cơ rủi ro do thiên tai vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tìm kiếm, huy động, lồng ghép, cân đối các nguồn vốn, tổng hợp nhu cầu kinh phí, trình UBND tỉnh theo quy định để triển khai Kế hoạch;
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng cơ chế giám sát, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch hành động;
- Phối hợp với Sở Tài chính phân bổ các nguồn vốn, điều phối kinh phí chung và điều phối các nguồn tài trợ, bao gồm cả điều phối các nguồn vốn ngân sách Nhà nước hằng năm cho các chương trình và dự án liên quan đến BĐKH.
3. Sở Tài chính
- Tại thời điểm lập dự toán hàng năm; trên cơ sở Kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các cơ quan, đơn vị lập dự toán kinh phí chi thường xuyên gửi Sở Tài nguyên và Môi trường có ý kiến, tổng hợp gửi Sở Tài chính thẩm tra kinh phí, tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí chi thường xuyên theo phân cấp ngân sách và khả năng cân đối ngân sách địa phương để triển khai thực hiện.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường phân bổ các nguồn vốn, nguồn tài trợ.
4. Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp liên quan
- Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị liên quan chủ trì, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại Mục VI và Phụ lục kèm theo kế hoạch. Căn cứ vào Kế hoạch, tiến hành xây dựng Kế hoạch chi tiết đối với từng ngành;
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, các Sở, ban, ngành chủ động xây dựng các nhiệm vụ cấp tỉnh theo danh mục các nhiệm vụ, dự án triển khai Kế hoạch, gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp theo quy định;
- Căn cứ các nhiệm vụ trong Kế hoạch, các Sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan chủ động xây dựng Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ, dự toán kinh phí thực hiện để làm cơ sở xác định, bố trí ngân sách và đề nghị Trung ương, các tổ chức quốc tế hỗ trợ kinh phí thực hiện;
- Tổ chức giám sát thực hiện Kế hoạch: các Sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức đánh giá việc triển khai các nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch và tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch. Định kỳ trước ngày 31 tháng 10 hàng năm hoặc theo yêu cầu đột xuất, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Văn phòng Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan về kết quả thực hiện;
- Khuyến khích các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức phi Chính phủ và doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ của mình, chủ động tham gia vào các hoạt động ứng phó với BĐKH, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục, thông tin và truyền thông; hỗ trợ và huy động sự tham gia của cộng đồng, phổ biến kinh nghiệm các mô hình ứng phó hiệu quả với BĐKH; thực hiện hoặc tham gia thực hiện các chương trình, dự án trong Kế hoạch hành động của các Ban, ngành, địa phương và đoàn thể.
Trên đây là Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh Quảng Ngãi; trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, cá nhân phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.
PHỤ LỤC
DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ ƯU TIÊN ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
Kèm theo Quyết định số 669/QĐ-UBND ngày 14/10/2024 của UBND tỉnh Quảng Ngãi
STT | Tên nhiệm vụ | Mục tiêu, kết quả chính cần đạt được | Cơ quan chủ trì thực hiện | Cơ quan phối hợp | Thời gian thực hiện | Mức độ ưu tiên thực hiện |
I | Thích ứng với biến đổi khí hậu | |||||
1 | Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BĐKH và TTX trong các trường học | Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức về BĐKH trong các trường học trên địa bàn tỉnh. | Sở Giáo dục và Đào tạo | Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin truyền thông | Thực hiện cho cả giai đoạn | Ưu tiên cao |
2 | Truyền thông nâng cao nhận thức về BĐKH cho bộ máy quản lý các cấp và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh | Nâng cao nhận thức về BĐKH cho bộ máy quản lý các cấp và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh. | Sở Tài nguyên và Môi trường | Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin truyền thông | Thực hiện cho cả giai đoạn | Ưu tiên cao |
3 | Tổ chức lồng ghép tập huấn cho cán bộ y tế về kiến thức, kỹ năng thống kê báo cáo các tổn thất về tình hình sức khỏe, cơ sở vật chất hệ thống y tế... khi có thiên tai, thảm họa xảy ra. | Nâng cao nhận thức, năng lực cho cán bộ phụ trách về BĐKH tại các cơ quan | Sở Y tế | Các sở ban ngành và địa phương | Thực hiện cho cả giai đoạn | Ưu tiên cao |
4 | Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ và khai thác bền vững tài nguyên rừng, phòng chống cháy rừng; | Bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững đất rừng để tăng lượng hấp thụ carbon và loại bỏ phát thải khí nhà kính. | Sở NN và PTNT | Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin truyền thông | Thực hiện cho cả giai đoạn | Ưu tiên cao |
5 | Xây dựng kế hoạch phát triển mạng lưới trạm KTTV chuyên dùng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. | - Xây dựng mạng lưới trạm KTTV chuyên dùng hiện đại, khoa học; - Nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo hiện tượng KTTV nguy hiểm, phục vụ tốt công tác phòng chống thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường | Sở Tài nguyên và Môi trường | UBND các huyện, Thành phố, thị xã; Sở Nông nghiệp và PTNT, Đài KTTV Quảng Ngãi và Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh. | 2025 | Ưu tiên cao |
6 | Xây dựng cơ sở dữ liệu về biến đổi khí hậu cho tỉnh Quảng Ngãi | - Xây dựng hệ thống CSDL về BĐKH trực tuyến; - Nâng cao năng lực quản lý, giám sát và tăng cường khả năng ứng phó với BĐKH góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, CLQG về BĐKH. | Sở Tài nguyên và Môi trường | UBND các huyện, Thành phố, thị xã, các Sở ban ngành | 2025 | Ưu tiên cao |
7 | Điều tra, đánh giá khả năng xâm nhập mặn của hạ lưu sông Trà Khúc, sông Vệ, Trà Bồng, Trà Câu ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp và đề xuất các giải pháp giảm thiểu. | - Đánh giá khả năng xâm nhập mặn, đề xuất các giải pháp đối với sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. | Sở Tài nguyên và Môi trường | UBND các huyện, Thành phố, thị xã, các Sở ban ngành | 2025-2027 | Ưu tiên trung bình |
8 | Xây dựng bản đồ ngập lụt và lập phương án phòng, chống lũ, lụt cho vùng hạ du của các hồ chứa lớn trong tình huống xả lũ khẩn cấp và vỡ đập | - Công bố các bản đồ, phương án phòng chống lũ, lụt do xả lũ và vỡ đập của một số hồ chứa lớn | Sở NN và PTNT | UBND các huyện, Thành phố, thị xã, các Sở ban ngành | 2025-2026 | Ưu tiên cao |
9 | Phân vùng rủi ro và cảnh báo rủi ro thiên tai phục vụ quy hoạch, chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu | - Bản đồ Phân vùng rủi ro và cảnh báo rủi ro thiên tai | Sở NN và PTNT | UBND các huyện, Thành phố, thị xã, các Sở ban ngành | 2025-2026 | Ưu tiên cao |
10 | Điều tra, đánh giá và xây dựng hệ thống cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét | Xây dựng hệ thống cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét trực tuyến | Sở Tài nguyên và Môi trường | UBND các huyện, Thành phố, thị xã, các Sở ban ngành | 2025-2027 | Ưu tiên cao |
11 | Ứng dụng, triển khai các mô hình canh tác tổng hợp thích ứng với biến đổi khí hậu trên hệ sinh thái đất trồng lúa | Ứng dụng, triển khai các mô hình canh tác tổng hợp (lúa tôm, lúa cá, lúa vịt, lúa và kết hợp tái sử dụng phụ phẩm làm phân bón, sản xuất năng lượng) thích ứng với biến đổi khí hậu trên hệ sinh thái đất trồng lúa | Sở Nông nghiệp và PTNT | UBND các huyện, Thành phố, thị xã, các Sở ban ngành | 2025-2030 | Ưu tiên cao |
12 | Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại đảo Lý Sơn thích ứng với BĐKH | Hỗ trợ xây dựng nhà ở du lịch Homestay, tạo sinh kế bền vững cho người dân trên đảo; Hỗ trợ nâng cao năng lực phát triển du lịch cho người dân trong điều kiện thích ứng BĐKH | Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch | UBND các huyện, Thành phố, thị xã, các Sở ban ngành | 2026-2030 | Ưu tiên cao |
13 | Tăng cường khả năng ứng phó với BĐKH của hệ thống y tế, ưu tiên hệ thống y tế cơ sở | Rà soát lại các cơ sở y tế có giải pháp nhằm ứng phó với các tác động của BĐKH; Đề xuất các phương án để trạm y tế đáp ứng một cách có hiệu quả với các tình huống thiên tai và thời tiết cực đoan. | Sở Y Tế | UBND các huyện, Thành phố, thị xã, các Sở ban ngành | 2026-2030 | Ưu tiên thấp |
14 | Xây dựng và phát triển mô hình cộng đồng ứng phó với thiên tai, BĐKH, mô hình làng sinh thái, nông thôn mới ứng phó với BĐKH và BVMT | Đánh giá hiện trạng quy hoạch phát triển nông thôn, giải pháp quy hoạch có lồng ghép BĐKH vào phát triển nông thôn | Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch | UBND các huyện, Thành phố, thị xã, các Sở ban ngành | 2026-2030 | Ưu tiên cao |
15 | Xây dựng và tổ chức thực hiện việc giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp địa phương. | Tổ chức đánh giá, giám sát các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp địa phương | Sở Tài nguyên và Môi trường | UBND các huyện, Thành phố, thị xã, các Sở ban ngành | 2025-2030 | Ưu tiên cao |
II | Tăng cường khả năng chống chịu | |||||
1 | Xây dựng mới Hồ chứa nước Thượng Sông Vệ tại huyện Ba Tơ | Giảm lũ vùng hạ du, cấp nước cho nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt, kết hợp nuôi trồng thủy sản và tạo cảnh quan, môi trường và phát điện. | Sở NN và PTNT | UBND các huyện, Thành phố, thị xã, các Sở ban ngành | 2026-2030 | Ưu tiên cao |
2 | Hiện đại hóa thủy lợi thích ứng biến đổi khí hậu | Nâng cấp, hiện đại hóa các trạm bơm, kênh thuộc các xã Bình Sơn, Sơn Tịnh, TP Quảng Ngãi, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ, Ba Tơ; Sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước Biển Qua, huyện Minh Long; Sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước Sở Hầu, thị xã Đức Phổ; Sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước huyện Bình Sơn (Châu Long, Châu Thuận, Bình Yên, Lỗ Tây, Hố Chuối); Sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước huyện Sơn Tịnh (Hố Vàng, Hố Đèo, Đá Chồng). | Sở NN và PTNT | UBND các huyện, Thành phố, thị xã, các Sở ban ngành | 2026-2030 | Ưu tiên cao |
3 | Xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số. | Nâng cấp, hiện đại hóa các đập dâng, kênh tại các huyện Ba Tơ, Sơn Hà, Trà Bồng, Sơn Tây, xây dựng mới Hệ thống cấp nước sinh hoạt huyện Ba Tơ; Hệ thống cấp nước sinh hoạt huyện Trà Bồng; Hệ thống tưới và cấp nước sinh hoạt xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà; | Sở NN và PTNT | UBND các huyện, Thành phố, thị xã, các Sở ban ngành | 2026-2030 | Ưu tiên cao |
4 | Kè chống sạt lở bờ sông thích ứng BĐKH | Các công trình chống sạt lở bờ sông: Sông Trà Khúc đoạn qua các huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, thành phố Quảng Ngãi; sông Vệ đoạn qua các huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa và Mộ Đức; sông Trà Bồng đoạn qua các huyện Bình Sơn, Trà Bồng; sông Phước Giang đoạn qua các huyện Minh Long, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa và thành phố Quảng Ngãi. | Sở NN và PTNT | UBND các huyện, Thành phố, thị xã, các Sở ban ngành | 2026-2030 | Ưu tiên cao |
5 | Kè chống sạt lở bờ biển thích ứng BĐKH | Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đê kè kết hợp đường giao thông bao quanh đảo Lớn, đảo Bé gồm: Các tuyến đê huyện đảo Lý Sơn, Đường cơ động kết hợp chống sạt lở xã An Bình; Các Kè chống sạt lở bờ biển: Xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi; Bình Châu, Bình Trị, Bình Hải, Bình Thuận, huyện Bình Sơn; Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ,.... | Sở NN và PTNT | UBND các huyện, Thành phố, thị xã, các Sở ban ngành | 2026-2030 | Ưu tiên cao |
6 | Xây dựng hoàn thiện các tuyến đê sông, đê biển, đê cửa sông | Xây dựng hoàn thiện các tuyến đê sông, đê biển, đê cửa sông: Đê Bình Minh - Bình Trung huyện Trà Bồng; các công trình chống lũ bờ Bắc, bờ Nam sông Trà Khúc đoạn qua thành phố Quảng Ngãi; Đê, kè Phổ Minh (giai đoạn 2) tại các phường Phổ Minh, Phổ Quang thị xã Đức Phổ;... | Sở NN và PTNT | UBND các huyện, Thành phố, thị xã, các Sở ban ngành | 2026-2030 | Ưu tiên cao |
7 | Xây dựng hệ thống cấp nước sạch nông thôn bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. | CTCNTT liên xã Bình Hòa - Bình Phước - TT Châu Ổ; CTCNTT liên xã Đức Nhuận - Đức Hiệp, huyện Mộ Đức; CTCNTT liên xã Hành Minh - TT Chợ Chùa - Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành; CTCNTT liên xã Tịnh Bình - Tịnh Hiệp - Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh; Hệ thống cấp nước sinh hoạt liên xã Nghĩa Hiệp - Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa. | Sở NN và PTNT | UBND các huyện, Thành phố, thị xã, các Sở ban ngành | 2026-2030 | Ưu tiên trung bình |
8 | Nâng cấp, hiện đại hóa công trình đầu mối, kênh dẫn thuộc hệ thống thủy lợi Thạch Nham, hệ thống thủy lợi Hồ Núi Ngang - Liệt Sơn và kênh liên huyện, liên xã | Hoàn thiện hệ thống thủy lợi Thạch Nham, hệ thống thủy lợi Hồ Núi Ngang - Liệt Sơn và kênh liên huyện, liên xã | Sở NN và PTNT | UBND các huyện, Thành phố, thị xã, các Sở ban ngành | 2026-2030 | Ưu tiên cao |
9 | Xây dựng kênh thoát nước chống ngập úng các xã ven biển bị ngập úng do mưa lớn, triều cường, nước biển dâng | Kiên cố hóa hệ thống kênh thoát nước chống ngập úng các xã ven biển (xã Phổ An, xã Phổ Khánh, phường Phổ Quang, phường Phổ Vinh); nạo vét, chỉnh trị các sông tăng khả năng tiêu thoát lũ hệ thống sông Phước Giang và hệ thống tiêu sông Thoa,.. | Sở NN và PTNT | UBND các huyện, Thành phố, thị xã, các Sở ban ngành | 2026-2030 | Ưu tiên cao |
10 | Nạo vét ổn định cửa thoát lũ, khơi thông dòng chảy thích ứng với BĐKH. | Ổn định cửa thoát lũ sông Vệ: xây dựng Đê chắn cát: L: 1,35 km; Nạo vét mở rộng dòng chảy sông Vệ khu vực đèo Quán Thơm B: 150÷170 m; Ñnv: +1,8÷2 m; Nạo vét khơi thông dòng chảy thoát lũ sông Vệ Khối lượng nạo vét 2,66 triệu m3; Nạo vét khơi thông dòng chảy thoát lũ sông Trà Câu Khối lượng đào 0,34 triệu m3. | Sở NN và PTNT | UBND các huyện, Thành phố, thị xã, các Sở ban ngành | 2026-2030 | Ưu tiên cao |
11 | Đầu tư, nâng cấp, sửa chữa các cảng cá, khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá; khu dịch vụ hậu cần nghề cá | Đầu tư, nâng cấp, sửa chữa các cảng cá, khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá; khu dịch vụ hậu cần nghề cá, hạ tầng nuôi trồng thủy sản các huyện: Bình Sơn, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Lý Sơn, thị xã Đức Phổ, TP. Quảng Ngãi | Sở NN và PTNT | UBND các huyện, Thành phố, thị xã, các Sở ban ngành | 2031-2035 | Ưu tiên cao |
12 | Dự án thu, trữ nước huyện Lý Sơn phục vụ cấp nước. | Thu, trữ nước huyện Lý Sơn phục vụ cấp nước trong điều kiện BĐKH | Huyện Lý sơn | UBND các huyện, Thành phố, thị xã, các Sở ban ngành | 2031-2035 | Ưu tiên trung bình |
13 | Xây dựng các khu tái định cư, ổn định dân cư vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai thích ứng với BĐKH | Xây dựng các khu tái định cư, ổn định dân cư vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai (lũ quét, sạt lở đất,...). | Sở NN và PTNT | UBND các huyện, Thành phố, thị xã, các Sở ban ngành | 2031-2035 | Ưu tiên cao |
III | Giảm nhẹ rủi ro thiên tai | |||||
1 | Hiện đại hóa hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn và giám sát xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh | Xây dựng một số trạm quan trắc, giám sát mặn. | Sở Tài nguyên và Môi trường | Sở Nông nghiệp và PTNT | 2026-2028 | Ưu tiên cao |
2 | Hiện đại hóa, nâng cao năng lực giám sát diễn biến tài nguyên rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp tỉnh Quảng Ngãi | Tăng cường công tác quản lý nhà nước giám sát diễn biến tài nguyên rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp, quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh Quảng Ngãi | Sở NN và PTNT | UBND các huyện, Thành phố, thị xã, các Sở ban ngành | 2026-2028 | Ưu tiên trung bình |
3 | Triển khai thực hiện Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 23/02/2023 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia trên địa bàn tỉnh. | Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và phòng, chống thiên tai; nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai của người dân và cộng đồng; tăng cường khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng; xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để chủ động phòng, chống, giảm thiệt hại do thiên tai | VPTT BCH PCTT và TKCN tỉnh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | UBND các huyện, thị xã, thành phố; Các Sở, ngành, địa phương. | Hằng năm | Ưu tiên cao |
IV | Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính | |||||
1 | Xây dựng các mô hình thí điểm, nhân rộng các mô hình XHH thu gom, xử lý, tái sử dụng chất thải trong trồng trọt (phế phẩm nông nghiệp) như: rơm rạ, thân ngô, lõi ngô, bã mía, lá mía, , vỏ sắn,... làm phân hữu cơ, than sinh học, thức ăn chăn nuôi, vật liệu,... giảm ô nhiễm môi trường và giảm phát thải khí nhà kính | Xây dựng mô hình thí điểm thu gom, xử lý và tái sử dụng chất thải trong trồng trọt để làm phân hữu cơ, than sinh học, thức ăn chăn nuôi, vật liệu, chất độn ,... Tạo ra các sản phẩm phân hữu cơ, than sinh học, ... | Sở NN và PTNT | UBND các huyện, Thành phố, thị xã, các Sở ban ngành | 2025-2026 | Ưu tiên cao |
2 | Chuyển đổi công nghệ đèn cao áp, metal - highlight sáng đèn LED (COB) trên các tàu đánh bắt xa bờ tại các huyện ven biển | Thay thế hệ thống đèn cao áp hiện hữu bằng đèn LED công nghệ COB với tiêu chuẩn Nhật Bản cho các tàu đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh | Sở NN và PTNT | UBND các huyện ven biển | 2024 - 2025 | Ưu tiên cao |
3 | Nghiên cứu tiềm năng và đề xuất giải pháp sản xuất các sản phẩm phân hủy sinh học từ các phế phụ phẩm nông nghiệp của tỉnh | Sản xuất các sản phẩm túi, bao bì phân hủy sinh học; Đăng ký và chuyển giao công nghệ cho đơn vị sản xuất để đưa vào sản xuất hàng loạt. | Sở Khoa học và Công nghệ | UBND các huyện, Thành phố, thị xã, các Sở ban ngành | 2025-2026 | Ưu tiên cao |
4 | Kiểm kê khí nhà kính và đề xuất các giải pháp quản lý phát thải trên địa bàn tỉnh | Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, phát triển nền kinh tế của tỉnh theo hướng cacbon thấp; Thu thập thông tin, số liệu, đánh giá hiện trạng; Xây dựng các phương pháp luận tính toán lượng phát thải khí nhà kính và hệ số phát thải cho từng lĩnh vực phát thải phù hợp với điều kiện kinh tế và xã hội | Sở Tài nguyên và Môi trường | UBND các huyện, Thành phố, thị xã, các Sở ban ngành | 2026-2030 | Ưu tiên cao |
5 | Xây dựng dự án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia cho các lĩnh vực: năng lượng; giao thông; chất thải; quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm; nông nghiệp, lâm nghiệp của tỉnh. | Xác định được dự án có tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính cho các lĩnh vực năng lượng; giao thông; chất thải; quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm; nông nghiệp, lâm nghiệp của tỉnh; Điều tra khảo sát các lĩnh vực, xây dựng danh mục kế hoạch thích ứng trên địa bàn tỉnh; Danh mục nhiệm vụ/ dự án ưu tiên thích ứng với biến đổi khí hậu | Sở Tài nguyên và Môi trường | UBND các huyện, Thành phố, thị xã, các Sở ban ngành | 2026-2030 | Ưu tiên cao |
Quyết định 669/QĐ-UBND năm 2024 về Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Số hiệu: 669/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 14/10/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
- Người ký: Trần Phước Hiền
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra